Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


      

“TIẾNG HÓT LOÀI CHIM DI”
HAY LỜI NHÂN ÁI TỪ SONG NHỊ



        


N hư những lời ru êm đềm, tha thiết, Tiếng hót loài chim di của Song Nhị đã vượt thoát, vươn lên từ vực thẳm vắng lặng bằng những thanh âm ngọt ngào. Cũng như Tiếng hờn chiến mãVề lối đi xưa – 2 thi tập trước của tác giả– sự ra đời của THLCD vừa qua cũng đã được giới thưởng ngoạn thi ca tại miền Thung lũng Hoa vàng và các trung tâm sinh hoạt Văn học Nghệ thuật hải ngoại ưu ái tiếp nhận với nhiều thiện cảm.

     Tập thơ dày 214 trang với 80 bài thơ. Tranh bìa là một họa phẩm màu của Trần Hoài. Phụ bản gồm 2 bức tranh của họa sĩ Ðằng Giao và bức Giặt lụa của Thanh Trí, cùng thủ bút bài thơ: “Nếu anh còn trẻ” [sáng tác năm 1941] của Hoàng Cầm, do ông chép lại và thân ái đề tặng SN. Bài thơ này do con gái thi sĩ HC sau khi về thăm quê hương, đem sang trao cho tác giả THLCD vào giữa mùa hè 3 năm trước. Thi sĩ HC là một trong những nhân vật chủ yếu như: Phan Khôi, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Ðạt, Nguyễn Hữu An… đã bị nhà nước miền Bắc kết tội, thẳng tay triệt hạ vào tháng 6/58 trong vụ án Nhân văn Giai phẩm. Chắc hẳn người đọc chưa quên sự kiện quan trọng, gây chấn động lớn trong lịch sử văn học này. SN tình cờ đọc được vài số NVGP vào năm 1958 sau 4 năm lưu lạc bên Lào cùng với gia đình để trốn chạy thảm họa “cải cách ruộng đất”. SN đã say mê đọc các tập san đó khi được anh TKC, một trong những sinh viên Hà Nội đã vượt biên sang Lào sau vụ NVGP, trao cho.

      Không biết thơ, văn và các bài viết của những vị tiền bối kia liệu có ảnh hưởng, tác động gì sâu đậm đến tâm hồn chàng thanh niên trẻ tuổi sớm lưu vong ấy không, mà năm 60, sau khi từ Lào về Sài Gòn để tiếp tục học hành, anh đã bắt đầu làm thơ, viết văn, làm báo. Từ báo tường, báo học trò, báo sinh viên, đặc san, đến nhật báo, nguyệt san. Anh luôn hăng say hoạt động nghệ thuật, khi với tư cách cộng tác viên, khi với tư cách người chủ trương. Những đam mê thường hằng về văn chương, chữ nghĩa kia như một mục tiêu tối thượng, như một nghiệp dĩ, đã đeo đuổi cả cuộc đời anh. Ở trường học, ở cơ quan, hay trong quân ngũ, công việc của anh lúc nào cũng dính liền với báo chí, với thơ. Ngay cả trong 10 năm nhục nhằn lao dịch ở các trại tù từ Nam ra Bắc, anh cũng âm thầm, lén lút làm thơ. Vừa đặt chân sang Mỹ theo diện H.O chưa được bao lâu, anh đã đứng ra thành lập cơ sở xuất bản Thi văn Cội nguồn. Sau khi TVCN ổn định, anh lại tập họp bằng hữu và cùng với nhà văn Trần Anh Lan chủ trương biên tập nguyệt san Văn học Nghệ thuật: Nguồn. Riêng anh còn đảm nhận thêm việc phụ trách trang VHNT cho một tờ tuần báo ở SJ – CA.

     Cảm giác đầu tiên đến với tôi khi đón nhận THLCD là vẻ mỹ thuật, sự trang nhã qua lối trình bày và kỹ thuật ấn loát, do chính tác giả tập thơ sắp xếp chăm sóc. Xen kẽ trong những bài thơ còn có nhiều tranh họa nhỏ, nên thơ - mà giới làm báo, thợ sắp chữ ngày trước thường gọi là vignette, mang thi vị Á Ðông. Khi nói về thơ của tác giả THLCD, một thi sĩ nổi tiếng của miền Nam đã từng nhận định:

      “Ðã ba bảy lượt giật mình, xúc động trong cõi đi về, rõ ràng ở SN phải có một tâm cảm sáng tạo nhạy bén, góp nhặt chắt chiu từng khổ đau làm thành chất liệu cho thi ca, nghệ thuật khởi lừng hương sắc. Thơ Song Nhị từ THCM đến VLÐX đã bước sâu vào tư tưởng lạc quan của thân phận con người, dù con người đã mất mát, thua thiệt vì cái ác, cái xấu đang ngự trị. Ý thức tìm về của SN lồng lộng, vượt lên những hệ lụy hiện tại, quá khứ và tương lai, không câu thúc đời thường, bằng cõi tâm không biên giới, hào hiệp, thanh cao.” (Diên Nghị)

      Một nhà phê bình khác ở Pháp nhận xét:

      “Thơ Song Nhị là loại thơ chiến đấu, không phải cổ vũ đấu tranh vì hận thù mà chiến đấu cho một lẽ sống không còn gian trá, giả hình, một cảnh sống trong tình thương, trong Lẽ Thật, trong cái “ÐẸP” của tình người đôn hậu, thuần nhiên, chiến đấu cho một cảnh đời ngọt ngào ân ái, luôn luôn an bình, hạnh phúc, đâu đâu cũng là Ðất Trời Quê Hương, luôn mùa Xuân hoa nở... Ngoài một số bài ngậm ngùi về cảnh phải “ngã ngựa” và một số bài nói về cảnh “đổi đời tê tái” của CS phủ trùm lên đất nước, nhân dân, nhìn chung, thơ SN luôn luôn nói đến “tình người”, không chỉ giới hạn nơi những mối tình tha thiết cao quí ai cũng hằng mong trong cuộc sống hằng ngày (yêu cha mẹ, chồng vợ, con cái, bạn bè, yêu Tổ quốc, nhân dân…) mà còn hướng đến một tình yêu thăng hoa của con người cùng cuộc sống, cuộc đời để cả mặt đất bình yên, cả nhân loại không còn bóng tối quỷ ma…” (Nguyễn Thùy)

      THLCD gồm nhiều thể loại, từ tứ ngôn, ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn, bát ngữ, đến những bài thơ tự do, phá thể, phá cách… Ngoài ra, trong tác phẩm còn có một số bài Ðường thi anh đã họa lại những bài của các thi hữu… một ít thư họa cùng 4 bài thơ được chuyển sang Anh ngữ. Tác phẩm mới này cũng do cơ sở Thi văn Cội nguồn ấn hành.

     THLCD chất chứa đầy những tiếng kêu gọi, mời mọc, gởi gắm thân thương của một di điểu đã phải đành lòng từ bỏ chốn thân yêu cũ, nơi đã từng là chiếc nôi êm ấm cưu mang nó suốt nửa cuộc đời.


     1. Thân phận, chuyện mình & chuyện nước non - qua THLCD

     Xin hãy cùng người viết dành chút ít thời gian tĩnh lặng để đi vào thế giới nhỏ bé riêng tư, cô đọng, nhưng đa dạng của tác giả THLCD, để cùng lắng nghe những tiếng lòng vang vọng, bay bổng, lãng đãng trên một chân trời bao la, to lớn hơn của quê hương qua một số bài tiêu biểu đầy âm điệu và màu sắc của SN.

      “Tôi ngồi giở những trang đời đòi đoạn – tìm lại mình trong đống bụi thời gian – buổi mưa nắng nhuốm vàng phai mái tóc – thời binh đao một thuở mãi kinh hòang –… Tuổi lên tám tôi mơ làm chim hót – chạy nô đùa bên khóm trúc bờ ao – đọc từng chữ trang Cờ Lau Tập Trận – học thuộc lòng tình tự mỗi ca dao – Thuở lên mười tôi mơ làm tráng sĩ – tuốt thanh gươm Phù Ðổng vượt băng ngàn – con ngựa sắt vung roi vào chiến trận – lũ rợ Hồ nghìn vạn đứa xác tan – Tuổi thơ tôi bềnh bồng như bọt sóng – lại in hằn thương tích khó mờ phai - cuộc đấu tố, cuộc thanh trừng giai cấp – cướp của giết người giữa chợ ban mai – Nước mắt chảy theo gia tài khánh kiệt – áo mẹ tôi loang máu giữa đấu trường – tôi xé ruột gào lên lời thống thiết – ôi, đồng bào! ôi, Tổ quốc! Quê hương! – Tôi trốn chạy một thời man rợ đó – bỏ xóm làng nơi cắt rún chôn nhau – như cánh chim suốt một đời lưu lạc - mỗi chặng đường mỗi cảm giác buốt đau -… Hai mươi năm mịt mù trong lửa khói – máu chảy thành sông xương trắng bạt rừng – đem dân đen nướng trong lò lửa hận – cả nước thành trại cải tạo tập trung – Tôi lại sống những năm dài quằn quại – lê xác thân tàn tạ chốn lao tù – tuổi xuân tôi tàn phai theo vận nước - tàn theo từng ác mộng chốn thâm u.” [trích “Ký ức những trang đời”, trang 46]

      Trong dòng sinh mệnh đa đoan, nhiễu nhương của những ngày đầy biến động, lao đao cũ, SN đã nhiều lần phải lẩn trốn tai ương ác nghiệt… Anh luôn hướng mắt, tìm về miền đất ấm với những hoài bão, tin yêu mới. Từ những ý thơ trong sáng thể hiện qua từng câu, từng chữ trong THLCD, người đọc có thể hoặc nhận ra bóng dáng, cuộc đời mình phản ảnh đâu đó, hoặc được dẫn dụ, lôi cuốn bởi những cảm xúc sâu xa qua những dòng thơ của SN. Chính yếu tố này đã khiến độc giả dễ dàng rung động và chia xẻ cùng tác giả những niềm hạnh phúc, vinh nhục, khổ đau qua cuộc biển dâu lịch sử, trong cuộc sống thời niên thiếu nhiều mộng mơ, cũng như lúc trưởng thành nhiều gian nan trắc trở của anh.

     Những nỗi niềm chua xót, đắng cay, ngậm ngùi đó được diễn tả, tô vẽ lại rõ nét như định mệnh khắt khe của một kiếp người long đong, trong một hành trình dai dẳng, của những đổi dời, đi, về, chặng dừng… dường như là chưa trọn vẹn, kết thúc: Quê hương, Ðất mới trong bài thơ tứ ngôn:
     “Ta từ cõi lạ - một lần đến đây - giữa vòng khép mở - cuộc chơi đã bày - Kìa trên cành nhỏ - bày chim họp đàn - bên bờ vọng động - đoàn người ly tan - Ta từ cõi lạ - một lần đến đây – gieo mầm nhân quả - nhận phần trả vay – Ngày qua theo bóng – đời xuôi theo dòng – bóng đời chập choạng – phận người rêu rong - Ta từ cõi lạ - một lần đến đây – căn duyên nào buộc – nhân sinh kiếp này – Ngày ta dâng lễ - ngày em đăng quang – đời lôi ta dậy – trả về hồng hoang – Ta tìm muôn dặm – dáng xưa thiên thần – tìm ngày sấm dậy – phút người trao thân - Ta từ cõi lạ - một lần đến đây – ôm toàn hư ảnh – thả vào khói mây – Một ngày ta đến – một ngày ta đi – còn ai níu lại – nói lời biệt ly?” [“Chặng dừng,” trang 11]

      Người xưa thường nói “trâu chậm uống nước đục”. Câu này áp dụng vào trường hợp các anh em H.O. và những người qua sau, tới muộn vào đầu thập niên 90 quả là không sai bao nhiêu. SN trong giai đoạn tiên khởi mới tới Hoa kỳ đã phải tìm kế sinh nhai bằng một nghề xa lạ mà anh chưa từng biết hay trải qua, hầu mong sớm hội nhập, ổn định cuộc sống.

      “Hết thời – ngồi vặn bù lon – nghe trong từng khớp – xương mòn tháng năm – ngoảnh lui – tìm chỗ xưa nằm – thấy trong tiền kiếp – vết hằn nghiệp oan.” [“Tiền thân,” trang 112]

      Cùng tâm trạng, hoàn cảnh với tác giả THLCD, 4 người thân quen của tôi, gồm 3 sĩ quan cao cấp và một vị tướng– người nào trước 75 cũng đã từng du học vài lần ở Hoa kỳ và các quốc gia tự do khác, cũng đã rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Sau khi được định cư - có thể vì tuổi các anh không còn trẻ hoặc không có thời giờ, không có hoàn cảnh để vào các trường Ðại Học “hấp” lại, nên đành chấp nhận làm những công việc “nhẹ ký” một chút để lo cho đời sống của vợ con. Chàng phi công hào hoa hay “giặc lái” A37 ngày ngày cần cù hành nghề phụ vá vỏ xe hơi cho một người chủ nhỏ vốn gốc Tây Ban Nha ở gần Khu Pháp – New Orleans. Ông cựu quận trưởng vốn là trưởng khối của Tổng Cục Tiếp Vận an nhiên trở thành người chạy máy sản xuất vật dụng cho hãng Best Buy tại Twin city thuộc tiểu bang Thập-vạn-hồ lạnh lẽo. Anh lính mũ nâu, cựu tiểu đoàn trưởng, nguyên là một thành viên trong phái đoàn liên hiệp quân sự trước đây, nay hành nghề dọn dẹp, sửa chữa bàn ghế cho một trường Trung học tại quận Cam – nơi được người ta ưu ái gọi là thủ đô của dân tị nạn. Riêng vị tướng một sao điềm đạm, ít nói, phục vụ ngành súng to, đạn lớn thì âm thầm sống chết với nghề thợ hàn trong một thị trấn “buồn tênh” gần Foxboro Stadium trên đường số 1 chạy về thành phố nhộn nhịp Boston. Phải chăng sự nhẫn nhục, quen chịu đựng nhiều gian lao trong cảnh bị đày đọa lâu dài nơi các trại tập trung tẩy não mà kẻ thống trị gọi là “ trại cải tạo” đã làm cho các anh, cũng như SN, cam phận, bình thản tiếp nhận việc trở thành công nhân trên một nước văn minh, tự do là điều khả thi, chẳng đáng phàn nàn, “lòng” chẳng chút “vẩn vơ” gì về mấy cái lẻ tẻ này, cho dù việc đó có vẻ bất thường, bất an:

      “Ở đây không khí nặng nề - những thân lưu lạc những nghề cu li – đường trần dầu dãi quản chi – trả vay vay trả sá gì thiệt hơn – Ðổi đời vời vợi nguồn cơn – nỗi đau nước mất nỗi buồn nhà tan – trời cho thoát cảnh cơ hàn – thoát cơn ác mộng bạo tàn thuở xưa – đã từng sớm nắng chiều mưa – bao năm tù tội còn chưa nản lòng – ngẩng đầu cao với trời không – sá chi hạt bụi bên lòng vẩn vơ.” [“Một ngày bất an tại hãng Mỹ”, trang 62]

      Cùng với phép tạo hình kỳ ảo, SN còn thường sử dụng thủ thuật cắt câu, đặt dấu lặng một cách tinh xảo, đắc điạ, cộng với nghệ thuật điệp từ khéo léo, nên thơ anh càng gây ấn tượng mạnh hơn vào thính giác, thị giác của người thưởng ngoạn.

      [Chứ không phải loại ngôn ngữ của “người” mà cố thi huynh Bùi Giáng đã trêu cợt như: Người điên ngôn ngữ điệp trùng - Dở chừng như mộng dở chừng như mê - Thưa em ngôn ngữ quặt què – Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên. Người điên]. Mà ở đây – theo tôi, đối tượng trào lộng chắc hẳn không phải là tha nhân vì cố thi sĩ cũng là người hay áp dụng thuật ngữ, thi pháp này trong thơ mình. Hơn nữa, trong giới văn nghệ sĩ miền Nam thời trước và ngay cả những anh chị em miền Bắc hoạt động trong lãnh vực VHNT hiện sống trong hay ngoài nước, có mấy ai không biết về “tâm trí, tính tình chẳng bình thường bao nhiêu” của lão huynh.]

      Sự né tránh cách diễn đạt một ý với nhiều từ khác nhau hay phép trùng phức [tautology] này là một ưu điểm đặc biệt nữa mà người đọc thường bắt gặp, khám phá, trong các tác phẩm của SN. Có lẽ mấy điều thẩm định trên cũng là vài nét trùng hợp về những phong cách riêng biệt của tác giả thi tập THLCD mà thi sĩ lão thành – nhân vật chăm sóc, chủ trương tờ Tiền Tuyến trước 75 - muốn đề cập, bày tỏ khi ông viết:

      “ Song Nhị làm chủ được ngòi bút của mình. Ðọc anh, ta không thể nhầm lẫn với bất kỳ một nhà thơ nào khác.” (Hà Thượng Nhân)

      [Nên nhớ, nhật báo TT của Hà tiên sinh là một nhật báo lớn, vững mạnh, có số lượng độc giả cao nhất và hơn hết, được phổ biến rộng rãi khắp miền Nam. Trước cuối năm 72, lúc tôi còn phụ trách trang trong, viết feuilleton cho vài tờ báo ngày, quen biết giới phát hành báo chí nên biết rõ việc này. Tờ báo của Hà thi sĩ đã tập hợp, qui tụ một khối lượng đông đảo giới viết văn, thơ, bình luận… hữu danh, cùng nhiều ký giả chuyên nghiệp. Chỉ riêng về bộ môn VHNT người ta có thể kể: Phan Lạc Phúc - ký giả Lô Răng, Văn Quang, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Nguyễn Ðạt Thịnh, Ðặng Trần Huân, Hà Huyền Chi, Du Tử Lê, Tường Linh, Lê Tất Ðiều… Chưa nói tới sự cộng tác, đóng góp thường xuyên của các anh em văn nghệ sĩ quân đội, các cây bút dân sự khắp nơi. Dĩ nhiên sự thành công của TT ít nhiều cũng có sự trợ giúp, tiếp sức… của một vị lão thành khác: thi sĩ Cao Tiêu.]

      Qua THLCD, chúng ta nhận ra nét riêng biệt ấy. Chúng biểu lộ rõ rệt qua hàng loạt âm thanh rực rỡ tình người, tình nhân loại, được thắp sáng bằng những ngọn lửa chân tình trong tim của người nghệ sĩ rất từ tâm, đôn hậu này. Tác giả THLCD luôn hướng thượng, thay vì để tâm trí mình vướng bận, căng thẳng với những buồn chán nội tâm, với những u hoài tồn đọng của quá khứ. Nếu nói theo La Fontaine thì “theo cánh thời gian nỗi buồn rồi cũng bay đi”. Xin hãy đọc qua những lời mời gọi tha thiết, nhiệt tình, như những tiếng kêu thúc dục cấp bách được gói ghém, dàn trải - qua bài thơ mà SN đã ưu ái, thích thú tuyển chọn làm tựa đề cho thi tập:

      1. Hỡi bầy chim trên khóm rừng già – hỡi đàn ngựa hoang trên cánh đồng khô – hãy thức dậy từ giờ - nghe tiếng hát và nghe lời giục giã – Hãy tiếp tục bước đi – đi suốt một ngày – một tháng – một năm – một đời – Một đời – sống – chết – không nguôi – hãy mang đi những điều dang dở - hãy bước đi trên vô tận con đường – sẽ có gì trọn vẹn? – một niềm vui – mấy nỗi buồn!
     2. Hỡi trái tim – đời đời là máu đỏ - đời đời là yêu thương – sao cả trăm năm – trên quê cha khốn khổ - trên đất mẹ nhọc nhằn – khổ đau và bội bạc.
     3.Hỡi thân yêu – trăm nghìn lần yêu dấu – cuộc biển dâu làm vỡ vụn tinh cầu – thời gian qua chưa đủ mờ dĩ vãng – nên lòng còn trên chóp đỉnh thương đau – nên lòng còn trăm nghìn điều muốn nói – nên tình còn trăm nghìn điều mến thương – trong nỗi ngây ngất không cùng – hãy ném hồn lên đỉnh ngọn sầu đông – uống cạn sương mai giữa bầu trời lạnh giá.
     4.Nếu im lặng như một chấp nhận – nếu bước đi như một an bài – nói làm gì – để một đời không nguôi thao thức – thêm nhọc nhằn cho toan tính ngày mai .
     5.Hãy uống đi – uống cạn khối tình sầu nhung nhớ - hãy nghĩ về cuộc trùng phùng – là giả thuyết – ước mơ – hãy tạm quên ngày đau thương khổ nạn – để được yêu nhau hơn cả bao giờ.
     6.Trời sẽ nắng cây rừng hoang sẽ dậy – bầy chim di sẽ vỗ cánh bay về - ngày sẽ tới và mặt trời sẽ mọc – Hỡi loài người vội vã tỉnh cơn mê.” [“Tiếng hót loài chim di”, trang 13]

     Triển vọng và niềm tin về ngày mai hoan lạc tươi đẹp trên có thể đến với SN và mọi người VN yêu thương quê hương hay không, và bao giờ thực hiện được là một điều nan giải, khó tiên liệu.

      Khi mà đồng bào, ruột thịt nơi cố hương của anh còn ngày ngày, đêm đêm cất lên những lời xót xa, ai oán: “đất đã bị nổ tung bởi những lời dối trá, dây hòa bình còn thắt cổ người tin. [trích bài hát “Tôi cố bám lấy đất nước tôi”]

      Xin mời đọc lại lời tâm tình, tiếng kêu gọi tha thiết của THLCD về một viễn ảnh huy hoàng của đất nước, dù viễn ảnh rạng rỡ của phép lạ đó có thể không có thật, hoặc chỉ là một nỗi khao khát hư huyễn khó cơ hội thành tựu viên mãn:

      “Hãy tạm quên ngày đau thương khổ nạn– để được yêu nhau hơn cả bao giờ. - Trời sẽ nắng cây rừng hoang sẽ dậy – bầy chim di sẽ vỗ cánh bay về - ngày sẽ tới và mặt trời sẽ mọc – Hỡi loài người vội vã tỉnh cơn mê.”

      Chẳng phải hy vọng vẫn luôn luôn là niềm tin, là nhân tố tạo sức sống cho con người đó ư? Nên, xin hãy cùng với SN đốt lửa ấm lên, nổi lửa thiêng lên, vun nén, giương cao ngọn lửa hồng trong trái tim, trong trí tuệ. Nên, xin hãy cùng nhau nguyện cầu và thắp sáng niềm tin ấy, để mong ước rồi một ngày nào đó, những cánh chim bỏ tổ ra đi sẽ có cơ hội cùng nhau quây quần, chắp cánh bay về tìm lại rừng xưa, tổ ấm, cành lá cũ… với những tiếng hót ngọt ngào, đằm thắm, vui vẻ hơn Tiếng hót loài chim di, mà tâm trạng hôm nay, tưởng chừng còn vương mang đây đó vài âm hưởng lạc loài, bơ vơ.

      Những cụm lửa khói ác nghiệt của chiến tranh chắc cũng đã lụi tàn, tắt đi sau hơn 30 năm. Nỗi nhọc nhằn bao năm khổ nhục, cay đắng trong lao tù cải tạo và thời gian sau đó có thể cũng chìm dần trong cố gắng lãng quên. Có còn chăng trong anh cũng chỉ là chút ít man mác hồi nhớ trong ký ức, để anh từ đó chiếu rọi, tìm thấy cho mình một nguồn vui gần gũi hơn dưới mái ấm, hạnh phúc gia đình:

      “Em ạ - bỗng dưng mình trẻ lại – Dẫu hồn nhiên phơi phới đã xa rồi – Nhớ thuở nào trái chín mộng nguyên tươi – Hoa lá đất trời – rộn ràng tở mở - Làm sao để quên – làm sao không nhớ – Buổi em về vành vạnh một vầng trăng – Có con mèo con quấn quít tung tăng – Rúc vào lòng anh thở quen hơi ấm – Có con sáo – đậu trên vai anh mỗi sáng – chờ được mớm mồi trên những vuốt ve – Có con vành khuyên hót mỗi trưa hè – Có suối-tóc-mây phả mùi hương lạ - Anh quên mất những tháng ngày Xuân. Hạ - Chợt giật mình - mây phủ khuất màu trăng – Buổi anh đi đời nổi sóng đất bằng – Người rã gánh con chim ngừng tiếng hót – Ta xa nhau giữa mùa-trăng-mật-ngọt – Anh đầu non em ở tận cuối nguồn – Anh bên trời ngày nắng cháy mưa tuôn – Con sáo bên sông cầm canh bến đợi – Khi anh về chắp lại đời trôi nổi – Thắp tiếp mùa trăng sáng thuở ban đầu – Mới đó – các con mình khôn lớn thật mau – Em ạ - nghe tiếng trẻ giòn vui – bỗng dưng mình trẻ lại.” [“Niềm vui bất chợt,” trang 91]


2. Hoài niệm, chuyện người & chuyện thế sự - qua THLCD

     Cũng bằng cảm quan sâu sắc trên, cũng bằng đôi mắt tinh tế ấy, SN đã bước ra khỏi thế giới nội tại để đi vào thế giới bên ngoài, xung quanh anh, hay nói ngắn gọn hơn là ngoại giới. Anh đã để tâm tư mình hòa nhập, ghi nhận lại những hình ảnh thay đổi cùng sự vận hành, chuyển biến của thế sự, của đời người qua những bước thăng trầm trong cuộc sống với sự hoài niệm pha lẫn niềm thương cảm:

      “Em từ vườn cấm bước ra – nhặt ba hạt dẻ bỗng òa lên reo – biết đâu là phận giàu nghèo – biết đâu là chốn cung triều đế vương – Em từ pho truyện cải lương – bước ra sân khấu diễn tuồng Kiều nhi – mười lăm năm ấy còn gì – đố trong thiên hạ ai bì kịp em – Em từ nệm ấm chăn êm – choàng tay với mộng vẽ thêm bóng hình – chợt khi nghĩ lại nghĩa tình – về soi gương cũ nhận mình không ra – Em từ đài các kiêu sa – màn che trướng rủ lụa là gấm nhung – rồi khi đời nổi bão bùng – em ra giữa chợ hứng chung phận người…” [trích “Chân dung,” trang 76]

      Những khái niệm về các tình tự loạn lạc, đau khổ, cách trở… mãi mãi vẫn là những vấn nạn, nan đề trong kiếp nhân sinh. Các ý niệm này thường tác động mạnh mẽ vào tâm thức, ký ức, làm cho con người bị vây hãm, khốn đốn không ít trong vòng ưu tư, ray rứt. Bên cạnh những hệ lụy ấy, sự giao tiếp, thân cận giữa người và người nhiều lúc cũng là một mối quan ngại. Bởi chưng nó chẳng phải lúc nào cũng trôi xuôi êm đềm theo dòng thời gian. Bởi chưng “có ai lấy thước mà đo lòng người”. Nhất là trong giai đoạn hiện tại, khi lòng người còn chưa dứt, chưa mất hẳn chất “bạc như vôi”, và còn có nhiều sự phân hóa sâu sắc.

      Dù từng trải, biết rõ nhân tình thế sự khi đầy khi vơi, nhưng với bản tính đôn hậu, từ tâm, SN lúc nào cũng hân hoan, ân cần mở rộng vòng tay, cõi lòng mình trong những cuộc giao du, kết tình tri ngộ. Hơn ai hết, thi sĩ là người vốn dĩ cô đơn, cô độc nhất. Hơn ai hết, thi sĩ là người cần có bạn tri âm để chia sẻ, giải tỏa nỗi lòng, giãi bày những thầm kín trong tâm hồn đa cảm. Qua bài thơ dưới đây, chúng ta thử tìm hiểu xem anh đã gặt hái được gì trong quá trình giao lưu thân thiện ấy, đến đỗi thi nhân phải than thở, ngậm ngùi, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”:

      “Ðôi lúc nhìn người ta chớp mắt – không dưng dòng lệ lại tuôn tràn – vẽ vời ôm ấp bao nhiêu mộng – số mạng nào trong nghiệp trái oan? – Với người ta rót tràn canh rượu – nhúng cả càn khôn nghiêng biển vơi – giang hết đôi tay lòng rộng mở - vui buồn nhân thế đám mây trôi – Bởi không nhìn được trong đôi mắt – biển ái sông mê sóng chập chùng – mộng lớn mộng con chìm ảo giác – cuốn lùa vào tận đáy mê cung – Bè bạn nhân tình như chiếc lá – một cơn gió thoảng thổi bay vèo – trăm năm ngồi đợi người tri kỷ - danh lợi hề! bèo bọt cuốn theo.” [trích “Bèo bọt,” trang 63]

     Hay những hoạt cảnh bi hài hơn của một xã hội mà nói về mặt tâm lý, đạo đức truyền thống dân tộc xem ra có vẻ hay có phần đang bị rơi vào trạng thái lệch lạc, bất định:

      “Ai đem em đến hoa kỳ - để em dứt nghĩa bỏ đi cho đành – Bắc thang lên hỏi trời xanh. Làm sao biết được gái lành gái hư? – Chàng ơi, câu hỏi chàng dư – em cần đi Mỹ nên hư đâu cần.” [trích “Chùm ca dao sang Mỹ,” trang 78]

     Mỗi người đều có một thân phận, một số mệnh riêng. Nhưng với những người bên này vĩ tuyến 17 đã từng phục vụ dưới màu cờ VNCH, dù chức vụ, cấp bậc, vị trí chỉ huy có thấp cao khác nhau bao nhiêu đi nữa, sau khi lãnh thổ mất đi, họ vẫn chỉ có chung một mẫu số: tù đày, đói khổ, nhục nhằn. Khi nhắc đến giai đoạn buồn tủi, tồi tệ này, nhiều người trong nước cũng như hải ngoại cho đến nay, nghĩa là hơn 30 năm sau, vẫn còn lên án.

     Nhân loại đang sống, đang biểu đạt, tư duy trên một vũ trụ, địa cầu được nhào nặn bằng nhiều loại ngôn ngữ, ngôn từ. Nhưng ngôn từ của SN chỉ có một nét đậm đặc. Ðó là thứ ngôn ngữ mang đầy tính chất nhân bản, nhân ái. Ngay cả khi anh phê phán, hờn trách người và chế độ đã áp đặt trên vai anh những gánh nặng oan nghiệt, đã khắc ghi lại trong tim óc anh những ám ảnh đau buồn, những vết thương rướm máu. Với tác giả THLCD, không phải lên án, nhắc lại để hận thù, mà để mong ước xã hội, chế độ đó sẽ được tắm gội bằng những giọt nước trong lành của tấm lòng nhân, và kỳ vọng chữ “NHÂN’ của bậc hiền giả Nguyễn Trãi, sẽ đến với mọi người, để từ đó sẽ có sự tiến hóa cho một tương lai rực rỡ, chói lọi trước mắt:

     1. Nhớ xưa ta làm thơ trên núi – hát dậy rừng hoang gọi tới trời – khản cổ kêu từng tên vô lại – duỗi chân dập bóng lũ ma trơi – Ta thi gan sức cùng đe búa – xẻ đá viết đầy chuyện thế gian – mẩu sắn đi vào trang sử tích – bo bo rõ mặt buổi hung tàn – Ta tìm thấy chữ Nhân treo ngược – trong túi Ức Trai ở vệ đường – nghe tiếng oan cừu xưa vọng lại – oan hồn điểm mặt bọn vô lương – Mười năm ta trả xong tiền kiếp – xuống núi rao truyền những ngụ ngôn – chép bản tình ca vào tấu khúc - phổ vào nhân loại tấm lòng nhơn.
     2.Nhớ xưa em trầm cung khuê các – dõi bóng bên trời vọng cố nhân – em thắp tình yêu lên đỉnh tháp – soi lòng nhau hẹn một mùa xuân – Mười năm dòng chảy đầy oan nghiệt – mà bản tình ca vẫn rộn ràng – em nén u hoài trong ngấn lệ - những mùa đông tận những thu sang - Mười năm em lớn lên theo núi – sừng sững trên cao những tượng đài – những bức tranh thêu nàng tố nữ - vẽ đầy ước vọng của tương lai – Mười năm ta đến đây. Nơi hẹn – tiếp cuộc nhân duyên đủ ngọt bùi – ta bước lên thềm thiên kỉ mới – nhịp đời rộn rã tiếng reo vui. [“Chuyện những mười năm”, trang 25]

     Hoài niệm về những hình ảnh, bóng dáng thân thương cũ vẫn mãi là một ý niệm khó phai mờ trong lòng thế nhân. Trong khi phải đối diện với những biến động trầm kha, lo ứng biến với nhu cầu sinh tồn, người ta có thể ngỡ chúng đã bị nhạt nhòa, quên lãng. Thực ra, những kỷ niệm đó vẫn tích lũy hay im lìm trong vô thức.. Chỉ cần tâm cơ vận động là chúng có cơ hội tuôn tràn ra mạnh mẽ, ào ào như thác đổ. Phải chăng hoài niệm là nhu cầu thiết yếu mà người làm thơ cần phải ôm ấp, trân trọng? Với SN, khái niệm này rõ ràng là chất liệu tốt, quí giá, để anh có thể kiến trúc, sáng tác nên những dòng thơ hay, đẹp, mang mang niềm nhân ái, vọng mơ và đầy xúc cảm:

      Em về. Phố núi vào đông. Lạnh – Phố núi còn không nắng sớm mai – Những giọt sương in hình cẩm thạch – Giấu trong sâu kín những u hoài – Em về phố núi không quay lại – Chắc nhớ vô cùng nắng phố xưa – Có thấy vấn vương niềm cố quận – Ðêm về nằm khóc với vần thơ? – Phố xưa mấy lối chừ hiu quạnh – Cây lá bên đường cũng quạnh hiu – Ngọn gió vào đông chừng lạnh buốt – Chắc trời phố núi cũng buồn thiu – Chắc em ngồi nhớ thời thơ dại – Ngồi nhớ bâng quơ chuyện thuở nào – Ta vẫn trên tay dòng lệ nóng – Của niềm tâm sự sớt chia nhau – Mai đây ta sẽ lên thăm núi – Tìm lại âm vang một buổi chiều – Nghe tiếng thơ gieo vần điệu lạ – Gom vài đốm lửa sưởi thương yêu. [“Người lên phố núi,” trang 100]

      Xin đọc lại câu đầu của bài thơ để thấy thêm tính chất tân kỳ, mới mẻ trong phương thức tạo hình, đặt dấu lặng trong thi ca thất ngôn của SN. Thông thường tiết tấu của thể thơ này được diễn đạt qua 2-2-3, 3-2-2, 3-4, 4-3 hay 2-5, 5-2. Âm hưởng 2/4/1 anh dùng ở đây thật tuyệt. Nhất là cái đắc địa của ngữ từ “lạnh” đứng biệt lập, chơ vơ trong câu thơ 7 chữ. Nó thật sự gây được một ấn tượng buốt giá mạnh mẽ trong cảm giác của người thưởng ngoạn.

      Tuy nói rằng “đôi khi ta nhìn ta tội nghiệp,” nhưng trí tuệ, tâm tư của tác giả THLCD luôn luôn biểu hiện trạng thái tỉnh thức, thăng hoa. Anh đem hiền hòa, bao dung, yêu thương của mình để dâng hiến cho người - người tình xưa, dù người ấy đã một lần phũ phàng ra đi và để lại trong lòng anh những dấu tích ngậm ngùi, đớn đau khôn nguôi:

      Mời Em trở lại vườn thơ – Vẫn đầy nỗi nhớ niềm mơ thuở nào – Vết thương lòng dẫu còn đau – Cứ như tình vẫn dạt dào niềm vui – Ðời qua mấy trận khóc cười – Cứ như phong vận một thời gấm nhung – Mời Em thổi đóm than hồng – Vẫn như hương lửa mặn nồng thuở xưa - Ðường tình dầu dãi gió mưa - Vẫn như hò hẹn buổi chưa phụ phàng – Ðược thua, phú quý, nghèo nàn – Cứ như đời vẫn vẹn toàn ước mơ – Mời em ghé nụ môi hờ - Cảm ơn Em, mộng ghé bờ qua đêm. [“Mời em,” trang 122]

      Cơn lốc tháng tư đen, - cái mà nhà nước CS trong nước cho đến hôm nay vẫn còn lớn tiếng gọi là “đại thắng mùa Xuân”, đã cuốn trôi bao nhiêu người VN xa lìa quê hương yêu dấu? Cụm từ huênh hoang mà đã từ lâu chính nhiều đảng viên cao cấp, nhiều văn nghệ sĩ, viên chức trí thức CS nghe qua cũng thấy khó chịu, cũng phải tán thán! Tiếp đến là từng làn sóng người ồ ạt ra đi bất chấp sinh mạng bấp bênh để “chạy trốn hòa bình”. Dân số VN chẳng biết sẽ còn lại bao nhiêu nếu các quốc gia tự do đã không sớm đóng cửa biên giới, thôi tiếp nhận người tị nạn?!

      Không phải ai cũng chấp nhận kiếp số, định mệnh đã an bài, đã chọn lựa để vui vẻ sống an nhàn, tận hưởng tự do, tiện nghi vật chất, để đổi lấy con đường lưu vong ngàn trùng xa cách thân nhân, tổ quốc. Giáo sư tiến sĩ Lý Công Tuấn – người VN vô gia cư [homeless] đã từ trần trong nỗi cô đơn, âm thầm bên một góc phố ở San José vào mùa Ðông năm 02 - là một điển hình cụ thể, qua sự minh họa của SN, với những lời thơ chứa chan tình thương cảm:

      Xuân này có người viễn xứ - hăm lăm năm biệt quê nhà – lang thang chân trời góc biển - ngậm ngùi đất tổ quê cha – Về đâu ơi người viễn xứ - khách du hay kẻ lạc loài – bốn phương đâu là huynh đệ - phương nào ngó thấy ngày mai – Hăm lăm năm đời lữ thứ - mịt mù sóng nước trùng xa – lênh đênh không bờ bến hẹn – giữa trời thống hận phong ba – Bao lâu trăng mờ lối cũ – bao lâu rồi đợi mùa xuân? - về đâu ơi người viễn xứ - lòng mờ mấy nẻo phù vân – Nơi đây quê người xứ lạ - xuân về gió lạnh tuyết rơi – nỗi đau không vì cơm áo – sao lê thân kẻ bụi đời? – Rã chân trên cồn cát mỏi – rạc rời bãi bể nương dâu – bốn phương không là quán trọ - ơi người viễn xứ về đâu? [“Người viễn xứ,” trang 127: viết cho H.O Lý Công Tuấn, GS Tiến sĩ, người VN homeless từ trần bên một góc phố mùa Ðông năm 2002]

      Ðộng cơ sâu kín, bí ẩn nào đã khiến vị thức giả khoa bảng này gạt bỏ vị trí cao sang, từ chối một cuộc sống êm ả, để đi vào con đường lang thang nơi đầu đường xó chợ? Nguyên nhân nào đã đưa đẩy vị tiến sĩ này vào con đường tự đọa đày mình? Nỗi hoài hương, tình quê sâu kín? Gia đình bất hòa, cuộc tình tan vỡ? Khinh thường lợi danh? Vì chán chê nền văn minh xã hội vật chất? Hoặc giáo sư là người thích phóng khoáng, tự do tuyệt đối, không muốn thân mình bị gò bó, trói buộc trong một cuộc sống bình thường? Hay là tổng hợp của tất cả các nghi vấn, suy luận trên?

      Hoa kỳ rộng lớn như vậy, việc những người chọn lối sống vô gia cư, hay vì không có lợi tức tối thiểu để có một mái ấm che thân, trú ngụ để phải nương tựa vào lề đường kiếm sống là một hiện tượng thiên hạ thấy chẳng có gì mới lạ… Cư dân ở Austin – Texas, chắc còn nhớ nhân vật homeless lừng danh Leslie Cochran? Leslie là người vô gia cư, luôn chầu chực ăn xin nơi các hàng quán, tiệm tạp hóa. Anh ta là người mà thị trưởng đương nhiệm Kirk Watson, năm 2000 đã từng thành thật phát biểu nỗi lo âu cho chiếc ghế bành uy nghi của mình trong tòa thị chánh, khi Leslie nổi hứng nhảy ra tranh cử, với sự trợ giúp của Yclip.com. Nghe đâu chính cơ quan DAA [Downtown Austin Alliance] cũng đã “endorse” cho kẻ vô gia cư họ Cochran vào chức vụ quan trọng này.

      Thỉnh thoảng cũng có người vì nghề nghiệp đã phải dấn thân vào con đường gian khổ này. Chẳng hạn nhà Tâm lý học J. Udall của Four Corners Community Chapel ở Cumberland, RI. Ông đã từng rời bỏ căn biệt thự đầy đủ tiện nghi để lang thang, hòa mình sống chung với những người vô gia cư tại thành phố nhỏ nhất nước là Central Falls. Chỉ vì ông muốn tìm hiểu thực chất và tình trạng của họ. Khi tôi vô tình gặp ông vào một buổi chiều mùa Ðông giá rét năm 82 bên hông tiệm Cumberland Farms, ông đang ngồi co ro bên một túp lều con, thấp. Chiếc lều chật hẹp được dựng lên bằng vài miếng giấy bìa cứng dơ bẩn, với tấm nhựa cũ phủ qua, cột lại sơ sài. Thấy ông đang hàn huyên với một kẻ láng giềng “du thủ du thực” ngồi trong túp lều bên cạnh, tôi la cà lại chào hỏi, thì ông cho biết ông đang thu thập “tài liệu, dữ kiện sống” cho các bài giảng, và để vận động chính quyền, các cơ quan từ thiện tiểu bang quan tâm hơn, dành nhiều ngân khoản hơn để cải thiện, cứu trợ cho thành phần sống bên lề xã hội này. Gót chân ông không phải chỉ dừng ở thành phố tí hon trên, mà còn trên các đường phố lân cận như Pawtucket, Woonsocket, Cranston… Udall chẳng phải là người duy nhất và đầu tiên thực hiện công việc trở thành loại “homeless tài tử”. Trong quốc gia giàu mạnh này, hàng năm, con số học giả, giáo sư xã hội học, tâm lý, thần học, nhân văn… tự hòa mình, dấn thân vào cảnh sống cơ cực ấy để viết sách, soạn luận án… không phải hiếm hoi lắm. Chưa kể lớp ký giả, columnist chuyên ngành, cần đề tài “nóng”, sống động cho các tờ báo khi có những biến động lớn có tác hại cho những người khốn khổ không nhà kia. Chẳng hạn như vào mùa bão tuyết ở miền Bắc. Chẳng hạn như vào mùa giông to, gió lớn ở các tiểu bang miến Nam. Hoặc những khi “trời hành cơn lụt mỗi năm” dọc theo vùng đồng bằng sông Mississippi dài thăm thẳm, ngút ngàn, chạy qua các đồng cỏ xanh óng ả của nhạc sĩ Irving Fields. Những cánh đồng cỏ mượt mà, thơ mộng, lúc nào cũng như mơ màng ngủ và sẵn sàng chờ đón những nụ hôn nồng ấm của các tia nắng trữ tình, cùng sự ve vuốt của những làn gió lãng mạn ban mai.

      Sau khi đọc “Người viễn xứ” của SN, tôi đã nhiều lần tự vấn, suy tư để cố tìm đáp số. Sự lựa chọn hành trình cô độc và cái chết của tiến sĩ Lý Công Tuấn – với tôi vẫn còn là một ẩn số. Với trình độ, học vị đó, nếu thấy không còn thích thú với việc giảng dạy trên bục gỗ trong các giảng đường, giáo sư có thể xin trở thành chuyên gia tư vấn [consultant] hay chuyên viên phân tích [analyst] cho các công ty lớn, với những bổng lộc đáng kể. Cùng lắm cũng có thể xin một việc làm nhẹ, thích hợp với nghề chuyên môn, trình độ của mình. [1]


      3. Lời kết

     THLCD đã vẽ lại đậm nét những đoạn đường oan khiên, nhục nhằn, cũng như những hương vị ngọt ngào, thắm thiết mà tác giả đã kinh qua, chiêm nghiệm.

      Thơ SN được cấu trúc chặt chẽ, hài hòa và đầy nhạc tính, với những nhân dáng, hình ảnh sâu đậm, mà Robert Bly và nhóm thi hữu của ông như James Wright, Louis Simpson, William Stafford… đã tận dụng, khai thác và được họ mệnh danh là “deep images”. Những dòng thơ dù mang sắc thái lãng mạn, trữ tình, hoặc thế sự, nước non được biểu tượng hóa [symbolizing style] của anh, đều luôn phảng phất, tiềm tàng rõ rệt tinh thần nhất quán của một bản thể tính hoài niệm [ontological remembrances]. Lời thơ có lúc thánh thoát, huyền diệu, chập chờn như tiếng hạ uy cầm, hay tiếng sáo chiều trên các cánh đồng mênh mông, có lúc trôi nổi, trầm buồn, nhàn nhã như những phím dương cầm được trình tấu bằng những ngón tay điêu luyện trong các thính đường ấm cúng.

      Ngoài những vần điệu, lời thơ thanh khiết, trong sáng, SN còn biết khéo léo vận dụng hài hòa ngôn từ bác học, với qui ước bình dị vào nhiều chỗ đắc địa. Cho nên tứ thơ, toàn bộ tập thơ của anh thêm nổi bật, đặc sắc, dễ thẩm thấu vào nội tâm người đọc. Bằng thi pháp điêu luyện, cùng lối sắp xếp thi ảnh, thi ngữ mang nhiều tiết điệu như đã đề cập, SN xứng đáng là một nhà thơ tài năng đang được ái mộ trên thi đàn. Anh thường được nhiều đài phát thanh ca ngợi, giới thiệu. Bài viết được phổ biến trên đài VOA của cô Bích Huyền mới khoảng chừng 3 tuần lễ trước đây là một thí dụ điển hình.

      Tóm lại, THLCH của SN là một tác phẩm hay, có giá trị, và chắc chắn là một viên gạch lớn, hoa mỹ, để chúng ta trân trọng lót, trải đường cho nỗ lực kiến tạo vững vàng công cuộc phát triển thi ca của nền Văn học hải ngoại nói riêng hay của nền Văn học VN nói chung.





VVM.26.9.2021 - do nhà thơ Song Nhị chuyển ngày 26.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com