Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



CUỐN QUÝ THƯ
“ CON ĐƯỜNG CÁI QUAN ” (SUR LA ROUTE MANDARINE)
CỦA TÁC GIẢ ROLAND DORGELÈS







Đ ây là một cuốn quý thư được xuất bản năm 1925 (92 năm trước) bởi nhà xuất bản thời danh Albin Michel. Cuốn sách khổ 12x18, dày 317 trang được in trên trên loại giấy quý “vergé pur fil Lafuma” và được đánh số 579 trên tổng số 600 cuốn được in với loại giấy này. Tôi mua được quý thư này từ tay anh bạn trung thương gia mang từ Pháp về.

Lần này vì cần tiền anh đã để cho tôi, với giá mà theo anh là giá bèo, là có 1 triệu đô mít, tương đương với khoảng trên 40 đô mẽo. Tôi rất thích vì cuốn sách, mặc dầu ra đời từ 92 năm trước, vẫn còn mới tới 80, 90%, và được đóng rất đẹp với cạnh trên mạ vàng lóng lánh. Ngoài ra tôi còn rất thích cuốn này vì nó gợi cho tôi một kỷ niệm vui vui vài năm trước, khi vì ghét bọn nam ngoại, và không muốn chúng cười người mình viết bậy, viết sai, tôi đã viết bài chỉnh sửa một sai lầm mà một nhà văn của chúng ta đã viết về cuốn này và cho rằng đề từ “Đi là chết ở trong lòng một ít” (Partir, c’est mourir un peu) để trên trang bìa lót là của chính tác giả cuốn sách. Trong khi trên thực tế câu này là một câu thơ của nhà thơ Pháp Edmond Haraucourt (1856-1942) ở trong bài thơ “Cổ thi về sự giã từ” (Rondel de l’adieu), mà điều cần lưu ý nhất là nhà thơ này được coi là chỉ để lại cho đời duy nhất có một câu thơ nổi tiếng này mà thôi, thế mà lại viết nhầm là của Roland Dorgelès thì… bọn nam ngoại nó tha hồ cười người mình viết bậy. Bài chỉnh sửa đã được đăng trên một tuần san, và nhà xuất bản hình như có hứa là khi tái bản thì sẽ chỉnh sửa.

Xin giới thiệu vắn tắt với quý bạn về nội dung cuốn quý thư này như sau:

Trong 4 tháng từ cuối năm 1923 tới đầu năm 1924, nhà văn Roland Dorgelès cùng bà xã là Hami Routchine đã sang Việt Nam và đi nhiều nơi mà nhà văn mô tả và kể lại trong cuốn này. Cuốn sách này thoạt tiên được đăng thành 11 kỳ trên tờ Illustration là một tờ báo vô cùng nổi tiếng của Pháp, từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 18 tháng 4, năm 1925. Sau đó mới được nhà xuất bản Albin Michel và một nhà xuất bản khác là nhà La Semeuse cùng in vào năm 1925.

Tác giả và vợ xuất phát từ Hà Nội, đi tới Vịnh Hạ Long, nơi anh ta gặp nhà văn nổi tiếng Pierre Loti. Sau đó do xe hơi bị hư, tác giả có ghé qua vùng Tam Điệp và rất sợ khi được dặn là phải cẩn thận vì ban đêm có cọp về rình rập. Tác giả cũng có ghé thăm vùng mỏ ở Hòn Gai (Hạ Long). Sau đó đi Huế, ghé thăm một trại cùi do các nữ tu trông coi ở Cù Lao Rồng và ăn Tết Ta ở đó, rồi vào miền Nam, thăm Chợ Lớn mà tác giả gọi là thành phố ba tầu và viết tới 37 trang về nơi này, và cuối cùng là thăm xứ Mọi.

Con đường cái quan mà tác giả nói tới trong tựa sách được mở dưới triều Gia Long dài 1730 cây số nối liền Cà Mau với Lạng Sơn qua Saigon, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội. Giờ thì là Quốc Lộ 1.

Đây cũng có thể được coi là một quý thư đã gần bách tuế, và người viết cảm thấy nó rất đáng với số đô mít người viết đã phải trả. Với người viết, đây cũng là một thứ tài liệu hay hay vì cách viết của Roland Dorgelès về người mình, về xứ sở mình không giống các tác giả khác, và cho người đọc rất nhiều chi tiết và nhận xét khá độc đáo rất đáng đọc.

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách - chương VI




VVM.05.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com