"> "> ">
Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




Nội các Trần Trọng Kim.

ĐỘC LẬP GIẢ HIỆU
CỦA ĐẾ QUỐC VIỆT NAM




                 

C ách đây 76 năm, sau khi đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9/3/1945, phát xít Nhật trao nền độc lập Việt Nam cho Hoàng đế Bảo Đại. Sự kiện này đưa đến sự ra đời của Đế quốc Việt Nam và kèm với nó sự ra đời của chính phủ Trần Trọng Kim.

Trong hồi ký Con rồng Việt Nam (1), Bảo Đại cho biết ngày 10/3/1945, một ngày sau đảo chính Pháp, Đại sứ Nhật tại Đông Dương là Yokoyama đã đến gặp ông, nói:

Tâu Hoàng thượng, đêm qua, chúng tôi đã chấm dứt chủ quyền của Pháp ở đất nước này. Tôi được trao nhiệm vụ dâng nền Độc lập của Việt Nam lên Hoàng thượng…Chính phủ của nước tôi mong muốn Hoàng thượng ban bố một sắc chỉ để cụ thể hóa nền Độc lập này”.

Ngày hôm sau, 11/3, Bảo Đại ký một đạo dụ tuyên bố độc lập của Việt Nam do Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh (2) soạn. Toàn văn như sau:

Cứ theo tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.

Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.

Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.

Khâm thử.

Huế, ngày 27 tháng Giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.”

Với đạo dụ này, An Nam với tư cách vương quốc chịu sự bảo hộ của Pháp với Trung kỳ là lãnh thổ chính thức chấm dứt. Hai ngày sau, báo chí cả ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đều đăng tin “Đế Quốc Việt Nam tuyên bố độc lập”(3).

Vẫn theo hồi ký của Cựu Hoàng, sau khi được ông trao cho đạo dụ trên, Đại sứ Nhật Yokoyama đã gợi ý ông “thành lập một chính phủ gồm toàn những người mới”. Sau khi tìm Ngô Đình Diệm từng là Thượng thư bộ Lại không thành, Bảo Đại đã yêu cầu Trần Trọng Kim, nhà giáo, sử gia nổi tiếng quê Hà Tĩnh và là người được Nhật tiến cử (4) lập chính phủ. Ngày 17/4/1945, Chính phủ Đế quốc Việt Nam được thành lập với 11 thành viên (5).

Trên cơ sở các sự kiện chính trị trên, có ý kiến cho rằng Việt Nam thời Đế quốc Việt Nam đã được độc lập và chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6). Về phần mình, tôi bác bỏ ý kiến này dựa trên phân tích quan điểm của các bên có liên quan là Nhật, Đồng Minh chống phát xít và bản thân Bảo Đại – Trần Trọng Kim.

Để biết được quan điểm của Nhật, trước hết cần biết tại sao Nhật đảo chính Pháp.

Pháp đầu hàng Đức phát xít ngày 17/6/1940 thì đến tháng 9 cùng năm Nhật, đồng minh của Đức, đưa quân xâm chiếm Đông Dương. Cuộc xâm chiếm này có 3 mục tiêu: cắt đứt vận chuyển xăng dầu, phương tiện chiến tranh cho quân đội Tưởng Giới Thạch theo tuyến Hải Phòng-Vân Nam, sử dụng các sân bay ở Đông Dương để làm bàn đạp tấn công đánh chiếm các lãnh thổ lân cận như Indonesia, Philippines, Singapore, Brunei, Malaysia, miền Nam Trung Quốc… và đặt nền kinh tế xứ “Đông Pháp” phục vụ guồng máy chiến tranh của Nhật. Dù làm chủ Đông Dương trên thực tế, Nhật đã không thiết lập chế độ trực trị Đông Dương vì quy mô dân số của bán đảo này là khá lớn (25 triệu) trong khi mục tiêu quân sự của nước phát xít này luôn là các lực lượng Đồng Minh. Do đó Nhật để cho chính quyền thực dân Pháp tiếp tục tồn tại với điều kiện chính quyền này phải đóng cho Nhật một lượng lớn tiền bạc, lúa gạo, để các công ty Nhật và do Nhật chi phối độc quyền khai thác và xuất khẩu khoáng sản sang Nhật...

Tháng 1/1945, quân Mỹ do tướng Douglas Mac Arthur chỉ huy chiếm được Philippines. Cùng thời gian máy bay Mỹ tấn công cảng Sài Gòn, đánh đắm gần 20 chiếc tàu Nhật đang đậu tại đó. Trong khi đó, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu trở cờ, bí mật liên lạc với lực lượng Pháp tự do (Tiếng Anh, Free French) do Tướng De Gaulle được Anh bảo trợ lãnh đạo để chống Nhật. Coi đó là những chỉ dấu rõ rệt lực lượng Đồng Minh sắp đổ bộ vào Đông Dương, chiều ngày 9/3/1945 Nhật ra tối hậu thư cho Toàn quyền Đông Dương Decoux theo đó Pháp phải đặt toàn bộ lực lượng vũ trang, các cơ sở hậu cần và bộ máy hành chính dưới quyền chỉ huy của Nhật để tổ chức phòng thủ. Tối cùng ngày, quân Nhật tiến hành đảo chính, bắt giam Decoux và hầu hết các quan chức cao cấp của chính quyền thực dân Pháp. Đến chiều hôm sau, 10/4, mọi kháng cự của quân Pháp trên toàn Đông Dương bị dập tắt.

Để tiếp tục huy động các nguồn lực của Đông Dương cho nỗ lực chiến tranh của mình, Nhật buộc phải dựng lên các chính quyền bản xứ thay cho chính quyền thực dân Pháp đã tan rã sau đảo chính. Thế nhưng việc này là không thể chừng nào xứ này chưa có chủ quyền. Trao độc lập cho Việt Nam vì vậy đối với Nhật chỉ là giải pháp tình thế. Việc Đại sứ Yokoyama vội vã khuyên Bảo Đại lập chính phủ ngay sau khi Hoàng đế cuối cùng của Triều Nguyễn ra đạo dụ tuyên bố độc lập với Pháp cho thấy rõ toan tính này của Nhật.

Tóm lại, trong con mắt của Nhật, chính phủ tương lai của Đế quốc Việt Nam sẽ không có quyền gì khác ngoài tuân lệnh nước này. Nói cách khác, đó sẽ là một chính phủ bù nhìn. Do đó, Nhật không thể chọn một chính khách để lập chính phủ vì một người như vậy với kinh nghiệm chính trị của mình dễ trở nên bất trị. Kết cục như ta đã thấy, Nhật đã không chọn Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng như đề xuất của Bảo Đại, cho dù cựu Thượng thư bộ Lại này nổi tiếng thân Nhật (7). Thay vào đó Nhật đã chọn nhà giáo và nhà sử học Trần Trọng Kim, tức một người thuần túy chuyên môn, để rồi tác giả Việt Nam Sử Lược đưa vào nội các của mình những nhân sĩ, trí thức chưa từng nắm chức vụ chính quyền cũng như không có chân trong bất cứ đảng phái chính trị nào.

Tuyên bố sau đây của Toàn quyền Nhật Bản tại Đông Dương là Minoda cho thấy rõ nền độc lập mà Nhật trao cho Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung, giả hiệu như thế nào. Trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên ngày 30/3/1945, Minoda huỵch toẹt bằng tiếng Pháp:

Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam kỳ” (8).

Đối với Đồng Minh và tiếp đó Liên Hiệp quốc mà phe này là trụ cột, có ba cách để một dân tộc đạt được độc lập.

Một là, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, được ghi tại Điều 55 Hiến chương Liên Hiệp Quốc do 50 quốc gia ký ngày 26/6/1945 tại San Francisco, Hoa Kỳ. Đáng lưu ý là quyền tối cao này của một dân tộc thường được thực hiện dưới hình thức chiến tranh giành độc lập.

Hai là, được một nước không đối địch với phe Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới II trao trả độc lập.

Ba là, được Hội đồng quản thác Liên Hiệp Quốc (9) trao trả độc lập.

Vào thời điểm Bảo Đại tiếp nhận nền độc lập của Việt Nam từ Nhật, nước này cùng Đức và Ý là thành viên chủ chốt của phe Trục, kẻ thù của phe Đồng Minh.

Ngày 27/11/1943, Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill và Tổng tư lệnh Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch họp tại Cairo, Ai Cập, để bàn về việc đánh Nhật. Hội nghị kết thúc với Tuyên bố Cairo, được phát sóng radio ngày 1/12 cùng năm. Tuyên bố có đoạn:

“Ba Đồng Minh Vĩ Đại đang chiến đấu để ngăn cản và trừng phạt cuộc xâm lăng của Nhật Bản. Họ không ham muốn lợi ích gì cho bản thân và không nghĩ đến việc bành trướng lãnh thổ. Mục tiêu của họ là hất cẳng Nhật Bản ra khỏi tất cả các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng chiếm hoặc chiếm đóng từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, và tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm đoạt từ người Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ phải được trao trả cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham. Nhận thức được ách nô lệ mà nhân dân Triều Tiên đang phải chịu đựng, ba cường quốc trên đây kiên định rằng Triều Tiên phải được tự do và độc lập”.

Ngay sau Hội nghị Cairo, Roosevelt và Churchill đã họp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đông bộ trưởng Liên Xô Stalin tại Tehran, Iran, từ ngày 28/11 đến ngày 1/12/1943 để bàn về tiêu diệt Đức và Nhật và thiết lập Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới tương tự trong tương lai.

Tóm lại, một khi phe Đồng Minh – bên thắng cuộc trong Chiến tranh thế giới II, cũng là bên thiết lập trật tự thế giới mới với Liên Hiệp Quốc – xác định Nhật phát xít là “kẻ thù”, “kẻ xâm lăng” cần phải bị trừng phạt (10) thì dĩ nhiên mọi nền độc lập được Nhật trao là vô giá trị cũng như mọi chính thể/chính quyền thành lập tại lãnh thổ bị Nhật cưỡng chiếm hoặc chiếm đóng là bất hợp pháp, thậm chí những người đứng đầu chính thể/chính quyền này có thể bị coi là tội phạm chiến tranh. Điều này đồng nghĩa nền độc lập Việt Nam mà Nhật trao cho Bảo Đại là vô giá trị, Đế quốc Việt Nam cũng như chính phủ Trần Trọng Kim là bất hợp pháp, bản thân Thủ tướng Trần Trọng Kim và các thành viên nội các thậm chí có thể bị coi là tội phạm chiến tranh (11).

Điều này giải thích vì sao Bảo Đại đã không nhận được hồi âm nào từ Tổng thống Mỹ Truman, Quốc Vương Anh George VI, Thống chế Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, Tướng De Gaulle sau khi gửi điện cho họ yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Cuối cùng, bản thân Bảo Đại và Trần Trọng Kim cũng nhận thức được rằng nền độc lập mà Nhật trao không phải là một nền độc lập thực sự.

Ngay khi được Đại sứ Yokoyama thay mặt Thiên Hoàng Nhật “dâng” nền độc lập, vị quân chủ Việt Nam hiểu ngay rằng đó chỉ là hành động tình thế của Nhật trong bối cảnh họ sắp thua trận trước Đồng Minh. Hơn thế nữa, hẳn đã nghe phong thanh Tuyên cáo Cairo, Bảo Đại hiểu rằng nền độc lập này chắc chắn sẽ không được Đồng Minh thừa nhận, thậm chí bị phe này coi là bằng chứng hợp tác với Nhật, một điều vô cùng nguy hiểm đối với bản thân ông và đồng sự. Cựu hoàng thổ lộ:

Liệu cái nền độc lập mà người Nhật đem đến này, trong hoàn cảnh thực tại được bao nhiêu giá trị? Chắc hẳn họ cũng tặng cho các quốc gia vùng Đông Nam Á nền độc lập tương tự, và như vậy, quả là trái bom nổ chậm rồi…Hơn nữa, kể từ cuối năm 1943 và sự thất bại của phe Trục, tôi càng tin chắc Nhựt Bản sẽ thất trận nay mai. Như vậy thì thái độ của Đồng Minh lúc ấy đối với chúng tôi sẽ ra sao?” (12).

Sự lo lắng này của Bảo Đại đã được thực tế chứng minh là có cơ sở. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, các chính thể/chính phủ được thành lập dưới sự chiếm đóng của Nhật như Đại Mãn Châu Đế quốc, Chính phủ Uông Tinh Vệ, Mông Cương quốc, Đệ nhị Cộng hòa Philippines… sụp đổ hoặc bị lực lượng Đồng Minh giải thể. Những người đứng đầu các chính quyền này nếu bị bắt sẽ bị giam cầm bất luận có bị xét xử hay không, Phổ Nghi, Hoàng đế Đại Mãn Châu Đế quốc là ví dụ cho trường hợp này (13). Các chính quyền bù nhìn của Đức cũng chịu số phận tương tự. Chẳng hạn, hai người đứng đầu chính quyền Vichy, Pháp, là Pétain và Laval bị bắt, bị kết án tử hình về tội phản quốc. Laval bị hành quyết vào năm 1945. Pétain được giảm án xuống tù chung thân.

Trên mới là cảm nhận, còn đây mới là bằng chứng cụ thể về sự giả trá của Nhật trong việc trao nền độc lập Việt Nam: Đại sứ Yokoyama lặng im đối với vấn đề Nam Kỳ trong khi sự thống nhất của Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ là cốt lõi của một nước Việt Nam thực sự độc lập. Cựu Hoàng tiếp tục thổ lộ:

“…đối với Nam Kỳ, nếu họ ngại không dám nói, đó là họ muốn giữ lấy phần cho chính họ hầu có thể dùng làm con bài trao đổi, khi cần đến. Liệu tôi có thể bỏ qua không chấp nhận cái đề nghị độc lập khi được người ta đưa tặng. Nền độc lập vốn là mộng ước của tất cả mọi người Việt Nam” (14).

Lời Bảo Đại yêu cầu Trần Trọng Kim lập chính phủ là bằng chứng khác cho thấy vị quân chủ Việt Nam cuối cùng không hề mơ hồ về nền độc lập giả hiệu mà Nhật trao. Vấn đề là phải nắm lấy cơ hội này để tránh điều tệ hại hơn đất nước. Thủ tướng Đế quốc Việt Nam trong hồi ký của mình, Một cơn gió bụi (15), thuật lại lời nhà vua như sau:

Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước”.

Vẫn trong hồi ký của mình, Trần Trọng Kim đưa ra dẫn chứng cho thấy Đế quốc Việt Nam không phải là một quốc gia độc lập theo đúng nghĩa đen của từ này. Ông viết:

“Khi còn chính phủ bảo hộ thì có hai chính phủ, mọi việc quan hệ đến chính trị trong nước thì do chính phủ bảo hộ định đoạt, chính phủ Nam Triều có vua và triều đình nhưng chỉ đặt ra để thi hành những mệnh lệnh của chính phủ bảo hộ mà thôi, chứ không có quyền hành gì cả. Nay phải hợp nhất cả hai chính phủ này, bắt các quan ở các tỉnh chỉ được trực tiếp với chính phủ Việt Nam mà thôi và cấm không cho gửi văn thơ về sở tối cao cố vấn Nhật nữa… Ấy là chỉ nói việc sửa đổi cai trị thôi, còn các cơ quan trọng yếu về chính trị như công an, sở tuyên truyền công văn hãy còn ở trong tay người Nhất cảViệc binh bị trong nước là việc quan trọng đến vận mạng cả nước, mà lúc ấy quân lính và súng ống không có…Việc phòng bị do quân Nhật đảm nhận hết”.

Trở lại Bảo Đại, Chiếu thoái vị ngày 25/8/1945 đã nói lên một cách chính thức và rõ ràng nhất quan điểm của nhà vua theo đó Việt Nam dưới sự chiếm đóng của Nhật không hề có độc lập. Sau khi yêu cầu “tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều kiện cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, hầu củng cố nền độc lập quốc gia”, vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam long trọng tuyên bố:

Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập.

Việt Nam độc lập muôn năm,
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm
” (16).

Vậy, những ai biện hộ Đế quốc Việt Nam là một quốc gia độc lập hẳn là ví dụ điển hình cho thành ngữ “bảo hoàng hơn vua”!

Kết luận lại, nền độc lập mà Nhật trao cho Bảo Đại là giả hiệu, Đế quốc Việt Nam được dựng lên chỉ nhằm cứu vãn tình thế thua trận của nước này trước Đồng Minh. Phải đến khi Cách mạng tháng Tám do Việt Minh lãnh đạo nhằm thực hiện quyền dân tộc tự quyết thành công, đưa đến sự ra đời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 (17), thì Việt Nam mới giành lại được độc lập sau tám thập kỷ bị Pháp đô hộ và tiếp đó, bị Nhật cưỡng chiếm. Mặc dầu vậy, chính quyền Bảo Đại – Trần Trọng Kim trong nỗ lực đạt tới một nền độc lập thực sự cho Việt Nam đã góp phần quan trọng, cho dù thụ động, vào sự thành công của cuộc cách mạng dân tộc ấy. Sự đóng góp này tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.

CHÚ THÍCH

(1) Nguyên tác tiếng Pháp, “Le dragon d'Annam”, Bảo Đại, NXB Plon, tháng 1/1980. Nguyễn Phước Tộc dịch và xuất bản năm 1990.
(2) Trong triều Bảo Đại, Thượng thư Bộ Lại giữ trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ.
(3) Cả Bảo Đại và và Trần Trọng Kim trong các văn bản chính thức cũng như trong hồi ký của mình đều không nói đến “Đế quốc Việt Nam”. Điều này cho thấy tin “Đế Quốc Việt Nam tuyên bố độc lập” mà các báo đăng tải là do quân Nhật cung cấp. Sự giống nhau về định tính quốc gia với Đế quốc Nhật Bản càng khẳng định Đế quốc Việt Nam là sản phẩm của Nhật phát xít. Mặc dầu vậy, tôi sử dụng “Đế quốc Việt Nam” để chỉ chính thể Việt Nam giai đoạn này.
(4) Giáp ngày đảo chính Pháp, Nhật bí mật đưa Trần Trọng Kim đi Chiêu Nam Đảo, tên của Nhật đặt cho Singapour. Ngày 30/3/1945, Nhật đưa ông về lại Việt Nam và giới thiệu ông với Bảo Đại để lập chính phủ Đế quốc Việt Nam.
(5) Chính phủ Đế quốc Việt Nam thành lập tại Huế ngày 17/4/1945 gồm: Trần Trọng Kim, giáo sư, Nội các Tổng trưởng (Thủ tướng); Trần Đình Nam, y sĩ, Nội vu Bộ trưởng; Trần Văn Chương, luật sư, Ngoại giao Bộ trưởng; Trịnh Đình Thảo, luật sư, Tư pháp Bộ trưởng; Hoàng Xuân Hãn, toán học thạc sĩ, Gíáo dục và Mỹ nghệ Bộ trưởng; Vũ Văn Hiền, luật sư, Tài chánh Bộ trưởng; Phan Anh, luật sư, Thanh niên Bộ trưởng; Lưu Văn Lang, kỹ sư, Công chánh Bộ trưởng (không nhận); Vũ Ngọc Anh, y khoa bác sĩ, Y tế Bộ trưởng; Hồ Tá Khanh, y khoa bác sĩ, Kinh tế Bộ trưởng; Nguyễn Hữu Thí, cựu y sĩ, Tiếp tế Bộ trưởng. Ngày 25/8/1945, Bảo Đại ban chiếu thoái vị, điều này đồng nhất với sự chấm dứt chính phủ này. (6) Phạm Cao Dương, Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam, Truyền thống Việt xuất bản, 2017; Lê Mạnh Hùng, Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, RFA, 15/4/2006.
(7) Ngô Đình Diệm là thành viên sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Phục hưng Hội, và tiếp đó, thành viên Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội phò hoàng thân Cường Để đang sống tại Nhật, cả hai tổ chức này đều chủ trương dựa Nhật chống Pháp.
(8) Ngô Văn Quỹ, Đêm dài Nhật – Pháp bắn nhau – Nhà xuất bản Trẻ, 2001. Nguyên văn: "Il-y-a un grand malentendu au sujet de l’idépendance de l’Indochine. Celle ci tout entière est sous le contrôle militaire du Japon. L’indépendence de l’Empire d’Annam et cellce du Cambodge on été pro clameés. La Cochinchine, non seulement se trouve sous le contrôle militaire du Japon, mais encore sous l’aminis tration militaire japonaise. Donc, pas l’idépendance de la Cochinchine…"
(9) Tiếng Anh, United Nations Trusteeship Council. Đây là một trong những cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, được thành lập nhằm quản lý các cựu lãnh thổ ủy trị của Hội Quốc Liên hoặc các lãnh thổ tách ra từ những nước bại trận trong chiến tranh thế giới II trước khi trao lại độc lập cho các lãnh thổ này hoặc sáp nhập chúng vào những quốc gia độc lập xung quanh. Palau, thuộc Lãnh thổ quản thác Quần đảo Thái Bình Dương (Tiếng Anh, Trust Territory of the Pacific Islands) do Hoa Kỳ quản lý, đã được độc lập theo Nghị quyết 956 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/1994 sau khi Hiệp ước Liên kết Tự do lãnh thổ này ký với Hoa Kỳ có hiệu lực vào ngày 1/10/1994.
(10) Sự trừng phạt của Đồng Minh không chỉ bằng quân sự mà còn bằng tòa án hình sự, chính trị và kinh tế. Sau khi Nhật đầu hàng, 28 nhà lãnh đạo thời chiến của Nhật Bản bị xét xử về tội ác chiến tranh tại Tòa án Quân sự quốc tế Viễn Đông những năm 1946-1948. Cựu Thủ tướng Tojo và 6 người khác bị thi hánh án tử hìnhl. Không dừng lại đó, lực lượng Đồng Minh do Hoa Kỳlãnh đạo đã chiếm đóng nước này. Phải 7 năm sau, đến 28/4/1952 là ngày Hiệp ước San Francisco ký kết giữa các nước Đồng Minh và Nhật có hiệu lực, sự chiếm đóng của lực lượng Đồng Minh mới chấm dứt và nước cựu phát xít này mới độc lập trở lại. Vẫn theo Hiệp ước này, Nhật Bản phải bồi thường cho các nước Đồng Minh từng chịu thiệt hại do Nhật gây ra trong chiến tranh.
(11) Mười ngày sau khi Đức đầu hàng Đông Minh, Chính phủ Trần Trọng Kim ra một tuyên bố trong đó có đoạn: “Việc nước Đức đầu hàng không hại gì đến sự liên lạc mật thiết giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam…Sự bại trận ấy không thể giảm bớt lòng chúng ta kiên quyết giúp Nhật Bản đeo đuổi cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng để kiến thiết vùng Đại Đông Á…Chúng ta chỉ phải giữ vững cuộc trị an trong nước và chịu những hy sinh cần thiết để cho quân đội Nhật Bản được chúng ta tận tâm giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất. Nền độc lập của chúng ta có như thế mới vững bền”- Việt Nam Tân Báo ngày 18/5/1945, được Phạm Khắc Hòe dẫn trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1987.
(12) Con rồng Việt Nam, sách đã dẫn.
(13) Ngày 18/8/1945, trên đường chạy trốn, Phổ Nghi bị quân Liên Xô bắt được và đưa đi lưu đày tại Siberia. Năm 1950, Phổ Nghi bị trả về Trung Quốc do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Với tội danh bắt tay với quân Nhật, ông bị đưa vào trại cải tạo trong 10 năm trước khi được ân xá vào năm 1959.
(14) Con rồng Việt Nam, sách đã dẫn.
(15) Nhà xuất bản Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969.
(16) Con rồng Việt Nam, sách đã dẫn.
(17) Ngày này, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Thân phụ tôi, Cù Huy Cận, đã tham gia ký văn bản lịch sử này với tư cách Bộ trưởng không bộ - Chính phủ Việt Nam 1945-1998, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.




VVM.05.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com