Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


BÌNH ĐẲNG TRONG ĂN UỐNG



B ình đẳng trong ăn uống là một việc đáng quan tâm. Mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi tầng lớp người khác nhau đều có những cách ứng xử khác nhau trong hoạt động ăn uống.

Bất bình đẳng hay bình đẳng trong hoạt động ăn uống là một vấn đề lớn cần có những nghiên cứu về nhiều mặt, trên nhiều phương diện khác nhau.

Bất bình đẳng trong kinh tế, xã hội sẽ dẫn đến nhiều bất bình đẳng khác. Người sở hữu nhiều tài sản, nhiều của cải trong xã hội sẽ có những ứng xử khác với người nghèo. Ông chủ có lối ứng xử khác với đầy tớ. Kẻ lãnh đạo thường tạo ra cho mình những đặc quyền đặc lợi, đứng trên mọi người. Giữa những người giàu với nhau hay giữa những tầng lớp nghèo khổ cũng có những ứng xử khác nhau.

Hy vọng để có một sự bình đẳng tuyệt đối về kinh tế và giới trong xã hội loài người là mơ ước của nhân loại tiến bộ. Đó là cái mốc mà xã hội văn minh cần vươn tới. Do vậy, để có được sự bình đẳng, cần có những nỗ lực lớn lao của toàn nhân loại và sự nỗ lực ấy cần được thể hiện trong những chính sách vĩ mô và cả trong những hoạt động vi mô, trong những hành vi ứng xử chung của xã hội hay lối ứng xử trong từng cộng đồng, từng gia đình.

Một trong những ứng xử thể hiện sự bất bình đẳng giữa người với người, giữa nam và nữ, giữa giàu và nghèo, giữa trẻ và già, giữa chủ và tớ, giữa lãnh đạo và nhân viên … được thể hiện khá rõ nét trong từng bữa ăn của một gia đình lớn hoặc nhỏ; trong những bữa cỗ tiệc gia đình, dòng họ; trong các cỗ làng, khao vọng; trong bếp ăn tập thể, bếp công sở, ăn ở nhà hàng hay vỉa hè, các bữa tiệc to, tiệc nhỏ hay đại tiệc quốc tế. Do vậy, bàn về bình đẳng trong hoạt động ăn uống của xã hội loài người và xã hội Việt Nam là một chủ đề rất phong phú

Ở đây, qua kinh nghiệm của cá nhân đã trải nghiệm trong đời từ khi biết ăn và được tham dự vào nhiều kiểu ăn khác nhau, thông qua những kỷ niệm, hồi ức vui buồn của cuộc đời qua những bữa ăn, để cùng trao đổi nhằm tìm ra những chuẩn mực cần thiết trong hoạt động ăn uống văn minh và bình đẳng của xã hội. Chúng ta thiết nghĩ đây là một việc nên làm.

Đàn ông nhà trên, đàn bà xuống bếp!

Tôi đã nhiều lần được mời ăn cơm, ăn cỗ ở nông thôn. Là khách mời, bao giờ chủ nhà cũng rất trịnh trọng. Đối với người Việt, chuyện mời khách tới ăn cơm nhà là một sự kiện. Chủ nhà luôn luôn muốn tỏ ra là người trọng khách và lịch thiệp. Khách đến ăn dù là họ hàng trong nhà, trong gia tộc, dòng họ, gia đình thông gia, bè bạn khách mời đến thăm, bạn bè thân thuộc của ông bà, bố mẹ hay con cái, thủ trưởng của cơ quan…tùy theo quan hệ thân sơ, gần gũi hay mới quen nhìn chung đều được đối xử rất nhiệt tình, chu đáo. Thường đã là khách được mời đến ăn cỗ hoặc được mời vào mâm cơm nhà dù trong hoàn cảnh nào, khách cũng được tôn trọng.

Sự tôn trọng khách trong bữa cơm gia đình thể hiện rất rõ ở chỗ khách bao giờ cũng được ưu tiên, được chăm sóc rất chu đáo. Chủ nhà, người có vị trí cao nhất (Thường là ông bố) luôn luôn quan tâm đến mọi hành động chăm sóc khách mời. Từ những cử chỉ nhỏ như sai người mang nước rửa tay, rửa mặt khi mới tới. Rước lên bàn trên mời uống nước chuyện trò thăm hỏi, và bố trí chỗ ngồi cho khách ở vị trí thể hiện sự tôn trọng nhất. Khi vào bữa cơm hay bữa cỗ, nhất nhất cái gì ngon, cái gì quý cũng dành cho khách. Khách có nhu cầu gì dù nhỏ nhất cũng được chủ nhà đáp ứng và có ngay người lo chu đáo…

Có một điều, khi vào mâm cỗ hay mâm cơm. Chủ nhà bao giờ cũng dọn mâm thịnh soạn đặt ngay ngắn trên tấm phản giữa gian nhà chính. Trên phản này chỉ dành cho khách và chủ. Đặc biệt là trong gia đình, tùy theo ngôi thứ, tuổi tác mà được sắp xếp vào mâm cho phù hợp. Hàng ông bà, cha chú được ngồi ở thứ bậc ông bà, cha chú. Khách mời được trọng vọng ngồi ở vị trí xứng đáng với vai vế của khách cho tương xứng với trật tự trong gia đình.

Một điều kì lạ nhất mà sau hơn 60 năm cách mạng ở Việt Nam, trong nhiều gia đình nông thôn Việt, cái tục phân biệt nam nữ, thứ bậc trong ăn uống gia đình vẫn còn tồn tại khá dai dẳng. Thường thì ông chủ tiếp khách, bà chủ và các con, nhất là con gái phải đầu tắt mặt tối lăn vào bếp và khi vào bữa thì chỉ đàn ông, con trưởng và khách mới được ngồi mâm trên, đàn bà và con gái phải ngồi dưới đất (hay tự nguyện ngồi dưới đất, ngồi xó bếp) vẫn là chuyện bình thường. Trước kia thì những người ngồi mâm dưới đôi khi chỉ được ăn những thức ăn thừa hay những phần kém nhất trong bữa cỗ. Nay thì họ chia sẻ thức ăn bình đẳng hơn nhưng vị trí ngồi thì vẫn đâu vào đấy.

Nhiều lần về nông thôn, đến nhà bạn thân, tôi muốn vào bếp giúp đỡ chị em nội trợ một tay, ăn xong xin xung phong rửa bát hay tìm cách phá tục xưa mời cả nhà ngồi xum vầy quanh một mâm cơm chung, không phân biệt cao thấp, trên dưới nhưng luôn bị cả nhà phản đối. Hình như cả xã hội vẫn cho rằng đàn bà và con trẻ ngồi ra chỗ khác, ăn ở vị trí xa hơn mới là trọng khách. Vẫn còn có nhiều gia đình trong bữa ăn thường nhật, ông bố vẫn một mình ngất ngưởng một mâm bên chai rượu với những đồ nhắm ngon nhất, còn vợ con suốt buổi lúi húi trong bếp đợi ông chồng say khướt ra uống trà thì mới dọn mâm xì xụp ăn vét phần còn lại dưới xó bếp.

Những bữa ăn như vậy là có thực và vẫn đang tồn tại, thậm chí tồn tại trong cả những gia đình sống ở nông thôn mà chủ nhân đều là những cán bộ nhà nước hay cán bộ của làng, của xã.

Liệu đó có phải là cử chỉ thể hiện đức hi sinh vì chồng, vì con của người phụ nữ nông thôn Việt? Xin đừng ngụy biện. Đó chỉ là tàn dư của một chế độ phong kiến thối nát cần mau chóng loại ra khỏi đời sống xã hội văn minh hiện đại.

Biết đến bao giờ cái lề thói phong kiến, hủ tục ấy mới được xóa bỏ, đến bao giờ mới chấm dứt cái lối phân biệt quái gở kì cục này?

Hà Nội, 4-9-2008


          


VVM.02.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com