Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CÓ GÌ Ở THẮNG TÍCH HÒN BÀ-LA GI ...



H iếm thấy hòn đảo nhỏ nào có một huyền thoại ly kỳ với sự tiếp biến văn hóa Việt- Chăm, giữa tín ngưỡng dân tộc dung hợp với phong tục tập quán bản địa như ở Hòn Bà, thị xã La Gi. Hòn Bà cách bờ biển La Gi nơi gần nhất khoảng 2km và diện tích đất chỉ trên hai mẫu… Trên đỉnh đảo có một ngôi miếu thờ Bà Thiên Y mặt hướng ra biển khơi. Năm 2012, Sở Văn hóa Thông tin-Du lịch Bình Thuận công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh“Thắng tích Hòn Bà”.

Cũng chừng hơn 5 năm, tôi đã một lần cùng cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã La Gi khi thực hiện tập sách ảnh “La Gi-dấu ấn một trăm năm 1916- 2016” có ra đảo Hòn Bà để ghi hình. Nay nhìn lại cảnh cũ, đảo xưa cũng thế, nhưng chỉ có chút đổi thay về quản lý và một số hạng mục công trình tự phát với chi phí khoảng gần 800 triệu. Ông Trương Văn Hòa, Trưởng ban Tế tự thắng tích Hòn Bà bộc bạch niềm vui, coi đây là di sản có giá trị đời sống tâm linh, tín ngưỡng của bà con ngư dân ở làng biển Tân Long và khách thập phương. Ngay bãi cặp thuyền vào đảo rộng chừng 30 mét vuông, cổng đền mới xây thay cổng cũ có từ trước 1975 quá mỏng mảnh. Họa tiết trang trí cổng đền mới hình “lưỡng long chầu nguyệt”, mang biểu tượng văn hóa tâm linh của người Việt. Tôi bất ngờ hơn với đoạn đường ray y như đường ray xe lửa chạy song song con đường ngược dốc cao có hơn 200 bậc đang xuống cấp. Nhờ đường ray này mà những đồ thờ cúng, gạo ăn, vật liệu xây dựng … được tải lên bằng sợi dây cáp trục từ một chiếc máy nổ. Mặt bằng trên đảo không rộng, bên cạnh ngôi điện thờ Bà Thiên Y gồm miếu thờ Chúa Chàng Râu, tượng Phật Quán Thế Âm, nhà khách…Rất khó xác định thời gian của 2 thanh xà gồ khắc chữ Hán Nôm mặc dù có một thanh xà gồ ghi: “Long Phi Đinh Mão trọng hạ nguyệt hoàn nhật”, tức tháng năm Đinh Mão hoàn thành (có lẽ năm 1807). Nhưng qua hình thức bài trí, câu đối, hoành phi, tượng thờ…thể hiện khá rõ từ sự tái tạo của người dân địa phương sau này.

Cũng trong hồ sơ khảo sát để xếp hạng Di tích danh thắng Hòn Bà cho rằng do người Chăm tạo lập khoảng thế kỷ 15-16 với một ngôi thảo am nhỏ bằng gỗ thờ nữ thần Pô Ina Nagar (1). Còn sách ĐNNTC ghi: “Trên đỉnh núi có một chỗ bằng phẳng ước độ 2 trượng 4 thước, có ngôi đền cổ thờ tượng đá A-Diễn-Bà”. Tương tự ở thôn Bình Thủy (huyện Hòa Đa cũ) cũng thờ tượng đá Thiên Y A Na Diễn Bà. Nhưng theo truyền thuyết cùa ngư dân bản địa và dấu tích hiện nay, đó là một tảng đá nguyên sinh dáng mạo phần bán thân của một thần nữ. Ông Trương Văn Hòa mở cửa khám điện thờ, chỉ cho tôi bên dưới bệ tượng Bà đã khảm kín gạch hoa và cho rằng bên trong là nguyên khối đá xám từ xưa. Qua thời người Việt, nữ thần Po Ina Nagar trong dân gian trở thành Thiên Y A Na Diễn Phi theo sắc phong thời Minh Mạng thứ 3-1822 phong cho Bà “Thượng đẳng thần” (Po là Trời/Thần/Thiên). Ina, đối với người Việt để nguyên và phiên âm Y Ana (Cái/ Mẫu/Mẹ) nhưng có một sự khéo léo trong quản lý lãnh thổ bấy giờ đã không dịch tước hiệu “Nagar” theo nghĩa Chăm là Mẹ Xứ sở/Vương quốc mà dịch “Nagar” bằng chữ Hán là “Diễn Phi”(2), nên có các tên gọi “Thánh Phi/ Bà Chúa Ngọc, Thiên Y thánh mẫu... Trong khám thờ Bà có khắc chữ Hán “Trung Trinh Thần Nữ”(忠貞神女)và những cặp câu đối, đồ lễ thờ cúng, phong cách bài trí do người Việt địa phương qua những lần tạo lập, trùng tu.

Sự tích, truyền thuyết nữ thần Po Ina Nagar xưa nay đều căn cứ từ bia ký ở Tháp Bà Nha Trang do Phan Thanh Giản biên soạn vào năm Tự Đức thứ 9 (1855) - Câu chuyện Bà từ trời giáng thế ở làng Đại An (Lang Ligi) và nhập vào thân gỗ trầm hương, trôi ra biển về phương bắc, rồi duyên số gặp một hoàng tử trở thành vợ chồng. Nhưng xảy ra nhiều biến cố nên Bà hóa thân, từ thân gỗ trầm hương thành tảng đá núi linh thiêng. Tháp Bà Nha Trang là thánh địa Nữ thần Po Ina Nagar mà không sử liệu nào xác định rõ thời gian. Về sau, nhiều nhà nghiên cứu thêm thắt, ly kỳ hơn dẫn đến mỗi địa phương có thờ Bà đều diễn dịch từ truyền thuyết xưa và biến dạng theo bối cảnh xã hội, đặc thù thiên nhiên, đời sống của địa phương. Như ở La Gi là một trong 5 nơi của tỉnh Bình Thuận có đền thờ Thiên Y A Na, nhân vật trong sự tích biến dần là một nữ nhi dân dã, có người chồng trai trẻ với cuộc sống hạnh phúc trên một vùng đất còn hoang vu, tên Động Bà Sang (Tân Long). Rồi chàng như mọi ngày xách ná tên đi săn thú rừng nhưng mải mê lạc vào xứ lạ với những mỹ nhân kiều diễm mà quên cả lối về. Bà ở nhà bắc chảo nước, chụm lửa đun sôi mà lòng háo hức chờ đợi chồng mang thú săn được trở về như mọi hôm. Nhưng chàng vẫn biền biệt tăm hơi. Bà nổi giận, ghen tuông đã đạp đổ chảo nước đang sôi, rồi dậm chân ba dậm, phần đất liền tách ra biển biến thành đảo Hòn Bà ngày nay. Dấu vết chảo nước sôi là Suối nước nóng Bình Châu (Xuyên Mộc). Khi chàng quay về thì đã muộn vì Bà quyết liệt chia ly nên chàng đi về hướng núi cao, sống với nỗi ăn năn đến trọn đời. Đó là Núi Ông (Tánh Linh).

Tôi từng nghe sự tích Hòn Bà qua người địa phương, từ ngư dân làng Tân Long, Phước Lộc, Tam Tân của xứ biển La Gi, nhưng mỗi lần nghe kể là mỗi khác. Dù vậy, ở đây vẫn cho thấy có sự tiếp biến giữa hai dòng tư tưởng, tín ngưỡng của người Chăm và Việt từng có mối quan hệ giao thoa nhiều mặt trong lịch sử. Đó là cùng chung tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ người Chăm mà trong phong tục thờ phụng từng địa phương tuy có khác nhau. Đặc biệt với vùng biển càng sâu đậm hơn. Am thờ Chúa Chàng Râu, am người hầu cận Bà… nằm trong quần thể của di tích được tạo dựng ờ thời kỳ sau này. Như tượng Phật Bà Quan Âm không phải lạc lõng mà có mối quan hệ trong thờ phụng nữ thần Po Ina Nagar bởi theo tín ngưỡng của ngư dân ảnh hưởng từ tục thờ thần Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở miền Bắc trong tập quán do nghề nghiệp tiếp cận với bão tố, dựa vào sự phù hộ linh thiêng cho cuộc sống no đầy. Tôi tìm hiếu, thấy sự khác biệt trong bài trí lễ thức ở chỗ tượng Nữ thần của người Chăm thì tượng giữ nguyên trạng từ khối đá tự nhiên, nhưng qua người Việt thì chạm khắc, sơn phết màu mè, choàng áo gấm lụa vàng… Chưa kể đến tục thờ Bà xưa chỉ đốt trầm hương, thắp nến sáp nhưng với ngư dân Việt, chỉ nhang khói theo thông thường.

Nhưng từ truyền thuyết đó mang lại sự cảm xúc thi vị về một cuộc tình, sự thủy chung và nỗi cô đơn. Hòn Bà còn là một thắng cảnh với hình ảnh như một nốt nhạc buồn lênh đênh trên dòng sóng biển và hình dáng một linh vật “kim quy” quay đầu bơi về hướng nam, chắn ngay cửa biển như che chở sự yên bình cho mảnh đất La Gi. Tuy nhiên nhiều trang sách từ người Việt có những tình tiết thêu dệt khác nhau, như cho rằng con sông La Gi (sông Dinh) theo người địa phương quen gọi là sông Phân Li vì Bà tạo ra để ngăn cách chồng Bà (Chúa Chàng Râu) quay trở lại. Tôi nghĩ chỉ có trong chuyện phiếm thôi vì không phù hợp về địa lý tự nhiên đối với địa hình hòn đảo. Ở chân đảo, ngay cổng lên đền Bà Thiên Y có một am nhỏ ghi tên Trịnh Hoài Vũ, cho đó là người hầu cận trung thành của Bà nên lập am thờ phụng. Với thời gian, bối cảnh xa xưa nếu thực sự Bà có ở đây thì danh tánh người hầu lại có họ tên rất Việt cụ thể như vậy thì không mấy hợp lý. Từ đó, để thấy ra một điều trong nghiên cứu về nữ thần Po Ina Nagar với nguồn gốc Tháp Bà Nha Trang có những lẫn lộn với nhau, giữa huyền thoại, sự tích, truyền thuyết…Nhất là với những chữ Hán khắc lên xà gồ, hay câu đối, hoành phi do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và thường lệ thuộc vào ngữ nghĩa chuyển từ tiếng Chăm, hoặc dịch qua chữ Hán hoặc phiên âm bằng tiếng Việt…Nhưng với đền thờ Bà Thiên Y ở Hòn Bà (La Gi) từ lâu đã được hình tượng hóa, gần gũi trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Cho nên các danh xưng mộc mạc như Hòn Bà, đảo Thiên Y, Bà Chúa Ngọc…không còn xa lạ đối với người dân bản địa.

Đền thờ Thiên Y Hòn Bà trở thành di tích “thắng tích” từ mười năm nay nhưng bị cách trở và không thể đón nhận khách thập phương đến cúng bái. Kể cả ngày vía Bà 23 tháng 3 âm lịch hàng năm cũng rất hạn chế… Nếu không có một giải pháp đầu tư hợp lý thì Hòn Bà vẫn là một hòn đảo cô đơn và lãng phí một “thắng tích”- một kỳ quan thiên nhiên giữa muôn trùng biển sóng dù không xa mấy với không gian du lịch sôi động trên bờ biển đẹp ở La Gi.

(1)-Theo Hồ sơ khoa học “Thắng tích Hòn Bà” của Sở VHTT-DL Bình Thuận.
(2)-Theo sách Tiếp cận… Văn hóa Champa của Sakaya-2020.


      



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com