Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



PHAN CHU TRINH

NHẮC LẠI
'DÂN TRÍ VÀ DÂN CHỦ'
CỦA PHAN CHÂU TRINH NHÂN VN CÓ QUỐC HỘI MỚI



                 

M ở đầu bài Điếu Nguyễn Trung Trực, nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt viết: "Thắng phụ nhung trường bất túc luân".

Câu này có nghĩa là, việc thắng bại ở chiến trường bàn không bao giờ hết nhẽ. Đó là sự thực.

Lịch sử cũng cho thấy một sự thực khác: một phong trào, một vận động xã hội chỉ đúng khi thành công.

Không ít người ca ngợi cải cách của Hồ Quý Ly. Nguyễn Trãi chỉ trách nhẹ "Họ Hồ chính sự phiền hà".

Sở dĩ trách nhẹ vì ân nghĩa với triều Hồ chứ thực không chỉ phiền hà mà đại tội làm cho nước mất nhà tan.

Với Phan Châu Trinh (1872-1926) chủ trương Tam dân của ông thất bại từ trong trứng nước.

Không chỉ ông lâm vòng tù tội mà toàn bộ phong trào bị dẹp tan.

Phan Bội Châu "tự diễn biến" muốn "đề huề," thực dân Pháp cũng chẳng cho. Sau này vài nhà tư sản dân tộc được thả cho nổi lên một thời gian nhưng thấy mối nguy, thực dân xiết lại, teo như tóp mỡ.

Tám chục năm thống trị của Pháp sản sinh ra những dòng họ, những đại gia đình tay sai vinh thân phì gia, một lớp công tư chức, trí thức trung lưu "tối rượu sâm banh sáng sữa bò" nhưng cũng làm cho hàng chục triệu người bị bần cùng.

Bần cùng tất sinh đạo tặc. Lưu Bang khi bị đẩy tới cố cùng làm nên sự nghiệp. Anh em Tây Sơn dựng cơ đồ từ nhóm làm loạn.

Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy, không ai có thể đứng ra "Xin đồng bào nhẫn nại đợi chờ, khi dân trí cao lên, dân khí hưng thịnh thì dân sinh sẽ…" để ngăn cản những cuộc bạo loạn.

Chỉ sau khi Phan Châu Trinh qua đời năm năm, Quốc dân đảng từ phong trào cải lương của tầng lớp trung lưu biến thành cuộc bạo động tuyệt vọng, hàng trăm người hy sinh chỉ mong để lại cái tiếng. Ai dám bảo không còn những cuộc tắm máu nữa khi hàng triệu người bị đẩy tới đường cùng?

Trong hoàn cảnh như vậy, việc bí mật xây dựng lực lượng để khi thời cơ tới thì vũ trang giành chính quyền là phương cách phù hợp nhất.

Cuộc cướp chính quyền 1945 xác nhận chủ trương này là đúng.

Cuộc vận động đưa tới cho dân Việt Nam bốn cái được: một phong trào dân chủ, yêu nước vĩ đại; một chính phủ tốt; một Quốc hội tốt; một Hiến pháp tốt mà hơn 70 năm sau nhiều người còn mơ ước.

Nếu như - vẫn biết rằng, lịch sử không có chuyện nếu. Tuy nhiên, trong bàn luận, không ít vấn đề phải cần có chữ "nếu" mới lý giải được.


Nội các Trần Trọng Kim năm 1945


Nếu không có cuộc trở lại của người Pháp, với quần chúng ấy, Quốc hội, Hiến pháp và Chính phủ ấy, chế độ được xây dựng không thể là chế độ độc tài. Bất hạnh là giặc Pháp trở lại, buộc dân tộc phải tiến hành cuộc kháng chiến sinh tử. Khi bị đẩy tới cùng, chúng ta phải chọn phe. Đi với ma phải mặc áo giấy. Cuối cùng chúng ta đã chiến thắng. Nhưng hai mươi năm ấy là luyện ngục, biến hầu hết lãnh tụ trong sáng ban đầu trở thành ác quỷ. Những gì xấu xa tồi tệ nhất tất phải đến.

Tôi thường mường tượng tới cảnh 11 giờ đêm, Chủ tịch nước VNDCCH Hồ Chí Minh phải gõ cổng sau nhà Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet xin độc lập trong khối Liên hiệp Pháp mà không được với bản tạm ước mà không được.

Liệu có cửa nào cho vận động "tam dân" cùng "đề huề"?

Tôi đã lý giải mọi vấn đề trong suy nghĩ của "người ta thường tình" nhưng không thể tìm ra đáp án thỏa đáng. Sau cùng, tôi quay về với Phật pháp: "Trong phúc có họa."

Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là đại phúc. Nhưng không phúc nào mà không họa kèm theo! Phúc đã nhận rồi thì họa phải mang. Những gì đang tàn phá dân tộc quả là đại họa.

Nhưng đâu phải chỉ có bấy nhiêu? Họa mất nước, họa chiến tranh đang tới gần với lời cảnh báo của Thánh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm: Bắc cuồng Tây nộ Đông Hải biến.

Vậy thái độ của chúng ta, những người tự nhận là kẻ sỹ lúc này phải thế nào? Hơn bao giờ, tôi nghĩ tới hai chữ trung dung của Khổng tử và chữ Nhẫn.

Thời cuộc hôm nay không phải là đêm trường dạ tối tăm trời đất mà trước mắt là bình minh "Mậu Tuất tân quân Việt kiến vinh, là Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ, hưng tộ diên trường bách vạn niên", là "Nhân đào đáo hoàn, xã tắc an lạc"...


Trụ sở Quốc hội VN năm 2021. Vào các năm 1946 và trước 1975 ở Nam VN đều đã có bầu cử dân chủ đa đảng
nhưng hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng dân chủ đa đảng là "nguy hiểm" vì "dân trí còn thấp"


Tôi không biết Phan Châu Trinh có phải là nhà cách mạng vĩ đại không nhưng điều tôi biết chắc, lý thuyết của ông đã thất bại.

Một lý thuyết thất bại 100 năm trước liệu còn phù hợp hôm nay?

Thời cuộc hôm nay có còn là "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh?" Phải nói rằng, chưa bao giờ dân trí của người Việt Nam cao như hôm nay. Đẻ ít con, kinh tế sung túc nên hầu hết thanh niên đều qua chương trình Trung học phổ thông. Số lượng không nhỏ được đào tạo Đại học. Một tỷ lệ lớn dân cư sử dụng mạng xã hối kết nối thông tin với thế giới.

Dân khí Việt Nam đâu có thấp khi thắng Mỹ, thắng Trung Quốc và hàng trăm ngàn người tham gia biểu tình chống Trung Quốc, chống Luật Đặc khu, bảo vệ môi trường? Và chưa bao giờ người Việt Nam giàu như hôm nay…

Tất cả những cái hiện có của Việt Nam hôm nay với 96 triệu người trong nước và 5 triệu người ngoài nước dường như đã đủ. Cái thiếu bây giờ là Dân chủ. Một khi thực sự làm chủ, dân tộc này sẽ bật lên sức mạnh vĩ đại.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com