Đ ỗ Mục trong một chuyến ngao du sơn thủy đã neo thuyền khi đêm xuống trên sông Tần Hoài gần bên một quán rượu. Trời về đêm khói tỏa lan trên làn nước lạnh trong khi trăng sáng trải trên bờ cát. Đúng lúc ấy, vọng từ phía bên kia sông, là tiếng hát của một ca nhi. Người thương nữ chắc không biết nỗi hận mất nước nên vẫn đem bài Hậu Đình Hoa ra để hát. Nhà thơ đời vãn Đường ghi lại cảm nghĩ trong bài thất ngôn tứ tuyệt mà ông đặt tựa là Bạc Tần Hoài, đậu thuyền trên sông Tần Hoà
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia Thương nữ bất tri vong quốc hận Quá giang do xướng Hậu Đình Hoa
Bài thơ xin được tạm dịch:
Khói loang sông lạnh, trăng trên cát Thuyền đậu qua đêm cạnh tửu gia Ca nương không hay hờn mất nước Bên sông vẫn hát Hậu Đình Hoa
Hậu Đình Hoa là một ca khúc viết cho những tiệc vui trong cung điện của Trần Thúc Bảo tức là Trần Hậu Chủ (582-589), ông vua cuối cùng của nhà Trần thời Nam Bắc triều để nhà vua vui chơi cùng Trương Lệ Hoa và các cung nữ. Ông vua ham chơi, sao lãng việc nước nên cuối cùng đã để cho triều đại nhà Trần mất vào tay nhà Tùy. Chuyện xẩy ra trước thời của Đỗ Mục (803-852), trước cái đêm họ Đỗ neo thuyền ở bến Tần Hoài cả hơn 2 trăm năm nên nhà thơ có hơi trách người ca nữ trong quán rượu là không biết mối hận mất nước, vẫn vô tình đem bài ca từng bị coi là đưa tới sự mất nước của nhà Trần ra ca hát giúp vui cho đám khách uống rượu.
Nhưng việc Đỗ Mục trách người thương nữ ấy (dẫu là nhẹ nhàng) có phải là việc làm đúng không? Nhiều người cho là không, vì chuyện nhà Trần mất nước vào tay nhà Tùy thì cũng xẩy ra trước cái đêm Đỗ Mục neo thuyền ở Tần Hoài hơn hai thế kỷ. Chuyện đã xa như thế, thì làm sao người con hát trẻ ấy còn nhớ được việc Trần Hậu Chủ mất nước để… kiêng và né bài Hậu Đình Hoa. Thêm nữa đòi né bài Hậu Đình Hoa có phải là một đòi hỏi hơi quá đáng ở một ca nhi chỉ biết ca hát để kiếm ăn trong một tửu quán nơi bến sông không?
Người ca nữ còn trẻ đó chắc chỉ lo ca hát kiếm sống chứ đầu óc đâu để biết đau cái hận mất nước, mà mài gươm dưới nguyệt như Đặng Dung rồi ngâm “thế sự du du nại lão (?) hà…” tính chuyện nước non.
Hơn thế nữa, Trần Hậu Chủ có mất ngôi báu vào tay nhà Tùy thì lãnh thổ của ông ta cũng vẫn nằm trong nước Trung Hoa, nhà vua không bị bắt đưa đi học tập cải tạo mà được đưa về kinh đô cho sống yên bình đến lúc chết. Chờ đợi người ca nhi phải đau cái đau mất nước xẩy ra hàng bao nhiêu năm trước để kiêng hát bài ca mất nước thì hơi khó.
Thế nên cô ca nhi có đem bài Hậu Đình Hoa ra hát cho đám khách uống rượu ở cái quán ven sông Tần Hoài thì cũng chẳng sao. Nhưng bài thơ của Đỗ Mục vẫn là một bài thơ rất hay.
Mới đây, sau phán quyết về đường lưỡi bò ở biển đông, một số nghệ sĩ người Hoa đã đồng loạt lên tiếng bênh vực lập trường (vô lý) của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đa số những nghệ sĩ này là những tên tuổi trong các cuốn phim Tầu mà các đài truyền hình trong nước cũng như hải ngoại chiếu suốt ngày đêm cho các khán giả Việt Nam say sưa theo dõi. Đến nỗi cứ mỗi khi bật truyền hình lên là lại thấy phim Tầu ngự trị. Trong số các diễn viên Hoa ngữ nổi tiếng, chỉ có Châu Nhuận Phát là dám nói không đống ý với lập trường của nhà nước mặc dù đã biết trước sẽ bị nhà cầm quyền Bắc Kinh trả thù.
Chỉ mới có một đài truyền hình ở trong nước đã can đảm quyết định không chiếu một cuốn phim Tầu đang ăn khách. Các đài khác thì không thấy nói gì, vẫn phim Tầu chuyển âm bằng thứ tiếng Việt và giọng nói ngây ngô để cuộc Hán hóa sẽ không trở thành “sốc” nữa.
Chuyện ca hát thì Viêt Nam không có bài Hậu Đình Hoa để vọng từ bên kia sông sang, nhưng bọn thương nữ và thương nam (?) còn tệ hơn cả đứa ca nhi trong thơ Đỗ Mục. Chúng vẫn nhởn nhơ ca hát như con ve trong bài ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Không một tên tuổi lớn nhỏ nào trong nước cũng như hải ngoại dám cất lên một tiếng nói về chuyện cá chết ở Vũng Áng, về phán quyết của tòa án quốc tế liên quan đến tham vọng của Bắc Kinh, về thân phận của những ngư dân khốn khổ, về môi trường đang bị tàn phá một cách có hệ thống, về đất nước đang bị bán đứt cho ngoại bang… Chúng vẫn đàn ca hát xướng như không có gì đang xẩy ra ở đất nước Việt Nam. Chúng nó sợ bị cấm ca hát, không được cho về nước kiếm tiền nữa.
Trong lúc chuyện Việt Nam còn bi đát hơn chuyện vong quốc của Trần Hậu Chủ biết là bao nhiêu!
Mất nước sẽ là mất luôn. Không như trường hợp Trần Hậu Chủ. Nghĩ tới Tây Tạng mà kinh. Lúc ấy có “năm canh máu chẩy đêm hè vắng / sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” thì cũng chỉ là nghe cuốc kêu cảm hứng như Nguyễn Khuyến mà thôi.