Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


      

SÀI GÒN ĐÔ THỊ KHÔNG HỒN



S ài Gòn đang bắt đầu mùa mưa rồi. Mùa mưa năm nay đến sớm, mới đầu tháng tư đã mưa to tới vài cây, sớm hơn cả tháng so với bình thường. Nhưng vẫn đang là cuối mùa khô chớ chưa vô mùa mưa thiệt sự nên bình thường trời vẫn nóng xối mồ hôi, nắng lòe cả mắt.

Con đường có lá me bay (ngày xưa)

Hai bên đường bây giờ hiếm cây cổ thụ, cây nào trồng lên lơn lớn chút cũng đều phải mé nhánh để khỏi gió lay hoặc gãy cành, thành thử hiếm lắm mới còn ít cây có dáng đẹp. Hầu hết chúng đều cong cong quẹo quẹo, các cành lớn bị cưa cắt thô bạo giật cục trông như đầy sẹo, hoặc chỉ còn phơ phất một tán lá nhỏ tít trên ngọn, thân phía dưới đã bị tỉa gọn khiến hình dạng chung bị biến dạng, trông rất méo mó.

Bữa qua, ông xe ôm chở tôi đi lòng vòng Sài Gòn. Câu chuyện bắt đầu từ câu than thở thời tiết nắng gắt quá, chạy ngoài đường nắng cháy cả da, rồi chuyển sang cây cối. Ở các con đường ngăn ngắn trung tâm quận 1, quận  3 vẫn còn vài hàng me do người Pháp trồng từ cả trăm năm qua. Thân me cổ thụ đen sẫm, vỏ nứt dọc lộ những kẽ trăng trắng. Lá me từng phiến mỏng xanh tươi quanh năm, khi rụng cũng nhẹ nhàng phơi phới như mưa xuân, không làm người ta giật mình, không sợ lá bay đáp vô mắt khi đang chạy xe hay lá to nằm trong máng xối kẹt cống. Vì vậy cách đây hơn trăm năm, người Pháp đã chọn me để trồng trên đường phố Sài Gòn. Buổi chiều gió từ sông thổi dào dạt, lá me bay lẫn trong gió, phấp phới với làn tóc dài, tà áo mỏng thiếu nữ từ xưa vốn là một vẻ đẹp đặc trưng của Sài Gòn.

Mùa mưa, me càng đẹp. Từ trên nhìn xuống, vòm me đâm lộc xanh non, bông vàng lấm tấm đầy cây, với những trái me nhú ra nhanh chóng, chuyển từ màu xanh non gần như lẫn trong vòm lá, càng to càng nâu dần, rồi nâu sẫm đến gần như bạc, chín nứt ra, rơi xuống đường thì vỏ nứt toác để lộ lớp thịt me nâu sẫm chỉ nghĩ đến đã chảy nước miếng.


Nhưng hiếm hoi lắm, Sài Gòn giờ không còn nhiều cây. Bên quận Tư hay ven đường Trường Sa chính quyền cũng trồng nhiều bằng lăng, bò cạp vàng hy vọng có hoa nở sẽ tạo dấu ấn màu sắc. Nhưng chỉ ở vài con đường có khoảng trống rộng thì bằng lăng hay bò cạp mới được tỏa hết dáng, bằng không chúng bị tỉa cành thường xuyên nên thân hay vẹo vọ, co quắp, nên trừ khi vào mùa hoa, hoa nở rộ che bớt còn ngày thường thì trông chúng xấu hoắc.

Bằng lăng ở Sài Gòn hình như không đẹp bằng bằng lăng ở những vùng khác. Chúng nở hoa ít và nhợt nhạt, không bung tím đầy cây như hàng bằng lăng trên đường Kim Mã (Hà Nội), quả thật rực rỡ như những bó hoa khổng lồ bày hai bên con đường.

Trên rất nhiều con đường khác, cây trồng loạn xạ. Nhà dân bị nắng và bụi chiếu cố quá mạnh thì nâng niu trồng một cây trước mặt nhà, đụng cây gì trồng cây đó. Tiệm, quán, nhà hàng… những nơi cần phô ra mặt bằng rộng rãi dễ thấy thì một thời gian dài trong quá khứ bị tố đã dùng cả trăm cách để giết cây. Họ đóng đinh, phạt vỏ, đổ nhớt, đổ nước sôi, đổ hóa chất độc hại, trám xi măng bít kín gốc cây

Hồi trước, Sài Gòn nhiều xà cừ (sọ khỉ). Những hàng xà cừ trồng từ cả trăm năm, tuy che rợp bóng mát nhưng do địa thế trồng không thích hợp lại trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng trong mùa mưa. Xà cừ thuộc loài rễ chùm khỏe và ăn lên, do được trồng quá sát đường nên ngoài việc thiếu không gian, dưỡng chất và dưỡng khí để phát triển mạnh mẽ, chúng còn bị chấn động liên tục vì lượng xe cộ đô thị khiến đứt rễ, sâu bệnh gây mục ruỗng dần. Chưa kể rễ chúng đào cuộn quanh gốc ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ, phá vỡ hết ô xi măng trồng cây, lở lói lề đường và làm khó người đi bộ.

Khi đường xà cừ trăm tuổi hai bên đường Tôn Đức Thắng bị chặt để nhường cho dự án cầu Thủ Thiêm 2, theo thông tin chính thức từ chính quyền, có gần 150 cây bị đốn hạ và hơn 100 cây khác được bứng dưỡng để trồng vào nơi khác.

“Một sai lầm chiến lược”

Đáng tiếc, khi thực hiện việc này chính quyền đã không hề chuẩn bị thông tin cho người dân, cũng không hề chuẩn bị cây thay thế mà chỉ đùng đùng đào gốc trốc rễ. Chiều hôm trước về còn mát rượi, sáng hôm sau đã ô hô trống toác cả một khoảng trời, cây đào lên thì gốc vẫn sâu và ăn ra đến mấy mét chu vi. Cho dù việc đốn bỏ các cây xà cừ đã có nguy cơ trốc trong mùa mưa là hợp lý, nhưng chính việc thiếu thông tin và không hề chuẩn bị cây thay thế mới là yếu tố mấu chốt khiến chủ trương này của TP HCM bị phản đối dữ dội trong thời gian dài.

000_1UA9SZ.jpg

Hình minh hoạ. Đường phố Sài Gòn nơi có hàng cây xanh hai bên đường. AFP

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho đây là “một sai lầm chiến lược về phát triển bền vững của đô thị, cần được lưu tâm để không xảy ra trong tương lai”, do hai điều: “ Thứ nhất, nếu nguy cơ chặt cây này được nêu ra sớm, thì vẫn có thể dời vị trí cầu Thủ Thiêm 2 đến vị trí phù hợp hơn gần đó, mà không phải chặt cây. Thứ hai, 300 cây cổ thụ là một vốn quý của di sản đô thị, vừa về giá trị cảnh quan và môi trường, vừa về giá trị về không gian lịch sử.”

Đặc biệt, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết “việc chặt cây và bứng dưỡng trước đó đã không được nêu lên trong quá trình xin phê duyệt dự án cầu Thủ Thiêm 2 và mở rộng đường Tôn Đức Thắng.”

Tôi đi tìm thông tin về các cây được bứng dưỡng giờ đang ở đâu, cũng như số lượng gỗ rất lớn của gần 150 cây bị đốn mà chính quyền nói sẽ sử dụng làm các công trình công cộng đã được sử dụng ra sao… Nhưng chẳng thấy tìm được trên tờ báo nào.

Sài Gòn không học được Hải Phòng. Từ bài hát nổi tiếng “Thành phố hoa phượng đỏ”, chính quyền Hải Phòng nhiều năm nay, dù qua nhiều đời lãnh đạo nhưng đã chú ý chỉ trồng gần như duy nhất một loài phượng vĩ trên mọi con đường của thành phố này. Phượng có đặc tính giống me dù vòm lá mỏng hơn, lá cũng nhỏ nhẹ không sợ tắc cống, thân to vững chãi, cành tỏa đều đặn, xanh mướt quanh năm, đến hè thì bùng lên rực rỡ một trời đỏ tươi trên nền xanh mơn mởn, đẹp khỏe khoắn mãnh liệt nhưng không chói gắt, rực rỡ mà không quê mùa, hùng tráng đúng kiểu tráng sĩ đất Cảng. Đường Hải Phòng san sát phượng vĩ, tán lá nọ đan vào tán lá kia, ngút mắt một màu trải tít tắp. So với Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ…  Sài Gòn mang tiếng thành phố nam châm của cả nước, nhưng nhìn từ trên cao thì bừa bộn như một bãi gạch đá tiện tay ném xuống, phơi trần dãi dầu trong nắng nóng, gần như không có quy hoạch, gần như không có màu xanh.

Nhìn Sài Gòn trần trụi và xấu xí vì thiếu cây xanh hôm nay, tiếc nuối làm sao khi vào buổi đầu của nó, Sài Gòn đã là một thành phố trong rừng.

Rẽ rừng ra mới thấy thành phố

Một đoạn cực kỳ thú vị trong Báo Nguoiduatin ngày 27/12/2012 viết: “Sau vài chục năm (kể từ 1865, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ 20-NV), cây cối ven các đường phố (Sài Gòn) trở nên um tùm, rậm rạp đến mức nhiều người phải lo lắng đến vấn đề vệ sinh môi trường và đề nghị phải chặt bớt. Ngay những hàng me ở đường Catinat cũng hai lần suýt bị hạ sau những cuộc tranh cãi kịch liệt trong Hội đồng thành phố giữa những người muốn giữ lại và những người muốn chặt bỏ (năm 1903 và năm 1912).

“... Tôi không biết các ông có thấy những tấm hình chụp từ nóc nhà thờ Sài Gòn (tức nhà thờ Đức Bà) hay không. Cảnh đập vào mắt là cả một khu rừng thực thụ. Vì người ta chỉ thấy toàn là cây cối. Thành phố Sài Gòn đang sống trong một khu rừng, vừa ẩm ướt, vừa không có ánh mặt trời lọt xuống đường sá. Một số con đường không bao giờ khô ráo trong suốt 8 tháng liền trong năm. Người ta ngửi thấy một thứ không khí của rừng già, vốn chắc chắn sẽ làm sinh sôi đủ mọi thứ mầm mống dịch bệnh truyền nhiễm. Điều này hiển nhiên là trái ngược hoàn toàn với vệ sinh...”. Đó là những lời lẽ hùng hồn của một ủy viên trong Hội đồng thành phố.

Quả thực lúc ấy, người ta thấy nhà cửa ở nhiều nơi có hiện tượng bị ngấm ẩm nặng nề, như ở đường Blancsubé (nay là Phạm Ngọc Thạch, đoạn từ nhà thờ Đức Bà tới Công trường Quốc tế), đường Garcerie (nay cũng là Phạm Ngọc Thạch, đoạn từ Công trường Quốc tế tới đường Võ Thị Sáu), hay đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối cùng, trong một phiên họp năm 1912, Hội đồng thành phố cũng đã đồng ý cho chặt bớt, và khoảng cách trồng cây trên các đường phố là 10 mét.”

Tôi đọc đi đọc lại đoạn viết trên với một niềm thú vị và tiếc nuối khôn tả.

Dĩ nhiên với hơn một trăm năm phát triển, phình to gấp hàng trăm lần một đô thị Sài Gòn cũ vốn chỉ được tính toán cho chỉ hai, ba trăm ngàn dân (hiện tại Sài Gòn đang có 9 triệu dân-theo thống kê dân số chính thức 2019 và khoảng 12 triệu dân theo ước tính của các nhà xã hội học), Sài Gòn không thể như cũ. Nhưng với nguồn lực ngày một dồi dào hơn, kiến thức về đô thị ngày càng sâu rộng hơn, cùng với vị thế hàng đầu cả nước không thể phủ nhận của TP HCM hiện tại, thì đáng lẽ việc quy hoạch đô thị, sắp xếp đường phố nhà cửa cùng với quy hoạch cây xanh phải được tiến hành ít nhất với cái tâm quan hoài như người Pháp thời xưa.

Thế nhưng ngược lại, thành phố càng phình to, dân càng giàu lên thì công viên, hệ thống cây xanh càng bị cắt xén bạo ngược hơn.

Chờ … 6.500 năm nữa

Đó là vì theo quy hoạch, diện tích công viên được duyệt của cả thành phố là 6.300 ha. Thế nhưng tốc độ xây dựng công viên thực tế chỉ đạt 1,54 ha/năm. Còn diện tích cây xanh công cộng chỉ được 0,5 m2/người, phải tăng lên gấp 14 lần nữa mới đạt được con số trong quy hoạch là 7 m2/người.
Thôi, so gì với “Tây”: diện tích cây xanh công cộng tại Singapore là 30 m2/người , Seoul (Hàn Quốc)  là 41 m2, Berlin (Đức) là 50 m2 . Còn tiêu chuẩn Liên hợp quốc đề ra là 39 m2/người.

Những con số trên trích từ báo cáo trong hội thảo “Định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh giai đoạn 2019-2025  do UBND TP HCM tổ chức tháng 8/2019. Cho đến hiện tại, con số này vẫn chưa thay đổi.

6.500 năm là thời gian không tưởng. Nay là năm 2021, nghĩa là phải đến năm 8521, vào thiên niên kỷ thứ 9, còn tính theo nhiệm kỳ lãnh đạo thì nó phải tốn đến 1.300 nhiệm kỳ nữa, cũng tức qua 1.300 đại hội Đảng nữa thì mới xây được đủ diện tích công viên theo quy hoạch đến năm 2025.

Kiến trúc sư Eden Nie, Quản lý thiết kế Công ty cổ phần tư vấn thiết kế D&B cho biết có tình trạng “chơi chiêu” trong thực tế thực hiện quy hoạch ở các doanh nghiệp:
“Có 2 thực trạng hiện hữu ở đây. Một là hồ sơ bản vẽ thể hiện phần cây xanh không chân thực, hay nói cách khác là chơi chiêu, thay vì đơn giản là những khu cây xanh được trồng và chăm sóc có thảm cỏ, có cây cối . . . thì lại lấp liếm bằng các thủ pháp vật liệu mới kết hợp cây cỏ để tăng cường mảng xanh, ví như Grasscell hay Grass Concrete Pave (ô bê tông lát bề mặt, trong có trồng cỏ-NV). . . Hai phải kể đến vấn đề quản lý thực thi việc thực hiện trồng cây có đúng như đã xin phép hay không. Tình trạng trên bản vẽ một đường và ra ngoài một nẻo là không hề hiếm. Chưa kể trường hợp nếu trơn tru từ thiết kế đến thi công thì sau này khi đưa vào sử dụng liệu có bị lấn chiếm phục vụ cho mục đích khác như công viên hay không ? Điều này chẳng ai dám chắc cả.”

Số liệu các công trình kinh doanh chiếm dụng các công viên ở TP HCM hiện nay như sau:

-Công viên 23/9 : 40%

-Công viên Phú Lâm : 55%

-Công viên Bình Phú : 38,7%

-Công viên Lê Thị Riêng : 20%

Cho nên, ở TP HCM hiện nay, ngoài việc chui từ cái hộp này sang cái hộp khác để hưởng thụ máy lạnh, chạy trốn cái nắng sạm da nhiệt đới, thì vô cùng hiếm những nơi có tàn lá xanh thiên nhiên đủ rộng và đủ thiên nhiên để làm dịu cả thể xác và tâm hồn.

Tham khảo:
https://kientrucvadoisong.net/ckeditor/plugins/fileman/Uploads/Thitruong/TINHOI/hoi%20thao%20cay%20xanh/6_tran_quang_minh_nguyen_dinh_hoa.pdf
https://kientrucvadoisong.net/ckeditor/plugins/fileman/Uploads/Thitruong/TINHOI/hoi%20thao%20cay%20xanh/2_tran_khanh_trung_pham_phu_cuong_tong_hop.pdf
https://www.nguoiduatin.vn/cay-me-hon-pho-sai-gon-xua-a52861.html
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tphcm-phai-mat-gan-6500-nam-de-phu-xanh-dat-cong-vien-1114512.html






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com