Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




ĐỌC “PHÉP SỐNG CỦA NGƯỜI GÌA“

CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM






"P hép sống của người già” là một bài thơ gồm 11 khổ thơ, mỗi khổ thơ gồm một cặp câu (bài thơ có 22 dòng tất cả). Mỗi cặp câu nêu một nguyên tắc, nguyên lí sống mà tác giả gọi là “phép sống”. Tác giả cũng không quên dặn dò: “Không nên tùy tiện ứng dụng”. Vậy, nguyên tắc, nguyên lí, “phép sống” đó là gì và người già nên ứng dụng như thế nào để tránh “tùy tiện”?

Đưa nhiều không khí vào phổi
Hơn nói ra phều phào

Ở người già, các bộ máy của cơ thể hoạt động kém đi, bộ hô hấp cũng thế. Cho nên người già cần tích cực hít thở không khí trong lành (dù càng ngày càng khó tìm) hơn là nói nhiều, nói những điều cũ rích, nói những điều lạc hậu, nói những điều sáo mòn, nói những điều không ai muốn nghe (nếu người ta có nghe thì cũng nghe cho phải phép lịch sự thôi chứ chẳng ai thèm làm theo đâu mà hí hửng)!

Đạp xe lòng vòng một giờ
Hơn ba giờ ngồi mit-tinh

Thật chí lí! Đạp xe lòng vòng một giờ (dĩ nhiên là phải hết sức cẩn thận, chọn những con đường vắng vẻ, an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông) rất tốt cho sức khỏe của người già: tay chân vận động, mắt vận động, tai vận động, thần kinh cũng phải vận động, vận động toàn cục. Hơn ba giờ ngồi mít-tinh thì hại cho sức khỏe vô cùng: máu không lưu thông, đau lưng, đau thần kinh tọa, huyết áp tăng, ... Hơn ba giờ ngồi mít-tinh để nghe ba con vẹt nói biển Đông chẳng có gì, kinh tế tăng trưởng cao, có thêm 500 tiến sĩ, v.v... thì hư tai, hư óc, hư hồn. Vậy, người già chớ dại nhé!

Đi một ngày đàng học một sàng khôn
Nhưng cái sàng phải nhỏ

Tục ngữ đã nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Mọi người, kể cả người già, cần phải “đi”, phải đọc (đọc sách, đọc báo, đọc trên mạng), phải nghe, phải thấy, phải tiếp xúc thực tế để học, để khôn. Đối với người già, hoạt động này còn có tác dụng quan trọng là làm chậm quá trình lão hóa. “Nhưng cái sàng phải nhỏ”. Theo tôi, ta phải tránh học ôm đồm, học tạp nham mà phải học một cách chọn lọc để tránh trở thành khôn vặt, khôn nhà dại chợ.

Thấy người lạ gọi vào điện thoại
Phải nói mình vắng mặt

Điện thoại là một thành tựu của khoa học kĩ thuật, rất cần thiết trong cuộc sống nhưng cũng gây không ít phiền phức, tai họa cho người dùng. Vậy, “thấy người lạ gọi vào điện thoại” thì người già nên đeo kính lão vào xem, rồi “lờ đi” và khỏi “phải nói mình vắng mặt” (nếu đã vắng mặt sao “nói mình vắng mặt” được).

Ít đọc báo
Chăm xem vườn

Đúng là đọc báo chỉ thêm lo, thêm buồn. Cái tốt, cái hay không có bao nhiêu lại không chắc là thật. Nhưng chuyện thất thoát trăm tỉ, ngàn tỉ, đâm, chém, hiếp, giết, ... thì tràn lan. “Chăm xem vườn” để nhìn lá xanh, hoa nở, ... rất tốt cho tâm trí người già. Có lẽ không có gì cần bàn thêm!

Thứ nhất sợ rắn
Thứ nhì sợ lão hàng xóm

Đúng rồi. “Chăm xem vườn” thì cần phải cẩn thận kẻo bị rắn, rít đớp cho một phát thì khốn khổ khốn nạn. Rắn, rít nấp trong lá mục, hốc đá, hốc gạch, trên cành cây. Phải mang ủng, phải đội mũ, phải khua gậy khi ra thăm vườn. Ôi! Nhiêu khê, phức tạp lắm! “Thứ nhì sợ lão hàng xóm”. Theo tôi, hàng xóm cũng có người tốt, kẻ xấu. Cha ông ta từng bảo “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Ta chỉ sợ hàng xóm xấu thôi, nhất là hàng xóm 16 + 4 thì thật khó lường!

Nghe lời tán tụng phải cúi mặt
Ngắm trái cây cố ngẩng đầu

“Nghe lời tán tụng phải cúi mặt” nếu anh là người yêu sự thật, quí trọng sự chân thành, không ưa xu nịnh, ton hót. “Ngắm trái cây cố ngẩng đầu” để nhìn rõ trái lành, trái sâu, để thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của trái cây, của trái chín và cũng là vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp của sự sống.

Đi giữa đám đông phải như đi rừng
Đi một mình hát thầm trong miệng

Đúng vậy, đi giữa đám đông phải cảnh giác, phải cẩn thận hơn đi rừng (chứ không phải “như đi rừng”) để khỏi bị trấn lột, bị cướp giựt, bị tông xe, ... “Đi một mình hát thầm trong miệng” giúp duy trì sự phấn chấn, lòng yêu đời, yêu cuộc sống. Nhưng nếu đi xe máy thì người già càng phải tập trung, không nên hát dù là “hát thầm trong miệng”.

Chỉ khóc khi một mình
Cười nhiều thiên hạ sợ

Khóc, cười là sự biểu lộ tình cảm rất riêng tư, rất cá nhân. Vì vậy, ta không nên khóc tập thể như khóc thuê, khóc mướn, chỉ to tiếng mà chẳng có chút buồn bã, thương tiếc nào cả. Khóc để quay phim, khóc để ghi âm, khóc để quảng cáo thì không nói làm gì. Cười, vui cười với con cháu, với người thân, với bạn bè thì tốt thôi nhưng cũng cần có liều lượng, thuốc bổ uống nhiều quá cũng toi mạng như chơi. Cụ thể, ta đừng cười hố hố, hặc hặc, hí hí mà nên cười ha ha, hà hà, há há?

Vỗ ngực bảy mươi tuổi
Sờ ớt mới lên năm.

Đây là cặp thơ mà tôi khoái nhất. Bảy mươi tuổi đã là “cổ lai hi” (xưa nay hiếm) nên cũng đáng vỗ ngực tự hào, tự hào mình có gien di truyền tốt, tự hào mình ăn uống hợp vệ sinh, tự hào mình biết rèn luyện, biết thể dục thể thao nên được trở thành “hiếm”. “Sờ ớt mới lên năm”. Đúng quá! Ớt nào cũng non – già – chín – khô queo thôi. Đã khô queo rồi thì nó cũng như thuở mới lên năm, bé tí tẹo, không dùng được nhiều việc nữa! Ớt của ông già nào cũng vậy thôi. Chớ có buồn mà tổn thọ!

Khi nằm xuống huyệt của mình
Cứ ngủ ngon như đi picnic

Sống thì không thể tránh được vô vàn những phiền toái. Khi chết đi, ai cũng mong được thanh thản, an lành. Muốn thế, khi sống ta đừng gây thù chuốc oán, đừng cướp của giết người, đừng phản quốc hại dân, đừng gây hại cho đồng bào đồng loại, đừng phạm phải tội ác các loại. Cố gắng làm việc thiện dù là việc thiện nhỏ. Cố tránh làm điều ác dù là điều ác bé. Được như vậy, chắc chắn “khi nằm xuống huyệt của mình, cứ ngủ ngon như đi picnic”. Nhất trí với nhà thơ! Những nguyên lí sống, nguyên tắc sống hay “phép sống của người già” được liệt kê, được giải bày trong bài thơ, theo tôi, đa phần là xác đáng. Chỉ có đôi điều cần “chú thích” thêm như tôi đã làm ở trên. Người già chúng ta nên đọc, ngẫm nghỉ và ứng dụng một cách thích hợp với từng hoàn cảnh, từng điều kiện cụ thể, hết sức tránh “tùy tiện” như tác giả đã lưu ý ở lời đề từ! Một ví dụ nhỏ: không có vườn thì ít “sợ rắn” nhưng cũng không thể “chăm xem vườn” được. Vậy, ta có thể chăm chậu cá cảnh, một con vật nuôi nào đó. Bài thơ, như đã nêu ở trên, gồm 11 cặp câu. Ý tứ ở mỗi cặp câu quyện chặt vào nhau. Ngôn ngữ thơ thật dung dị, mộc mạc, đôi chỗ hóm hỉnh, dễ thương. Tôi khoái bài này hơn “Mặt đường khát vọng” của ông.

Ninh Thuận, ngày 05-5-2013

Phụ lục:

Phép Sống Của Người Già

Không nên tùy tiện ứng dụng

Đưa nhiều không khí vào phổi
Hơn nói ra phều phào

Đạp xe lòng vòng một giờ
Hơn ba giờ ngồi mit-tinh

Đi một ngày đàng học một sàng khôn
Nhưng cái sàng phải nhỏ

Thấy người lạ gọi vào điện thoại
Phải nói mình vắng mặt

Ít đọc báo
Chăm xem vườn

Thứ nhất sợ rắn
Thứ nhì sợ lão hàng xóm

Nghe lời tán tụng phải cúi mặt
Ngắm trái cây cố ngẩng đầu

Đi giữa đám đông phải như đi rừng
Đi một mình hát thầm trong miệng

Chỉ khóc khi một mình
Cười nhiều thiên hạ sợ

Vỗ ngực bảy mươi tuổi
Sờ ớt mới lên năm.

Khi nằm xuống huyệt của mình
Cứ ngủ ngon như đi picnic

4.5.2013
Nguyễn Khoa Điềm


Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ NinhThuận .