Kính tặng ngoại Đỗ thị Mười (Bến Tre)
và mẹ Đỗ thị Yến Thoại
Mẹ ơi ! con nhớ ngày xưa chạy giặc
Tay mẹ bồng, tay mẹ dắt chúng con đi
Giữa tiếng bom, tiếng đạn nổ ầm-ì
Con hốt hoảng trốn vào dưới chân mẹ
Mẹ ơi ! ngày xưa mẹ hãy còn rất trẻ
Tuổi thanh xuân mẹ lưu lạc buổi loạn ly
Sáu đứa con non dại chẳng biết chi
Một tay mẹ chạy lo cơm từng bữa
Mẹ ơi ! ngày xưa mẹ cho con và cho nữa
Những đêm dài mẹ canh giấc con đau
Chẳng để tâm ngày và đêm nối tiếp nhau
Khi nhớ lại, tóc mẹ đã pha màu muối
Mẹ ơi ! mẹ lo từng khắc để con thêm từng tuổi
Mẹ chỉ kim để con được đến trường
Mổi đoạn đường là một quảng của tình thương
30 Tết mẹ vẫn còn ngồi may áo mới
Mẹ ơi ! mẹ rất vui khi bà con hàng xóm tới
Tiếp một tay cùng may áo cho xong
Để con thơ được mặc chiếc áo hồng
Mẹ cầu nguyện cho con ngày tươi sáng
Mẹ ơi ! hôm nay trong vòm trời quang đãng
Ngước nhìn lên con nhớ mẹ đã ra đi
Cả thanh xuân mẹ chẳng hưởng được gì
Khi con lớn, chỉ biết cầm nấm hương nhớ mẹ
DỖ EM
Dỗ em đi anh
Dỗ em đi
Cho ngày mai ửng sáng
Dỗ cho mây xanh
Bay cao
Cho mưa rào đỗ xuống
Chan chứa
Lòng em ngập tràn
Đắm đuối
Giấc mơ ban đầu
Cũng là giấc mơ cuối
Dỗ em hơi thở nồng nàn
Đẫm ướt tóc mai
Còng chân theo sóng vỗ
Vọng đến Thiên Thai
Dỗ em đi anh
Dỗ em đi
Dỗ em cho nụ cười anh rạng rỡ
Ánh mắt nhìn
Lấp lánh đến dể thương
Giọng trầm trầm
Khoan nhặt
Rất bình thường
Anh nào biết
Em vào cõi Thiên Đường
Từ dạo đó...
Dỗ em đi anh
Dỗ em đi
Vòng tay anh rắn chắc
Nhưng vẫn đủ mềm
Và rộng bao la
Để gom tất cả ánh chiều tà
Đem thả xuống
Trên thung lũng
Núi đồi hứa hẹn
Khát khao
Một giấc chiêm bao
Ngây thơ ngày nào
Dỗ em không còn phiền muộn
Dỗ em đi anh
Dỗ em....
ĐÓA HOA HỜ
Đêm sáng tối qua hàng cây lá mỏng
Con đường khuya trơ tráo ngỏ đi về
Ánh trăng thề đã lếch thếch lê thê
Rơi rớt xuống một chuyện tình vô hy vọng
Chợt nhớ đến đèn khuya náo động,
Suốt canh dài qua điệu nhạc du dương,
Tay trong tay say ánh sáng yêu thương,
Cùng hăm hở vào cuộc tình Sét Đánh
Khi mới gặp cõi lòng đà khô quánh,
Thản nhiên chờ thần chết đến đem đi.
Mong đổi đời như cánh hạc thiên di,
Để chấm dứt tấm hồng nhan bạc phận.
Anh chợt đến buổi chiều vui sinh nhật,
Đem mưa mùa vực sống dậy cỏ cây.
Mang bình minh rộng mở đến ngất ngây,
Em lao bước vào Địa Đàng nhẹ nhõm.
Nào biết tình anh như sương buổi sớm,
Tỏa lung linh ngàn tía quyện tơ trời
Đem dâng em, người duy nhất trên đời,
Bốn mươi tuổi, em vừa yêu như trinh nữ.
Sao con tạo lại bài trò xảo ngữ,
Tưởng là may lại hóa rủi vô phần,
Chẳng ngại ngần, chẳng một chút phân vân,
Anh như cánh bướm đã bay theo hương la.
Trong ngày cưới anh thề anh chắc dạ,
Chỉ mình em và mãi mãi chỉ mình em.
Đẹp như hoa, như gạo rải bên thềm *
Trong 18 năm êm đềm,
Em đi như người say mộng.
Rồi một ngày hè gió lộng,
Chợt thấy đất trời chuyển động chung quanh,
Lửa từ tâm ngùn ngụt cháy tung hoành,
Em chới với tìm một làn sinh khí.
Đâu là luân lý ?
Đâu là thủy chung ?
Thôi ! Thế thôi là hết,
18 năm giẫy chết.
Thần tượng nổ tan tành.
Khi biết được anh,
Cùng người đàn bà lăng loàn ấy,
Vẫn lén lút đến với nhau,
Từ trước khi ngày cưới.
Ngày và đêm xua nhau buồn rũ rượi,
Mảnh đất cằn chỉ nở được đóa hoa khô.
Cố giang tay, để nắm mãi chuyện hư vô.
Em khốn khổ nhỏ một giọt lệ hồng
Xuống đóa hoa khờ, trên nắm mộ cỏ xanh vừa mọc.
* Theo tục lệ ở Âu Châu, những người dự lễ cưới sẽ rải cánh hoa và gạo trắng để chúc phúc vào cô dâu chú rể đang đi ra khỏi thềm nhà thờ hay
tòa thị chính.
QUÊ HƯƠNG ĐÓ
Ai đã từng bất chợt ra đi
như lửa cháy, như đạn bay bom nổ
con chó con chạy khốn khổ sủa xin theo
mới biết thế nào là cảnh biệt ly
để đi làm người viễn xứ
Ai cũng có một sau 30 năm
dù trong hoàn cảnh nào
cũng đã từng trăn trở
vẫn nghe trong lòng "chết đi một ít "
vì nơi đó có tên gọi là Quê Hương
không nơi nào có thể thay thế được
Rồi thế hệ thứ ba,
sinh trưởng nơi đất khách,
không bao giờ về hay đã về
liệu tiếng Quê Hương giản dị đó
có còn đồng nghĩa
với Quê Hương của thế hệ chúng ta
khi chúng ta đã chết
Chết đâu phải là hết,
vẫn câu hỏi dai dẵng hốc búa
chúng ta sẽ chết thế nào
để cho hai tiếng Quê Hương đó
có đồng chung một nghĩa
và đồng chung một cảm nhận ?
(... vì lực chẳng tòng tâm)
Chúng ta nghỉ sao khi nghe thế hệ tương lai :
"ông bà cha mẹ tôi
ngày xưa cũng là người Việt
còn nơi đó đối với chúng tôi,
tất cả đều lạ lẫm..."
(con chó già đã chết từ lâu,
cây đờn bầu nằm im trên tường
đang lặng lẽ chờ dưới lớp bụi,
nhưng không còn ai về
tìm từng viên đá rêu phong
để dâng một tấm lòng...)
Bổng dưng sao đâu đây đang khắc khoải
hai tiếng chúng ta và chúng tôi
như có một khoảng trời cách biệt.