Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


1921 - 1988




QUA ĐAN PHƯỢNG NHỚ QUANG DŨNG
 
      " Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói"
    
Lời thưa : ngày 5/4/Đinh Dậu (1/4/2017) NK cùng "mẹ đĩ" & mấy người bạn thơ Hà Thành lên lễ hội đền Hát Môn tưởng niệm ngày tuẫn tiết của Hai bà Trưng...chiều ghé thăm Đan Phượng, lúc ngồi ở đình Đại Phùng may mắn được bà Thủ từ tiếp chuyện , cho biết : Nhà thơ Quang Dũng ( 1921-1988) là con trai cụ Tổng Phùng  ( cụ ông là Bùi Đình Khuê, mất năm 1942, cụ bà họ Trần/ quê Hải Phòng), nhà cạnh chợ ở bên con đê Hiệp (Đan Phượng/ Phùng- Hà Đông) là Đại lý (buôn bán) gạo , muối ...Nhà có 3 anh em trai : anh cả Bùi Đình Đan/ sau 1955 làm nghề Lò gạch. Trai thứ 2 là Nhà thơ Quang Dũng ( tên khai sinh là Bùi Đình Dậu, nhưng khi đi học vì thiếu tuổi phải lấy giấy khai sinh anh con nhà bác là Bùi Đình Diệm (còn cụ Diệm thật thì lại mang tiên Dậu, sống ở Đan Phượng). Trai thứ 3 là Thiếu tướng (2 sao) Bùi Đình Đạm (1926-2009) của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nguyên cựu Đại tá Giám đốc Nha động viên, cựu Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn 7 QLVNCH trước 30/4/1975, sau 1975 sang sống ở San Jose - Hoa kỳ.
Hồi Kháng chiến 9 năm, cụ Tổng bà ở quê Đan Phượng/ vùng Quân Pháp/ Bảo Đại chiếm đóng, cụ thường than thở "anh em đứa bên này, đứa bên kia , giữa trận mạc nếu gặp nhau sao mà nhận mặt ?"...Năm 1954 cụ Tổng bà và gia đình di cư vào Sài Gòn...Hồi 11/12/1947 vợ Nhà thơ sinh con trai đầu lòng (ở hậu địch) cụ Tổng bà đi làm giấy khai sinh cho cháu nội, lấy luôn họ bà là Trần Quang Dũng... khi Nhà thơ đi Tây Tiến nhớ con, trong bài "Đôi mắt người Sơn Tây" có câu : Mẹ tôi, em có gặp đâu không ?/ Bao xác già nua ngập cánh đồng, Tôi có đứa con còn bé dại/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông !
  Đó cũng là lý do của Nhà thơ lấy tên con trai là Trần Quang Dũng làm "bút danh" ...sau này Ông phải đi làm lại giấy khai sinh cho con trai là Bùi Quang Vĩnh ( Nhạc sĩ / giảng viên  Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), cũng có người lý giải : Quang Dũng là lấy cảm hứng từ nhân vật "Dũng" của Nhà văn Nhất Linh/ bạn của nhà thơ...
 Ôi,"Nam - Bắc phân tranh" đến nay đã 42 năm, NK cũng đã sang tuổi 80,nhân lên thăm Đan Phượng/ Phùng...hoài niệm dĩ vãng có đôi dòng cảm tác :


Ao làng...Phượng tắm ngời Đan Phượng
Phượng Hoàng tung cánh cõi Ca thi
"Tây Tiến" hồn trai lên hùng tráng
Pha Luông chiều ngợp nắng Ba Vì...      
*
Người đi như thể không về nữa
Sông Đáy nguồn quê cạn trơ dòng
Sáo diều đã "bặt" trời thương nhớ
Xứ Đoài mây trắng mãi bâng khuâng...
*
Ai đã quên  chăng mùa chinh chiến ?
Đôi mắt Sơn Tây ráo hoảnh rồi
"Nam - Bắc phân tranh" đường hai ngả
Anh em tình nghĩa cũng chia phôi !
*
Bảy chục năm rồi, ôi xương máu
Còn mãi Non Sông một Tình Thơ
"Tây Tiến" -(Quang Dũng) sao chưa "tên đường " nhỉ ?
Để chiều Đan Phượng cứ ngẩn ngơ.  
 
Đan Phượng, chiều 1/4/2017

HẠ LŨNG - MỘT LÀNG HOA SẮP MẤT
 
Tặng : Tiểu Hè

     Lời thưa : Quê vợ NK ở làng Hạ Lũng (Phường Đằng Hải, Quận Hải An, Tp Hải Phòng) hơn 100 năm qua như Làng hoa Ngọc Hà  (Hà Nội), tồn tại và định danh trên đất Cảng bởi sắc hoa tươi, cành cứng cáp và giữ được độ bền chắc như những người con gái Hạ Lũng xinh đẹp đảm đang...


Ngày mới về "chạm ngõ"
Xuống Bà ngoại xem hoa
- cây Hoàng Lan lộng gió
mùi Thiên Lý thơm đưa...
Rồi ta đi Tây Bắc
yêu hoa Ban - Sơn La
mỗi hè về nghỉ phép
lại xuống thăm vườn nhà...
Đồng Hạ Lũng ngợp hoa
Mẹ tưới chăm tần tảo
- Em gái, sớm tinh mơ
đã gánh hoa lên phố...
Này Thược Dược rạng rỡ
Này "Đồng Tiền" long lanh
Này hoa "giơn" (lay ơn) tươi mới
đám cưới thêm đượm tình...
Thấm thoắt năm chục năm
Làng tưng bừng lên phố
Đồng thành khu Cao tầng
Vườn xây đầy Biệt thự...
Những mảnh vườn thu nhỏ
Em gái đã lên Bà
mở quán "hoa Đà Lạt"
thương mảnh vườn ngày xưa ?  
 
Quê Hạ Lũng 15/3/2017

MẢNH VƯỜN QUÊ NGOẠI
 
(viết cho Tiểu Hè)

     Lời thưa : Tiểu Hè (1947), Bố đi Bộ đội Việt Minh 19/8/1945- chiến sĩ Điện Biên Phủ...mẹ ở hậu địch đi lấy chồng khác, bỏ lại cho ông bà ngoại nuôi, 1959 Bố  về đón lên Sơn La ở theo Đơn vị Bộ đội , được cho đi học = "Người con gái viên Đại Úy"...rồi yêu chàng Kỹ sư Nông Nghiệp NK , nghỉ hè năm ấy (1964) đưa nhau về quê thăm ông bà ngoại :


Mảnh vườn xưa ôm ấp tuổi thơ em
Vẫn thắm đượm hương hoa, sắc lá
Bé thơ : ông bà ngoại nuôi em
Hôm nay thăm lòng anh bồn chồn lạ...
Đâu là lối ngày xưa em đùa nghịch ?
Ẩn trong hoa chơi "dấu" với bạn làng
Đâu là chỗ tủi thân em ngồi khóc
Có ai hay nước mắt cảnh lìa tan ?
Ông có hay đến dỗ em ngoan nín
Thương Bố, thương em...ông nước mắt lưng tròng
Có phải ao kia đã từng soi bóng em ẩn hiện
trên cành cây em tựa, em rung...
Đâu là đường Bố về đón em lên Tây Bắc ?
cho em lớn lên đi học, hiểu làm người
cho em gặp anh yêu nhau tha thiết
cho ngày về thăm quê ngoại vui tươi...
Cho em đưa anh dạo chơi vườn cũ
Nhìn lá hoa mới lại ngỡ ngàng
Hoa lá tốt tươi như tình ta rạng rỡ
Xưa lìa tan, nay chỉ có họp xum.
Mảnh vườn xưa thân thiết tuổi thơ em
Nay anh dạo cùng em thân thiết
Ngậm ngùi chuyện xưa Bố lỡ làng đáng tiếc
Nhưng lại mừng chuyện ta nay tươi sáng đẹp bền...
Ông bà ngoại đã già tóc bạc
Nhưng tình yêu thương vẫn đằm thắm sâu nồng
Cho đôi ta như cây xanh tươi tốt
Đời đời lắm quả trĩu sai bông.  
 
tại Hạ Lũng sáng 26/6/1964



VVM.17.3.2023