Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



“VĂN HÓA ĐỌC” PHƯƠNG NAM CÓ TỰ BAO GIỜ ?

  


T heo các tài liệu tìm đươc, Nam Bộ được xem là vùng đất khởi thủy của “quốc ngữ và báo chí - tiểu thuyết”. Chưa rõ được sáng chế năm nào chỉ biết rằng chữ Quốc ngữ qua một số giáo sĩ Bồ Đào Nha(Francisco de Pina – nhà tiên phong trong phát minh; Alexandre de Rhodes – hệ thống hoá, chỉnh lý và phổ biến) - truyền đạo manh nha ở vùng đất Quảng Nam từ giữa thế kỷ 17 và phổ biến tại Nam Kỳ vào giữa thế kỷ 19.

Năm 1865, Gia Định báo, tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam ra đời. Sau đó một năm, tập sách sưu tầm văn học dân gian Chuyện Đời Xưa – Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay Và Có Ích (Saigon,1866,74 trang) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898) xuất hiện…

Năm 1882, chữ quốc ngữ được tuyên bố là văn tự chính thức ở Nam Kỳ, với Nghị định của nhà cầm quyền Pháp, buộc các viên chức hành chánh xã thôn ở Nam Kỳ phải biết chữ Quốc ngữ.

Trong bài viết “Chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của Phụ nữ”– (Phụ nữ Tân văn Saigon, số 28 ngày 28/7/1929), Ông Phan Khôi (1887-1959) đề cập đến những bước đi của chữ quốc ngữ từ tự điển sang kinh sách Thiên Chúa giáo rồi từ trường học thuộc Pháp sang các địa hạt chính trị, văn học bình dân, báo chí, đã lưu ý: “ Độc giả hãy nhớ, xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho dân An Nam! Mà là thầy thiệt. Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huỳnh Tịnh Trai. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng An Nam”.

Chữ và sách ra đời tại phương Nam do vậy không lý gì văn hóa đọc (VHĐ) lại không khai sinh từ nơi này !

Thói quen đọc sách

Saigon trước 1975 có thể nói từ trí thức cho đến giới bình dân, nhiều người thường có thói quen mở đầu một ngày sống với cà phê và tờ nhật báo theo dõi tin tức đủ mọi thứ trên đời hoặc “mê mẩn” chờ hồi sau sẽ rõ của loại tiểu thuyết “feuilleton” dài lê thê câu độc giả. Hình ảnh người phu xe xích lô Sài Gòn, buổi trưa nắng cháy, tìm chỗ râm mát nghỉ ngơi, ngồi gác chân đọc nhật trình rất quen thuộc. Hôm nào vắng báo - do nghỉ lễ Tết hoặc bị chính quyền cũ kiểm duyệt tịch thu, rút giấy phép đình bản hoặc do biến cố đảo chánh, chỉnh lý…gián đoạn không phát hành, dân Saigon cảm thấy bức bối, vật vã như thể người thiếu “thuốc”!

Lỗ hổng “Văn hóa đọc” phương Nam

Thế rồi, sau 75 - mọi người biết rồi đó, sách báo miền Nam trải qua cơn bão táp kinh hoàng, bị truy quét tịch thu, tiêu hủy vô tội vạ. Đến nỗi một bạn đồng nghiệp dạy văn THPT Nguyễn An Ninh – anh Lê Khánh Th. đã phải xin giấy xác nhận là giáo viên của trường để xin nhận lại bộ tự điển Bách khoa toàn thư Britannica vì đó là tài liệu tham khảo - bị địa phương Phường Khóm niêm phong tịch biên trong đợt kiểm kê tư sản(1977). Riêng tôi rất “mê sách” - còn giữ nguyên bộ đóng tập 4 quyển “Nhà Văn Hiện Đại”của Vũ Ngọc Phan (NXB Thăng Long tái bản - Saigòn,1960) - tư liệu tham khảo lưu dấu thời sinh viên Văn Khoa. Để phòng hờ bộ sách bị “chết oan”,tôi đành phải xé bỏ mấy trang mở đầu khá “nhạy cảm” - giới thiệu sơ lược số phận những nhà văn còn sống bên kia vĩ tuyến 17 !?

Đọc sách thì phải có sách, phải quen “gu” sách. Không sách, “văn hóa đọc”miền Nam gần như tê liệt rơi vào trạng thái khủng hoảng, chựng lại một nhịp khá dài suốt thời “bao cấp”. Cái “cũ” bị phủ định sạch trơn, cái “mới” còn lạ lẫm thậm chí “dị ứng”(?) - Thói quen văn hóa không dễ gì xóa sạch ngay lập tức hay xác lập chóng vánh một sớm một chiều và do vậy cuộc tảo thanh bất chấp - dồn tất cả vào rọ văn hóa “phản động đồi trụy”- đã vô tình tạo ra khoảng trống hoác trong đời sống tinh thần độc giả phương Nam sau 75…

May sao,“Trời còn để có hôm nay…” !

“Đổi mới”(tính từ 1986 - độ trễ khắc phục sửa sai - về văn hóa + kinh tế phải mất 10,15 thậm chí 20 năm sau) - những ghi nhận nhiều năm gần đây, thị trường sách Saigon nhen nhóm hồi sinh, nhiều tác phẩm, tác giả được nhìn nhận lại. Mảng thơ mới trước 1945 (Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn…), tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn giai đoạn 30-45 (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam), được chọn lọc tái xuất. Hàng chục đầu sách của Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, xếp đầy trên kệ Fahasa Nguyễn Huệ. Truyện chưởng kiếm hiệp (Kim Dung), tiểu thuyết (Quỳnh Dao). Sách tôn giáo – nhiều tác phẩm của thiền sư Nhất Hạnh (Nẻo Vào Thiền Học, An Lạc Trong Từng Bước chân, Thả Một Bè Lau… cũng được giới thiệu đến bạn đọc. Hồi ký (Vương Hồng Sển, Trần Văn Khê, Bà Tùng Long, Lý Quí Chung, Hoành Linh Đỗ Mậu…) tràn ngập. VHĐ tuy “uể oải” nhưng có gượng dậy khá hơn.

Thỉnh thoảng cuối tuần,tôi vác cái tuế “hoàng hôn” lang thang ra phố - tìm lại chút hương xưa, chiêu hồn muôn năm cũ những hiệu sách gợi nhớ một thời xa xôi – Xuân Thu,Khai Trí,Vĩnh Bảo,Tự Lực,Lê Phan… đâu rồi hương linh năm cũ ?

“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”
(Kiều).

Công nghệ nghe, nhìn và mối lo

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ điện tử,kỹ thuật số, văn hóa nghe-nhìn (VHNN) chiếm ưu thế,VHĐ bị cạnh tranh gay gắt, hiện tượng lười đọc khá phổ biến. Người ta ghi nhận: nếu trước đây rước một cuốn sách buổi tối đọc ở nhà, thì ngày nay cả thế giới đã về đến đầu giường rồi. Mở radio, bấm remote TV, bật máy tính lướt Web là thấy mình đang đứng dạng hai chân trên quả địa cầu mà không phải nhọc nhằn đọc từng trang, soi rọi từng con chữ. Người ta thu thập nhiều tri thức mà ít hao calo. Tuy nhiên VHNN nặng về tính thông tin và giải trí và có phần nhẹ về tính giáo dục và tri thức.

Giới trẻ ngày nay quen tiếp nhận thông tin kiến thức đã đúc sẵn từ người khác, các em ngại đọc những gì buôc phải tư duy động não, độc lập suy nghĩ. Điều này lâu dần dẫn đến sự chây lười, thụ động. Chúng ta nên nhớ Computer, Smart phone, TV có “siêu” đến đâu thì nó cũng là sản phẩm do con người tạo ra. Con người phải làm chủ nó, buộc nó - những con chíp điện tử electronics chip (*) - phải phục vụ con người - làm thay đổi diện mạo thế giới.

Trước khi có phương tiện nghe, nhìn thì sách là con đường giúp chúng ta tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ, tiếp cận thông tin, tri thức. Đọc sách là một trong những cách giúp chúng ta thư giãn, làm giàu kiến thức, mở rộng “biên cương” tâm hồn. Song hiện nay có một thực tế đáng lo ngại, là số bạn đọc giảm dần, nhất là lớp trẻ rất thờ ơ với VHĐ.

Nhìn sang Nhật Bản - Công nghệ giải trí di động thịnh hành trong những năm gần đây nhưng vẫn không đè bẹp nổi VHĐ. Trên các tuyến đường tàu điện, luôn có rất nhiều người cầm quyển sách để đọc trong thời gian di chuyển. Họ đọc sách ngay cả khi phải đứng trong suốt cả chặng đường dài trên một con tàu thường xuyên lắc lư. Ở những đường ngầm dưới mặt đất có rất nhiều cửa hàng sách nhỏ. Vào giờ nghỉ trưa, nhiều người lao động Nhật Bản tranh thủ tản bộ qua đây, tìm cho mình một quyển sách ưng ý.

Chúng ta không lo ngại VH “nghe-nhìn” sẽ áp đảo tất cả,vì dẫu sao VH đọc hiểu rộng hơn đó chính là văn hóa tích lũy thông qua cả kỹ năng nghe, nhìn.

Tôi rất vui khi đọc dòng tin trên báo mạng : Sáng 19.4.24 tại Đường sách TP.HCM, Sở TT-TT TP.HCM long trọng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc VN, mở đầu chuỗi sự kiện diễn ra đến ngày 1.5, với các thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc - tai nghe”… Tôi nghĩ đến điều tất yếu - Kinh tế không ngừng phát triển buộc Văn hóa phải xứng tầm nối gót.Chúng ta phát động kêu gọi mọi người hãy đến với Văn hóa đọc – nhưng điều cốt lõi cần chú ý có lôi cuốn được quần chúng bạn đọc hay không là từ nội dung sách – thể hiện ở vẻ đẹp “chân-thiện-mỹ” - chiều sâu tư tưởng - tính nhân bản - sự trung thực - phản ánh đa chiều số phận con người Việt Nam trong mọi tình huống,mọi không gian của đời sống .

Bất kỳ sản phẩm Văn Nghệ nào khi trích xuất từ con người đều trở lại phục vụ con người -thúc đẩy cuộc sống phát triển…

Do vậy Diderot cho rằng : “Ngừng đọc sách là ngừng tư duy” - Còn G.Addison thì bảo :“Đọc sách đối với trí tuệ giống như thể dục đối với thân thể” - P.Paplenko đưa ra nhận định :“Gia đình nào không có ai đọc sách là một gia đình không đủ giá trị tinh thần” - Riêng tôi rất ngấm ý tưởng của Xmaixơ :“Sách là người bạn tốt của tuổi già, đồng thời là người chỉ dẫn tốt của tuổi trẻ”.

(Saigon - viết 2019 - chỉnh sửa cập nhật 20/4/24)
(*) Chíp điện tử - electronics chip - còn gọi là mạch tích hợp (integrated circuit)




VVM.02.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .