Đ ã là người dân nước Việt mến yêu mấy ai mà không biết đến bài ca dao sau:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim
vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biêt đâu mà gỡ
Chim vào lồng , biết thuở nào ra”.
Đoạn thơ trên tràn đầy sự tiếc nuối xót xa, thoảng trong đó vời vợi những lời oán trách nhẹ nhàng nhưng không kém phần day dứt. Những người đã từng trải thường bị một tâm lý gây xúc động khá mạnh, đó là sự nuối tiếc những sự việc đã qua. Thời gian không bao giờ quay trở lại. Chẳng có sức mạnh nào có thể tái tạo lại được những ngày xưa. Mà nếu có thể, thì việc đó đâu còn được gọi là thuở ban đầu? Nên cái nỗi buồn “giá như ngày ấy” luôn luôn tồn tại.
Một ngày nào đó người con gái đã ngậm ngùi thầm kể với người mình yêu:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân"
Ngay mờ đầu tâm sự đã gợi lên một sự phi lý như chính cuộc đời lỡ dở của nàng. Nàng muốn hái hoa , nhưng sao chẳng dễ dàng! Nàng phải trèo lên để hái hoa mãi trên cây bưởi đầy gai góc, đến khi trở xuống vườn cà những tưởng hái bông cà màu tim tím nhưng hóa ra lại là hái nụ tầm xuân xanh biếc. Ôi nàng … sao thật trớ trêu!
Rồi sau đó nàng lặng lẽ ngắm nhìn nụ tầm xuân chớm nở đầy sự khêu gợi quyến rũ mà chợt nghĩ tới mình, khi buổi còn con gái hơ hớ chưa chồng và cả người bạn tình thắm thiết nồng nàn thuở ấy!
“Em có chồng anh tiếc lắm thay!” . Vâng, tiếc lắm chứ. Làm sao một người con trai đầy sức mạnh, đầy tham vọng lại không tiếc, lại không đau đớn điên người khi thấy người con gái mình hằng yêu thương lại ở trong vòng tay kẻ khác.
Để lột tả một cách mạnh mẽ tâm trạng, ở đây vần thơ đột ngột chuyển hướng từ thể lục bát về thể 7 chữ được gieo vần thanh trắc; giữa câu và ở cuối câu: “biếc” và "tiếc” tạo ra những âm thanh mạnh, gắt và cao trong cái giai điệu vốn bình bình trầm lặng của câu thơ lục bát (bài thơ này không hẳn là thể song thất lục bát bởi vì có những bốn câu lục bát tiếp theo).
Sao quá cay chua và thất vọng vậy? Chỉ vỏn vẹn có mỗi ba đồng thôi, số tiền này đâu có lớn, ấy thế mà nó đổi được cả cuộc đời, đổi cả được bầu trời hạnh phúc?
“Ba đồng một mớ trầu cay
sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?”
Vụng dại quá, tệ hại quá và đau đớn xé lòng biết bao. Có lúc chúng mình đã từng kề sát bên nhau tưởng có thể xiết được lấy tay nhau cùng sánh bước, ấy thế mà ai quá chậm chạp, ai quá do dự nên để rồi dưới gầm trời này, chúng mình mãi mãi xa nhau, không thể nào tìm được, không bao giờ chuộc được, định mệnh khắc nghiệt biết bao . Nỗi trường hận “giá như ngày ấy…” chính là ở chỗ này!
Anh xa rồi như một cái bóng thoảng qua, còn em chơi vơi ở lại, không gian, thời gian chẳng phải của mình, đời tối xẫm màu vô nghĩa, với phận "chim chậu cá lồng" để chờ đợi sự kết thúc một kiếp người… Vần thơ đột ngột quay trở về và cũng bỏ lửng vội vàng ngay tại đó với kiểu bảy chữ cùng sự gieo vần thanh trắc đầy hiểm hóc gay cấn là cách tối ưu để lột tả một định mệnh xót xa của một con người:
“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra”.
Bài ca dao trên quả thật là bất hủ bởi tính nghệ thuật và sức đồng cảm mạnh mẽ, lay động biết bao tâm hồn cô quạnh ở trên cõi đời này. Bởi một lẽ, trong suốt cuộc đời dài dằng dặc,nỗi trắc ẩn tiếc nuối lớn hay nhỏ đâu phải của riêng ai? Bởi vì nhân quần này, đã mấy ai không nếm vào vị đắng của tình yêu! Bài ca dao sẽ sống mãi như một viên ngọc quý được giữ gìn bao bọc trong cõi thẳm sâu tâm hồn và những hoài ước của chúng ta.