Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



        

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM




Từ Vũ và Việt Văn Mới Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

KỲ THỨ XXV


VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956
[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ]

      Giai đoạn kháng chiến, từ 1945 đến 1950 Việt Nam độc lập được gần một năm. Tiếp, Pháp chiếm lại Hà Nội, (ngày 19 tháng 12 năm 1946) cho dù đảng phái Quốc hay Cộng đều bỏ phù hiệu riêng, đoàn kết trong danh xưng kháng chiến chống thực dân tái xâm lăng. Suốt chín năm (1945–1954), thì kháng chiến ở bốn năm về sau, đã hao hụt thực chất; Mác xít ra mặt lãnh đạo – và cho đến 20–7–1954, phân chia đất nước, danh xưng toàn dân kháng chiến mất hẳn ý nghĩa. Song trên bình diện văn nghệ, ý thức toàn dân kháng chiến tạo được nền văn học có chiều sâu và rộng.
      Giai đoạn văn nghệ phân hóa, văn nghệ Mác xít – theo hẳn lối sáng tác được chỉ huy, nhất là sau 1954 miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn Quốc Gia và miền Nam (VNCH) văn nghệ chỉ là vườn hoang, mọc đủ loại thảo mộc. Trong tập này, với người khe khắt cho quá nhiều – người dễ dãi cho chưa đủ. Với tôi, vẫn chỉ là bắt voi bỏ giọ, và tất nhiên chủ quan; thiếu sót tất nhiên không thể tránh. Nhìn vào những người viết sách nhận định văn học trước như Vũ Ngọc Phan kết luận cuối trang sách phê bình văn học, có đoạn:
     “... Trước hết, bộ sách này là bộ phê bình văn học như tôi đã nói nhiều lần, vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn. Sau nữa, trong khi tôi viết những trang phê bình về thơ, có nhiều thi sĩ chưa có quyển thơ nào xuất bản, về kịch hay tiểu thuyết, có nhiều nhà văn chưa có sách biên khảo, chưa có kịch hay tiểu thuyết ra đời. Như vậy, biết căn cứ vào đâu cho chắc chắn? Rồi lại những nhà văn chính trị tuy đã có văn thơ in trên báo chương hay xuất bản thành sách, cũng không có trong bộ sách này, vì một lẽ mà ai cũng hiểu khi nhớ đến chế độ hiện hành về sách báo. Còn những nhà văn chuyên viết những sách Pháp văn thì tôi cho là không phải nói đến trong văn học Việt Nam. (...) Tôi xin nhắc lại đây một lần nữa rằng bộ Nhà Văn Hiện Đại này chỉ là một bộ phê bình văn học, không phải là bộ văn học sử. Trong văn học sử, người viết cần phải xét rất kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến văn phẩm, rồi lại phải định rõ cả sự liên lạc của nhà văn nọ với nhà văn kia đồng thời hay khác thời đại. Nếu không đủ được những điều cốt yếu ấy, để định rõ phong trào văn học, thì dù có văn học sử đi nữa, người ta cũng chỉ coi là một mớ sử liệu...” (1)
     Thời gian này tác phẩm viết bằng Pháp ngữ như Phạm Duy Khiêm với Légendes des terrres sereines và Nam et Sylvie; hoặc Nguyễn Tiến Lãng Le Chemin de la Révolte; Phạm Văn Ký: Frère de Sang, Celui qui régnera; Cung Giụ Nguyên Le Fils de la baleine – sử học Lê Thành Khôi với Le Vietnam, Histoire et Civilisation v.v..., không nói đến, cũng như lý do mà ông Vũ Ngọc Phan đề cập tới ở trên. Đến nhà chính trị văn sĩ Hồ Hữu Tường với Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc bỡn Nga, ... thì cũng vậy. Cả đến loại sách trinh thám kỳ tình, kiếm hiệp, phong thần, phỏng dịch chắp vá được gọi là tác phẩm văn học – chúng tôi xin phép không nói tới. Rõ hơn là Phạm Cao Củng có mặt từ tiền chiến với Kỳ Phát; hoặc truyện Người Nhạn Trắng cũng thế v.v... Tác giả Hoàng Như Mai, thời gian 1950–1954 trong kháng chiến; chúng tôi đưa vào cuốn này; vì vở kịch Tiếng Trống Hà Hồi đặc sắc được in trình diễn ở Hà Nội. Có thể nói điển hình bộ môn kịch là Tiếng trống Hà Nội. Bước sang bộ môn biên khảo, đưa Duy Sinh vào một tiết, như một điển hình cho lớp người viết biên khảo; cũng vẫn chủ quan, so với Diên Hương, Thu - Giang - Nguyễn - Duy - Cần; Khi đối chiếu lại thì, Duy Sinh không thể giá trị bằng hai nhà biên khảo vừa nêu danh.
     Trở lại bình diện văn nghệ hậu chiến, tập 3 gồm trên dưới một trăm nhà văn; chọn ba mươi điển hình nói tới cặn kẽ; so với người khác viết tóm lược. Cũng vẫn chủ quan thô thiển và tự nhận thiếu sót. Bởi còn nghĩ xa hơn rằng: "không thể viết đầy đủ các nhà văn mình muốn đưa vào một quyển, thay vì mỗi nhà văn điển hình phải viết hẳn một cuốn nói về họ".
     Nên coi những trang viết này chỉ là chữ viết (écriture) trong bộ sách này, và không là văn học (littérature); như quan niệm của Michel Buto (2). Lẽ trang viết có ý nghĩa tổng quát hơn. Còn nữa, bộ sách này chỉ là kết quả viết về tác phẩm các tác giả mà tôi đã đọc, đưa ra nhận xét của riêng tôi; giúp cho nghề tôi nuôi nghiệp (littérateur). Từ 1950 đến 1956, biến chuyển thời cuộc tác động đích thực vào đời sống văn học mà nhà văn sống trong đó. Ở miền Bắc của Quốc Gia Việt Nam (1950 – 1954) nhóm Thế Kỷ tạo thành một Triều Đẩu, qua những mảnh đời phóng sự hồi cư nóng bỏng, hàng ngày phải đối phó với đời sống, tạm gọi độc lập trong lồng son Liên Hiệp Pháp. Còn thêm nhà văn điển hình như Hoàng Công Khanh với Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu, (truyện), Bến Nước Ngũ Bồ (kịch dã sử), Nguyễn Minh Lang, ngọn bút tài hoa của văn chương lãng mạn mới, qua Gái Hà Nội, Nước Mắt Trong Đêm Mưa, Cánh Hoa Trước Gió (2 tập)... Hai nhà văn này, chúng tôi đề cập ở Chương 3 (tiết 2 và 4) – nhưng tập 3 này xuất bản ở Sài Gòn vào 1959 (Loại sách Đại Nam văn hiến trong nhà xuất bản Huyền Trân, Nhật Tiến chủ trương) bị kiểm duyệt bỏ trọn tiết. Bản in lại lần thứ hai in lại đầy đủ; nhưng trong lần này vẫn phải để trống phần phân tích; vì lý do tầm thường – không kiếm được bản tái bản vào 1973. Hai nhà văn điển hình khác nói đến trong Chương 3 là Thanh Hữu, Văn An. Về nhà thơ điển hình: Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh... Viết tóm lược nhà thơ: Hoàng Phụng Tỵ, Song Nhất Nữ, Băng Sơn, Vân Long, Trần Nhân Cư... Bình diện văn nghệ miền Trung (Quốc gia Việt Nam) vào giai đoạn này, nhà thơ điển hình được nói đến : Huyền Chi (nữ), Hoài Minh, Thanh Thuyền. Viết tóm lược các nhà thơ: Hồ Đình Phương, Huyền Viêm, Thế Viên...
     Bình diện văn nghệ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), nhà văn điển hình: Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo (nữ), Triều Lương Chế, Phạm - Thái - Nguyễn - Ngọc -Tân Phạm Thái kèm tên thật Nguyễn Ngọc Tân, phân biệt với một Phạm Thái khác), Chấn Phong Hư Chu. Viết tóm lược: Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu-Mai-Vũ-Bá- Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Nguyễn Hoài Văn, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân... Một số nhà văn khác nổi tiếng sau giai đoạn 1956 như Võ Phiến chưa có tác phẩm xuất bản. Phải kể thêm trong số đó: Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, (nữ), Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng (nữ), Võ Hồng, Thế Uyên, Tuấn Huy, Thế Nguyên, v.v... của Đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 trở đi). Riêng về phóng sự tiểu thuyết: Hoàng Hải Thủy với Vũ Nữ Sài Gòn (3), Duyên Anh qua bút hiệu Thương Sinh, Toàn Phong với Đời Phi Công, chúng tôi chưa có cơ hội nói đến, và nhờ Vũ Ngọc Phan giúp giải vây sự khốn đốn; ... vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn... Thêm nữa, khoảng thời gian viết đến lúc in ra (dầu cho là in ronéo-typé cách vài năm). Do đó, chưa kịp nói đến Võ Phiến (Chữ Tình), (4) Thế Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Toàn Phong , Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Nguyên, Văn Quang (Thùy Dương Trang), Huy Trâm, Phạm Nguyên Vũ, Túy Hồng (nữ), Lê Vĩnh Hòa, Nhật Tiến, (văn) v.v... – Về thơ: Thái Thủy, Tô Thùy Yên, Tôn Thất Quán, Hoàng Khanh, Cung Trầm Tưởng, Cao Mỵ Nhân, Viên Linh, Trần Dạ Từ (khi ấy ký Hoài Nam), Hoài Khanh, Hà Yên Chi v.v... và v.v... (5).
     Giá trị văn chương tiền chiến Tự Lực văn đoàn, có cả Lê Văn Trương, (tập một: Nhà văn tiền chiến), tiếp đến giá trị văn chương lửa kháng chiến; sau là hậu chiến. Đọc Bướm Trắng, Nửa Chừng Xuân. Mấy Vần Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Vang Bóng Một Thời, Thằng Kình, Ngoại Ô, Giông Tố... không nhìn thấy đầy đủ hình tượng sống cuộc sống hôm nay được thấy trong: Gió Bấc, Truyện Năm Người Thanh Niên, Trên Vỉa Hè Hà Nội, Cánh Hoa Trước Gió, Trại Tân Bồi, Nhìn Xuống, Điệu Đàn Muôn Thuở, Đêm Giã Từ Hà Nội, Sợ Lửa, Rừng Địa Ngục.... Văn nghệ là sản phẩm phản ánh thời đại, nên Kim Vân Kiều có hay đến mức thượng thừa – cũng chưa thể đại diện cho một khoảng thời gian không tiếp nối. Tác phẩm Nguyễn Du mới chỉ nói lên đầy đủ về xã hội phong kiến giao thời mà tác giả Kim Vân Kiều sống – đủ một số điều tương đồng hiện cảnh. Không thể nói đến Kim Vân Kiều là đủ điều tất yếu hình tượng sống lịch sử. Tác phẩm của Karl Marx, S.Freud cũng bị vượt qua, hiện nay vẫn cần khối óc siêu việt Oppeheimer, Einstein, Gandhi, JP Sartre v.v...
     Phải hiểu được rằng: lịch sử một nước như lịch sử văn học, luôn theo đà diễn tiến, tiếp nối không ngừng. Nói khác đi, sử học, văn học sử một nước không thể cắt quãng, cũng không tùy thuộc vào lập luận một phe nhóm nào để định giá trị vĩnh viễn. Rất cảm phục lập luận của Vũ Ngọc Phan dẫn trên kia; được gọi văn học sử, phải xét kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến tác phẩm, định rõ liên hệ (chữ dùng: TP) giữa nhà văn này với nhà văn nọ, định rõ phong trào văn học. Càng rõ hơn, được gọi văn học sử, ít ra phải làm được một bộ sách Lịch Sử Văn Chương Ngôn Ngữ Pháp (tạm dịch Histoire des littératures de la langue française) (6) do nhóm chủ trương gồm 209 giáo sư văn học thực hiện bộ sách vĩ đại ấy.
     Cảm ơn số bạn giúp tài liệu, ý kiến, khích lệ, động viên, khi tôi khởi sự viết bộ sách này. Như họa sĩ Đinh Cường cởi áo, ngồi xệp trên sàn gác căn nhà trọ cùng tôi chia giúp những trang sách in ronéotypé xếp thành tập vào 1959, ở hẻm nhà thờ Lý Thái Tổ (Chợ Lớn). Uyên Thao mượn cho chiếc máy chữ, có lịch sử sản xuất cùng thời kỳ Tây hạ thành Hà Nội. Nguyễn Quang Tuyến nuôi ăn ở hàng năm, tôi ra thư viện đọc sách. Cùng với nhiều thư tình đầy tâm huyết người - tình - bậc - chị đến từ Hong Kong (nàng gọi Cảng Thơm) khích lệ người - em - bạn - tình miệt mài với chữ và nghĩa. Lại không thể quên bạn vong niên Phan Văn Thức cấp tiền ăn sáng, giấy stencil và thẩm phán Đào Minh Lượng, khi là sinh viên Trường Luật mua bánh mì dùng bữa trưa để tôi ngồi lì ở Thư Viện Quốc Gia làm mọt sách. Cũng không thể quên chịu ơn André Gide, qua cuốn sách viết phê bình về Fédor Dostoievskï (7) và cả Textes philosophiques của V.Biélinsky (8) nữa.

     THẾ PHONG

PHẦN THỨ BA

VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956
[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ] )



CHƯƠNG NHẤT

KHÁI QUÁT VỀ BÌNH DIỆN VĂN NGHỆ MIỀN NAM HỢP NHẤT: 1954 – 1956 (VNCH)
KHÁI QUÁT BÌNH DIỆN THI CA MIỀN TRUNG (Quốc Gia Việt Nam)


***

H iệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 ra đời ở Paris, Việt Nam có hai ranh tuyến rõ rệt. Từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam (lúc đó gọi là Quốc Gia Việt Nam, Quốc Trưởng Bảo Đại); vĩ tuyến 16 ra bắc thuộc Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa). Phong trào di dư trên một triệu người (Chúa đã vào Nam) đưa đông đảo đồng bào di cư miền Bắc (QGVN) cặp bến Bạch Đằng Thủ Đô Sàigòn. Thủ tướng Ngô Đình Diệm, chính phủ, đại diện đảng phái quốc gia: đủ thành phần: Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Thời gian liên hiệp này chỉ kéo dài không đầy một năm. Năm 1955, truất phế Cựu hoàng Bảo Đại, ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống. Đảng phái bị loại dần, tướng tá bị triệt tiêu, cuối cùng là Trình Minh Thế (Cao Đài Liên Minh). Ông Trần Chánh Thành được bổ nhiệm chức Tổng Trưởng Thông Tin; báo chí, văn hóa thuộc vào bộ này. Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia, cơ quan Phong Trào Công chức Cách Mạng Quốc Gia, dùng Lê Văn Siêu chủ bút, cùng với số nhà văn, nhà báo đẩy mạnh tinh thần chống Cộng, xây dựng chế độ nhà Ngô. Mặt khác, kỹ sư Võ Đức Diên, chủ nhiệm tờ Sáng Dội Miền Nam gom số nhà văn báo di cư, nhạc sĩ, làm công tác văn hóa, chống Cộng và xây dựng chế độ Đệ nhất Cộng Hòa; theo đường lối Ngô Đình Nhu, được coi Cố Vấn tối cao Tổng thống Ngô Đình Diệm. Kiến trúc sư Diên thành lập Quán ăn Anh Vũ (45 Bùi Viện, Sàigòn 1), bề ngoài tương trợ sinh viên; trong bốn bức tường phòng ăn đều thiết kế hệ thống thâu âm lén dò xét. Nhật báo Thời Đại phe Cao Đài Nguyễn Thành Phương, tuần báo Việt Chính (Cn: Đại tá Cao Đài Hồ Hán Sơn, sau bị tướng Nguyễn Thành Phương thủ tiêu, ném xác xuống giếng sâu ở Bến Kéo (Tây Ninh). Tuần báo Tổ Quốc, (Cn: Thành Nam (một trí thức phe Hòa Hảo), tuần báo Đời Mới (vẫn là Trần Văn Ân, Chủ nhiệm, chủ bút thực thụ Hà Việt Phương, không có tên ngoài manchette) ủng hộ Bình Xuyên. Ngoài báo Phương Đông Hòa Đồng (sau này), đề xướng trung lập chế của Hồ Hữu Tường... Các nhà xuất bản sách văn học, tiểu thuyết, sẵn có : NXB Phạm Văn Tươi, kiêm chủ hiệu may Jean, lại còn dịch loại sách học làm người, ký Phạm Cao Tùng (dịch sách của Philippe Giradet... Sau 1954 liên kết với NXB Thế Giới Nguyễn Văn Hợi từ Hà Nội vào theo đợt di cư, thành tổ hợp xuất Hợp Lực, trụ sở ở 16 Sabourain (Tạ Thu Thâu, Saigon 1. Các nhà xuất bản khác ở miền Nam như: Khai Trí, Nam Cường, Sống Mới... tiếp tục in phát hành sách. Nhà Nam Cường phát hành sách Phượng Giang, (Đời Nay Nhất Linh chủ trương), các nhà sách khác phát hành in các loại tiểu thuyết bình dân, ăn khách của các tác giả: Dương Hà (Bên Giòng Sông Trẹm, Nguyễn Ngọc Mẫn (Tiếng Suối Sau Leng); tiểu thuyết của Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long (nữ), Lan Phương (nữ) v.v... Báo Quân Đội, cơ quan của Nha Tác Động Tinh Thần (tiền thân của Cục Tâm Lý Chiến) với Chỉ Đạo, Nguyễn Mạnh Côn (33) đồng hóa thiếu úy làm chủ bút, tờ tạp chí này ít giá trị văn học, tuyên truyền chính trị. Báo này khám phá tài năng Duyên Anh với truyện ngắn đầu tay đăng trên Chỉ đạo (Con Sáo của Em tôi). Tuần báo Ban Mai do Phan Văn Chẩn, chủ nhà in Ban Mai, 1 Vassoigne Tân Định chủ trương đăng truyện Bách Thảo Sương (Lý Văn Sâm) Bình Nguyên Lộc (34), Nguyễn Bảo Hóa (ký Tiêu Kim Thủy), Thiếu Sơn (phê bình sách) ... nhà văn miền Nam Lý Văn Sâm sau ra bưng. Nhóm được gọi đệ tứ miền Nam như Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc (nhà văn này sau dùng tên thật Phạm Văn Hạnh không đứng chung với Tam Ích, Thiên Giang, sang làm biên tập viên phần Pháp Ngữ Việt Nam Thông Tấn Xã (VIETNAM PRESS). Phạm Văn Hạnh trước tiền chiến đứng chung trong Xuân Thu Nhã Tập, với Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Xuân Sanh. Phe Cao Đài Liên Minh, có nhật báo Quốc Gia đặt ở 55A Hồ Xuân Hương, (Sàigòn 3) chủ bút Nhị Lang (thiếu tá Cao Đài Liên Minh tham gia vào Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, cùng với Hồ Hán Sơn và một số phe phái khác trong việc truất phế Cựu hoàng Bảo Đại, ủng hộ Ngô Đình Diệm làm Tổng thống), Thư ký tòa soạn Đinh Thạch Bích (tác giả Ái tình Bôn Xê Vích, sau được giải thưởng văn chương Quốc gia, và là Thứ trưởng Chiêu Hồi). Tờ báo này quy tụ được một số cây viết di cư, trong đó họa sĩ Thái Tuấn trình bầy báo, Uyên Thao, Thế Phong …làm phóng viên... Ngoài ra, tờ nhật báo Tự Do được Mỹ tài trợ, ban đầu Tam Lang cùng một số nhà văn báo di cư như: Thượng Sỹ, Hoàng -Lan, Nguyễn-Xuân-Huy, Đinh Hùng (ký Thần Đăng), Mặc Thu, Phạm Việt Tuyền, Như Phong, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan... Sau họ chia thành phe phái, tranh chấp nhau, tự ý đóng cửa báo, loại nhau khỏi cơ sở. Sau 1956, chủ nhiệm mới Phạm Việt Tuyền, quản lý Kiều Văn Lân, nhóm này lập Cơ Sở Tự Do, in tác phẩm của Vương Hồng Sển, Nguyễn Đình Toàn, Lê Hoàng Long, Trần Đình Khải, Hoàng Đạo (tái bản), Đỗ Thúc Vịnh.(35) Cuối 1956, Mỹ tài trợ Mai tạp chí văn nghệ Sáng Tạo, do W. Tucker (Mỹ trợ cấp tiền) chỉ định Đặng Lê Kim quản lý tiền bạc kiểm soát. Thật ra, Sáng Tạo là hậu thân Người Việt đình bản trước tờ này do Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền chủ trương, đổi thành báo Lửa Việt. Mai Thảo, tác giả Tháng Giêng Cỏ Non xuất bản vào 1955, được Nguyễn Đức Quỳnh cho con trai Duy Sinh, viết bài phê bình sách, theo lối công kênh đăng, trên báo Đời Mới. Có hai mục đích: tác giả bỏ tiền in hy vọng bán lấy lại vốn; hai để tập truyện một nhà văn di cư vào Nam cần có khí thế để đề cao di cư, trốn chạy Cộng Sản. Nhóm Sáng Tạo gồm: Trần Thanh Hiệp (tập sự luật sư), Nguyên Sa, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền… cùng các văn nhân vệ tinh khác vây quanh. Mai Thảo huênh hoang, dao to búa lớn cầm cờ cổ súy phong trào lấy văn hóa làm phương tiện chống Cộng mới hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài ... “đem ngọn lửa văn hóa vượt vĩ tuyến sáng lên ở đây hôm nay ... Sài Gòn là Thủ đô văn hóa v.v... (Sáng Tạo số 1, tháng 10.1956) Và quả thực mãnh lực đồng Mỹ kim, có giá trị siêu đẳng, từ đó khiến kẻ bao thầu văn không còn ngứa cổ hót chơi như chim thơ tiền chiến Xuân Diệu hót hoài, hót mãi âm điệu: “... Năm 1954 còn ghi lại chối lòa cái đẹp của mùa mới, cái đẹp của lên đường (...) Khởi đầu của từng hoạt động văn học, từng phát động nghệ thuật, nói chung, của ta tuyệt đúng, tuyệt hay...!
Năm 1950 Nhân Loại, tờ báo có mặt ở Saigon, (Cn Anh Đào) cơ quan tụ họp nhà văn, nhà báo kháng chiến ở miền Nam, đang sống ở thị thành, hướng về kháng chiến như: Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa... Báo in có sự yểm trợ của Đông Hồ, Mộng Tuyết, trụ sở đặt ở Yễm Thư Trang, đường Kitchener (Nguyễn Thái Học bây giờ).

     Một số trí thức khác, từ miền Bắc di cư vào Nam, như: Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, luật sư Nghiêm Xuân Hồng, Tạ Văn Nho, ... thành lập nhóm Quan Điểm đặt trụ sở ở 35 đường Phạm Ngũ Lão, (Saigon 1) lập nhà xuất bản, in sách và ra được một tuyển tập thơ văn Đất Đứng (1956), in sách của Tạ Văn Nho, Vương Văn Quảng, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng. Có sự cố vấn tối cao, cố vấn văn chương, chính trị Nguyễn Đức Quỳnh. Quản lý nhà in tiền bạc do luật sư Nghiêm Xuân Hồng bỏ vốn. Các hiệp hội văn hóa như Văn Bút Việt Nam, Mặt trận Bảo vệ Tự Do Văn Hóa được ra đời, với mục đích hỗ trợ văn hóa chống Cộng. Với Lý Trung Dung, Phạm Xuân Thái (mở Câu Lạc Bộ Văn Hóa, 142 Tự Do, Saigon 1), Mạc Đình, (bút danh khác của Hoàng Văn Chí) xuất bản Trăm Hoa Đua Nở (nói về Nhân Văn ngoài Bắc), dịch Bác sĩ Jivago, truyện của Boris Pasterenak, hoặc Giai cấp Mới của M.Dijlas...(Nam Tư).

     Những năm về sau; Nhất Linh rời núi rừng Dalat về Sàigòn lao vào nghề làm văn chương báo chí. Không còn đứng xa chỉ đạo tái bản sách Tự Lực văn đoàn (Phượng Giang, Đời Nay) do Nam Cường phát hành, ông xin phép ra báo văn chương, nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ cho phép xuất bản Văn Hóa Ngày Nay dưới hình thức giai phẩm. Giai phẩm, loại báo phải kiểm duyệt từng kỳ như sách, xuất bản không số giấy phép đăng trong Công Báo, hình thức bị kiểm soát gắt gao hơn báo định kỳ. Giai đoạn này, ông viết truyện dài Giòng Sông Thanh Thủy, đăng từng kỳ, sau xuất bản thành sách, (ba tập), Viết và đọc tiểu thuyết...,và một tờ báo văn nghệ khác Tân Phong do Nguyễn Thị Vinh chủ trương, cũng có thể gọi là nối dài Tự Lực văn đoàn ở hậu chiến. Những Tường Hùng, Duy Lam, ... xuất hiện vào chu kỳ xuống núi này là của Nhất Linh, Ông đưa họ vào văn đàn chính thức.

      Khi chính phủ Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, văn hóa phải được coi như tối ưu đãi với Thiên Chúa giáo. Không kể nhà thờ mọc lên như nấm, khi tăng giáo dân theo đạo lấy gạo mà ăn. Giám mục Ngô Đình Thục mon men chức Đức Hồng Y ở Rome, cho thuộc hạ rao ai theo đạo, mỗi đầu người trong gia đình được cấp một tạ (ở Đà Lạt). Nhưng báo chí, văn hóa, văn nghệ đạo Thiên Chúa giáo trong sinh hoạt đấu trường chữ nghĩa lại không mấy khuếch trương được. Vài cơ quan báo chí đạo Công giáo (tên thường gọi làm cho sự hiểu lầm cả ở nước ngoài, có lẽ Việt Nam, một nước có giáo dân khắp nước Thiên chúa giáo (Catholique)) , chỉ trong phạm vi tôn giáo; còn công khai, chỉ có Đại Học của Viện Đại Học Huế, do Linh mục Cao Văn Luận (tác giả Bên Giòng lịch sử) làm viện trưởng chủ nhiệm, Nguyễn Văn Trung, chủ bút. Một số cây viết về văn học nghệ thuật như Nguyễn Nam Châu, tay nhỏ viết ít, vung tay cao mạnh công kênh lớn lên, đăng bài nghiên cứu văn học lại cóp dịch tác giả ngoại quốc.Vụ đạo văn này Phạm Công Thiện lên án trên tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu. Trở lại vấn đề Mỹ tài trợ cho văn hóa Việt Nam phát triển, ở Sàigòn còn rất nhiều hiệp hội, như Asia Foundation tài trợ cho Hội Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa Á Châu (xuất bản hai thứ tiếng Việt, Anh). Hiệp hội này do Trịnh Hoài Đức quản lý, nhà xuất bản Văn Hóa Á Châu xuất bản được một số sách văn học cổ (dịch), như Việt sử Tiêu Án... còn ở miền Trung, cơ quan văn hóa khác, báo Mùa Lúa Mới xuất bản vào 1955 ở Huế. Chủ nhiệm Võ Thu Tịnh (còn ký Thu Tâm), cơ quan ngôn luận chống cộng của Nha Thông Tin Trung Việt. Thơ, văn báo này không là văn học, mục đích phục vụ chính trị và những Việt Minh cũ bỏ kháng chiến về thành làm công chức như Võ Phiến chẳng hạn - cũng là kẻ góp công, tạo sức cho Mùa Lúa Mới trổ bông hái trái chống Mác xít (bề ngoài) thâu lợi nhuận riêng (bề trong). Phần sau, chúng tôi có tiết nói tới nhà thơ kiểu Thu Tâm là Quốc Dân và Đỗ Tấn điển hình.

     Đây chỉ là tổng quan về các hiệp hội văn hóa, các nhóm, các tờ báo quy tụ lại thành nhóm; nhưng còn một hội sắp nói tới đây thật đặc thù. Một hội không là hiệp hội, một nhóm không tên nhóm, một salon văn chương không có vừa ăn, uống vừa đàm; trong một căn nhà tuềnh toàng gỗ trệt ở hẻm Từ Quang (Chùa Từ Quang) – chủ soái Nguyễn Đức Quỳnh. Gọi là Đàm trưởng trưởng, người điều hợp tọa đàm văn chương siêu việt, trung hòa mọi ý kiến đối nghịch, nơi đã tạo ra nhiều nhà văn thơ có địa vị ở miền Nam. Sau này lớp trí thức Quan Điểm, có mặt Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tạ Văn Nho, Vương Văn Quảng, kỹ sư canh nông viết sách khoa học, nhóm Sáng Tạo Người Việt, có: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Thái Tuấn, Duy Thanh, Quách Thoại, Ngọc Dũng... Thạch Chương (36), Nhóm làm báo Sân Khấu, Tin Bắc: Lê -Văn -Vũ -Bắc -Tiến, diễn viên kịch Thiếu Lang… Chính ở đàm trường này, Nguyễn Đức Quỳnh hỏi Lê Văn, người bạn viết mới nào ký tên Phí Ích Nghiễm – ông mong được gặp. Sau này, chính là nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Những Bùi Khải Nguyên, Uyên Thao, Hồ Hán Sơn (lúc chưa qua đời), Phạm Duy, Cung Trầm Tưởng, Lữ Hồ, Thanh Thương Hoàng, Thế Nguyên, Trần Dạ Từ (lúc này còn ký Hoài Nam), Lý Đại Nguyên, Đinh Hữu, Thanh Hữu, Uyên Thao… mỗi người bước vào nhà tới chiếc bàn nhỏ có cuốn Vượt, đóng gáy da, mạ chữ vàng... Ai đến thì ký tên vào với bút tích, với cảm nghĩ, thông báo sáng tác mới làm, và kinh nghiệm nghề cầm bút. Động lực của salon văn chương Đàm Trường Viễn Kiến tạo được kích thích sáng tạo, đánh giá văn chương đúng mức; nói khác đi cái nôi được bà vú tốt bụng giỏi giang nuôi dưỡng tinh thần. Lại bàn về thơ phổ nhạc. Thơ hay sẽ càng hay hơn càng xúc cảm hơn; khi được bàn tay phù thủy của âm nhạc phổ; sẽ càng phổ biến tăng cái hay của thơ cho công chúng văn học nghệ thuật. Phạm Đình Chương, nhạc sĩ đưa bài thơ Mộng Dưới Hoa của Đình Hùng vút tận trời xanh, với tiết tấu, nhạc điệu êm đềm, buồn day dứt, thật tha thiết. Nguyễn Đức Quỳnh cảm được thơ đôi ba bài nào đó của Phạm Thiên Thư, như Động Hoa Vàng, giới thiệu nhạc sĩ tài ba phù thủy Phạm Duy sẽ biến ngay thành âm thanh dìu dặt, nâng đỉnh cao, sức đẩy bài thơ càng bay xa. Riêng nhạc sĩ sau này còn đánh bóng thơ Cung Trầm Tưởng (38) lên cung bậc thượng thừa.

     Trong văn chương nghệ thuật, đôi khi rất cần những người đánh giá tốt, thì Nguyễn Đức Quỳnh là bực thượng thừa. Theo sự hiểu biết chúng tôi, sau còn người nữa, ông Lê Ngộ Châu (LNC) báo Bách Khoa. Sáng Tạo có mặt từ tháng 10 năm 1956, Văn Hóa Ngày Nay, đầu năm 1958, Bách Khoa số đầu tiên 1957, tòa soạn đặt trong một phòng ở chung cư đường Đoàn Thị Điểm, Saigon 3. Những chủ nhiệm các tờ báo này không là người trong nghề, kể cả người đánh giá có mắt tinh đời trong văn học nghệ thuật (LNC), nhưng tạp chí này còn là nôi, tạo thành số nhà văn nổi đình đám sau này. Lê Ngộ Châu xuất thân theo học Trường Bưởi, sinh năm 1923 ở ngoài Bắc, Ông đã điều khiển báo Bách Khoa, tạp chí ban đầu chỉ là tiếng nói của ngành ngân hàng, sau trở thành một tạp chí giá trị văn học nghệ thuật, với gần 200 số báo, kéo dài từ 1957 đến 1975, khi Võ Phiến được thuyên chuyển nghề công chức từ Huế vào Saigon, nhà văn này đã coi nơi này là mảnh đất tốt cầy sới làm nên sự nghiệp. Có cả nhà thơ (đôi khi rất điên, điên, bệnh thật sự) là Nguiễn Ngu Í (chủ trương I ngắn), từ báo Phương Đông (Hồ Hữu Tường), Mới (Phạm Văn Tươi) chuyển sang, với hàng loạt phỏng vấn các nhà văn, thơ họa, tạo được một không khí sôi nổi kích thích nền văn nghệ Việt Nam Cộng Hòa khởi sắc. Kể thêm những cây bút khác, như Nguyễn Hiến Lê, Xuân Hiến, Phan Văn Tạo, (từ nơi Bách Khoa đăng truyện đầu tiên), Đoàn Thêm, rồi Vòng Tay Học Trò đăng tải trước khi in thành sách. Và nhà văn Nguyễn Thị Hoàng bước lên chỗ đứng văn học vững vàng. Còn Túy Hồng tương tự Nguyễn Thị Hoàng. Và còn Lê Tất Điều, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Mộng Giác... Vòng tay núi lớn Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, chủ trương dung hòa, kết nạp mọi khuynh hướng; ngoài Nguyễn Văn Trung, Vũ Hạnh, còn một linh mục ở Pháp về vào 1965, có bài báo đầu tiên ký Nguyễn Ngọc Lan đăng ở đây với khoản nhuận bút 500 đồng. Song đối với tác giả lúc ấy thật quí! Nguyễn Ngọc Lan (39) sau đó đã trở thành nhà hoạt động chính trị, cởi áo dòng về với nhân gian làm người bình thường, tác giả một số sách về nhân văn giá trị tư tưởng, có vị thế riêng biệt.



CHƯƠNG BA

VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP VIẾT SƠ LƯỢC



Tiết 1 . – KHÁI QUÁT VỀ NHÓM NGƯỜI VIỆT
Tiết 2 . – TIỂU MỤC:

1. – TRẦN THANH HIỆP
2. – NGUYỄN SĨ TẾ
3. – DOÃN QUỐC SĨ
TIẾT 3 . – MAI THẢO
TIẾT 4 . – QUÁCH THOẠI
TIẾT 5 . – THANH TÂM TUYỀN



Tiết 1

KHÁI QUÁT VỀ NHÓM NGƯỜI VIỆT SÁNG TẠO

Sau 20.7.1954, một số nhà văn, cây bút sinh viên Đại học Hà Nội vào Nam như: Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và các nhà thơ Quách Thoại, Nguyên Sa (ở Pháp về), Mai Thảo, nhà văn độc lập mới nổi lập thành Nhóm Người Việt cuối 1965. Nhờ viện trợ ngoại quốc (W.Tucker) Mai Thảo lập Sáng Tạo. Ban đầu ra mắt tờ Lửa Việt (Nguyễn Sĩ Tế chủ bút), Người Việt, (Doãn Quốc Sĩ chủ nhiệm), Thanh Tâm Tuyền làm Thư ký tòa soạn. Có thêm nhà văn tiền chiến Trọng Lang (dưới bút hiệu Ông Tưởng Tốc), Trần Việt Hoài đóng góp bài vở. Về lý luận chính trị, luật sư Trần Thanh Hiệp; văn học giáo khoa: Nguyễn Sĩ Tế về văn thơ; Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Nguyên Sa, Quách Thoại v.v... Ba nhà thơ chủ lực, song chủ trương các lối thơ khác nhau. Chúng tôi sẽ phân tích trong tiết nói về mỗi nhà thơ. Phụ họa ban đầu có Lữ Hồ, sau thêm họa sĩ Duy Thanh. Về lập trường Người Việt dựa vào thế dân tộc tự quyết, phần văn nghệ khai thác hình tượng đối kháng lập trường Mác xít; đề cao nếp sống dân nhược tiểu; ngả về môn phái sinh tồn và phi lý không lý do (absurde non de cause) Mai Thảo chuyên viết tạp văn cảm giác, truyện ngắn, hình tượng khai thác chung quanh trục tiểu tư sản trí thức. Ông thành công trong Đêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ Non qua lối văn tân kỳ. Doãn Quốc Sĩ giải thích sự kiện lịch sử, tạo tác những truyện cổ tích loại dã sử trong Sợ Lửa. Về biên khảo văn học giáo khoa Nguyễn Sĩ Tế chuyên môn, chính ông là giáo sư hiệu trưởng tư thục Trung học chuyên khoa. Bút hiệu Người Sông Thương ký dưới những bài thơ tự do, truyện ngắn nhưng không đặc sắc. Lại chuyên khảo về Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh, Hồ Xuân Hương... khai thác sách giáo khoa với tinh thần nhận xét mới. Về thơ, vì muốn có lối thơ tân kỳ, nên Thanh Tâm Tuyền lùi hẳn hình bóng cũ của ông trên tuần báo Nói Thật (Hà Nội, 1953), nay đến những bài thơ không vần điệu, phi lý không chủ đích, bí hiểm, chịu ảnh hưởng non nớt của Pháp như các nhóm Existentialisme, Surréalisme, Dadaðsme (44), ít truyền cảm, khô khan trong việc lĩnh hội (vibrer). Riêng Quách Thoại thơ có đến nhạc điệu, hòa đồng tư tưởng và âm vận (assonnance). Khoảng 1955 – 1956, Nguyên Sa ở Pháp về nhập nhóm làm thơ kiểu Jacques Prévert (Pháp). Về họa, họa sĩ Lữ Hồ và Duy Thanh đảm nhận trình bày. Cuối 1956, nhóm Người Việt chia hai phe - Mai Thảo chủ trương báo Sáng Tạo, Doãn Quốc Sĩ trông coi nhà xuất bản Sáng Tạo, đường lối không khác nhau.


Tiết 2

TIỂU MỤC

1. Trần Thanh Hiệp.

Sinh 1928 ở Bắc Phần, cây bút lý luận đặt cơ sở cho nhóm Sáng Tạo, nặng về chính trị. Một bài được gọi là thơ, là chép thơ Tây dịch sang Ta và hai ba truyện ngắn hậu chiến ít giá trị.


2. Doãn Quốc Sĩ.

Sinh ngày 3.2.1923 ở làng Hạ Yên Quyết, Láng Cót Hà Nội (ngoại thành, đại lý Hoàn Long). Tác phẩm đã xuất bản: Sợ Lửa (Người Việt, 1956), U Hoài (1957), Gánh Xiếc (1958), Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh (1959), Hồ Thùy Dương (1960), Trái Cây Đau Khổ (1963), Cánh Tay Nối Dài (1960), Đốt Biên Giới (1966), Sầu Mộng (1970), v.v... Ông viết cho các báo: Dân Chủ, Người Việt, Sáng Tạo, Lửa Việt…. Ông còn dùng bút Dương Quan Sơn (45) v.v... Ngoài truyện cổ tích viễn tưởng, ông còn viết truyện ngắn dã sử. Sợ lửa gồm: Con Mèo Trèo Cây Cau, Con Thuyền Ma, Mãng Xà Vương, Pho Tượng Thần, Truyện Con Tinh Đời Trần Phế đế. Truyện đặc sắc nhất trong tập là Pho Tượng Thần. Mang hình tượng thời đại điển hình, cũng như Con Thuyền Ma và Truyện Con Tinh Đời Trần Phế Đế. Trong Con thuyền ma phơi bầy được nhiều chuyển biến trong xã hội, đề cao lòng yêu thương, dù ở xã hội nào, tình yêu thương vẫn là định luật muôn thuở, không biến đổi. Mùa Xuân Đi Lấy Gươm Thần lặp lại: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Truyện này có luận đề rõ ràng hơn hết, có điểm làm cho người đọc tự hỏi khi Thứ Lang đến xin đạo sĩ thanh kiếm, mà đạo sĩ chỉ hỏi một câu. “Cái gì mỏng nhất” rồi căn cứ vào đấy biết được giá trị kẻ cầm vận mệnh dân tộc, e rằng hơi dễ dãi. Đành rằng truyện cổ tích, nhưng ở Doãn Quốc Sĩ mượn hình tượng quá vãng nói lên hiện tại; vẫn cần phải chú trọng đến hình tượng so sánh có ý thức để đánh giá trị kẻ cầm vận mệnh dân tộc.
Không thể dùng hình thái trừu tượng mơ hồ để thể hiện giá trị trừu tượng. Nhóm Người Việt Sáng Tạo có duy nhất một Doãn Quốc Sĩ giải thích lịch sử bằng truyện cổ tích, lối đi độc đáo, nói riêng. Mỗi truyện cổ tích đều ngụ ý riêng, đọc xong liên tưởng đến hình ảnh thời đoạn sống hiện tại. Thuật ôn cố tri tân, kỹ thuật thường dùng này tìm thấy ở Doãn Quốc Sĩ, như Nhập Thiên Thai Vũ Khắc Khoan. Doãn Quốc Sĩ viết truyện dự tưởng này rất đạt. Trái tim lửa (in trong báo Đất Đứng) hay Doãn Quốc Sĩ tiến hơn bút pháp như kỹ thuật viết khô khan khiến nhớ đến Nguyễn Đức Quỳnh viết Thằng Cu So tiền chiến.


3. Nguyễn Sĩ Tế - (1922-2005)

Sinh năm 1922 ở làng Cựu Hào, tổng Hồ Sơn, Vụ Bản, Nam Định. Năm 1954 di cư vào Nam, kế đó chủ trương báo Lửa Việt, tờ báo của sinh viên miền Bắc di cư. Viết cho các báo: Hòa Bình, Dân Chủ, Người Việt, Sáng Tạo v.v... Tác phẩm xuất bản: Hồ Xuân Hương (Người Việt tự do 1956) và nhiều luận đề giáo khoa do NXB Thăng Long ấn hành, ông có viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo nhóm ông. Truyện ngắn và thơ, Nguyễn Sĩ Tế thường ký Người Sông Thương, không có gì xuất sắc. Trong Dòng Sông Xanh, Máu Hận (Đất Đứng, 1956), tả tâm trạng dân Hung tị nạn Cộng sản sang Áo. Ở đây, nghệ thuật khô khan, người đọc vượt đến trang là sự cố gắng phi thường. Khi Hung Gia Lợi (Hungary) bị Nga Xô lùa quân sang xâm chiếm 1956, hai cây viết trong nhóm Sáng Tạo lấy đề tài này làm bối cảnh cho truyện, thì Người Sông Thương (Nguyễn Sĩ Tế) qua Uất Hận, Dòng Sông Xanh; thì Thanh Tâm Tuyên với bài thơ: Hãy Cho Anh Khóc Bằng Mắt Em khá cảm động. Còn nhà giáo viết truyện Dòng Sông Xanh lại khô khan thiếu truyền cảm. Trần Thanh Hiệp với Pandajy giống hệt Nguyễn Sĩ Tế truyện trên. Về mặt biên khảo ông là nhà văn học viết có phương pháp giáo khoa giàu kinh nghiệm viết, Hồ Xuân Hương gồm bảy chương, chúng ta có thể thâu tóm bốn mục tiêu chính: - Con người của nữ sĩ với hoàn cảnh thời đại. - Cứu xét nguồn gốc tư tưởng của nữ sĩ. - Nhận định tư tưởng nữ sĩ. - Khuynh hướng thi ca nữ sĩ. Trước ông, nhiều tác giả viết về Hồ Xuân Hương. Hoa - Bằng - Hoàng - Thúc - Trâm với Hồ Xuân Hương, nhà thơ cách mạng; thì ở đây ông đả phá lập luận Hoa Bằng (trang 53), nhưng sau thừa nhận Hoa Bằng nói đúng. Người đọc chưa nhìn thấy Nguyễn Sĩ Tế đứng trên lập trường nào để viết về thân thế sự nghiệp Hồ Xuân Hương. Từ trước đến nay, có năm lập luận phân tích Hồ Xuân Hương. Phái thứ nhất, ông Nguyễn Hữu Tiến trong cuốn Giai Nhân Dị Mặc cho nữ sĩ ở phái tự nhiên. Phái thứ nhì, ông Dương Quảng Hàm cho nữ sĩ ở phái vì thân thế mà xuất khẩu thành chương. Phái thứ ba cho rằng dân tộc tính tạo thành nữ sĩ (Trương Tửu trong Kinh thi Việt Nam). Phái thứ tư, Nguyễn Văn Hạnh với lối tâm phân học (psychanalyse) của Freud cho rằng vì sinh lý mà nữ sĩ làm thơ. Phái thứ năm mệnh danh đặt cơ sở chính trị, cách mệnh là Hoa Bằng mổ xẻ Hồ Xuân Hương là nhà thơ cách mạng. Tuy nhiên Hồ Xuân Hương viết công phu, dù Nguyễn Sĩ Tế chưa đưa ra lập luận phân tích, và chắp vá lập luận. Và ông sưu tầm tài liệu. Còn Nguyễn Sĩ Tế trong địa vị người viết văn thì chưa thấy lộ diện. Nói như thế, chúng tôi nhớ đến L.Aragon vừa là nhà khảo luận, vừa là một nhà thơ, văn giá trị, Benjamin Goriély vừa là nhà khảo luận viết về văn học Mác xít, vừa tác giả Conservation d’amour, bài thơ hay... Tất cả hai điều này đều chưa thấy trang viết của Nguyễn Sĩ Tế, Người sông Thương.

4. Nguyên Sa.(1932-1998)

Tên thật Trần Bích Lan. Sinh 1932 ở Hà Nội (46). Tác phẩm xuất bản: Thơ Nguyên Sa (1959), Gõ Đầu Trẻ (truyện, 1959), Quan Điểm Văn Nghệ và Triết Học (1960), Một Bông Hồng cho Văn nghệ (1967), Mây Bay Đi (1967), Một Mình Một Ngựa (1971) v.v... Chủ trương tạp chí Hiện Đại, viết cho các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Gió Mới, Trình Bày, Đất Nước v.v...
Nhà thơ ngoài ba mươi tuổi hoạt động văn nghệ khoảng hai năm trở lại đây, tuy chưa có tập thơ nào xuất bản. Nhưng thơ đăng rải rác trên báo Người Việt, Sáng Tạo, được chỗ đứng nhất định. Gọi là thơ tự do nhưng thơ tự do có tiết tấu, hình ảnh đẹp, chịu ảnh hưởng nhiều từ hơi thơ Jacques Prévert. Thơ Nguyên Sa trữ tình, có hình tượng mới thời đại, băn khoăn, ý tưởng thành khẩn, lời chau chuốt. Là nhà thơ tình như Xuân Diệu chuyên thơ tình ái, có lối đi riêng. Nếu thơ Jacques Prévert ngoài tình yêu ra còn mang ảnh hình tâm tưởng, khắc khoải cuộc đời - song trong thơ thuần nhất Nguyên Sa chỉ có một khía cạnh nhỏ thơ tình:

CÓ PHẢI EM VỀ ĐÊM NAY

Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngõ
Ngọn đèn dầu bấc lụi mắt long lanh.
Có phải em về đêm nay
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như lá vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội
Có phải em về đêm nay
để phá tan
những nụ cười thắt se sầu tủi

như anh vẫn cười mà đau đớn bao nhiêu

Không biết đời người có đưa đến tin yêu
những ngón tay có đưa đến bàn tay
những mùa thu có đến gió heo may
hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh
Có phải em về đêm nay
giữa lòng chiều im lặng
cho anh đừng tìm thấy anh
đo đếm thời gian
bằng những điếu thuốc lá tắt trong đêm
nhưng đã bao nhiêu lần đêm khuya
đầu gối trên cánh tay
để giấc mơ đừng tẻ lạnh
Em đừng trách anh đã quá lo âu đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn kia em
dù không muốn gục ngã trong đêm
nhưng đã bao nhiêu lần đêm khuya
anh không biết đã làm thơ
hay đã chọn âm thanh làm độc dược.
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
sao em không về
để dù nắng dù mưa
dù trong thời gian có sắc màu của những thiên đàng đổ vỡ
ngủ say mềm
Vì lòng anh (em đã biết)
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết – dù để làm thơ
nên tất cả chỉ là yêu em
và làm thơ cho đến chết.
Em sẽ về, phải không em
có gì đâu mà khó khăn, trắc trở
chúng mình lại đi
trên con đường chạy dài hoa cỏ
là những đơn phương ngự của tình yêu
mỗi ngón tay em
anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
và anh sẽ trở lại nguyên hình
một anh chàng làm thơ
mà suốt đời say rượu cúc
Có phải em sẽ về
dù bầu trời ẩm đục
hay bầu trời trang điểm bằng mây
anh sẽ trải tóc em bằng năm ngón tay
trong những chiều gió thổi

1957, (Trích Sáng Tạo)
NGUYÊN SA


Tiết 3

MAI THẢO (1927-1998)

1. Tiểu sử: Mai Thảo tên thật Nguyễn Đăng Quý. Sinh ngày 8.6.1927 ở quận Hải Hậu, Nam Định (47). Tham gia văn nghệ kháng chiến Liên khu IV, giai đoạn bắt đầu của người cầm bút. Sau về Hà Nội, viết cho báo Quê Hương, Hồ Gươm... Năm 1954 vào Nam; viết cho Đời Mới, Người Việt và cuối 1956 đứng chủ trương tạp chí Sáng Tạo do người Mỹ (W. Tucker) tài trợ. Nhà văn mới nổi trong vòng hai năm nay, Mai Thảo tạo được chỗ đứng vững.

2. Tác phẩm: Đêm Giã Từ Hà Nội (Người Việt, 1956), Ánh Sáng Miền Nam (Truyện dịch theo phim César Amigo, Phi Luật Tân, 1956), Tháng Giêng Cỏ Non (1957). Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời (1963), Mái Tóc Dĩ Vãng (1963), Khi Mùa Mưa Tới (1964), Bẫy Thỏ Ngày Sinh Nhật (1965), Viên Đạn Đồng Chữ Nổi (1966), Đêm Lạc Đường (1967), Cùng Đi Một Đường (1967), Tới Một Tuổi Nào (1968) v.v... Văn Mai Thảo là văn cảm giác (sytle d’inspiration).

3. Phân tích tác phẩm chính: Truyện ngắn trong Đêm Giã Từ Hà Nội đăng lẻ tẻ trên báo Đời Mới. Người Việt, Cách Mạng Quốc Gia, Dân Chủ, v.v... và Tháng giêng Cỏ Non đăng hầu hết trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Ông thiên hẳn lối tạp văn cảm giác, ý súc tích, ít đối thoại. Đêm Giã Từ Hà Nội gồm mười ba truyện Đường Vui, Một Chiều Qua Cửu Long, Tà Áo Lụa của Người Miền Nam, Màn kịch tố Cộng, Người Hàng Xóm, Trên Những Ngả Đường Không Oán Thù, Chiếc Xe Hàng Cũ, Câu Chuyện Của Chị Ngự, Góc Đường.
Truyện có nhiều màu sắc xã hội hình ảnh nói về giới làm văn, là Mưa Núi. Đọc Mưa Núi, người đọc có cảm giác mình đang sống lại khoảng trời mùa thu, bao vây mùa đông rét mướt. Cốt truyện Thảo lên thăm đôi vợ chồng ở miền núi. Nam, người yêu văn nghệ có ý định làm giàu, sau mở nhà xuất bản, thành lập dưỡng đường cho văn nghệ sĩ. Đến ngày xứ sở bị phân chia, Nam thất bại nghề thầu khoán, chán nản lên núi ở. Một buổi Thảo lên thăm, tả cho bạn nghe nếp sinh hoạt đồng bào, Nam làm lại cuộc đời, xuống núi góp khả năng vào hoạt động văn nghệ của anh em. Tả cảnh chiều, tạo được nhiều cảm tưởng, ấn tượng tân kỳ:
... “Tôi nhìn ra ngoài. Rừng núi ngớt mưa đang đi dần vào hoàng hôn. Tối xẫm lan đi từng ngọn đồi. Hết ngọn này đến ngọn khác. Từng gốc cây. Hết gốc này đến gốc khác. Cái tảng trời xanh phía đầu núi của tôi bạn nãy đã nhòa đi rồi. Sao chưa kịp lên đêm đã sâu thăm thẳm. Rồi tất cả những ngọn đồi, những gốc cây đều không nhìn thấy nữa. Cửa mở thành một khung đen, “mắt tôi tối lại”.
Tác giả nâng ly cà phê sánh đượm, nhận xét tỉ mỉ từ tác động nhỏ của vợ bạn pha ly cà phê. Và phác lại dáng đàn bà Bắc đẹp qua mấy nét đầy ấn tượng:
... “Chị Nam đặt hai ly cà phê vào cái khay nhỏ, lấy hộp thuốc lá thơm bưng tất cả đặt trên cái bàn thấp gần cửa sổ, đoạn chị kín đáo bỏ xuống nhà dưới. Tôi nhìn theo chị Nam, yêu mến cái vẻ đẹp kín đáo của chị lúc đó. Tôi vừa bắt gặp lại những nếp sống đặc biệt, tế nhị của người đàn bà Hà Nội. Một dáng đi, một cách ăn nói. Cái lối pha một tách cà phê đặc sánh, chị vẫn giữ được nguyên vẹn cái duyên dáng ngày cũ, lúc chị còn là một thiếu nữ ở Hàng Đào. Chị không đổi thay...”
Bắt đầu ly cà phê sánh đậm đến thảo luận về chương trình bồi dưỡng Các nhà văn nghệ bị bạc đãi. Mai Thảo không là người đầu tiên nói đến cái nghèo văn nghệ sĩ và có chương trình giúp đỡ họ sống cầu bơ cầu bất. Cái khác hơn hết của con ve sầu, kêu ra rả suốt hè tô điểm cuộc sống tươi đẹp hơn, và đời riêng lại thân tàn, ma dại. Hãy nghe ông kể:
“... Cái chương trình cuối cùng của chúng tôi là một sự tổ chức thật chu đáo cho đời sống vật chất và tinh thần của một số người gắn bó với nhau qua một thứ duyên vãn đậm đà nhất, cùng theo đuổi một lý tưởng trên lãnh vực văn nghệ. Chúng tôi thật đông, thật tin tưởng nhưng chúng tôi sống lẻ loi và thiếu thốn tất cả, mọi phương tiện. Sống những ngày lênh đênh mưa nắng ở hậu phương để chịu đựng đến ê chề sự chà đạp tin tưởng, sự kềm hãm tinh thần, chúng tôi kẻ trước người sau đã rời bỏ thiên đường về Hà Nội...”. Ông đặt ra chương trình khác bổ túc cho kiếp đau khổ của nhà văn sống vất vưởng, hang cùng ngõ hẻm; không được chăm nom. Cũng chưa nghĩ đến hỗ trợ tinh thần, vì vấn đề này, bàn ra rất trọng đại, nói như Graham Greene chính phủ cần có quỹ bảo trợ giúp đời sống của họ, bước đường cùng. Qua đoạn văn dưới tả (bánh vẽ) cũng đủ cho cảm tưởng thật ngọt ngào “Các anh phải được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng như tất cả mọi người”. Chỉ cần lột qua ít câu văn bình dị làm ấm lòng khách văn chương:
... “Nam bàn với chúng tôi như thế này:
- Tôi dự tính dựng một nhà in, một nhà xuất bản, có đủ hết máy móc vật liệu để có thể ấn hành được tất cả những tác phẩm hữu ích sẽ có một câu lạc bộ văn nghệ cho các anh nữa với chỗ ăn ngủ chu đáo. Các anh phải được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng như tất cả mọi người...”
Phê bình Đêm Giã Từ Hà Nội, Huỳnh Bội Hoàng (Thượng Sĩ – Nguyễn Đức Long) viết trong báo Cải Tiến (số 6 ngày 13.9.1956) có đôi phần xác đáng. Ở chỗ, đôi khi quá gọt rũa câu văn thành cầu kỳ, lố bịch: ... “Suốt cả tập truyện ngắn, đoản văn trong Đêm Giã Từ Hà Nội ông Mai Thảo đều dùng một lối văn rất cầu kỳ để diễn tả tư tưởng. Tôi đã nặng đầu, khi đọc, cuốn Đêm Giã Từ Hà Nội bởi lẽ rất giản dị là dùng chữ cầu kỳ, văn viết cầu kỳ, đọc phải suy nghĩ nhiều, phải hình dung nhiều mới hiểu được tác giả định nói gì. Tuy vậy tôi cũng phải thú thực rằng nhiều chỗ tôi chưa hiểu hết. Chẳng phải câu văn quá hàm súc, chẳng phải chữ dùng quá thâm thúy, nhưng vì quá cầu kỳ nên tối nghĩa và đặt chữ không đúng chỗ. Tôi không tin rằng ông Mai Thảo thành công rực rỡ, nếu ông cứ tiếp tục mãi. Viết theo cái thể văn đúng như ông viết trong một Đêm Giã Từ Hà Nội. Đọc Đêm Giã Từ Hà Nội người ta có cảm giác nặng nề khó hiểu. Do đó mà người đọc không thể rung cảm nổi, không say mê được. Đêm Giã Từ Hà Nội là cuốn sách đầu tiên của ông Mai Thảo. Tôi thành thực đã mến phục ông đã cố gắng lắm khi đưa ra một lối văn mới mẻ. Ông không muốn sa vào chỗ tầm thường, đó là điều tôi mến ông. Nhưng tôi cũng cứ khuyên ông nên giản dị hơn. Viết cho sáng sủa, giản dị, người đọc hiểu mình hơn và mình gần người đọc hơn, nếu ông giản dị hơn. Không cần gì phải làm ra khác người mới thành công. Viết cho sáng sủa, giản dị, người đọc hiểu mình hơn và mình gần ngưòi đọc hơn. Vả lại viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết không phải là một luận án văn chương, một luận thuyết triết học thì sao không cố gắng giản dị trong lối hành văn và cách dùng chữ. Có cần gì phải đánh đố độc giả ... Tôi nghĩ không gì sung sướng bằng khi mình nói, mình viết mà người nghe người đọc hiểu mình, để có thể lòng cùng rung động cũng vui, buồn, sướng, khoái như tác giả. Viết ra, in lên sách là vì người khác, chứ chẳng phải để thỏa mãn cái ý thích riêng mình. Vì nếu chỉ để thỏa riêng mình, thì khi viết xong, khỏi phải, in ra, cứ để trong hòm thỉnh thoảng lấy ra mà đọc…
Và truyện dịch Ánh Sáng Miền Nam, cốt truyện phỏng dịch phim Phi Luật Tân. Truyện phim lố lăng, xấc sược, miệt thị Việt Nam, phim ra mắt dư luận báo chí lên án sôi nổi. Xin trích dẫn đoạn của bài Đặt vấn đề sản xuất hỗn hợp Duy Mỹ; (đăng trên báo Sinh Lực số 5, ngày 1.1.1957):
… Ánh Sáng Miền Nam đã thất bại, cuốn phim xã hội tình cảm kia đã không xã hội một chút nào và không tình cảm một chút nào cả vì người thực hiện đã chắp vá, vá víu một cách vụng dại, non nớt, những cử chỉ, hành động đi ngược lại thực trạng xã hội, phản ngược lại nguồn tình cảm tinh tế kín đáo và phong phú của người dân Việt ...
Nói tóm lại Ánh Sáng Miền Nam còn là bài học chính đáng trả nghiệm xuẩn động. Ánh Sáng Miền Nam là nạn nhân một cuộc thí nghiệm xuẩn động. Ánh Sáng Miền Nam còn là bài học chính đáng trả bằng giá thật đắt cho lớp người nhúng tay vào việc làm thiếu con mắt nhìn sâu; trông xa, sản phẩm phôi thai của cuộc hỗn hợp gò ép đã dựng một hoàn cảnh xã hội trả giá, thiên lệch, bày lên một thực trạng lai căng đầu Ngô, mình Sở trong đó không có một mẫu người Việt, không có một hình ảnh nào điển hình ở xã hội Việt Nam trong giai đoạn lịch sử vừa qua...”
Phải nhận rằng cuốn phim là hậu quả đặt vấn đề sản xuất dị đồng văn hóa. Mai Thảo được hợp đồng thuê phóng tác, thì sự làm giàu văn hóa ngoại quốc thâm nhập không thể có; Uyên Thao viết: “... Nhưng ở đây, trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ nói riêng đến cái hỏng cái hay của một cuốn tiểu thuyết. Cái hỏng trước tiên của cuốn tiểu thuyết Ánh Sáng Miền Nam như trên đã nói là cái hồn tính của người Việt không có trong những nhân vật chính trong truyện. Từ đấy, người ta thấy biết bao là cảnh trơ trẽn trái ngược với nền giáo lý cổ truyền của dân tộc. Yếu tố tâm lý cũng là một nhát búa nặng đập tan sự xây dựng, lỏng lẻo nội dung của cốt truyện. Những cảnh lẽ ra phải thắm thiết, nồng nàn trở thành tẻ nhạt, giả tạo. Đọc hết hơn ba trăm trang giấy, người ta chỉ thấy những hỗn loạn của hành động chắp nối, những lời lẽ cầu kỳ mà rỗng tuếch, những cuộc sống không hơn vá víu, pha trộn một cách quá mức hẩu lốn. Có thể nói rằng Mai Thảo đã vơ cỏ, lượm rác kết thành Ánh Sáng Miền Nam …” (tạp chí Sinh Lực) Mai Thảo buôn bán nghệ thuật, không đặt vấn đề tín nhiệm chính bản thân, chung qui chỉ vì tiền mà làm. Tháng Giêng Cỏ Non gồm mười truyện viết theo tản văn cảm giác. Tuy nhiên một hai truyện có hình thức truyện ngắn. Tháng Giêng Cỏ Non, Mở Chiến Dịch; Người Bạn Đường, Giai Đoạn Chị Định, Bên Ngoài Ngõ Tối, Đêm Tân Hôn, Buồng Trong, Đêm Bệnh Viện, Buổi Sáng Trong Nhật Ký, Hà Nội Sa Đọa. So với Đêm Giã Từ Hà Nội thì Tháng Giêng Cỏ Non có chiều sâu hơn, song chỉ có hai truyện đặc sắc nhất là Tháng Giêng Cỏ Non và Giai Đoạn Chị Định. Truyện khác tác dụng chính trị là tiêu chuẩn chính; viết sao đúng đường lối, công thức, máy móc. Đêm Tân Hôn truyện có bố cục ly kỳ; truyện công thức, thiếu rung cảm, hình tượng giả tạo, hời hợt. Tháng Giêng Cỏ Non hay nhiều màu sắc yêu thương, nhà văn trở thành nhân chứng. Gia đình anh Sang khi ở ngoài Bắc làm công nhà Thảo. Thuở nhỏ Thảo thường hay vòi làm nũng Sạng. Nào bắt cõng đến trường, trèo cây hái quả bàng. Nhưng khi Sạng bị vu oan, tố nấu rượu lậu ở làng; Sạng bỏ quê hương vào Nam Kỳ làm cho Sở cao su đất đỏ. Đã mười tám năm bặt vô âm tín, đến hiệp định Genève, Thảo vào Nam, cùng đi theo có gia đình vợ Sạng và tìm được Sạng ở Khánh Hội. Nhưng Sạng đã có vợ khác. Và Sạng đã biết vợ cả vào Nam. Khi trở lại thăm Sạng lần hai vợ cả Sạng đã chung sống êm ả với chồng cùng vợ lẽ của chồng. Ông nói lên được nhiều đức tính người miền quê đất Bắc: đàn ông có chí, đàn bà chịu đựng, hy sinh. Tả đoạn Sạng bỏ đi, Mai Thảo có lối văn tân kỳ, hấp dẫn: “…Riêng anh Sạng, cái nguyên nhân của anh bỏ đi về sau, tôi hỏi và mẹ tôi có thuật lại. Số là anh Sạng bị làng xóm láng giềng nghi ngờ là đã ra tỉnh báo Tây đoan về bắt rượu lậu chôn dấu ở vườn rau một người anh họ con chú con bác với anh. Người anh họ bị đi tù sáu tháng về tội nấu rượu lậu thật. Và anh Sạng uất ức bỏ đi. Riêng tôi không hiểu tại sao ngay hồi ấy tôi đã nhất định tin rằng anh oan. Một phần có lẽ vì anh Sạng oan thật, một phần vì anh là m ột trong những người mà ở làng tôi yêu mến trong suốt thời kỳ nhỏ tuổi...”
Sạng đi rồi, tác giả nhớ năm xưa Sạng hái quả bàng chất nịch túi. Chỉ khi nào thấy bàng chín, mới nhớ đến Sạng, không còn ai hái cho ông Niềm:
“…Cứ mỗi mùa bàng chín, tôi ra đầu ngõ nhìn lên là hình ảnh anh lại hiện về qua một nhớ thương phất dịu nhẹ. Bàng chín vàng trên kia nhưng không ai hái cho tôi nữa. Đôi khi mẹ anh đi chợ, vợ anh đi chợ, ra đồng lại ghé vào nhà tôi. Người mẹ già yếu mãi. Chị Sạng lúc nào cũng tư tưởng sầu muộn...”
...Vậy mà chị Sạng đã chờ đợi mười tám năm. Hình ảnh người đàn bà bồng con đứng đợi chồng về trong không gian bát ngát và trong thời gian không màu dưới mưa nắng gió bão mùa qua mưa, lại trở về bằng những bóng hình tối sám tro lòng tôi 18 năm. Người đàn ông bỏ làng ra đi, khi ném cả cuộc đời mình vào cuộc phiêu lưu chắc đã có thừa ý đoạn tuyệt với đoạn đời cũ, những người thân yêu cũ...”
Nghĩ đến vợ Sạng bơ vơ; tác giả minh chứng qua đoạn văn giầu tình thương nồng nàn, nghệ cảm:
“... Thời gian nghiêng đi. Từ ngày gặp anh Sạng đến nay đã được sáu tháng. Trong thành phố rộng lớn, cuộc sống tiến tới là sự kết thành của những lớp đổi thay mãnh liệt. Mỗi ngày một màu sắc mới, một tâm tình mới. Đôi khi giữa hai trang nhật báo những tin tức của thất lạc, của thăm hỏi và những người. Chị khuất vắng dài hạn, những người vợ yếu đuối đi dò thăm một dấu vết nhòa nhạt của chồng con giữa những ngã ba, những đám đông tôi lại nhớ đến chị Sang, đến đôi mắt chị khắc khoải vời vợi, và tôi lại hỏi rằng không biết chị Sạng có còn được ai dành cho chị một chỗ đứng bé nhỏ dưới một mái nhà nào không? Sự cô độc đơn lẻ ở người đàn bà đáng thương kia có là một trạng thái vĩnh viễn kéo dài như một vệt bóng tối cho đến trọn đời”...
Đôi vợ chồng ngày xưa ấy họp mặt; vợ hai hy sinh một chỗ dành chị cả xấu số ở trong gia đình. Giọng văn tác giả ngọt ngào như bánh, mứt: “... Nhưng lần này tôi đã nhìn thấy thêm một cái gì mà tôi mong đợi hết dòng suốt mười tám năm. Tôi đứng ngây người ở một góc nhà, dưới một vùng ánh sáng của lửa bếp, chị Sạng, người vợ cả miền Bắc, đang ngồi thổi cơm. Bên gối chị hai, đứa trẻ miền Nam tựa vào lòng chị nhìn lửa cháy. Nghe tiếng động, chị Sạng bỏ củi nhìn lên. Chị mỉm cười với tôi”...

Kết luận.

Văn cảm giác diễn đạt theo lối riêng của Mai Thảo tân kỳ, sáng gọn từ tác phẩm đầu tay. Sự cầu kỳ cần thiết vẫn cần có, song nếu quá lạm dụng sẽ làm tác phẩm trở nên gượng gạo, gò bó. Trước kia Mai Thảo làm thơ, song chỉ là thơ trà dư tửu hậu, ông viết chưa đều tay, có truyện rất giản dị, mà hay có truyện tầm thường, nhà văn có giọng văn đôi khi lịch lãm đài điếu của giai cấp tiểu tư sản.


Tiết 4

QUÁCH THOẠI (1929 – 1957)

Tiểu sử : Tên thật Đoàn Thoại. Sinh năm 1929 ở Huế. Năm 1948 vào Nam chủ trương báo Nguồn Sống, viết cho các báo Đoàn kết, Làm Dân. Việt Chính, Người Việt, Sáng Tạo… Thơ ông đăng rải rác khắp các báo. Ngày 7.11.1957, sau thời gian sống lao khổ, trút hơi thở cuối cùng ở nhà thương thí Hồng Bàng. Mắc bệnh lao, Đoàn Thoại quy y cửa thiền một năm. Cuối năm ấy qua đời, xác dùng làm thí nghiệm thực tập cho sinh viên y khoa.

Khuynh hướng: Quách Thoại, có khuynh hướng khác Thanh Tâm Tuyền, chính ông thường phê bình thơ Thanh Tâm Tuyền: Thơ “Thanh Tâm Tuyền đôi khi; mà đã nhiều lần, hắn làm thơ mà không hiểu thơ định nói gì?” Thơ Thoại điều hòa âm điệu, truyền cảm. Tình yêu đất nước, tình yêu con người, hòa đồng đầy vẻ đẹp triết lý nhân sinh, tuy cuộc sống ông vô vàn cay cực, bệnh tật hoành hành, sinh kế thúc bách; lý tưởng và con đường thơ đã vạch vẫn đi trọn. Ông chưa bao giờ thỏa mãn được việc mình làm, tâm hồn ray rứt, cuộc sống quá lao lung, nhưng lại ông ít khóc mình, chỉ khóc thời thế. Chẳng hạn thơ Sau Khi Nhà Cháy khóc mình lại không oán trách đời, hoặc tác giả trút nghẹn ngào qua thơ khóc thời thế thống thiết như bài Những Chiều Việt Nam, Em Bé Di Cư, Bức Thư Của Một Thiếu Phụ Di Cư..v.v...

Phân tích : Nhiều bài thơ yêu nước, thơ khóc thời thế còn biểu hiện nhiều trong: Cờ Dân Chủ, Em Bé Di Cư, Bức Thư Của Một Thiếu Phụ Di Cư, Gió Bão Qua Rồi Chăng, Chiều… của Quách Thoại ốm nặng; rồi trở ra Huế (tháng 2 1957) ông làm một số bài mới; như Một Chuyến Đi, Sáng Sài Gòn... Có một vài câu thơ, hơi thơ như bài Trở về Xuân Diệu:

“Vì mắt tôi no đủ bóng ngày đêm
Hôm nay vẫn nghĩ đến đời bữa khác
Như đứa con vừa bú mẹ một bên
Một bên kia vẫn mơn vú mẹ hiền
Tôi phải về vì quá đỗi yêu thương”

Xuân Diệu

Thì trong bài Cờ Dân Chủ của Quách Thoại

“Ta bước tới nắng tương lai đầy ứ
Phố lớn cười, đại lộ hát nghênh ngang
Xã hội đi về, vũ trụ rộn ràng
Nhà mới dựng, gỗ ngói còn thơm lắm


Có hơi thơ phảng phất Xuân Diệu thật:

“... Như một sớm trên đường vang tiếng guốc
Như một trưa chim tróc réo mùa hè
Tiếng rũa rèn đập nắng nhảy vàng hoe
Tiếng tia sáng múa vờn quanh chiếc búa
Những bánh xe quay những guồng máy lụa
Những bàn chân dậm, những cánh tay nhanh
Tiếng cất nhà, trời đất gõ lanh canh”

Xuân Diệu


Tình yêu cá nhân trong bốn tiếng, âm thầm tuyệt vọng là trạng thái tác giả. Cuộc sống bi đát kẻ sĩ, cảnh nghèo nàn cùng cực sau khi nhà ông bị cháy. Có đoạn tác giả tả nơi trú ngụ ở Bến Cỏ (Đakao), đồ đạc mất, quần áo bị cháy, năm ấy là vào 1956. Như Băng Trương Tình bài thơ làm khi bị ốm gần chết nằm trên khách sạn Đại Nam Lầu (đường Hàm Nghi Sài Gòn).

... “Tôi viết bài thơ hôm nay
Một bài thơ sau khi nhà cháy
Sau khi đời trắng hai tay
Ấy thế mà tôi vẫn viêt được”
“… Triều đại vừa qua đổ gãy
Vũ trụ chỉ có nghĩa ngày nay
Có kể gì tôi ăn mày
Có kể gì anh bệnh hoạn
Những người chết đi là chết đi...”

Suy nghĩ người đi sau, khi thấy người chết nằm đó, chưa biết phận mình thế nào? Cháy nhà rồi, tác giả giã từ bạn bè láng giếng. Đây là mơ ước tác giả của sự thật phũ phàng:

... “Và đến đêm nay
Tôi ước ao rằng tôi ngủ kỹ
Một giấc ngủ không ác mộng sầu bi
Ở dưới gậm cầu trên ghế đá đường đi
Một giấc ngủ
Và không nhớ lại một tí gì...”

Tác giả bị cháy nhà viết bài thơ hay như trên; chỉ là khoảng nhỏ chuỗi đời sống bị vùi dập liên tiếp. Nhà văn nghèo khổ bộc lộ rõ lý tưởng theo đuổi đến cùng. Không phải lý thuyết đâu, Thoại đem cả cuộc đời đánh đổi cho ảnh hình sống động được ghi trong đời sống thơ. Ông phải đưa đời vào tác phẩm lớn, thí dụ bằng xương thịt của người thơ làm chứng nghiệm:

... “Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
để nhìn các anh
Như vừa gặp buổi hôm nào
Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo
còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo...”

Quách Thoại có hai đề mục trong thơ: Khóc thời thế và Hương yêu. Nhưng tác giả vẫn khóc đời nhiều hơn khóc mình. Thơ ông mang từ đời sống vào, mà đời sống chênh vênh một mất một còn, cuộc đời là thơ, thơ là cuộc đời ăn ý. Là nhà thơ đem cuộc đời trải trên dẫn lộ nhân sinh của nhiều bài thơ bất tử:

Trích thơ :

1. CỜ DÂN CHỦ

Hãy hớp lấy màu xanh cùng ánh đỏ
Hãy ôm đầy sức sống cả hai tay
Hãy uống âm thanh từng mỗi phút giây
Hãy đi đến mặt trời đang đứng đó
Chúng ta mở cả trăm ngàn cửa ngõ
Gặp nhau đây hàng triệu mặt con người
Bởi quá vui nên hét lớn ta cười
Giờ cách mạng hôm nay vừa điểm
Ta nhìn lên trời tự do hiển hiện
Đường tương lai gió thổi lá cờ bay
Ôi! lá cờ dân chủ mến thương thay
Qua thế kỷ lầm than giờ mới thấy
Ta sùng kính, trời ơi là biết mấy
Suốt trăm năm nô lệ cúi đầu đi
Hồn tin tưởng biết đâu tìm chí hướng
Ta ngưỡng vọng hôm nay trời lý tưởng
Ngát mùa xanh, xanh thắm của yêu đương
Rực bình minh rạng rỡ ánh thiên đường
Đêm gục chết theo với thời quá khứ
Ta bước tới nắng tương lai đầy ứ
Phố lớn cười đại lộ hát nghênh ngang
Xã hội đi về, vũ trụ rộn ràng
Nhà mới dựng, gỗ ngói còn thơm lắm
Ai mới kẻ chữ Việt Nam tươi thắm.
Lên trên tường, trên bảng với trên tim
Trên linh hồn giữa náo động trong im lìm
Tình yêu nước chao ôi là sâu kín
Là đậm đà như trái cây muồi chín
Là thiết tha như tình ái người yêu
Ta bước lên đau khổ ngả nghiêng xiêu
Hạnh phúc dựng theo những làng xóm mới
Ôi! Kiến thiết những tài nguyên mới tới
Bàn tay anh, bàn tay chị, tay tôi
Vui gì hơn khi phá xẻ núi đồi
Lưỡi cày bén xới đất hồng tươi tốt
Ta tin tưởng ở đường ta then chốt
Vạch chông gai đi đến giữa thành công
Bởi hôm nay ta gieo mạ cấy trồng
Lúa hứa chắc một ngày mai no ấm
Ta hét lớn lay không gian chuyển sấm
Phá sạch tan sầu hận một đời qua
Ta tiến lên kìa ánh sáng chói lòa
Đường rộng mở thênh thang trời dân chủ
Ôi! Tự do thật vô cùng quyến rũ.

(Trích Sáng Tạo)
1956

2. NHƯ BĂNG TRƯỜNG TÌNH

Ta ngạt thở bởi mùi hương xa vắng
Hương thiên đàng vừa thoảng bến trần gian
Ta đê mê cảm động đến mơ màng
Nghe mầu nhiệm thuấn nhầm trong mến cảm
Nghe sống lại trong hồn ta ảm đạm
Một tình yêu thanh thoát quá diệu huyền
Ôi! Mắt em chờ mơ mộng còn nguyên
Cho ta gửi mối tình ta trinh bạch
Cho ta hôn bàn chân em ngọc thạch
Dẫm trên đường khổ hạnh chốn tu hành
Ôi, giáo đường nở kín đóa xuân xanh
Hoa cao quý tắm mình trong tuyết ngọc
Như Băng ơi, vì sao ta thầm khóc
Nghĩ thương em hồn ngưỡng mộ Chúa Trời
Ta xót đau nhìn hỗn loạn cuộc đời
Không dám tưởng giờ em đang cầu nguyện
Em có biết một cõi lòng đang xao xuyến
Nhớ thương em đứng đợi trước nhà chung
Ta yêu em yêu mến cả vô cùng
Thềm tôn giáo ta đặt hồn mơ ngủ
Trong tình em trong tim Chúa Giêsu
Ta giật mình bóng tối vẫn mịt mù
Trăng nhợt nhạt và hồn ta thấy lạnh
Lời tụng niệm vang đưa từ cô quạnh
Ta lắng nghe hồn vẳng tiếng kinh em
Ta lắng nghe hồn vẳng tiếng chuông đêm
Lệ nóng chảy lòng đau kêu cứu Chúa!
Như Băng! Như Băng! Vì đâu mà lệ ứa
Ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta
Một linh hồn lạc lõng giữa bao la
Một tình yêu chưa một chiều trao gởi
Tim cô đơn chưa một lần ấm sưởi
Lạnh trong hồn, lạnh thấu ở trong sương
Nghe đêm xuống tưởng buồn như tận thế
Lệ rất nhiều mà khóc chẳng ai lau
Ta một mình ôm tất cả đớn đau
Không dám nói bởi chung rằng khó nói
Viết lời thơ thành lời kinh kêu gọi
Nào vơi chi sầu hận của nhân gian
Như Băng em, xin ngó nẻo thiên đàng
Để nguy hiểm ta sống đời địa ngục
Ta chỉ sợ rồi đây nơi nhà phúc
Máu tai ương sẽ vấy tấm thân em
Lưỡi dao ngươi sẽ xẻ gót chân sen
Em sẽ chết dập bàn tay ngà ngọc
Rồi ta khóc đến tan tành trí óc
Như Băng ơi, nào em hiểu gì đâu
Đã từng đêm ta nguyện với ta cầu
Lòng tự hỏi vì đâu đời khổ lụy?
Bởi vì đâu hỡi loài hoa cao quý
Mà hương thơm còn mãi đến ngàn sau
Nở chi đây phô sắc thắm nhiệm mầu
Đất sắp sửa sẽ nứt thành phun lửa
Như Băng em đau thương là thế rứa
Bởi yêu em nên khóc mấy cho vừa
Đây lệ tình ta em biết cho chưa
Xác hồn ta chết đau gần quá nửa

Như Băng, Như Băng một chiều hoi hóp lửa
Là một chiều tận thế của tương lai

Thôi ta chết cả linh hồn đời nhân loại
Bao xây dựng đi về trong hủy hoại
Bao văn minh hạnh phúc vẫn không thành
Bao đền đài cũng vẫn chỉ hư danh
Bao khoa học không giữ người giá trị
Bao cao thượng chỉ thành ra vị kỷ
Bao lợi quyền mà hóa vẫn tay không
Kìa điêu linh thì cứ đấy em trông
Xe hiện tại dẫn ngày mai xuống hố
Đời hy vọng mà vẫn tin tận số
Ô hô hô thôi mạt kiếp vận người
Mà Như Băng ơi hỡi! Môi em tươi
Mắt em ngó nhiệm màu là biết mấy
Giữa tim em nguồn thiêng rào rạt dậy
Vầng trán em phảng phất bóng hư linh
Em hát đi cho ta hết dựt mình
Em cầu nguyện để ta còn tin tưởng
Phủ màn sương mộng ảo xuống che em
Ta muốn lấy hoa kết lại thành rèm
Để vây phủ đời em trong cõi sống
Để nguyên vẹn tình ta vững chống
Lái con thuyền tình ái đến sông trăng
Để tình ta còn đẹp tựa sông Hằng
Mà hôm nay ta khóc lạy than rằng:
Xin chầm chậm hoàng hôn đừng vội lặn
Ôi! Đau thương loài người xin hữu hạn.

QUÁCH THOẠI




Tiết 5

THANH TÂM TUYỀN (1936-2006)

Tiểu sử : Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư Văn Tâm. Sinh năm 1936 ở Vinh. Sống hầu hết đời hoa niên ở miền Bắc. Viết cho tuần báo Nói Thật (Hà Nội, 1953), Lửa Việt, Người Việt, Phương Nam, Sáng Tạo, 1956; 57 (Sài Gòn)...


Tác phẩm và khuynh hướng: Đã xuất bản Tôi Không Còn Cô Độc (Người Việt, 1956) Ông viết truyện dài đăng trên báo Lửa Việt. Truyện dài Hiện Tại đăng dở dang: truyện ngắn Người Bệnh Giữa Mùa Xuân, Đại Lộ, v.v... Ông cho xuất bản tập thơ tự do không vần, không điệu, gần như văn xuôi, những bài Tình Cờ Phục Sinh khó hiểu hơn văn xuôi. Thơ tự do của ông không là thơ tự do Nguyễn Đình Thi, gần hơn Nguyễn Quốc Trinh; gần hơn nữa các nhà thơ trong nhóm ông Quách Thoại, Nguyên Sa, nhà thơ độc lập Phan Lạc Tuyên. Thơ Thanh Tâm Tuyền giống lối thơ tượng trưng Lettrisme, Dadaðsmes (Pháp), lối thơ bí hiểm khô khan, khó truyền cảm hơn cả thơ Xuân Thụ Nhã Tập tiền chiến. Thơ ông mang sự khắc khoải, lo âu, bi thiết nặng triết lý Kierkegaard. Ngoài những bài thơ khó hiểu, bí hiểm, có một ít bài truyền cảm, đặc sắc những bài có âm điệu riêng nội dung cô đọng. Cũng là điều lạ, nhà thơ tự do phi lý không lý do ấy rất thích điệu nhạc slow Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ có dòng nhạc quý phái, tươi trẻ, âm điệu quyến rũ lứa thanh xuân. Ông muốn tạo một lối mới, đi quá trớn, không kịp chín thành lập dị, lố bịch, thơ không đồng cảm nổi với tác giả mà chính tác giả chẳng hiểu tại sao làm thơ không phải là thơ. Cũng chưa đến nỗi như Nguyên Xuân Sanh làm thơ bí hiểm, cố tạo ra ý tứ, giảng cho độc giả; mà chính tác giả chưa lĩnh hội được? Chúng tôi nhớ vào thế kỷ XIX, sau thời kỳ văn tượng trưng, khi môn phái symboliste xuất hiện thì nay lại có Thanh Tâm Tuyền đại diện Người Sông Thương, Trần Thanh Hiệp là Dadaisme qua lối thơ chẳng hiểu, cảm nổi. Tỷ dụ trong bài Phục sinh thơ làm dáng suy tư:

... “Tôi buồn khóc như buồn ngủ
Dù tôi đứng trên bờ sông
Nước đen sâu thao thức
Tôi hét tên tôi cho nguôi giận
Thanh Tâm Tuyền

Đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
Em bé quàng khăn đỏ ơi
Này một con chó sói
Thứ chó sói lang thang
Thứ chó sói lang thang”.

Gọi tên mình không là mới; xưa trong Gửi Hương Cho Gió (1940) Xuân Diệu gọi tên hoặc Huy Cận gọi tên và Xuân Diệu trong Lửa Thiêng. Song cách gọi tên phải thế nào, sao lại gọi tên, nếu không một anh điên ngoài phố thường bỗng dưng gọi tên mình thỉ chẳng ý niệm gì? Cách gọi tên Thanh Tâm Tuyền không lý do chẳng khác chàng mộng du, không tưởng. Đọc trong bài Tình Cờ:

“… Hai người yêu nhau rất tình cờ
Của lòng tin phù trợ
Hãy yêu nhau rất tình cờ
Như mặt trăng may mắn thoát ra khỏi vòm mây…”
Chiếc đầu máy mệt nhọc đứng lại một ga nhỏ”.

Thật bí hiểm bắt chúng ta trở lại nền văn chương ở đầu thế kỷ hai mươi, nhìn lại bản tuyên ngôn thi phái Dada (Pháp). Và làm không liên tưởng khi đọc Nhịp Ba Thanh Tâm Tuyền: Các anh hiểu thế nào được, về việc làm chúng tôi! Có phải vậy không? Vậy thì các anh ơi, nào chúng tôi có hiểu chúng tôi bằng các anh đâu?...” (49) Tuy khôi hài nhưng rất biết mình, tự châm biếm như anh hề biết làm trò hề chính mình không chịu nổi sự tiếp nhận chính mình Thanh Tâm Tuyền không những là Francis Picabia; còn theo đòi Nathaniel Andre Gide trong Les nourritures terrestres (Thức ăn trần gian). Nếu một Nathaniel kêu gào bạn hỡi: hãy vứt sách ta đi, vượt ra ngoài đi; thì Thanh Tâm Tuyền bắt chước cách vụng dại, ngây ngô, khiến nhớ đến một Tây Thi đau bụng nhăn mặt thì đẹp; còn mụ nhà quê Hồ Nam, nhăn mặt kiểu Tây Thi bị chồng vác gậy đuổi đánh. Và Thanh Tâm Tuyền tưởng rằng lối viết Gide hay, cóp ý hay ấy đem đặt ở trang đầu tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc như một nguyên tắc.
Ở đây tôi là một vị hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, ngươi hoàn toàn tự do để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thân phục nếu người muốn nhập lãnh thổ người hoàn toàn tự do và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ...
Trần Thanh Hiệp là một Đinh Gia Trinh cũng bắt chước làm thơ, viết bình luận biện hộ bạn thơ, Thanh Tâm Tuyền và với chính bản thân Trần Thanh Hiệp làm thơ lại là chép dịch thơ Louis Aragon:

“Cửa sổ, cửa sổ, cửa sổ (Trần Thanh Hiệp)

Persienne, persienne, persienne” (Aragon)

Lối thơ tượng trưng, phi lý không lý do của Aragon; Éluard là thơ hay, không phải lối thơ ăn cắp của Thanh Tâm Tuyền và tự cho khám phá mới, định luật mới quyền uy. Nhiều bài thơ của ông bất thành cú, vô nghĩa:

“…Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba
Có người cầm súng bắn vào đầu
Đạn nổ nhịp ba
Không chết
Anh ngồi nhỏm dậy
Khỏe mạnh lạ thường...”

Hệt như văn kỳ tình, trinh thám Phi Long, Phú Đức, phi ngựa bắn súng; nhân vật làm bia, chấp cho nghìn viên đạn bắn vào; và nhân vật chính không chết, rồi phi lên không trung. Cho đó tượng trưng sức mạnh tin tưởng con người; là thứ so sánh ngây thơ, con nít tập làm người lớn có suy tư, thích tìm hình tượng mới. Truyện ngắn: Đại Lộ Thanh Tâm Tuyền ít lập dị, khó hiểu như thơ. Tuy nhiên Tôi Không Còn Cô Độc có số ít bài vượt khuôn sáo như bài thơ Mắt Biếc, Dạ Khúc, Anh Em Cộng hòa, hoặc bài trả lời bài thơ: Còn Sáng Tạo, Ta Hãy Còn Sáng Tạo của Quách Thoại:

“…Thoại ơi; Thoại ơi; không biết khóc
Như dòng nước mắt ướp mặn môi,
Không chết trần truồng không thể được
Cuộc sống phải thừa như sáng mai…”

Đúng cảm xúc thực; không thương vay khóc mước, không dùng cái chính mình không biết bịp lòe người khác; làm họ không biết như tác giả. Tôi nhớ có một lần, báo: Văn Nghệ Tiền Phong nhại lại lối gọi tên của ông: Vịt luộc, vịt luộc, vịt luộc của ông. Đa số bài thơ của ông thiếu rung cảm, khó lĩnh hội được, nội dung rỗng tuếch, khắc khoải, suy tư vay mượn và như cậu học trò tập làm thơ triết lý. Song cũng phải thừa nhận ông có thể làm thơ mới, lục bát, tuy không hay nhưng không tầm thường.

Trích thơ:

1. HÃY CHO ANH KHÓC BẰNG MẮT EM
NHỮNG CUỘC TÌNH DUYÊN BUDAPEST

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa vào thép
Nỗi sờn họng súng
Nỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong giây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest

(Tháng 12–1956)
(Trích Sáng Tạo)

2. DẠ KHÚC

Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi giây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu anh xa

Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới

Chiếc kèn hát mãi than van
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như bàn ghế không bằng
Thôi em hãy đứng dậy
Người bán hàng đã ngủ sau quầy
Anh đưa em đi trốn
Những dày vò ngày mai

(Trích Sáng Tạo)
THANH TÂM TUYỀN



CÒN TIẾP ...



VVM.30.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .