Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TIẾNG CHIM VANG ĐỘNG LÒNG TÔI



     T ừ tuổi ấu thơ cho đến thời hoa niên, tôi gắn bó với ngôi nhà của cha mẹ mình.Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm giữa khu vườn rộng có khe nước và lũy tre phía sau,trong vườn cây trái bốn mùa hương sắc,êm đềm,dịu ngọt và đã như một dòng suối mát chảy suốt tâm thức của tôi.     

Biết bao lần,tôi ngồi yên lặng dưới hàng hiên để được nhìn ngắm những đóa hoa hồng,những đóa tường vi. Những chùm thiên lý nở cùng nắng sớm đầy quyến rũ.Hay mỗi chiều nắng xế bắt gặp một cánh phù dung đổi màu trước khi héo tàn giữa đêm như thầm nói sự ngắn ngủi của một vẻ đẹp,sớm nở tối tàn,mong manh hư ảo,bừng dậy rồi chìm sâu vào sự quên lãng dưới biển hiện tượng. Nhiều lúc tôi ngồi lắng nghe âm thanh của khu vườn,những âm thanh tưởng chừng quá quen thuộc nhưng mỗi lần nó vang lên lại truyền dẫn một nỗi xao động khác thường; Đó là tiếng gà gáy giữa trưa,tiếng ve kêu ngày hạ,tiếng rít của hàng tre ngày trở gió,tiếng phe phẩy của tàu lá chuối sau hè giữa đêm dài thao thức.Nhưng có lẽ trong mớ âm thanh ma mị ấy tiếng chim vườn cũ,hay tiếng chim bắt gặp trên những ngả đường đi qua khiến tôi xao động mãi không thôi.     

Làm sao tôi quên được ,vào những ngày xuân ấm áp,trong đám lá xanh non thấm đẫm hương bưởi ,hương chanh đôi chim  sâu chậm rải chuyền cành với giọng hót trong trẻo như tiếng tơ đồng,hay sau cơn mưa rào dưới bầu trời trong xanh ,bầy chào mào cứ bay qua bay lại dưới hàng tre với giọng hót là một chuỗi âm thanh trong vắt,rộn ràng.Còn nữa,trên những tàng cây cổ thụ quanh làng tiếng cu gáy,chích chòe,chèo bẻo,mỗi loài đều có tiếng hót riêng,đều chinh phục lòng người...     

 Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam,núi rộng,sông dài ,nơi nào cũng thuận lợi cho chim sinh nở con đàn,cháu đống.Theo thống kê của giới khoa học nước ta có đến 848 loài chim.Chim đã được quan tâm từ thời dựng nước.Hình ảnh chim Lạc khắc trên trống đồng là một bài học sâu sắc về lịch sử và văn hóa của dân tộc.Trong sách Ô Châu Cận Lục do Dương Văn An sưu tập và hiệu đính từ năm 1553 phần sản vật đã ghi chép cẩn thận các loài chim của xứ Thuận hóa.Và trước đó ,trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi hay sau này trong Đại Nam nhất thống chí viết dưới triều Nguyễn đều có ghi chép về các loài chim ...    Khách quan và đớn đau mà nói rằng,thời hoàng kim của các loài chim đã qua rồi vì hiện nay trên quê hương của chúng ta đã vắng bóng nhiều loại chim trời.Từ khi có Hội sinh vật cảnh cổ động việc nuôi chim thì chim đã bị đánh bắt đến độ cạn kiệt nhất là các loài có bộ lông đẹp và tiếng hót hay...     

Tôi đã từng chứng kiến nhiều chú chim chết ruc trong chiếc lồng nhỏ,nhiều chú chim bị nhốt đã mấy năm vẫn không quen với đời sống bị cầm tù của mình,còn những con mới bị nhốt thì mặt mũi đầy máu,bộ lông xác xơ,bỏ ăn,bỏ uống nhìn rất tội nghiệp.      

Người ta kể rằng giống chim Chàng Làng có tiếng hót đặc biệt nhưng một khi đã bị nhốt thì không hót nữa và thường tự sát bằng cách dùng móng vuốt bấu vào cổ mình cho máu tung tóe rồi chết thảm.Ôi,khát vọng tự do tột cùng của loài chim.     

Có một bài văn vần trong sách tập đọc của lớp đồng ấu,đã bảy mươi năm qua vẫn chưa quên,nội dung về một cuộc đối thoại giữa chú bé và con chim nhỏ:                    

-  Hỡi hỡi chim này lồng vàng
                   Vì mày tau đã sửa sang cho mày                                   

 ..............                   

  -  Thôi thôi ta đã biết rồi
                     Lồng vàng cũng chỉ là nơi ngục tù...    

 Nói đến đây tôi chợt nhớ mấy câu thơ mình viết đã lâu :   

                     

Con chim trong lồng nhỏ
                     Tiếng hót đâu còn hay
                      Chúng sanh giữa trần thế
                      Yêu tự do từng giây.   

Một mùa Vu Lan nữa lại trở về .ngoài ý nghĩa báo hiếu còn là mùa xá tội vong nhân ,cứu khổ cứu nạn cho muôn loài...Tôi nguyện cầu cho một thế giới xanh ,sạch,đẹp và đầy ắp tiếng chim trời...




VVM.23.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .