Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Alain Beraud


NGƯỜI HÀNG XÓM



T ừ ngày chị Nguyệt rục rịch xây nhà mới, lão Tầm mất ăn mất ngủ, cảm thấy bị tổn thương ghê gớm.

Lúc nào lão cũng bứt rứt như khi bị hạt cát rơi vào mắt, chẳng làm chết người nhưng cồm cộm, vô cùng khó chịu, vô cùng ấm ức. Lão khó chịu vì không sao chấp nhận được sự việc gây ấm ức kia và ấm ức vì không thể thay đổi được cái sự việc khó chịu ấy.

Giá nhà chị Nguyệt ở xa xa đỡ phải hằng ngày hằng giờ nhìn thấy, đằng này lại sát nách nhà lão Tầm. Hai người là hàng xóm gần nhất của nhau, chỉ cách con hẻm nhỏ rộng hơn một thước, mụ vợ lão thân với chị Nguyệt, thậm thọt qua lại luôn nên bên ấy có thay đổi gì, bên này biết trước tiên.

Nghe chị Nguyệt phân trần rằng vì con gái sắp lấy chồng nên cực chẳng đã, chị phải xây lại nhà cho tươm tất một chút chứ chị chẳng dư dả gì đâu, tất cả đều là tiền con gái vay trả góp ngân hàng cả đấy, lão Tầm mặt vênh lên, cười khinh khỉnh ra cái điều chuyện nhà chị, lão quan tâm làm quái gì mà phải kể lể?

Hay đó là cách chị ta muốn “khoe khéo” với lão? Nghĩ thế, bộ mặt đang khinh khỉnh của lão Tầm đổi ngay sang hầm hầm. Hừ, lấy chồng cứ lấy, luật nào buộc phải xây lại nhà mới lấy được chồng? Nếu có thứ luật quái đản ấy thì những người khó khăn còn đang phải ở nhà thuê đành suốt đời chịu ế à?

Ngay việc con gái chị Nguyệt vay được tiền ngân hàng để làm nhà cũng đã là một bàn thua của lão Tầm rồi, vì con lão cũng đã mấy lần làm hồ sơ xin vay thì đều bị gạt toẹt ngay từ… bãi giữ xe.

Cứ nghĩ tới chuyện đến chị Nguyệt cũng dễ dàng “qua mặt” mình, lão Tầm tức ấm ách. Có lý nào lộn ngược thế, hả Trời? Mười mấy năm trước, khi mới dọn về căn nhà lụp xụp kia, mẹ con chị Nguyệt nghèo lắm. Gia tài ngoài bộ bàn ghế gỗ đã quá cũ mà bốn chân đều ẽo ợt như răng bà già, chẳng còn vật dụng gì ra hồn. Tivi không, tủ không, thậm chí đến cái giường cũng không nốt, tối tối bốn mẹ con trải chiếu ra đất nằm ngủ. Còn quần áo hay chén đũa nồi chảo thì nhồi nhét tạm vào mấy vỏ thùng carton. Thiếu thốn đủ thứ nên chị Nguyệt thường xuyên chạy sang nhà lão Tầm mượn từng cái rổ, xin từng cây đinh. Lão Tầm chẳng bao giờ lấy đó là sự phiền hà, trái lại còn thấy hả hê, nên luôn luôn mau mắn giúp đỡ. Chị Nguyệt thì xem lão như cha chú của mình. Tình nghĩa thắm thiết mặn mà.

Mấy năm gần đây, đâu chỉ mình chị Nguyệt, trong hẻm cũng khối nhà lần lượt “lên đời” rồi, và ít nhiều đều gieo cho lão Tầm thứ cảm xúc mà ngay lão cũng không biết chính xác gọi tên là gì, chỉ biết khiến lão xốn xang, bực bội lắm. Dường như nhà nào càng ở gần thì lão càng khó nguôi ngoai. Có thể vì càng gần nên sự tương phản của nhà họ với nhà lão càng phơi ra rõ rệt, có thể vì mắt lão quen nhìn những thứ cũ kỹ xộc xệch rồi, cũng có thể… tính lão vốn thế. Trên đời đâu phải chuyện gì cũng có thể lý giải nguyên nhân?

Chị Nguyệt bị lão Tầm ghét hơn những nhà khác không chỉ vì ở gần lão nhất, mà quan trọng hơn, còn vì bao năm qua, chị vẫn được xếp vào tầng lớp nghèo hèn, thấp kém hơn lão. Đùng một cái, bây giờ trong khi nhà lão Tầm mấy chục năm chưa sửa chữa, vẫn mái tôn gác ván, vách tường đã xuất hiện đường xẻ dọc từ nóc kéo xuống sàn xi măng, thì nhà chị Nguyệt đổ bê tông ba tấm, gạch hoa sáng choang, sân thượng treo nhiều giỏ hoa đong đưa, lão Tầm muốn nhìn phải ngóc lên đến mỏi cổ! Bảo sao lão không bức bối? Bức bối đến độ lão quàng xiên rủa luôn cái ngân hàng nào đã cho con gái chị Nguyệt vay tiền xây nhà.

Trước giờ, lão Tầm vẫn tự hào nhà lão to nhất hẻm, giờ mới thấy cái to ấy hóa bất lợi. Vì để xây lại, lão sẽ phải tốn rất nhiều tiền, chứ chẳng lẽ phá dần dần và xây dần dần từng khúc?

Biết đến khi nào lão mới có tiền làm đây, nếu không… trúng số? Thỉnh thoảng thấy báo đăng có người vừa trúng số, lại là vé Vietlott hàng trăm tỉ, hàng chục tỉ, lão Tầm trợn ngược mắt, rên lên như vừa bị ai… bóp họng. Ôi chao, sao thiên hạ may mắn thế, sướng thế? Lão chỉ cần vài tỉ đủ xây nhà thôi mà mãi cũng chẳng trúng cho một lần. Làm như thể chính ông Trời cũng ghét bỏ, cũng bạc đãi, cũng bất công với lão nên định cho lão số kiếp phải nghèo lâu, từ đời ông sang đời cháu. Nên lão đổ vấy trách nhiệm cho… Trời. Nhớ lại nhiều người hay cáu bẳn oán “Trời không có mắt”, bây giờ lão nghiệm thấy… đúng (còn nếu Trời có mắt, hẳn cũng là… mắt toét!) nên cái nhà chị Nguyệt mẹ góa con côi kia ngày càng phất lên, trong khi lão đủ đầy chồng vợ, cha con vai rộng sức dài vẫn mãi lận đận, lùi xùi…

Lão Tầm phát tiết nỗi hậm hực bằng mấy trò “phá bĩnh” trẻ con. Thời gian nhà chị Nguyệt đang xây, ngày nào lão cũng kiếm cớ gây sự, mắng chửi đám thợ. Lúc thì để bụi bay vào nhà lão, lúc tiếng máy cắt máy hàn ồn quá, lúc làm gạch rơi vỡ hay nước chảy ướt hẻm.

Biết thân im thì thôi, anh nào dại dột hoặc cứng đầu cãi lý lại là lão Tầm hùng hổ vác dao đòi… chém. Các anh thợ sẵn xà beng, búa tạ, có ngán gì con dao mẻ của lão, nhưng kẹt một nỗi, nếu xảy ra xô xát để Công An hoặc quản lý nhà đất phải đến can thiệp, thì giải quyết đầu tiên sẽ là đình chỉ thi công trước, còn ai lỗi ai phải cứ từ từ đợi cán bộ thủng thẳng điều tra hết sức nghiêm minh rồi sẽ tà tà… tính tiếp. Thế nên cả chủ nhà lẫn thợ ăn lương công nhật đều bảo nhau “ngậm bồ hòn làm ngọt” chịu thua cái ngang ngược vô lý của lão Tầm, cho yên.

Biết thóp thế, lão Tầm được thể càng làm già, “bới bèo ra bọ” quá quắt hơn. Buổi sáng tầm bốn giờ, lúc nhà nhà còn đóng kín cửa ngủ, lão đã thức dậy, già rồi có ngủ nhiều đâu. Lão mở cửa dắt hai con chó sang miếng đất ngổn ngang vật liệu xây dựng, cho chúng tự do thoải mái giải phóng nỗi ấm ức đang căng phồng bụng dưới. Loài chó lần đầu đã phóng uế chỗ nào thì lần sau quen mùi chỗ nấy, cứ phăng phăng đúng vị trí cũ chạy đến. Đám thợ biết tỏng chó nhà ai nhưng không bắt được quả tang, có tức mấy cũng chỉ chửi đổng vài câu rồi hì hục… dọn. Bên này, lão Tầm rung đùi cười ruồi, đắc ý.

Cuối cùng rồi nhà cũng xong, mẹ con chị Nguyệt đã dọn về ở. Khác lần dọn trước, lần này nhiều đồ lắm, đa số mới toanh. Thậm thụt nhìn sang, lão Tầm tức điên, thấy nghèn nghẹn cổ họng. “Mẹ con nhà nó” bỏ xa nhà lão thật rồi, rành rành trước mắt ai ai cũng thấy, còn che giấu vào đâu?

Và lão Tầm chính thức tuyệt giao với chị Nguyệt, thái độ thù nghịch lộ liễu. Vô tình đi chạm mặt nhau, lão dẩu môi, nghếch cổ, hóng mắt lên trời như nhà thiên văn đang mải mốt quan sát một hành tinh, để khỏi phải nhìn vào người hàng xóm đáng ghét!

Lão gầm gừ với vợ khi mụ vẫn chạy qua chạy lại nhà chị Nguyệt. Hừ, có thứ vợ nào “phản phúc” thế không, hả Trời? Đã vậy, mụ còn mấy lần can lão bằng câu cũ rích “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau…”

Lão không thể hiểu sao mụ lại dửng dưng, không thấy chướng tai gai mắt trước… thế sự đảo điên? Lão tưởng mụ cũng phải lồng lộn trước cả lão đấy. Tính “phổi bò” chỉ biết ăn no ngủ kỹ, thảo nào mụ ngày càng béo nứt béo trương!

Lão Tầm đâu biết thỉnh thoảng vợ lão vẫn mượn tiền chị Nguyệt để đánh bài. Mụ vốn mê cờ bạc, chồng con khuyên can cạn lời, đành phải áp dụng chiêu “cấm vận kinh tế” để ngăn chặn, mỗi sáng chỉ phát cho mụ số tiền đủ đi chợ. Nhịn thèm nhiều ngày chịu không thấu, lâu lâu muốn vào sòng, mụ lại thậm thọt hỏi vay chị Nguyệt, rồi từ từ mụ ăn bớt tiền chợ trả dần sau. Người hàng xóm rất “biết điều” nên dù mụ dây dưa, có khi nợ năm cũ vắt sang năm mới, chị Nguyệt cũng không đòi hay kể lể với ai.

Vì thế, mụ Tầm thấy chị Nguyệt là người đáng tin cậy lắm. Vả lại mười mấy năm qua, hai nhà vẫn gần gũi, thân thiện, nấu được món ăn ngon nào cũng đem biếu xén nhau, chị Nguyệt chưa làm gì mất lòng mụ, chẳng có lý do gì để mụ tuyệt giao cả.

* * *

Hôm đó, cả nhà đi vắng, chỉ có lão Tầm gật gù ngồi uống rượu một mình. Thình lình, lão lên cơn đột quỵ.

Là sau này nghe bác sĩ gọi tên thế, chứ lúc đó, lão chỉ tưởng mình trúng gió thôi. Giây phút sinh tử ấy đến thật nhanh, lão Tầm bất ngờ thấy tim nhói lên, mắt tối sầm, mọi thứ chung quanh quay tít, tay chân cứng đờ, lão rơi vào hôn mê chỉ trong vài tích tắc.

Bác sĩ còn bảo lão Tầm may mắn lắm nên có người biết, kịp đưa lão đi cấp cứu chứ chỉ chậm vài phút, qua “thời khắc vàng” là vô phương cứu chữa. Bệnh viện lại vừa hết loại thuốc lão cần, người ấy phải tức tốc chạy ra hiệu thuốc bên ngoài tìm mua đem vào. Nếu không, bác sĩ cũng… bó tay! Người ấy chẳng ai khác, chính là chị Nguyệt.

Chị Nguyệt kể với mụ Tầm rằng, chị qua nhà định mời vợ chồng mụ chiều sang ăn cơm với mẹ con chị, chỉ là bữa cơm thân mật thôi chứ “không phải tân gia tân giếc gì đâu”! Chị tránh không nói rõ: vì nhận ra thái độ lạnh nhạt của lão Tầm, chị kiếm cớ thế để… hòa giải.

Cửa nhà mở phanh mà đánh tiếng mãi không có ai, chị đánh liều bước vào, hốt hoảng thấy lão Tầm đổ gục giữa nhà từ bao giờ, nằm úp lên mâm lòng lợn tiết canh, tóc dính mắm tôm nhoe nhoét.

Nghe vợ kể, lão Tầm cắn môi, khụt khịt mũi liên tiếp. Qua đợt chết hụt, lão chợt nhận ra mọi ganh đua trên đời bỗng dưng thật vô nghĩa. Cũng không thể đem chút được mất hơn thua mà luận thành bại đời người. Lão thấy mình ngu dại quá, bao nhiêu tị hiềm phút chốc mọc cánh bay biến mất như thể chưa bao giờ từng hiển hiện trong lão. Phải chăng những cảm xúc ganh ăn ghét ở ấy như chất độc bào mòn nên trái tim mong manh của lão không chống chọi nổi, suýt lăn ra giãy chết? May mà nó được cứu kịp bởi chính kẻ mà chủ nhân nó đang ghét đắng ghét cay. Lão ân hận và tiếc nuối, mắt bỗng rưng rưng.

Mụ Tầm lại tưởng chồng đau trong người quá đến phát khóc. Vừa lau mặt vừa bóp tay chân cho lão, mụ nghĩ cần tìm chuyện gì vui cho lão quên đi bệnh tật. Còn chuyện nào vui hơn chuyện nhờ chị Nguyệt mà lão vừa thoát khỏi tay Thần Chết?

Thế là mụ Tầm rủ rỉ thuật lại rành mạch lớp lang một lần nữa, còn dặm thêm chút mắm muối cho đậm đà. Nhưng mụ càng nói, mặt lão Tầm càng khó coi, không ra giận, không ra mừng, cũng không ra bất mãn. Lạ lắm, mụ Tầm không hiểu nổi. Mụ hỏi:

-Ông có nghe tôi nói không đấy?

Đúng là mụ vợ “phổi bò”, phải nghe thì lão mới phản ứng như thế chứ! Lão muốn gắt um lên như thói quen xưa nay nhưng có lẽ yếu sức quá nên không to tiếng được, chỉ khào khào hỏi:

-Nghe rồi… Bác sĩ bảo hôm nào cho tôi về?

-Ông ổn rồi nhưng chưa về được đâu, phải hết tuần.

Rồi mụ quay lại đề tài dang dở, một cách hồn nhiên:

-Nếu cô Nguyệt cũng giận không bước chân sang nhà mình thì hôm nay ông chết chắc rồi còn chi? May quá! Ông phải nhớ đền ơn ân nhân đấy…

Lão Tầm bâng khuâng quá: “kẻ thù” đổi sang “ân nhân” là may mắn hay bất hạnh cho lão mà mụ vợ hân hoan thế? Mụ lại hỏi:

-Vì sao ông ghét cô Nguyệt? Hai nhà xưa nay đang thân thiết, tự nhiên…

Lão Tầm ngắc ngứ không trả lời được. Mụ vợ đặt câu hỏi xác đáng quá, chính lão cũng đang phân vân: vì sao người hàng xóm gần gũi và thân thiết nhất lại biến thành “kẻ thù” của lão? Lão không biết. Vậy đến bao giờ lão mới biết?

Thấy lão im lặng, mụ Tầm thắc mắc:

-Này, cô ấy đã làm gì ông?

Mụ vợ “phổi bò” này rõ nhiều chuyện! Lão đã không biết thì làm sao trả lời được mà mụ hỏi lắm thế? . -./.




VVM.10.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .