C
ứ vào cuối tháng chạp ta, trên con đường Kha Vạn Cân, từ ga xe lửa Bình Triệu kéo thẳng lên đến Cầu Ngang,
gần chợ Thủ Đức, khách qua đường đã thấy hai bên con lộ chật hẹp và
rất thường xuyên ngập nước này còn lại lác đác những mảnh đất vườn ăn thông ra mép lộ, đã thấy cư dân vùng ngoại ô này bày đầy những chậu mai kiểng sắp ngay hàng thẳng lối,
to có nhỏ có, bằng đất nung có, bằng sành sứ có, từ những chậu nhỏ cho hoa bon-sai cho đến những chậu bằng sứ hình tròn hoặc lục giác đường kính gần 2 mét, giát mảnh sành
xung quanh theo hình long, lân, quy, phụng hoặc mai, lan, cúc, trúc. Dân miệt vườn ở hai phường Hiệp Bình của quận Thủ Đức đang chuẩn bị cho mai Tết đấy!
Cây bông mai được
chăm sóc hàng ngày, có nhân viên lưng đeo bình xịt thỉnh thoảng tưới nước giữ vẻ tươi tốt cho cây. Đến độ một, hai ngày trước Tết, khi những nụ hoa bắt đầu tách vỏ xanh
bên ngoài để hé cánh hoa màu vàng bên trong, dân nhà nghề thường gọi là mai “le lưỡi”, thì bớt tưới vì sợ hoa nở bung trước ngày mùng một.
Trong đám mai vàng cũng có chen
lẫn một ít mai trắng (bạch mai), giá thường đắt hơn vì hiếm. Những chậu mai nhỏ người ta mua về chưng trong 3 ngày Tết xong, có tiếc lắm cũng chỉ đến
ngày “hạ nêu”(1) là đem vứt bỏ xe rác.
Nhưng những chậu mai trong chậu kiểng lớn giá lên tới hàng chục triệu đồng, thì lại có dịch vụ “dưỡng mai”, nghĩa là quanh
năm đem gởi tại nhà vườn có người chăm sóc, đến trước Tết độ năm ba ngày thì chở về nhà chủ. Chỉ những cây cao từ thước rưỡi trở lên nhà vườn mới nhận để khỏi bõ công chăm sóc.
Hoa mai nguyên thủy chỉ có năm cánh, nhưng những lúc sau này các nghệ nhân đã tìm được cách ghép cành cho ra những hoa có 9, 10 cánh, có khi lên đến 12 cánh và nở thành
chùm trông rất đẹp. Lại cũng có nơi ghép được hoa hai màu; trên cùng một cây có mai vàng lẫn mai trắng. Và thường thì loại mai này giá đắt hơn mai đơn thuần nhiều.
Cứ đến mấy ngày trước Tết, cư dân các quận trung tâm đô thành thường đổ xô về hướng Thủ Đức, trên con đường cặp theo đường sắt ở phường Hiệp Bình Chánh để tìm mua mai.
Việc chuyên chở món hàng về nhà thì cũng không có gì khó khăn mấy. Chỉ cần để chậu mai trên yên sau xe gắn máy, buộc sợi dây thun qua chậu là có thể thong dong chạy về,
một hai bông hoa mới nở theo ý của nhà vườn để chào khách cũng không đến nỗi phải rụng cánh dọc đường, còn những chùm nụ thì chắc chắn không hề gì. Cho nên, trên dòng xe
lưu thông từ hướng Bình Triệu về Sài Gòn trong những ngày nói trên, cây bông mai là hình ảnh rộn rịp nhất của cái không khí Tết. Và thỉnh thoảng người ta cũng thấy những
xe tải nhỏ chở những chậu mai to tướng, có cây cao đến hơn hai thước.
Điểm đến của những món hàng đắt tiền này là đâu? Chắc chắn là những khách sạn 3, 4 sao gì đó, hoặc
những cửa hàng lớn ở những khu phố sang trọng, mà cũng nhiều khi xe chui vào cổng những biệt thự sang trọng của những… đại gia. Khi đi chọn mua mai, họ đến nhà vườn bằng
xe hơi đắt tiền, ngã giá xong là móc túi lấy “dế”(2) ra gọi về nhà lên chở về. Xe lam, ba bánh vào những ngày này cũng đắt hàng, không vào được những đường cấm,
thì cứ việc chở đến một công viên nào đó. Thế là đã biến thành chợ hoa trong những ngày Tết. Tại khu nhà vườn, những chậu mai lớn trong chậu thì không bao giờ sợ “bể bờ bao”
như loại mai nhỏ trồng trên đất.
Cùng họ với cây mai Tết, cũng có loại mai “tứ quý” ba tháng nở một lần nhưng bông hoa nhỏ không được đẹp, lá màu xanh sẫm hơn, chỉ để trồng ngoài sân cho có hoa nở bốn mùa,
chứ không chưng trong nhà như mai Tết.
Truyền thuyết cho rằng, vào thời Trần nước ta, khi vua Trần Nhân Tôn (1279-1293) gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân,
vị vua Chàm này rất mực yêu quý Công chúa nên ngoài việc phong ngay cho làm Hoàng hậu với mỹ từ PARAMECVARI, còn cho chọn một ngọn đồi trồng toàn các loại mai làm vườn
thượng uyển cho Công chúa thưởng ngoạn.
Hoa mai cũng từng có 3 loại: hoàng mai, bạch mai và hồng mai, nhưng về sau nạn phá rừng để lấy gỗ đã làm cho hoa mai màu hồng vốn
rất hiếm đã bị tuyệt chủng, về sau chỉ còn thấy lác đác ở vùng Ninh Thuận (Phan Rang) nhưng nay thì không còn thấy đâu nữa.
Ngày nay với công nghệ tiên tiến và cũng để chiều
theo thị hiếu của nhiều người ưa chuộng loài hoa tuy hữu sắc nhưng vô hương ấy - quý ở chỗ chỉ trổ bông vào đúng dịp Tết Nguyên Đán cho dù gặp năm nhuần thời gian kéo dài
thêm một tháng, cũng không bao giờ trổ sai lệch - cây mai nhựa đã ra đời với bông hoa, màu sắc sắc sảo có thể còn bắt mắt hơn hoa thiên nhiên. Nhưng vào những ngày đầu năm,
nhìn thấy những cánh hoa rơi rụng quanh chậu trên mặt đất, tâm hồn con người trở nên thi vị hơn, dễ gây cảm xúc cho “kiếp hoa sớm nở tối tàn”. Còn đối với mai nhựa, để
chỗ nào cũng thấy chung quanh chậu chỉ có nền gạch men láng bóng, trông có vẻ hơi… vô duyên.
Hoa mai cũng từng được vinh danh ở nước ngoài trong những dịp bang giao.
Trạng Quỳnh(3), vào thời Lê Mạt ở nước ta, có lần được cử đi sứ Trung Quốc.
Khi đến xứ người, trong một buổi tiếp tân, trạng thấy có bức tranh vẽ con chim se
sẻ đậu trên một cành mai.
Nét vẽ thần tình quá khiến trạng ta ngỡ là chim thật nên chạy đến vồ, làm rách bức tranh. Sứ thần các nước cười lên hô hố. Nhưng Trạng nước Nam vốn nổi tiếng ứng biến rất
nhanh nhẹn, thông minh nên nói rằng: mai là loại hoa tượng trưng cho người quân tử, còn chim sẻ là loại tiểu nhân, sao để tiểu nhân trên người quân tử, thật không hợp lý với
đạo thánh hiền nên phải xé bỏ. Đại diện nước chủ nhà đành phải chịu thua.
Trong các loại hoa chưng trong nhà ngày Tết, vạn thọ, thược dược, cúc mâm xôi chỉ được khiêm tốn nép
mình bên cánh cửa ra vào, nhưng cây mai luôn được trân trọng để giữa phòng khách, chí ít cũng là một cành cắm vào bình để giữa bàn, chủ nhà không quên bỏ vào bình một vài viên
aspirine để cho hoa lâu tàn.
Ngày Tết đi từ Trung vào Nam đâu đâu cũng thấy chưng mai mua từ các nơi đem về. Có nhiều nhà, kể cả các biệt thự kiểu cổ sang trọng, giữa sân có
trồng cây mai từ đời cha ông để lại. Chỉ trừ miền Bắc vì tiết trời lạnh không trồng được mai, nhưng đổi lại, có hoa đào màu hồng cũng trổ bông vào dịp Tết. Và như thể có cuộc
giao lưu hoa kiểng, nên những ngày trước Tết, trên những chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội và ngược lại, người ta thấy không ít những bó hoa tươi thắm màu vàng đổ xuống sân bay Nội Bài,
và tại Tân Sơn Nhất, bà con bước ra phòng kính có bó hoa màu hồng trên tay.
Hoa mai với vị thế độc tôn đối với những loài hoa khác trong ngày Tết, đã trở thành cây bông
truyền thống của người Việt Nam những ngày đầu năm. -/.
(1) Tết cổ truyền Việt Nam bắt đầu từ 30 hoặc 29 tháng chạp dựng nêu và cho đến mùng 7 tháng giêng mới hạ nêu. Ca dao:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè
(2) Dế: tiếng lóng chỉ điện thoại di động
(3) Trạng Quỳnh tên Nguyễn Quỳnh, cũng gọi là Cống Quỳnh, người Thanh Hóa, danh sĩ thời Lê Mạt, có biệt tài xuất khẩu thành chương,
ứng đối lanh lẹ bặt thiệp, đi sứ Tàu đã làm cho sĩ phu Trung Hoa rất kính phục.
VVM.06.01.2025.
Cây bông mai được chăm sóc hàng ngày, có nhân viên lưng đeo bình xịt thỉnh thoảng tưới nước giữ vẻ tươi tốt cho cây. Đến độ một, hai ngày trước Tết, khi những nụ hoa bắt đầu tách vỏ xanh bên ngoài để hé cánh hoa màu vàng bên trong, dân nhà nghề thường gọi là mai “le lưỡi”, thì bớt tưới vì sợ hoa nở bung trước ngày mùng một.
(1) Tết cổ truyền Việt Nam bắt đầu từ 30 hoặc 29 tháng chạp dựng nêu và cho đến mùng 7 tháng giêng mới hạ nêu. Ca dao:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè
(2) Dế: tiếng lóng chỉ điện thoại di động
(3) Trạng Quỳnh tên Nguyễn Quỳnh, cũng gọi là Cống Quỳnh, người Thanh Hóa, danh sĩ thời Lê Mạt, có biệt tài xuất khẩu thành chương, ứng đối lanh lẹ bặt thiệp, đi sứ Tàu đã làm cho sĩ phu Trung Hoa rất kính phục.