Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ





B ạn đã từng ngăn cản ai làm một việc gì chưa?

Bạn có cho rằng những việc đó là viễn vông?

Bạn cho rằng đó là việc hái sao trời?

Những chuyện viễn tưởng của Jules Verne bây giờ đã được thực hiện hết rồi đó.

Hãy đọc câu chuyện dưới đây bạn nhé:

Có một cậu bé sống cùng với cha của mình, một người làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc, người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không được ổn định lắm. Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé về viết một bài luận văn với đề tài “Lớn lên em muốn làm nghề gì?”.

Đêm đó, cậu bé đã viết bảy trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trang trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 200 mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt làm đường chạy cho ngựa.

Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo.

Vài ngày sau, cậu bé nhận lại bài làm của mình với một điểm 1 to tướng và một dòng bút phê đỏ chói của thầy “Đến gặp tôi sau giờ học”.

Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:

- Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm 1?

Thầy trả lời:

- Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền, lại xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không được một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa chữa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chưa?

Hôm đó, cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến. Cha cậu trả lời:

- Con yêu, chính con phải quyết định vì cha nghĩ đây là ước mơ của con.

Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:

- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của mình.

Nhiều năm trôi qua, vị thầy giáo đó đã tình cờ dẫn 30 học trò của mình đến một trang trại rộng 200 mẫu để cắm trại. Thật tình cờ, hai thầy trò đã gặp nhau. Cầm tay, thầy nói:

- Này, khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác, tôi rất ân hận về điều đó.

Nghe thầy nói thế, cậu bé nay đã là ông chủ vội đáp:

- Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình.

Cậu bé trong truyện trên cho dù sinh ra và sống trong một gia đình nghèo, không có chỗ ở cố định, cha là người làm thuê này đây mai đó. Kế hoạch của cậu xem ra thật là chuyện không tưởng. Thầy giáo chỉ muốn những gì tốt đẹp khi muốn cậu đưa ra 1 kế hoạch có thể thực hiện được chứ đừng để những ước mơ chỉ là mơ ước. Nhưng với ý chí quyết tâm cậu đã vượt qua nhiều gian khó để có thể biến ước mơ thành hiện thực.

Nhưng có ai đánh thuế ước mơ cơ chứ. Bất quá khi nói ra họ chỉ “cười hở mười cái răng” dăm ba phút. Tôi chợt nhớ câu nói của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thái Học trong “Lời khuyên học trò”: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Cậu bé đã vượt qua nhiều gian khó để có ngày hôm nay. Nhớ lại ngày nào khi học ở nhà trẻ, mẫu giáo chúng ta đều mong lớn lên làm cô giáo vì lúc bấy giờ cô giáo là thần tượng của mình. Nhưng khi lớn lên chứng kiến nghề giáo nghèo, bươn chải dạy thêm… lúc được hỏi lại các cánh tay dần dần chuyển sang ngành nghề khác chẳng cần phải ngăn cản nào là nghèo, nào là khó lập gia đình…

Trong Bộ sách Rich Dad’s (Dạy con làm giàu - 13 cuốn) có kể lại câu chuyện:

Có một anh chàng thắc mắc tại sao cha ruột học vị Thạc sĩ làm Hiệu trưởng lại nghèo trong khi cha nuôi học vấn chỉ lớp 8 lại giàu quá xá.

Cha nuôi từ tốn chỉ vào một gian hàng trong siêu thị:

“Con thích các món đồ đó phải không? Nhưng nếu con đặt vấn đề thì cha con sẽ nói sao? Món đồ này mắc tiền lắm, hay là con chưa đến tuổi chơi… nhiều lý do lắm lắm. Đơn giản là vì lương cha con không có nhiều để chi tiêu những món đó. Còn ta, ta sẽ khuyên con lên kế hoạch dành dụm mọi thứ để mua nó”.

Như vậy thay vì loại bỏ ước muốn của cậu thì người cha giàu đã khuyến khích chàng thiếu niên nọ và gợi ý cho cậu làm cách nào để đạt mục đích của mình.

Năm 1973, tôi có học thêm Toán để thi tú tài. Những năm đó thi đậu là vinh dự của bản thân và cho cả gia đình. Ở thời điểm đó phần lớn là rớt chẳng đậu nhiều như bây giờ đâu. Mà rớt thì đi lính ra chiến trường dễ chết lắm (ai không sợ chết?). Còn đậu thì vào trường sĩ quan ngon lành hơn. Bấy giờ tôi gặp được Gs. Cù An Hưng. Vừa vào lớp thầy phán ngay một câu: “Ai vào đây chỉ mong đậu tú tài thì đi về. Tôi không dạy đậu tú tài. Tôi dạy cho các anh đậu đại học”. À thì ra thầy hướng chúng tôi lên tầm cao hơn: “Đậu tú tài mà không đậu đại học thì cũng vô ích”.

Có lẽ quan niệm lúc ấy và bây giờ cũng như nhau. Nhiều người bây giờ có quan niệm ngược lại: Học cao, học nhiều đi xin việc làm cũng khó và họ cho con họ bỏ học - thực ra con họ có học hành giỏi giang chi, cứ 2 năm 1 lớp riết rồi ở nhà - gặp những người chăm con cho đi học trường nọ trường kia rồi ganh ghét. Những người đó thuộc họ “bùi lan” (bàn lui). Kệ họ dẫu sao người có học vẫn hơn. Những người này thuộc loại đánh cắp ước mơ vì ganh ghét hãy tránh xa những người này.

Bạn có những ước mơ gì?

Cho con du học Mỹ.

Sau 20 năm làm việc có tiền mua căn nhà 3 tấm mặt tiền.

Du lịch khắp thế giới cùng gia đình mỗi năm một nước.

Sum họp cùng ông bà cha mẹ, anh chị em mỗi sinh nhật của các thành viên tại nhà hàng khác nhau.

Cứ thử ghi ra 1 tờ giấy. Thật là thú vị khi 10 năm hay 20 năm sau mở ra cho con cháu xem. Như đã nói ở trên chẳng ai đánh thuế bạn cả.

Tóm lại: Hãy cứ ước mơ và nhất là đừng vùi dập những ước mơ của con trẻ. Hãy lắng nghe và gợi ý để chúng có thể từng bước biến những ước mơ đó thành hiện thực bạn nhé.  -/.




VVM.06.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .