T rường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau dày hơn 2000 trang là tác phẩm dài hơi nhất của Doãn Quốc Sỹ. Ký giả Lê Văn của Đài BBC đã ca ngợi tác phẩm này như tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình của Việt Nam, kín đáo ca ngợi Doãn Quốc Sỹ của Việt Nam như Lev Nikolayevich Tolstoy của Nga là những Văn Hào của Thế giới.Một ngòi bút sắc xảo tinh tế nhưng rất lãng mạn đôn hậuđã truyền đạt một thông điệp sống động về Nhân Bản chống lại Vô Thần. Và đó chính là chất chiến đấu kiên trì đối kháng với bạo ngược, gian trá.
Truyện ngắn đầu tiên tôi được đọc của Doãn Quốc Sỹ là Cánh Tay Nối Dài. Lúc đó năm 1967, tôi mới 17 tuổi, đang học lớp Đệ Nhị trường Nguyễn Bá Tòng , Saigon.
Trong lớp có một người bạn chơi chung là Vũ. Vũ ở đường Vườn Chuối, khi tới nhà Vũ để rủ Vũ đi chơi, cả nhóm bạn đứa nào cũng sợ phải gặp mặt ông cụ thân phụ của Vũ. Không phải tại cụ khó mà bởi vì cụ hay gọi cả nhóm vào trò chuyện, trong đó khuyên nhủ, dạy dỗ...Cả bọn đẩy đưa, cuối cùng, tôi là đứa bị đẩy ra làm đại diện vào nhà xin phép cho Vũ, trong lúc cả bọn đứng chờ ngoài đầu hẻm. Tôi bị đẩy ra làm công việc này, vì trong nhóm bạn, tôi lọt vào mắt xanh của cụ, Cụ rất quý tôi và thường dễ dãi chấp thuận lời xin của tôi để Vũ đi chơi.
Lần đó, khi tới, Vũ không có nhà, tôi vừa định chào ra về, thì cụ gọi lại bảo vào chơi uống nước. Cụ lấy một cuốn sách đưa tôi và nói, Đất nước sau này có tiến bộ hay không là nhờ vào lớp trẻ sau này lớn lên có tiếp nối được khao khát của cha ông hay không. Cuốn này hay mà bác mới đọc được và rất tâm đắc với tác phẩm, cùng với kính trọng tác giả, Bác cho cháu mượn xem, tuần sau đến đây trả lời với bác cháu đọc được gì nhé.
Tôi nhận cuốn sách Cánh Tay Nối Dài của Doãn Quốc Sỹ mà lòng run vì sợ. Đề một bài đã ra và tuần sau phải trả bài. Thật không ngờ, đó lại là một cơ hội tuyệt vời cho tôi bắt đầu một niềm vui mới là tìm thấy trong dòng chữ viết đã mở ra biết bao chân trời, biết bao ước mơ và biết bao giải đáp cho cuộc đời sau này.
Khi đó, tôi không biết tác giả đang là một Giáo Sư dạy Đại Học, không biết tác giả là một Nhà Văn nổi tiếng từ lúc tôi chưa sinh ra, lại càng không biết gì về Tạp Chí Sáng Tạo đã từng một thời lẫy lừng nay đã đình bản.
Cánh Tay Nối Dài là chuyện kể về một thanh niên tên Tiến, nhà ở một vùng quê, khi còn là học sinh trung học nỗi khao khát thèm muốn được trở thành một Sinh Viên, được sống trong một Đại Học Xá. Ước mơ tưởng rất gần những bỗng ngàn dặm vì hoàn cảnh gia đình phải về quê lập gia đình từ rất sớm. Khi chia đôi đất nước, Tiến vào Nam đã có một gia đình ấm êm, đi dạy học nhiều nơi dù chưa đạt được bằng tú tài và chưa đạt được giấc mộng trở thành sinh viên và sống trong môi trường Đại Học Xá, niềm khao khát đóchưa bao giờ nguôi ngoai. Cho đến khi đứa con trai đầu lòng tốt nghiệp trung học, xin được một căn phòng trong khu đại học xá Minh Mạng, Tiến dẫn bạn nay đã là hai ông già, đến thăm con, lặng lẽ đứng bên ngoài nhìn vào phòng người con trai đang chăm chú học bài dưới ngọn đèn neon trong căn phòng cư xá :“ Tiến ngồi bên tôi im lặng không nói gì, tôi đưa mắt ngắm nhìn khuôn mặt anh thỏa mái trong ánh sáng mờ mờ, con anh quả đã là cánh tay nối dài của anh để hái một trái mộng. Mộng Sinh Viên”
Ý nghĩa câu chuyện đó ám ảnh tôi cho tới bây giờ, và tôi nghĩ chắc rằng ám ảnh nhiều người nữa khi đã đọc truyện đó, bằng chứng là chữ Cánh Tay Nối Dài ngày nay đã trở thành một thành ngữ quen thuộc cho rất nhiều mô tả một mong ước của cha anh hướng về thế hệ nối tiếp của mình.
Năm 1968 mở đầu bằng trận chiến tết Mậu Thân. Lằn ranh Quốc Cộng đã chạm vào thành phố, hay nói đúng hơn là chạm vào lứa tuổi mới lớn của chúng tôi. Ngơ ngác với cuộc đời, lúng túng và lạc lõng khi gặp gỡ trò chuyện với những người thiên tả nói về chính trị, không biết gì về một chủ nghĩa lạ lẫm và một đời sống bên kia bức màn sắt. Những kích thích đó đưa tôi vào sách vở và tìm đọc nhiều hơn những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ.
Với những truyện ngắn như “Chiếc chiếu hoa cạp điều”, hay “Gìn Vàng Giữ Ngọc”, chân dung những con người nhân hậu chí tình đã khiến cho độc giả cảm thấy cuộc đời không phải chỉ toàn người xấu. Trái lại người tốt rất nhiều và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khốn cùng đến đâu, cái chất nhân bản vẫn rõ nét. Quả thật, văn chương của ông bình dị không lên mặt dậy đời mà lại có sức thuyết phục.
Khi bước vào quân ngũ, tôi đã đã có dịp may được đọc trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau.
Nguyễn Mạnh Trinh đã có những tóm lược như sau : “Trường thiên “ Khu Rừng Lau” vẽ lại cả một thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Việt Nam. Đời sống của một lớp thanh niên tiểu tư sản được dựng lại trong cái phong cảnh hoành tráng của một đất nước không may trở thành nơi chốn đọ sức của những ý thức hệ quốc tế. Những nhân vật như Miên, Kha , Tân, Hiển , Hãng , Lăng, Khiết… từ lúc trưởng thành, tham gia kháng chiến chống Pháp ,rồi trải qua những ngày cải cách ruộng đất, trở về thành rồi di cư vào Nam , tất cả những quặn mình của cả một thế hệ được nhà văn tạo thành tiêu biểu. Tuổi tác họ chênh lệch nhau nhưng cùng có chung một mẫu số yêu đất nước như yêu tự do và cùng mong ước cho một ngày đất nước hùng cường .Hình như , họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến , thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công.
Dòng đời trôi, qua bao năm tháng, chiến tranh lại tiếp chiến tranh, hết độc tài Cộng sản đến độc tài gia đình trị, thế nước nghiêng ngửa như những cuộc đời ngả nghiêng theo. Bộ trường thiên này có lẽ là một phác họa lịch sử hoành tráng và tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam…”
Không lập lại những nhận định đã có của Nguyễn mạnh Trinh vì quá chính xác, cái mà tôi nhận được từ trường thiên này là một cái tâm đắc khác, đó là cách dựng truyện và hành văn của Doãn Quân.
1/ Cách dựng truyện.
Các nhân vật của Khu Rừng lau là lứa tuổi sinh vào thập niên 1913-1926 của thế kỷ trước. Là lứa tuổi cùng thời với tác giả. Tình hình đất nước đã giao cho thế hệ này sự chọn lựa đúng sai, chính tà thật khắc nghiệt. Khi biến động rộng lớn từ 1945 giữa Pháp, Nhật, các đảng phái quốc gia, Việt Minh (lúc đó chưa ra mặt Cộng Sản, mà dương danh là tập họp các đảng phái chính trị, các tổ chức quần chúng chung tay chống Pháp) lớp thanh niên mới lớn rung động từ lòng yêu nước dễ bị cuốn hút vào kháng chiến. Kháng chiến như ánh mặt trời mà trăm hoa hướng về. Nhân vật lớn tuổi nhất là Khiết và Khóa sinh năm 1913 thì ngoài 30 tuổi, nhỏ nhất là Miên sinh năm 1926 thì mới vừa 19 tuổi.
Những con người có học thức, sống ở thành thị, yêu nước với tất cả nhiệt huyết của trái tim thanh niên đã thoát ly gia đình lên đường chiến đấu chống ngoại xâmvới khao khát độc lập, và tự do như những lời cổ vũ.
Doãn Quốc Sỹ đã tâm sự :
“Khu Rừng Lau tôi cũng viết bằng cả cái kinh nghiệm bản thân của tôi, có nhân vật từ thuở gia nhập chống Pháp. Thời đó chống Pháp là tất cả các thanh niên và chính bản thân tôi ở trong Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc để mà chống Pháp. Rồi thì chính tôi, bản thân tôi đã từng họp dân chúng biểu tình để đi phá kho thóc của Nhật để phân phát gạo cho người dân vào cái thời đó.
Với cái việc của bản thân như vậy thì tôi dựng lại thành cái bộ truyện trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau đó. Và cái bối cảnh cùng những tình tiết thì đều là lẽ cố nhiên là viết dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng mà kinh nghiệm là do kinh nghiệm bản thân của tôi với những điều mắt thấy tai nghe, và rồi thì là để vào viết thành cuốn tiểu thuyết như vậy” (RFA, 23/6/2008).
Trải qua rất nhiều tình huống khi sống trong chiến khu, lăn lộn qua nhiều chiến trường,những người thanh niên yêu nước, có học và cao vọng đó đã dần dần hiểu được mặt trái của lời tuyên truyền, Họ đấu tranh với chính bản thân bằng những lý lẽ nhân bản để rồi quyết định rời bỏ kháng chiến về thành, không phải vì khó khăn hay sợ hãi mà vì thất vọng với những điều mắt thấy tai nghe. Để tiếp tục đi tìm tiếp một nguồn sống khác, chân lý khác cho cuộc sống. Những lập luận đó đã thuyết phục tôi suốt một thời thanh niên mới lớn, khi tôi bằng tuổi với các nhân vật trong truyện ở thời điểm đó.
2/ Hành Văn.
Trong một bài viết, Nguyễn Mộng Giác đã ghi nhận:
Doãn Quốc Sỹ vẫn viết với giọng điềm tĩnh đôn hậu cố hữu. Ông không "nổ" như Nguyễn Mạnh Côn, không "độc" như Võ Phiến. Người Cộng sản ông từng biết thời thanh niên của ông, qua lời ông viết, là những nạn nhân của một chủ thuyết ngoại lai, không phải là tác nhân. Và đó là chủ đề những truyện ngắn chống Cộng Doãn Quốc Sỹ viết thời kỳ sau hiệp định Genève.
Chính xác là trường thiên Khu Rừng Lau, ở bất tranh luận hay bất cứ sự kiện nào của truyện, chúng ta được thuyết phục bằng những văn phong qua chính những tính cách của các nhân vật. Chất chiến đấu chính là sự kiên trì với chính bản thân đi tìm chân lý bằng những lời đôn hậu. Rất gần gũi và rất thuyết phục.
Mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau để người đọc nhìn rất nhiều sự kiện xẩy ra. Đầu tiên là Miên, người trẻ nhất trong các nhân vật, rồi các nhân vật khác đều gặp những sự thật khác đầy gian trá, bất nhân, lừa phỉnh và khống chế, rồi sau tự vấn với lương tâm đã lần lượt rời bỏ kháng chiến, .
Mai Kim Ngọc đã tóm lược: Họ gặp nhau lại tại Hà Nội, trong ánh sáng quốc gia, dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ của cựu hoàng.
Qua đôi mắt quan sát của Doãn Quốc Sỹ, qua màng lọc tâm hồn ông, Con Người được viết hoa. Ông dành chỗ rộng trong tiểu thuyết cho những người trung thực đôn hậu. Ông yêu âm nhạc, ghét những tiếng ồn, và những nhân vật ông thân yêu nếu không mê ca dao thì cũng mê thích một loại nhạc khí cổ điển nào đó, hoặc vỹ cầm, hoặc dương cầm.
Văn phong truyền cảm xúc của Doãn Quốc Sỹ thực sự thuyết phục người đọc hiểu được tại sao, và làm như thế nào của những chàng trai thời loạn đó đã chọn con đường dấn thân vào kháng chiến rồi đưa đến dứt khoát rời bỏ để về thành. Giống như trường hợp Phạm Duy viết “Bên Cầu Biên Giới” trước khi rời kháng chiến về thành.
Nguyễn Mộng Giác nhận định: Trong các nhà văn lớp trước, tôi cho rằng Doãn Quốc Sỹ và Võ Hồng là hai cây bút có văn phong lãng mạn và một tâm hồn đôn hậu rất Việt Nam, cái chất Việt Nam nhân ái hiếu hòa, cần cù lương thiện, hớn hở vui mừng khi gặp người đồng điệu, mà cũng dứt khoát phẫn nộ nói ra thành lời khi gặp chuyện bất bằng, cái chất Việt Nam chưa bị những lý thuyết ngoại nhập làm cho thui chột để trở thành tàn nhẫn, độc địa, lai căng, lưu manh, lố bịch.
Toàn bộ trường thiên Khu Rừng Lau và kể cả các tác phẩm khác của Doãn Quốc Sỹ đều được xây dựng trên các nhân vật có phẩm chất lương thiện, cao quý và tư cách được điễn tả trong các lời văn đôn hậu trong sáng mà luôn toát ra được chất kiên định chiến đấu cho Lẽ Phải.
Bài viết này thực hiện nhân dịp mừng Trăm Tuổi của một đại thụ văn học, Người viết thuộc hàng con cháu của Cụ, Và nhất là bài này viêt sau hàng loạt những nhận định giá trị khác đã từng phổ biến, cho nên xử dụng các tư liệu chuẩn mực mà người khác đã viết chính là sự bày tỏ lòng đồng tình với các nhận định đó.
Cuộc đời của Doãn Quốc Sỹ gắn liền với hai thiên chức là viết văn và dạy học, Cụ có một đời sống đạo đức và mẫu mực. Văn của Doãn Quốc Sỹ là văn phong điềm đạm, thong dong và giáo dục đời sau. Bằng những lời đôn hậu đã chuyên chở cả một tính chiến đấu kiên cường bền bỉ cho một chân lý ngàn đời, hướng tới sự thật, sự thiện lành và tốt đẹp. Văn của Doãn Quốc Sỹ đương nhiên là kẻ thù của sự dối trá, ác độc và xấu sa. Và sau chót, cuộc đời trăm năm đã qua của Cụ đã là tấm gương của người thực hiện chức năng Nhà Giáo và Nhà Văn với tất cả ý nghĩa tốt đẹp nhất của hai từ này.Cụ đã phải trải qua nhiều lần tù tổng cộng tới 14 năm với tội danh “Viết văn chống phá cách mạng” , chính Thái độ sống, và Ngôn Ngữ đôn hậu đó là đối nghịch lớn nhất không thể nói ra của chính quyền trong nước.
Xin kết bài này bằng một câu nhận định của Võ Phiến về Văn Doãn Quốc Sỹ “ Đọc sách của ông thơm tho cả tâm hồn.”-./.