Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


danh họa Nam Sơn

Danh Hoạ Nam Sơn 
Công Lớn Xây Nền Mỹ Thuật Việt Nam Hiện Đại


T háng 7-2011. Bút ký “Phục sinh bức tranh tường lớn của Victor Tardieu” của tôi đăng trên website newvietart.com bất ngờ tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia, kỹ sư Nguyễn An Kiều, con trai thứ của danh hoạ Nam Sơn, mời tôi về dự lễ kỵ nhật thứ 372 Chánh sứ Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.

Nguyễn An Kiều là hậu duệ đời thứ 11 của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (hy sinh khi đi sứ nhà Minh). An Kiều luôn về Thanh Lãng- huyện Bình Xuyên- Vĩnh Phúc cùng họ tộc cúng giỗ, hương khói, giữ gìn ngôi đền thờ Cha & Con Thái tể Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Duy Hiểu.

Tôi ngỡ ngàng. Hình như anh linh Victor Tardieu (1870- 1937) trở về Hà Nội, nhớ hoạ sĩ tài danh Nam Sơn, người bạn vong niên, đã cùng mình đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925- 1945) và dạy nhiều hoạ sĩ Việt Nam thành tài.

Victor Tardieu đã linh ứng cho tôi gặp con, cháu, danh hoạ Nam Sơn để hiểu tình nghệ sĩ cao cả giữa hai người bạn Việt- Pháp và sự giao thoa nghệ thuật Đông- Tây, đã sáng tạo lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Sách “Lựơc sử Mỹ Thuật Việt Nam” (NXB Từ điển Bách Khoa- 2009) ghi: “Hoạ sĩ Nam Sơn có công lớn trong nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại”.

I. Tình nghệ sĩ lớn- Nam Sơn và Victor Tardieu:

Victor Tardieu đến Việt Nam vào lúc tài năng đang nở rộ. Ông giành được hàng loạt giải thưởng cho những tác phẩm hội họa và những công trình trang trí nghệ thuật tại một số nhà thờ và tòa thị chính ở Paris.

Ông sang Hà Nội nhận giải thưởng Đông Dương và đã quyết định không trở về Pháp vì yêu màu nắng, màu mưa, màu chùa, màu phố Hà Thành và người bạn Nam Sơn kém ông hai mươi tuổi.

Như một định mệnh. Năm 1923. Victor Tardieu gặp hoạ sĩ trẻ Nam Sơn ở phố Hàng Bè và mến yêu tài năng hội hoạ cùng tư chất Tràng An hào hoa thanh lịch của chàng.

Với vốn Quốc Ngữ, tiếng Pháp thông thạo và bức tranh sơn dầu Chân dung nhà Nho (1923) Nam Sơn thu phục V.Tardieu, đậm tình nghệ sĩ.

Tranh vẽ chân dung cụ cử Nguyễn Sĩ Đức thầy của Nam Sơn, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, gương mặt cương nghị, sắc nét, thẳng ngay, trán cao, đôi mắt sáng ẩn chứa sức mạnh suy tư và nỗi đau thầm lặng. Cụ chít khăn trắng, để tang nước mất và Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp đóng cửa, đàn áp dã man (1907). “Chân dung nhà Nho” được Nhất Linh in bìa cuốn sách “Nho Phong” của mình.

Mật thám đánh hơi thấy “Chân dung nhà Nho” ca ngợi Sĩ phu Bắc Hà bất khuất và Đông Kinh Nghĩa Thục, Nam Sơn đưa bức tranh lên bàn thờ gia tiên cất giấu. Năm 2000 “Chân dung nhà Nho” mới được gia đình hoạ sĩ Nam Sơn công bố rộng rãi. V.Tardieu ngạc nhiên trước Chân dung nhà Nho phục tài vẽ tranh sơn dầu như người châu Âu, của người Annam.

Nam Sơn giúp V. Tardieu khám phá mỹ thuật cổ đại Văn Lang- Âu Lạc với nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ của người Việt cổ.

Những dấu tích trang trí mỹ thuật đồ hoạ trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Hoàng Hạ, quang cảnh vũ hội, người múa, đánh trống, giã gạo, thổi kèn, chim, hươu nai, các chiến binh, thuyền chiến, võ sĩ... Những pho tượng cặp đôi nam nữ cõng nhau thổi kèn, cảnh tế lễ nông ngư, sông nước... Những khung cảnh kiến trúc Lý- Trần- Lê- Nguyễn quanh Hà Thành hài hoà phong cảnh thiên nhiên, nghệ thuật phong thuỷ, tranh vẽ trên tường của kiến trúc chùa, tháp, cung điện, trên lụa, trên gỗ, đậm chất Á Đông… Những tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… Tranh chân dung tả chân những cá tính, thần thái từ triều Trần mà vua Trần Nhân Tông giỏi vẽ các quan đại thần trung hiếu của mình… Những pho tượng Phật bằng gỗ phảng phất gương mặt người Việt hiền hoà, chân chất…

Nam Sơn khai mở cho người bạn “Tây” cái nhìn về kho tàng mỹ thuật dân tộc, truyền thống, thuần Việt, làm cho V. Tardieu say đắm, không thể xa Hà Thành.

Mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XIX đã tiếp cận phương Tây. Từ điển Bách Khoa Việt Nam viết: “Hoạ sĩ Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ (1890- 1973), người đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1925, quê huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời trẻ tự học vẽ, sau được hai cụ đồ dạy hoạ. Trong đó, cụ Phạm Như Bình sớm phát hiện tài năng và hướng dẫn Nam Sơn phát triển năng khiếu mỹ thuật. Cụ đã truyền cho Nam Sơn sách Giới tử viên hoạ truyền, Thập trúc trai, những tập sách bách khoa hội hoạ cổ điển Trung Quốc. Chính cụ đặt tên Nam Sơn và hướng dẫn ông hướng về nền văn hoá phương Tây.

Thầy Nguyễn Sĩ Đức dạy Nam Sơn Nho học và Mỹ thuật Á Đông. Từ năm 1928 đến 1923, Nam Sơn vẽ minh hoạ cho sách giáo khoa bằng chữ Quốc Ngữ thuộc Nha học chính Đông phương, vẽ minh hoạ cho báo Nam Phong và tạp chí Đông Dương”.

Theo nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, việc hiện đại hoá trí thức Việt Nam trải ra nhiều thế hệ.

Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… thạo chữ Hán và Quốc Ngữ.

Thế hệ thứ hai là những người sinh những năm 80, 90 thế kỷ XIX, ít viết chữ Hán hơn, viết chữ Quốc Ngữ và biết tiếng Pháp thành thạo như Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Tố, hoạ sĩ Nam Sơn… Họ đều chịu ảnh hưởng đạo lý Nho học, nhưng tiên phong mở đường tiếp cận văn hoá Đông Tây. Đổi mới đất nước, con người Việt Nam. Bay lên giữa đêm trường Nho giáo.

Nam Sơn gặp V. Tardieu, nâng tầm khát vọng lớn, giao thoa văn hoá Đông Tây ấp ủ trong hồn. Nam Sơn cùng hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương là trường Mỹ Thuật đầu tiên của cả Đông Nam Á.

Bản “Đề cương Mỹ thuật” viết tay trên giấy vở học sinh năm 1923 của Nam Sơn đã thuyết phục V. Tardieu xin thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

“Lập nên một trường Đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ thuật Đông phương có cá tính Việt Nam…”

Đề cương Mỹ thuật được Nam Sơn đặt ra chi tiết đào tạo của trường gồm bảy ban: Ban Hội hoạ, Ban kiến trúc, Ban điêu khắc, Ban sơn Việt Nam, Ban trang hoàng, Ban khắc, Ban bồi tranh lụa giấy.

Đọc Đề cương Mỹ thuật ( Báo Văn Nghệ- 31-3- 2001) ta xúc động bởi lòng thương nòi giống “máu đỏ, da vàng” của danh hoạ Nam Sơn, khi ông viết về Ban kiến trúc:

“Vẽ theo các đình chùa cổ, so sánh kích thước, tìm lấy lối nhà Việt Nam cho thích hợp với phong tục, tính tình, thuỷ- thổ của nước ta và hợp với sự vệ sinh của nòi giống Việt Nam, hợp với sự cần dùng của giầu, nghèo ở trong nước. Lấy khoa học mà giúp cho kiến trúc nước nhà được hay hơn, tiến hơn trước. Lo mở mang các thành phố, các làng, các công viên, phong cảnh thiên nhiên của đất nước, tạo nên những kiểu ngói, gạch lát, các kiểu những vật dung để xây nhà cho tiện lợi, mỹ thuật, chế ra những những kiểu đồ dùng trong nhà như giường, ghế, bàn tủ… cho được thuận tiện và có vẻ mỹ quan, bằng tre, gỗ, sành, sứ, dẫu rẻ tiền, hợp với tình thế người ít tiền cũng cần được đẹp đẽ, nói tóm lại làm cho người Việt từ nay về sau ở trong cũng như ở ngoài được mọi bề thuận tiện, ích lợi, ngoạn mục, để cho người bình dân cũng như các phú gia được hưởng cuộc đời êm đẹp, được sống trong vùng không khí vui tươi, đẹp đẽ, được gần thiên nhiên tạo vật hơn mà vẫn giữ được đủ vệ sinh như các nước Âu, Á”.

Nghiên cứu Đề cương Mỹ thuật, chúng ta thấy tư tưởng lớn của Nam Sơn xây dựng nền Mỹ thuật độc đáo Việt Nam mà ngày nay càng sáng giá trị. Không thể khác.

Tình bạn thân thiết giữa V.Tardieu và Nam Sơn, trong sự nỗ lực của Nam Sơn và ảnh hưởng uy tín tài năng Tardieu, vận động chính quyền Pháp, đã dẫn đến việc thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương ngày 27- 10- 1924, chính thức khai giảng 11- 1925, do V.Tardieu làm hiệu trưởng. Nam Sơn là người đồng sáng lập và giảng dạy.

Năm 1924- 1925. Tardieu và Nam Sơn cùng đi Paris tuyển mộ giảng viên, mua sắm học cụ cho trường. Thời gian ở Pháp, Nam Sơn tu nghiệp tại Trường Mỹ Thuật quốc gia Paris, học Hội hoạ ở xưởng hoạ của hoạ sĩ nổi tiếng Jean Pierr Laurens, Viện sĩ Hàn lâm Mỹ thuật Pháp (buổi sáng). Buổi chiều học với nhà trang trí kiệt xuất Felix Aubert tại Trường trang trí Quốc gia Paris. Buổi tối học điêu khắc dưới sự hướng dẫn của Seguin và Maire. Chủ nhật đọc sách ở thư viện (sáng), chiều thăm Bảo tàng ở Paris.

Tại Paris Nam Sơn trở thành thân hữu với hoạ sĩ Nhật Bản FouJita và hoạ sĩ Trung Quốc Từ Bi Hồng. Sau này hai ông đều là những danh hoạ nổi tiếng thế giới thế kỷ XX.

Xa Tổ quốc, Nam Sơn luôn thương nhớ quê nhà. Nguyễn An Kiều vừa gửi cho chúng tôi bài thơ Đường luật hoạ sĩ Nam Sơn hoạ thơ của một người bạn đang tu nghiệp ở Paris:

Trông vời Tổ quốc

Trông vời Tổ quốc cảnh quan san
Đi học theo thày, nết vẫn ngoan
Hội hoạ dám đâu quên sắc đỏ
Trang hoàng xin giữ vẹn màu “dôn” (*)
Giang san cố quốc ngày thêm đẹp
Nghệ thuật Nam bang khéo lại khôn
Mong nhớ tri âm bao xiết kể
Trời Tây thâm tạ, chúc vinh an.

Nam Sơn Paris 5- 1925

(*) Màu đỏ, màu vàng (Jaune)- máu đỏ da vàng Việt Nam.

Những ngày đầu tuyển sinh và khai giảng, đột ngột V. Tardieu bị ốm phải ở lại Pháp. Tháng 10- 1925, Nam Sơn cùng hoạ sĩ Inguimberty trở về Hà Nội- Việt Nam. Mọi việc do Nam Sơn vất vả lo toan để trường hoạt động.

Sách “ Những trường Mỹ thuật Đông Dương” do Toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội- 1937 ghi: “Việc dạy vẽ, minh hoạ và trang trí do một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam Sơn, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông Nam Sơn đã đạt được những thành quả đáng khen ngợi trong việc đào tạo giáo dục và đóng góp một phần quan trọng trong việc phục hưng nền Mỹ thuật truyền thống Annam, đồng thời đó cũng là chủ thuyết và hiến chương của toàn trường”.

Sách “Paris- Hanoi- Saigon, cuộc phiêu lưu của hội hoạ hiện đại Việt Nam” (NXB Những bảo tàng Paris xuất bản tại Paris 1998) xác nhận tình bạn kỳ diệu giữa Nam Sơn và V.Tardieu: “Qua những cuộc trao đổi giữa họ đã nảy ra ý kiến thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Trường được chính thức thành lập do một nghị định của Toàn quyền Merlin. Trường này nói cho đúng hơn là kết quả của tình bạn kỳ lạ giữa hai người Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn”.

Trong tác phẩm “Cuộc hành trình lãng mạn, Mỹ thuật Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” tiến sĩ nghệ thuật Trường Đại học Sorbonne người Pháp Corinne de Ménonville viết: “Lịch sử là một cuộc gặp gỡ, lịch sử các sự kiện không thể tách rời lịch sử cá nhân. Sự có mặt ở Hà Nội của hoạ sĩ Victor Tardieu và cuộc gặp gỡ với hoạ sĩ Nam Sơn là hai nhân tố quyết định tầm nhìn vừa chính trị, vừa văn hoá đưa đến việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương”.

II. Nam Sơn- Giáo sư đầu tiên của Mỹ thuật hiện đại Việt Nam bậc Đại học:

Nhật báo Pháp Tương lai Bắc kỳ ra ngày thư tư

26 tháng 10 năm 1927 xuất bản tại Paris loan tin: “Ông Nam Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư chuyên ngành trang trí các trường nghệ thuật Đông Dương. Ông Nam Sơn nhận chức ngày 1-10- 1927 và trực thuộc ông Giám đốc Nha học chính Đông phương”.

Giáo sư hoạ sĩ Nam Sơn giảng dạy từ khoá đầu tiên đến khoá cuối cùng ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (mười tám khoá, từ 1925- 1945). Phần thưởng lớn nhất Nam Sơn đạt được là đã tham gia đào tạo hơn một trăm hai mươi hoạ sĩ, nhà điêu khắc tài năng, niềm tự hào của Mỹ thuật Việt Nam, đúng như “Đề cương Mỹ thuật” của Nam Sơn.

Nhiều tên tuổi hoạ sĩ học trò của Nam Sơn kết thành một trường phái “Hội hoạ Hà Nội” độc đáo: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Đỗ Gia Trí, Lê Thị Lựu, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Trịnh Hữu Ngọc, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Hoàng Tích Chù, Phan Kế An…

Lớp hoạ sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đưa nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao của nghệ thuật hiện đại.

Nhiều tư liệu trong Thư viện Quốc gia Việt Nam và các thư viện ở Pháp đánh giá công lớn của giáo sư hoạ sĩ Nam Sơn. Khẳng định ông gắn bó như hình với bóng cùng V.Tardieu trong hoạt động đào tạo hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, bậc đại học, tầm nghệ sĩ, ở nhà trường mang tên Trường Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Hai người là kết quả đẹp đẽ của tình bạn giữa hai nước Việt- Pháp, không phải thực dân và thuộc địa, là kết tinh của hai dòng văn hoá Đông- Tây. Hai ông đưa lại cho xứ sở Việt Nam này một trường Mỹ thuật, để đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ đi lên theo con đường nghệ thuật mang tính bác học, kết hợp với sự phát triển tinh hoa của nghệ thuật truyền thống, giao hoà tinh hoa hai dòng thẩm mỹ Đông- Tây để xây nên nền Hội hoạ Việt Nam dân tộc, hiện đại, sánh vai với Mỹ thuật thế giới.

Nam Sơn thắp đuốc đi tìm người tài. Khoá đầu tiên tuyển từ 270 thí sinh Đông Dương, có mười người Việt Nam trúng tuyển hội hoạ, trong đó Nguyễn Xuân Phương và Lê Quang Tỉnh được chuyển sang học kiến trúc.

Cố hoạ sĩ thành danh Công Văn Trung (một trong mười người) suốt đời nhớ ơn thầy Nam Sơn đã kiên nhẫn một tuần lễ trong cuộc thi “một thầy một trò” với Công Văn Trung, vì ông gửi nhầm hồ sơ sang Pháp, bị muộn cuộc thi tuyển khoá đầu tiên. Cụ Trung nói: “Không có thầy Nam Sơn thì không có Công Văn Trung ngày nay”.

Năm 1937. Victor Tardieu vĩnh biệt xứ sở nắng vàng tại Hà Nội. Nhà điêu khắc Evariste Jonchére thay hiệu trưởng V.Tardieu, đã chia Trường Mỹ thuật Đông Dương thành hai trường riêng biệt:

- Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (có khoa kiến trúc)

- Trường Mỹ nghệ thực hành Hà Nội.

Cuối năm 1946. Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nam Sơn bị kẹt ở Hà Nội. Trong thời gian Hà Nội tạm chiếm, chính quyền bù nhìn đã nhiều lần chính thức mời Nam Sơn mở lại Trường Mỹ thuật và mời ông làm hiệu trưởng mới. Nam Sơn từ chối.

Victor Tardieu đã chết.

Không còn bạn nghệ sĩ đồng tư tưởng lớn.

Nam Sơn đi dạy vẽ ở một trường phổ thông trung học, chấp nhận cảnh gieo neo nặng gánh gia đình, nuôi tám con nên người. Ông nói với các con: “Nếu ra làm việc ấy, ắt khó tránh khỏi hoen ố ngòi bút, vì biết đâu, có lúc phải làm theo ý họ, làm điều sai, phản lại những anh em đi kháng chiến”.

Nam Sơn say mê vẽ cùng Hà Nội tạm chiếm. Ông chọn những gì mình thương yêu quí trọng để vẽ. Vẽ người lao động nghèo, nhà Nho, nhà sư, hành khất, vẽ mẹ, thầy, người dân phố, phong cảnh đất nước, vẽ đường phố Hà Thành mang phế tích chiến tranh 1947…

Cả cuộc đời, Nam Sơn đam mê và lặng lẽ vẽ với phong cách truyền thống Việt Nam, học Trung Hoa, Nhật Bản và giao thoa với châu Âu, tinh luyện tác phẩm hội hoạ đậm hồn Việt Nam đến giây phút cuối cùng của đời mình, để lại hơn bốn trăm tác phẩm, thuộc các thể loại, tham gia triển lãm hội hoạ quốc tế từ 1930, có tranh ở Bảo tàng Quốc gia Paris và các bộ sưu tập tại các nước, tác phẩm sơn dầu Chân dung mẹ tôi Huy chương bạc triển lãm Mỹ thuật quốc tế Paris 1932, Cò trắng và cá vàng (khắc gỗ bảy màu) bằng khen tại Rome 1932…

Nam Sơn là tác giả cuốn Hội hoạ Trung Hoa sách đầu tiên về Mỹ thuật xuất bản ở Việt Nam 1930 bằng tiếng Pháp.

Từ 1957- 1973 Nam Sơn là Uỷ viên chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tên tuổi hoạ sư Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ mãi mãi sáng chói, đi liền với lịch sử Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX.

Vậy mà, theo tác giả Nguyễn Văn Chiến: “Cuốn sách Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925- 1990 quên hẳn vai trò, chức danh, vị trí của Hoạ sư Nam Sơn” (Thăng Long Văn hiến- số 8- 2001).

Tại sao lại có chuyện như vậy?

Đạo đức truyền thống Việt Nam, học trò quên Thầy là bất Hiếu.

“Mồng một Tết Cha/ Mồng Ba Tết Thầy”.

III. Nam Sơn- Hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất, có tác phẩm được Nhà nước Pháp mua, đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Paris:

Tờ Trung Bắc Tân Văn (1930) đưa tin với hàng tít lớn: “Một bức hoạ của người Việt Nam được cái danh dự bày tại một viện Bảo tàng của nước Pháp là lần thứ nhất”.

Một tin khác: “Nét bút nhà danh hoạ Nam Sơn đã gây một mối dư luận trong Mỹ thuật giới nước Pháp.

Vừa rồi có tin Chánh phủ Pháp đã gửi mua một bức tranh vẽ của một nhà hoạ sĩ Annam. Ông Nam Sơn hiện làm giáo học ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Tuy còn trẻ tuổi mà nét bút đan thanh của ông ngay đến nhiều tay thầy vẽ người Pháp cũng phải công nhận là tài tình.

Trước đây ông có vẽ một bức tranh tả cái quang cảnh mua bán lúa gạo ở bờ sông Nhị Hà. Bức tranh đem chưng ở bên Pháp, ai xem cũng phải chịu rằng khéo. Vì vậy nên quan Tổng trưởng bộ Mỹ thuật nước Pháp đã gửi thư qua Hà Nội cho ông Nam Sơn để hỏi mua bức tranh ấy, vì Chánh phủ muốn đem bày vào trong một viện tàng cổ ở Paris”

Thế kỷ XXI. Năm 2002, tác giả Triều Dương viết “Một cùng với mười nghìn” về hiện tượng danh hoạ Nam Sơn “Nước Việt Nam chỉ duy nhất một người có tác phẩm Mỹ thuật được Nhà nước Cộng hoà Pháp lưu giữ và trưng bày trong hệ thống Bảo tàng Mỹ thuật nước Pháp”.

Để nhìn lại lịch sử mấy trăm năm cả các Bảo tàng Mỹ thuật Pháp, trang website của Bộ Văn hoá Pháp công bố một thống kê gồm 57 trang, ghi tên những nghệ sĩ trên thế giới có tác phẩm mỹ thuật được Nhà nước Cộng hoà Pháp mua để lưu giữ và trưng bày. Con số chính xác là 10. 140 nghệ sĩ với những tên tuổi lớn: Từ Léonard de Vinci, Raphael… đến Gauguin, V.Tardieu… trong số đó có hoạ Nam Sơn với tác phẩm mực nho Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng.

Từ năm 1673 đến 1930, các nghệ sĩ Pháp đã tổ chức 142 cuộc triển lãm mỹ thuật với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ trên thế giới.

Việt Nam lần đầu tiên tham gia triển lãm Mỹ thuật quốc tế đó vào ngày 30- 4- 1930, được tổ chức tại Paris trong cung điện lớn Chams- elysées với bức tranh duy nhất Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng của Nam Sơn. Tác phẩm đã được Chính phủ Pháp mua đưa vào Bảo tàng quốc gia.

Báo Tương lai Bắc kỳ tại Paris số ra ngày 18-7- 1930 viết: “Tác phẩm đã được thực hiện theo kỹ thuật các hoạ phẩm cổ xưa Trung Quốc… cho chúng ta thấy xứ Annam xưa kia đã có những hoạ sĩ lớn và vẫn tiếp tục truyền thống đó.”

Năm 1943. Hoạ sư Nam Sơn và hai học trò của ông là hoạ sĩ Lương Xuân Nhị và Nguyễn Văn Tỵ đã đưa các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, sơn mài, gốm Việt Nam sang Nhật Bản. Hoạ sĩ lừng danh Nhật Bản và thế giới FouJita đã trả lời phỏng vấn báo La Volonté Indochinoise: “Hội hoạ Việt Nam thật đặc sắc, không giống hội hoạ Tàu, cũng không giống hội hoạ Nhật và châu Âu. Hội hoạ Việt Nam thật đặc biệt Á Đông”.

Thế kỷ XXI. Tác giả Nguyễn Văn Chiến đã hùng hồn nói lên tiếng nói của giới Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, khẳng định vai trò, vị trí, công lao to lớn của hoạ sư Nam Sơn:

“Người đi đầu, tự mình đã xây dựng Đề cương Mỹ thuật Việt Nam. Người đề xướng và đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là người Thầy. Vị giáo sư đầu tiên của Mỹ thuật Việt Nam bậc đại học. Hoạ sĩ Nam Sơn, một nghệ sĩ tạo hình tài năng. Ngay từ giai đoạn đầu, ông đã có tác phẩm nổi trội, đi đầu của nhiều chất liệu thể loại, đi vào vinh quang bằng các triển lãm Mỹ thuật quốc tế. Tên tuổi ông, tác phẩm của ông đứng bình đẳng với các hoạ sĩ quốc tế tại Trung tâm hội hoạ thế giới tại Paris. Ông đã đi đầu về sơn dầu, lụa, mực nho, màu nước, bột màu và đưa sơn ta vào dạy ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông đã cùng Victor Tardieu và các giáo sư khác có công lớn trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ nghệ sĩ tạo hình tài năng cho đất nước, nhiều học trò của ông đã thành danh…

Vị trí và vai trò của ông vào bậc “Khai quốc công thần” của Mỹ thuật, đưa Mỹ thuật nước nhà đi lên con đường bác học, để Mỹ thuật ấy phục hưng những tinh hoa quí báu của truyền thống. Ông xứng đáng được Nhà nước chọn đặt tên cho một đường phố Hà Nội ” (Thăng Long Văn hiến- số 8- 2001).

VI. Nam Sơn nối dòng gia tộc:

Về thăm đền thờ Thái tể Nguyễn Duy Thì (1572- 1651) tại thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi xúc động trước ngôi đền cổ ngự giữa làng trên ba trăm năm, ngát khói hương, thờ hai cha con vị quan đầu triều thời Lê Trung Hưng, cùng là tiến sĩ, để lại danh thơm.

Hoạ sĩ Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ là hậu duệ của hai cụ.

Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (1602- 1639) con trai trưởng của Tiến sĩ Nguyễn Duy Thì. Hai Cha Con cùng đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) năm 27 tuổi, cùng làm quan đồng triều.

Niên hiệu Dương Hoà thứ 3 (1637) vua Lê Thần Tông cử hai đoàn sứ bộ cùng sang Bắc Kinh, triều vua Sùng Trinh nhà Minh. Một đoàn do Nguyễn Duy Hiểu làm Chánh sứ. Một đoàn do Giang Văn Minh (người xã Mông Phụ, huyện Thượng Phúc, nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây).

Hai Chánh sứ Nguyễn Huy Hiểu và Giang Văn Minh đều hy sinh.

Sách “Tam Khôi lục” chép: “Trước triều đường, người Minh ra vế đối rằng “Đồng trụ chỉ kim đài dĩ lục”, nhắc lại việc Mã Viện dựng cột đồng với lời thề: “Đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, người Giao Chỉ diệt vong) vào năm 42 Công Nguyên, sau khi dẹp yên triều đình Trưng Nữ Vương). Ý nói Cột đồng nay đã rêu xanh phủ.

Giang Văn Minh đối lại: “Đằng Giang thiên cổ huyết do hồng”, nhắc lại sự kiện các vua Ngô, Trần ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, nghĩa là “Sông Đằng nghìn thủơ máu còn tươi”.

Vua Minh nổi giận, giết hai vị Chánh sứ dã man, tẩm thuỷ ngân, gửi về nước.

Thái tể Nguyễn Duy Thì được vua cử lên biên ải đón di hài hai vị trong đó có Con trai mình.

Cuộc đời làm quan liêm chính, thẳng ngay, can ngăn vua Lê, chúa Trịnh, cứu dân, của Nguyễn Duy Thì được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nhiều hội thảo ca ngợi khí tiết nhà Nho, sáng như ngọc, vững như đá thạch anh của cụ, trong bối cảnh xã hội rối ren.

Riêng tôi xúc động trước tình Cha. Cụ Nguyễn Duy Thì mất người con trai yêu thương của mình lúc năm mươi tuổi. Ba mươi năm cụ giấu lệ khóc con. Nỗi đau mãi đọng trong ngôi đền cổ. Tôi viết bài thơ

Dâng Đền Thờ Cụ Nguyễn Duy Thì

  Cha Con Tiến sĩ đồng triều
Cha thanh liêm, Con giỏi, nhiều ân vua
Con đi sứ chẳng chịu thua
Bang giao ngôn luận, không hùa theo Minh
Hai sứ anh dũng hy sinh
Giữ uy danh nước Nam mình hiển linh
Lên cửa ải đón Tình Con
Cha ôm linh cữu, lệ lòng sắt son
Con vì Tổ quốc non sông
Đền công Cha Mẹ tháng ngày trông mong
Ngàn xanh không gãy cột đồng
Sông Đằng nghìn thủơ, máu hồng còn tươi
Thương Con biết sống làm Người
Rèn Tâm Kẻ Sĩ, mười phân vẹn mười.

Cuối thế kỷ XIX. Gần ba trăm năm sau. Dòng tộc Nguyễn Duy Thì có Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ nối tài năng, trí đức.

Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ đã sinh ra và nuôi dạy những người con hiếu thảo, noi gương các cụ, ông bà, Cha Mẹ, học giỏi, sống đúng Đạo làm người.

Nguyễn An Kiều- con trai thứ sáu của danh hoạ, hoạ sư Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ, là kỹ sư làm việc tại Công ty điện lực ASTOM của Pháp. Từ nhỏ An Kiều được cha thương, thường đề tặng “Con trai thứ của ta” trên những bức tranh của mình, và dạy các con học mỹ thuật, vẽ sơn dầu, thuốc nước…

Mẹ của An Kiều, cụ Lương Thị Thảo, người làng Lai Xá, làng nhiếp ảnh nổi tiếng xứ Đoài, cách Hà Nội hơn chục cây số. Bà dạy chữ Hán, Pháp văn, Quốc Ngữ cho các con.

Nguyễn An Kiều, nhiếp ảnh gia, say mê nghệ thuật, hội hoạ, văn chương, mê nhạc MoZart, Chopin. Ham mê nghệ thuật, An Kiều phải nén lòng.

Ông bảo: “Tài giỏi như cha tôi, mà còn…”

Làm việc trong vai trò quản lý cao cấp trong Công ty Điện lực Pháp hàng đầu thế giới, An Kiều luôn gìn giữ và tìm lại hình bóng cha mình. Năm 2000, sang Bắc Kinh, thì giờ ít ỏi, An Kiều đã dành gặp gỡ phu nhân Từ Bi Hồng. Ngày xưa bà mời Nam Sơn sang Bắc Kinh, nhưng ông không thể. Ngoại chín mươi, tóc bà còn xanh và miên man kể chuyện Từ Bi Hồng yêu mến Nam Sơn.

An Kiều kể:“ Đời tôi cũng đã được gặp nhiều nhân vật nổi tiếng, kể cả nguyên thủ một vài nước, nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy hạnh phúc như lần này. Tôi đã gặp phu nhân, một nữ hoạ sĩ vợ của danh hoạ nổi tiếng Từ Bi Hồng, người bạn thân thiết của cha tôi… Hình như tôi đã gặp lại cha mình.

Ngay sau đó, tôi điện thoại cho anh tôi, GS. TS Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp ở Đài Thiên văn Paris. Anh Riệu nghẹn ngào:

- Chú thật hạnh phúc! Không phải ai cũng được gặp Từ phu nhân.” (Báo Sức Khoẻ & Đời Sống 28- 6- 2000)

GS. TS Nguyễn Quang Riệu, anh con bác ruột, bên Mẹ của An Kiều, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về bức xạ (maser), được giải thưởng Viện Hàn lâm khoa học Pháp năm 1973 về công trình khoa học của ông, bao gồm việc nghiên cứu vụ nổ Xichnuyt X3 (Cygnus X3) trong chòm sao Thiên Nga, cách trái đất 30. 000 năm ánh sáng. Nguyễn Quang Riệu đã phát hiện ra nhiều phân tử hữu cơ có trong vũ trụ.

Thiết tha yêu đất nước, GS.TS Nguyễn Quang Riệu đã viết ba tác phẩm phổ biến Thiên văn bằng tiếng Việt, nâng tầm dân trí: Vũ trụ- phòng thí nghiệm vĩ đại, Lang thang trên dải Ngân Hà, Sông Ngân khi tỏ khi mờ. Ông đã bỏ ra năm năm để nghiên cứu Thiên văn cổ Đông phương (bằng chữ Hán, Pháp, chữ Việt).

Ông viết: “Thiên văn học là một ngành khoa học cổ truyền của Đông phương. Ngày xưa vua Nghiêu, nổi tiếng là uyên thâm, thường hội đàm với các nhà thiên văn, gửi họ đi về bốn phương trời để mong thay đổi quĩ đạo của Mặt trời, nhằm tránh mùa Đông giá lạnh và mùa hè nóng nực kéo dài quá lâu” (Khoa học và Tổ quốc- Xuân Kỷ Mão 1999)

Tên tuổi Nguyễn Quang Riệu cùng người em trai Nguyễn Quí Đạo- Giám đốc phòng Hoá- Lý Trường đại học Trung ương Pháp, người có cống hiến công trình lớn về khoa học, văn hoá, nghệ thuật, luôn hướng về đất Việt.

Mùa thu 1995, báo Đại Đoàn Kết đưa tin cuộc gặp gỡ của ba anh em, ba nhà khoa học tầm cỡ quốc tế. Hai anh em GS.TS Nguyễn Quang Riệu, GS.TS Nguyễn Quí Đạo và GS Bác sĩ Nguyễn Quang Quyền, Chủ nhiệm bộ môn giải phẫu, Phó trưởng khoa Y Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là em anh Riệu, đồng chủ trì Hội thảo quốc tế tại Hải Phòng. Một gia đình có ba anh em đều là những nhà khoa học nổi tiếng. May cho Nước nhà.

Cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết lời tựa Lang thang trên dải Ngân Hà: “Tôi rất khâm phục nghị lực của anh, viết được bằng tiếng Việt những vấn đề khó khăn, phức tạp như thế này thật là kỳ diệu”.

Nguyễn An Kiều thường làm việc tại Paris, gắn bó với hai anh em GS. TS Nguyễn Quang Riệu. Tại Đài Thiên văn Paris, ba anh em Nguyễn Quang Riệu, Nguyễn Quí Đạo, Nguyễn An Kiều cùng nhau xem xét lại bản thảo Sông Ngân khi tỏ khi mờ trước khi xuất bản.

Trong số nhà 68- Nguyễn Du (biệt thự bên hồ Thiền Quang, cụ Nam Sơn xây) An Kiều lưu giữ một kho tàng mỹ thuật đồ sộ và những tư liệu sống về người Cha tài danh đức độ, có thời bị lãng quên, như số phận bức tranh tường lớn của Victor Tardieu nơi giảng đường Đại học Đông Dương- Lê Thánh Tông- Hà Nội.

Lang thang quanh “Băm sáu phố phường” bỗng gặp bức tranh Cha mình vẽ, ký tên Nam Sơn trong hiệu sách cổ, An Kiều đã dốc túi hàng nghìn USD, để mua lại tranh của Cha, mà “ông Tây” đã đặt mua.

Tuổi bảy mươi, An Kiều còn đau đáu chưa làm tròn di chúc của cha. Những năm 1960, Nam Sơn đã đề nghị lập giải thưởng hội hoạ giành cho hoạ sĩ tài năng. Không ai để ý. Trước lúc từ giã cuộc đời và hội hoạ, hoạ sư Nam Sơn di chúc lập một giải thưởng Mỹ thuật Nam Sơn hằng năm, tặng những hoạ sĩ có tác phẩm đậm hồn Việt. Nguyễn An Kiều đã dự trữ sẵn ngân phiếu một trăm triệu đồng Việt Nam, cách đây mười năm, mà hiện nay, chưa có nơi nhận.

Niềm vui của An Kiều giờ đây là giữ gìn hương hoả tổ tiên, gia đình, dòng tộc.

Hình như anh linh tổ tiên đã tụ về ngòi bút Mai Thục tặng An Kiều bài thơ:  

Giữ Gìn Hương Hoả

Cha đặt tên yêu An Kiều
Cây cầu an lạc, dẫu nhiều gian nan
Sang sông, vượt suối, lên ngàn
An Kiều vui sống, ngập tràn thương cha
Xót xa cụ kỵ ông bà
Hiền tài, trí dũng, danh gia giống dòng
Ơn cha hoạ sĩ Bắc Hà
Học Tây phương trở về nhà Á Đông
Tình bạn Việt- Pháp mặn mà
Cùng V.Tardieu lập trường hoạ là Việt Nam
Dạy bao hoạ sĩ đậm đà
Lòng thầy trong sáng ngọc ngà trăng soi
Một mình vật vã lẻ loi
Sơn dầu hoạ mẹ, vẽ thầy noi gương
Giải thưởng Paris, Rome thơm hương
Sắc màu nước Việt, tưng bừng bốn phương
Trăm năm ly biệt dặm trường
Nam Sơn sư hoạ, mở đường tương lai
An Kiều xứng bậc con trai
Giữ gìn hương hoả, cha ông Đức Tài
Cha truyền con nối chẳng sai
“Vạn An Thế Đức Long Quang” sông dài (*)

(*) Tên đệm của những người trong gia đình danh hoạ Nam Sơn.

Gặp chúng tôi trong ngôi đền thiêng thờ các cụ tổ, Nguyễn An Kiều nói: “Bao nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo đã viết về các cụ Tổ và Cha chúng tôi. Điều chúng tôi mong muốn là để rõ các vấn đề lịch sử và văn hoá. Trả lại cái gì của César cho César, trả lại lịch sử cho lịch sử. Gia đình chúng tôi chưa bao giờ có ý định xin bất cứ giải thưởng nào cả”.

V. Phần kết:

Bài viết của tôi dựa trên sự nghiên cứu các sách báo Đông- Tây, kim cổ, viết về Thái tể Nguyễn Duy Thì và hoạ sư Nam Sơn, được cung cấp bởi Nguyễn An Kiều. Nhưng đây không phải là sự xào xáo tư liệu, cảm hứng chủ đạo của tôi trong bài này là Tìm nguồn gốc của thiên tài qua dòng tộc Nguyễn Duy Thì đến Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ.

Cảm hứng nảy sinh khi tôi cùng đoàn nghiên cứu Hán- Nôm do tiến sĩ Đinh Công Vĩ dẫn đầu, gặp Nguyễn An Kiều và các con, cháu ông, trong ngôi đền thờ Cha & Con, do ông Nguyễn Duy Mùi lo việc thờ tự ngày 2- 7- 2011.

Loài người không ngừng tìm hiểu làm thế nào để sinh ra được con thiên tài? Nhiều giả thuyết đặt ra, song vẫn thiếu thuyết phục. Những nghiên cứu gần đây nhất chỉ ra rằng, thiên tài chỉ phụ thuộc nhiều nhất là 20% đến 30% vào giáo dục và lao động, 80% là thiên phú.

Hiện tượng về dòng tộc Nguyễn Duy Thì- Nguyễn Vạn Thọ là một minh chứng để chúng ta nghiên cứu về thiên tài qua di truyền, giáo dục và nhân quả, tâm linh.

Danh hoạ Nam Sơn, tuổi bốn mươi, tài năng thăng hoa. Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng vẽ mực nho trên vải, hiện lên người đàn bà mềm mại, yếm váy mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao, đòn gánh tre, quang tre trĩu nặng hai thúng gạo đầy, từ bến nước đi lên. Một tay nàng giữ đòn gánh phía trước, tay kia nắm dải quang phía sau, mắt nhìn xuống đôi chân trần loang bóng nước. Trên bờ, người đàn ông lưng trần, quần dài, ngồi xổm, nhìn ra mặt sông mênh mang. Chàng chờ đợi điều chi? Không ai biết. Dưới sông, những chiếc thuyền nan mỏng mảnh chụm vào nhau. Sóng nước lơ thơ thì thầm cùng gió hoang vu. Cảnh tượng cuộc sống Hà Thành độc nhất vô nhị thế gian, một đi không trở lại.

Danh hoạ Nam Sơn níu giữ cho nhân loại thời gian đã mất. Không gian đã mất. Nghệ sĩ Nam Sơn đã trường tồn hoá cảnh sống hữu tình, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa êm ả thanh bình và nguyên thuỷ trinh nguyên của đất và người Hà Thành đầu thế kỷ XX, thập niên trước khi xảy ra chết chóc kinh hoàng, bởi hai cuộc Đại thế chiến.

Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng  ghi dấu danh hoạ Nam Sơn sánh cùng thiên tài thế giới, được gieo mầm từ nòi giống Rồng Tiên, từ cụ Tổ Nguyễn Duy Thì.

  Hồ Gươm mùa vải chín.


 


VVM.25.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com