Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



Trần Thoại Nguyên và Phương Tấn

TÔI CÒN NỢ
THI SĨ BỤI ĐỜI TRẦN THOẠI NGUYÊN
MỘT CÂU HỎI


1.

CÙNG PHẠM THIÊN THƯ VÀ QUÁN CÀ-PHÊ HOA VÀNG

“Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên” tên thật là Trần Hồng Dương - sinh viên Triết Viện Đại học Đà Lạt trước 1975. Trần Thoại Nguyên làm thơ nhiều và đã đăng thơ trên một vài Tạp chí uy tín của Sài Gòn với bút hiệu Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên. Anh đã tự trình bày 3 tập bản thảo: “Sầu Ca Tóc Xanh (1969), Thiên Sử Ca (1972), Cổ Xe Sầu Mẹ Tôi (1974) nhưng chưa xuất bản chỉ chuyền tay nhau đọc trong bằng hữu văn nghệ. Nay, tất cả đã bị thất lạc hoặc bị đốt sạch cùng hàng ngàn sách quý của anh vì thuộc loại “Tàn Dư Độc Hại Của Đế Quốc Mỹ”

Tôi và Trần Thoại Nguyên những năm gần đây quen nhau qua thơ văn trên một số tờ báo Văn học Nghệ thuật trong và ngoài nước. Thơ của anh, tên của anh, hình ảnh của anh – Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên - hầu như xuất hiện thường xuyên trên các trang mạng về Văn học Nghệ thuật trong nước. Năm 2017, tôi về Việt Nam. Hai anh em có hẹn cùng gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư tại Quán cà-phê Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư.

Tôi và Phạm Thiên Thư thân nhau khi chúng tôi cùng viết ở tạp chí Thời Nay trước 1975. Lúc ấy, Phạm Thiên Thư lấy bút hiệu là Thái Phương Thư. Năm 1964, Phạm Thiên Thư đi tu, còn tôi thì ẩn cư một thời gian ở chùa Tây Ninh và chập chững bước vào Đại học Văn Khoa và Luật Khoa Sài Gòn. Thời gian này, nhiều bài thơ của Pham Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và phổ biến ở miền Nam như Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, Em Lễ Chùa Này… và các bài Đạo ca.

Năm 1973 với tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh, Phạm Thiên Thư được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc của miền Nam Việt Nam. Dựa theo thi phẩm này, Phạm Thiên Thư viết thành văn xuôi Lòng Đau Không Tiếng xuất bản năm 2017 với nội dung mượn truyện Kiều nhưng đổi phong cách các nhân vật truyện Kiều, thay điển tích Trung Hoa bằng các điển tích Việt Nam để đề cao tinh thần Việt Nam. Sau năm 1975, Phạm Thiên Thư ngoài thơ ca còn sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh điện công mang tên Phathata (Pháp-Thân-Tâm).

Buổi sáng gặp nhau ở Quán cà-phê Hoa Vàng, ba anh em chúng tôi thật vui. Nói cười rôm rả. Phạm Thiên Thư ký tặng tôi nhiều tác phẩm của anh, trong đó có cuốn Đoạn Trường Vô Thanh và Lòng Đau Không Tiếng mà anh yêu thích. Trần Thoại Nguyên bộc bạch: “Bút danh Thi Sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên do Nhà thơ Hoài Khanh đặt, rồi nhóm bạn lang thang thân thiết gọi hoài thời trai trẻ tóc xanh, lang thang trên phố núi ngàn hoa Đà Lạt đến nay thành quen…”

Ba anh em chúng tôi cùng chụp hình chung, cùng chồng những bàn tay lên nhau và cùng hẹn gặp nhau khi tôi về thăm quê nhà lần sau. Khi chia tay, Trần Thoại Nguyên bịn rịn kéo tôi đến trước cửa nhà Phạm Thiện Thư, tay trong tay chụp thêm vài tấm hình. Tôi không khóc nhưng đôi mắt nhòe đi.

2.

LÒNG HIẾU ĐẠO CỦA NGƯỜI CON VÀ BỆNH UNG THƯ QUÁI ÁC!

Qua thông tin trên mạng, tôi được biết Trần Thoại Nguyên tuy sống ở Sài Gòn nhưng thường xuyên trong hai năm 2020-2021 về Quảng Ngãi chăm lo bệnh cho Mẹ. Và bà đã mất đầu năm 2021 thọ 102 tuổi ngay thời điểm Trần Thoại Nguyên phát bệnh ung thư phải trải qua đại phẫu thuật cắt bỏ quả thận trái và nhiều đợt hóa trị, đầu rụng hết tóc. Thật cảm động, Trần Thoại Nguyên là người con trai còn lại duy nhất của Mẹ đã mỗi mình lo hết hậu sự cho Mẹ trong ngày đưa tang và tuần giáp năm của Mẹ.

3.

LÁ THƯ TÂM HUYẾT CỦA BẠN TÔI

Năm 2023, sau 5 năm, tôi lại về thăm quê nhà. Sau nhiều năm xa quê, tôi mong ước một ngày sẽ được trở về quê thắp hương cho Cha Mẹ ở chùa Giác Uyển, Sài Gòn - ngôi chùa mà sư trụ trì có lần bảo tôi: "Tâm con thiện lành, con đi tu, thầy sẽ để lại ngôi chùa này cho con." Và sau đó tôi sẽ về Đà Nẵng thắp hương cho những người thân yêu trong gia đình và cuối cùng được nhìn lại phố thị, đồng quê một thời đẹp đẽ, được nhìn lại đồng bào một thời ấm no và gặp lại những người bạn cũ nay đã già…

Trần Thoại Nguyên vui mừng gặp lại tôi qua điện thoại nhưng lại báo tin buồn đang chữa bệnh tại Quảng Ngãi nên chưa thể đi cùng tôi đến thăm Phạm Thiên Thư. Lần lữa mãi đến ngày tôi phải lên máy bay về lại Mỹ. Qua hình ảnh anh gửi cho, tôi thấy anh già đi và tiều tụy, thật đáng thương.

Bất ngờ, vâng bất ngờ ngày 09 tháng 6-2024, anh gửi cho tôi một lá thư qua Email:

Anh Phương Tấn ơi!

Bệnh ung thư của tôi sau thời gian hóa trị sức khỏe tạm ổn, nay qua xét nghiệm, bác sĩ điều trị kết luận ung thư đã tiếp tục di căn nên phải dùng thuốc đặc trị để không cho ung thư phát triển (chứ không thể hết ung thư được!) mà mỗi liều thuốc đặc trị (21 ngày) là 80 triệu và 3 liều là 240 triệu! Và tất nhiên là phóng lao phải theo lao, phải lo cho có tiền tỷ, phải vay mượn thế chấp hoặc bán nhà để điều trị ung thư cho tôi! Dù vợ và hai con gái của tôi ở nước ngoài bàn tính còn nước còn tát lo cho ba, dẫu có thể bán nhà...

Nhưng anh Phương Tấn ơi!

Tôi tuổi thật sinh năm Đinh Hợi (cùng tuổi với Bạn Vàng Đỗ Tư Nghĩa) năm nay đã 78 tuổi rồi, hai con gái cũng ổn bề gia thất (sau ca đại phẫu thuật cắt bỏ quả thận trái K di căn của tôi, vợ chồng hai cháu có đưa cháu ngoại về thăm ông ngoại...).

Nên nếu tôi ra đi nhẹ nhàng ngay bây giờ cũng vui bay theo đời thơ mình mãn hạn trần gian, do vậy tôi: Nói KHÔNG với dùng thuốc đắt tiền đặc trị ung thư và QUYẾT ĐỊNH dùng phương pháp ăn uống Thực Dưỡng của Bệnh viện Johns Hopkins thuộc Đại học Baltimore, Maryland Hoa Kỳ. Và tôi đã thực hiện Thực Dưỡng từ ngày Lễ Phật Đản sanh, tất nhiên là vợ và hai con gái cũng đồng tình, cũng như vài ba bạn thân thiết ở Sài Gòn đến nhà động viên (trong đó có bạn Lê Trung Thận đã từng bị ung thư máu, không mổ không hóa xạ trị, không dùng thuốc đặc tri ung thư và đã ăn uống Thực Dưỡng mà đã sống vui sống khỏe mấy năm nay đã đến nhà chỉ bày đây!)

Tôi chỉ xin tâm tình chia sẻ cùng anh Phương Tấn cũng như một ít bạn thân thiết của đời thơ tôi thôi anh! Biết đâu, ba tháng sau còn sống, qua kiểm tra xét nghiệm những chỉ số máu về tế bào ung thư nó giảm xuống... và tôi tiếp tục Thực Dưỡng Trường Chay... thì tôi còn hít thở cùng Thơ và lại gặp anh Phương Tấn và các bạn thơ văn thân yêu như ngày nào!

Báo anh Phương Tấn biết vậy. Kính chúc anh vui khỏe hạnh phúc với cảm hứng sáng tạo thăng hoa nhé!

Sau lá thư của Trần Thoại Nguyên, những ngày sau đó tôi thật buồn; thường lấy những ảnh chụp chung với Trần Thoại Nguyên và Phạm Thiên Thư ra nhìn và thẩn thờ bên bàn làm việc. Tôi chỉ biết chúc Trần Thoại Nguyên vui khỏe. Có lẽ tôi biết rõ về di căn của bệnh ung thư, biết nỗi buồn đau của người bệnh và của người thân mà chính tôi đang nuốt nước mắt chạy cứu người thân trong gia đình suốt hai năm nay.

4.

CÓ KHÚC QUANH ĐỊNH MỆNH NÀO CỦA ĐỜI THƠ TÀI HOA PHƯƠNG TẤN?

Và chỉ sáu ngày sau lá thư tâm huyết của Trần Thoại Nguyên, anh gửi tiếp cho tôi một Email vào ngày 15 tháng 6-2024:

Anh Phương Tấn ơi,

Năm 1961 tôi vừa học xong bậc tiểu học, dù đã biết tập tễnh làm thơ thậm chí làm thơ Đường luật theo bày vẽ của ông Nội, nhưng chưa biết chi về báo chí ở Thủ đô Sài Gòn mà thi sĩ Phương Tấn đã có những bài thơ hay, lạ đời đến như thế, được báo chí ở Thủ đô ca ngợi đến như thế!

“Phương Tấn đã phác họa cảnh tượng kinh hoàng trong những vần thơ mang nhiều hương sắc điên dại và nổi loan..." (Tạp chí Gió Mới số 06 năm 1961)

"Ai oan ai oán thay những tiếng thơ khóc cho thế kỷ điêu linh, Phương Tấn đến với chúng ta qua những tiếng đau thương ghê gớm..." (Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong số 129 năm 1961).

Phải nói Thơ Phương Tấn đã là một hiện tượng trên thi đàn của nền Đệ Nhất Cộng Hòa ngay khi còn non trẻ!

Nếu tính từ điểm phát xuất thời gian năm 1961 ấy, Phạm Công Thiện với Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học rồi thi phẩm Ngày Sinh Của Rắn (1962), Bùi Giáng với Mưa Nguồn (1962), còn Phạm Thiện Thư thì sau đó 4 năm nữa mới nổi lên... Hôm trước tâm tình với anh Phương Tấn ở Quán cà-phê Hoa Vàng cùng Phạm Thiên Thư, tôi có nhắc lại thời anh Phương Tấn dạy học ở TP Biên Hòa, Đồng Nai thì thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên là lứa học trò của anh!

Rồi sao từ 1961 đến 4/1975 (14 năm trường!) Thơ Phương Tấn không bay lên những đỉnh ngọn của nền thi ca Việt!? Tôi rất quý mến anh Phương Tấn, vẫn thường tâm tình với anh, tôi như lớp đàn em của anh, như tôi với các anh Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư... vậy!

Tôi thật sự tiếc đời Thơ tài hoa Phương Tấn và thương quý đời thơ anh lận đận, cứ trăn trở không hiểu vì sao?

Đặc biệt là nguyên thời tuổi trẻ của anh 14 năm trước 1975! Nghĩa là, từ thời trai trẻ của Phương Tấn năm 1961, dù ở Quảng Nam của tỉnh lẻ miền Trung xa xôi, thơ Phương Tấn đã vang danh nổi tiếng ở Thủ đô Sài Gòn như rứa, mà những năm tháng liền sau đó lại lặng lẽ, không sôi động trên thi đàn miền Nam như thơ Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê?

Còn tôi, mãi đến năm 1968 mới có Tú tài toàn phần lên học Ban Triết Viện Đại Học Đà Lạt, năm 1970 mới có những chùm thơ đăng Tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh và Tạp chỉ Chính Văn của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn...

Tôi cả nghĩ: Có khúc quanh định mệnh nào của đời thơ tài hoa Phương Tấn không anh?

Trần Thoại Nguyên đã hỏi tôi câu này hôm ở Quán cà-phê Hoa Vàng với Phạm Thiên Thư, tôi chỉ cười im lặng. Sự im lặng là câu trả lời trọn vẹn nhất của tôi. Nhưng nay, Trần Thoại Nguyện nhắc lại. Tôi cũng sẽ im lặng nếu Trần Thoại Nguyên còn cùng tôi trong cõi thế gian này, nhưng nay Trần Thoại Nguyên đã rời xa cõi tạm, tôi xin bộc bạch:

Trong Tuyển tập thơ văn THƯA MẸ tôi sẽ viết hết kể hết không những 14 năm trường như câu hỏi của Trần Thoại Nguyên mà tôi sẽ viết hết kể hết ngay từ năm 14 tuổi - bài thơ đầu tiên của tôi đăng trên tuần báo Tuổi Xanh cho đến hôm nay. Với trên hai ngàn bài thơ còn để lại, với trên 100 bài viết của văn nghệ sĩ cầm bút và báo chí miền Nam nói về thơ Phương Tấn từ thuở ấy đến bây giờ. Tất cả đã giải đáp cho Trần Thoại Nguyên: KHÚC QUANH ĐỊNH MỆNH CỦA ĐỜI THƠ TÀI HOA PHƯƠNG TẤN.

5.

TRÊN ĐỈNH HỒN TÔI MỘT ĐÓA HOA GỬI LẠI

Ngày 9 tháng 8-2024 không phải ba tháng như Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên đã hẹn “Còn hít thở cùng Thơ và lại gặp anh Phương Tấn và các bạn thơ văn thân yêu như ngày nào” mà chỉ vỏn vẹn hai tháng Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên đã rời cõi tạm, để lại:

Trên đỉnh hồn thơ tôi
Một đóa hoa gửi lại.

Vâng, một đóa hoa thơm ngát Thơ của Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên đã để lại cho trần gian. Và chúng ta, Trần Thoại Nguyên ơi:

Gặp nhau đâu phải tình cờ
Từ vô lượng kiếp đã chờ đợi nhau.

Florida ngày 17-9-2024




VVM.23.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .