Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


TƯỞNG NHỚ NGÀY MẤT NHÀ THƠ ĐINH HÙNG
24.8.1967




     N hà thơ Đinh Hùng sinh ngày 3/7/1920, làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông. Ông là con út trong gia đình gồm sáu anh chị em: anh cả là Đinh Lân, các chị là Loan, Yến, Hồng, Oanh. Chị Đinh Thục Oanh lập gia đình với nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1915-1976).

Đinh Hùng theo bậc tiểu học tại trường Sinh Từ, rồi bậc trung học tại trường trường Bưởi, Hà Nội. Và sau khi đậu bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) thường gọi là bằng Thành Chung. Ông được học bổng tiếp tục đèn sách để thi Tú Tài bản xứ thì “Thần Ái tình đã hiện đến cùng một lúc với sự thành công đầy hứa hẹn” (theo lời kể của ông anh rể Vũ Hoàng Chương), khiến ông bỏ ngang để đi viết văn, làm thơ.

Năm 1943, ông xuất bản tập văn xuôi Đám Ma Tôi nhưng sau đó nổi tiếng với bài thơ Kỳ Nữ. Năm 1944, nhà thơ Vũ Hoàng Chương cưới bà Thục Oanh đưa về Nam Định sinh sống, ông ở lại Hà Nội và cho ra đời giai phẩm Dạ Đài, và năm này, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh về Thái Bình dạy học.

Năm 1949, ông cùng gia đình trở lại Hà Nội, ấn hành giai phẩm Kinh Đô Văn Nghệ (1952) và tập thơ Mê Hồn Ca (1954), tập thơ nầy tạo tên tuổi ông trên thi đàn Việt Nam. Sau đó, giữa thập niên 1960’, nhà báo Phạm Việt Tuyền, chủ nhiệm nhật báo Tự Do (từng giữ chức Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, từng Tổng Thư Ký Hội Văn Bút Việt Nam) nhận định về thi phẩm Mê Hồn Ca: “Thi phẩm này thuộc loại thơ nói ít hiểu nhiều, cái hay cốt ở chỗ sử dụng nghệ thuật ném hỏa mù mơ mộng lên những mảnh thực tại tản mác, điều mà Đinh Hùng chắc đã chịu ảnh hưởng ít nhiều nơi các nhà thơ tượng trưng của Pháp như Baudelaire, Rimbaud. Thế giới Mê Hồn Ca là thế giới của đắm đuối say mê, của hoang sơ man dại, của chết chóc lạnh lùng, của nhiệm mầu huyền bí. Tình yêu trong Mê Hồn Ca thiết tha, mãnh liệt và kinh khủng. Có nhà thơ nào đã xây dựng được cả một khu nghĩa trang huyền ảo như những bài Tìm Bóng Tử Thần, Màu Sương Linh Giác, Cầu Hồn, Thoát Duyên Trần Cấu, Gửi Người Dưới Mộ… như Đinh Hùng?”

Tháng 8 năm 1954, ông và gia đình di cư vào Nam, cộng tác với tờ nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền, có sự cộng tác của Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong… Năm 1955, nhật báo Tự Do đình bản, ông về cộng tác với Đài Phát Thanh Sài Gòn, phụ trách ban thi ca Tao Đàn cùng sự góp sức của Thanh Nam, Thái Thủy, Tô Kiều Ngân (thổi sáo với bút hiệu Tô Lang, ngâm thơ, có Hoàng Nam), giọng nữ có Giáng Hương, Mộng Hoàn, Bích Hiền... Phần nhạc phụ họa có các nhạc sĩ Ngọc Bích, Phạm Đình Chương, Vĩnh Phan… Chương trình Ban Tao Đàn trên làn sóng phát thanh được mọi người ái mộ.

Năm 1961, ông ấn hành thi phẩm Đường Vào Tình Sử (đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc về Thi Ca năm 1962).

Năm 1967, ông cho ra đời tuần báo Tao Đàn Thi Nhân, phát hành được 2 số thì ông mất ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn, vì bệnh ung thư gan.

Ngoài việc làm thơ ký bút hiệu Đinh Hùng, ông còn dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang lúc viết tiểu thuyết. Ông viết tiểu thuyết dã sử Cô Gái Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La và làm thơ trào phúng đăng trên báo Tự Do, báo Ngôn Luận. Ngoài những tác phẩm kể trên, ông còn có 8 tác phẩm chưa xuất bản: Tiếng Ca Bộ Lạc (thơ), Tiếng Ca Đầu Súng (hồi ký), Dạ Lan Hương (văn xuôi), Sử Giả (tùy bút), Vần Điệu Giao Tình (cảo luận) và 3 kịch thơ: Lạc Lối Trần Gian, Phan Thanh Giản, Cánh Tay Hào Kiệt.

Tháng 2/2023 tôi viết bài Nhà thơ Vũ Hoàng Chương & Những hệ lụy cuối đời. Hai nhà thơ (anh rể và em vợ) thuộc “nòi tình” với những bóng hồng quanh quẩn. Theo nhà văn Mai Thảo: “Tôi được biết là sau ngày người con gái mang tên Liên từ trần, Đinh Hùng bỏ đi đến Hải Dương… Vượt Hồng Hà, bỏ Hà Nội, chàng tuổi trẻ khóc ngất, không mang theo gì hết ngoài nỗi đau đớn và một tấm hình. Đó là di vật cuối cùng của Liên…”. Bà Vũ Hoàng Chương và bà Đinh Hùng là mẩu người hiền thục, biết tính đa tình, đa cảm của chồng nhưng vẫn âm thầm chịu đựng cho hồn thơ của hai ông bay bổng tận trời mây.

Đinh Hùng thuộc “đệ nhất si tình” ngay cả với người chết trong bài thơ Gửi Người Dưới Mộ:

“Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu”.

Vũ Hoàng Chương vào thời tiền chiến với thi phẩm Say nhưng không nghiện rượu vì đệ tử của “nàng tiên nâu”. Trong khi đó Đinh Hùng là đệ tử của Lưu Linh. Họa sĩ Tạ Tỵ gợi lại một vài kỷ niệm: “Có những đêm đông Hà Nội tôi đến thăm Hùng tại căn nhà cổ nằm sâu trong ngõ hẹp ở cửa ô Cầu Rền, chẳng cách xa phường Dạ Lạc là bao. Ở tuổi hoa niên, tôi quen nhiều bạn biết uống rượu, nhưng tôi chưa thấy ai uống hào bằng Đinh Hùng và Văn Cao. Riêng Hùng có thể uống hai lít đế không cần đồ nhắm, vì thế Hùng mới có gan đối ẩm với Tản Đà hàng nửa ngày trời”. Và cũng vì thế mà bạn bè không ai cảm thấy bất ngờ khi hay tin Hùng bị ung thư gan ở tuổi 48.

Ngày tang lễ Đinh Hùng, Ký Giả Lô-Răng viết: Hôm đưa tang Đinh Hùng vào chủ nhật 27/8/1967, Bên chiếc huyệt đào sẵn, anh rể Vũ Hoàng Chương gọi lớn: “Đinh Hùng! Đinh Hùng!” nhưng người thơ phong vận không bao giờ lên tiếng nữa. Bậc đàn anh Vi Huyền Đắc ngậm ngùi bên bờ huyệt, bằng hữu Vũ Khắc Khoan lặng lẽ ném một hòn đất xuống quan tài. Thanh Nam bỏ ra ngoài lặng lẽ đưa khăn lau mắt, Hoàng Anh Tuấn khóc lăn bên nấm mộ… Khi ra về, đi bên cạnh Tuấn, tôi mới hỏi “Toa hôm nay xúc động quá nhỉ”. Tuấn nói “Đâu mình có khóc Đinh Hùng, khóc cho mình đấy chứ!”.

Những bài thơ của Đình Hùng được phổ nhạc, trong đó với vài ca khúc nổi tiếng xưa nay: Bài thơ Tình Tự Dưới Hoa do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc Mộng Dưới Hoa, bài thơ Một Tiếng Em được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc Mái Tóc Dạ Hương và bài Chiều Tím do Đan Thọ phổ nhạc. Ngoài ra, sau nầy hai bài thơ của Đinh Hùng là Đường Vào Tình Sử được nhạc sĩ Trọng Khương phổ nhạc và Gửi Người Dưới Mộ do nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ thành ca khúc.

Với nhà thơ tình tài hoa và lãng mạn đóng góp cho nền thi ca Việt Nam. Nhân ngày mất của ông, viết vài dòng tưởng nhớ.

Little Saigon, August 24, 2024




VVM.25.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .