B
ao giờ cũng thế, muôn đời vẫn vậy cái thời xuân trẻ, giữa hai mê mải mù lòa săn tìm, thường là một cuộc tình - là nơi buồng tim rung động - nghe qua sóng siêu âm, hồng huyết co bóp, bơm đẩy ào ạt. Cung đàn thơ cũng khởi đi từ đấy – từ những ngăn chứa tràn trề yêu thương. Thơ tình Saigon thập niên 60,70 thế kỷ trước phổ biến là những khúc tình buồn mong nhớ, khát-đợi muôn thuở. Tình thơ lãng mạn, chất thơ nhẹ nhàng sang trọng - tiếng thơ nói hộ tâm trạng của những người chưa kịp sống, chưa kịp yêu, chưa kịp nhận diện mình trong chiến cuộc – đã bị hủy diệt !
Đặt trong không gian ngày cũ, bài thơ “Lời tình buồn” (ra đời khoảng năm1967) của CHU TRẦM NGUYÊN MINH , khơi gợi một thời bất toàn, bất định – những ai có mặt lúc bấy giờ dường như mang tâm trạng của người gác chắn tàu hằng đêm soi chiếc đèn bão vào bóng tối thăm thẳm, chờ ngóng chuyến tàu khuya tìm về với chút hi vọng nhạt nhòa…?
Lời tình buồn nghe như một tạ từ,chia xa, nắm níu, nuối tiếc, vô vọng – “Anh đi rồi” như là một dấu chấm hết – nếu nhìn từ phía thời cuộc, vận nước điêu linh, ta nghe như một lời than trách áo não. Câu hỏi “Đêm xuống rồi em buồn không hở?” đi liền với cái tứ “Trời sa mù tầm tay với âu lo”, cảm xúc làm xao động lòng người:
Anh đi rồi còn ai vuốt tóc
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở?
Trời sa mù tầm tay với âu lo
Mùi thơm sách vở học trò gợi hình ảnh mối tình đầu ngan ngát hương yêu trong vắt - những hẹn hò, những mộng mị ngất ngây - trong Áo lụa Hà Đông, nhà thơ Nguyên Sa đã giãi bày:
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu. (Nguyên Sa)
Mối tình nào chẳng là câu chuyện của hai người, tác giả vẽ ra chân dung nhân vật trữ tình: Áo em bay khuất mất thiên đường / Tóc em xanh trùng dương sóng lượn… trên nền nhạc Vũ Thành An, là một cảm xúc thẩm mĩ thanh thoát nhẹ nhàng, ru hồn chơi vơi.
Anh đi rồi còn ai đưa đón
Áo em bay khuất mất thiên đường
Tuổi hai mươi trong vòng tay chờ đợi
Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương
Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
Cổ em cao tay mười ngón thiên thần
Tóc em xanh trùng dương sóng lượn
Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng
Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phúc yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô
Bài thơ khép lại với hình ảnh “ Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô” - tất cả rồi ra chỉ là những sợi sắc không - tôi tìm thấy ở đây một kết thúc buồn nhưng mở ra khát vọng mãnh liệt hướng về phía cuộc sống: thèm được sống - muốn được yêu !- thuộc tính của con người.
Chu Trầm Nguyên Minh trần tình: “Sau năm 1975, tôi không viết, không đọc hơn 30 năm, dù có lúc muốn viết đến điên cuồng mà không thể viết được… Nhìn lại thời gian bỏ phí đến nửa đời người, tôi ân hận tiếc nuối đến đắng lòng…” (Lời Ngỏ tập thơ “Lời tình buồn”- NXB Thanh niên in lại 2012), bạn yêu thơ cùng thời rất cảm thông chia sẻ, lấy làm tiếc với phong cách thơ hiện đại,tài hoa – hoài phí 30 năm, quả thật là một thiệt thòi cho thi nhân và cho vườn hoa thi ca của một thời.
Trường hợp bài thơ Lời tình buồn được phổ nhạc, - theo Đông Kha (nhacxua.vn) năm 1967, nhiều giáo chức được gọi nhập ngũ, Chu Trầm Nguyên Minh nằm trong số đó. Ông nhập ngũ khóa 25 Thủ Đức, cùng khóa với nhạc sĩ Vũ Thành An vốn đang là công chức ở đài phát thanh. Thời điểm này, Vũ Thành An là một nhạc sĩ trẻ đã có những sáng tác nổi tiếng trong làng nhạc như: Tình Khúc Thứ Nhất, Em Đến Thăm Anh Đêm 30 và Bài Không Tên Cuối Cùng. Khi thân thiết với người bạn đồng khóa và đồng tuổi là thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh ở trường Thủ Đức, ông đã chứng kiến bài thơ mang tên Lời Tình Buồn ra đời. Có thể nói tự thân bài thơ này đã có đầy chất nhạc, và là một bài thơ rất hay, nên nhạc sĩ Vũ Thành An chuyển thành nhạc rất dễ dàng, trở thành một trong những tình khúc tiêu biểu của nhạc trữ tình trước 1975.
Thơ hay cốt ở cảm xúc chân thực, trữ tình tinh tế, cách diễn đạt phong phú sáng tạo - với Chu Trầm Nguyên Minh - bài thơ trôi vào quá
khứ lâu rồi – âm hưởng vẫn còn đó - an trú trong lòng những nốt nhạc tài hoa của Vũ Thành An - “Lời tình buồn”như được chấp cánh bay về phía
cõi người !
(Saigon, viết 2012 – chỉnh sửa 6/6/24)
-Chú thích thêm : ngoài bản phổ nhạc của Vũ Thành An (1967),sau này còn có nhạc phẩm khác cũng mang tên Lời Tình Buồn (1980)
của Hoàng Thanh Tâm - cựu hs Petrus Ký, sáng tác tại Úc rất phổ biến.
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở?
Trời sa mù tầm tay với âu lo
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu. (Nguyên Sa)
Áo em bay khuất mất thiên đường
Tuổi hai mươi trong vòng tay chờ đợi
Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương
Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
Cổ em cao tay mười ngón thiên thần
Tóc em xanh trùng dương sóng lượn
Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng
Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phúc yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô
(Saigon, viết 2012 – chỉnh sửa 6/6/24)
-Chú thích thêm : ngoài bản phổ nhạc của Vũ Thành An (1967),sau này còn có nhạc phẩm khác cũng mang tên Lời Tình Buồn (1980) của Hoàng Thanh Tâm - cựu hs Petrus Ký, sáng tác tại Úc rất phổ biến.