Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NỖI LÒNG CỦA NGUYỄN KHUYẾN
QUA BÀI THƠ “ÔNG NGHÈ THÁNG TÁM”


Ông Nghè tháng Tám

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai,
Cũng gọi ông Nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) quê làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đã đỗ đầu cả ba kì thi (thi Hương, thi Hội và thi Đình) nên người ta gọi Nguyễn Khuyến là “Ông Tam Nguyên” hay “Ông Tam Nguyên Yên Đỗ” (để phân biệt với 4 vị Tam Nguyên khác).

Bài thơ “Ông Nghè tháng Tám” thuộc khuynh hướng thơ trào phúng và là một bài thơ đa nghĩa.

Nghĩa tường minh của bài thơ là sự miêu tả và đánh giá một loại đồ chơi của trẻ con trong dịp Tết Trung Thu, dịp Rằm tháng Tám âm lịch. Cùng với lồng đèn con cá, lồng đèn ông sao, … còn có lồng đèn ông Nghè. Ông Nghè này làm bằng tre, giấy, mực, son, … mang dáng vẻ một ông Tiến sĩ (ông Nghè) bệ vệ, uy nghi với “ghế tréo” và “lọng xanh”. Ông Nghè đồ chơi này nhẹ hều – chỉ mấy trăm lạng – và cũng chỉ đáng giá mấy xu thôi.

Nghĩa hàm ẩn của bài thơ thì thăm thẳm, sâu xa vô cùng! Trong thơ trào phúng, có một bộ phận đặc biệt rất đáng tìm hiểu, nghiên cứu. Đó là thơ tự trào – tự cười mình – ta cười ta. Theo tôi, bài thơ “Ông Nghè tháng Tám” của Nguyễn Khuyến là một bài thơ tự trào.

Lâu nay, người ta thường phân tích, luận bàn về bài thơ theo hướng: Nguyễn Khuyến mượn hình tượng ông Tiến sĩ đồ chơi của trẻ con để chế giễu những ông Tiến sĩ bằng xương bằng thịt ngoài đời nhưng dốt nát, kém cỏi, hữu danh vô thực.

Tôi không nghĩ vậy. Thời Nguyễn Khuyến đâu có mấy người là Tiến sĩ. Thời ấy đâu có Tiến sĩ mua (9 triệu), Tiến sĩ biếu, Tiến sĩ tặng, … như bây giờ. Nguyễn Khuyến vốn rất hiền lành, chẳng muốn làm phật lòng ai. Bởi thế, tôi cho rằng “Ông Nghè tháng Tám” là một bài thơ tự trào, hơn thế nữa, là lời phê bình nghiêm khắc bản thân và cả nền học thuật đương thời. Và, qua đó, ta thấy được nỗi lòng của Nguyễn Khuyến đối với thời cuộc, đất nước và dân tộc.

Sau khi đỗ Tiến sĩ (ông Nghè), Nguyễn Khuyến hăng hái tham gia quan trường. Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cần mẫn, năng nỗ. Nhưng rồi ông đã nhiều lần khẩn khoản xin từ quan và với cái cớ “đau mắt”, Nguyễn Khuyến lui về sống ở quê nhà với một cuộc sống đạm bạc. Những dữ kiện nêu trên giúp ta hiểu được phần nào nỗi lòng của Nguyễn Khuyến qua bài thơ quá nổi tiếng này.

Không ai có thể nghi ngờ ý chí phấn đấu và học lực của Nguyễn Khuyến. Sức học của Nguyễn Khuyến rõ ràng là xuất chúng, vượt trội. Nguyễn Khuyến ra làm quan với một lí tưởng cao đẹp là giúp dân, cứu nước. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông thấy bất lực, không xoay chuyển được tình thế và ông đã hơn một lần xin từ quan. Việc “ở” hay “về” (làm quan hay về nhà) là một chọn lựa ray rức đối với Nguyễn Khuyến. Ông đã tự miêu tả về bản thân:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông Nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.

Cũng có áo, mão, cân, đai của Vua ban, cũng được gọi là ông Nghè, cũng có tên trên bảng vàng, cũng có phê chuẩn của Vua, … Rõ ràng Nguyễn Khuyến thực sự là một ông Tiến sĩ, một ông Nghè rồi. Nhưng thực tiễn cuộc sống lại là một vị giám khảo khác, một vị giám khảo luôn luôn đánh giá đúng tài năng, sức vóc của mỗi người. Và sau một thời gian ngắn được kiểm nghiện trong thực tiễn, Nguyễn Khuyến đã tự đánh giá nghiêm khắc, chính xác về bản thân ông:

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Ta chẳng có giá trị gì, ta chẳng làm nên công cán gì, ta bất lực, ta vô dụng, ta chỉ là một thứ đồ chơi không hơn không kém. Nguyễn Khuyến đã rất thành thật với chính mình! Những tri thức, những hiểu biết do học vấn mà có chẳng giúp gì cho Nguyễn Khuyến. Nó đã lỗi thời. Những tứ thư, ngũ kinh, những câu chữ của Khổng, Mạnh đã trở nên vô dụng với đương thời. Cái bằng Tiến sĩ Nho học đã trở nên vô giá trị. Nguyễn Khuyến chắc là buồn lắm, buồn vì bất lực, buồn vì không thực hiện được hoài bão, buồn vì tình thế đất nước mỗi ngày mỗi xấu đi, … Qua đó, ta thấy nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến. Những kẻ tầm thường, với cái bằng Tiến sĩ vô dụng ấy, cũng rất có thể kiếm được một chức vụ cao, bổng lộc hậu hĩnh, vinh thân phì gia. Nguyễn Khuyến không thể là một kẻ tầm thường như thế.

Tóm lại, “Ông Nghè tháng Tám”, theo tôi, là một bài thơ tự trào. Nguyễn Khuyến đã rất mực chân thành, nghiêm khắc khi tự đánh giá về bản thân và qua đó gián tiếp đánh giá cả nền giáo dục cũ: vô dụng, vô tích sự. Bài thơ cũng đã biểu hiện kin đáo nỗi lòng của Nguyễn Khuyến: luôn ưu tư, nghĩ ngợi, luôn chọn lựa một cách sống, gắn bó thiết tha với cuộc đời, với thời cuộc, với quê hương, với đất nước.

Ninh Thuận, 25-02-2015



VVM.17.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .