Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




"SỐNG CHỤ SON SAO"
MỘT TÁC PHẨM THƠ ĐẶC SẮC
CỦA DÂN TỘC THÁI


Tác phẩm thơ “Sống Chụ Son Sao” (Tiễn Dặn Người Yêu) là một hòn ngọc quí trong di sản văn hoá dân tộc Thái. Nó mang trong mình đầy đủ những yếu tố làm nên thuộc tính văn học: Tính hình tượng, tính ví von, tính bậc thang đặc biệt là tính nhân văn diễn tả hết tầm những màu sắc của tình yêu, những diễn biến của tâm lý, tình cảm của con người. Tác phẩm Sống chụ son sao đã đưa trạng huống tình yêu nhất thời thành tình yêu muôn thưở…

     C ầm trong tay tập truyện thơ của dân tộc Thái: Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu) bất kỳ ai yêu văn học dân tộc, quí trọng văn học dân gian đều có một lời chung: Đây là một kiệt tác của văn học trữ tình. Một kiệt tác được viết lên từ cuộc sống thực tại của những con người lao động chân chính và khát vọng được sống, được hạnh phúc. Sống để yêu, yêu người đến tận cùng của tấm lòng, của trái tim.

1846 câu thơ trong “Sống chụ son sao” đó là một thiên tình sử bi hùng của các cô gái, chàng trai Thái ở thế kỷ XVII miền Tây Bắc tổ quốc Đại Việt xưa núi non chập chùng, bao la hùng vĩ với nhiều dân tộc sinh sống. Đối với dân tộc Thái là dân tộc sống quần cư đông đúc ở các thung lũng, sườn núi thấp. Từ đó hình thành một nền văn hoá mang bản sắc riêng. Nằm trong bối cảnh một xã hội bị phân chia giai cấp đến sâu sắc, phân biệt giàu nghèo đến nghiệt ngã… Cộng đồng của người Thái Tây Bắc cũng bị những luồng tư tưởng của xã hội phong kiến thổi vào và làm biến dạng nề nếp sinh hoạt, tình cảm của con người. Biết bao những trái tim, khối óc bị tác động mạnh mẽ và bị chế ngự trong trong đời sống, tâm trí của giai tầng làng, bản. Chế độ phong kiến cổ hủ, lạc hậu nó như vòng kim cô đối với những ai có ý định, tư tưởng và khát vọng vươn lên vượt qua nó.

Nội dung cơ bản của truyện thơ “Sống chụ son sao” là câu chuyện ngang trái của tình yêu lứa đôi ở một bản, một làng song nó cũng là toàn cảnh của xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Đôi trai gái ấy sinh ra, lớn lên trong môi trường trong sáng, núi non mây ngàn, suối trong xanh thơ mộng và tình mẫu tử… Họ hiểu nhau từ thưở còn thơ, khi thành anh, thành em họ đã yêu nhau một cách tự nhiên:

Đôi ta như gốc cải xanh, như tàu dong mượt
Công mẹ cha nuôi lớn cùng thời
Yêu nhau thưở mới ra đời
Trao duyên, gửi nghĩa từ hồi còn thơ
(Câu 80)

Cô gái Thái như hoa ban đầu núi, chàng trai Thái như cây gỗ cứng đầu non. Gió ngàn, trăng sao, mặt trời, con suối và cỏ cây là minh chứng cho tình yêu cùng năm tháng:

Đôi ta ngồi khuống tận khi gà gáy
Đeo mộng về nhà lúc xế vừng trăng
(Câu 90)

Và đã nặng ước thề:

Tình đôi ta nhuyễn chặt
Chung trái tim không thể xẻ đôi
(Câu 91)

Song bởi còn quá trẻ, quá thơ ngây họ không hiểu rằng trời cao (then), cha mẹ mới là người quyết định. Họ chỉ mang máng sợ sệt vô hình:

Yêu nhau sợ then không thương
Then thương sợ trời cao không giúp
Trời giúp sợ mẹ cha không ưng
(Câu 100)

Và điều mơ hồ ấy trở thành sự thật. Cha mẹ cô gái nhất định không gả cô cho người cô yêu chỉ vì chàng trai ấy quá nghèo:

Đôi ta yêu nhau lấy gì gửi mặt
Gửi bạc nén? Nhưng anh của khó nhà không!

Cha mẹ cô gái đã nhận lễ, nhận trầu, nhận thuốc, nhận bạc của người giàu có. Nhưng trái tim cô gái, cái “vía” của cô gái đã thuộc về chàng trai nghèo ấy rồi. Bi kịch của tình yêu bắt nguồn từ đó. Tâm lý, tình huống xung quanh một tình yêu bất thành mà nên một áng văn học dân gian tuyệt vời.
Cô gái Thái chăm chỉ, nết na say mê lao động và luôn tâm tưởng tới người mình yêu ngay lúc bị gả bán nào có hay:

Cha mẹ ưng khi gả em khi còn trên nương
Khi em đang ngoài ruộng
(Câu 220)

Cô vẫn nghĩ rằng mọi việc cô làm có một phần dành cho người cô yêu dấu:

Em tuốt dao chặt củi
Chặt củi, chặt củi dâu
Sắp củi, sắp cho bõ gánh
Kếm củi, kiếm hai bó
Một bó để mẹ yêu ninh xôi
Một bó cho mẹ yêu nấu rượu
Một bó dành nhen lửa sàn hoa
Lửa sàn hoa để bạn trai xa hơ áo
Em chẻ đóm chờ mồi thuốc anh yêu…
(Câu 230 - 235)

Theo tục lệ cổ xưa của dân tộc Thái: Con gái khi được gả bán cho nhà trai được ở lại nhà mình một thời gian từ 3 năm đến 6 năm. Trong thời gian ấy, chàng trai phải sang ở dể nhưng nằm riêng một gian, mắc riêng một màn, ăn riêng một mâm như khách. Người Thái gọi thời kỳ này là dể quản.
Thời gian ở dể quản để thử thách cả trai và gái. Nếu sau 3 năm trở lên không có sự biến gì hai người sẽ được làm lễ chung màn, chung đệm. Chàng trai chính thức thành dể và cô gái lúc ấy mới búi tóc ngược thành gái có chồng.

Đặc điểm của phong tục này chính là điều kiện về thời gian để cô gái càng nhớ nhung, luyến tiếc, day dứt về người mình yêu say đắm mà không nên vợ, nên chồng. Đồng thời chàng trai nghèo hy vọng mình sẽ làm ra trâu, ra bạc trắng, ra vải để “chuộc” lại người yêu thương. Những tháng năm ấy, đôi trai gái yêu nhau từ thưở còn thơ luôn luôn tâm tưởng về nhau ngay trong từng việc làm, từng đêm, từng ngày. Nhìn đâu, ở đâu cũng thấy “vía” anh yêu, em yêu:

Em trở về em gọi
Về nhà thôi vía hỡi
Về với cây sào dang vắt khăn
Về với cây sào lăn vắt áo
Về giã gạo hai cối bữa chiều
Về giã gạo thêm cơm bữa sáng
Về nằm đệm nẹp đen
Về nằm đệm nẹp đỏ
(Câu 245)

Và da diết gọi trong lòng:

Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau
Đừng ngủ sau gốc sậy
Hỡi vía anh yêu về nhà theo nhau
(Câu 250 - 255)

Vì quá yêu, biết rằng mình đã bị gả bán cho người khác. Song cô gái nào có quên được lời thề cùng nhau trước non ngàn, suối sâu cùng trăng sao:

Yêu em, anh quyết được
Đã thương nhau quyết lấy
Bởi vì:
Tình đôi ta nhuyễn chặt
Chung trái tim không thể xẻ đôi

Dù chàng trai có phải đi kiếm lúa ngoài đồng, đi kiếm cá ngoài sông cũng đặng. Song hy vọng của đôi trai gái ấy nào có được bởi mẹ cha là “đấng tối cao” mất rồi. Đến mặt trời kia còn phải “khuất mây mờ, khuất núi” nữa là thân phận làm con:

Mặt trời quấn ngọn tre, ngọn bương sắp tắt
Mặt trời lặn, mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ
Mặt trời khuất mây mờ, sập tối
(Câu 230)

Hình ảnh mặt trời ở đây tượng trưng cho tình yêu lứa đôi của nam nữ dân tộc Thái xưa. Tình yêu tha thiết, cháy bỏng, đắm đuối của họ cũng như thế mà thôi. Cô còn biết làm gì ngoài khóc:

Ngẩng lên hàng lệ rưng
Nước mắt rơi đầm gối
Hàng lệ tuân thấm đệm
Ngày rồi đêm héo hắt khóc dòng
(Câu 180)

Cô gái hoảng loạn, chạy hết chỗ này, chỗ khác gào thét, kêu cứu:

Giúp cháu với, bác trai bác gái nhà trên
Giúp cháu với, ơi chú ơi thím nhà dưới
Giúp tôi với, hỡi chị em dâu dể trong nhà
(Câu 330 - 335)

Song tất cả đều vô vọng, mọi người đều ngoảnh mặt đi. Đến cả con chim cu cũng phải cất tiếng khuyên:

Nghe con chim cu, trên ngọn cây cúc cu
Cũng đừng khóc nữa cô ơi!

Bởi vì:
Cây tre nó thành giấy Cây nứa nó thành ống
Con gái thành nàng dâu
Bố gả chồng cho, đừng chối, cô à!
Kiếp gà cỏ, chớ chọn cành đậu
(Câu 350)

Chỉ còn một cách duy nhất đó là nghe lời cha, lời mẹ, chịu sự sắp đặt của then bởi cha mẹ cô đã nhận lễ, lời cha mẹ cô đã buông rồi:

Lời đã trao, lời liền như chiếc chiếu
Lời chắc đanh như dao sắc chặt dong
(Câu 365)

Cô gái biết dẫu có van xin cha mẹ cũng không buông thả. Cô đau đớn nghĩ mình như con sâu, con bọ:

Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa
Bằng con chẫu chuộc thôi!
(Câu 370)

Số phận, tình duyên của người con gái Thái ngày xưa nó cay đắng, nghiệt ngã như thế đó. Cô cố vùng vẫy, muốn tìm lối thoát nào đâu có thoát nổi. Muốn vượt qua khuôn khổ, tập tục, lễ giáo nào có vượt được qua. Cô đành phải chấp nhận, ngã gục trước số phận, sự sắp đặt:

Em bỗng thành vợ người nghĩa nặng
Bỗng thành rau của người nghĩa dày
(Câu 395)

Thôi đành ngậm ngùi cất các kỷ vật của người yêu xưa:

Phút giây Pí Pặp chồng dắt lên đầu gianh
Pí Lảo cài trong kẽ mái

Để sống với người mình không thương, không yêu. Sống trong đớn đau của tâm hồn đến tột cùng:

Máu không rớt mà đau tận ruột
Máu không rơi mà buốt tận tim
(Câu 410)

Để đợi chờ những ngày tháng nhưng chưa “búi tóc ngược” mong người yêu cũ làm lụng khá giả trở về “chuộc” cô ra khỏi cuộc tình duyên ngang trái này:

Em vẫn ngồi cạnh thang em đợi
Em vẫn ngồi đầu cối em mong
Đợi anh về, vò võ ngóng trông
(Câu 535

Bởi cô đã quá yêu rồi, không dứt nổi:

Trái tim con còn bện chỉ xe đôi
Người đi xa nhưng vía quấn không rời
(Câu 540)

Lòng cô vẫn nhủ thầm, nhắn thầm qua gió với người tình cũ dù chẳng được ở gần nhau nữa:

Bạn tình xưa đã về nhà chồng
Nhưng trái tim lớn em còn treo đó…

Đúng quả thật là một tình yêu cháy bỏng, đam mê và quyết liệt.
Nói về chàng trai, người cô yêu nào có sung sướng gì. Anh ra đi ôm trong lòng nỗi phẫn uất bởi cảnh nghèo mà mất bạn tình, mất người yêu, mất vợ yêu. Ra đi chỉ biết để lại bạn tình lời hẹn hò vô vọng, mong manh, lời dặn vời vợi không hạn định:

Vải năm trăm, anh sẽ cởi em ra
Dù thành vợ người ta, cứ xẻ lòng chờ, em ạ!

Lời dặn người yêu của chàng trai Thái nghèo ấy, chính là đỉnh điểm, là cái hay nhất của Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu). Họ không nghĩ đến năm tháng ngắn dài, không sợ sự tàn phai của thiên nhiên. Tình yêu ấy sống mãi, sống mãi trong tâm tưởng của hai người:

Mùa hoa bưởi, ngắt hoa bưởi ngồi mong
Mùa hoa vông, ngắt hoa vông ngồi đợi
Mùa hoa mạ, ngắt hoa mạ ngồi chờ
Hoa sắp héo, sương mai em nhúng
Hoa sắp tàn, khăn đào em gói
Hoa gói khăn đào, hai mươi năm không phai
Mười chín đời tạo quan vẫn thắm…
(Câu 570 - 575)

Yêu nhau đến thế thì thôi bởi không lấy được nhau mà tình yêu lại càng đẹp rực rỡ hơn, thuỷ chung hơn:

Yêu nhau, yêu chọn đời gỗ cứng
Yêu nhau, yêu chọn kiếp đến già
Ta yêu nhau, tàn đời gió, không rung không chuyển
(Câu 1045)

Dù rằng phải “gẫy trúc, lìa loan” ngậm ngùi chia phôi gửi lại bạn tình, gửi lại hồn vía mình trong những kỷ vật thiêng liêng. Mong rằng đời sau, kiếp sau sẽ lại được bên nhau. Hy vọng và chỉ hy vọng thế thôi:

Đôi ta yêu nhau, anh gửi em chiếc đàn môi đồng
Còn thương anh, đàn môi đồng nhớ mãi
Duyên mai sau, đàn môi đây, hãy nhận lấy người
Cất kỹ trong lòng, em ơi, đừng nhầm lẫn, nhận sai.
(Câu 585)

Yêu đến tận cùng của trái tim, đến tận cùng của tấm lòng. Tình yêu ấy từ cụ thể một lứa đôi đã trở thành điển hình cho vạn lứa đôi. Đó cũng là một thứ tình yêu mẫu mực của bao chàng trai cô gái Thái không bị dàng buộc bởi của cải, vật chất. Tình yêu không thành, đó cũng là tiếng kêu thét của những con tim trước sự hà khắc của tục lệ cổ hủ. Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu) là một thiên tình sử bi hùng của dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc xa xưa. Là sự tố cáo, lên án một tập tục, lễ giáo phong kiến đã làm thiêu cháy khát vọng của tình yêu lứa đôi, hạnh phúc ấm êm đáng lẽ họ phải được hưởng. Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu) là một tác phẩm văn học dân gian, là một áng thơ đặc sắc của dân tộc Thái bởi lời lẽ dung dị, ngôn ngữ chắt lọc, trong sáng và gần gũi với cuộc sống của bà con dân tộc Thái Tây Bắc.
Lời thơ hồn nhiên như mây bay đầu non, ngôn ngữ trong sáng như nước suối đầu nguồn, đẹp như hoa ban dưới ánh mặt trời… Lấy cách tả cảnh nói hộ nội tâm, lấy hình tượng nói lên ý lòng, lấy ví von lột tả tâm trạng, cảm xúc. Các cô gái chàng trai miền xuôi khi yêu:

Yêu nhau ngồi đếm sao trời
Bao nhiêu sao mọc bấy lời trao nhau.

Còn các chàng trai, cô gái vùng cao thì gần gũi hơn, mộc mạc hơn, nhưng ý nhị cũng có nào kém:

Lời đã trao thương không lạc mất
Như bán trâu ngoài chợ
Như thu lúa muôn bông…

Trong Sống chụ son sao ta thấy thiên nhiên, con người hoà làm một gắn quyện với nhau. Phong cách lấy “ý tại ngôn ngoại” ấy cũng là đặc trưng của thơ ca trữ tình Việt Nam. Chính vì nội dung, nghệ thuật như vậy, cho nên đồng bào dân tộc Thái giữ gìn, trân trọng “Sống chụ son sao” như người Kinh đối với kiệt tác “Truyện Kiều” vậy.

Sống chụ son sao kết tinh từ tình yêu đẹp, từ nỗi buồn, từ nước mắt khổ đau của con người. Nó thấm đẫm tính nhân văn là qua tình yêu để lên án một xã hội, một chế độ, một tập quán cổ hủ, lạc hậu trói buộc, chế ngự con người.

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu) là tiếng kêu vang của những con tim muốn yêu, được yêu và khát vọng hạnh phúc dù trong cuộc sống còn đầy thiếu thốn, lo toan của những người lao động chân chính. Giá trị văn học vượt qua một tác phẩm thơ dân gian của Sống chụ son sao chính là ở chỗ đó.




VVM.03.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com