Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NƠI THỜ TIẾN SỸ, THƯỢNG THƯ
NHỮ VĂN LAN

T ại Làng Nam Tử 1, xã Kiến Thiết , huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có các điểm di tích lịch sử: Tại khu mả Nghè, phần mộ của Tiến sỹ Thượng thư Nhữ Văn Lan, cùng phu nhân là Vương Thị Nhuận, con gái là Nhữ Thị Thục; Từ đường họ Nguyễn-Nhữ; và nơi thờ Tiến sỹ Nhữ Văn Lan.
     Cụ Nhữ Văn Lan, sinh năm Canh Tý (1443), năm Quý Mùi, Quang Thuận (1463) đời Lê Thánh Tông, thi đậu Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ, vừa tròn 20 tuổi, làm quan thanh liêm, tài giỏi, được thăng chức Thượng thư Bộ Hộ. Năm 60 tuổi – Năm quý Mão (1503), cụ xin hưu nghỉ tại An Tử Hạ, tổng Hán Nam. 20 năm sống tại quê nhà cụ hướng dẫn dân làm thuỷ lợi, cầu cống, cấy trồng... Cụ mất năm Giáp Thìn (1523), thọ hưởng 80 tuổi.
     Cụ được thăng Phúc đẳng thần, dân làng Nam Tử 1 thờ làm Thành Hoàng. Đình được xây cất ngay trên phần đất ở trước đây của Cụ, còn có tên là Đình Đông .
     Thời kháng chiến chống Pháp, Đình bị đốt phá. Năm 1981 dân làng dựng lên gian nhà trên nền hậu cung cũ để thờ Cụ.
     Bên trong có tấm đại tự ghi: “Nhữ tướng công từ”, cửa vào ghi: “Nhữ tộc từ đường”, và hai câu đối: “Di tích lưu truyền thiên cổ tại/ Trung tư phụng sự vạn niên hương”.
     Ngày 19 tháng 10 âm lịch hàng năm, là kị nhật Nhữ tướng công và phu nhân.
     Khu di tích hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Phải khó khăn men theo bờ ao, ngõ hẹp vào được. Ngôi nhà cấp 4 khoảng 15-16 m2, nấp sau vườn cây xơ xạc, đất cỗi cằn, phía trước là khoảng đất bỏ hoang cỏ mọc, với phế tích những tảng cột, móng tường gạch cũ. Quanh viên phía trước là ao nước, nơm xơm cỏ leo, ếch nhái nhảy.
     Nghe một vị bảo quản nơi này, rằng: Khuôn viên này, trước đây rất rộng, là sân Đình thường năm kiệu rước lễ hội, ngõ đi thông thoáng. Người ta đào đất nung gạch, nên bây giờ nham nhở hoang nước thế này...
     Vào trong gian thờ, trên tam cấp, là chiếc ngai gỗ thếp vàng, và bức ảnh Nhữ Tướng công, đội mũ cánh chuồn, áo gấm vàng, khuôn mặt rạng rỡ, đôn hậu, phía dưới là hai bát hương nhỏ, không còn đồ thờ cúng nào nữa.
     Nền nhà sát với bàn thờ là một tấm bia đá hình trụ, cao khoảng 1,1m rộng 0,45m; mặt tiền bị nhiều vết đạn làm mất một số chữ trên bia, tạm dịch được về Sự nghiệp công danh đỗ đạt và thượng đẳng thần của Nhữ tướng công là Thành Hoàng được thờ tại đây. Đây là bia được dựng sau khi Nhữ tướng công mất, và được phong Thành Hoàng, phù hợp với hai mặt bên, nói về ngày tế lễ và nghi thức tế lễ...còn mặt sau bia dựng vào sát tường không xem được.
     Một không gian hẹp tối, ẩm ướt, lạnh lẽo, bụi bặm, buồn quạnh... Chỉ cách một con sông nhỏ, chừng 4-5km, là Xã Lý Học, một khu tưởng niệm hoành tráng rộng hàng chục héc ta, có tượng cao chừng chục mét, phù điêu rộng khoảng trăm mét vuông, quảng trường, nhà thờ, khu tưởng niệm, bảo tàng, hội thảo, vườn tượng, cây xanh, thảm cỏ, bến bãi... Sầm uất nườm nượp thập phương người, xe cộ vào ra, lễ viếng, tham quan...Có thể nói, nơi đây là nơi thờ Danh nhân, hoàn hảo, đẹp nhất Việt Nam. Đó là nơi thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cháu ngoại của Cụ Nhữ Văn Lan!
     Với tâm thức người Việt Nam, như có cái gì đó cứ cấn cá trong tâm...
     Cháu ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm không muốn vậy.
     Ông ngoại Nhữ Văn Lan không nghĩ vậy.
     Nhưng người đời này sao làm vậy!.
     Bởi vì, khi mẹ Nhữ Thị Thục mất cũng được đưa về an táng cạnh ông bà ngoại tại khu mả Nghè ở làng An Tử Hạ. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn cho người con trai thứ 7 là Nguyễn Ngọc Liễn dẫn người cháu nội, đầu đội bát hương có ghi bài lô hương kí về An Tử Hạ, lập nghiệp sinh sống, lập Từ đường họ Nguyễn tại quê ngoại, để chăm nom mồ mả và thờ cúng ông bà ngoại cơ mà. Hàng năm dòng họ Nguyễn - Nhữ phối hợp tổ chức tế lễ chu đáo.
     Ông ngoại Nhữ Văn Lan không nghĩ vậy: Nguyễn Bỉnh Khiêm là cháu ngoại mình, hằng mong cháu khoẻ mạnh, lớn khôn, học hành thành tài sau giúp đời, giúp nước. Thực tế thì Cụ Nhữ Văn Lan đã nuôi dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay từ khi mới 3 tuổi. “Năm Quý Sửu (1493) bà Nhữ Thị Thục đưa con về quê ngoại, khi Đạt mới 3 tuổi, xin nhập môn nam thiên thánh tổ đại pháp thiền sư bản tự (chùa Bảo Khánh tự) và ông ngoại Nhữ văn Lan nhờ giáo dưỡng”. “Phu nhân hồi An Tử Hạ, Ỷ phụ thân giáo dưỡng Đạt nhi tam tuế”. Với Cụ đường đường Tiến sĩ, Thượng thư, được Vua yêu, dân trọng, tôn thờ Thành Hoàng làng, mà còn sinh ra dòng họ Nhữ danh tài, với 11 đời khoa bảng tại Hoạch Trạch, phủ Bình Giang, trấn Hải Dương. Tiêu biểu có Nhữ Đình Hiền, được Vua cử đi Xứ Trung Hoa, sau thành Tổ nghề làm Lược ở An Nam. Đền thờ Nhữ Đình Hiền đã được nhà nước xếp hạng “di tích lịch sử”; mà còn sinh ra Nhữ Thị Thục, người phụ nữ tài danh sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm, được sử sách ghi nhận là người nuôi dạy và có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trạng Trình.
     Còn người đời nay...xin được nói ngay đến các nhà chức năng, nhà chức trách. Các vị cũng đã có thể nhiều lần đến nơi đây, sớm đến nơi này lần nữa, để được làm một cái gì đây để xứng tầm chức trách của mình với “kho báu di sản” không thể có hai ở Việt Nam mình. Mọi sự trễ nải, vô tình, hay vì lý do nào khác...cũng có thể cho là vô trách với tiền nhân, với lịch sử.-./.




VVM.29.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .