Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


CUỘC SỐNG QUANH TA
– LIÊN TƯỞNG VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC -

  


N hư chiếc nồi súp de sôi sùng sục,cuộc sống quanh ta không ngừng tràn đầy tiến lên.Nhiều chuyện vui,nhưng cũng lắm chuyện buồn truy bức thần kinh con người.Gần đây chúng ta rất đau lòng khi xã hội xảy ra khá nhiều vụ bạo lực thảm sát đẫm máu kinh hoàng - cúi xuống nhận diện thi thể chẳng ai khác là đồng loai,đồng chủng - là những người thân yêu…

Trong tháng 02/2024 xảy ra ba vụ giết người cực kỳ man rợ - người chết không toàn thây !

-Vụ thứ nhất : Tin từ Công an tỉnh Vĩnh Long (tối 9.2.24), cho biết, đang tạm giữ hình sự Trương Văn Út (46 tuổi, quê Cà Mau, tạm trú xã Mỹ Thạnh Trung, H.Tam Bình, Vĩnh Long) - do mâu thuẫn tình cảm dẫn đến ẩu đả, Út dùng kéo đâm bà T.T.D (62 tuổi, vợ Út) tử vong. Sau đó, Út dùng dao bầu phân xác và ném các phần thi thể nạn nhân xuống sông - cẳng chân (từ khớp gối) và 1 bộ phận nội tạng, phần đầu và 1 cánh tay đang trong giai đoạn phân hủy trôi trên sông thuộc ấp Mỹ Phú 3, xã Mỹ Thạnh Trung, H.Tam Bình .

-Vụ thứ hai xảy ra tại nhà trọ ở địa chỉ 103/18 Quang Trung, KP.5, P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức vào ngày 8.2.24 , Nguyễn Đăng Khoa dùng hung khí tấn công dẫn đến cái chết của chị Th – tiếp đó thực hiện hành vi hiếp dâm với nạn nhân; chiếm đoạt tài sản lắc tay ,nhẫn vàng, dây chuyền, bông tai và 3 triệu đồng.Để che giấu hành vi phạm tội,Khoa đã dùng dao phân tử thi nạn nhân, bỏ vào túi ni lông đen, đem đi phi tang tại khu vực bụi cây rậm rạp ven đường nội bộ Khu Công nghệ cao TP.Thủ Đức (thuộc P.Tăng Nhơn Phú A).

-Vụ thứ ba - Khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày 19-2-24, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã bắt giữ H.M.H. (20 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang; là nghi phạm sát hại cô gái trẻ) và phát hiện thi thể chị L. tại một khu trọ thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy.

Trước đó là nhiều vụ lẻ tẻ :

14/08/2023 - con ruột T.V.P đã có hành vi ngược đãi mẹ cụ T.T.K. - đánh sưng mặt, bầm tím trên người - (quận Cẩm Lệ,TP Đà Nẵng )

28/11/2023 - Do mâu thuẫn sinh hoạt, trong khi cãi vã với mẹ, Dũng đã dùng búa đập khiến bà H. tử vong - (quận Ngô Quyền ,TP Hải Phòng)

14/1/2021 - do mâu thuẫn em Phan Thanh L.- Nam sinh lớp 11 trường THPT Lang Chánh, Thanh Hóa, khi vừa tan học ra tới cổng trường thì bất ngờ bị Nguyễn Bá Thuận cầm một cây gậy sắt vụt thẳng vào đầu trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.

Ngày 3/3/23 - nam sinh T. (lớp 10A1, Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk) bị 3 học sinh khác đấm đá trong nhà vệ sinh.

Ngày 12/3/23, video dài hơn 5 phút ghi lại cảnh hai nữ sinh túm tóc, đánh nhau ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh. Hai nữ sinh được xác định là học lớp 10 của Trường THPT Phan Đăng Lưu (Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)

Ngày 30/10/2021 - Nam sinh lớp 12 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) do mâu thuẫn từ trước - tan tường ra đến cổng - bị Phan Quốc Khánh (SN 2002) và Phan Hoài Giang Hoàng (SN 2004) lao đến dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào người, sau đó dùng chân đá cho đến khi nam sinh này bị ngã xuống đường…

Thông tin báo chí mạng ngày nay rất trung thực kịp thời.Day dứt trong tôi câu hỏi tra vấn trách nhiệm “nhà giáo”: Người với người sống để yêu nhau - Chữ hiếu đâu rồi ? Tình người đâu rồi ?

Nhìn tổng thể chúng ta thấy nổi cộm lên vai trò của giáo dục và trách nhiệm của toàn xã hội.Câu chuyện cũ lắm rồi - từ những năm đầu sau 75 sang thập niên 80,90,tôi đã có dăm bài viết đề cập đến - gọi là “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” - chứ nào dám phản biện,phản biếc gì ! (diễn đàn các báo Tp HCM – Tên thật PVT - Phan Phạm Mê Linh).

Mục tiêu giáo dục VN sau 75 là chuỗi kéo dài từ Bắc vào Nam “đậm” chất chính trị phục vụ cho mục đích đào tạo “vừa hồng,vừa chuyên”. Luật Giáo dục 43/2019/QH14 - Hà Nội,ngày 14 tháng 6 năm 2019, đã khẳng định :

(Điều 2) Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

(Điều 3) Tính chất, nguyên lý giáo dục

1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

2. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội…

Chủ nghĩa nhân văn một hệ giá trị trong lịch sử tư tưởng nhân loại - nền tảng của tình yêu thương, khơi dậy những khát vọng tốt đẹp, tôn vinh phẩm giá con người dường như mờ nhạt hoặc được cắt nghĩa lẫn lộn trong những khái niệm “nhân dân, dân tộc, khoa học”- ẩn trong các điều luật Giáo dục.

Chúng ta biết rồi đó - Yêu tổ quốc, yêu quê hương,làng xóm - (kể cả có yêu Chủ nghĩa nào chăng nữa)- tất cả bắt buộc phải xây dựng trên khối đế bê tông vững chắc là : Yêu gia đình bởi gia đình là yếu tố cốt lõi của quốc gia. Có yêu thương gia đình mới biết yêu thương Tổ quốc. Gia đình Việt Nam là nơi kết tinh nhiều tình thương. Trước nhất, con cháu nhớ ơn tổ tiên và kính trọng ông bà: Con người có tổ có tông/ như cây có cội như sông có nguồn; Yêu thương cha mẹ: Đêm đêm ra thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con; Tình yêu thương thắm thiết giữa vợ chồng: Có chồng thì phải theo chồng/ Đắng cay cũng chịu mặn nồng cũng vui. Tình anh em ruột thịt: Chị ngã,em nâng – Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc,dở hay đỡ đần – Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau …

Giáo dục nhân cách học sinh được tích lũy từ những cái nhỏ nhặt gần gũi trong đời thường(ngôi nhà,sân vườn,cây trái,vật nuôi gia cầm,con đường đến trường,hình ảnh ông bà, cha mẹ …).Những hạt mầm yêu thương được gieo cấy hồn nhiên – chính nó nâng dần theo tư duy,tâm lý phát triển sẽ là nền tảng cho những khái niệm về quê hương,làng xóm,tổ quốc,dân tộc).

Chúng ta đừng cường điệu trẻ con một cách phi lý,phản khoa học - tôn vinh nó “vĩ đại” để rồi nạp vào đầu chúng nó những khẩu hiệu “quá sức”!

Tôi rất đồng tình với tác giả Trần Hoài Anh (1): “Giáo dục tính nhân văn cho thế hệ trẻ, mà cụ thể là học sinh và sinh viên trong trường phổ thông và đại học là một vấn đề không mới nhưng cũng không bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh mà sự suy thoái đạo đức xã hội, trong đó có đạo đức ở nhà trường đang là vấn đề làm nhức nhối lương tri những người tử tế. Vì thế, đặt vấn đề giáo dục tính nhân văn cho thế hệ trẻ nói chung và học sinh, sinh viên trong nhà trường nói riêng là một vấn đề không những có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, giúp chúng ta có cơ sở lý luận và thực tiễn để giải quyết một vấn đề bức xúc, đang đặt ra cho nền giáo dục nước nhà hầu lấy lại vị thế nhà trường trong niềm tin của nhân dân. Bởi, “dù bất cứ học đến bậc học nào, mục đích của giáo dục vẫn phải là giúp tất cả mọi người trở thành người tốt, người đã được phát triển về khả năng cũng như đạo đức, dù khả năng đó ở mức độ nào…”Và mục đích cao cả ấy, chỉ có thể thực hiện được khi nhà trường luôn quan tâm đến việc giáo dục tính nhân văn cho học sinh, sinh viên qua nội dung chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, một nhân tố luôn gắn với việc nghiên cứu, học tập và hình thành nhân cách văn hóa của người học, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả tương lai của quá trình giáo dục…”

Nền Giáo dục miền Nam trước 1975 ít nhiều thể hiện tính nhân văn sâu sắc - chú ý vun bồi phẩm chất truyền thống dân tộc - định hình tính cách con người – nhân tính cũng từ đó được xác lập,hình thành - và, chính nó sẽ làm công việc “điều chỉnh” hành vi con người.

Xem lại những tiêu chí giáo dục tiểu học trước 75 ở miền Nam (2)

-“ Chương trình môn Đức dục các lớp đầu cấp tiểu học – (lớp Năm, Tư, Ba tương đương lớp 1,2,3) - Tập đọc và học thuộc lòng những bài hay và ngắn, bằng văn xuôi hoặc văn vần có tính cách luân lý, thiết thực - chuyên chú nhấn mạnh đến các bổn phận:

- Với bản thân : Sạch sẽ, thứ tự, ăn uống điều độ, thành thực, vui vẻ, bạo dạn.

- Với gia đình cha mẹ,anh,chị em : Sự tưởng niệm tổ tiên - Các ngày kỷ niệm trong gia đình - Bổn phận đối với người trong họ -Tình gia tộc – Đoàn kết,hòa hợp - Cách đối đãi với gia bộc-(người giúp việc) phải nhân từ, độ lượng, tử tế.

- Ở học đường : đối với thầy học: yêu mến, tôn trọng, vâng lời, biết ơn. - với bè bạn: giúp đỡ lẫn nhau, nghĩa đoàn thể trong bè bạn, bênh vực kẻ yếu, không ghen ghét, không thóc mách.

- Với người ngoài : Lễ phép. Thương kẻ khó, kẻ tàn tật.

Nhiều bài học thuộc lòng tạo ra hiệu ứng cảm xúc cứ ngân nga - nẫy mầm trong đầu trẻ ,mà nhiều người mãi đến bạc đầu vẫn còn nhớ :

Ví dụ

Mẹ dạy con gái ;

“Con ơi mẹ bảo đây này,
Học buôn học bán cho tày người ta.
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
Dù no, dù đói cho tươi,
Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan.
Phòng khi đóng góp việc làng,
Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng.
Trước là đắc nghĩa cùng chồng,
Sau là họ mạc cũng không chê cười.
Con ơi, nhớ bấy nhiêu lời!”

“Gia huấn ca (3) của Nguyễn Trãi - dạy con trẻ ăn ở cho có đức :

“Lấy điều ăn ở dạy con,
Dẫu mà gặp tiết nước non chuyển vần.
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người quan quả, cô đơn,
Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây "cần kiệm" gọi là làm duyên
May ra ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng; ngày đói tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.
Của là muôn sự của chung,
Sống không, thác lại tay không có gì”

Kết lại “Hiền,dữ phải đâu là tính sẵn – Phần nhiều do giáo dục mà nên”! (4) Belinxki(1811-1848) chỉ ra :”Giáo dục là một sự nghiệp vĩ đại – Nó quyết định số phận con người” .Và tôi nhớ mãi lời căn dặn của A.X Makarenko(1888-1939): “Chúng ta cố gắng đừng để phải làm công việc đau khổ là “cải tạo”các em.Trường hợp các em đã sửa đổi tốt cũng chưa ai nghĩ đến việc tổng kết tất cả những thiệt hại dù sao cũng đã xảy ra – nếu được giáo dục tốt ngay từ đầu thì người đó đã có thể hưởng nhiều hơn ở cuộc sống – sẵn sàng bước vào đời vững vàng hơn và do đó được sung sướng hơn”.-./.

(Saigon,22/2/2024)
(1)Trần Hoài Anh “ Giáo dục tính nhân văn qua chương trình, sách giáo khoa Quốc văn Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975”- (Nguồn vanchuongviet.org)
(2)thamkhảo Trần Văn Chánh (nguồn:https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/tran-van-chanh/chuong-trinh-giao-duc-va-sach-giao-khoa-thoi-viet-nam-cong-hoa)
(3) “Gia Huấn Ca”của Nguyễn Trãi(1380-1442) - gồm tất cả 6 bài : Dạy vợ con;Dạy con ở cho có đức;Dạy con gái;Vợ khuyên chồng;Dạy học trò ở cho có đạo;Khuyên học trò phải chăm học ..
(4)”Thiện,ác nguyên lai vô định tính,/Đa do giáo dục đích nguyên nhân – trích “Dạ Bán” (Nhật ký trong tù, HCM)




VVM.08.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .