Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



LỄ QUANH NĂM
KHÔNG BẰNG RẰM THÁNG GIÊNG


1- Đặt Vấn Đề :

Tôi cũng chưa tìm được lời giải thích của Tiền Nhân về nguồn gốc câu : "Lễ quanh năm không bằng Rằm Tháng Giêng ?".

Sau Tết Nguyên Đán liên tiếp có nhiều nghi lễ phong tục lọng trọng liên hoàn đã được cử hành suốt từ Tết Ông Táo Công, Giao Thừa, Xông nhà, Chúc Tết, Hoá Vàng ...

Vậy tại sao vẫn lưu truyền trong dân gian câu nói trên ?


2- Vị trí của Lễ Rằm Tháng Giêng trong tâm thức người Việt ?

Lễ Rằm tháng Giêng còn được gọi là Lễ Thượng Nguyên hoặc Nguyên Tiêu. Các công trình kiến trúc cổ còn viết tháng Giêng là Mạnh Xuân (cách tính các tháng xưa như Mạnh- Trọng -Quý, trong đó ví dụ mạnh xuân là tháng giêng, mạnh hạ là tháng 4, mạnh thu là tháng 7, mạnh đông là tháng 10).

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Vũ Văn Kính trong Đại Từ Điển chữ Nôm trang 1132 thì Rằm chữ Nôm có thể viết bằng nhiều cách khác nhau , ví dụ như : lâm ; lâm + ngũ ; nguyệt + lâm ; vọng + ngũ ; nam + lâm . Còn phổ biến trong các từ điển Nôm cổ khác thấy viết chữ Rằm gồm chữ ngũ (5- trên) + lâm (rừng - dưới) .

Còn chữ Nôm viết chữ Giêng bằng chữ Chính hoặc Nguyệt + Chính hoặc Chính + Trinh Theo Từ điển chữ Nôm của Viên Nghiên cứu Hán Nôm , Hà Nội 2006, trang 427 định nghĩa Giêng là tháng đầu năm theo âm lịch. (chữ Nôm viết Trinh hoặc Nguyệt + Chính) .

Đây là cái lễ Vọng (Rằm) đầu tiên của năm , nó rất quan trọng trong tầm thức người Việt . Qua tra cứu sách thì chúng tôi thấy có mấy cách giải thích về Lễ Rằm tháng Giêng :

- Những gia đình khá giả lại ăn Tết nữa. Họ lại gói bánh chưng, và hoa đầo nở muộn lại ra hoa , nên lại chơi hoa đào .

- Những người đi làm ăn xa, cố cúng xong Rằm tháng Giêng mới lại đi xa kiếm ăn.

- Cũng là ăn Tết muộn cho những người thân đi làm ăn xa do tính chất công việc , do " kẹt " tàu ,kẹt xe về quê muộn.

- Cũng là Tết của những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết , sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại . Hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán , được ăn tết " bù " .

- Theo PGS Lê Trung Vũ Rằm là ngày Phật giáng lâm tại các chùa , nên Phạt tử đua nhau đi lễ chùa vào dịp rằm tháng giêng và đó là ngày vía Thiên quan theo các nhà thuật số (cúng sao , dâng sao giải hạn giải trừ tai ách trong năm) .

Như vậy lễ rằm tháng Giêng " đụng chạm " đến đông đảo nhân dân lao động Việt nam . Đó là ngày đoàn tụ ' muộn" của nhiều người con đi làm ăn xa nhà không về kịp vào đúng giao thừa rất thiêg liêng ?


3- Lễ Rằm tháng Giêng đã có từ lâu đời:

Theo sử liệu thì từ thời nhà Trần về trước tổ tiên chúng ta đã có tục lễ rằm tháng Giêng . Lê Tắc trong cuốn An nam chí lược , Huế ,2002, trang 71 có viết : " Đêm nguyên tiêu (rằm tháng giêng ) trồng những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn Quảng Chiếu , thắp đến mấy chục vạn ngọn (đúng là chữ vạn NVH) , sáng rực cả trên trời dưới đất , thày tu đi quanh tụng kinh Phật , các quan liêu lễ bái , goi là " chầu đèn ".

Tục lễ Rằm Tháng Giêng vẫn được duy trì đến nay (có đứt đoạn thời chiến tranh) , nhất là làng quê Việt nam , các cụ Bà thường lập hội , góp quỹ hội , luân phiên dâng lễ ở chùa vào ngày Sóc , Vọng , trong đó có Rằm tháng Giêng .

Bao trùm lên ý nguyện khi làm lễ là "Cầu cho Quốc Thái dân An".

4- Kết Luận :

Ngày xưa thì :

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai trồng đậu , trồng khoai trồng cà

Tháng ba thì đậu đã già

....

Nay nhịp sống quay cuồng " theo quỹ đaọ đồng tiền " - kinh tế thị trường , nên tín ngưỡng dân gian cũng đã " biến thái " đi .

Do cuộc sống càng cạnh tranh ác nghiệt, nhu cầu tâm linh càng mãnh liệt vào ngày Tết , nhiều người ngay giao thừa không chỉ lễ Chùa gần nhà mà đã đi lễ Chùa xa nhà . Nay đường quốc lộ nâng cấp , nhiều gia đình có xe riêng , Taxi công cộng lại chạy suốt dịp Tết . Nên dòng người đi Lễ chùa rất đông. Hội Chùa Hương (Hà Tây) mồng 6 tháng Giêng đã khai hội sớm so với truyền thống xưa.

Hoạt động tín ngưỡng cũng đã " chiều theo nhu cầu " Phật Tử ".

Ví dụ tại chùa P.K. ở gần Ngã Tư Sở Hà Nội cũng đã cúng Rằm Tháng Giêng lệch ngày . Lich cúng của chùa P.K được in phát hành rộng rãi cho Phật Tử là :

. 8 tháng Giêng : 9 giờ sáng khai lễ Thượng Nguyên (đúng ra là vào Rằm tháng Giêng ); và 19 giờ khoá lễ sao La Hầu (dâng sao 50 nghìn đồng VN , giải hạn 70 nghìn đồng VN Phật Tử nộp cho nhà chùa) .

.14 tháng Giêng 19 giờ Đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình (hơn 10 năm nay tôi quan sát đoạn đường ở trước cổng chùa này thường bị tắc nghẽn vì Phật tử tràn ngập ra đường dự Lễ này)

.15 tháng giêng 19 giờ khoá lế sao Thái Bạch

.18 tháng Giêng khoá lễ sao Kế Đô

. 20 tháng Giêng lễ Bán khoán-bố mẹ làm giấy bán con (khó nuôi do ốm yếu /ngỗ nghịch) cho nhà chùa .

Tóm lại Lễ Rằm tháng Giêng cái lễ Rằm đầu tiên trong năm , nên trong tâm linh người Việt rất quan trọng . Nó là dịp để mọi người cầu khấn những khát vọng thầm kín nhất của mình đến đấng " Thần Phật ".

Đây là phong tục tốt đẹp hướng thiện- hướng thượng cần giữ gìn mãi mãi cho muôn đời sau, dù nhịp sống công nghiệp ngày càng vô cùng hối hả - khốc liệt !




VVM.29.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .