T ản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu. Ông thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng. Tổ tiên ông xưa kia có nhiều đời làm quan dưới triều Lê. Cha ông là Nguyễn Danh Kế, thi đỗ cử nhân, làm quan cho triều Nguyễn đến chức Ngự sử trong Kinh nổi tiếng là người có tài văn án trong triều. Tản Đà hấp thụ nền Nho giáo từ nhỏ. 5 tuổi ông học Tam Tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Dương tiết,... 6 tuổi học Luận ngữ, kinh, truyện và chữ quốc ngữ, 10 tuổi biết làm câu đối, 11 tuổi làm thơ văn. 14 tuổi đã thạo các lối từ, chương, thi, phú. Lúc còn học ở trường Quy thức - một trường học thực nghiệm cải cách của Pháp mở ở Hà Nội-.Thời niên thiếu của Tản Đà phần lớn giành cho chuyện thi cử, năm 1909, ông trượt trong kỳ thi hương ở Nam Định. Ông trượt trong kỳ thi hậu bổ. Mùa thu năm ấy, ông lại đi thi hương, nhưng lại trượt. Năm 1913, Tản Đà về Vĩnh Phú làm nghề báo, tờ báo ông cộng tác đầu tiên là "Đông Dương tạp chí" củaNguyễn Văn Vĩnh, phụ trách mục "Một lối văn nôm". Đến năm 1915, ông lấy vợ là con gái tri huyện ở Hà Đông, Nguyễn Thị Tùng. Cũng năm này ông có bài đăng trên "Đông dương tạp chí", qua đó ông có được tiếng vang trên văn đàn. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà là tên ghép giữa núi Tản, sông Đà, và chính thức chọn con đường của một người viết văn, làm báo chuyên nghiệp.
1915 -1926 là thời kỳ đắc ý nhất của Tản Đà. Năm 1915, tập thơ đầu tay của Tản Đà "Khối tình con I" được xuất bản, tiếp theo là "Giấc mộng con" (cho in năm 1917) và một số vở tuồng: "Người cá", "Tây Thi", "Dương Quý Phi", "Thiên Thai" (diễn lần đầu năm 1916 tại Hải Phòng). Năm 1917, Phạm Quỳnh sáng lập ra "Nam Phong tạp chí" , và bài của Tản Đà có trên tạp chí này từ số đầu tiên. Năm 1918, Phạm Quỳnh ca ngợi cuốn "Khối tình con I" và phê phán cuốn "Giấc mộng con I", cả khen lẫn chê đều dùng những lời lẽ sâu cay, Từ 1919 tới 1921, Tản Đà viết một loạt sách; truyện thì có "Thần tiền", "Đàn bà Tàu" (1919); sách giáo khoa, luân lý thì có "Đài gương", "Lên sáu" (1919), "Lên tám" (1920), thơ thì có tập "Còn chơi" (1921). Thời kỳ này ông quen với một nhà tư sản nữa là ông Bùi Huy Tín, cùng nhau du lịch khắp Bắc, Trung kỳ và làm chủ bút "Hữu thanh tạp chí" một thời gian. Năm 1922, Tản Đà thành lập ""Tản Đà thư cục", đây là nhà xuất bản riêng đầu tiên của ông. Tại đây đã xuất và tái bản hết những sách quan trọng trong sự nghiệp của mình; "Tản Đà tùng văn" (tuyển cả thơ và văn xuôi, trong đó có truyện "Thề Non Nước", 1922); "Truyện thế gian" tập I và II (1922), "Trần ai tri kỷ" (1924), "Quốc sử huấn nông (1924), và tập "Thơ Tản Đà" (1925).
Năm 38 tuổi (1926), Hữu Thanh tạp chí đình bản, Tản Đà cho ra đời "An Nam tạp chí" số đầu tiên với tòa soạn ở phố Hàng Lọng. Thời kỳ này ông viết cũng nhiều, các tập "Nhàn tưởng" (bút ký triết học, 1929), "Giấc mộng lớn" (tự truyện, 1929), "Khối tình con III" (in lại thơ cũ), "Thề non nước" (truyện), "Giấc mộng con II" (truyện), lần lượt ra đời.
Năm 1931-1932, Tản Đà có cuộc bút chiến nổi tiếng với Phan Khôi về luân lý và Tống Nho. Năm 1933, khi phong trào Thơ Mới đang nổi lên, Tản Đà là đối tượng chính để những người thuộc phe thơ mới tìm cách đánh đổ. Tờ Phong hóa của Tự Lực văn đoàn rất hăng hái chê ông, chê mọi thứ, từ tính nghiện rượu, nói nhiều lúc say, hay say, cho đến cái mũi ửng đỏ của Tản Đà cũng bị chê nốt. Tên tuổi ông gần như bị đẩy lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho các nhà thơ mới: Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... Phe "thơ mới" sau chiến thắng, đã không còn đả kích Tản Đà. Họ bắt đầu lật lại những gì Tản Đà đã cống hiến xưa nay, họ ca ngợi Tản Đà, xem ông như một ông Thánh của làng thơ....Lúc này sức khỏe của Tản Đà suy yếu, ông giành hết tâm sức cho việc dịch thuật và biên tập. Sự nghiệp của Tản Đà thơ trội hơn dịch thuật, nên nói ông là nói tới rượu và thơ. Năm 1941, Hoài Thanh và Hoài Chân cho in tác phẩm "Thi nhân Việt Nam" nổi tiếng, đã cung kính đặt Tản Đà lên ngồi ghế "chủ súy" của hội tao đàn, ở những trang đầu tiên, như một người mở lối cho thi ca Việt Nam bước vào một giai đoạn tươi đẹp mới.
LƯU LINH VIỆT NAM
Bài thơ Ngày xuân thơ rượu là tuyên ngôn của Tản Đà
Trời đất sinh ra thơ với rượu
Không thơ, không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ
Trong "Tôi với Tản Đà thi sỹ", Phan Khôi viết: “Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà mất thì giờ lắm, tôi không chịu được, nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với ông. ..Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho có thế mới là thú..”
Ngô Tất Tố là bạn thân của Tản Đà, có lần phác họa về con người ông: "Không có tiền thì rầu rĩ, oán trách, rũ người ra như con cú, thế mà một khi có tiền thì lại không muốn làm việc gì hết, chỉ uống và ăn, hết ăn lại uống. Chưa uống thì bảo không có rượu như cái máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào say rồi thì nằm khoèo ra ngủ và lý luận một mình rằng say mà làm việc thì hỏi đời còn có cái gì thú nữa?".
Nhiều văn thi sĨ phục tài rượu, mến tài thơ của Tản Đà, nhưng uống rượu với Lưu Linh là cái mộng không thành.Trong số bạn làng thơ, có nhà thơ Trần Huyền Trân là “có duyên” với Lưu Linh Việt Nam Tản Đà.
Mộng Uống Rượu Với Tản Đà
Trần Huyền Trân
Cụ hâm rượu nữa đi
thôi
Be này đã cạn hết rồi còn đâu!
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Say đâu? Lòng chửa
được đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?
Đường xa ư cụ? Quản chi!
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường...
Rót đi, rót... rót đi thôi
Rót cho tôi cả năm mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình.