Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



(1949-2024)

TRẦN DZẠ LỮ
NƯỚC NGƠ ĐẤT NGẨN, TRỜI MANG MANG SẦU…


T rần Dzạ Lữ tên thật Trần Văn Duận sinh năm 1948 tại Huế, qua đời tại Bà Rịa Vũng Tàu ngày 25 tháng 1 năm 2024. Anh bắt đầu làm thơ và đăng thơ từ năm 1960 trên các tạp chí Văn, Văn Học, Bách Khoa, Thời Nay, Khởi Hành, Thời Tập, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tuổi Ngọc… Sau 1975, anh đăng thơ trên các tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Thanh Niên, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Thời Văn, Áo Trắng… Các tác phẩm đã xuất bản: Hát Dạo Bên Trời (1995), Gọi Tình Bên Sông (1997), Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá (2014), Cứa Mắt Muôn Trùng (2015).

Tôi và Trần Dzạ Lữ quen nhau qua thơ văn trước 1975. Sau năm 1975 thế hệ trẻ miền Nam chúng tôi ròng rã nhiều năm ngụp lặn giữa khổ nạn trong đất nước mình. Nếu không chết trong đáy vực thì cũng vất va vất vưởng thật não nề.

Tôi cùng nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà văn Nguyễn Thụy Long làm công nhân đếm gạch và vác xi măng cho một nhà thầu ở quận 4, rồi tôi đẩy xe ba gát chở giấy cho nhà in, đạp xích-lô, đi bỏ báo, bỏ mối sách, bán phụ tùng xe đạp, làm lơ xe, lái xe khách, chạy giấy tờ cho nhà hàng…và làm sách báo võ. Trần Dzạ Lữ thì trôi giạt từ miền Trung vào Nam, ngày ngày ngồi vá xe đạp, rồi mua bán ve chai, đồng vụn, tiền xưa, gọng kính và cuối cùng xin được một chân giữ xe ở chợ Trần Hữu Trang. Trông bộ dạng một anh chàng với bộ đồ công nhân cũ xì, che khuất mặt bởi chiến nón lá lâu đời ở bãi giữ xe suốt ngày, chẳng ai biết đó là một nhà thơ tài hoa của đất Việt! Vợ anh thì bán rau muống ở hàng hiên chợ. Thuở ấy, nhà Trần Dzạ Lữ và nhà tôi cách đường ray xe lửa số 6 hai con hẽm, Thật không may, vợ anh đột ngột bị bệnh qua đời. Anh chuyển về ở Gò Vấp. Những năm gần đây anh xuống Bà Rịa-Vũng Tàu ở cùng vợ chồng con gái.


Trần Dzạ Lữ là một người hiền lành, thật thà, giọng rặc Huế, nói là cười. Tôi chưa hề thầy ai giận anh và cũng chưa hề nghe anh than vãn về cảnh khổ cùng ai. Mà đâu có ai là tri kỷ để anh than! Nếu có, chỉ có mỗi mình anh than trong thơ, than cùng trời cùng đất cùng một bóng hình xa xăm… ở chốn nào. Năm 1989, sau hơn 10 năm vật vã, cơ cực ở chợ, Trần Dzạ Lữ đã than, đã trút hết nỗi đau chất ngất trong bài thơ với chữ dùng rất mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng ý sâu, tình đậm, xé lòng chúng ta: .

Ở CHỢ

Mười năm ở chợ không tri kỷ
Ta đứng thu thân một nỗi buồn
Sáng bảnh mắt ra, ngồi độc ẩm
Chiều về tra vấn lấy lương tâm.

Mười năm ở chợ, ơi trần trụi
Em ạ, em xa ở chốn nào?
Có thấy ngày xanh ta chuốt mộng
Không thành, nên đắp chiếu thương đau...

Ở chợ đông, sao hồn cứ lạnh
Đốt thuốc hoài không ấm nửa chiều?
Thiên hạ đùn nhau đi kiếm sống
Nhân ái? Tang-thương-ngẫu-lục nhiều

Ta bán rau xanh, ngày mệt lử
Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền
Cố quên cơm áo - vòng danh lợi
Sao đời nỡ hối thúc bên lưng?

Mười năm ở chợ không thay đổi
Tâm tánh ta xưa vốn thật thà
Đâu ước công hầu mơ khanh tướng
Bạc tuổi thanh xuân mong có nhà!

Hồn ta ở chợ thương quê cũ
Nhớ áo nâu xưa, nhớ mẹ già
Nhớ bông bưởi rụng đêm mười sáu
Thơm ngát môi em trước hiên nhà...

Mười năm ở chợ không tri kỷ
Gác chuyện văn chương thấy chẳng đành
Nên ta độc thoại - Ta đây nhỉ?
Thương nhớ xa xăm một bóng hình....”

Và, khi nhắc đến một bóng hình xa xăm… ở chốn nào trong bài thơ “Ở Chợ”, tôi lại nhớ đến bài thơ “Gọi Tình Bên Sông” của Trần Dzạ Lữ làm năm 1997. Một bài 5 chữ, vẫn chữ nghĩa giản đơn nhưng đầy ắp ẩn dụ và hình ảnh cô đơn, thấm đẫm trong từng câu từng đoạn của bài thơ, quặn thắt tâm can người đọc. Phải chăng, anh là kẻ “biệt ly mộng” đã đứng bên sông mà gọi tình: “Thương ơi tờ lụa mỏng, Em biệt dạng bên trời!”

GỌI TÌNH BÊN SÔNG

Có một lần nhớ quá
Ra sông đứng gọi tình
Tình xa người hóa lạ
Chiều mồ côi cánh chim.

Có một đời xưa quen
Đã mù sa cổ tích
Kỷ niệm sầu chia nhánh
Địa ngục và thiên đàng.

Rạng đông màu mắt em
Sực nức hương bưởi sớm
Hoàng hôn trong mắt anh
Từ ngày biệt ly mộng.

Qua sông hề sông rộng
Soi bóng dài chiêm bao
Biết tìm nhau nơi đâu
Đời sống giữa mù khơi.

Có một ngày đứng ngóng
Ngày tình nhân chia lìa
Vỗ đàn mà hát hỏng
Nhớ sum vầy xưa kia.

Có nhiều lúc chơi vơi
Hôn cúc vàng thầm lặng
Thương ơi tờ lụa mỏng
Em biệt dạng bên trời.

Tháng 5-2023, tôi về thăm quê nhà và được nhà văn Nguyên Minh – chủ bút tập san Văn học Nghệ thuật Quán Văn cho thực hiện Quán Văn số 96 chuyện đề - “Chân Dung Văn học Phương Tấn”, tôi có mời Trần Dzạ Lữ nhưng anh không dự được, và tôi đã gửi tặng anh tập san Quán Văn số 96 cùng “THƠ PHƯƠNG TẤN – Tuyển tập 1” vừa được NXB Nhân Ảnh (Hoa Kỳ) in và phát hành. Gần một tháng ở Việt Nam, tôi và Trần Dzạ Lữ thường trò chuyện qua điện thoại, và tôi đã hẹn gặp anh lần tới tại quê nhà. Anh bày tỏ muốn viết một chút gì về thơ Phương Tấn để nhớ một tình bạn không dễ gì phai.


Tôi thật xúc động và vui mừng khi nghe Trần Dzạ Lữ nói. Và ngay khi về lại Mỹ, tôi nhận được bài viết của anh. Anh không những gửi riêng cho tôi mà còn đăng trên một số trang mạng văn học như: Vanchuongviet.org, Art2all.net và đưa vào loạt hồi ức: “Đọc Đường Văn Nghệ” của anh để in thành sách.

Sáng ngày 22 tháng 1 năm 2024, Trần Dzạ Lữ ghi trên trang Facebook của anh:

“Anh chị em Facebook thân mến.

Tôi bị bệnh phải điều trị cả tháng. Giờ hụt hơi khó thở... Vì vậy, xin anh chị em đừng chat hay liên lạc. Khi lành bệnh tôi sẽ lên Facebook. Xin cảm ơn.”

Và sáng ngày 25 tháng 1, tôi bàng hoàng, tim đau nhói, hai tay run rẩy, không đứng vững khi hay tin Trần Dzạ Lữ đã mất. Tôi chợt nhớ 4 câu thơ của Trần Dzạ Lữ làm năm 1965 để tưởng nhớ nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Và hôm nay, Lữ ơi, mình xin lấy 4 câu thơ này của Lữ để tưởng nhớ Lữ - Trần Dzạ Lữ người bạn thơ hiền hòa cùng thế hệ, cùng nỗi đau và cùng chịu sự oan nghiệt của tuổi trẻ miền Nam sau 1975.

Người đi theo bóng thiên thu
Bỏ đi năm tháng sa mù nhân gian
Nhớ thương chim khóc trên ngàn
Nước ngơ đất ngẩn, trời mang mang sầu…”

CHÚ THÍCH HÌNH:
* HÌNH 1: Nhà thơ TRẦN DZẠ LỮ.
* HÌNH 2: Ba tập thơ của nhà thơ TRẦN DZẠ LỮ đã xuất bản.
* HÌNH 3: Nhà thơ TRẦN DZẠ LỮ cùng anh chị em nhà văn, nhà thơ thân thiết trên Tạp chí Văn học Nghệ thuật NGÔN NGỮ (hải ngoại). (Dãy ảnh hàng thứ tư: Ảnh PHƯƠNG TẤN thứ Ba và ảnh TRẦN DZẠ LỮ thứ Chín).




VVM.04.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .