D ưới triều Nguyễn, đến năm Nhâm Tuất (1862) triều Tự Đức nước ta có nhiều cuộc khởi loạn ở miền Bắc, trong đó có cuộc xung đột giữa lương và giáo. Trong Nam, Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Lực lượng Pháp do Đô đốc Bonard chỉ huy, ông ta cử Đại tá Simon mang thư đến Huế nói việc giảng hòa và đòi ba điều kiện:
1. Xin cử một vị quan có toàn quyền vào Nam hội nghị.
2. Bồi thường quân phí.
3. Đưa trước 10 vạn để tỏ lòng tin .
Vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản lúc bấy giờ làm Thượng Thư Bộ Lễ làm Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp Thượng Thư Bộ Binh làm Phó sứ, hai vị đều sung Cơ mật viện(1) đại thần vào Nam thương nghị. Sứ bộ đi bằng đường thủy từ Huế đến cửa Hàn bằng tàu buồm của ta, để nhờ tàu Forbin của Pháp kéo đến Gia Định. Sau khi thương nghị ngày 05.06.1862, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký với Bonard và Palanca(2) trên tàu Duperré bỏ neo tại Sài Gòn một hiệp ước gọi là Hiệp ước năm Nhâm Tuất (1862) gồm 12 khoản quan trọng như miền Đông của ta là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và đảo Côn Lôn(3) được nhường cho Pháp và nước ta phải trả cho Pháp và Tạy Ban Nha tiền bồi thường binh phí là 4 triệu đồng trả trong 10 năm, mỗi năm bốn trăm ngàn đồng trao tận tay cho đại diện Pháp ở Gia Định. Dân chúng trong Nam kỳ rất phẫn uất cùng với Trương Công Định (cũng gọi là Trương Định) nổi lên chống lại Pháp kịch liệt trong vùng Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, nên trong dân gian có câu: Thà thua xuống Láng(4) xuống Bưng(5)/ Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quan thần. Vua Tự Đức ban đầu cũng khiển trách hai đại thần Phan, Lâm rất nặng nề, nhưng sau đó đã nghe theo lời tấu trình của triều thần, cử Phan Thanh Giản làm Kinh lược sứ Miền Nam kiêm lãnh Tổng Đốc Vĩnh Long để cứu vãn những thất lợi trước và đối phó với tình hình vì thấy Pháp có ý đồ chiếm luôn ba tỉnh miền Tây và cử Lâm Duy Hiệp làm tuần vũ Thuận Khánh(6) cũng được lịnh phải thương thuyết lại với Pháp, nhưng đại thần họ Lâm người Bình Định này nhận chức chẳng được bao lâu thì bị bịnh mà mất. Xét trên sự nghiệp quan trường, trên lãnh vực ngoại giao, cụ Phan không thành công, nhưng về mặt văn học cụ Phan là vị Tiến sĩ nho học đầu tiên của miền Nam. Lúc cụ làm Tổng Đốc Vĩnh Long, có tiến sĩ Phan Hiền Đạo (1822 – 1866) người quận Long Định – Tỉnh Định Tường vốn là bạn của cụ Phan, làm huấn đạo tại Tỉnh Định Tường, nhưng về sau thấy mình lầm tưởng là hợp tác với Tân trào do người Pháp lập nên, không được đề huề nên đã làm đơn xin về làm việc với cụ Phan cho xứ sở ở Vĩnh Long. Cụ Phan xem đơn xong bèn ghi vào đơn câu: “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” có nghĩa là người con gái đã thất thân, làm sao còn cho là trinh được. Ông Phan Hiền Đạo, uất ức quá, trở về quê nhà ở Chợ Giữa tỉnh Mỹ Tho viết tờ cáo trạng tạ lỗi với quốc dân rồi uống thuốc độc mà chết.
Cụ Phan Thanh Giản là người làng Tân Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, sau này là làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Kiến Hòa.
Cụ là người đầu tiên đỗ tiến sĩ Nho học của miền Nam, năm Minh Mạng thứ 6 (1826). Năm 1840 cụ được cử làm chánh chủ khảo trường
thi Hương Thừa Thiên và năm 1841 (Thiệu Trị Nguyên niên) cụ được cử làm chánh chủ khảo trường thi Hà Nội. vào năm này, các
sĩ tử miền Bắc nghe tin cụ Phan làm chánh chủ khảo thì lấy làm sung sướng kháo với nhau rằng: khoa này cụ Phan làm chánh
chủ khảo thì chắc tụi mình đỗ hết vì nghĩ rằng nền Nho học ở miền Nam chưa được lan tỏa mấy so với miền Bắc đã có từ lâu đời,
nên cụ tiến sĩ của miền Nam này ra đề chắc cũng dễ thở. Phải biết thi cử ngày xưa rất nghiêm nhặt, vị chánh chủ khảo được biệt
cư trong một tháng tại khu trường thi, xung quanh có hàng rào bao bọc, có lính tuần tra, không cho vợ con tiếp xúc, việc ăn uống
hay những tiện nghi khác đã có bộ Lễ lo, cho đến khi thi xong. Đến ngày thi, đề thi được phát ra, các sĩ tử đã mướt mồ hôi trán
đọc thấy những câu như sau:
- Luận ngữ nhị thập thiên, hà thiên vô Tử viết
- Kim cang thập bát bộ, hà bộ vô nam mô
Xưa nay việc sôi kinh nấu sử, tầm chương tích cú, dẫn tích nhân vật, tự luận viết ra bài, được cho là phương châm của giới
“dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” trong các kỳ thi, nay lại gặp một cái đầu đề cắc cớ như thể đánh đố nên các sĩ tử bị
“trượt vỏ chuối” rất nhiều. họ rủ nhau kéo vào kinh đô làm đơn khiếu nại với triều đình. Vua Thiệu Trị cho vời cụ Phan
vào và phán rằng: Khanh làm như vậy là để thỏa mãn tự ái, nhưng trên phương diện đào tạo nhân lực cho quốc gia,
có điều khiếm khuyết. Cụ Phan tâu: Sự học vấn của họ chưa được thấu đáo nên không giải được câu hỏi của đề.
Vua đành ban lịnh năm sau cho mở ân khoa để có đủ số khoa bảng cho nhu cầu. Từ đấy về sau, nghe đến tên cụ Phan
là các sĩ tử miền Bắc tỏ vẻ kiêng nể, không dám coi thường vì biết ông già miền Nam nho học rất uyên thâm, ông
có nhiều tuồng bụng để “sửa lưng” sĩ tử chẳng hạn:
- Thất thập nhị hiền, hiền hà đức
- Nhị thập bát tướng, tướng hà công
Cũng đều rút ra trong kinh sử.
Ghi chú:
(1) Cơ mật viện: cơ quan có quyền quyết định mọi việc trọng đại của một nước, gồm nhiều đại thần.
(2) Palanca: đại diện của Tây Ban Nha.
(3) Côn Lôn: tức Côn Sơn (Poulo Condore).
(4) Láng: tức Láng Linh, một cánh đồng rậm thuộc An Giang.
(5) Bưng: tức bưng biền, vùng toàn cỏ lát và nước.
(6) Thuận Khánh: tức Bình Thuận và Khánh Hòa.