Q uán Văn là một tạp chí văn học phong phú, đa dạng, không phân biệt vùng miền, tuổi tác, không phân biệt trong nước, ngoài nước. Tất cả vì một dòng chảy chữ nghĩa, chắt lọc những tư tưởng, tình cảm, mong ước của từng người viết. Một Quán Văn đủ đầy giọng điệu, thành bản hoà âm của bao người viết mang hơi thở từ quá khứ đến tương lai giữa muôn trùng thời khắc, giữa hữu hạn và vô cùng.
Và giữa hữu hạn và vô cùng ấy tưởng như không thể gặp nhau mà lại gặp nhau. Bởi đời người thì hữu hạn, song mong ước thì vô cùng. Lấy cái hữu hạn để thực hiện cái vô cùng quả là khó. Khó nhưng không phải không được. Khi niềm đam mê bùng phát trong hơi thở, trong nhịp đập con tim, trong nghĩ suy về chính mình, về những con người chung quanh, thì mong ước có thể trở thành hiện thực. Trong chừng mực nào đó, cái hữu hạn gặp cái vô cùng. Quả thật, đó là trường hợp mong ước của những người thực hiện tạp chí Quán Văn thành hiện thực. 12 năm được 100 số phát hành, đó là mong ước, là hiện thực, là sự gặp giữa vô cùng với hữu hạn. Và điều đó trở thành niềm vui không của riêng ai. Niềm vui đó là niềm vui chung của người viết cùng bạn đọc khi Quán Văn đạt thành quả ấy. Nhìn lại thành quả đang hiện hữu trước mắt, thành quả trên bàn tay, thành quả đọng trong tim, ai cũng nở nụ mừng vui trên ánh mắt, bàn chân, trên câu hát hát chào Quán Văn tròn 12 năm cùng 100 số. Mừng vui bởi mong ước ấy cách đây 12 năm được thai nghén và hình thành. Những ngày đầu gian nan, khó khăn đủ thứ. Thế nhưng, thời gian trôi đi để rồi Quán Văn chạm mốc 100 số được phát hành đến cùng bạn văn, bạn đọc.
Này là những số về những con người đam mê văn chương. Nỗi đam mê văn chương ấy có từ thuở thiếu thời đã từng gắn bó với Ý Thức một thời và giờ gắn bó với Quán Văn. Đó là Nguyên Minh, chủ biên của Quán Văn, mê văn chương đến nỗi quên cả lời hẹn cùng người yêu, để rồi tủi thân, nước mắt rơi ngon lành khi thoáng nghe lời ca trong bài hát "Anh còn nợ em" (thơ Phạm Thành Tài, nhạc Anh Bằng). Đó là Lữ Quỳnh, Lữ Kiều tài hoa trên nhiều lĩnh vực, phong độ trên những câu chữ như thể là người không có tuổi già. Đó còn là Đỗ Hồng Ngọc có nụ cười thơ ngộ lẽ đời với những trang viết hiền như bụt giữa đời thường.
Vui cùng Quán Văn, tôi còn bắt gặp một Nguyên Cẩn với ngòi bút tinh thông như nước, như lửa, như gió, như sấm sét, như đất vẽ nên nụ cười sảng khoái bên đời. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến đôi vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong với những tác phẩm đậm chất văn học Ý, văn học phương Tây hoà quyện chất văn học Việt Nam, văn học phương Đông.
Tôi còn bắt gặp những số viết về những dòng sông như sông Hương, sông Hàn, sông Sài Gòn, sông Potomac... Những dòng sông mang phù sa, mang con nước ngọt lành đổ ra biển lớn, có khác chi những tác phẩm mang nội dung, hình thức dâng tặng cho đời. Tất cả những số viết về những dòng sông ấy như hiện hữu cùng thời gian trên trang viết với sự cẩn trọng, công phu của từng tác giả.
Vui cùng Quán Văn, tôi không thể quên những ngày cùng các tác giả và bằng hữu có những chuyến đi khắp mọi miền. Một miền Tây nước Việt đầy ắp màu xanh của cây trái, kinh rạch, đầy ắp ánh mắt hiền, thân thiện của con người nơi đây. Một Phan Thiết nắng gió mặn nồng vị biển miền Trung, có cả tiếng lòng cư dân Chàm qua cây trái ngọt lành trên cát. Một Sài Gòn tất bật bao phận người vẫn hào hoa đón mừng bao bạn bè trong quán cà phê, trong những bữa cơm thân mật. Một Huế cổ kính, thanh lịch, với núi sông trầm mặc mà vẫn chân chất, dịu dàng qua cái bánh bèo, bánh bột lọc. Một Đà Nẵng đầy tình thân thiệt thà trên núi Sơn Trà vui cùng cây cỏ, cùng voọc chà vá chân nâu...
Vui cùng Quán Văn tròn 12 năm với 100 số, tôi nào quên được các tác giả như Hiếu Tân, Lê Ký Thương, Đoàn Văn Khánh, Nguyễn Minh Nữu, Hồ Sĩ Bình, Nguyễn An Bình, Hoàng Kim Oanh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nguyễn Thị Liên Tâm, Nguyễn Quang Chơn, Trần Thị Trúc Hạ, Ban Mai, Mã Lam, Đặng Châu Long, Hoài Huyền Thanh, Dung Thị Vân, Nguyễn Châu, Lương Minh, Quang Đặng ...
Vui cùng Quán Văn, không thể không nhắc nhớ những tiếng hát, tiếng đàn của những người yêu âm nhạc như Đoàn Đình Thạch, Đình An, Ngô Thị Mỹ Lệ, An Thảo, Quách Mạnh Kha... và cùng anh chị em khác trong những lần ra mắt Quán Văn.
Vui cùng Quán Văn, tôi nào quên được những lần phát hành. Tạp chí thành hình hài, thành sản phẩm nhưng đến với bạn đọc ngày một không dễ. Bởi lẽ, thời buổi hiện nay có nhiều phương tiện để người đọc tiếp cận với văn chương. Sách điện tử cùng các trang mạng văn chương trên Internet. Người đọc có quyền lựa chọn phương tiện để thể hiện niềm yêu thích văn chương. Do thế, tôi cũng có lúc buồn lo cho việc phát hành Quán Văn từng số bởi bạn đọc viện cớ bận làm ăn, bận chăm con, chăm cháu, rồi lơ dần việc đọc, không mặn mà với văn chương và nói lời từ chối mỗi khi tôi đem tạp chí đến chào mời.
Cũng may là những người yêu Quán Văn kể cả người viết và bạn đọc vẫn đồng hành cùng Quán Văn, cùng nắm tay nhau, cùng hát những bản tình ca, cùng góp công, góp của, cùng vỗ tay mừng mỗi khi Quán Văn ra mắt.
Với tôi, 12 năm với 100 số không chỉ làm nên tên tuổi của Quán Văn mà còn khẳng định một Quán Văn có những bài viết văn chương chất lượng trường tồn cùng thời gian trong dòng chảy Văn học Việt Nam.