T hi sĩ là kẻ tự đầy ải. Lý Trác Ngô đời xưa viết rằng: “bên lòng có một món khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào”. Khắc khoải, bồn chồn, dằn vặt suốt đời không nguôi. Những nỗi u sầu thiên cổ, những cơn địa chấn kinh hoàng, dấy lên trong những tâm hồn quằn quại. Từ những kẻ u sầu trong lầu văn, đến người cuồng sĩ ngoài đầu chợ, cơn thịnh nộ gào rú trong hồn nào khác gì nhau? Hãy nhìn vào đại dương. Đâu ai biết dưới mặt nước lăn tăn sóng gợn nhẹ nhàng, hay giữa cơn bão biển mù trời, ở đâu đó dưới đáy nước sâu, một cơn cuồng nộ long trời lở đất tung hoành ngang dọc không ngừng. Ôi! Đớn đau thay tâm hồn thi sĩ!
Kẻ tử tội nằm trong ngục tối, hoảng hốt, tuyệt vọng. Mỗi ngày nỗi chết chờ đợi. Mỗi ngày cuộc đọa đầy tái diễn. Thi sĩ đâu biết ngày nào ra. Chỉ biết rằng hồn trí mỗi ngày đắm chìm sâu hơn trong những niềm đau cực kỳ thảm khốc.
Chao ơi! Tại sao thi sĩ lại hỏi:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Nguyễn Du)
Xá gì một chút hư danh. Người sau nếu có đôi lời thương xót, thì kẻ làm thơ nào có màng tới. Có thương cho một kiếp tài hoa thì cuộc tram nam cũng đã tàn. Vĩnh viễn. Thi sĩ thương cho người đời xưa, người đời sau và cho nỗi đau của mình đó thôi. Nhìn lại nghìn năm xưa, thấy nỗi khắc khoải, dằn vặt mà xót xa cho người trước. Ngẫm lại nỗi đau trong ngực mà sầu hận cho mình biết bao. Ôi! Đời sau! Ôi! Người sau! Trăm năm sau, ba trăm năm sau, nghìn năm sau… Thi sĩ vẫn khóc như Tố Như đã khóc lúc đọc thơ Tiểu Thanh, thi sĩ vẫn cứ làm thơ, vẫn cứ đau nỗi sầu đau nghìn năm trước:
Sầu thiên cô nối nhau thành lưới bủa
Không có gì cởi trói được cho ta
Ôi! xót xa thay! Thi sĩ đã viết: “Ta hồ! Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ” . Than ôi! tấm lòng thi sĩ, không đầy gang tay, mà thơ viết ngàn đời nỗi sầu đau vẫn không nguôi. Cuộc đầy ải nối dài bao nhiêu kiếp. Có phải chăng khi không còn thi sĩ, thì cuộc đời cũng tan thành tro bụi. Khi cuộc đời không còn thi sĩ nữa, thì loài người cũng trở về làm cầm thú trong rừng sâu. Chờ một buổi kia, có kẻ thấy đau trong ngực, buốt trong hồn. Cực chẳng đã, đành ngâm lên lời thơ bất tận. Hỡi ơi! Nhân loại đã thành người mà thi sĩ đành đau nỗi đau vạn thủa.
Thi sĩ nào có bõ công làm thơ cho đời, xót cho người đâu. Chẳng qua là vướng phải cái món “khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào”, nên giữa hai đầu sinh tử, đành phải làm thơ, tưởng rằng cho dịu nỗi đau. Nhưng thơ càng viết thì lòng càng đau. Lòng càng đau thì thơ càng tha thiết nên lời.
Thi sĩ là kẻ chung thân đầy ải. Địa ngục ở đâu? Địa ngục chính là hồn người. Quỷ Dạ Xoa, ma Chó Ngao hành hạ, tra tấn không ngừng. Người thấy chăng những giòng máu tuôn trào là những lời thơ đó. Thi sĩ quằn quại, thi sĩ phai tàn hình dung, thể xác. Còn lại chi? Còn lại những vệt máu đau thương, còn lại những lời thơ của hồn thiên cổ. Ôi! Một trái tim nhỏ gang tay, mà máu chảy nghìn đời không nguôi!
Bùi Giáng viết:
Cái tài hoa cũng muộn phiền lắm thay!
Cái tài hoa, cái giòng thơ tuyệt vời, cái nỗi dằn vặït, cơn thịnh nộ cuồng điên của trí tưởng chính là cái tâm tư mà thi sĩ chơi giỡn gọi là nàng Marilyn Monroe, là cô em mọi nhỏ … Marilyn nửa đẹp tuyệt trần, nửa sầu đau chất ngất. Thi sĩ nhận ra rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều nào phải để minh giải thuyết này, đạo nọ đâu. Kẻ “trung niên thi sĩ” đó, trong những cơn vùi dập của bão tố tâm hồn, chợt nhận rằng Tố Như viết truyện Kiều để ngỏ cho đời biết niềm đau của những kẻ làm thơ, để vạch cho người biết cái món “khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào” nó to lớn dị thường, nó đầy đọa tâm hồn thi sĩ ra sao. “Bất bình tắc minh” lòng quá đau, thì thơ rền vọng.
Đừng luận giải “tài mệnh tương đố” làm chi. Ngươi thấy chăng đời nàng Kiều chính là cuộc phiêu lãng của tâm hồn thi sĩ. Cuộc du hành ngày càng đắm sâu vào những địa ngục chín tầng, mà bến Tuyền Đường nào có đến. Cuộc du hành bắt đầu từ thủa mười lăm, mười bẩy, bằng những vần thơ êm ái, nhẹ nhàng. Như những cơn gió êm đềm rủ nhau đến trước những cuồng phong tàn phá không ngừng, từ đó. Ôi! Có cuộc du hành nào không bát đầu bằng những viễn mộng mơ màng. Ôi! Có gió mưa nào không dấy lên lúc đường về đã mù mịt lối!
Vì đâu mà Quách Thoại viết bài Thược Dược:
Đứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta xụp lạy cúi đầu
Đóa thược dược mầu vàng, giản dị mà kỳ bí đó đã dấy lên những cuồng phong trong tâm hồn thi sĩ? Có phải Quách Thoại chợt nhận rằng nỗi lòng thiên cổ chẳng bao giờ nguôi, mà vật đổi sao dời cũng chẳng hề làm xuy chuyển mảy may.
Quách Thoại nhìn qua bông thược dược, Thôi Hạo nhìn qua vầng mây trắng, Lý Bạch nhìn qua vầng trăng sáng, Bùi Giáng nhìn qua hoa ngõ hạnh… cùng thấy nỗi sầu thiên cổ đầy ải tâm trí, mà kẻ làm thơ đành trọn đời chấp nhận.
Hãy đọc thơ Nguyễn Đạt:
Tôi mở đời ra trên trán đau
Yêu em mỗi giờ mỗi khác
Như bông hồng sắc nọ
Trong chiều hôm đổi mầu
Em là nỗi chết – là khổ đau – là hạnh phúc
………………
Mỗi giờ, mỗi khắc yêu em
Anh ngậm ngùi trong ý định tự sát
Người thiếu nữ trong bài “Phương yêu dấu” này. Có biết chăng Phương không bao giờ có thật. Cũng như Liên trong thơ Thanh Tâm Tuyền không bao giờ có thật.
Hỡi Liên, những Liên và Liên
Làm thế nào để quên được nhau. Hạt mưa kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt, hoàng hôn bàng hoàng mầu khói nhạt. Hôm nay quê hương từ bỏ, anh đau đớn làm đứa con hoang đầu xó chợ
Hỡi Liên, những Liên và Liên
Phương hay Liên, hay Thôi Oanh Oanh… chi nữa đều không có thật. Cô em mọi nhỏ, Marilyn Monroe không bao giờ có thật. Em biết chăng, em chính là nỗi đau vô hình, vô sắc, là ánh trăng vàng, là vầng mây trắng, là cơn cuồng điên thảm khốc trong tâm hồn thi sĩ
Dung nhan em là của tâm tưởng anh
Kẻ khác làm sao tìm thấy được?
Cuộc du hành không bao giờ chấm dứt:
Ai tên là người yêu
Trời mưa và sự chết
Thi sĩ không thể tự sát! Muôn ngàn năm thi sĩ vẫn làm thơ. Vẫn có người đau đớn nỗi lòng Chu Mạnh Trinh:
“ta vốn nòi tình, thương người đồng điệu”