Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC

  


T rước sau 75 cộng lại ngót ngét 42 năm công tác trong ngành “trồng người”- Phải nói tôi có cái duyên đi xuyên tường từ nền giáo dục VNCH sang nền giáo dục mang màu sắc XHCN.

Thời gian về nghỉ hưu mới đó 12 năm - “tơ vương” như cái nghiệp không cách chi dứt nên thi thoảng tôi vẫn vào các trang mạng của Bộ,Sở và các trường, xem thử ngành “Giáo dục”của mình bây giờ ra sao rồi…?

Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Điểm khác biệt so với chương trình hiện hành là ngoài 8 môn học bắt buộc Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử, học sinh sẽ phải lựa chọn 4 trong 9 môn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để học cùng các chuyên đề.

Tổng cộng vẫn còn 12 môn – quy ra là 12 đơn vị kiến thức cùng các hoat động chính khóa.

1-Áp lực chưa giảm !

Qua nhiều lần cải cách chỉnh sửa,thêm bớt “tích hợp” nhưng vẫn còn nguyên đó mục tiêu đào tạo - với chương trình khá nặng nề,ôm đồm,mang tính“hàn lâm”mà dư luận trong,ngoài ngành đã nhiều lần lên tiếng góp ý.

Cái đầu của bọn trẻ phổ thông (15,16,17 tuổi) phải nhồi nhét hàng chục bộ môn nêu trên. Các em dàn hàng ngang đi vào tri thức - cái gì cũng được học,được biết nhưng chỉ qua loa theo kiểu “bôi mỡ tráng trứng” coi như chẳng biết gì cả ! Học hành như thế cuối cùng sản phẩm “xuất xưởng” là những công dân “khổng lồ” bấm vào xốp xộp !

Ở bậc PTCS thầy cô gặp khó khăn khi phải dạy môn “tích hợp” . Một giáo viên sau vài đợt tập huấn sẽ phụ trách tất cả phân môn toán - lý - hóa trong khoa học tự nhiên, tương tự sẽ đảm nhiệm cả lịch sử và địa lý. Chất lượng giáo dục sẽ ra sao ?.

Ông thầy “tích hợp” có thể nào thông thạo tất tần tật mọi kiến thức chuyên ngành của các bộ môn khi lên lớp chỉ sau vài tháng bồi dưỡng ? Những buổi tập huấn trực tiếp hay trực tuyến đều rơi rụng kiến thức ít nhiều, chưa kể giới hạn về tuổi tác rồi lực cản đến từ tư tưởng chưa thông, và tâm lý ngần ngại…

Người thầy đứng lớp xác định được vị thế của mình là do “biết 10 dạy 1”. Chính sự hiểu sâu, biết rộng, tạo ra sức hút, làm nên uy tín người thầy mẫu mực - từ đó khơi dậy tinh thần tự học - óc sáng tạo của học sinh.Thầy phải nắm vững - tiêu hóa kiến thức biến nó thành “nhũ trấp” - (chất dinh dưỡng cơ thể) - truyền đạt đến học sinh.Thế mà giờ đây các thầy rơi vào tình trạng bồi dưỡng cấp tốc “biết 2,3 để dạy 1” – giáo án lên lớp “vừa thổi vừa ăn” thì làm sao thấm vào đầu hs được …

2-Trở lại vấn đề có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia ? – câu hỏi được nêu ra khá lâu nhưng xem chừng vẫn còn cân nhắc bốc lên bỏ xuống.

Theo thiển ý tôi bậc THPT mang tính chất phổ thông - (nghĩa là ở mức dễ hiểu,hợp với trình độ chung của mọi người) – phổ cập (làm cho rộng khắp mọi nơi,khắp mọi người),cần gọn nhẹ,nên chăng Bộ GD mạnh dạn giao cho địa phương (Sở GD)chịu trách nhiệm tổ chức vào đợt Kiểm tra HK2 cuối cấp - Sở ra đề các môn chính(Văn,Ngoại ngữ,Toán,Lý,Hóa) - Các trường thành lập HĐ tổ chức coi+chấm,và xét duyệt công nhận tốt nghiệp – tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Sở.

Đối với các trường tư thục,quy mô nhỏ lẻ có thể ghép kiểm tra chung với các trường Công lập cùng địa bàn.Thi cử nhẹ nhàng - các em hoàn tất chương trình Trung học,đạt mức TB - hạnh kiểm không sai phạm nghiêm trọng, là cấp cho cái “Tú tài lận lưng” mở đường tương lai !

3- Về công tác tuyển sinh ĐHCĐ

Để gọn nhẹ nên chăng :

- Nhóm trường ĐH đào tạo chuyên biệt như Bách khoa,Y- Dược,Sư phạm,Kiến trúc,Kỹ thuật Công nghệ - tự chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi (ra đề+coi+chấm+tuyển) - sàng lọc hồ sơ học bạ, điểm số các môn theo khối thi phải đạt loại Khá-Giỏi.

- Các trường ĐH tổng hợp,đa khoa nhiều ngành (Université Pluridisciplinaires) - dạy kiến thức khoa học cơ bản hoặc đào tạo có định hướng nghề nghiệp - cho đăng ký ghi danh tự do - mở toang cửa đầu vào - siết chặt đầu ra.

Thi cử mang tính chất kỹ thuật - là công cụ kiểm định chất lượng giáo dục - bớt một kỳ thi,giảm được sức ép - phân tán giao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH chủ động,Bộ đỡ sa vào sự vụ,rảnh tay cho nhiều công việc hệ trọng khác ở tầm chiến lược vĩ mô.

Còn việc gian lận thi cử như đã xảy ra vừa qua ở Hà Giang,Sơn La,Hòa Bình - đúng là chuyện“tày trời”- đã bị Pháp luật trừng trị thích đáng. Chúng ta không sợ sai chỉ sợ thấy sai mà ngó lơ !

Chất lượng giáo dục đào tạo quyết định từ lúc sản phẩm còn nằm trên dây chuyền sản xuất,phụ thuộc nhiều yếu tố : Nội dung chương trình Sgk phù hơp - Đội ngũ thầy cô được đào tạo chuẩn - Cơ sở vật chất trường lớp khang trang - Chế độ lương bổng gv thừa đủ để “tái sản xuất lao động” ! - Khâu quản lý (BGH) phải thấu đáo tính Sư phạm - dạy và học trung thực nghiêm túc - tránh chạy theo thành tích bằng mọi giá để rồi lọt hố - (thực ra chạy theo thành tích không phải là cái tội chẳng qua là sự mong muốn không biết tiết chế khiến “anh hùng” trở thành “tội đồ” oan uổng - đã có trường dính lùm xùm trong cuộc thi Genius Olympiad).

Cuối cùng điều quan trọng ở cấp học phổ thông là “Cách học” chứ không phải học “Cái gì” . Jame Beatle đã chỉ ra : “Mục đích của giáo dục là dạy cách nghĩ chứ không phải dạy suy nghĩ cái gì”. Nhìn sang GD của Hoa Kỳ chủ yếu - qua các bài Essay rèn học sinh kỹ năng tự nghiên cứu,rèn tư duy phê phán - phản biện đa chiều,nêu vấn đề khám phá, tranh luận. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức thay vì chỉ đơn thuần nghe thuyết giảng áp đặt một chiều.

(Saigon,5/9/2023)




VVM.09.9.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .