T rời đất có bốn mùa cứ luân chuyển mãi. Nếu coi mùa Xuân là mùa bắt đầu của năm thì chọn ngày mùng một tháng giêng âm lịch là ngày bắt đầu của mùa xuân để bắt đầu năm mới cũng tốt, không chờ đến ngày Lập Xuân cho phiền. Nước Việt Nam ta, mùa xuân khí trời tương đối mát mẻ dễ chịu, cây trái cũng xanh tươi.
Ngày 01.01 dương lịch, ở miền Nam, tôi thấy khí trời còn lạnh. Nghe đâu ngày Tết ở miền Bắc cũng còn lạnh lắm. Thiết tưởng lấy nét lớn của cả nước thì tính mùa xuân vào tháng giêng âm lịch cũng ổn đấy. Nhiều nước không ăn Tết vào tháng giêng âm lịch hay dương lịch. Họ ăn Tết vào ngày tháng có sự tốt cho nước họ, ví dụ người Campuchia ăn Tết vào khoảng 18, 19 tháng ba âm lịch chẳng hạn.
Ăn Tết vào 01.01 âm lịch hay dương lịch, theo tôi, đều ổn cả vì có cách tính ổn định và hợp lý. Với nước có nhiều sông như Việt Nam ta thì trăng có ảnh hưởng tới nước lớn, nước ròng, nên có ảnh hưởng khá lớn trong cuộc sống. Sáng mùng một Tết thì sông, nước tràn đầy kéo dài tới khoảng mùng bốn hay mùng năm. Ăn Tết vào ngày nầy thiết tưởng là tốt nhứt. Khi chưa có dẫn thủy nhập điền, đặt cống ngăn mặn, tôi làm ruộng mỗi năm chỉ một vụ. Tới gần tết, thu hoạch lúa xong, từ đó trở đi thì rảnh việc. Tôi cho rằng dân tộc Việt Nam nên giữ cách ăn tết cổ truyền vào ngày 01.01 âm lịch. Biết đâu Tết nầy người Trung Hoa bắt chước Việt tộc ta. Đời vua Hạ Vũ thời cổ Trung Hoa được Trời ban cho Lạc Thư ở khoảng hẹp của sông Hoàng Hà, vùng sông Vị, từ đó họ bắt đầu học văn minh của Việt tộc đấy.
Tảo mộ hay giẫy mả
Ngày xưa, Ba tôi nói chỉ giẫy mả sau khi xả tang. Trong tang không được động đến. Ngày nay tôi thấy nhiều người vì thương nên Tết cũng sửa sang mồ mả cho người thân ăn Tết.
Ăn Tết vào ngày 01.01 âm lịch thì ngày 25 tháng chạp là ngày nước kém nhứt, người Việt đi tảo mộ là sửa sang mồ mả, sơn phết hay đắp thêm cho mả được cao, đẹp để ông bà ăn tết. Đắp xong, ngày 26 nước bắt đầu lớn lần thì còn gì tốt cho bằng. Việc làm nầy hợp với tục thờ kính tổ tiên của người Việt ta.
Người Trung Hoa thì tảo mộ vào dịp thanh minh. Nguyễn Du viết:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Có lẽ ở Trung Hoa đến tháng ba âm lịch thì việc trồng trọt hái lượm… không được tốt, rảnh nên họ đi tảo mộ cũng nên. Do đó, ta cần giữ ngày tảo mộ của ta với ý nghĩa của nó.
Để con cháu tiện việc tảo mộ ông bà ở nơi cách xa nhau, người ta lại quy định từ 15 tới 30 tháng chạp, khi nào rảnh thì đi tảo mộ cũng được. Thế cũng hay. Trong gia tộc, có lẽ nên quy định một ngày nào đó là ngày tảo mộ hội. Tảo mộ ông tổ để lại sự nghiệp vẻ vang cho con cháu để tạo tình đoàn kết trong gia tộc tưởng cũng nên lắm.
Trong xu thế dân mỗi ngày một đông, việc khuyên thiêu cũng tốt. Trong tình hình nầy, ta nên tìm lập một khu đài mộ để tro cốt trong họ quy về đó mà tảo mộ cho tiện.
Cúng mộ
Hễ tảo mộ thì cúng mộ. Việc cúng mộ nầy thì tùy nghi sau khi sửa sang mộ xong. Lễ vật thì:
- Nhang, đèn, trà rượu (có thể chỉ một ly nước trắng, không rượu, không nước trà cũng được).
- Thịt, bánh, trái hay chỉ một dĩa bánh hay một dĩa trái cây hay một phong bánh in cũng được.
- Giấy tiền vàng bạc.
Tất cả đặt ở phần chưn mộ hay trên núm mộ. Ngày nay có khuynh hướng làm mộ bia ở đầu mộ, ở đó có cả bàn thờ, lư hương thì lễ vật bày ở đấy.
Một người đại diện cho gia đình hay gia tộc lên đèn, thắp nhang và cúng trước. Lời vái thì tùy nghi, có thể là cầu chư vị đất đai viên trạch phò hộ cho vong linh ông, bà… tôi được yên ổn. Mời quý vị và mời ông, bà… về ăn uống, xá xá và cắm nhang là xong. Theo tôi thì không cần lạy.
Lấy một tờ giấy tiền, một tờ vàng bạc đặt trên núm mộ, lấy đất dằn lên cho khỏi bay và cũng để làm dấu mộ đã được sửa sang rồi, không ai được làm gì nữa theo tục lệ xưa. Thông thường thì cắm nhang ở mộ ông bà mình thì cũng cắm nhang những ngôi mộ xung quanh gần đó. Độ năm hay mười phút sau, cúng nước và đốt giấy tiền vàng bạc là xong. Sau đó, dọn ra, con cháu ngồi quanh đó ăn uống để tạo tình đoàn kết. Có thể về nhà một người nào gần đó hay rủ nhau ra nhà hàng gần đó ăn uống cho vui.
Nếu con cháu vì bận mà không tới được trong ngày giẫy mả hội thì một ngày nào đó trước 30 tháng chạp tới thăm và cúng mả cũng được nhưng không làm thêm gì cả. Không đắp đất, không quét mộ, lau chùi… -/.