Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


NHỮNG TRÒ CHƠI ĐẶC BIỆT
TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

  


H ọc giả Toan Ánh trong phần kết luận của "Trẻ em chơi,…" đã nói:

"Nuôi con không phải chỉ cho các em ăn học mà còn phải hướng dẫn các em giải trí, chính qua các trò chơi mà các em làm quen dần với cuộc sống; phát triển cơ thể, mở mang tâm hồn và hình thành từ từ tính hạnh".

Các trò chơi mộc mạc cổ truyền hàng ngày hoặc trong những dịp lễ tiết hội hè với những tập tục hay đẹp đã diễn ra một cách tự nhiên trong sự vui chơi hàng ngày hay trong sự tham dự hết mình vào các dịp trên, trong suốt những năm tháng ấu thơ và niên thiếu của trẻ em VN, đã có ảnh hưởng nhất định trên tinh thần các em và góp phần xây dựng nên những con người VN hiền hòa, cần cù, tốt bụng nhưng quả cảm, biết hy sinh, nghiêm khắc với bản thân mà lại rộng lượng với mọi người, biết chia sẻ và yêu thương đồng loại, vô cùng tự hào về nòi giống rất anh hùng khi bảo vệ sự độc lập của non sông, và lại còn rất phục thiện, biết tiếp nhận có chọn lọc những cái hay, cái đẹp từ mọi nơi để làm phong phú thêm nền văn hóa vốn đã rất đặc sắc của dân tộc. Vì thế chúng ta cần cố gắng bảo tồn và phát triển những trò chơi cổ truyền thường ngày và trong những dịp lễ, Tết, hội hè với những tập tục hay đẹp của dân tộc để giữ vững những tính chất đặc biệt nói trên của người VN, để bảo vệ tinh thần vừa luôn luôn tinh khôi vừa sẵn sàng tiếp thu những gì là điều hay lẽ phải, là thuộc chân, thiện, mỹ của "trẻ thơ VN khi đi vào tuổi thành niên" vì đã được sống suốt từ bé trong sự bảo vệ của tôn giáo và thuần phong mỹ tục qua các trò chơi dân gian thường ngày và trong các dịp lễ tết, hội hè nói trên.

Ngày nay với sự phát triển về khoa học, với sự hội nhập toàn cầu về kinh tế, chính trị, văn hóa… qua sự gia nhập các tổ chức vùng và quốc tế, chúng ta đã có nhiều thay đổi trong xã hội; và sự thay đổi trong lãnh vực trẻ em chơi cũng không phải là ngoại lệ. Trò chơi trẻ em nay phong phú, đa dạng và tiến bộ; về phương diện đồ chơi, rất đẹp, nhiều mẫu mã tinh xảo, nhiều màu sắc… là những mô hình làm phát triển trí thông minh và óc nhận xét của trẻ em: đồ đạc vật dụng trong nhà trông giống y như thật, chỉ khác về kích thước nhỏ bé hơn (đồ bếp núc, tủ lạnh, ti vi, bếp gas, máy xay sinh tố…), giúp các em phát triển trí óc nhận xét, phân biệt được công việc và nhiệm vụ của người lớn và bắt chước làm một cách vui thích; những máy móc đồ chơi cũng rập khuôn về hình thức và một số chức năng sơ đẳng (máy vi tính, quạt máy, xe hơi, máy bay các loại, có cả một đường ray và hệ thống ga và xe lửa, phi trường tự động… hoặc điều khiển bằng điện tử; ngay cả trò chơi của trẻ em dưới 1 tuổi cũng có bấm nút có nhạc khiến trí tuệ của trẻ em được phát triển sớm hơn; những phim ảnh nhất là các phim hoạt hình, ca nhạc hợp với tính năng động của tuổi thanh thiếu niên nhi đồng. Những trò chơi mới như lắp ráp, ghép hình, chơi game trên máy vi tính như chơi bài, chơi cờ mà không cần ăn thua về tiền bạc hoặc nhiều loại khác rất náo nhiệt, rất vui vẻ hào hứng qua đó giúp phát triển trí thông minh, óc phán đoán, sự nhanh nhẹn trong phản ứng. Tuy nhiên, lại có các cái hại khác, và nếu không được phụ huynh theo dõi đúng mức thì các em sẽ đam mê chơi mà xao lãng việc học hành, hại sức khỏe (dán mắt nhìn trên màn hình quá 2 giờ trong một ngày có thể làm hại mắt, hại tim, run tay, sinh bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đau dạ dày, bệnh gan…). Ngoài ra, còn xuất hiện các trò chơi game online (Võ lâm truyền kỳ…) cùng với các trò chơi chat với webcam (website with camera), blog trên mạng Internet… thì sự tai hại có nhiều hơn lợi ích: tuổi thơ trẻ em đã bị rút ngắn, các em từ tuổi tranh cốm đã có thể tải (download) từ trên mạng xuống nhiều kiến thức tai hại không cần thiết đối với tuổi các em. Các em đã quá già dặn về tâm lý, về hiểu biết đối với số tuổi. Các trò chơi chém giết thường xuyên và dễ dàng trong các game online, tạo cho các em trở thành những con người mê mẩn, vô tình, tàn ác (Báo Pháp Luật đã đưa tin một em đã giết bà chủ nhà nhét xác vào gầm giường để đoạt 2 triệu đồng lấy tiền chơi game tiếp vì trong trò chơi Võ Lâm trên mạng em đã giết 100 người giả định rồi, nay theo em giết thêm một người (thật) nữa cũng chả có nghĩa gì!!! hoặc một nữ sinh viên năm thứ hai đại học làm quen với một thanh niên Iran hứa hẹn yêu thương rồi bị anh chàng này bay sang Việt Nam đòi cưới, bất chấp sự lo ngại và năn nỉ của cha mẹ cô gái (xin để cô học hết cử nhân trong hai năm nữa vì còn quá trẻ để nói chuyện đám cưới xa gia đình). Anh ta đã nói thẳng thừng "Tôi tốn tiền bay sang Việt Nam không phải để chơi" và hai hôm sau thì bắt cóc cô gái không biết đưa đi đâu! Có lẽ là bán cho một tổ chức buôn người quốc tế!!! Rồi chuyện dùng blog cá nhân để đưa những bài viết, những hình ảnh tồi tệ (trường hợp một ký giả biến chất làm với một ca sĩ). Lại còn trường hợp một sinh viên đưa hình ảnh quan hệ phòng the giữa mình và người tình là một diễn viên điện ảnh khi cô gái còn là một vị thành niên để làm nhục nhau, bêu xấu nhau).

Chúng ta đứng trước một lớp thanh thiếu niên hoặc có đôi chút kiến thức hoặc kể cả đã tốt nghiệp đại học nhưng không có một chút ý thức về đạo đức, về nhân tính, về tâm linh... (điển hình như thủ lãnh một băng cướp trên nhiều tỉnh, thành phố đã tốt nghiệp đại học; trường hợp một kiến trúc sư đã giết người tình, chặt thành nhiều mảnh, đem vứt nhiều nơi). Họ đều là con nhà tử tế (kẻ giết bà chủ nhà đoạt 2 triệu để chơi game là con út một gia đình mà cha mẹ và các anh chị đều là nhà giáo), con nhà danh giá (thủ lãnh băng cướp tốt nghiệp đại học là con của một nữ trung tá công an) hoặc chỉ là lớp người bần cùng (hai vợ chồng công nhân nghèo khổ vì muốn có tiền mà giết một công nhân lớn tuổi để cướp xe (tin Tuổi trẻ Online) nhưng lại không có một chút ý thức nào về tình nghĩa, về đạo đức, về tôn giáo, vô cảm và tàn nhẫn sẵn sàng phạm những sai trái, những tội ác có khi tày đình, trộm cắp, cướp của giết người, buôn lậu, làm ma cô dẫn khách, hoặc mặt rô, tham nhũng, ma túy, buôn người, tham gia các tệ nạn xã hội). Đây là một sản phẩm tất yếu của một xã hội với nhiều thứ chưa hoàn chỉnh: giáo dục, lương bổng, cơ chế công quyền nhiều nơi đang trên đường cải tổ, cộng vào đấy có sự tiếp tay của các trò chơi chưa được kiểm soát và hướng dẫn đúng mức (một số loại đồ chơi cần được giới hạn vì tính chất nguy hiểm khi chơi, vì tạo tính ham chém giết như các đồ chơi về vũ khí, chiến tranh, đao kiếm, cung tên, bút hồng ngoại…), một số phim ảnh xấu phổ biến do các cơ sở truyền thông công cộng (báo chí, sách, truyền hình...) nêu ra nếp sống bừa bãi, buông thả (quan hệ tình cảm tạm bợ, sống thử, chị em yêu nhau, mẹ yêu con, có con trước khi cưới…) không hợp với tập tục Việt Nam.

Trên đây là những tác dụng xấu, tốt trên tinh thần trẻ em (là các công dân VN tương lai), trên tính hạnh của các em. Sở dĩ, sự kiện này xảy ra quá tồi tệ là vì các em ngày nay không được bảo vệ chống lại những thói hư tật xấu, những tính nết độc ác gian tham bằng hàng rào của hệ thống đạo đức xã hội và gia đình, của những tập tính về tín ngưỡng, về tâm linh như các em ngày xưa qua các trò chơi cổ truyền mang tính chất đạo đức có chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng và tập tính về tâm linh. Chính những yếu tố này là những hàng rào ngăn chặn các em khỏi sa vào tội phạm, vào sa đọa.

Chính vì thế mà chúng ta cần cố gắng phục hồi những trò chơi cổ truyền của trẻ em Việt Nam. Nhân dịp Tết đến (Tết nguyên đán), chúng tôi xin ghi lại đây các trò chơi này trong dịp đặc biệt đầu năm mới.

TRÒ CHƠI CỔ TRUYỀN VÀO DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Có rất nhiều trò chơi vào dịp Tết để các em vui chơi và tận hưởng những ngày vui vẻ tươi đẹp và thoải mái của mùa xuân thời niên thiếu. Có thể chia ra làm bốn loại:

1. Những trò chơi thực sự.

2. Các công việc phụ giúp bố mẹ, gia đình chuẩn bị Tết cũng làm các em vui thích và cũng được coi như những trò tiêu khiển của các em trong dịp Tết.

3. Các loại cờ và bài bạc các em được phép chơi trong mấy ngày Tết.

4. Những buổi Tết tại nhà hoặc tại chùa, đình, đền… mà các em là thành phần tham dự tích cực và đầy hào hứng, để lại nơi các em những kỷ niệm tốt đẹp, thật vui vẻ và sâu đậm khó quên có ảnh hưởng trên sự hình thành tính nết các em sau này.

Ghi chú: Do giới hạn của trang báo, chúng tôi chỉ xin nói chi tiết về hai mục đầu. Hai mục sau sẽ xin gởi tới quý độc giả vào một số báo khác.

A. NHỮNG TRÒ CHƠI THỰC SỰ:

1. Chơi Pháo Chuột

"Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà"
(Bàng Bá Lân)

Những tràng pháo chuột cũng giống như tràng pháo của người lớn nhưng với những chiếc pháo bé xíu để trẻ em đốt mà không nguy hiểm và có thể chơi suốt ngày mà không gây quá ồn ào.

2. Đi Chợ Tết Trẻ Con và Chơi Tranh Tết, Chơi Con Giống Tết, Tượng Đất Tết.

"Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om thòm trên vách bức tranh gà"

(Tú Xương)

Ở nhà quê, thường vào những ngày giáp Tết có một buổi chợ dành riêng cho trẻ em gọi là chợ trẻ con, tại đó các em có thể tha hồ lựa chọn các bức tranh Tết (tranh gà gáy sáng, tranh lý ngư vọng nguyệt, đám cưới chuột, tranh thầy đồ cóc, tranh đàn lợn mẹ con, tranh Thạch Sanh bắn đại bàng, tranh Hai Bà Trưng đuổi quân Tô Định, tranh Trần Hưng Đạo đáng thắng quân Nguyên, tranh tiến tài, tiến lộc, Vũ đinh, Thiên Ất…) để mà về dán đầy tường, đầy vách; chọn các con giống Tết mầu sắc lòe loẹt nặn bằng đất sét, tô mầu: nào các ông Phỗng, các con vịt, chim, trâu, ngựa, lợn, gà… để bầy chơi ngày Tết.

Ở tỉnh cũng có những hàng bán tranh Tết, con giống Tết dọc đường phố để các em mua.

3. Chơi Con Heo Đất, Để Dành Tiền Mừng Tuổi (Lì Xì).

Em nào cũng được cho một con lợn đất để đựng tiền lì xì có trong mấy ngày Tết.

4. Múa Đầu Lân. (đầu lân chỉ có một sừng, còn đầu sư tử có hai sừng), ĐÁNH TRỐNG ẾCH DIỄN VAI ÔNG ĐỊA (ngày nay là trống tây có dây đeo vào vai và bằng sắt tây sơn màu).

Các em miền Nam thường chơi nhiều hơn vào dịp Tết nguyên đán. Các em họp một nhóm thường gồm: hai em đánh trống (có dây đeo trước ngực), hai em múa lân: một em đội đầu kỳ lân và một em nắm đuôi vải vừa chạy vừa múa vừa nhẩy lên nhẩy xuống, một em đeo mặt nạ ông Địa cầm quạt múa, một số em khác đi theo reo hò cổ vũ.

5. Chơi Pháo Bông còn gọi là Pháo Giây Pháo Hoa Cà Hoa Cải : Đó là loại pháo giây, quấn bằng giấy bản mỏng nhuộm hồng, khi đốt trẻ em cầm quay vòng tròn tạo thành một vòng tròn sáng rực rỡ trong bóng đêm. Trước sân nhà ngày Tết, giáp Tết và sau Tết, các em thường tụ thành nhóm chơi pháo giây làm sáng cả một góc sân, cùng nhau reo hò rất vui vẻ. Sau này, trước khi có lệnh cấm đốt pháo, các cửa hàng cũng có bán những que pháo bông cho các em đốt. Tuy nhiên về sau này ở thành phố tại những khu bình dân, nhà cửa san sát nhau, đốt pháo quá mức gây ô nhiễm môi trường và chơi pháo bông (nhất là loại pháo thăng thiên của Trung Quốc) dễ gây hỏa hoạn nên nhà nước ra lệnh cấm đốt pháo; không còn tục chơi pháo tại nhà tư nhân ngày Tết nữa mà Tết chỉ còn đốt pháo bông tập trung do nhà nước thực hiện, các em lại có thú vui mới là đi xem đốt pháo bông, hoặc cùng gia đình ngồi quây quần xem đốt pháo bông trên tivi.

6. Chơi Pháo Nhị Thanh, Tam Thanh : khi đốt viên pháo nổ bắn tung ra một viên con lên trời, rồi viên con mới nổ (pháo nhị thanh); hoặc khi đốt có một viên pháo tung lên trời rồi thêm một viên pháo văng ngang, hai viên pháo này lần lượt nổ tiếp (pháo tam thanh).

7. Phụ Cha Mẹ Bôi Mật Vào Miệng Lò Mới Thay : nhân dịp Tết ông Công với tin tưởng rằng ông Công ăn mật ngọt về trời sẽ chỉ báo cáo những điều tốt lành về gia đình với Thượng Đế, do đó sang năm mới gia đình sẽ gặp nhiều may mắn hơn.

8. Thả Cá Chép Sống (Ba Con) Ra Sông hoặc Hồ, Ao gần nhà :

Sau lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời, các em cùng cha mẹ hoặc người nhà đem ba con cá chép sống (những con cá mà mẹ mua về để cúng dâng Táo quân làm phương tiện về trời) đi thả ra sông, hồ hoặc ao, lạch… gần nhà.

9. Cò Bay Ngựa Chạy và Tục Đốt Pháo Tiễn Táo Quân Về Trời  lúc hóa vàng sau lễ cúng Táo quân;

Có gia đình thì cúng Táo quân ba con cá chép hoặc cá hồng nhưng là con cá đã được nhồi đầy bụng thịt nạc răm băm trộn với bột tiêu sọ hành hoa, miến (bún tàu), hạt sen băm nhỏ, nấm hương, mộc nhĩ thái chỉ, băm nhuyễn ướp với mắm muối cho ngon lành vừa miệng. Tất cả (các cá có nhồi nhân) được đem chiên thơm phức rồi đem hấp cách thủy cho nhân chín kỹ, sau đó thả vào nước sốt cà chua có pha chút bột năng sền sệt và một chút đường, rắc thêm tiêu; có thêm những chiếc mộc nhĩ nhỡ (nấm tai mèo) nở xòe, kèm các sợi miến (bún tàu) trắng phau, loại miến song thần tuyệt ngon của vùng Bình Định (làm từ đậu xanh thượng phẩm), kèm thêm vài cánh hoa Hiên, ít vỏ quít khô và gừng thái chỉ. Món cá được bày lên đĩa trũng lớn xung quanh có xếp rau xà lách hoặc rau diếp xanh xen kẽ những khoanh cà chua đỏ thật vui mắt, trên mình cá là hai chiếc bông xanh tỉa cong xòe hai đầu bằng hai khúc thân hành lá (phần kèm củ hành), dài độ một ngón tay, ½ (nửa) dưới trắng (củ), ½ trên xanh (lá), ở giữa hai khúc hành tỉa là một quả ớt lớn đỏ tươi cũng tỉa thành bông hoa năm cánh trông rất có duyên, lác đác trên mình cá còn vài cọng ngò tươi (mùi ta). Nằm xung quanh mình cá, chìm trong nước sốt lẫn vào đám mộc nhĩ, hoa hiên và miến là những viên mọc nhỏ (nguyên liệu giống như nhân trong bụng cá). Đĩa cá trông thật tuyệt đẹp và mùi thơm bốc lên thật ngon, thật hấp dẫn. Các em nhìn mà nuốt nước miếng, thèm ơi là thèm! (Tôi nhớ ngày xưa khi còn mẹ, mẹ tôi làm món này vừa thơm ngon lại bày biện vừa đẹp mắt khiến mỗi lần Tết ông Công đến tôi nhớ lại mãi không quên, một cảm giác man mác, nao nao nơi tôi lại dâng trào: hình ảnh mẹ tôi tươi cười với món cá nhồi thịt tuyệt hảo cùng gia đình cha mẹ, con cái đoàn tụ ngày Tết đầm ấm, rất đỗi vui vẻ, nay còn tìm đâu thấy nữa!... Cha mẹ thì đã mất hết cả rồi, còn 1/2 số anh chị em thì đi sinh sống tại những phương trời xa xôi!...)

Món cá tuyệt vời này được dâng cúng Táo quân cùng một đĩa bún và hộp mứt thèo lèo (mứt trứng chim trắng muốt pha một vài hột nhuộm màu hồng với kẹo lạc, kẹo vừng), trầu cau, hoa quả, trà, rượu, vàng mã và nhất là gia đình nào cũng có giấy cò bay ngựa chạy  cúng Táo quân làm phương tiện về trời. Trên bàn thờ Định phúc Táo quân, hoa tươi rực rỡ, đèn nến sáng trưng, trầm hương nghi ngút ngát thơm, cả nhà kính cẩn cúng lễ cầu mong ông Táo về trời tâu trình thuận lợi để sang năm mới gia đình gặp nhiều may mắn, an khang thịnh vượng và hạnh phúc, các em thì khỏe mạnh, học giỏi. Cúng lễ xong, chờ tàn hương, gia chủ thường là bố lễ tạ và đem hóa vàng cùng đốt pháo tiễn Táo quân về trời. Ngoài Bắc Tết ông Công đồ mã còn gồm ba chiếc mũ Táo quân (hai ông một bà), và một nghìn vàng thoi (vàng hoa), trẻ em tranh nhau xin phụ đốt vàng, rắc rượu xung quanh… khi có cơn gió thổi tàn vàng bay lên trời, các em lại reo lên và vái theo, nói đó là cò bay ngựa chạy đưa Táo quân về trời.

10. Chơi Xúc Xắc Xúc Xẻ

Tối 30 Tết, trẻ em nghèo ở nhà quê họp thành từng đoàn, đi đến các gia đình trong thôn xóm hát bài xúc xắc xúc xẻ để chúc Tết - mọi người tin rằng các em đến sẽ mang điều tốt lành tới cho gia đình, nên nhà nào cũng tặng các em ít tiền mừng tuổi (tiền xu, tiền tring bỏ vào ống tre các em mang theo).

Xúc xắc xúc xẻ
Trong nhà còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên tầng cao
Có con Rồng ấp
Bước xuống tầng thấp
Có con Rồng chầu
Bước ra đằng sau
Có nhà ngói lợp
Ngựa ông còn buộc
Voi ông còn cầm
Ông sống một trăm
Thêm năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Những con tốt lành
Những con như tranh
Những con như rối
Tôi ngồi xó tối
Tôi đối một câu:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

11. Đi Dự Các Hội Xuân, sau này Ở các tỉnh thành là đi chơi các Hội Chợ , Chợ Phiên (kermesse) : chơi các trò chơi bách hí (thay đổi tùy hội hè (cũ) và hội chợ (mới) như: quăng vòng (vào cổ các con vật như gà, vịt…) sau này là quăng vòng vào các cổ chai rượu…, đánh đu, đu tiên, chơi đáo đĩa, đá cầu, kéo co, đánh lô tô, đánh cờ, chơi bầu cua cá cọp, đánh banh bàn, thi xe đạp chậm, lái xe đụng (xe hơi của trẻ em cho đụng nhau trong một khuôn viên khá rộng), lái tầu bay, ngựa, tầu thủy vv… chơi thú nhún, đạp vịt (pédalo trên nước), nhảy bao bố, đi cà kheo, đánh còn, câu cá (cá là những gói quà…), thổi xì đồng, bắn cung… (sau này là bắn súng hơi vào các đồ bầy trên kệ…), xem tuồng, chèo, xiếc, múa rối nước… xem bắt vịt trên sông… sau này là xem chiếu bóng, mô tô bay, ảo thuật…

B. CÁC CÔNG VIỆC PHỤ GIÚP BỐ MẸ, GIA ĐÌNH CHUẨN BỊ TẾT LÀM CÁC EM VUI THÍCH, VÀ CŨNG ĐƯỢC COI NHƯ NHỮNG TRÒ TIÊU KHIỂN CỦA CÁC EM NHÂN DỊP TẾT

1. Phụ mẹ và chị gọt tỉa rau, củ, quả (trái cây) để làm mứt Tết hoặc làm các đồ trang trí trên mâm cỗ Tết.

Tuy các em không tự tỉa được những bông hoa, uốn những cành hoa tỉa bằng rau củ, nhưng các em có thể phụ chẻ quả ớt đỏ lớn (từ đầu xuống cuống), hoặc chẻ đoạn cuối cọng hành lá (chẻ ở hai đầu) làm năm múi, rồi ngâm vào nước sẽ có những bông hoa đỏ, những chùm hoa xanh để bầy lên các đĩa cổ rất đẹp, hoặc gọt mỏng quả cà chua thành một sợi dây dài rồi cuốn thành một bông hoa hồng… hoặc gọt một lớp mỏng vỏ quả quất (tắc) rồi lấy đanh ghim sâm nhè nhẹ để giúp mẹ bớt công đoạn khi làm mứt tắc, thái dứa, thái dừa non, thái khế, thái bí đao… thành lát mỏng hay thành thanh nhỏ, thái chỉ gừng, cà rốt, đu đủ xanh… để giúp cho mẹ đỡ một phần công việc trước khi mẹ sên mứt dứa, mứt gừng, mứt ngũ sắc…, hoặc đóng bột vào khuôn để làm bánh in, bánh khảo… Những việc này các em bé gái rất thích làm, coi như các em đang chơi đồ hàng vậy.

2. Phụ bôi vôi đỏ vào cuống các quả bưởi, quả quít, quả cam… Phụ dán các chữ phúc và đại cát viết bằng nhũ vàng trên giấy đỏ vào những quả bưởi và dưa hấu… bầy trên bàn thờ.

Một công việc (như một trò chơi) mà các em rất thích làm là:

Phụ cha mẹ bôi vôi đỏ vào cuống những quả bưởi, quả quýt để giữ được lâu không hư, dùng trưng bàn thờ ngày Tết, và màu đỏ là màu của may mắn, thịnh vượng nên quả bưởi cuống có vôi đỏ bày trên bàn thờ sẽ mang lại điều tốt lành cho gia đình trong năm mới.

3. Phụ Dọn Dẹp Trang Hoàng Nhà Cửa như: quét mạng nhện, lau bàn thờ, lau các bức tranh, câu đối… những công việc này dành cho bé trai (tráng nhi lớn), phụ hạ các tấm rèm cửa, chăn, gối, mùng, mền, lau bàn ghế salông, gom quần áo dơ... cho người lớn ngâm giặt để đầu năm mọi thứ trong nhà đều thật sạch, kể cả phụ người lớn lau cửa sổ, cửa ra vào, cửa kính..., lau nhà.. để đầu năm cả nhà đều có vẻ mới sạch và đẹp (các em tráng nhi trai và gái đều làm được). Các em vừa làm vừa nói chuyện cười đùa rất vui, và khi làm xong nhìn nhà cửa sạch đẹp lại tự hào và rất hài lòng về sự đóng góp của mình vào việc chuẩn bị Tết của gia đình. Tại các gia đình giàu có những bộ tràng kỷ, sập… bằng cẩm lai, gỗ trắc, gụ… có chạm khắc những con giống hoặc những hình kỷ hà có những lỗ thủng nhỏ giữa các hình chạm khắc, bụi thường đóng bám vào đó, người lớn sẽ mua bánh kẹo rồi gọi các em trong nhà cùng các bạn nhỏ hàng xóm đến dùng khăn ẩm luồn vào các khe để lau bụi, khi làm xong lại được tiền lì xì - các em vừa làm vừa ăn kẹo, bánh nói chuyện, đùa giỡn rất vui vẻ mà lại hoàn thành được một công việc mà người lớn nếu tự làm sẽ rất mất thì giờ.

4. Phụ Cha Mẹ Dựng Hai Cây Mía Còn Nguyên Ngọn Hai Bên Cạnh Bàn Thờ để các cụ, ông bà… làm đòn gánh gánh lễ vật theo (hôm lễ hóa vàng, sau khi cúng lễ đem hóa vàng thì cũng lấy hai cây mía ra hơ trên lửa hóa vàng) và để các cụ, ông bà đánh đuổi ma quỷ đói muốn cướp lễ vật.

5. Phụ Lau Dọn Bàn Thờ , thay nước cúng, cuốn những tập giấy áo ngũ sắc đàn ông đàn bà thành những cuộn ống tròn, cột lại với nhau thành hai bó giấy cuộn nhiều màu, dựng hai bên bàn thờ trong ngày Tết.

6. Đi Chợ Hoa Ngắm Hoa (phụ chọn cây cảnh bày trước sân hoặc trong nhà) đây cũng là một cách ăn Tết, chơi Tết thú vị của các em. Đôi khi đi chợ hoa lại kèm đi theo xem các gian hàng Tết khác và mua đồ chơi (bong bóng, giấy hoa để rắc lên đầu…), sắm quần áo, giày dép mới…

7. Phụ lau lá gói bánh chưng, phụ canh nồi bánh chưng các đêm 27, 28 TẾT, và chờ lấy bánh chưng con . Trong lúc thức canh bánh, các em có thể chơi các loại cờ và bài bạc cho vui và khỏi buồn ngủ…

8. Lặt Lá Mai: ở miền Nam Việt Nam các em còn phụ giúp cha mẹ lặt lá mai để giúp mai nở rộ vào đúng dịp mấy ngày Tết nguyên đán, lặt mai vào mùng 10 hay 15 tháng chạp tùy theo là mai vàng hay mai tứ quý.

Các em, nhất là các em thiếu nhi từ 8 đến 15 tuổi (tráng nhi) rất thích thú công việc này, các em thi nhau lặt xem ai lặt được nhanh và nhiều, vừa nhặt vừa vui đùa nói chuyện, vừa hát các bài nhạc xuân rất vui vẻ, các em còn nhỏ và thấp còn bắc thêm cả ghế đẩu để có thể leo lên lặt lá mai.

C. CÁC LOẠI CỜ VÀ BÀI BẠC CÁC EM ĐƯỢC PHÉP CHƠI TRONG MẤY NGÀY TẾT

1. CÁC LOẠI CỜ

Các em có thể chơi để mua vui các loại cờ bàn, khi thắng sẽ được thưởng bằng bánh kẹo, kéo tai, kéo mũi hoặc đốt đóm mời sơi thuốc (đối với các em tráng nhi lớn) và đọc câu hát:

Cao cờ là ông, thấp cờ là tôi
Điếu đóm đây rồi, mời ông sơi thuốc…

(hát thế để cho các em thắng được vinh dự có thể vênh mặt lên là cao cờ, chứ thật các em cũng không hút thật, chỉ bập miệng chơi…).

a. NGÀY XƯA ĐÓ LÀ CÁC LOẠI CỜ TRẺ CON (ấu nhi, tráng nhi) như: Cờ ngũ hành, cờ gánh, cờ chiếu tướng, cờ chân chó, cờ cọp, cờ trâu.. . Các em tráng nhi lớn có thể chơi cờ tướng như người lớn. Và tại các Hội hè đình đám, các em tráng nhi lớn và có năng khiếu còn có thể chơi cả "cờ người".

b. Sau này, kể từ khi Việt Nam giao tiếp với Tây phương, có du nhập thêm một số môn cờ như:

* CỜ Carô: Hai em chơi trên một tờ giấy kẻ ô vuông nhỏ (carô), mỗi em đánh dấu của mình vào một ô. Thí dụ: một em đánh dấu O, một em đánh dấu X, em nào ghi được năm dấu liên tiếp thẳng hàng hoặc chéo hàng thì em đó thắng.

Trò chơi này cần sự tinh mắt, nhanh trí và thông minh. Mới đây (2004) tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã có tổ chức tranh giải cờ carô cho các học sinh cấp 1, 2, 3 với bàn cờ (bằng gỗ, plastic hay carton dầy) kẻ ô vuông, quân cờ hình tròn, hai mầu khác nhau cho hai bên đấu thủ.

* CỜ Tam Giác : Các em chấm sẵn một số điểm tùy hứng trên một tờ giấy mỗi em lần lượt nối từng hai điểm khác nhau bằng một vạch (khi tới lượt mình) để tạo thành một hình tam giác. Em nào tạo được nhiều hình tam giác hơn thì em ấy thắng. Số tam giác của mỗi em sẽ được tổng kết vào cuối ván (nghĩa là sau khi đã nối hết các điểm chấm sẵn vào với nhau) - Khi tạo được một tam giác thì mỗi em lại ghi dấu hiệu riêng của mình (thí dụ A, B, X, O) vào tam giác đó. Mỗi lượt đi có thể tạo được một hoặc nhiều tam giác với điều kiện tam giác do em mới tạo thành chỉ được dùng một vạch để nối hai đầu còn trống lại (thí dụ các lần đi trước các em đã tạo sẵn hai cạnh liền nhau CA và CB, tới lượt đi này chỉ cần nối hai điểm A và B là có một tam giác mới ABC, nếu sau khi một em đã tạo được một tam giác mới mà vẫn còn chỗ để chỉ bằng một vạch nối hai đầu trống là lại tạo thêm được một tam giác mới nữa thì em này trong một lần đi đã tạo được hai tam giác (thí dụ đã nối được tam giác IED mà còn nối thêm được K và D để có tam giác KED).

Trò chơi này trên giấy từ hai đến bốn em. Trò chơi cần sự tinh mắt, nhanh trí và tính toán khéo (đối với cả cờ carô và cờ tam giác).

* CỜ Cá Ngựa : Có thể chơi từ hai đến bốn em. Chơi bằng những quân cờ hình đầu ngựa bằng nhựa hay bằng gỗ. Có bốn màu xanh lá cây, xanh dương, đỏ, vàng, mỗi mầu 4 con ngựa. Chơi trên giấy vẽ bàn cờ (hình 1) hoặc trên những hộp cờ bằng gỗ (có 4 ô gỗ đóng thành cao làm chỗ để ngựa trước khi ra quân hoặc còn gọi là ra chuồng).

Cách Chơi: chơi tối đa bốn em, mỗi em nhận một loại ngựa, mầu khác nhau. Dùng một chiếc ly, cho một quân súc xắc sáu mặt (1, 2, 3, 4, 5, 6) vào lắc đổ ra bàn cờ hoặc đổ vào một bát to (để quân súc xắc khỏi lăn mất). Ai được số to nhất thì đi đầu tiên, kế đó lần lượt theo thứ tự các mầu ngựa trên bàn cờ, theo chiều kim đồng hồ đến các em khác có số đổ thấp hơn - Khi chơi nếu đổ ra số 1 hoặc số 6 thì được ra quân: để quân ngựa của mình vào ô tròn to thứ nhất cùng mầu và được đổ tiếp để đi. Nếu đổ liên tiếp nhiều số một hoặc số 6 thì được đi nhiều lần hoặc ra thêm quân, hoặc được chuộc lại một con ngựa đã bị chủ một con ngựa khác màu bắt. Chỉ khi đổ ra các số khác thì chỉ được đi nếu có ngựa đã ra chuồng, và cũng chỉ được đổ một lần, mỗi số đổ ra tương ứng với ngần ấy bước đi. Thí dụ đổ ra số 4, thì người có con ngựa đã ra chuồng được đi 4 bước. Khi một con ngựa (thí dụ màu vàng) đang đứng ở một điểm thì có con ngựa khác (thí dụ màu xanh) đi sau, cách con ngựa vàng 5 bước mà chủ ngựa xanh lại đổ ra số 5, thì con xanh được đi 5 bước, sẽ đến đúng chỗ con vàng đang đứng, con vàng sẽ bị đá và bị chủ con xanh bắt đem về, muốn chuộc, chủ con vàng phải đổ được số 1 hoặc số 6 mới đem được ngựa về, rồi phải đổ thêm được số 1 hoặc số 6 mới cho ngựa ra chuồng lại được. Nếu có hai con ngựa (đồng màu hoặc khác mầu) đứng trên đường đi mà chủ ngựa đứng sau đổ ra một số lớn hơn số điểm chấm (số bước) cách giữa hai con (thí dụ con trước cách con sau 3 điểm chấm (kể cả điểm chấm con trước đứng), nếu chủ con sau đổ ra số 3, con sau được đi ba bước, sẽ tới đúng chỗ con trước đứng và đá con trước như đã nói ở trên, nhưng nếu chủ con sau đổ ra số 4 hoặc 5, nghĩa là lớn hơn số bước cách giữa hai con, thì con ngựa sau sẽ không được đi, chủ ngựa phải nhường lượt chơi cho người tiếp theo (điều này có nghĩa là kể cả ngoài lẫn trong chuồng, chỉ được đi khi đường trống, không được trèo qua đầu ngựa mà đi (kể cả là hai con đồng màu).

Nếu chẳng may có con ngựa nào (thí dụ một con đỏ) lại đang đứng ở ô tròn to đầu tiên màu xanh, vừa lúc đó chủ con xanh lại đổ ra số 6 hay ra số 1; nếu ra quân xanh, quân đỏ đứng chỗ đó (ô tròn to đầu tiên màu xanh) sẽ bị đá và bị chủ quân xanh lấy về. Trên bàn cờ có bốn ô chữ nhật, mỗi ô sơn một mầu khác nhau ghi từ số 1 đến 6 gọi là chuồng ngựa, xung quanh chuồng ngựa có những chấm tròn để ngựa bước đi theo, mỗi khi ngựa ra chuồng phải chạy hết vòng bàn cờ cho đến khi trở về trước chuồng của mình (ô chữ nhật cùng mầu), đứng đó và đợi chủ đổ được số 1 mới được bước vào điểm số 1 trong ô chữ nhật (chuồng) và chỉ được tiến lên từ từ trong chuồng, khi chủ đổ được các số tương ứng đúng theo thứ tự từ 1 lên 2 rồi 2 lên 3, 3 lên 4… tới 6. Nếu đứng trước chuồng của mình mà chủ không đổ được số 1 thì con này không vào chuồng được và những con sau cũng vậy và có thể bị những con mầu khác đi tới đá. Có nơi chơi dễ thì chỉ cần vào được chuồng (vào số 1) thì sau đó, chủ đổ ra số nào, ngựa có thể lên thẳng số đó, nếu nơi đó không có sẵn một con ngựa.

Muốn thắng, một chủ ngựa phải có 4 con ngựa đã vào được chuồng và ở các vị trí 3, 4, 5, 6 trong chuồng. Người thắng đầu tiên coi như thắng cả làng, nhưng những em còn lại vẫn tiếp tục chơi để phân ngôi thứ. Rồi sau đó mới được thưởng, tùy qui định của các em, nếu là véo mũi thì em thắng đầu véo mũi cả làng, và em thua chót bị cả làng véo mũi.

Chơi cờ cá ngựa vừa rất vui, vừa có khi rất tức mình vì ngựa của mình bị đá liên tiếp trước cổng chuồng.

Nếu chơi cờ bằng bàn cờ gỗ thì càng vui hơn vì khi đi các quân cờ đập vào bàn gỗ kêu lóc cóc như ngựa phi.

* Các Loại Cờ khác mà người ta đặt thêm ra như cờ tỷ phú, cờ chuông vịt, cờ vinh quy bái tổ, cờ vây… Các loại cờ này có bán tại các cửa hàng có ghi cách chơi đơn giản kèm theo bàn cờ, nên không ghi ở đây.

* CỜ Domino : có thể chơi từ hai tới 4 em, với các quân cờ bằng nhựa có hai đầu (hình 1), có 28 quân. Đợt đầu chia mỗi người 7 quân, nếu chơi ít hơn 4 em thì số quân còn dư sẽ dùng để rút khi cần. Để phân đi thứ tự trước sau có thể đánh tay hoặc dùng một quân xúc xắc. Người được đi đầu bỏ xuống một quân (thí dụ quân (1-2), người thứ hai phải có một quân có một đầu giống với một đầu của người đi thứ nhất (thí dụ 2-3) ráp hai đầu hai (hình 2) vào với nhau), rồi cũng một cách như vậy, người thứ ba ráp tiếp một quân của mình, rồi trở lại người thứ nhất (trường hợp chỉ có ba người chơi). Nếu người này không có quân bài nào có một đầu giống với một trong hai đầu của đoạn bài ráp sẵn, người đó sẽ phải rút một quân trong số quân còn dư, nếu quân rút ra vẫn không ráp được, thì sẽ được tiếp tục rút cho đến khi nào có quân ráp được thì thôi. Nếu đã rút hết cả số quân cờ dư mà vẫn không có quân nào ráp được thì em đó sẽ phải ngưng để em kế tiếp chơi, đợi tới lượt em mà một hoặc cả hai đầu của đoạn bài mới ráp giống với một đầu của một quân em có trong tay thì em lại được tiếp tục chơi ráp, trường hợp này cũng giống như chơi 4 em mà một em không có quân ráp khớp một trong hai đầu của đoạn bài đang có, em sẽ phải tạm ngưng để nhường em khác chơi gọi là pass.

(Lưu ý: Những quân bài mà một em phải rút thêm sẽ tính là quân bài của em đó, và đến cuối ván khi cộng lại để tính điểm thua sẽ phải cộng cả những điểm của quân bài em rút thêm mà vẫn còn lại trên tay.)

Cứ chơi như thế cho đến khi có một em tới trước, nghĩa là hết quân bài trong tay trước các em khác, thì em đó thắng, những em còn lại, đếm tổng số điểm của các quân cờ còn lại trong tay, là số điểm thua rồi ghi lại để cộng vào số điểm của bàn sau nếu thua tiếp hoặc trừ bớt đi nếu thắng. Rồi lại tiếp tục chơi ván khác cho đến khi người chơi thua nhiều nhất đạt tới mức đỉnh điểm thua các em đã ước định trước. Thí dụ 100 điểm, lúc đó các em thua sẽ cứ theo số điểm thua mà chung tiền cho em thắng hoặc chịu cho em thắng cú đầu, tùy theo ước định (thí dụ 100 điểm thua phải chồng một đồng hoặc chịu một cái cú đầu…). Cách tính điểm thua như sau: căn cứ vào con bài mà tính mỗi số 1 điểm, thí dụ con 2-4 giá trị bằng 2 điểm + 4 điểm = 6 điểm.

Những điều cần ghi nhớ:

(1) Muốn được trừ điểm vào số điểm nợ khi thắng (tức là khi tới hoặc hết bài trước), hoặc cũng có khi là đóng bài, có nghĩa là khi người chơi gắn quân bài cuối của mình vào một đầu của dãy bài đang chơi thì không người chơi nào khác còn có quân bài thích hợp để có thể chơi tiếp), thì phải thắng với hai đầu giống nhau, như thế mới được trừ 5 hoặc 10 điểm (tùy theo giao hẹn lúc trước khi chơi), nếu không thắng với hai đầu giống nhau thì không được trừ gì hết.

(2) Nếu đóng bài bằng một quân Bò mà trên tay còn bài và tổng số điểm của những quân bài còn trên tay người đóng bài bằng Bò chỉ cần nhiều hơn số điểm của những quân bài còn trên tay của một trong số những người cùng chơi, thì người đóng bài bằng Bò sẽ phải đền cả làng: Lấy tổng số điểm của tất cả những con bài còn lại trên tay các bạn cùng chơi làm số điểm nợ của người đóng bài bằng Bò và cộng vào tổng số điểm nợ đang có của người này.

(3) Mỗi quân cờ mang một phối hợp hai số, từ 0 đến 6.

TD: 0-1, 1-2, 3-4, 5-5, vv...

- Những quân cờ mang phối hợp hai số giống nhau gọi là Bò TD: (0-0) gọi là Bò không, (1-1) gọi là Bò nhất hay Bò 1, (2-2) là Bò nhị hay Bò 2, (3-3) là Bò tam hay Bò 3, (4-4) là Bò tứ hay Bò bốn, (5-5) Bò ngũ hay bò 5, (6-6) là Bò lục hay Bò sáu.

- Và mỗi loại quân cờ mang cùng một đầu số giống nhau (chẳng hạn đầu số 1 tượng trưng bằng chữ A).

TD: (1-0), (1-1), (1-2), (1-3), vv…

thì gồm tổng cộng tất cả bảy quân cờ mang phối hợp của số đó (A) với lần lượt 6 số khác. Từ 0 đến 6 (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6) kể cả chính số đó và gồm 7 quân (A-X) như sau:

TD:

+ 7 quân cùng đầu số 1 là:

1-0, 1-1, 1-2, 1-3, 1-4, 1-5, 1-6

Bò nhất

+ 7 quân cùng đầu số 2 là:

2-0, 2-1, 2-2, 2-3, 2-4, 2-5, 2-6

Bò nhị

- Lấy TD về đầu số 2, có 7 quân cờ (2-x). Nếu có 6 quân (2-x) đã ra rồi và trên tay người sắp đi còn lại một quân (2-X) cuối cùng (TD: 2-3), và trên dãy bài đang chơi lúc đó một đầu là số 2 và một đầu là số 3 thì người ấy lấy quân (2-3) ráp vào đầu có số 3, như vậy là đóng bài vì 2 đầu của dãy bài lúc này đều là quân 2, sẽ không còn ai đi tiếp được nữa vì đã hết loại quân (2-x).

(4) Sau khi chia bài, có một người chơi nhận được nhiều quân có cùng một đầu số, TD (5-x), thì người đó phải tìm cách để mọi người khác đánh bài sao cho mình có thể ra hết quân (5-x) đó, chỉ để lại một quân (5-x) để sau này có thể dùng để đóng bài, trái lại các bạn cùng chơi khác lại tìm cách ra bài thế nào để người có nhiều quân (5-x) không ra được nhiều loại quân này, phải giữ lại thì sẽ bị thua.

* CỜ Vua còn gọi là cờ Dame hay cờ quốc tế

Trong số các môn cờ của người Tây phương du nhập vào Việt Nam, nổi trội nhất là môn cờ Vua hay cờ Quốc tế. Hiện nay Việt Nam đã có nhiều kiện tướng cờ Vua đoạt được nhiều giải cao tại các đấu trường cờ Quốc tế.

Bàn cờ Vua có tất cả 64 ô sơn đen trắng, bàn cờ chia hai bên, bằng nhựa, giấy hoặc gỗ, các quân cờ mang hình khác nhau, bằng nhựa hoặc bằng gỗ và đứng trên bàn cờ, chia làm hai mầu phân biệt dùng cho hai bên đấu thủ và gồm: hai Vương, hai Hậu, 4 Tượng, 4 Mã, 4 Xe, 16 Tốt, các quân cờ được xếp vào hai hàng ô cuối của bàn cờ theo thứ tự mỗi bên như sau: từ trái sang phải phía trước mặt người đánh cờ (Kỳ thủ). Hàng ô cuối cùng là các quân: Xe, Mã, Tượng, Hậu, Vua, Tượng, Mã, Xe. Hậu luôn luôn phải ở bên trái của Vua tính theo hướng trước mặt của kỳ thủ (người đánh cờ).

Bên đối phương các quân cờ cũng xếp theo như vậy trên hàng ô cuối cùng, nhưng ngược lại và đối phương ngồi đối diện với đấu thủ bên này.

Hàng ô sát hàng ô cuối cùng là 8 quân Tốt mỗi bên, che chắn cho toàn bộ các quân kia.

Trong bàn cờ vai trò của hai quân Tốt và Hậu là mạnh nhất và Tốt khi còn (không bị ăn) và đi đến hàng ô cuối cùng của đối phương thì có thể biến thành những con khác (bất cứ con nào) nhưng thường biến thành Hậu vì Hậu có thể đi ngang, chéo, lên, xuống, chỉ không được đi chữ L (hai lên, một ngang) nên rất mạnh đối với việc tấn công.

Cờ Vua chơi đơn giản hơn cờ Tướng Việt Nam. Cách đi của các quân cờ như sau:

- Đường trống mới được đi, không được đi nhẩy qua đầu các quân khác.

- Tốt nước đầu được đi hai bước, các nước sau đi một bước, Tốt ăn chéo.

- Mã đi lên hai ô, không đi thẳng, trước mặt có quân chắn không được đi.

- Xe đi lên, xuống, ngang (qua lại) không giới hạn. Cấm đi chéo.

- Hậu đi ngang, chéo, lên, xuống, không được đi chữ L.

- Vua đi chéo, ngang, dọc và đi mỗi lần một ô.

Các quân khác trong bàn cờ phải làm sao bảo vệ Vua, không cho đối phương chiếu Vua, nếu Vua bị ăn hoặc bị chiếu bí thì kể là thua.

Chơi các loại cờ là một cách luyện tập sự nhạy bén, linh hoạt của đầu óc, là những môn chơi thông tuệ, thanh cao; tuy nhiên, để giải trí trong các dịp lễ Tết thì rất tốt, chứ nếu để các em quá đam mê thì sẽ hại cho sự học hành, sức khỏe và công việc sau này.

c. Ngoài các môn cờ, các em còn chơi các ô chữ, cũng là một môn chơi có tác dụng tương tự như chơi đố chữ nho hay chữ Pháp trước đây, có tác dụng làm phong phú vốn Việt ngữ của các em và tăng thêm sự hiểu biết.

2. CÁC MÔN CỜ BẠC TRẺ EM ĐƯỢC PHÉP CHƠI TRONG DỊP TẾT: CHỈ TRẺ EM TRONG NHÀ CHƠI VỚI GIA ĐÌNH, CON HÀNG XÓM MUỐN ĐƯỢC CHƠI PHẢI CÓ CHA MẸ DẪN TỚI.

Đó là các bài tam cúc, bầu cua cá cọp, lô tô, rút bất, bài cào, sấp ngửa 6 quân.

a. Tam Cúc

Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà
Nhớ ngũ vị nhớ chè lam
Nhớ cây nêu nhớ khánh vang tiếng sành
Nhớ tam cúc tẹt nhớ mình
Nhớ cân mứt lạc nhớ khoanh giò bì.


(Bàng Bá Lân)

Cỗ bài tam cúc gồm 32 quân, chia làm hai vế: bên đen và bên đỏ. Mỗi bên gồm một tướng (tướng ông bên đỏ và tướng bà bên đen), hai sĩ, hai tượng, hai xe, hai pháo, hai mã và 5 tốt (có nơi gọi tượng là tịnh, tượng đỏ là tịnh vàng).

Cách chơi :

Có thể chơi hai người, ba người hoặc bốn người tối đa. Nếu chơi ba người thì cờ bài phải bớt đi 5 quân: hai tốt đỏ, ba tốt đen (bỏ ra ngoài, không dùng đến).

Trước khi chơi phải bắt cái: cỗ bài để trên một chiếc đĩa, một người tách ngược một phần cỗ bài ra, xem là quân gì, rồi tính theo thứ tự quân bài: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt, theo phía tay phải của người bốc cái.

Thí dụ: người bốc cái bốc được quân tượng thì đọc: tướng là người bốc, sĩ là người thứ hai bên phải người bốc, tượng là người thứ ba bên phải. Người này sẽ là cái.

Trước khi chơi phải chia bài đều cho mọi người tham dự. Khi chơi người cái gọi đầu tiên, các người con ra theo (gọi 1, gọi đôi và gọi

3). Quân bài gọi là cây. Thí dụ gọi ra hai quân nói là gọi ra đôi cây.

* Các loại bộ đôi: tất cả mọi bộ đôi quân đều phải cùng mầu (thí dụ đôi sĩ đỏ, đôi sĩ đen…). Các bộ đôi gồm:

- đôi sĩ (không được ăn kết)

- đôi tượng (không được ăn kết)

- đôi xe (những đôi này đều được ăn kết)

- đôi pháo (được ăn kết)

- đôi mã (được ăn kết)

- đôi tốt (được ăn kết)

* Các loại bộ ba: tất cả mọi bộ ba quân phải đồng mầu (thí dụ tướng sĩ tượng phải gồm tướng đen, sĩ đen, tượng đen…). Các bộ ba gồm

- Bộ ba tướng, sĩ, tượng (không được ăn kết, chỉ được tính ăn thua).

- Bộ ba xe, pháo, mã: được ăn kết (cả bộ đen lẫn bộ đỏ). Tuy nhiên, cũng có nơi không cho ăn kết xe, pháo, mã đỏ, chỉ cho tính ăn quân.

* Ghi nhớ:

- Tốt:

+ không được ra 3

+ chỉ được ra 1, ra 2 (nếu đôi ra cuối cùng bài thì được ăn kết).

+ ra 4 (tứ tử): được ăn kết

+ lưu ý có nơi tứ tử được trình làng.

* Ăn kết: là những bộ quân bài theo qui định, phải ra cuối cùng ván và cả làng phải chui. Đó là những bộ (xe, pháo, mã đen hoặc đỏ, có nơi chỉ bộ đen mới được ăn kết), các bộ đôi xe, pháo, mã, tốt (đen hoặc đỏ), tứ tử (4 quân tốt đồng mầu), ngũ tử (5 quân tốt đồng mầu).

+ Nếu xe, pháo, mã đen ăn kết nhưng lại bị kẹt xe, pháo, mã đỏ của người khác, cũng ra sau cùng ván bài, đè thì người ăn kết đen phải đền nghĩa là phải giam (tiền) thay cho cả làng cho người có xe, pháo, mã đỏ.

+ Tứ tử được ăn kết, nhưng nếu tứ tử đen ăn kết bị tứ tử đỏ đè, thì người có quân đen phải đền tức là phải giam thay cho cả làng cho người có quân đỏ.

+ Tứ tử trình làng: khi chia bài ra mà có 4 quân tốt đồng màu (đen hoặc đỏ) thì không đợi cái gọi, có quyền trình ra cho cả làng thấy và cả làng phải chui mỗi người 4 quân. Cũng có nơi không có tứ tử trình làng.

+ Ngũ tử cướp cái: khi chia bài mà có ngay 5 quân tốt đồng mầu thì trình làng, cả làng phải chui 5 quân mỗi người, đồng thời người đó lại được cướp quyền làm cái.

+ Luật chơi cũng cấm 5 nước đầu không được ra tướng đỏ, hoặc đôi sĩ, đôi tượng màu đỏ. Nếu ra quân phạm luật này mà không ăn được quân cuối cùng ván bài, và làng có kết thì phải đền nghĩa là thay cả làng giam cho người kết (ăn sao đền vậy).

+ Có nơi chỉ cho ăn kết bộ đôi (hai xe đồng mầu, hai pháo đồng mầu, hai mã đồng mầu) còn hai sĩ và tượng không được ăn kết. Các trường hợp kết đôi bị đè (xe đỏ đè xe đen, pháo đỏ đè pháo đen, mã đỏ đè mã đen; xe đè pháo, mã; pháo đè mã) người bị đè phải đền cả làng.

Tuy nhiên nếu đôi sĩ, đôi tượng đè đôi pháo hoặc đôi xe, hoặc đôi mã thì người có quân kết chỉ bị chui quân không bị đền cả làng và đôi sĩ, đôi tượng không được ăn kết, chỉ được ăn quân.

Xe đôi và pháo cũng đôi
Bài này ai kết hơn tôi, tôi đền
Bàng Bá Lân - Tiếng võng đưa

+ Nếu kết được đôi đen (hai quân) thì được làng giam gấp đôi (nhất bộ nhị), nhưng nếu bị tốt đỏ đè thì sẽ phải đền nặng và ăn sao đền vậy, nghĩa là phải thay cả làng giam gấp đôi cho bên kết tốt đỏ.

+ Nếu nhà cái gọi mà nhà con ăn, thì nhà con trở thành cái lần ra bài kế tiếp có nghĩa là được gọi ra quân (1, 2 hoặc 3).

Chơi tam cúc trong gia đình, nhất là vào dịp Tết tạo nên một không khí rất vui vẻ, đầm ấm, với những tràng tiếng cười ròn tan, trong trẻo, ngây thơ của các em vào mỗi cuối ván bài. Bài này chơi có cao thấp, đòi hỏi sự tính toán mau lẹ, nhìn xa để tính nước đi, nên gia đình cũng không cấm đoán trừ phi mê chơi quá, mà xao nhãng công việc cùng sự học hành. Trẻ em xưa chơi tam cúc ăn thua chỉ là được hoặc bị tẹt tay, tẹt mũi theo số quân thua, nên tam cúc còn gọi là tam cúc tẹt .

Nhưng tam cúc cũng còn được gọi là Tam tức vì quân bài được chia cho không như ý mình, cầu mong có tướng để được ăn kết, tướng lại không đến, cầu mong có xe, pháo, mã để ăn kết cũng lại không có nốt, hoặc đã có kết mà lại bị đè, nên có người bực mình mà than:

Tướng đâu tướng chẳng theo thầy
Tướng đi ăn trộm có ngày mang gông.

Khác với người lớn, trẻ em chơi tam cúc không ăn tiền, nên tâm hồn luôn thư thới hân hoan nhân dịp xuân về, tận hưởng được cái vui hồn nhiên do những ván tam cúc tẹt mang tới.

* Cách tính thua được trong tam cúc: Thua, được kết cuộc mỗi ván bài mới tính căn cứ theo số quân ngửa còn lại (trên chiếu hoặc bàn bài) của mỗi người.

+ Phần chơi về trước và phần kết tính riêng.

+ Có nơi chỉ tính phần kết, còn phần chơi về trước khi kết thì bỏ không tính.

+ Trước khi chơi, ngoài các điều đã trình bày ở trên còn giao hẹn một quân bài thắng (bài ngửa không bị chui) được mấy đồng, trinh hoặc xu hoặc mấy tẹt mũi…, ván kết ăn bao nhiêu ngoại trừ kết tốt đen được ăn hoặc bị đền gấp đôi.

Tính tiền hoặc tẹt mũi, tẹt tay ăn thua về phần chơi trước, nếu có người ăn kết:

+ Ăn kết bất cứ loại nào (trừ kết đôi tốt đen) đều tính như sau:

Thí dụ hai hào một ván kết, thì cả làng sẽ phải góp cho người ăn kết mỗi người hai hào nếu là ván kết thường.

Nếu kết đôi tốt đen, cả làng mỗi người sẽ phải góp trả gấp đôi cho người ăn kết, nghĩa là mỗi người sẽ phải góp 2 hào x 2 = 4 hào.

+ Trường hợp ăn kết bị đè, người bị đè sẽ phải thay cả làng giam cho người thắng (đè bài mình) trong trường hợp kết thường. Thí dụ có 4 người chơi, người bị đè phải giam cho người thắng 2 hào x 3 (người) = 6 hào.

Nếu là kết đôi tốt đen thì phải giam gấp đôi là 6 hào x 2 = 12 hào hoặc chịu 12 tẹt.

- Nếu không có ai ăn kết hoặc tính kết rồi vẫn tính phần chơi về trước, được thua sẽ tính như sau:

Người nào có hai quân ngửa thì hòa (bình cẳng) không phải giam tiền hoặc chịu tẹt.

Người nào có dưới hai quân ngửa (thí dụ 1, 0 quân ngửa) sẽ phải giam tiền cho những người có trên 2 quân ngửa (thí dụ 3 hoặc 4), không tính phần ăn kết vì đã tính trước rồi.

Thí dụ mỗi quân trên 2 được 1 hào hoặc một tẹt, thì người thua (thí dụ chỉ có một quân ngửa) sẽ phải trả cho người có 3 quân ngửa 1 hào (3 quân - 2 quân = 1 quân) và phải trả cho người có 4 quân ngửa 1 hào x 2 = 2 hào (4 quân - 2 quân = 2 quân).

Người không có quân ngửa nào cả sẽ phải trả cho người có 3 quân ngửa 2 hào, cho người có 4 quân ngửa 3 hào hoặc phải chịu 2 tẹt (trường hợp trước) và 3 tẹt (trường hợp sau).

Nhưng cũng có nơi, cứ có dưới hai quân ngửa kể là thua (thí dụ 1, 0 quân ngửa) thì cũng chỉ phải đóng cho người thắng có trên 2 quân ngửa (thí dụ 3, 4 quân ngửa) một phần giống nhau. Thí dụ chịu đóng 1 hào hoặc chịu một tẹt (nếu người thắng có 4 quân ngửa) dù người thua có một hoặc không quân ngửa nào.

b. Bầu Cua Cá Cọp

Chơi cần một nhà cái và bao nhiêu nhà con cũng được.

Bầu cua là một tờ giấy có sáu vòng tròn mang sáu hình: bầu, cua, cá, gà, tôm, hươu nhiều mầu sắc. Nhà cái lấy một cái đĩa trên úp chiếc bát trong có một quân xúc xắc sáu mặt, mỗi mặt một hình: bầu, cua, cá, gà, tôm, hươu (nai).

Các tay con sẽ đặt tiền vào các cửa, nhà cái lắc quân xúc xắc rồi mở ra, trúng vào cửa nào, cửa ấy được ăn, nhà cái phải chung bằng số tiền nhà con đóng vào cửa đó, còn đối với các cửa thua thì nhà cái vơ hết.

Trò chơi này hoàn toàn có tính đỏ đen, trừ phi nhà cái ăn gian tìm cách lắc để có cửa mình muốn, vì vậy chỉ được phép chơi trong mấy ngày Tết và chơi trong gia đình để mua vui, nhà cái thường là người lớn (bố, mẹ, cô, dì…).

c. Lô Tô

Lô tô chơi cũng có người làm cái.

Có 99 quân có khắc số từ 1 đến 99 để vào một túi vải và có một số bảng giấy có in sẵn trên đó một ít số. Những số này ở trong vòng từ 1 đến 99.

Ai chơi thì lấy một bảng.

Nhà cái thò tay vào túi bốc ra được quân nào thì xướng số lên. Trên bảng của ai có số đó thì đặt một hạt dưa vào, vì ngày Tết nhà nào cũng có hạt dưa, nhà cái cũng đặt hạt dưa hoặc chính quân ra lên bảng của mình nếu có số đó. Cứ lần lượt bốc quân như thế cho đến khi có người "tới" nghĩa là đặt được hạt dưa lên trên hết tất cả các số của bảng mình thì người đó thắng.

Nếu người thắng là nhà cái thì được vơ hết tiền hoặc kẹo các nhà con đã đặt cửa.

Nếu người thắng là nhà con thì nhà cái sẽ phải chung thêm cho người đó bằng với số tiền hoặc số kẹo đã được đặt cửa và nhà con đó sẽ thu về tiền đặt cửa cộng với tiền chung. Các nhà con khác cũng thu về tiền đặt cửa của họ.

Chơi lô tô trong gia đình ngày Tết cũng rất vui và luôn kèm theo những tiếng cười ngặt nghẽo, những tiếng reo hò náo nhiệt của các em.

Trò chơi này cũng hoàn toàn có tính cách may rủi, trẻ em thường chơi lấy kẹo, cũng có khi đặt cửa bằng tiền mừng tuổi và nhà cái thường là người lớn trong nhà (mới có tiền chung cho nhà con nếu thua) và các em chỉ được chơi trong nhà ngày Tết. Tuy nhiên, đôi khi đi chợ phiên ngày Tết cũng có chơi lô tô lấy quà và nhà cái đọc kèm số rút ra là bài vè về số đó.

d. Rút Bất:

Cỗ bài để rút bất gồm 38 quân bài giống như quân bài của tổ tôm hay chắn nhưng ít hơn (tổ tôm hay chắn gồm 120 quân mỗi cỗ bài).

Có 4 loại quân trong cỗ bài gọi là hàng, sừng, vạn, sách, văn (Tổ tôm cũng như chắn chỉ có 3 loại quân (3 hàng): vạn, sách, văn); mỗi hàng có 9 quân đánh số từ nhất (1) đến cửu (9), tổng cộng 4 hàng là 9 x 4 = 36 quân. Cộng thêm 2 quân thang thang và chi chi làm Yêu (lưng), Yêu tương đương 1 điểm. Như vậy cỗ bài gồm tất cả là 38 quân, và số quân ít nên trẻ con mới nhớ được và chơi được.

Cách chơi :

Phải có một người làm cái, số các nhà con có thể lên đến 9 hoặc 10 người.

Ai cũng có thể nhận làm cái được hoặc có thể xoay tua thay nhau làm cái được. Nhà cái phải là người có tiền (để chung khi thua), thường là người lớn. Trước khi chơi nhà con phải đặt cửa, tùy ý bao nhiêu cũng được.

Cỗ bài để trong đĩa, nhà cái và nhà con lần lượt rút, mỗi lần chỉ được rút một quân, nhưng có thể tiếp tục rút mỗi khi tới lượt mình, nếu tổng giá trị các quân đã rút của mình chưa quá 10 điểm.

Theo luật chơi muốn ăn được nhà cái, số thấp nhất mà nhà con phải có là 5 và cao nhất là mười (10) điểm, quá 10 là bương hoặc toe (tức là không được rút thêm nữa và không được ăn tiền (nếu nhà cái cũng toe và như vậy là hòa) hoặc thua luôn rồi nếu nhà cái có điểm (không bị toe). Tuy nhiên, có bị bương hay không chỉ mình biết, không công bố ra vì sợ đối phương (là nhà cái nếu mình là nhà con hoặc là nhà con nếu mình là nhà cái) ăn non, đợi rút hết bài rồi người bị toe mới ngửa bài ra cùng các người khác.

+ Cuối cùng so sánh số điểm giữa nhà cái và các nhà con, ai cao điểm hơn người ấy thắng.

+ Nhà cái thắng thì lấy tiền đặt cửa của những nhà con thua. Nếu nhà cái thua thì phải chung (giam) cho nhà con thắng bằng với số tiền đặt cửa.

+ Nếu điểm bằng nhau thì tính theo thứ tự hàng để phân ăn thua.

Thí dụ: 8 sừng hơn 8 vạn, 8 vạn hơn 8 sách, 8 sách hơn 8 văn, chi chi tính theo nhất văn, thang thang tương đương nhất sách.

Nếu trong tay người có quân thuộc các hàng khác nhau thì lấy quân thuộc hàng cao nhất làm bài chủ của mình. Thí dụ trong tay nhà con có tam văn, thất sách (3+7 = 10) thì kể là 10 sách.

+ Nếu nhà cái có tam vạn, thất văn lại là 10 vạn, thì thắng 10 sách ở trên.

+ Nếu nhà con có nhị sừng, tam vạn, ngũ văn (2 + 3 + 5) kể là 10 sừng thì lại thắng 10 sách của nhà cái ở trên… Chơi rút bất thú vị ở chỗ rất hồi hộp vì lý do:

+ Nếu số điểm bằng nhau thắng hay thua không chỉ tùy ở số điểm, mà còn tùy vào hàng như trên đã trình bày.

+ Nhà cái (hoặc nhà con) bị bương rồi (tổng số giá trị các quân quá 10) nhưng vì giữ kín nên có thể làm nhà con (hoặc nhà cái) bị bương theo vì ham rút thêm để được điểm cao hơn, mà không ngờ rút thêm lại bị cao quá 10 điểm, thí dụ tổng số quân trên tay đã có giá trị là 6 rồi, lại muốn rút thêm để có tổng số là 9 hoặc 10 điểm, ai dè rút phải quân số 5, 6 hoặc 7 làm thành tổng số lúc này thành 6 + 5 = 11 là lớn hơn 10 (bị bương).

+ Cùng điểm với nhau, nhưng chỉ cần có quân nhất sừng trong bài là thắng.

+ Trường hợp nhà cái thua nhiều không có tiền chung nên thôi không chơi nữa gọi là chạy làng.

+ Trường hợp các em tự chơi, tự làm cái với nhau, thay vì đánh bằng tiền, thì đặt cửa bằng kẹo, mứt… không có nữa thì giao hẹn ai thắng thì búng tai hoặc tẹt mũi người thua mấy cái.

+ Chơi Rút bất ngày Tết trong gia đình hoặc với bạn bè tới nhà chúc Tết thường tạo nên không khí vui vẻ và náo nhiệt mỗi cuối ván và sự hồi hộp trong lúc chơi vì phải canh rút sao cho khỏi bương hoặc toe, thú vị vì mình đã "bương" rồi mà còn khiến người khác "toe". Dù chơi bằng tiền thì tiền đặt của cũng không bao nhiêu, vui chơi là chính. Nhưng nói chung, nếu ham chơi lâu các món bài bạc thì gặp lúc "đen" thua hoài, cũng có khi cháy túi tiền lì xì, lúc đó thì mặt lại tẻ hẽ đi xin người lớn cho bớt lại tiền lì xì đã thua!

e. Bài Tây còn gọi là Bài Cào

Có nhiều cách chơi, ở đây chỉ đề cập tới hai cách mà trẻ em thường chơi.

1. Bài cào gồm 52 quân: 4 già K (cơ, rô, chuồn, bích), 4 đầm Q, 4 bồi J, 4 ách A còn gọi là xì, 4 quân 2, 4 quân 3, 4 quân 4…

Cách chơi :

Phát mỗi người 3 quân, so tổng số điểm các quân cộng lại, ai hơn thì ăn.

Tính điểm : từ 1 đến 9, tính theo điểm số in trên quân bài. Thí dụ quân 1 (ách) là 1 điểm, 2 là 2 điểm… 9 là 9 điểm.

+ Quân 10 là (0). Cơ, rô, chuồn, bích đều giống nhau.

+ Đứng một mình, hoặc hai lá thì các quân già, đầm, bồi, đều là 0 điểm.

+ Nếu có 3 quân này cùng trong bài, thí dụ có 3 quân là già, đầm, bồi, hoặc 3 đầm, hoặc 3 già hoặc 2 đầm, 1 già, hoặc 2 già + 1 bồi… thì sẽ là cao điểm nhất, trên cả 9 nút. Nếu hai người cùng có loại 3 quân này thì đồng điểm và hòa nhau, thí dụ bồi, đầm, già = 2 bồi + 1 đầm.

Còn thông thường, cộng điểm 3 quân, nếu tổng số từ 9 trở xuống thì được bao nhiêu tính bằng ấy điểm. Tổng cộng 9 điểm là cao nhất.

Thí dụ có:

1 quân ách = 1 điểm

1 quân 3 = 3 điểm

1 quân 5 = 5 điểm

Tổng cộng 9 điểm cao nhất chỉ thua bộ 3 bồi, đầm, già như nói ở trên. Thí dụ 1 đầm, 2 già hoặc bồi, đầm, già hoặc 1 già, 2 bồi…

+ Nếu tổng số trên 10, thì trừ đi 10, còn bao nhiêu tính là điểm

Thí dụ có:

1 quân 9 = 9 điểm

1 quân 4 = 4 điểm

1 quân 3 = 3 điểm

Tổng cộng là 16 điểm - 10 = 6 điểm, 6 điểm là điểm cuối cùng để tính ăn thua.

Nếu tổng số bằng 10, kể là 0 điểm.

Trong bài có 1 hoặc 2 quân trong bộ 3 già, đầm, bồi thì những quân này bằng 0 điểm.

Thí dụ có:

1 già = 0 điểm

1 bồi = 0 điểm

1 quân 6 = 6 điểm

Tổng số điểm là 6 điểm

Thí dụ có:

2 đầm = 0 điểm

1 quân 3 = 3 điểm

Tổng số điểm là 3 điểm

Có một em làm cái, và các nhà con. Trước khi chơi phải đặt cửa, bao nhiêu tùy ý. Hơn thua so với cái, cái hơn ai thì vơ tiền của em đó, cái thua ai thì phải chung tiền cho em đó bằng số tiền em ấy đặt cửa.

2. Tiến Lên chơi từ 2 em đến 4 em, xào bài và chia đều mỗi người 13 quân, không có cái. Nếu bài có quân 3 bích thì được đi trước, sau đó lần lượt đi theo ngược chiều kim đồng hồ kể từ người đi đầu tiên.

Cách chơi :

Tính điểm theo thứ tự cơ, rô, chuồn, bích (cơ cao điểm nhất, bích thấp nhất nếu là quân cùng một số, thí dụ 5 cơ cao hơn 5 rô, 3 chuồn cao hơn 3 bích…), điểm tính theo thứ tự số quân bài (thí dụ 4 lớn hơn 3) 2 cơ là cao điểm nhất trong bài (gọi là Heo). Tính theo một quân bài: 2 cơ cao hơn xì, xì hơn già, già hơn đầm, đầm hơn bồi, bồi hơn 10, từ 10 trở xuống tính hơn thua theo thứ tự số trên quân bài, ngoại trừ quân 2 (là lớn nhất và 2 cơ hơn 2 rô, 2 rô hơn 2 chuồn, 2 chuồn hơn 2 bích) thí dụ 10 hơn 9, 9 hơn 8…, quân 3 nhỏ nhất. Có thể gọi 1, đôi, 3, 4. Gọi đôi thì phải có 2 quân giống nhau, thí dụ đôi 2, đôi 3, đôi 4, đôi già, đôi xì… đôi 2 là cao điểm nhất. Gọi 3, gọi 4 cũng vậy, phải có 3 hoặc 4 quân giống nhau. Thứ tự điểm cao thấp cũng giống trường hợp đôi.

Ngoài những loại đôi, ba, bốn nói trên, còn những kết hợp như 3 cây thông, 4 cây thông, 5 cây thông… nếu trên bài có 3, 4 hoặc 5 cặp đôi liên tiếp. Thí dụ 3 cây thông là có 3 đôi 3, 4, 5 hoặc 3 đôi 4, 5, 6 liên tiếp ra cùng một lúc hoặc 3 đôi 6, 7, 8 liên tiếp, đôi 2 (heo) không được ghép vào 3 cây thông.

Ba cây thông có thể chặt được (tức là hơn điểm) một con heo (tức là một đôi 2) 5 cây thông chặt được 2 con heo (tức là hai đôi 2).

+ Tứ quý là 4 quân bài giống nhau, thí dụ 4 quân 3 (3 cơ, 3 rô, 3 chuồn, 3 bích).

Tứ quý đè lẫn nhau, thí dụ tứ quý 4 hơn tứ quý 3, tứ quý 5 hơn tứ quý 4.

Tứ quý chặt được đôi heo, chặt 3 cây thông, bằng 5 cây thông hơn 4 cây thông.

+ Xảnh là 3, 4 hoặc 5, 6… con bài liên tiếp nhau.

Thí dụ: - Xảnh các quân 3, 4, 5 liên tiếp

- Xảnh 6, 7, 8, 9…

Xảnh đánh theo số quân bài, con cuối cùng quan trọng để tính hơn thua, xảnh chỉ đánh với xảnh, không tham gia với những kết hợp bài khác. Xảnh phải cùng một số quân bài. Thí dụ muốn đè xảnh 3 quân, thì cũng phải có một xảnh ba quân, nếu không có đủ ba quân liên tiếp thì bỏ lượt không ra. Xảnh 4, 5, 6 hơn xảnh 3, 4, 5.

+ Tới trắng

Mới chia bài ra, trong bài đã có 4 con heo, hoặc xảnh từ 3 tới xì (gồm các quân 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, bồi, đầm, già, xì) hoặc 5 cây thông hoặc 6 đôi bình thường.

Những em chơi bài có một trong những kết hợp này thì thắng tuyệt đối cả làng gọi là Tới trắng và mọi em khác phải chung cho em này.

+ Thúi heo

Khi một em tới trắng bằng 6 đôi, có quyền xét bài (lật ngửa các quân bài mới chia) các em khác, nếu em nào có trên tay đôi heo chưa kịp ra đã bị chui, thì em sẽ phải đền nghĩa là phải chung cho em thắng gấp đôi hay gấp ba tùy theo heo đen hay heo đỏ.

+ Kết thúc ván bài

Khi có em thắng tuyệt đối (tới trắng) thì ván bài kết thúc. Em thắng có quyền xét bài các em khác, nếu thấy bài ai có 3 cây thông, tứ quý, xảnh, đôi heo thì em đó phải đền; ba cây thông, đôi heo đen đền gấp đôi; xảnh, tứ quý, đôi heo đỏ đền gấp ba.

Ngoài trường hợp trên, ai hết bài trước em ấy thắng, những em khác tiếp tục chơi, cho tới khi mọi em cùng hết bài hoặc chỉ một em còn bài. Ván bài lúc đó mới kết thúc, hai em chót cùng hết bài, nhưng em nào phải chui thì em ấy thua.

Cách tính thắng thua : Nếu chơi bằng tiền hoặc bằng kẹo, mứt v.v… thì trước khi chơi mỗi em phải đặt cửa một số tiền hoặc kẹo tùy cả làng quy định, không chơi bằng tiền, khi thua phải chịu nhéo tai và em về chót phải chịu quỳ gối chia bài.

* Em thắng đầu sẽ thắng em về chót. Em này sẽ phải giam cho em thắng một số tiền hay kẹo bằng số đặt cửa. Thí dụ đặt cửa mỗi người một đồng, thì em thua phải giam một đồng cho em thắng, em thắng thu tiền hay kẹo đặt cửa của mình về. Hoặc em chịu thua cho em thắng véo tai.

* Em về thứ hai sẽ thắng em thứ ba. Em sẽ chỉ phải giam cho em thứ hai một số tiền hoặc kẹo bằng ½ phần giam của em về chót cho em thứ nhất, hoặc chịu cho em thứ hai véo tai bằng nửa số của em về chót.

Ngoài ra em thắng đầu có quyền khám bài em về chót, nếu thấy có những kết hợp bài như: đôi heo, ba cây thông, tứ quý hay xảnh… bị thúi, thì em về chót lại phải đền cho em về thứ nhất một phần bằng một hoặc hai phần đặt cửa. Tùy theo bài bị thúi là đôi heo, ba cây thông hay tứ quý, xảnh, đôi heo đỏ hoặc chịu véo tai thêm.

Em về chót, nếu chơi bài bằng tiền, kẹo hay đồ chơi (đồ chơi thí dụ quay, bi ve…) phải chia bài, không chơi bằng tiền thì phải quỳ gối chia bài.

Khác với lối chơi Bài cào chỉ là đỏ đen, bài Tiến lên có kèm thêm đôi chút tính toán, nên cũng cần vận dụng trí thông minh, kèm với đỏ đen, hên xui. Tuy nhiên trong dịp vui xuân, đây cũng là những phút giải trí vui vẻ náo nhiệt trong gia đình và bạn bè, nhất là sau mỗi ván, với những cái búng tai, hình phạt quỳ chia bài của các em chơi thấp bị thua và những trận cười nắc nẻ lại vang lên. Sau Tết các em sẽ bị cấm không cho chơi các môn bài bạc này, vì sợ các em đam mê sẽ tập tính ham mê bài bạc, có hại cho tương lai.

Ngày nay với sự xuất hiện của máy vi tính, các em có dịp chơi bài trên máy, không có tính ăn thua, và chơi một mình, cùng một số trò chơi điện tử khác (game), có ích lợi cho sự luyện tập trí óc nhạy bén, thông minh. Tuy nhiên nếu để các em quá đam mê sẽ hại sức khỏe (hại mắt, hại gan, hại thần kinh, có thể gây bệnh tiểu đường… nếu chơi liên tục quá hai tiếng), mất cả giờ học hành. Nên cha mẹ cũng cần theo dõi các em, nghiêm khắc ngăn chặn khi thấy các em chơi game quá mức.

Nhất là sau này có trò chơi "game online" khiến các em mê man, bỏ ăn bỏ ngủ, bỏ cả học hành, trốn nhà ở lại tại các phòng Internet cả mấy tháng khiến cha mẹ lo lắng không hiểu có gì nguy hiểm xảy ra cho con, cũng không biết đâu mà tìm con, rồi để có tiền chơi lại làm bậy (ăn cắp của cha mẹ, người thân, thậm chí giết người cướp của để có phương tiện chơi, có em còn giết cả bạn đồng chơi để độc chiếm kết quả chơi đạt được hầu đem bán lấy tiền. Việc này đã từng xảy ra tại Việt Nam và ngoại quốc). Các em đã tự biến mình thành tội phạm, đánh mất cả tương lai mà có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Để xảy đến tình trạng này, thì không những gia đình mà cả chính phủ, quốc hội, các cơ quan khác có trách nhiệm về pháp luật, giáo dục và an ninh có nghĩa vụ phối hợp để tìm biện pháp ngăn chặn và răn đe các em và trừng phạt những người vì lợi nhuận đã tạo điều kiện và thúc đẩy các em chơi quá đà đi đến phạm pháp.

Bài tây là một môn du nhập vào Việt Nam (gần 100 năm nay) từ khi ta giao lưu với phương Tây, tuy nhiên lối chơi đã được cải biên khác với lối chơi của người phương Tây.

f. Sấp Ngửa 6 Quân

Đây cũng là một trò chơi có tính cách may rủi. Khi có sẵn tiền lì xì, các em lại năn nỉ người lớn, thường là các anh trai hoặc cha, chú. Trò này chỉ chơi với con cháu trong nhà, trẻ con hàng xóm muốn tham dự phải có người lớn (cha, mẹ, cô, chú…) dẫn sang. Trò chơi thật vui vẻ, ồn ào, sau mỗi ván đều có vỗ tay, reo hò ầm ĩ.

Cách chơi: Một người lớn làm cái, nhà con bao nhiêu cũng được, các em ấu nhi lẫn tráng nhi (khi có rủng rẻng xu, hào người lớn mừng tuổi cho).

Nhà cái lấy một chiếc đĩa và một chiếc bát và 6 đồng tiền bằng kim loại có hai mặt sấp ngửa khác nhau (đồng xu, đồng trinh, đồng hào…) Nhà cái cho các đồng tiền vào bát đậy đĩa xóc lên rồi đổ ra bàn hoặc ra chiếu, có khi nhà cái không cần bát, đĩa, chỉ cho đồng tiền vào lòng bàn tay úp lấy nhau xóc xóc, rồi thả xuống chiếu.

Các nhà con thi nhau đặt vào hai cửa chẵn, lẻ.

Luật chơi qui định nếu thấy ra:

- 4 ngửa, 2 sấp là chẵn

- 2 ngửa, 4 sấp là chẵn

- 1 ngửa, 5 sấp là lẻ

- 1 sấp, 5 ngửa là lẻ

- 3 sấp, 3 ngửa là lẻ

Tùy theo chẵn, lẻ mà ăn hay thua (ăn 1, giam 1)

Thí dụ nhà con đặt chẵn - nhà cái xóc ra lẻ, nhà cái ăn các phần đặt cửa chẵn - và nhà cái phải giam cho các nhà con đặt cửa lẻ.

* Có người còn chơi ngoài chẵn lẻ, cược chẵn 4 ngửa - nếu quân ra đúng 4 ngửa thì cái phải giam gấp 4, nhà con 1 ăn 5 gọi là ăn 1 giam 4.

g. Đáo đĩa Trò chơi này cũng được các em ưa chơi vào dịp Tết khi có nhiều tiền lì xì. (Cách chơi xin xem phần II sách của Toan Ánh có mô tả rõ).

♣ ♣ ♣

Tất cả những môn cờ và bài bạc trên đây giúp cho các em và gia đình có những phút giải trí vui vẻ và náo nhiệt trong mấy ngày xuân. Đó cũng là một điều tốt để mọi người vui đón năm mới. Tuy nhiên kể từ sau mùng 3 Tết và chậm lắm là sau mùng 10 Tết, các món chơi trên phải được gác lại để mọi người và các em trở về với nếp sống bình thường hàng ngày, với công việc làm ăn và học hành, cố gắng nỗ lực hết mình lo tròn nhiệm vụ để đạt nhiều tiến bộ trong năm, cho mỗi năm đều tốt hơn năm trước. Có như vậy mới mong có một tương lai sáng lạn cho mỗi em nói riêng và cho cộng đồng dân tộc nói chung. Và điều này các em phải luôn được nhắc nhở - đó là bổn phận của người lớn; cha mẹ, thầy cô và tất cả những ai có trách nhiệm đối với nền giáo dục nước nhà.

(Trích trọng Phụ lục "Trẻ em chơi, Trò chơi trong những dịp đặc biệt" do tác giả Toan Ánh và Nguyên Từ hợp soạn)




VVM.17.01.2025.