Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


AI ĐÃ BIẾN PHẬT TỬ
THÀNH NHỮNG GÃ CÙNG TỬ ?

  


M ới đây trên Facebook có người lập lại câu hỏi mà nhiều năm trước có người cũng đã đặt ra là : “Tại sao những nước mà Đạo Phật là Quốc Giáo thì đa số đều nghèo và lạc hậu, và hầu hết thuộc về Đông Nam Á” ? Đó là một sự thật mà ai cũng có thể nhìn thấy. Có Sư chống chế là Nước Nhật có 90% dân số theo Đạo Phật mà họ đâu có nghèo, lại phát triển vượt bậc ? Không biết Sư đó lấy số liệu ở đâu ra, vì nước Nhật cũng có nhiều tín ngưỡng, không riêng gì Đạo Phật, và những người đưa Nước Nhật trở thành nước giàu có, chưa xác định có phải là tín đồ của Đạo Phật hay không ?.

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu xem có phải lỗi tại Giáo Pháp của Đạo Phật hay không ? Có phải Đạo Phật dạy con người chê thế gian là ô trược, dạy cho con người bỏ đời, vô Chùa để tu, ngày tháng chỉ tụng Kinh, Niệm Phật chờ ngày về Niết Bàn hay không ? Nếu có một Giáo Pháp của Tôn Giáo nào đó làm cho đất nước, con người trở nên suy yếu thì theo tôi, không đáng tồn tại ở thế kỷ này. Hoặc giả như có sự hiểu lầm nào đó thì cần phải được đính chánh để trả lại công bằng cho Đức Thích Ca là người đã đưa ra Giáo Pháp. Như vậy chúng ta cần làm rạch ròi các điểm sau :

1/- Giáo pháp của Đạo Phật là gì ?

2/- Mục đích của Giáo Pháp.

3/- Cách thức thực hành.

4/- Kết quả.

Muốn hiểu Giáo Pháp của Đạo Phật thì phải bắt đầu từ lý do khiến Thái Tử Sĩ Đạt Ta đi tìm Đạo.

Lần theo dấu vết của Đức Thích Ca từ lúc chưa phát tâm tu hành chúng ta thấy :

Lần đầu tiên được ra ngoại thành, trông thấy những nỗi KHỔ của SINH, LÃO, BỆNH, TỬ chồng chất lên cái Thân của con người. Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã hỏi viên quan hầu cận là Ngài có phải chịu những cảnh như vậy không ? Viên quan trả lời là dù nghèo hèn hay địa vị cao tột cũng không thể Thoát được những cảnh đó, Thái Tử cũng không ngoại lệ, làm Thái Tử trăn trở mãi.

Thấy rằng nếu ở trong cung, hàng ngày. TAI toàn nghe âm nhạc du dương, MẮT nhìn toàn thấy những cảnh vui vẻ, hài lòng, lại bận bịu việc triều chính không thể nào có thì giờ để suy nghĩ gì được.

Thái Tử nhớ lại có lần trông thấy những người tu hành có vẻ ung dung , tự tại, nên một đêm nọ Thái Tử quyết định cùng với người hầu dắt ngựa lẻn rời khỏi thành.

Ra khỏi thành một khoảng xa, Thái Tử bảo người hầu dắt ngựa quay về, còn Thái Tử một mình tiếp tục cuộc hành trình để đi lời giải đáp cho điều mình trăn trở.

. Đến đây ta thấy được lý do Phát Tâm đi tìm Đạo của Đức Thích Ca.

Thế rồi, sáu năm học với những người thầy giỏi nhất đương thời. Với thầy nào thì Thái Tử cũng là học trò thông minh nhất. Nhưng học hết bài của họ mà lời giải đáp cũng không có, nên Thái Tử từ giả để ra đi. Thầy nào cũng tiếc một trò thông minh nên đều năn nỉ Thái Tử ở lại và hứa chia đệ tử cho. Nhưng Ngài cương quyết từ bỏ.

Qua Sáu vị Thầy, Thái Tử học được một số phép thuật và cũng đã hành qua nhiều Pháp như : Lõa thể, Nhin đói, hành Khổ Hạnh đến suýt chết mà vẫn không tìm ra câu trả lời. Cuối cùng, Ngài nhận ra : “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối”, nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải tòa cỏ, ngồi Thiền Định dưới cội cây Bồ Đề với lời hứa : Sẽ không đứng dậy cho đến khi tìm ra lời giải đáp.

Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài đắc Đạo.

Lời tuyên bố đầu tiên của Ngài khi Xả Thiền đứng dậy là : ‘Ta lang thang trong vòng Luân Hồi qua bao nhiêu kiếp. Tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi Kẻ Làm Nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi, Rui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”.

Qua cả một quá trình tu học và lời tuyên bố cho chúng ta thấy : Tất cả những phương pháp trước đây Ngài đã thực hành, dù rất khó khăn, gian khổ đến suýt chết, nhưng cũng không giúp cho Thái Tử tìm ra Thủ Phạm của những nổi Khổ của Sinh Lão BệnhTử đè nặng trên cái Thân của con người, là vấn đề đã thôi thúc Ngài từ bỏ ngai vàng, vợ con, để dấn thân đi tìm.

Nhờ vào 49 ngày đêm THIỀN ĐỊNH mà Ngài đã tìm được. Thì ra Thủ Phạm Làm ra Ngôi Nhà Sinh Tử chính là VÔ MINH. Chính nó đã làm cho con người không chỉ cả kiếp sống chịu những nỗi Khổ, mà còn tiếp tục xoay vần, hết Sinh lại Tử, Tử rồi lại Sinh gọi là Luân Hồi, triền miên không dứt. Ngài không chỉ tìm được NÓ mà còn tìm ra cách thức để không chế NÓ, phá nát vật liệu làm nhà của NÓ, nên NÓ không xây nhà được nữa. Không còn VÔ MINH thì sẽ không Tạo Nghiệp. Không Tạo Nghiệp thì sẽ không còn Khổ Đau, Sinh Tử Luân Hồi, gọi là được Giải Thoát, được an vui, hạnh phúc trong kiếp sống. Đó là những gì mà Giáo Pháp của Đức Thích Ca muốn mọi người đạt đến.

Giáo Pháp của Đạo Phật được bắt đầu bằng bài giảng cho 5 người bạn trước kia cùng tu chung với Ngài.

1/- Chỉ rõ những NỖI KHỔ mà con người phải đối mặt trong kiếp sống gọi là KHỔ ĐẾ. Liệt kê những NỖI KHỔ luôn hành hạ con người gọi là TẬP ĐẾ. Đưa ra cách thức để TRỪ KHỔ gọi là DIỆT ĐẾ, ĐẠO ĐẾ.

Đức Thích Ca giải thích : Nguyên do làm ra những nỗi KHỔ cho con người là VÔ MINH. Vì VÔ MINH nên kéo theo 11 Hành vi khác gây nên SINH, LÃO, BỆNH TỬ, Ưu Bi, Khổ não gọi là Vòng THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN..

Do VÔ MINH là mắc xích chính mà sinh ra 11 Duyên khác chuyền níu với nhau làm thành vòng THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN. Đó cũng là nguyên nhân của SINH TỬ LUÂN HỒI. Do vậy, muốn chấm dứt SINH TỬ LUÂN HỒI, muốn THOÁT KHỔ thì phải TRỪ ngay mắc xích chính là VÔ MINH. Khi hết VÔ MINH thì Vòng Luân Hồi sẽ kết thúc.

2/- Phương pháp để Phá VÔ MINH. Dụng cụ để Phá VÔ MINH chính là TRÍ HUỆ. Vì thế, có câu : “Tam thế Chư Phật y Bát nhã Ba La Mật Đa đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có nghĩa là Ba Đời Chư Phật đều dùng TRÍ HUỆ QUA BÊN KIA BỜ mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

3/- Cách thức để có TRÍ HUỆ là phải Quán Sát, Tư Duy.

Hành giả muốn tu tập thì phải phân biệt thế nào là Trí Huệ Qua Bên Kia Bờ, khác với trí thức của đời như thế nào ? Nếu không phân biệt thì làm cách nào để tìm ? Làm sao biết mình đã có nó ? Do vậy mà Đạo Phật dặn dò người tu phải Quán Sát, Tư Duy, khi có kết quả, thấy biết pháp nào đó rõ ràng thì mới bắt tay vào Hành.

Muốn Phá Vô Minh thì phải hiểu Vô Minh là gì ? Ở đâu ? Nó đã tác động vô cái gì để gây ra Sinh Tử Luân Hồi ?

4/- Có TRÍ HUỆ để thấy được những gì ?

Mọi người chúng ta vẫn cho rằng CÁI THÂN mà mình đang mang chính là TA hay MÌNH. Nhưng Đức Thích Ca cho rằng đó chỉ là cái TA GIẢ (GIẢ NGÃ), chỉ là Cái THÂN tạm vay mượn của TỨ ĐẠI để TRẢ Ác Nghiệp đã gieo, và Nhận những Quả lành đã làm ở Thân trước, LÀ CÁI THÂN NGHIỆP BÁO CỦA MÌNH mà thôi, KHÔNG PHẢI LÀ MÌNH. Khi Trả hết Nghiệp thì nó sẽ hoàn về cho Tứ Đại. Vì vậy, người nhận Cái Thân Giả Tạm là TA thì Phật cho là VÔ MINH. Hậu quả của Vô Minh là do Nhận Lầm Nó là MÌNH, nên làm mọi thứ để cung phụng cho nó, gọi là Tạo Nghiệp. Đã Tạo Nghiệp thì phải tái sinh để Trả Nghiệp. Do đó mà có Luân Hồi.

Vậy thì CÁI TA THẬT là gì ?

Cái TA THẬT hay còn gọi là CHÂN TÂM, CHÂN TÁNH, BỔN THỂ TÂM là phần tinh anh, VÔ TƯỚNG trường tồn, vẫn song hành cùng Cái Thân Hữu Tướng mọi người đang mang. Người muốn Thoát khổ thì phải tìm cho được CÁI TA THẬT đó. Gặp được Nó, Trụ ở Nó thì sẽ không còn Tạo Nghiệp, sẽ Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử Luân Hồi, vì NÓ VÔ TƯỚNG, nên đau Khổ, Sinh Tử Luân Hồi không tác động tới nó được.

Vì nó là Vô Tướng, ngày xưa ngôn ngữ lại hạn chế nên rất khó giải thích cho mọi người hiểu. Chính vì vậy, người muốn tìm, muốn hiểu thì phải Quán Sát, Tư Duy. THIỀN ĐỊNH là phương tiện mà Ba Đời Chư Phật và những vị Giác Ngộ đều dùng để sinh Cái Biết thuộc lãnh vực tu hành gọi là TRÍ HUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thời gian NGỒI THIỀN là thời gian để hành giả tập trung cả THÂN lẩn TÂM để Quán sát, tư duy , gọi là THIỀN QUÁN (VIPASSANA).

Nói rằng cái THÂN mà mỗi người đang mang được hình thành bằng Bốn món : ĐẤT, NƯỚC, GIÓ LỬA. Nó không tồn tại lâu dài và cũng không phải là TA, mà chỉ là cái THÂN NGHIỆP, theo ta trong kiếp này để TRẢ những gì ta đã gây ra ở kiếp trước thì người không tư duy thì không thể nhận ra, và cũng khó giải thích để mọi người hiểu. Nhưng thời gian vài chục năm trở lại đây, nhiều Bác Sĩ đã nghiên cứu nhiều trường hợp Cận Lâm Sàng, tức là người đã tắt thở, được Bác Sĩ kết luận là đã chết - có khi vài giờ, có người cả nửa ngày, đột nhiên quay lại cuộc sống, sau đó tiếp tục sống một thời gian khá dài, có khi đến mấy chục năm - để kết luận là mỗi người ngoài Thân Xác Hữu Tướng còn có cái phần Vô Tướng. Khi cái Thân hữu tướng chết thì nó không chết theo, mà xuất ra, tiếp tục có cuộc sống khác. Cái Chết chỉ đến với phần Thân Hữu Tướng mà thôi.

Những nhà nghiên cứu đúc kết hàng mấy trăm trường hợp, người chết rồi quay về kể lại rất giống nhau : Họ thấy mình xuất ra khỏi xác, nhìn lại thấy xác mình nằm đó, nhưng không còn liên hệ được nữa. Lúc đó, không còn xử dụng Ngũ Căn nữa (Mắt,Tai, Mũi, Lưỡi,Thân), chỉ còn lại Căn Ý Thức mà thôi. Tuy vậy, không cần Mắt, nhưng họ vẫn Thấy tất cả những gì diễn ra. Không còn Tai, nhưng họ vẫn nghe hết những gì người chung quanh trao đổi với nhau. Họ di chuyển mà không cần Chân. Họ vừa nghĩ đến nơi nào đó thì có thể trong chớp mắt đã đến. Có thể về nhà cách xa nhiều dặm. Trông thấy người nhà. Ngửi thấy mùi thức ăn đang nấu trên bếp. Lúc đó họ hoàn toàn sống với cái THẦN THỨC, không dính líu gì đến CÁI THÂN THỊT và không còn cảm giác, cho đến khi trở lại, nhập vô cái Thân, thì mọi thứ trở lại như trước.

Tôi có người bạn kể lại chuyện vợ của anh đã chết đi sống lại tới 2 lần. Một lần do hư thai rồi làm băng huyết. Trong khi cả đang khóc lóc thì chị đã xuất ra khỏi xác. Chị nhìn thấy người mẹ đang khóc nên chạy lại ôm bà nói : “má đừng khóc, con đâu có chết”. Nhưng má chị không nghe. Chị lại phía người anh trai cũng đang khóc, cũng nói với anh là chị không có chết. Nhưng anh cũng không nghe. Lúc đó chị nhìn thấy rất đông người thân đã qua đời. Ông bà, cô dì, chú bác đã chết từ lâu đến đón, rủ đi. Chị sực nhớ chưa nấu cơm chiều cho chồng, nên nói với họ là chị phải nấu cơm cho chồng. Thế rồi chị nghe đau điếng thì tỉnh dậy thấy người nhà đang giật tóc mai. Kể từ khi chết đi, sống lại thì chị không còn sợ chết nữa.

Chính những người đã trải nghiệm ra khỏi cái Thân là những người xác nhận những gì Đức Thích Ca dạy là chính xác. Mỗi người ngoài cái Thân HỮU TƯỚNG thì còn có một Cái Thân VÔ TƯỚNG. Chính họ đã trải nghiệm khi tách ra khỏi cái Thân HỮU TƯỚNG. Những gì thấy, nghe trong lúc rời cái Thân Hữu Tướng, khi trở lại thì họ vẫn nhớ như in.

Tổ Đạt Ma thì dùng thí dụ của người nằm chiêm bao. Trong chiêm bao, người đang ngủ thấy mình đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, làm những điều không liên quan đến những gì ban ngày thường làm, trong khi cái thân vẫn nằm ngủ trên giường. Nhân vật hành động trong giấc chiêm bao đó cũng là chính là người đó, nhưng lúc chiêm bao thì nó không còn lệ thuộc vào Cái Thân Hữu Tướng nữa.

Cách đây mấy ngàn năm, khi khoa học chưa chứng minh được, mà Đức Thích Ca đã Quán sát thấy và chỉ cho con người biết rằng thật ra cái TA THẬT là phần VÔ TƯỚNG, TRƯỜNG TỒN, BẤT SANH, BẤT DIỆT kia. Nhưng vì từ lúc sinh ra đã ở chung và lớn lên cùng với Thân Xác giả tạm, nên Cái BIẾT hay THẦN THỨC Mê lầm, tưởng đó là MÌNH. Vì thế, khi cái Thân Giả Tạm bị Các Pháp tấn công thì Cái TA THẬT, cũng gọi là VỌNG TÂM, nghĩ là tấn công MÌNH, đã điều khiển Lục Căn để đáp trả. Chính vì vậy mà có Vui, Buồn, Thương, Ghét, Tham, Sân Si, đố kỵ, ghen hờn..diễn ra. Rồi thì tạo các Nghiệp Thiện, Ác cũng nhằm để cung phụng cho cho cái TA GIẢ, là nguyên nhân để Vòng Luân Hồi không ngừng quay.

Tóm lại : Con đường tu theo ĐẠO PHẬT chỉ là để được THOÁT KHỔ, THOÁT SINH LÃO BỆNH TỬ, và những thứ đó thuộc về CÁI THÂN HỮU TƯỚNG. Do vậy, muốn GIẢI THOÁT thì mỗi người cần TÌM CÁI TA THẬT hay còn gọi là BỔN THỂ TÂM, hoặc CHÂN TÁNH. Thấy được nó gọi là THẤY TÁNH. Đây là giai đoạn quan trọng của người tu gọi là KIẾN TÁNH KHỞI TU hay KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT. Sau khi Thấy được cái TÁNH hay BỔN THỂ TÂM thì cái Tánh sáng suốt sẽ hướng dẫn ngưới tu để ngưng Tạo Nghiệp thì mới được Thoát Khổ, được hạnh phúc, an vui trong suốt kiếp hiện tại. Khi hết kiếp cũng nhờ không làm Ác, lại hành Thiện Nghiệp, nên cũng sẽ được về cảnh giới tốt đẹp.

Mục đích Đạo Phật chỉ có thế. Nhưng do con người quá cố chấp, nếu không đe dọa để họ sợ, hay không hứa hẹn những điều tốt đẹp thì họ sẽ không chịu buông bỏ những thứ đang mê đắm, để rồi tiếp tục tạo Nghiệp và tiếp tục chịu Khổ, không thể Thoát ra. Vì thế, Phật phải tả cảnh bị đọa của Ba Đường Ác, là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh cho những người không chịu Cải Ác, và hứa hẹn Tứ Quả Thánh, Niết Bàn, Tây Phương Cực Lạc cho những người chịu hành THIỆN.

Muốn được Giải Thoát thì người tu dù tu ở trong Chùa hay tu ở nhà đều phải theo một trình tự nhất định là : GIỚI ĐỊNH HUỆ, VĂN TƯ TU. Giới hạn cuộc sống trong vòng BÁT CHÁNH ĐẠO, một mặt Quán Sát, Tư Duy để thấy cái Lý của Đạo Phật rồi áp dụng theo, dần dà sớm hay muộn cũng sẽ có kết quả tùy theo sức tinh tấn của hành giả.

Để có thể hướng dẫn cho người khác con đường Tu hành để Giải Thoát. Đạo Phật đòi hỏi phải là người đã Thấy Tánh, đã Chứng Đắc. Do đó, thời xưa mỗi thời chỉ có Một Tổ giảng dạy mà thôi. Nhưng từ lúc Tăng Đoàn chia ra làm Hai Thừa thì bên Tiểu Thừa không Chứng Đắc cũng mở ra giảng dạy rồi tung người đi khắp nơi để truyền bá Đạo Phật. Càng về sau thì càng nhiều Tu Sĩ, chỉ vô Chùa tu vài năm, học thuộc một số Pháp cũng mở ra giảng dạy, bá tánh không thể phân biệt ai có Chánh Pháp, ai không. Cứ thấy mặc sắc phục nhà tu, ở trong Chùa là tin tưởng, theo học thôi.

Rồi cũng do những người chưa Chứng Đắc, chưa Thấy Tánh, tức là chưa nắm vững Mục đích, phương tiện của Đạo Phật mà giảng Pháp, cứ Y NGỮ mà diễn giải, nên Đạo Phật mà họ truyền không phải là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT, người tu học sẽ được Giải Thoát, Thành Phật như Đức Thích Ca mong mỏi, mà họ biến Đạo Phật thành một Tôn Giáo Thờ Chư Phật, Chư Bồ Tát để được phù hộ độ trì. Sống thì CẦU AN, chết thì CẦU SIÊU, trong khi Phật hoàn toàn không có khả năng cứu độ cho mọi người.

Pháp mà họ giảng là những lời xưng tán, ca ngợi Phật, theo Văn Tự mô tả trong Kinh là Phật nào là “Từ Bi Hỉ Xả”, nào là “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên thế giới”, chỉ cần Cầu xin là” Phật sẽ ban ơn, giáng phúc, chuyển họa thành phúc”.. Nào là “Chư Bồ Tát bay lướt Mười Phương để cứu độ cho mọi người”. “Quán Thế Âm Bồ Tát luôn tầm thinh cứu nạn” , để mọi người tin tưởng vào sự hộ trì của Phật ! Họ thuyết pháp lôi kéo nhiều thanh niên đang có sức khỏe, có học, được đào tạo nhiều ngành nghề có thể phục vụ cho đất nước. bỏ hết, vô Chùa để tu. Tu Phật theo họ là phải “Ly Gia, Cắt Ái, độc thân, bỏ đời, hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật”. Họ vận động bá tánh cất những ngôi Chùa thật đồ sộ, rồi dùng hết những vật quý giá của đất nước để trang hoàng lên đó.

Có rất nhiều nước đã chọn Đạo Phật là Quốc Giáo, Chẳng hạn như Miến Điện, một đất nước chỉ có 51 triệu dân, đời sống của người dân chưa cao, mà có cả ngàn ngôi Chùa rải rác trên khắp cả nước, nên được gọi là đất nước Chùa Tháp. Nổi bật nhất là những ngôi Chùa dưới đây :

1/- Chùa Shwedagon. Tháp chùa được phủ bằng 60 tấn vàng nguyên chất. Tháp Stupa cao 98m, đỉnh nạm 5.448 viên kim cương và 2,327 viên hồng ngọc. Đỉnh cao nhất có gắn 1 viên kim cương nặng 76carats. Chùa này tương truyền có lưu giữ cây gậy của Đức Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, 1 mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

2/- Chùa Chauk Htat Gyi có tượng Phật Nằm, dài gần 66m, cao 30m, là 1 trong những tượng Phật lớn nhất ở Myanmar.

3/- Chùa Shwemawdaw Paya là Chùa cao nhất Myanmar, cao 114m. được cho là nơi lưu giữ 2 sợi tóc và Xá Lợi răng của Đức Phật. Ngoài ra còn có chuông của vua Dhammazedi, vương miện của Vua Bayinnaung, 11 chiếc ô từ VuaBodawsaya.

4/- Chùa Kyaikhtiyo còn gọi là Chúa Đá vàng được xem là 1 trong những kỳ quan của Vùng Đông Nam Á. Khu đền Chùa nằm trên 1 tảng đá to được dát 500 ký lô vàng nằm chênh vênh trên mỏm đá ở độ cao 1.000m, được lưu truyền là do sợi tóc của Đức Phật nên mới không bị sụp. Có nhiều tượng phật được đặt trên khắp ngóc ngách. Đặc biệt trong số có 1 tượng được khảm bằng hàng ngàn viên đá quý, vài trăm viên kim cương với hàng trăm chiếc chuông vàng. Chùa với kiến trúc độc đáo được xem là bảo vật của Myanmar.

THÁI LAN được gọi là Xứ Sở của Chùa vàng, vì có hơn 40.000 ngôi Chùa. Trong đó có những ngôi Chùa nổi tiếng như :

1/- Chùa Wat Traimit có pho tượng bằng vàng khối lớn nhất thế giới với chiều cao 3m và nặng hơn 5 tấn.

2/- Chùa WAT PHO lớn nhất Bangkok với diện tích 80.000m2. Có tượng Đức Phật ngồi dài 46m cáo 15m được mạ vàng. Chùa có hơn 1.000 tượng Phật và 91 Bảo Tháp hình chuông.

3/- Chùa WAT PRA KAREW cũng gọi là CHÙA PHẬT NGỌC nằm trong khuôn viên Hoàng cung Thái Lan có pho tượng Phật bằng ngọc bích nguyên khối.

4/- Chùa WAT SUTHAT đối diện Tòa Thị Chính Bangkik. Là nột trong những ngôi Chùa lớn nhất, lưu giữ nhiều tượng Phật bằng vàng lớn nhất. Sân Chùa được lát toàn bộ bằng đá hoa cương sáng bóng.

5/- CHÙA WAT PHRA DHAMMAKAYA nổi tiếng có trụ trì rửa tiền bị truy nã. Có diện tích 406 ha xây dựng ước tính hơn 1 tỷ đô la được phủ với 300.000 bức tượng trên mái bằng đồng dát vàng. Bên trong có 700.000 bức tuợng tương tự. Thiền đường có sức chứa 100.000 người. Chùa có 3.000 nhà Sư tu tập và có 50 chi nhánh trên toàn thế giới. Mạng lưới có 130 ngôi chùa và 2 đài vệ tinh.

CAMPUCHIA cũng có Chùa Vàng, Chùa Bạc nổi tiếng vì có đến 5.329 miếng bạc, mỗi miếng nặng 1,125k. Có tượng Phật bằng Ngọc Lục Bảo.

Ở Trung Quốc thì có vô số Chùa, Tượng khổng lồ. Khi Tổ Đạt Ma tới yết kiến thì Vua đã khoe : “Trẩm cất được 72 kiểng Chùa và độ vô số Tăng” để hỏi Tổ là “Có Công Đức gì không ?”

Cách đây khoảng mười mấy năm, người bạn sau chuyến du lịch tham quan những ngôi Chùa ở Miến Điện về có gởi cho tôi một clip, ghi lại hình ảnh những nơi họ vừa tới tham quan. Trong đó, nổi bật nhất là quần thể những ngôi Chùa to lớn chiếm cả một vùng đất rộng với ánh vàng sáng chói. Gần đó là đền Vua rất khiêm tốn. Xe hơi lưu thông trên đường là những loại xe của nhiều năm trước. Không thấy bóng dáng của xe đời mới, đắt tiền. Đi tham quan Chùa Đá thì phải đi tới mấy cây số đường dốc để lên núi thì có hai phương tiện : Hoặc bằng xe hơi, thì thấy đó là loại xe giống xe nhà binh cũ kỹ trước 1975 với những băng để ngồi hai bên đóng bằng cây hay sắt. Hoặc bằng cáng, làm bằng hai cây tre dài, ở giữa là một cái ghế để ngồi được may bằng vải rất thô sơ. Người khách ngồi trên đó để bốn thanh niên khiêng đi, trông rất lạc hậu giống như vật dụng từ nhiều thế kỷ trước. Đoàn cũng có đến bố thí cho những người dân địa phương ở một xóm nghèo. Nhà họ vách tre, lợp lá, trong nhà thì trống huơ trống hoác, không thấy có Tivi, tủ lạnh hay món đồ nào có giá trị ! Xem clip thì thấy dường như tất cả tài nguyên của đất nước đều tập trung cả vô Chùa !

Việt Nam ta là một đất nước còn nghèo, Bệnh Viện, Trường học còn thiếu, cầu đường cho dân lưu thông cũng chưa đủ, vậy mà cũng đã có hơn 18.000 ngôi Chùa, trong số có Chùa được xếp trong top 10 Chùa đẹp của thế giới ! Tượng cũng có một số được công nhận to nhất Đông Nam Á ! Chùa càng về sau càng cất lớn hơn, chiếm những vùng đất hàng mấy trăm mẫu,. Đại gia hùn xây Chùa còn mua cả cục đá Thiên Thạch tới mấy trăm ngàn đô ở nước ngoài về để hấp dẫn khách tham quan. Chùa trở thành điểm “Du lịch tâm linh”, không phải là nơi để Sư Tăng tu hành và hướng dẫn cho bá tánh học hỏi nữa !

Lẽ ra Chùa phải là nơi để “Hoằng dương Chánh Pháp” , để tất cả mọi người đến học hỏi để Giải Thoát, Thành Phật, như lời Thọ Ký của Đức Thích Ca, thì Các Sư tách Tu Sĩ và Phật Tử thành hai khối riêng lẻ.

1/- Giới Tu Sĩ thì chỉ biết ăn chay, ngày tháng Tụng Kinh, Niệm Phật, Ngồi Thiền, học Pháp, giảng pháp, chủ trì những buổi lễ Cầu An, Cầu Siêu và …chờ ngày về Niết Bàn.! Mọi sinh hoạt của Chùa, nuôi sống Tăng Ni hoàn toàn dựa vào tiền của Phật Tử cúng dường. Việc vệ sinh trong ngoài đều do các Phật Tử làm công quả, Tu Sĩ không làm gì động móng tay. Họ diệt hết tư tưởng, không được nghĩ gì khác Phật, vì sợ “Thất Niệm” ! Một khi đã vào tu Phật rồi thì sống bên lề xã hội, không liên quan tới mọi thịnh suy của cuộc đời. Thời trước, tất cả thanh niên tới tuổi thì đều bị bắt “đi quân dịch”, nhưng Sư, Tăng thì được miễn, nên một số thanh niên muốn trốn lính cũng chui vô Chùa để ẩn nấp, trong đó có Nhà Thơ nổi tiếng Phạm Thiên Thư.

2/- Phật tử thì tin vào lời các Tà Sư để trở thành những “Gã Cùng Tử”. chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng đến Chùa để Cầu Xin Phật phù hộ, vì không hề biết rằng mình cũng có thể tu hành, Thành Phật không khác gì những Sư Tăng trong Chùa. Không ai nói cho họ biết là trên trang web chính thức của Phật Giáo, Phatgiaoorg.com.vn, Các Cao Tăng cũng khẳng định : “Phật không phải là Thần Linh, cũng có vợ, có con, cũng được sinh ra từ bụng mẹ và cũng phải tu hành như mọi người”. Nếu Phật Tử biết Phật không phải là Thần Linh, không có quyền năng để ban ơn, phù hộ cho mọi người thì ai đến Chùa nữa ? Do vậy, đa số Chùa không biết, hoặc cố tình ém nhẹm để tiếp tục dựa vào Phật, rồi giữ vai trò làm trung gian chuyển lời cầu xin của bá tánh đến Phật và được sự Cung Dưỡng của bá tánh để vừa được nhàn thân vừa được làm thầy mọi người ! .

Phật tử cũng không chịu đọc Kinh, để thấy trong Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN, viết : Có lần, khi Phật giảng Pháp thì La Hầu La lơ đảng không nghe. Phật quở trách thì ông đổ là con còn nhỏ, còn ham chơi, đợi lớn một chút rồi sẽ tu. Phật hỏi : Liệu ngươi có giữ được mạng ngươi đến lớn không ? La Hầu La trả lời là: Con không giữ được. Nhưng không lẽ Phật không giữ giùm cho con ? Phật bảo : Ta còn không giữ được mạng cho ta, làm sao giữ được cho ngươi” ! Để thấy chính Phật cũng chấp nhận Vô Thường, chấp nhận việc đã có Sinh thì phải TỬ của cái Thân giả tạm, và Phật không hề có thần thông, phép mầu, nên không thể phù hộ độ trì cho ai. Nếu Phật có phép màu thì đã cứu cho mình khỏi bị ngộ độc thực phẩm do Thuần Đà cúng dường rồi. Nếu Phật phù hộ được cho người khác thì Đạo Phật trở thành Đạo Độ Tha, đâu còn kêu mọi người tu hành để Tự Độ làm chi ? Và nếu Cầu Xin mà Phật độ cho. Muốn gì thì cứ Cầu Xin, thì còn dạy gây tạo Nhân Quả để làm gì ? Điều mâu thuẫn mà Phật Tử không nhận ra là : chính bản thân các Tu Sĩ còn đang dựa vào bá tánh, từ việc Xây Chùa cho đến cái ăn, cái mặc, nếu Phật linh ứng, cầu gì được nấy thì Phật đã ban cho họ, cần gì đến bá tánh ?

Đạo Phật đâu có xui bỏ đời, bỏ thế gian ? Bằng chứng là dặn người tu đền TỨ ÂN. Trái lại, “Thế Gian” mà Đạo Phật dạy mọi người phải bỏ, là những tính xấu, những cái Ác trong Tâm của mỗi người mà Phật gọi là Chúng Sinh, mỗi người phải “Cứu Độ” cho hết, gọi là “Độ Sinh”. Sau đó, còn dùng phượng tiện để hướng dẫn con người trở thành hoàn hảo hơn mà tiếp tay xây dựng cuộc đời. Đó là dạy người tu phải hoàn thành 32 TƯỚNG TỐT, 80 VẺ ĐẸP của Phật. Nói rằng TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT, nhưng tất cả đều do Giữ Giới, lập Hạnh và cư xử với Cha mẹ,Thầy, Bạn, và những người chung quanh trong xã hội, đâu có phải là ở cõi nào khác hơn ngoài cuộc đời, vì Thành Phật chỉ là được Giải Thoát, không còn bị các pháp làm cho điên đảo, phiền não nữa mà thôi.

Ngoài TỨ Y : “Y trí bất y thức. Y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất Y ngữ. Y Kinh liễu nghĩa bất Y Kinh vị liễu nghĩa”, Kinh ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN còn dạy Bồ Tát muốn đền Ân Phật còn phải học rất nhiều điều :

1/-Phải tìm hiểu Nhân Luận để hiểu thấu mọi tội lỗi. Phá trừ tà thuyết của ngoại đạo. Biết phương tiện để điều phục Chúng sinh. Phân biệt rõ ý nghĩa của lời Phật dạy để đối trị những lời nói của thế gian.

2/- Phải tìm hiểu Thanh Luận : Là vì muốn cho lời nói được thanh tịnh, trang nghiêm. Nếu lời nói không thanh tịnh thì không thể giải thích rõ ràng mọi ý nghĩa. Vì muốn hiểu biết hết thảy mọi nghĩa lý để làm cho Chánh Pháp khỏi bị tổn hại, để diệt trừ lòng kiêu mạn của người khác và phá tan mọi tà kiến để điều phục chúng sinh.

3/- Phải tìm hiểu các phương thuốc để giúp Chúng sinh thoát khỏi tứ bách tứ bệnh, xa lìa điều ác, để sinh lòng tin tưởng và tránh mọi khổ đau cho lòng được yên vui.

4/- Phải tìm hiểu các học thuật thế gian. Là vì để làm lợi ích cho chúng sinh dễ dàng hơn. Nếu hiểu suốt các học thuật thể gian thì dễ phá trừ lòng kiêu mạn của mọi người để điều phục họ, khiến họ sinh lòng Chánh tín, trừ bỏ tà kiến và chấp trược. Nếu Bồ Tát nào không chịu học Năm việc ấy thì không thể Chứng Đạo Vô Thượng Bồ Đề.

Trong Kinh còn một số việc khác mà Bồ Tát phải học khi vào đời thuyết pháp để Giáo Pháp được đến với nhiều người, mục đích là BÁO ĐỀN ÂN PHẬT, cho chúng ta thấy : Đạo Phật không dạy người tu Phật phải bỏ đời. Trái lại, trước đó phải sửa đổi bản thân, phải “Chính lấy Tâm mình”, rồi mới góp tay để xây dựng cuộc đời cho tốt đẹp hơn lên bằng Vạn Hạnh, Tứ Nhiếp, bằng Từ, Bi, Hỉ, Xả, bằng kính trọng mọi người của Hạnh Thường Bất Khinh Bồ Tát, xem mọi người đều là Phật sẽ thành.

Đạo Phật còn được gọi là Đạo NHÂN QUẢ, vì chỉ cho con người biết : Gieo Nhân Thiện sẽ gặt Quả Lành. Gieo Nhân Ác sẽ gặt Quả Ác. Việc Tu hành chỉ diễn ra trong Nội Tâm của hành giả, nên đâu cần phải vô Chùa hay lên non cao, động vắng, xa lánh người đời thì mới tu được ?

Tóm lại. Đạo Phật được mở ra là vì đem lại hạnh phúc, an vui cho con người trong kiếp sống. Không cần Xuất Gia, mà cần Ra khỏi Nhà lửa Tam Giới. Không cần cạo tóc, đắp Y, mà cần giữ cho Thân, Tâm không Nghĩ Ác, hành Ác. Trong Chính Kinh, ta thấy những điều Đạo Phật dạy, hoàn toàn không giống với những gì mà các tà sư phổ biến.

Trong khi Đạo Phật chân chính :

. Dạy NHÂN QUẢ, tức là gây Nhân Thiện để có Quả lành thì họ dạy Bố Thí, cúng dường cho Chùa để được giàu có trong nhiều kiếp tới !

. Dạy Quán Sát, Tư Duy, thì họ dạy Dứt hết niệm tưởng.

. Dạy Xây Chùa nơi TÂM,“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. thì họ dạy xây Chùa Hữu Tướng, ngày càng to hơn !

. Dạy Đúc, chạm, khắc Tượng Phật, là làm theo những Hạnh mà Phật đã làm, để bản thân người làm có được Phật của mình, thì họ dạy lấy vàng, đồng, xi măng, thạch cao, gỗ đổ khuôn hay chạm theo hình ảnh của Phật, rồi gắn kim cương, hồng ngọc lên ! Thời gian trước còn có người dùng khối ngọc để chạm thành tượng Phật, gọi là Phật Ngọc, đưa đi khắp nơi cho bá tánh chiêm ngưỡng, cầu xin. Nghe nói Phật Ngọc rất linh hiển, nhưng không biết vì do sự va chạm nào đó nên bị bể một mảnh. Từ đó không nghe các Chùa nhắc đến nửa.

. Dạy KHẤT THỰC, nhưng ý nghĩa chính là KHẤT PHÁP THỰC, tức là học hỏi nơi Kinh sách, nơi các vị Thiện tri Thức để có sự hiểu biết về con đường tu hành, thì họ chỉ bưng bình bát đi Khất Vật Thực.

. Dạy ĐIỀU TÂM, thì họ dạy ĐIỀU THÂN bắt cái Thân phải chịu Khổ hạnh, phải giữ hàng mấy trăm Giới, quay đâu cũng đụng Giới..

. Dạy ĐỀN TỨ ÂN, thì họ dạy bỏ nhà cửa, cha mẹ, bỏ hết công việc làm ăn, Vô Chùa tu rồi thì kể từ đó sống bên lề cuộc đời, chờ ngày Phật rước về Tây Phương Cực Lạc !

. Dạy hành trì để đạt Niết Bàn ngay tại kiếp sống, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn, thì họ dạy phải chờ chết mới được về Niết Bàn.

. Dạy THIỀN QUÁN để sinh TRÍ HUỆ, thì họ dạy ngồi bất động, Xuất Hồn, ngao du nơi tiên cảnh, hay Ngồi để tìm thần thông biết trước biết sau.

. Dạy THÍ XẢ những tính xấu đã ôm giữ, để được Giải Thoát, gọi là Bố Thí cho Phật, thì họ dạy Bố thí tiền bạc để cầu phước.

. Dạy “Độ Sinh”, là mỗi người phải tự Cứu độ những chúng sinh trong Tâm. Đó là “lòng tà mê, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc” Các Tâm này đều gọi chung là Chúng Sinh. Mỗi người phải dùng tánh mình mà Độ lấy mình, mới gọi là thiệt độ” (Pháp bảo Đàn Kinh), thì họ không biết cái Tâm là gì, chỉ dạy Pháp KHÔNG. Không nghĩ đến mọi việc, cho đó là Giải Thoát.

. Dạy Chuyển cái TÂM từ Mê thành Ngộ, từ Phiền não sang Giải Thoát, từ Vọng Tâm trở lại CHÂN TÂM, chuyển PHÀM thành THÁNH, GỌI LÀ PhẢn Vọng quy Chân, hay CHUYỂN PHÁP LUÂN, thì họ dạy cho Thờ Phật để cầu xin được cứu độ.

. Dạy tu hành để THÀNH PHẬT, thì họ dạy làm Gã Cùng Tử để cúng kiến cầu xin Phật, Bồ Tát cứu độ.

Thật ra, nói rằng Tu là để Thành Phật cho lớn lao, chỉ là Tu Sửa Thân, Tâm để sống cho đúng trách nhiệm của một con người. Lục Tổ Huệ Năng dạy :

Lòng bình đẳng đâu cần Giữ Giới

Làm việc ngay há đợi tu Thiền.

Ân song thân hiểu duỡng cần chuyên

Nghĩa huynh đệ dưới trên tương ái

Nhượng, hòa mục, tôn ti đối đãi

Nhẫn muôn điều ác hại chớ gây

Nếu bền tu như lấy lửa cọ cây

Nơi bùn lấm nở đầy SEN ĐỎ.

Từ một con người sống trong đau khổ vì bị các Pháp khảo đả, Đức Thích Ca chỉ cho mọi người cách thức để tháo gỡ, để không còn bị ràng buộc, được Giải Thoát. Cái Giải Thoát đó mỗi người phải tự hành trì để đạt được, gọi là Tự Độ. Phật chỉ xưng mình là NHƯ LAI, tức là đến, đi không động, không vướng mắc, vì thấy Các Pháp đều NHƯ. Phật không có hứa cứu giúp hay ban Đạo Quả cho ai, Ngài chỉ xưng là ĐẠO SƯ, tức là người dẫn đường, không phải là Thượng Đế hay Thần linh để bá tánh tôn thờ.

Chính những Tà Sư là những người không hiểu Mục Đích và Phương tiện của Đạo Phật. Bản thân chưa Chứng Đắc, lẽ ra không được quyền giảng pháp, mà lại đi thuyết giảng rồi Y NGỮ để Chồng Mê cho bá tánh. Họ chính là những Ác Trí Thức, là những “Con trùng trong thân Sư Tử, ăn thịt sư tử”, bởi trong sắc áo Đệ Tử Phật, họ thuyết phục được lãnh đạo của một số đất nước để Đạo Phật trở thành Quốc Giáo, rồi thay vì tài nguyên của đất nước dùng để xây dựng, phát triển đất nước, thì họ mang ra xây Chùa, đúc Tượng. Lực lượng trẻ, có trí, có tài, là vốn quý của đất nước, cần được đào tạo, học hỏi khoa học kỹ thuật nơi các nước đã tiến bộ để phục vụ đất nước, đưa đất nước tiến lên, xóa bỏ dốt nát, đói nghèo, thì họ xúi bỏ đời, Xuất Gia, để cống hiến cuộc đời cho Phật. Từ khi Vô Chùa trở thành Tu Sĩ rồi thì những người đó sẽ sống bên lề cuộc đời cho đến hết kiếp. Không còn biết đến sự hưng vong của đất nước, chỉ ngày ngày tụng Kinh, Niệm Phật, hướng về Niết Bàn, chờ ngày Phật rước về Tây Phương Cực Lạc, khác nào phế võ công của những võ sĩ chuyên, bảo vệ, cứu khổn phò nguy cho mọi người. Kết quả là đất nước trì trệ, người dân không có ý chí cầu tiến mà chỉ chờ mong Phật Độ. Làm ăn có được chút tiền thì mang đi Cúng Chùa để Cầu Phước !

Trong khi Đạo Phật dạy tin vào NHÂN QUẢ, dạy tu sửa, để con người, CẢI ÁC, HÀNH THIỆN cho cuộc sống được tốt đẹp hơn thì những người tin theo Tà Sư sống ở thế gian mà mơ tưởng cõi Phật nơi xa vời. Đó là những người làm trái với lời Phật dạy, phá hoại Đạo pháp, làm cho Đạo Phật mang tiếng xấu là làm cho đất nước mà Đạo Phật là Quốc Giáo phải đói nghèo, lạc hậu, người dân u mê, không theo kịp trào lưu của thế giới !

Câu hỏi được nêu ra là để những nhà Truyền Giáo xem lại trách nhiệm của mình, vì bản thân họ cũng sống dựa vào đất nước, cũng xử dụng những vật phẩm của mọi người, mà ngày tháng buông trôi chỉ mơ màng đến cõi Niết Bàn ở đâu đâu, trong khi Đạo Phật dạy NHÂN QUẢ rất thực tế .

Từ bao nhiêu đời qua, thế giới chưa bao giờ thấy một công trình hay một sản phẩm nào ích quốc, lợi dân xuất phát từ đội ngũ Tu Sĩ của Đạo Phật, bởi họ cho là đã tu hành là phải bỏ đời, nghĩ đến việc gì khác ngoài Phật là Thất Niệm ! Họ quên rằng Phật dạy phải đền TỨ ÂN, trong đó ÂN ĐẤT NƯỚC, là mỗi người phải góp sức xây dựng cuộc đời. Họ hãnh diện vì cho rằng nhờ họ đào tạo mà những người đi Chùa, để dép bên ngoài, dù mắc tiền cũng không bị mất ! Họ không biết rằng ở Mỹ, nhân viên Bưu Điện đi phát bưu kiện chỉ cần đến nhà bấm chuông rồi đặt gói bưu kiện ở trước cửa nhà. Có khi gia chủ đi làm tới chiều về mới lấy mang vô. Nước ngoài còn có Trung Tâm tiếp nhận những đồ vật bị thất lạc để trả về cho chủ. Họ đâu có cần đến mấy ngàn ngôi Chùa với mấy chục ngàn Tu Sĩ giảng pháp ? Họ chỉ đào tạo cho người dân ý thức công bằng, tôn trọng luật pháp, biết yêu thương gia đình, đất nước. Biết rằng thành quả dựa vào sức lao động, nên muốn cải thiện đời sống thì mọi người phải học hỏi, làm việc, vừa nghiên cứu để có những sản phẩm khoa học kỹ thuật cao phục vụ xã hội, để vừa làm giàu cho bản thân mà vừa làm cho đất nước họ ngày càng phát triển. Người dân có cuộc sống thoải mái, vì họ chỉ tin vào kết quả của những điều họ thực hiện. Không tin vào Thần Linh, không cầu xin rồi chờ đợi, vô tình họ đi đúng luật Nhân Quả : Gieo Nhân thì sẽ gặt Quả.

Rõ ràng lỗi không phải do Giáo Pháp của Đạo Phật, mà do những người đã hiểu sai mà còn đi truyền bá cái sai lầm để rồi tiếp nối thế hệ này sang thế hệ khác. Phật Tử là Con của Phật. Con Phật thì phải nối nghiệp Cha, là Thành Phật. Nhưng những nhà Truyền Giáo lại biến họ thành những “Gã Cùng Tử”, suốt ngày chỉ biết Cầu Xin, nương tựa, trong khi Phật, Bồ Tát không có khả năng để phù hộ cho ai. Như thế khác nào lừa đảo Phật Tử ?

Từ một Giáo Pháp hướng dẫn Con Đường Giải Thoát bằng Trí Huệ, bằng Tự Độ, Tự tin, để đi đến Thoát Khổ và hoàn thành trách nhiệm một người con của gia đình, một người công dân tốt của đất nước, thì những Tà Sư đã biến Phật Tử thành nô lệ tâm linh. Mù quáng tin vào những điều không thật có, đưa đến kết quả là nhiều người đánh giá là “Những nước lấy Đạo Phật làm Quốc Giáo, thì trở thành lạc hậu, suy yếu, con người trở thành u mê”, thì tội Phá Pháp ắt không phải nhỏ.

Nhìn những dòng người quỳ mọp đảnh lễ, mang hoa, nước, thực phẩm để cúng dường cho Đoàn di hành của Sư Minh Tuệ. Có người mang cả Sổ Đất muốn Cúng dường ! Hoặc hình ảnh ngày lễ lớn trong nước, thì các Sư ngồi chễm chệ một dãy trên bàn, các thiếu nữ ăn mặc đẹp đẽ lần lượt đến trước mặt, cúi lạy rồi dâng phong bì, tôi thấy tội mê hoặc Phật Tử rất lớn. Việc tu hành chỉ là Xả bỏ những tính xấu ở nội tâm của người tu sửa. Ai tu, nấy đắc, không thể tu giùm cho người khác. Người tu cũng chỉ Giải Khổ cho chính bản thân họ. Không có phước lành để ban cho ai. Ngay cả Phật cũng không thể cứu độ được cho người ngoài. Vì vậy họ không đáng để bá tánh quỳ mọp, đảnh lễ. Trong khi Phật dạy Ân Phụ Mẫu là ân lớn nhất. Vì cha mẹ mỗi người là những người sinh ra họ, đổ công sức để nuôi dưỡng đến lớn, thì không thấy có ai quỳ lạy cung kính, thậm chí có người còn bất hiếu, dằn mâm, xáng chén hay hỗn láo khi cha mẹ tuổi già, sức yếu, nghèo khổ phải nương tựa họ ! Rồi những nhà Khoa học, miệt mài ngày đêm trong phòng thí nghiệm để tìm những phương pháp tốt nhất để giúp đời. Những Bác Sĩ giành giật với Tử Thần để giữ lại sinh mạng cho bệnh nhân. Những chiến sĩ xông pha lửa đạn, bất chấp mạng sống để giữ từng tấc đấc cho đất nước, cho người dân được sống yên lành, là những người lẽ ra được kính trọng thì không ai đoái hoài, trong khi đó, những Tu Sĩ làm được gì cho cuộc đời ?

Nặng nhất là tội làm suy yếu tiềm năng của đất nước. Bởi Kinh dạy, Bất cứ ai ? không kể tuổi tác, hoàn cảnh, trình độ, nghề nghiệp, nếu muốn Thoát Khổ đều có thể nương nhờ Giáo Pháp của đạo Phật để hành trì. Muốn đến Chùa hay ở nhà, làm bất cứ nghề nghiệp gì, nếu không Phạm Giới, thì đều có thể Tu hành được. Thì những Tà Sư viện lẽ tu hành, bắt buộc nhiều thanh niên còn sức khỏe, có những nghề nghiệp đã được đào tạo mà xã hội rất cần, phải tập trung vô Chùa rồi bắt họ phải độc thân, phải giữ hàng mấy trăm Giới, không được làm gì hết, bá tánh phải cung dưỡng, rồi sống khơi khơi bên lề cuộc đời chờ ngày về Tây Phương Cực lạc, hoàn toàn trái với Giáo Pháp của Đạo Phật !

Dư luận đã nhận xét không sai. Vì bao đời qua, chính vì sự thiếu hiểu biết, không học hết Giáo Pháp của Đạo Phật mà những Tà Sư buộc những người tuổi còn trẻ, có người có nghề nghiệp mà xã hội đang cần, phải bỏ hết mọi việc để bỏ đời Vô Chùa, nếu muốn tu hành. Trong khi theo Đạo Phật chân chính là điều toàn không cần thiết. Do đó, nếu xét về trách nhiệm của mỗi công dân đối với sự hưng vong của quốc gia, thì e rằng lỗi của những Tà Sư rất nặng. Họ không chỉ vừa hại Phật Pháp, hại cả cuộc đời người tin theo họ mà còn cản trở bước tiến của đất nước, do lợi dụng việc tu hành để vô hiệu quả lớp người trẻ mà muốn Phát Tâm Tu hành, không để cho họ mang sức, tài để đóng góp cho đất nước, trong khi tu ở Chùa hay ngoài đời đều có kết quả như nhau. Nếu đến thời này mà mọi người vẫn tin, nghe họ mà không thức tỉnh, thì quả là tiếp tục nuôi dưỡng một đại họa vậy.

Tháng 1 – 2025



VVM.08.01.2025.