Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




TIẾNG MÕ, PHÈNG LA, TRỐNG CHẦU
TRONG NÔNG THÔN NGÀY XƯA



            

1. MÕ THUẬN YÊN

Làng Thuận Yên (Đức Sơn - Mộ Đức - Quảng Ngãi) ba bề tiếp giáp với núi rừng trùng điệp, cảnh Thuận Yên thật là hẻo lánh.

Phía Nam giáp với núi Dàng, cao 800 mét. Phía Bắc giáp một dãy đồi núi sừng sững, phía Tây giáp động lá (một động toàn cây đại thọ, lá phủ um tùm), chỉ còn phía Đông là tiếp giáp với cánh đồng thuộc Vĩnh Đức.

Thuận Yên có địa thế như vậy, song cũng là một vùng đất đai màu mỡ, nên một số dân tộc các vùng lân cận rủ nhau đến lập nghiệp. Họ đem sức người chống chọi với hổ báo, với cảnh hãi hùng, để tranh lấy sự sống.

Năm 1901, dân Thuận Yên đã lên tới 1.000 người. Ở đây, họ kiến trúc nhà ở giống như những cái chòi cao và muốn vào nhà, phải leo lên một cái thang nhiều bậc (làm như vậy để phòng thú dữ). Cánh đồng Thuận Yên hình thuẫn và nhà cửa xây dựng theo chu vi của cánh đồng, làm như vậy cốt lập thành một bờ lũy bảo vệ hoa màu. Các loại thú phá hoại mùa màng, nhất là heo rừng kế đến là voi và dê. Loài thú dữ nhất là con cọp tàu cau. Tính từ ngày 17.6.1897 đến 30.5.1959, số dân làng thiệt mạng do bị cọp ăn và heo rừng húc, cũng như voi chà, lên đến 614 người.

Giữa cánh đồng Thuận Yên, người ta lập miếu oan hồn (1913) để thờ những người chết oan uổng nói trên.

Dân trong làng, nhà nào cũng có một cái mõ gỗ để đuổi thú dữ, họ muốn đuổi thú dữ thì miệng la hét (nộ mầy) tay họ vừa đánh mõ.

Năm 1922, vì số nguòi bị thú dữ giết hại mỗi ngày một tăng lên, nên dân làng mở Đại hội bầu ra một Hội đồng hương sắc gồm 15 người, để nghiên cứu cách chống thú dữ và cầu cứu quan trên tiếp sức. Nhưng dưới cái thời bấy giờ, quan trên thường lệ “sống chết mặc bay”, nên sự cầu xin quan trên tiếp sức không thành, chỉ có dân làng tự lo liệu lấy kế hoạch chống thú dữ. Hội đồng hương sắc sau một tháng nghiên cứu và cho người đi hỏi thăm kinh nghiệm của các vùng cận sơn, họ họp lại đề ra kế hoạch phòng thú dữ, kế hoạch này lấy tên là “Địa võng luân thanh” (dùng mõ gỗ và đồng thanh đuổi thú dữ). Để thực hiện kế hoạch trên được chu đáo, Hội đồng hương sắc bắt buộc mỗi nhà phải có tối thiểu một cái mõ bộng (bằng gỗ) theo kích thước và tiếng kêu đã ấn định và phải la (hô) dõng dạc. Tại Miếu oan hồn dựng lên một đài quan sát, có đèn rọi (đèn dầu lửa) có ống kiếng rọi về một hướng. Bốn góc làng lập bốn vọng gác đế quan sát. Vọng gác này chỉ làm cao 5 mét, như vậy mới thấy rõ loại thú nào xuất hiện mà điểm mõ báo động về Đài quan sát.

Hiệu lệnh báo cáo của Vọng quan sát:

- 3 tiếng mõ, heo rừng xuất hiện ngoài làng

- 5 tiếng mõ điểm nhặt là heo rừng đã vào làng

- 2 tiếng mõ đánh liên hồi

là heo rừng đã vào làng đông lắm

- 1 tiếng mõ, dê rừng xuất hiện ngoài làng

- 9 tiếng mõ là heo rừng đã vào làng

- 1 hồi mõ, lại 3 tiếng là cọp xuất hiện ngoài làng

- Những hồi trống giục liên miên là cọp vào làng

- 4 tiếng mõ và 1 tiếng hú là voi xuất hiện ven làng

- Tiếng hú nhịp nhàng với tiếng mõ là voi đã vào làng

Thú dữ xuất hiện phía nào thì Vọng quan sát gần đó mới đánh mõ. Khi được tin báo từ các Vọng quan sát, Đài quan sát kiểm tra lại nguồn tin, nếu quả thật đúng thì báo cho dân làng áp dụng kế “Địa võng luân thanh”. Thú dữ vào gần vùng nào thì “Địa võng luân thanh” vùng đó áp dụng. Nếu thú dữ ngoan cố không chịu ra khỏi làng, thì toàn thể dân làng áp dụng “Địa võng luân thanh”.

Nếu bạn có dịp đến thăm Thuận Yên và ở lại xem phép “Địa võng luân thanh” của làng này: giữa cảnh núi non hùng vĩ, làng xóm giữa lòng chảo của núi rừng, những tiếng mõ, hàng ngàn tiếng mõ vang lên, cộng vào những tiếng la dõng dạc, đanh thép, tưởng hồ như núi lở, trời rền, dù bạn có cứng bóng vía đến đâu, quả tim bạn ắt cũng phải rung động, hồi hộp, vì cái “Bát quái trận đồ” nhân tạo ấy.

Vì cái oai lực tiềm tàng của mõ Thuận Yên lập nên thế trận “Địa võng luân thanh”, nên từ năm 1923 trở đi, thú dữ như heo rừng, voi, cọp… không còn dám bén mảng đến vùng này.

Cái tác dụng của mõ gỗ Thuận Yên phác họa trong câu phong dao:

Ông mõ lẫm liệt oai phong

Ông kêu, thú dữ tìm đường cút xa

Ai về thăm xứ Thuận Yên

Vang vang tiếng mõ, là kiêng dân làng

2. PHÈNG LA XÓM BẦU

Có dịp về xóm Bầu (Đức Thạnh, Mộ Đức) cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 21km về phía Nam vào một buổi tối tháng 2 âm lịch sẽ được nghe những hồi phèng la nổi lên liên hồi, càng về khuya tiếng phèng la càng inh ỏi. Những hồi phèng la kỳ cục ấy sẽ làm bạn phân vân, lo lắng: Có chuyện gì sẽ xảy ra?

Không đâu, bạn cứ yên tâm. Đó là tiếng phèng la nhắc nhở dân làng sáng ngày dậy sớm (không nên vắng mặt) hãy vác cuốc, xẻng đi vét mương bà Hê

Xóm Bầu là một vùng thôn dã phì nhiêu, nằm giữa những cánh đồng lúa mênh mông. Con mương bà Hê là mạch sống của xóm Bầu, vì nó dẫn nước từ sông Thoa vào tưới những cánh đồng quanh xóm. Hàng năm, đến mùa lụt, đất phù sa tràn đến, làm cho con mương nông (cạn) đi. Do đó, qua giữa mùa Xuân ruộng lúa cần có nước vào, tiếng phèng la nổi lên để thúc giục dân làng đi vét mương bà Hê.

Phèng la là một loại giống như cái chuông, song mặt lại phẳng lì, không có gù lên ở giữa, khi đánh vào thì kêu phèng phèng, chứ không trong và ngân dài như tiếng chuông.

Phèng la là một loại rất thông dụng ở nông thôn Quảng Ngãi. Người ta dùng nó vào việc vét mương, đắp đập, đào lạch. Nhưng phèng la xóm Bầu được truyền tụng trong tục ngữ, bởi vì nó có những điểm đặc biệt hơn những cái phèng la khác, nó có đường kính tới 1 mét, đúc bằng loại đồng đỏ, tiếng phèng phèng của nó hơi ngân ra, cách xa xóm Bầu 3km vẫn nghe và nhận định được tiếng của nó. Lại nữa, điền hộ xóm Bầu sử dụng phèng la rất đúng lúc dân xóm Bầu tuân theo tiếng phèng la và tôn trọng tiếng phèng la như một vị thần vậy.

Phèng la lúc nhặt lúc khoan

Nửa khuyên, nửa giục dân làng vét mương

Dù ai làm lụng gần xa

Nghe phèng la giục, nhắc ta mau về

Ngày vét mương bà Hê, tất cả nông dân trong làng: hàng trăm lưỡi cuốc, xuổng đều vào việc vét mương. Những lúc trời nắng gắt, tiếng phèng la lại nổi lên phụ họa nhịp nhàng với tiếng hò Ba Lý (tiếng hò địa phương)

Ra công này ới nông gia

Nước về lúa tốt, nhà nhà ấm no

Tiếng phèng la xóm Bầu có từ năm 1852. Trải qua bao năm tháng, chiếc phèng la còn đó và càng thâm niên hình dáng nó càng bóng loáng, tiếng phèng phèng càng thanh tao.

Nhưng những người Hộ trưởng (thủ la) đã kế tiếp 5 đời.

Người Hộ trưởng được dân địa phương kính nể như là một người anh cả vậy.

3. TRỐNG CHẦU THI PHỔ

Vào khoảng giữa tiết Thu, khi mà những trận mưa rào bắt đầu đổ và bầu trời đã âm u bởi mây mù thường che phủ, lúc bấy giờ nếu bạn đến Thi Phổ, tất bạn sẽ được nghe những hồi trống giục giòn giã. Tiếng trống đổ liên hồi vang động một góc trời Thi Phổ sẽ làm cho bạn phân vân: Chuyện gì sắp xảy ra?

Xin bạn cứ bình tĩnh, đó là tiếng trống chầu Thi Phổ đương giục giã cổ động nông dân tiếp tay phòng giữ đập.

Trống chầu rất thông dụng khắp nơi. Người ta thường dùng trống chầu vào việc họp làng, nhóm họ, tang, tế, thu thuế, tựu trường, cúng đình…

Ấp Thi Phổ (thuộc Đức Minh, Mộ Đức) cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 29km về phía Nam, có tiếng trống chầu mang nhiều đặc điểm nhất, và khi tiếng trống vang lên, mọi người trong vùng đều nhận ra đây là Trống chầu Thi Phổ.

Người địa phương truyền rằng: trống này căng bằng da ngựa ô (đen), vỏ trống làm bằng một khúc gỗ thiêng, quý lắm. Năm 1871, có một trận lụt lớn, nước lụt màu đen như mực tàu, lụt nhà cửa, gỗ quý từ núi lớn tấp về rất nhiều, song khi nước rút, gỗ lại biến mất, tại nhà Hội ấp Thi Phổ chỉ còn lại một ống gỗ tồng phổng, đường kính 0,86 mét, bề dài 1 mét, vừa đủ căng một cái trống chầu.

Dân địa phương lấy làm lạ và cho rằng vỏ trống của Trời cho. Năm 1872, dân địa phương lập miếu thờ vỏ trống ấy, người ta gọi là miếu thờ Ông Trống. Năm 1785, nhân dịp trong làng có giết một con ngựa ô để tế oan hồn, da ngựa được căng vào vỏ trống, làm thành chiếc trống chầu của Thi Phổ. Khi căng trống xong, dân làng gặp vụ được mùa, ai nấy đều mừng vui, họ cho rằng trống của nhà Trời ban cho nhà nông của làng này. (Khi đánh, tiếng trống ngân dài ra và vọng lại à… ông…). Năm 1876, trống này được dành riêng cho việc nông tang và đánh vào dịp cổ động dân đi đắp đập, giữ đập Thi Phổ.

Đập Thi Phổ là cái cản lớn, ngăn giữa con sông Thoa và nhánh sông con, gọi là sông Hội. nước giữ lại được các con kênh vá các mương dẫn thủy, tưới ngót 10.000 mẫu ruộng, thuộc vùng An Phong, Bàu Súng, Đồng Bắc, Đồng Nam, Đồng Tam Tinh, Bồ Đề, Long Phụng, Năng An. Đập ngăn nước lại, không cho nước chảy vào sông Hội, để các cánh đồng hai bên bờ sông Hội canh tác được, khỏi bị ngập nước. Số ruộng hai bên bờ sông Hội có đến trên 6.000 mẫu.

Vậy việc đắp đập Thi Phổ thành ra hưởng lợi vì những lẽ đó, cho nên nông dân khắp các làng liên hệ coi việc đắp đập như việc nhà. Tiếng trống chầu Thi Phổ rất tốn kém, vì hành năm, sau mùa lụt, đập sẽ bị vỡ thành bình địa. Mùa lụt qua rồi, nông dân lo đắp lại. Hằng chục năm, việc đắp đập cứ đều đều chừng mực như vậy. Công việc đắp đập cần đến hàng ngàn nhân công, hàng ngàn bó rạ, hàng trăm thước khối đất.

Khi mùa Đông gần tàn cũng là ngày khai trương đắp đập, thường thường thời gian đắp đập là một tháng. Đập đắp xong rồi, công tác giữ đập cũng quan trọng không kém. Từ đầu mùa Xuân đến cuối mùa Hạ, công việc bảo vệ ở mức bình thường.

Từ mùa Thu, nhất là khoảng giữa mùa Thu, khi có những trận mưa lũ, nước từ các nguồn đổ về, khiến cho việc giữ đập thật là vất vả. hơn nữa, khoảng giữa mùa Thu là khoảng thời gian lúa mùa tháng 8 đương tươi tốt, sắp thu hoạch. Nếu việc phòng giữ lơ là, đập vỡ rồi sẽ gây ra hậu quả vô cùng nguy hiểm: 6.000 mẫu ruộng đương đơm bông hai bên bờ sông Hội sẽ chìm trong biển nước mênh mông và hoa lợi coi như tan tành, và 10.000 mẫu ruộng thuộc sông Thoa sẽ bị nạn thiếu nước.

Vì vậy, trống chầu Thi Phổ rất rõ ràng, minh bạch:

· 1 hồi trống lại 3 tiếng: chuẩn bị đắp đập

· 1 hồi trống lại 5 tiếng: góp vật liệu (số vật liệu đóng góp do Ban Quản trị ấn định theo diện tích canh tác của mỗi nông gia).

· 1 hồi lại 9 tiếng: khởi công đắp đập

· 2 hồi trống suông: công việc đắp đập hoàn thành

· 2 hồi lại 9 tiếng: phòng vệ đập

· 3 tiếng trống điểm thong thả (ngày 3 lần điểm): việc phòng đập không có gì trở ngại.

· Trống đánh 2 tiếng hơi nhặt lưu ý nông phu trong vùng: đập bị mội, ruỗng (coi chừng nguy hiểm)

· Trống ngũ liên (giục giòn giã 5 tiếng 1 nhịp luân phiên không dứt): đập sắp vỡ, khẩn cấp cầu cứu nông dân tiếp tay. Vì vậy trống giục ngũ liên là tất cả dân làng đổ xô ra phòng vệ đập. Những làng liên hệ tới đập, cũng tiếp sức giữ đập.

Những câu phong dao truyền khẩu, nói lên tác dụng của tiếng trống chầu Thi Phổ:

Dù ai tế lễ nơi đâu

Ngũ liên Thi Phổ mau mau trở về

Âm thanh tiếng mõ, phèng la, trống chầu lùi dần về quá khứ theo thời gian đối với người quê Mộ Đức, Quảng Ngãi.   -/.




VVM.07.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com