M ọi người quen nhìn hình ảnh của những Tu sĩ mặc Y Cà sa, đầu cạo sạch tóc. Đi, đứng, ngồi. nằm phải giữ Tứ oai nghi. Sống độc thân cùng Đoàn thể trong những ngôi Chùa uy nghi. Cả ngày chỉ Tụng Kinh, Ngồi Thiền, ăn chay, Niệm Phật, không được làm ăn hay tham gia vào việc đời. Toàn bộ những gì để duy trì cuộc sống từ hột cơm, Bộ Y, chén thuốc, dôi dép để mang, nhang khói, nước để sinh hoạt, điện thắp sáng, đều do Phật Tử trang trải, gọi là Cung dưỡng. Tiền bạc mà thí chủ cúng để dùng vào sinh hoạt cho Chùa được gọi là Tịnh Tài. Mọi việc trang hoàng, dọn dẹp vệ sinh sau trước trong Chùa đều do Phật Tử tới làm Công Quả. Chư Tăng không phải động móng tay, với lý do là để toàn tâm toàn ý cho việc tu hành !
Từ xưa, mọi người đều nghĩ : Muốn làmTu Sĩ thì phải Xuất Gia, Phải độc thân, sống quây quần với Tăng Đoàn ở trong Chùa. Hình tướng phải đầy đủ mới được xem là Tu Sĩ. Người Cư Sĩ tu tự do ở ngoài Chùa dù giữ Giới đầy đủ, nhưng không vô đoàn thể, không được thế phát, thiếu Bộ Y và cái đầu thì không được nhìn nhận là Tu Sĩ. Quả vị tu hành cũng bị giới hạn. Thượng Tọa Thích Nhật Từ, một chức sắc cao cấp trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam còn khẳng định : “Chỉ có Tu Sĩ, độc thân, ở trong Chùa tu hành thì mới đắc quả. Cư sĩ chỉ đắc chân nhân thôi”, trong khi Đức Thích Ca Thọ Ký :”Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Lời Phật Thọ Ký không nêu rõ là ở trong Chùa hay ngoài Chùa, độc thân hay có gia đình. Không hề nói đến giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp. Phải chăng muốn tu hành thì phải đầy đủ hình tướng như những Đại Đệ Tử Phật ngày xưa ?
Mọi người vẫn quen rập theo khuôn “xưa bày, nay làm” mà không hề thắc mắc, tìm hiểu. Thử ngược dòng thời gian, xem lại lịch sử hình thành của Tăng Đoàn Đạo Phật thì chúng ta thấy : Sở dĩ Tăng Đoàn do Đức Thích Ca thành lập phải có Bộ Y Cà Sa có 2 lý do : Thứ nhất là trước lúc Đức Thích Ca đi tu thì Ấn Độ đã có rất nhiều nhóm, tu hành theo nhiều phương pháp khác nhau. Chính Ngài cũng đã mất 6 năm để tu học theo họ. Cho đến lúc thấy những cách tu hành đó không đưa ra được câu trả lời cho điều mà Ngài trăn trở, nên mới Ngồi Thiền suốt 49 ngày đêm rồi mới Đắc Đạo và mở ra Đạo Phật. Vì thế, lúc thành lập Tăng Đoàn để hướng dẫn tu hành theo đường lối mới thì Ngài cũng cần những người chung quanh nhận ra Tu Sĩ của bên mình với những Tu sĩ của nhóm khác. Thứ hai là Y nhuộm một màu vàng, là màu hoại sắc, mang ý nghĩa là trùm phủ Thân, Tâm một màu thanh tịnh, không nhuốm Sắc Trần.
Lẽ ra PHẬT chỉ có nghĩa là “người đã GIẢI THOÁT cho bản thân HẾT KHỔ”. ĐẠO PHẬT là CON ĐƯỜNG MÀ AI ĐI TRÊN ĐÓ CŨNG SẼ ĐƯỢC GIẢI THOÁT. PHẬT TỬ, tức là CON CỦA PHẬT. Mỗi người đều có PHẬT TÁNH, tức là CHỦNG TỬ CỦA GIẢI THOÁT. Chỉ cần khai triển cái PHẬT TÁNH ra, là sẽ được GiẢI Thoát hay Thành Phật, và Thành Phật chỉ là Giải Thoát cho bản thân không còn bị cái Khổ hành hạ nữa mà thôi.
Thời xưa thì chỉ những người đã Thấy Tánh, Chứng Đắc mới được thuyết pháp. Nhưng vì Phật nhập diệt cách đây đã gần 3.000 năm. Trong thời gian dài như vậy có biết bao nhiêu lớp người Xuất Gia với đủ thứ lý do. Hoặc muốn cầu Giải Thoát. Hoặc xu thời. Tất cả đều học Pháp rồi chia nhau đi giảng pháp. Ngoài những bậc Chân tu thì cũng không it những kẻ lười nhác. Thấy rằng cứ khoác áo Tu Sĩ vô là được nhàn thân, được ăn trên, ngồi trước, nhiều người tôn kính nên cũng tham gia. Một số khác thì lợi danh chưa bỏ, nên “mượn đạo, tạo đời”. Vì thế nhiều Tông, Phái đã mở ra rầm rộ, vì ai cũng muốn làm Giáo Chủ ! Bằng chứng là Tăng Đoàn, sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm cũng đã chia ra Hai Thừa, cũng chính vì những cái Tâm ham muốn cầm đầu Tăng Chúng ! Những lãnh đạo của Đạo Phật đều tin rằng Đạo Phật có Nhân Quả, nên không ai cử tội ai. Người làm sai sẽ chịu trách nhiệm trước Đạo Pháp. Có lẽ vì vậy mà Tăng Đoàn không lập được một Giáo Hội thống nhất, đủ uy tín để loại trừ những phần tử bất hảo, như những kỳ Kết Tập ban đầu. Vì thế, mạnh ai nấy quyên góp để Cất Chùa với danh nghĩa để tôn vinh Phật. Chùa càng to, Tượng càng lớn thì uy tín Trụ Trì càng cao, chiêu dụ được nhiều Phật Tử đến thì quyền lợi càng nhiều ! Do vậy mà mạnh ai nấy thuyết giảng. Hiểu ít, hiểu nhiều cũng mở ra giảng dạy rồi in sách phổ biến tràn lan đến độ gọi là “Thiên Kinh vạn quyển”. Người muốn tìm hiểu không biết đâu là chính, đâu tà. Hậu quả là cho đến nay hầu hết Phật Tử đã bị truyền bá cho cái hiểu sai lầm về Phật và Đạo Phật.
Không riêng gì Phật Tử. Hầu hết các Chùa đều cho rằng PHẬT là Thần Linh, có quyền năng cứu độ cho bá tánh. Bá tánh cần gì thì cứ hương hoa đến Chùa để Cầu Xin. Sống thì Cầu An, chết thì Cầu Siêu ! Tu Sĩ thì quan trọng hóa việc tu hành, cho rằng mình đã Xuất Gia, ở trong Chùa, mặc sắc áo của Đệ Tử nhà Phật nên cho rằng mình mới là đại diện chính thức cho Phật, được Phật cho phép hưởng dụng sự Cung Duỡng của bá tánh để tu hành và làm trung gian chuyển lời cầu xin của bá tánh đến Phật ! Họ không hiểu hay cố tình không hiểu là Quả Vị Phật chỉ để nói về người tu đã hoàn tất được công việc Giải khổ cho bản thân. Việc Thành Phật không đưa lại cho người thành quyền năng để cứu độ cho người khác. Đức Thích Ca cũng phải tu hành như mọi người. Bất cứ ai, nếu tu hành đúng pháp đều có kết quả như nhau. Chính vì vậy mà Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả Chúng sanh đều là Phật sẽ thành”, và có TAM THẾ PHẬT, tức là QÚA KHỨ có nhiều vị đã Thành Phật. HIỆN TẠI cũng có người Thành Phật và TƯƠNG LAI cũng sẽ có người Thành Phật. Nếu cho rằng đó là Phật Thích Ca, A Di Đà và Phật Di Lặc thì lời Thọ Ký của Phật không lẽ vô giá trị, và Phật Thích Ca đã nhập diệt gần 3.000 năm mà cho đó là Phật hiện tại sao ?
Cũng do hiểu lầm Phật là Thần Linh nên nhiều người không bao giờ dám nghĩ rằng tất cả mọi người đều có thể tu hành, thành Phật được. Hoặc cho rằng nếu muốn tu hành, thành Chánh Quả thì phải Ly Gia, Cắt Ái. Người Cư Sĩ vẫn còn vướng mắc vợ chồng con cái, phải kinh doanh, làm ăn để lo cho gia đình, thì dù vẫn giữ Giới, cũng Ngồi Thiền, cũng làm Lục Độ đầy đủ như các Tu Sĩ, nhưng cũng chỉ xem được như những người có nhiệm vụ thân cận, hộ pháp cho Các Sư để được học hỏi mà thôi. Việc cho rằng Cư Sĩ cũng có thể Chứng đắc là điều vẫn còn xa lạ đối với rất nhiều người, vì họ mặc định là muốn tu hành thì phải “bỏ đời”, phải “ly gia”, không được tham gia vào những sinh hoạt, mua bán, làm ăn của người đời, vì cho rằng thế gian là ô trược, là phàm tục. Chỉ ở trong Chùa mới là “Thoát tục”, “ly phàm” mới có thể Tu hành thành công được.
Muốn biết có việc phân biệt Quả Vị giữa Tu Sĩ Xuất Gia và Cư Sĩ tại gia không ? thì chúng ta nên tìm hiểu lý do vì sao con người cần phải tu hành.
Theo Đức Thích Ca : “Hữu Thân, Hữu Khổ”. Nhưng con người không chỉ sống một kiếp này, chỉ một lần có cái Thân rồi kết thúc, vì trong thời gian tồn tại của kiếp sống hiện tại, mỗi người vừa Trả Nghiệp quá khứ, đồng thời lại tạo thêm Nghiệp mới làm Nhân cho tương lai. Chính vì vậy mà khi kiếp sống này kết thúc mỗi người lại phải tiếp tục nhận một cái Thân mới để Trả Nghiệp vừa vay. Do đó mà vòng quay Luân Hồi cứ thế tiếp tục. Tu hành theo Đạo Phật chính là để chấm dứt vòng quay SINH TỬ LUÂN HỒI.
Muốn chấm dứt Sinh Tử Luân Hồi thì phải hiểu lý do có nó cũng như cách thức để kết thúc nó.
Đạo Phật cho rằng : Sở dĩ có LUÂN HỒI là vì con người đã tạo Nghiệp. Lý do tạo Nghiệp là để cung phụng ba món : ĂN, MẶC, Ở, cho cái Thân. Vì thế, muốn kết thúc vòng Luân Hồi thì trước hết là phải hạn chế, để không vì phục vụ cho cái Thân mà tạo Nghiêp nữa. Do đó mà ban đầu những Tu Sĩ của Đạo Phật phải theo Hạnh ĐẦU ĐÀ gồm 13 Hạnh. Trong đó có Hạnh không ăn mặc đẹp, mà lượm vải liệm thây ma hay vải thừa mọi người quăng đi, rồi ghép thành Y để mặc, và mỗi người chỉ được quyền có 3 Y thôi, mục đích là để hạn chế sự ham muốn mặc đẹp để chưng diện cho Cái THÂN. Khất Thực là để xin được gì ăn đó, nhằm hạn chế sự thèm ăn của cái Khẩu. Ngụ ở cội cây, nhà hoang, hay nghĩa địa, mục đích không vì cái ở mà phải làm những việc xấu để tạo nhà cửa đồ sộ, nguy nga, tốt đẹp. Tóm lại, Hạnh Đầu Đà chỉ nhằm mục đích là để cho hành giả hạn chế những sự tham trước đối với ba món Ăn, Mặc, Ở của cái Thân để khỏi tạo Nghiệp Xấu.
Nhưng tới thời này, Đạo Phật đã khai mở gần 3.000 năm rồi, thứ nào cần thiết phải được duy trì thì không thể bỏ. Nhưng thứ nào rườm rà, không cần thiết thì nên giản lược, để việc tu Phật được phổ cập cho tất cả mọi người, để tất cả đạt được kết quả như tôn chỉ Đạo Phật đề ra.
Mục đích của Đạo Phật là để ĐỘ KHỔ, tức là để hướng dẫn cho người theo cách thức hành trì để được THOÁT KHỔ, và cái Thoát Khổ phải được phổ cập cho đại chúng, không phân biệt trình độ, già, trẻ, giới tính, nghề nghiệp, nơi ở, độc thân hay có gia đình. Tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh đều có thể tu hành được. Như thế mới đúng như mong mỏi của Đức Thích Ca, vì ai ? hoàn cảnh nào ? ở đâu ? mà không phải KHỔ ?
Nhưng tu theo Đạo Phật thì mỗi người phải Tự Độ cho mình. Vì thế, dù Xuất Gia hay Tại Gia, nếu muốn Thoát Khổ thì cũng đều phải tự tu hành. Mỗi người tự tu chỉ đế bản thân được nhờ : “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc”. Không ai có thể tu giùm cho người khác. Vì thế, việc thọ sự Cung Dưỡng của người khác để nhàn thân thì đó là món nợ Nhân Quả, không trả kiếp này cũng kiếp khác, người ý thức sẽ không dám lạm dụng.
Về việc có cần hình tướng, có nhất thiết phải Xuất Gia, vô Chùa mới tu được hay không ? thì Kinh đã dạy : “Giải Thoát hay ràng buộc đều ở nơi Cái Tâm”, không liên quan đến hình tướng. Chỉ cần nắm được cốt tủy của việc tu hành, đó là : Biết nguyên nhân làm ra cảnh KHỔ và cách thức để tháo gỡ rồi hành theo đó. Việc tu hành chỉ cần nhắm vào CÁI TÂM mà hành trì. Hình tướng không liên quan. Trái lại, nếu vướng vào hình tướng, quá khác biệt với người đời thì cũng là một trở ngại khi phải sinh hoạt, tiếp xúc với mọi người, làm ăn, kinh doanh để lo cho cuộc sống. Do vậy từ lâu trong Kinh cũng đã nêu ra trường hợp những Cư Sĩ vẫn sống tại gia, vẫn có gia đình, vợ con, làm mọi ngành nghề trong xã hội mà cũng vẫn có thể tu hành, đạt kết quả không khác với Tu Sĩ Xuất Gia.
Muốn GIẢI THOÁT thì quan trọng là phải biết Giải Thoát khỏi cái gì ? Điều gì đã ràng buộc ? Cách thức để tháo gỡ.
Kinh Lăng Nghiêm viết : “Giải Thoát hay rằng buộc cũng chỉ do Lục Căn”, mà Lục Căn chỉ là tai sai, chịu sự điều khiển của bộ chỉ huy mà Đức Thích Ca đặt tên cho là CÁI TÂM.
Nói về sự quan trọng của Tâm. Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết :
“Trong ba cõi lấy TÂM làm chủ. Người quán được Tâm được giải thoát cứu cánh. Người không quán được Tâm ở mãi trong triền phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh. Tâm pháp sinh ra thiện ác, năm thú (Trời, Người, Địa ngục, quỷ, súc sinh) bậc hữu học, bậc vô học, bậc Độc Giác, bậc Bồ Tát cùng Như lai trong thế gian và xuất thế gian” .
Muốn tu hành thì Tổ Đạt Ma dạy :
Hỏi : Nếu có người dốc lòng cầu đạo thì nên tu theo pháp nào mới là cực kỳ tỉnh yếu ?
Đáp : CHỈ MỘT PHÁP QUÁN TÂM THÂU NHIẾP CÁC PHÁP MỚI THỰC LÀ CỰC KỲ TỈNH YẾU.
Hỏi : Sao một pháp nhiếp trọn các pháp được ?
Đáp : Tâm là gốc muôn pháp. Tất cả các pháp duy một Tâm sanh. Nếu hiểu được Tâm ắt muôn pháp sẳn đủ trong đó, cũng ví như tất cả đều do một gốc sanh ra cành, nhánh, trái bông, nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra. Nếu chặt gốc ắt cây chết.
Nếu hiểu Tâm tu đạo ắt được tĩnh lực, nên dễ thành. Nêu không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công mà vô ích.
Muốn Tu Phật thì phải TU TÂM, VÌ :
“Tâm tức là Phật
Phật tức là Tâm
Ngoài Tâm không Phật
Ngoài Phật không Tâm”
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng dạy : “Nếu không Thấy Tâm thì học Pháp vô ích”.
Nhưng thời xưa ngôn ngữ chưa phong phú, nên trong Kinh LĂNG NGHIÊM Phật phải giải thích đến 7 lần thì Ngài A Nan mới hiểu ra. Tổ Đạt Ma cũng cho là :
“Tâm Tâm Tâm
Khó nổi tầm
Tung ra trùm thế giới
Thu lại chẳng đầy mũi kim”.
Vậy cái Tâm mà người nào muốn tu hành thành công đều phải TÌM, phải THẤY, phải ĐIỀU PHỤC nó là gì ?
Thời xưa ngôn ngữ khó thể tả được phần Vô Tướng,. Nhưng đến thời này, qua bao nhiêu đời Tổ khai sáng thì chúng ta đều hiểu : Đó là phần Vô Tướng nhưng là chủ nhân, điều khiển tất cả mọi hành vi của con người. Đó là nơi sản sinh ra những ý tưởng của con người. Con người làm tốt hay xấu , thiện hay ác cũng đều do nó điều khiển. Lục Căn chỉ là tai sai của nó mà thôi. Do vậy, khi tu hành thì Đạo Phật dạy : Phải ĐIỀU TÂM, KHÔNG ĐIỀU THÂN. Tức là nhắm vào chủ tướng mà khống chế thì mới thành công. Chủ của Cái THÂN là cái TÂM. Chính nó chỉ huy cho cái Thân hành động. Vì thế phải tu sửa hay chính đốn ở đó, không phải là hành hạ hay tu sửa Cái Thân.
Tổ Đạt Ma dạy :
“Mới biết tất cả việc lành, dữ đều do tự Tâm. Cầu gì khác ngoài Tâm rốt không đâu có được”.
“Tâm là nguồn của mọi pháp lành
Tâm là chủ của muôn công đức
Niết Bàn thường vui cũng do Tâm mà ra
Ba cõi lăn lóc cũng theo Tâm mà dậy
Tâm là cửa, là ngõ của Đạo Xuất Thế
Tâm là Bến, là Ải của Đạo Giải Thoát” .
Để đưa đến kết luận là :
Bao giờ học Tâm thôi.
Viên thành tướng chân thật
Chợt rõ bỏ ý tu” .
Vì :
Cửa ngõ đã biết, há lo khó vào ?
Bến, ải đã rỏ, há ngại chẳng thông ?
Do vậy, trên con đường tu hành, người tu không cần phải cạo tóc, mặc Y, ăn chay, tụng Kinh, Niệm Phật, mà chủ yếu là phải tìm cho được TÌM CHO ĐƯỢC CÁI TÂM để giáo hóa nó, cho nó cải Ác, hành Thiện. Công năng sửa đổi đó mới gọi là tu hành.
Khi biết rằng Tu Phật là TU TÂM thì hình tướng, ăn mặc, có gia đình hay độc thân ? Làm bất cứ ngành nghề gì ? Ở đâu ? đâu còn cần đặt ra nữa. vì ai mà không CÓ TÂM ? Chỉ cần SỬA CÁI TÂM, gọi là TU TÂM thì là người đang tu. Người đang tu sửa chẳng phải là Tu Sĩ sao ? TẠI SAO NHẤT ĐỊNH PHẢI CẦN CÓ BỘ Y VÀ CÁI ĐẦU CẠO SẠCH TÓC ? Hình tướng, suy cho cùng cũng chỉ để người ngoài nhìn vào đánh giá, biết đó là Tu Sĩ , mà ta tu cho ta thì cần gì người khác đánh giá là ta có phải là Tu Sĩ hay không ? Đó là điều mà người muốn tu hành ngày nay cần xem lại, vì từ xa xưa cũng đã có những trường hợp chưa Xuất Gia tu hành mà vẫn chứng đắc. Đó là :
1/- Lục Tổ Huệ Năng trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH, mới vô Chùa có 8 tháng, chưa được thế phát, chưa được lên nhà trước nghe giảng, phải ở nhà sau chẻ củi, giả gạo, không có thì giờ để Ngồi Thiền, mà vẫn Thấy Tánh, vẫn được Truyền Y Bát. Chẳng phải lúc đó Ngài vẫn là Cư Sĩ, vì chưa chính thức Xuất Gia hay sao ?
2/- Trường hợp khác là Cư Sĩ DUY MA CẬT trong Kinh DUY MA CẬT. Cư Sĩ DUY MA CẬT thì vẫn có vợ con, thê thiếp, vẫn kinh doanh làm ăn lớn, giao du với mọi người, nhưng kiến thức về Phật Pháp làm những Đại Đệ Tử Phật cũng phải kiêng dè, vì Ngài diễn tả Phật Pháp một cách rõ ràng, chứng tỏ không phải vì thiếu hình tướng mà không thể tu hành, đắc Pháp được.
3/- Người tu bắt buộc phải giữ một số GIỚI. Nhưng nếu đã có Trí Huệ, thì có thể chủ động làm điều cần thiết khi cần, thì ngay cả Phạm Giới cũng không bị khiển trách, lại được xem là có lợi ích. Đó là trường hợp của Mạt Lợi Phu Nhân trong VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN.
Trích Kinh. Vua Ba Tư Nặc kể : “Có một lần Vua đi săn mà quên đem theo người đầu bếp. Mải săn đuổi con mồi nên đi vào núi sâu, bị đói nên muốn ăn mà không có cơm ăn. Vua kêu người sải ngựa về cung bảo dọn cơm thì người đầu bếp nói rằng chưa có cơm vì còn đang nấu. Thế là Vua tức giận truyền lệnh đem người đầu bếp ra chém.
Lúc đó Hoàng Hậu Mạt Lợi nghe Vua ra lệnh giết người đầu bếp thì biết rằng do vua quá đói, nên ra lệnh cho tỳ nữ sắm đủ rượu quý, thịt ngon, tắm gội hương hoa, trang sức thân thể rồi cùng các kỹ nữ đến chỗ vua.
Vua thấy Hoàng hậu diện đẹp lại mang theo kỹ nữ với rượu quý, thịt ngon đến, nên cùng phu nhân ăn uống đàn hát kỷ nhạc hoan hỷ, cơn giận tiêu tan. Hoàng Hậu biết vua không còn giận nữa nên sai cận thần truyền lệnh vua bảo các quan không giết trù giám nữa.
Hôm sau, vua tỉnh lại thì lo buồn, ăn năn, dung nhan tiều tụy. Hoàng Hậu hỏi vì sao vua buồn, thì Ngài bảo là lo buồn hối hận vì hôm qua trong lúc đói, bực tức nên đã ra lệnh chém người trù giám rồi nên giờ hối tiếc, ăn năn. Lúc đó Hoàng Hậu mới nói rằng người trù giám kia vẫn còn sống, xin vua chớ buồn. Vua không tin, sai người kêu anh ta đến. Khi thấy trù giám vẫn còn sống nên vua rất vui mừng”.
Vua bạch Phật. “Mạt Lợi Phu Nhân đã thọ Ngũ Giới. Bát Quan Trai, nhưng trong một ngày đã phạm Giới uống rượu, giới Vọng Ngữ, hai Giới trong Bát Quan Trai thì phạm hết Sáu Giới. Như thế thì tội nặng nhẹ thế nào ?
Phật đáp : Phạm Giới như thế được nhiều công đức, không có tội.
Vì sao ? Vì có sự lợi ích”.
Trong Kinh cũng có câu chuyện phạm Giới Tửu mà được lợi ích :
Vua kể lại: “Lúc còn làm Thái Tử, có quan Đại Thần ỷ thế khinh dễ, trêu ghẹo làm cho Thái tử bực tức đến bỏ ăn uống, sầu muộn. Thái Hậu thấy thế sai người tìm rượu ngon cho Thái Tử giải sầu. Ban đầu Thái Tử sợ Phạm Giới nên không dám uống, Thái Hậu thúc ép nên miễn cưởng uống. Khi uống vô vài chén lại thêm cung nữ đàn hát kỹ nhạc thì bao nhiêu phiền muộn đều tiêu tan hết.
Thấy hiệu quả của việc uống rượu, Thái tử bèn sai trung thần sắm rượu ngon, làm đủ mâm cổ mời hết những hào tộc, quân thần, dân chúng đều đến nhóm. Vua mời mọi người cùng uống ruợu nghe nhạc nên ai nấy đều vui vẻ. Sẵn dịp, vua can gián mọi người đừng đánh nhau nữa. Lúc đó tâm trạng mọi người đều vui vẻ nên xin tuân mạng. Nhân đó được hòa bình”.
Vì nhân cùng nhau uống rượu mà hòa giải những hiềm khích, là việc làm có lợi cho mọi người. Do đó mà được phước. Không phải Kinh khuyến khích phá Giới, rượu chè say sưa vô độ.
4/- Mọi người vẫn quen hình ảnh Tu sĩ mặc Y Cà Sa, phải Cạo Tóc, đắp Y, mà không biết là tất cả những hình ảnh này không phải dừng ở hình tướng, mà mang một nội dung mà người tu tập cần thực hiện trong đời sống tu hành :
- ĐẦU TRÒN không phải là cạo cho sạch tóc, mà ý nghĩa của CẠO SẠCH PHIỀN NÃO.
- ÁO VUÔNG không phải là giữ bộ Y cho ngay ngắn, thẳng nếp, mà giữ THÂN, TÂM không cong vẹo, không a dua chạy theo tà pháp, tà niệm.
- Y HOẠI SẮC tượng trưng cho sự trùm phủ lên Thân, Tâm sự miễn nhiễm với SẮC TƯỚNG.
- TỨ OAI NGHI tượng trưng cho trong tất cả vận động : Đi, Đứng, Ngồi, Nằm đều phải ngay chính.
Như vậy, nếu người tu mang đầy đủ hình tướng nhưng không thể hiện được những gì mà hình tướng đại diện thì đâu có lợi ích gì cho công việc tu hành? Ngược lại, người thực hiện những pháp đó nơi Tâm thì mới thực sự là người đang tu sửa thì cần những hình tướng bên ngoài ? Theo tôi, sở dĩ Tu Sĩ cho đến ngày nay vẫn khăng khăng giữ hình tướng vì 2 lý do :
1/- Do không biết TU PHẬT LÀ TU TÂM, nên cứ “xưa bày nay làm”, không dám thay đổi.
2/- Để được nhàn thân lại được nhiều người trọng vọng và bá tánh nhìn thấy mình là người tu hành thì mới cung dưỡng. Vì bá tánh được dạy : “Người tu là ruộng phước. Cúng dường cho người tu thì phước báo vô lượng”.
Nhưng cũng vì thấy được những lợi ích của Tu sĩ, của Chùa chiền, cho nên đến thời này có quá nhiều Tu Sĩ đã lợi dụng việc cung dưỡng rồi ngày càng làm tới. Họ lợi dụng danh nghĩa tôn vinh Phật rồi kêu gọi mọi người hùn tiền để cất thêm nhiều Chùa mang danh là để hướng dẫn tâm linh cho bá tánh nhưng thực chất là để thu gom tiền Cúng dường. Họ công khai kêu gọi Cúng dường bằng văn thơ : “Ăn cũng hết, mặc cùng mòn. Cúng dường Tam Bảo phước còn mai sau”. Họ phán rằng nhiều người sở dĩ nghèo là vì kiếp trước thiếu bố thí, cúng dường. Có người còn công khai nhạo báng, cười cợt những người nghèo : “cúng dường có nải chuối mà hồi hướng cho tất cả chúng sinh” ! Họ hiến kế với nhau nên chúc mừng sinh nhật của thí chủ để thí chủ sẽ chuyển tiền lại để đáp lễ ! Họ chê những người cúng lễ bằng tiền lẻ, cho rằng “đếm nhiều tiền lẻ sẽ đưa đến ung thư móng tay” ! Thậm chí T.T. Thích Nhật Từ còn ra giá : “Nếu cúng 20 ngàn thì được Phật phù hộ 1 ngày. Cúng càng nhiều thì Phật phù hộ càng lâu, tương ưng với số tiền được cúng” ! Chúng tỏ Sư Nhật Từ xem Phật không khác nào tai sai phải phù hộ cho bá tánh theo lệnh của Sư !
Dường như khá nhiều Tu Sĩ thời nay quên mất lý do tu hành là để trách cái Thân, cho rằng nó là nguyên do của Sinh Tử Luân Hồi, nên dù không hành hạ nó bằng Khổ Hạnh, nhưng cũng không quá chiều chuộng nó, mà bắt nó phải vào khuôn phép :
“Ăn ít, biết đủ.
Như chim bay không.
Dấu không thể tìm”.
Để rồi sẵn tiền “Chùa” của bá tánh cung phụng nên họ tiêu xài phung phí. Mấy vị Sư ở Hàn Quốc vô khách sạn đánh bạc, một đêm đã thua 18 tỷ Won ! Thái Lan thì Sư có máy bay riêng và hàng loạt xe sang ! Sư nữ lái xe đắt tiền ! Trụ trì Chùa Vạn Phật thì Sư rửa tiền đang bị truy nã ! Một Chùa ở Đài Loan thì Sư đi khất thực bằng xe Lexus. Có cả phòng tắm Sauna để thư giãn. Bồ Đoàn may bẳng gấm đắt tiền !
Các Sư Việt Nam cũng đâu chịu thua. Họ xem Chùa như tài sản riêng, gom góp tiền của bá tánh để trang hoàng nội thất toàn vật phẩm quý giá. Có sư ngoài cất Chùa lộng lẫy còn tạo hẳn một vườn kiểng toàn cây bonsai đắt tiền ! Có Sư thì chơi đồ cổ. Sư thì sắm cái ghế ngồi không khác ngai vàng ! Sư thì đeo đồng hồ Rolex. Sư thì đi xe sang. Sư thì mặc Y may bằng gấm thêu trị giá đến nửa tỷ ! Vậy khác nào lợi dụng hình ảnh Phật, Chùa chiền, sắc áo tu sĩ để hưởng dụng của Thường Trụ ?
Việt Nam đã có hơn 18.000 ngôi Chùa còn chưa đủ. Họ gởi cả Sư ra nước ngoài để mở thêm Chùa ! Đại gia đánh hơi cũng nhào vô bỏ tiền để cất Chùa, chiếm cả vùng đất bao la vì thấy nguồn lợi quá lớn mà không phải vất vả tính toán làm ăn lại không bị Thanh Tra, không bị đánh thuế !
Cái hiểu sai về ĐẠO PHẬT và cách thức Tu Phật được truyền từ mấy ngàn năm qua đã làm hại biết bao nhiêu lớp người muốn Phát Tâm tu hành. Họ cứ dạy là muốn tu hành thì phải Xuất Gia, không được dính líu tới thể gian, vì “thế gian là ô trược. Cuộc đời là phiền não, cần phải xa lánh. Phải vô Chùa thì mới có thể tu hành chứng đắc, báo đền ơn cho cha mẹ” mà không biết rằng “thế gian” mà Phật dạy người tu phải bỏ, là những phàm tính trong tâm của mỗi người chúng ta được Phật gọi là Chúng Sinh. Đó là những Tham, Sân, Si, thương, ghét, đố kỵ, sân hận, thù hằn, tỵ hiềm, hơn thua…mà người tu cần phải “Độ” cho hết, gọi là ĐỘ SINH”. Không phải là bỏ đời, vì mọi người vẫn sống trong đời và dùng toàn những sản phẩm của đời . Hơn nữa, người tu hành sau khi hoàn tất việc tu sửa bản thân thì phải đền TỨ ÂN, phải Hành để có những Tướng Tốt, những Vẻ Đẹp của Phật, mà những đối tượng để Hành chính là Cha mẹ, thầy, bạn, là mọi người trong xã hội, mà ta bỏ mặc cha mẹ già yếu không phụng dưỡng, không đóng góp công sức trong việc phát triển đất nước thì đền Ân phụ mẫu, Ân đất nước, xã hội thế nào ? Phật đâu phải là Thần Linh để ta cầu xin phù hộ cho họ để trả Ân ?
Chính những người chưa Thấy Tánh, Chứng Đắc, tức là chưa có cái hiểu đúng về Đạo Phật mà mở ra rao giảng Đạo Phật, cứ Y NGỮ mà giảng rộng ra, đã phạm rất nhiều sai lầm. Từ những việc phải làm trong VÔ TƯỚNG, họ chuyển hết thành HỮU TƯỚNG :
1/- Thay vì XÂY CHÙA, là dọn cái Đất TÂM cho thanh tịnh, ngay ngắn, thì họ lại quyên góp, vận động rồi cất lên những Chùa Hữu Tướng bề thế, làm tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc, công sức của bá tánh, mà tiền đó lẽ ra nên dùng để giúp đỡ cho người nghèo hay phát triển đất nước !
2/-Thay vì Tạc Tượng Phật bằng cách mỗi người quay vô Tâm mình, bắt chước theo những Hạnh mà Phật đã hành, rồi hành theo, gọi là Tạc Tượng Phật nơi đó, thì họ quay ra, dùng thạch cao, xi măng, vàng, bạc, đồng, gỗ để Tạc thành Tượng Phật Hữu Tướng ngày càng to vừa để tôn thờ, vừa để cạnh tranh với trong nước và cả Đông Nam Á, để chứng tỏ dân nước mình ngưỡng mộ Đạo Phật hơn !
3/- Lẽ ra mọi người, mọi giới, ở bất cứ đâu, độc thân hay có gia đình đều có thể tu hành được, thì họ thần thánh hóa Đức Phật. Quan trọng hóa Tu Sĩ để kêu gọi những người trẻ, có học thức, có những kiến thức chuyên môn rất cần để xây dựng xã hội lại bỏ hết việc đời vô Chùa tu, để rồi từ đó cho đến hết kiếp ngày tháng chỉ tụng Kinh, Niệm Phật, học pháp, chờ ngày về Niết Bàn !
Cuộc sống của mỗi người kéo dài cả trăm năm. Trong thời gian đó, nếu có vợ, chồng, để cùng nhau chia xẻ vui, buồn, chia xẻ gánh nặng mưu sinh. Cùng sinh con đẻ cái rồi nuôi dưỡng, giáo dục chúng, nhìn chúng trưởng thành, chẳng phải là hạnh phúc của kiếp người hay sao ? Vậy mà nghe lời những người chưa thông hiểu Đạo để Xuất Gia, vô Chùa để rồi sống bên lề cuộc đời, giao gánh nặng áo cơm cho thí thủ mà kết quả thì tu hành thì chẳng đến đâu, khác nào bị giam lỏng, rồi giết lần mòn cuộc đời một cách oan uổng !
Những lối hiểu biết về Đạo, về đường tu hành sai lầm đã không chỉ làm hại những người tin theo, làm cho họ uổng phí cả kiếp sống, mà còn gián tiếp làm suy yếu tiềm năng của đất nước. Thay vì thanh niên đang sức trẻ, có học, được đào tạo chuyên môn có thể giúp đời lại vì ngưỡng mộ Phật mà kéo nhau Xuất Gia, bỏ đời để đi tu. Không những họ không thể báo đền Ân phụ mẫu, bỏ mặc cha mẹ trong lúc tuổi già, sức yếu, không phụng dưỡng, mà còn trở thành gánh nặng cho thí chủ vốn đã khó khăn vì gồng gánh vợ con. Hơn nữa là không đóng góp, tiếp tay xây dựng cuộc đời để trả ơn cho cuộc đời như mong mỏi của Đức Thích Ca khi khai mở Đạo Phật !
Vì vậy, theo tôi, những người cổ súy TU HỮU TƯỚNG chính là “những con trùng trong thịt Sư tử, ăn thịt sư tử”, vì trong sắc áo Đệ Tử của Phật, họ truyền bá những điều sai lạc về Đạo Phật và việc tu Phật. Họ hoàn toàn không hiểu TU chỉ có nghĩa là SỬA. TU PHẬT LÀ SỬA, là giáo hóa cho NHỮNG TƯ TƯỞNG NHIỄM NHỮNG TÍNH CHẤT XẤU, ÁC TRONG TÂM ĐỂ ĐƯỢC THANH TỊNH, ĐƯỢC GIẢI THOÁT gọi là THÀNH PHẬT. Không phải là để trở thành Phật như một vị Thần Linh hay một Thánh nhân vĩ đại nào ! Việc chuyển hóa những tư tưởng bất thiện, cho nó Cải Ác, hành Thiện gọi là CỨU ĐỘ CHÚNG SINH. Không phải là đi giảng Pháp để cứu độ cho bá tánh. Chính bản thân người giảng pháp chưa hiểu Đạo mà còn hướng dẫn người khác, thì mang tội Vọng Ngữ, Vọng Hành. Chỉ có những người không biết Nhân Quả mới dám xem thường.
Thật ra, nếu tu theo đúng Chánh Pháp, thì như Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA dạy : “Cõi nước, chỗ nào nếu có người Thọ, trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời TU HÀNH. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc ở núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.
Vì sao ? Phải biết chỗ đó chính là Đạo Tràng, Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các Đức Phật ở đây mà chuyển pháp luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn, (Phẩm Như Lai Thần Lực), đâu có đòi hỏi phải ở Chùa, phải Xuất Gia, phải độc thân, phải bỏ nơi đang cư ngụ, việc đang làm ?
Mọi người có thể làm bất cứ ngành nghề gì miễn không phạm Giới, trong đó lo tu sửa Cái TÂM của mình, hơn nữa, khi làm việc để mưu sinh còn gián tiếp còn giúp cho xã hội phát triển. Đó mới là tu hành theo đúng Chánh Pháp.
Mục đích của Đạo Phật là dùng nhiều phương tiện để đào tạo, giáo hóa, sửa đổi nhận thức của con người, để con người CẢI ÁC, HÀNH THIỆN rồi vẫn tiếp tục sống giữa cuộc đời đầy phiền não mà không còn bị phiền não làm hại. Được như Hoa Sen, sống trong bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm. Đó là lý do mà Đạo Phật dùng Hoa Sen làm biểu tượng. Bỏ đời để đi tu là sai lầm vì không cần thiết. Lục Tổ Huệ Năng dạy :
“Phật Pháp tại thế gian.
Bất ly thế gian giác.
Ly thế mịch Bồ Đề
Cáp như cầm thố giá”c.
Có nghĩa là Giải thoát phải tìm tại thể gian. Không rời thế gian mà giác ngộ. Rời thế gian để tìm Giải Thoát như tìm sừng thỏ. Trong thế gian mới có pháp tốt, pháp xấu, hành giả mới có cơ hội tu tập. Có đối pháp mới biết mình có Thoát nó hay không để tiến tu cho đến Giải Thoát rốt ráo. Vô Chùa là để né pháp, tránh pháp đâu có phải là Thoát Pháp ?
Phật đã nhập diệt lâu rồi, đâu có cần Chùa to, đâu cần đúc tạc nhiều tượng trưng bày trong Chùa rồi ngày đêm nhang khói, đèn đóm sáng choang để nội tiền điện thắp sáng mỗi tháng cho một Chùa đã lên đến cả 1, 2 trăm triệu đủ nuôi sống biết bao nhiêu gia đình, giúp bao nhiêu hoàn cảnh còn đang khó khăn ? Chưa kể là chư Tăng còn ngủ phòng máy lạnh, chia phiên nhau đi du lịch nước ngoài ! Trong số đó có được bao nhiêu vị tinh thông Giáo Pháp, có thể thuyết pháp, hay chỉ là núp bóng Chùa chiền để nhàn thân ?
Trang web Phật giáo chính thức Phatgiao.org.vn cũng ghi rõ : “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh, Thượng đế, mà cũng là một con người bằng xương, bằng thịt như tất cả mọi chúng ta. Ngài cũng được sinh ra từ bụng mẹ, lớn lên Ngài có vợ, có con như tất cả mọi người. Ngài cũng phải tu hành để thành Phật cứu độ cho chúng sinh”.
Việc đắc đạo của Đức Thích Ca chỉ là Thấy được cách thức để Thoát Khổ, không phải là để trở thành Thần Linh có quyền phép để cứu độ cho mọi người. Phật Tử là Con của Phật thì phải Thành Phật. Như vậy mới không phụ công Đức Thích Ca đã bỏ cả đời ra để giảng dạy.
Đạo Phật dạy Tự Độ, Nhân Quả. Vậy mà cho đến thời này, hầu hết Chùa chiền vẫn còn xui bá tánh nhang khói cúng Phật để Cầu An, Cầu Siêu, Cầu xin Phật phù hộ, Cầu gia đạo bình an, chồng con thăng quan, tiến chức, Cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu đủ thứ, trong khi Phật hoàn toàn không có quyền năng để cứu độ cho ai ! Nhiều Chùa còn bán Sớ, đốt vàng mã. T.T. Nhật Từ xui Phật tử cúng dường và hứa rằng Phật sẽ phù hộ cho ! T.T. Nhất Từ cổ vũ chống Tổ Đại Thừa, cho là “đưa bá tánh vào mê lộ, ra ngoài Chánh Pháp”, trong khi ông làm phép trên bút cho sĩ tử đi thi, mà không thấy là mình đang hành tà đạo, đang truyền bá mê tín ! Sư Thích Trúc Thái Minh thì lấy cọng cỏ Pili cho rằng đó là tóc của Phật cho Phật Tử chiêm ngưỡng ! Sư Thích Chân Quang thì mua bằng, cả nước đều biết . Ông cho rằng tiền Phật Tử cúng dường là ông giữ giùm cho Phật ! Rõ ràng các vị đã lên tới Chức Trụ Trì mà không hề biết là đang phạm Giới Vọng Ngữ ! Là những chức sắc lớn trong Đạo, lẽ ra các vị có trách nhiệm Hoằng dương Chánh Pháp, thì lại chồng mê cho bá tánh, vì lợi nhuận bất chấp Nhân Quả !
Do đó, theo tôi, đến thời này, mọi người đều hiểu rằng TU PHẬT là TU TÂM, hình tướng chỉ để người ngoài đánh giá, thì người thật tâm tu tốt nhất là nên TU VÔ TƯỚNG. Tự độ, tự kiếm sống để tu hành để khỏi mắc nợ thí chủ. Tôi nghĩ rằng, ngoài những thành phần lợi dụng Đạo mà vô Chùa cho nhàn thân, rồi sống lâu lên lão làng, thì có không ít người vì ngưỡng mộ Phật mà thật tâm muốn tu hành. Khi đã sẵn sàng bỏ đời để đi tu thì đâu có sợ khó, một bữa cơm lẽ nào bất tài đến không kiếm nổi cái ăn cho mình mà phải mượn sắc áo nhà Phật để nhờ bá tánh lo cho mới chịu tu ? Chẳng qua là họ bị người đi trước tuyên truyền sai về việc tu hành. Cho là người tu thì phải Khất Thực, phải sống nhờ vào bá tánh cung dưỡng, không được làm ăn dính líu tới thế gian. Họ không biết ý nghĩa của KHẤT THỰC mà Phật dạy, là KHẤT PHÁP THỰC, tức là học hỏi nơi những vị Thiện Tri Thức, nơi Kinh sách để có sự hiểu biết, gọi là Trí Huệ mà tu sửa, không phải là đi xin cơm ăn. Đạo Phật nói rằng “Tam thế Phật y Bác Nhã Ba la Mật Đa , đắc Tam miệu tam Bồ Đề tức là “Ba đời Chư Phật y theo Trí Huệ mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, đâu có nói Ba đời Chư Phật nhờ xin ăn mà chứng đắc ? Nếu đi ăn xin mà Chứng đắc thì hành khất thành Phật cả rồi !
Thời nay Kinh sách không thiếu. Ngoài sách in bán đầy trong thư viện của các Chùa thì Kinh còn được tải lên Internet, mọi người đều có thể truy cập dễ dàng bất cứ nơi nào, giờ nào, thì người Phật tử không nên để cho người khác đọc Kinh rồi giảng theo ý họ, mà nên tự tìm hiểu để khỏi mang cả sự nghiệp tu hành của mình đặt vào tay những người khác, mặc họ dắt đi mà không biết đi đâu, về đâu ? Họ dắt vào Nhị Thừa, Quyền Thừa, ngoại đạo, mê tín cũng không hay. Như vậy lỗi đâu phải hoàn toàn do họ ? Cẩn thận, không khéo phí đi một kiếp sống mà Phật gọi là “Nhân thân nan đắc” . Kiếp sau biết có duyên may gặp Đạo Phật để tu hành hay không còn chưa biết, nhưng một điều chắc chắn là Nhân Quả không mất. Ăn của bá tánh chén cơm thì kiếp nào đó cũng phải trả, không vì không biết mà được miễn trừ. Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN và QUY SƠN CẢNH SÁCH đã cảnh báo, đừng vì thiếu sáng suốt mà lãnh nghiệp oan uổng vì không thể đổ thừa người khác vậy. -/.