Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


SỰ CẦN THIẾT CỦA “CÁI BIẾT”
TRÊN HÀNH TRÌNH TU PHẬT

  


M ọi người đều biết, muốn làm một việc gì đó cho tới nơi tới chốn đều cần đến CÁI BIẾT. CÁI BIẾT về lãnh vực nào càng thông thạo, tinh tế chừng nào thì người có Cái Biết đó đạt thứ hạng cao chừng đó.

Con người không phải mới sinh ra đã có CÁI BIẾT mà phải tập. Đứa bé mới sinh ra phải tập bú, tập nuốt, tập ăn từ cháo rồi mới tới cơm. Từ từ nó tập lật, trường, bò, đứng, đi rồi mới chạy nhảy. Cả một quá trình nó phải cố gắng từng bước với sự canh chừng, hướng dẫn của người lớn thì dần dà nó mới tự lo mọi việc được. Lớn lên một chút thì được dạy cho cách sống mà ông bà ta hay nói là “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Mọi thứ đều phải học để Biết, để thông thạo thì mới có thể trưởng thành, hòa nhập với cuộc sống.

Trường đời thì người đi trước đã phân ra rành mạch từng ngành. Muốn chọn ngành nào, môn nào thì đều có trường chuyên môn để đào tạo. Nhưng với Đạo Phật thì từ khi Y Bát bị dấu đi không còn truyền nữa thì người muốn tu Phật không biết phải tìm ai để hướng dẫn. Chùa thì nhiều vô số. Cái nào cũng bề thế, rộng bao la. Rất nhiều Cao Tăng, tu hành lâu năm, thuyết pháp thao thao, tín đồ đông đen. Kinh thì “Thiên Kinh, vạn quyển”. Kinh nào cũng viết rằng : “Đây là Kinh cao nhất”.

Thế nhưng, nếu có đọc Chính Kinh, người tu sẽ thấy Kinh dạy việc tìm người để hướng dẫn rất cần thiết, vì từng giai đoạn tu hành tương ưng với những Quả Vị. Quả Vị lại tùy thuộc vào người hướng dẫn, vì “Chúng sinh bất định chủng tánh” . Kết quả tới đâu là do người hướng dẫn.

Kinh VIÊN GIÁC viết : “Có loại chúng sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ thì chúng thành Tiểu Thừa; còn gặp Thiện Tri thức là Bồ Tát hóa độ thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chứng thành Phật Thừa”. Nhưng người sơ cơ, mới phát tâm tu hành làm sao phân biệt ai là Thinh Văn, ai là Bồ Tát, ai dạy tu Đạo Vô Thượng Bồ Đề ?

Muốn cầu Thiện Tri Thức thì Kinh VIÊN GIÁC viết : Này Thiện Nam ! Chúng sanh đời sau muốn phát tâm tu Đại Thừa thì phải cầu Thiện Tri Thức, tức là những người hiểu biết chơn chánh. Những vị ấy tâm chẳng trụ ở nơi tướng phàm phu và cũng không dính mắc ở nơi cảnh của Thanh Văn, Duyên Giác, tuy hiện ở nơi cảnh trần lao mà tâm vẫn thường thanh tịnh. Có khi các vị ấy thị hiện đồng ăn đồng ở với người tội lỗi mà thường khen ngợi các hạnh thanh tịnh, không để cho chúng sanh làm việc tội lỗi”. Điều này thì lại càng khó phân biệt hơn. Con mắt của người phàm mới tìm đường để tu học làm sao phân biệt được vị đó trong phàm mà thoát phàm ? Nếu người đã có thể phân biệt được ai là thánh nhân thị hiện trong phàm tục thì hẳn trình độ cũng không tầm thường, cần gì phải tìm người hướng dẫn nữa ?

1.- Việc tu hành nên ở đâu mới có thể đạt kết quả tốt nhất ? Thượng Tọa Thích Nhật Từ khẳng định : “Chỉ có những Tu sĩ ở trong Chùa, thanh tịnh thì tu hành mới chứng đắc. Cư Sĩ thì chỉ đắc chân nhân thôi”. Đó chỉ là kết luận của cá nhân Thượng Tọa, không biết dựa vào đâu. Trong khi đó, Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : “ Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành. Hoặc là ở chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao ? Phải biết chỗ đó chính là Đạo Tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn” (Phẩm Như Lai Thần Lực).

Chỗ được gọi là Đạo Tràng, được Kinh nhấn mạnh là : “Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn chính là “ THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG GIẢI NÓI BIÊN CHÉP ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH” . Nhưng nhiều đời rồi, đa phần các Tu Sĩ chỉ làm nửa câu là : “Thọ, trì, đọc tụng” Kinh. ít ai chịu “giải nói biên chép, ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH”. Do đó, họ cũng quên rằng : TU chỉ có nghĩa là SỬA. TU PHẬT là SỬA ĐỂ CHO GIỐNG PHẬT hay để THÀNH PHẬT. “PHẬT là VÔ TƯỚNG, DO VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC MÀ THÀNH” . “ Giải Thoát hay ràng buộc chỉ ở nơi Tâm”. Không liên quan đến hình tướng. Do đó, “TU PHẬT là TU TÂM”. Vì vậy, nơi ở, tuổi tác, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, độc thân hay có gia đình, đầy đủ hình tướng hay không, đâu có ảnh hưởng tới kết quả ?

2.- Phải tu hành thế nào để Chứng Đắc ? thì nhờ đặt câu hỏi cho bản thân, rồi lục lạo trong nhiều Bộ Chính Kinh, tôi đã gặp câu trả lời trong Kinh “NHỮNG NGÀY VÀ NHỮNG LỜI DẠY CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT” của dịch giả Thích Minh Châu. Kinh viết : “Trước khi nhập diệt khoảng 3 tháng. Đức Thích Ca đã cho Đệ tử thông báo với tất cả mọi người rằng Phật sắp nhập diệt, ai còn có thắc mắc gì thì đến hỏi, Như Lai sẽ giải đáp.

Lúc đó du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda được nghe : “Tối nay, canh cuối cùng, Sa Môn Gotama sẽ diệt độ”. Ông ta tự nghĩ : Ta nghe các du sĩ ngoại đạo niên cao, lạp lớn, sư truởng và đệ tử nói rằng : “ Đức Như lai, Chánh Biến Tri xuất hiện ra đời thật là hy hữu”. Vào đêm nay, vào canh cuối cùng, Sa Môn Gotama sẽ diệt độ, nay ta có nghi vấn này khởi lên trong tâm. Ta tin Sa Môn Gotama có thể thuyết pháp và giải được nghi vấn cho ta.

Ông ta đến chổ Đại Đức Ananda và thưa rằng muốn gặp Sa Môn Gotama. Nhưng cả hai lần đều bị Ananda gạt ra, cho là đừng có phiền nhiễu Đức Thế Tôn vì Ngài đang mệt. Đến lần thứ ba thì Đức Thế Tôn nghe được. Ngài kêu Ananda cho phép du sĩ vào gặp.

Du sĩ Subhadda bạch Phật :

“Tôn giả Gotama. Có những vị Sa Môn, Bà La Môn, những vị hội Chủ, Giáo Trưởng, Sư Trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, được quần chúng tôn sùng như các Ngài Purana, Kassapa, v.v…Tất cả các vị này có phải là đã giác ngộ như các vị đã tự cho là như vậy, hay tất cả chưa giác ngộ, hay một số đã giác ngộ, một số chưa” ?

Phật đáp : “Này Subhadda. Trong pháp luật nào không có Bát Chánh Đạo thì trong đó không có Đệ Nhứt Sa Môn, không có Đệ Nhị Sa Môn, không có Đệ Tam Sa Môn, Không có Đệ Tứ Sa Môn. Trong pháp luật nào có BÁT CHÁNH ĐẠO thời ở đó có Đệ Nhứt Sa Môn, Đệ Nhị Sa Môn, Đệ Tam Sa Môn, Đệ Tứ Sa Môn. Này Subhadda. Chính trong pháp luật này có BÁT CHÁNH ĐẠO thời ở đây có Đệ Nhứt Sa Môn, Đệ Nhị Sa Môn, Đệ Tam Sa Môn, Đệ Tứ Sa Môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có. Này Subhadda, nếu những vị Tỳ Kheo này sống chơn chánh thời đời này không vắng những vị A La Hán”.

Qua lời Phật, chúng ta nắm được căn bản hành trì để có được thành quả là TỨ QUẢ THÁNH, cũng như đánh giá người nào đó có phải là bậc tu hành chân chính hay không ? Đó là BÁT CHÁNH ĐẠO, vì có SỐNG CHƠN CHÁNH thì mới có thể đắc các Quả Vị được.

BÁT CHÁNH ĐẠO thì nhiều nơi có giải thích rồi. Ta có thể tóm lại : Đó là TÁM CON ĐƯỜNG CHÂN CHÍNH mà người đi trên đó sẽ có được THÂN, KHẨU và Ý thanh tịnh, và không tạo Nghiệp, không phiền não, được hạnh phúc, an vui trong cuộc sống. Đó là mục đích của Đạo Phật.

CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG thuộc về THÂN.

CHÁNH NGỮ thuộc về KHẨU

CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH KIẾN, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH, thuộc về Ý

CHÁNH TINH TẤN cho cả ba THÂN, KHẨU và Ý

Tức là người muốn tu hành thì phải chọn nghề nghiệp chân chánh để làm phương tiện sinh sống. Nuôi thân mạng bằng nghề nghiệp chân chánh. Trong Đạo Phật có Giới SÁT SINH, do đó ta không thể chọn những nghề liên quan tới nuôi, giết động vật hay cho vay nặng lãi, hoặc những nghề nghiệp nào có tính cách làm tổn hại cho người hay vật.

Về CHÁNH MẠNG, CHÁNH NGHIỆP thì có nhiều người đã hiểu lầm là CHÁNH NGHIỆP là chọn đời sống tu hành. CHÁNH MẠNG là Ly gia, Cắt ái, bỏ đời, vì đời là ô trược, là thế tục, phàm tục. Vì vậy, cho đến thời này, nhiều người vẫn còn nghĩ rằng : Người tu đã cống hiến cuộc đời cho Phật và cần thanh tịnh không được bon chen vào cuộc đời ô trược, mà phải sống bằng tiền Cúng Dường của bá tánh gọi là “Tịnh tài” để tu hành. Cho rằng như thế là làm theo lời Phật dạy !

Đó là vì họ không tìm hiểu cho kỹ để thấy rằng việc Tu Sĩ sống nhờ người khác Cúng Dường, không phải kiếm tiền để chi phí cho mọi sinh hoạt, chỉ đúng vào thời Phật mới lập Tăng Đoàn mà thôi. Lý do là vì lúc đó Tăng Đoàn còn non trẻ, chưa tiếp thu hết những lời Phật dạy. Giáo Pháp của Phật cũng chưa được chép lại thành văn bản. Họ lại là lực lượng nồng cốt, tương lai phổ biến Giáo Pháp của Phật, sợ họ xao lãng, nên Phật buộc họ phải bỏ hết việc đời. Không được có gia đình. Không được làm ăn để sinh sống để có thể tập trung toàn bộ thì giờ nghe Phật thuyết Pháp, rồi ghi nhận để tương lai phổ biến. Vì thế, Phật đã yêu cầu những Cư Sĩ, là những người cũng muốn theo Phật để tu hành, nhưng còn nặng gánh gia đình, chưa thể Xuất Gia, hàng ngày mỗi người nấu ăn cho gia đình thế nào thì sớt ra một bát để cho một Đệ Tử Phật đến nhà nhận để dùng. Không cần biết chay hay mặn, và chỉ nhận 1 bữa giữa ngọ mà thôi. Ngay cả muối cũng không được để lại cho hôm sau.

Nhưng sau khi Phật nhập diệt khoảng hơn 3 tháng, Ngài Ca Diếp đã yêu cầu các Đệ Tử Phật cùng nhau Kết Tập những lời Phật dạy. Lúc đó có 499 vị A La Hán, Ngài A Nan chưa chứng đắc nên chưa được tham dự. Sau đó thì Ngài chứng đắc và lãnh nhiệm vụ xác nhận khi các vị kia trình bày những gì đã được nghe Phật dạy. Vì trong các Đệ Tử Phật thì Ngài A Nan có trí nhớ rất tốt, nổi tiếng là “Nghe Pháp của Phật giảng rồi kể lại như nước trong bình rót ra. Không thiếu một giọt”.

Phật đã thuyết giảng suốt 49 năm. Vì thế cuộc Kết Tập có nhiều bài Pháp, nên các Đại Đệ Tử phải chia nhau học thuộc lòng để truyền lại cho nhau và về sau truyền lại cho người khác gọi là Khẩu Truyền.

Nhưng bắt đầu từ 200 năm sau khi Phật nhập diệt thì những lời Phật dạy đã được ghi lại thành văn bản, người tu học có thể nương theo đó. Dần dà về sau các Tổ ĐẠI THỪA còn viết thêm nhiều Bộ Kinh gọi là CHÍNH KINH. Trong đó giải thích, hướng dẫn đầy đủ những gì cần HIỂU, cần HÀNH cho người tu nương theo đó mà hành trì. Chùa nào cũng in ra để phổ biến tràn lan. Trên mạng cũng không thiếu. Muốn đọc Kinh nào ? Bộ nào ? Kể cả những bài giảng của các Cao Tăng, chỉ cần nhắp chuột là tha hồ tham khảo. Vậy thì người tu sĩ cả ngày bận bịu gì , hay chê đời ô trược cỡ nào mà không thể làm ăn để tự nuôi sống, phải ngồi chờ thí chủ Cúng Dường mới tu hành được ? Trong khi đó, tất cả những sản phẩm để phục vụ cuộc sống cho họ, từ hột gạo, ngọn rau, chén thuốc, kế cả chiếc Y, đôi dép họ mang…đều do những người phàm sống trong cuộc đời ô trược đó làm ra. Chê đời ô trược mà lại dùng toàn sản phẩm của đời, quả là nghịch lý !

Cũng vì thấy người tu không phải vất vả để kiếm sống lại được ăn trên, ngồi trước, nên nhiều kẻ bất tài, vô tướng, thấy ở ngoài đời khó kiếm sống cũng bắt chước Xuất Gia. Họ đâu có vì mộ đạo mà tu hành. Vì thế , họ sống buông lung. Pháp thì không học. Đạo cũng chẳng tu, cứ đòi hỏi bá tánh cúng dường, làm cho bá tánh nhìn vào đánh giá các Tu Sĩ ! Người tu không tu giùm hay cứu độ cho bá tánh được. Như thế, việc sống bản thân để tu hành bằng việc thọ nhận sự CÚNG DƯỜNG của bá tánh liệu có phải là SỐNG CHƠN CHÁNH không ? Mã Tổ Bách Trượng cai quản cả một Thiền Viện mà “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, một ngày không làm thì một ngày không ăn. Chúng ta đạo cao, đức trọng cỡ nào mà thản nhiên ngồi chờ thí chủ Cung Dưỡng ? Do đó, theo tôi, chúng ta đã muốn tu hành sao còn ngại khó, sao không tự túc kiếm sống mà tu hành để không vi phạm luật Nhân Quả miễn là không phạm Giới ? Trái lại, việc chờ người khác Cung Dưỡng viện lẽ tu hành đã tạo điều kiện cho một số người lười nhác tham gia, tạo thành gánh nặng cho những thí chủ vốn đã nặng gánh vợ con với vật giá ngày càng leo thang. Hơn nữa, việc Thọ Thí của người khác là món nợ Nhân Quả mà người nhận không trả kiếp này cũng kiếp khác. Không thể vì tu hành mà được miễn trừ. Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN và QUY SƠN CẢNH SÁCH có nói về cái Quả của người tu lợi dụng thí chủ. Người tu nên tham khảo để thấy sự vay trả của Lý Nhân Quả mà sợ, đừng đợi đến lúc trả Quả thì e đã muộn !

Về CHÁNH NGỮ thì ai cũng biết đó là lời nói phải chân chánh. Không chuyện có nói không, không nói có để có lợi cho mình. Không cần phải lừa dối để gạt tiền bạc của người khác. Kể cả không Chứng đắc mà nói rằng mình Chứng đắc, mục đích là để cầu Danh, cầu lợi, cầu được nhiều người ái mộ.

Có CHÁNH TƯ DUY thì mới có CHÁNH KIẾN, tức là sự Thấy Biết Chân Chánh. CHÁNH ĐỊNH, CHÁNH NIỆM là tư tưởng lúc nào cũng ngay ngắn, chân chánh. Người tu dùng CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH để Tư Duy, tìm hiểu về những điều mình chưa rõ trong Giáo pháp để sinh Trí Huệ, tức CHÁNH TRÍ.

Cả Ba : THÂN, KHẨU, Ý lúc nào cũng phải TINH TẤN trong việc tu sửa.

Theo Phật giải thích cho Subhadda thì chỉ cần có BÁT CHÁNH ĐẠO là người tu sẽ đạt được TỨ QUẢ THÁNH. Đó là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và Quả cao nhất là A La Hán.

Về Quả vị A La Hán ta có thể hiểu như sau : Người đắc Quả A La Hán do THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG, nhờ đó mà không còn vướng mắc với các pháp, được Giải Thoát.

Nhưng cái Giải Thoát do thấy CÁC PHÁP LÀ KHÔNG, theo Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA là do hành giả chưa quán sát thấu đáo. Do đó không đúng với thực tế, và cũng chưa thể Giải Thoát rốt ráo. Bởi lẽ dù rằng cuối cùng thì “SẮC bất dị KHÔNG, KHÔNG bất dị SẮC, tức là NHỮNG GÌ CÓ TƯỚNG cuối cùng cũng trở về KHÔNG, do đó SẮC cũng không khác với KHÔNG. Nhưng mọi người không thể chối bỏ là HIỆN TẠI NÓ ĐANG HIỆN DIỆN, tức là ĐANG CÓ. Nhưng vì chỉ là tạm thời, nên gọi là TẠM CÓ. Vì thế, tu hành theo Đạo Phật là để giải quyết cái TẠM CÓ thế nào để không vướng mắc, không phải khổ vì nó. Không phải là cứ cho nó là KHÔNG, rồi không nghĩ đến nó, không tiếp xúc với nó hay tránh va chạm với nó rồi cho là đã THOÁT nó.

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA phân tích cái Chứng Đắc của A La Hán và Bồ Tát như sau :

Người đắc Quả Vị A La Hán do Quán Sát THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG. Vì cho rằng KHÔNG CÓ PHÁP. Cho nên họ cũng Không thấy có Phật để học hỏi. Không thấy Có Chúng Sinh để độ. Vì thế, không thể thành tựu Quả Phật.

Hàng Bồ Tát thấy Các Pháp ĐANG TẠM CÓ. Trong cảnh Tạm Có này, con người bị nó hành hạ nên phải đau Khổ. Do vậy, việc tu Phật là để hóa giải các Pháp để nó không còn hành hạ con người được nữa, dù vẫn tiếp tục sống giữa cảnh Khổ, gọi là THOÁT KHỔ.

Bồ Tát là những người THẤY CÁC PHÁP ĐANG TẠM CÓ. THẤY CÓ CHÚNG SINH ĐANG QUẰN QUẠI TRONG ĐAU KHỔ nên Phát Tâm muốn cứu độ, rồi học hỏi cách thức để hóa giải cái KHỔ cho chúng. Người tìm hiểu NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ, CÁCH THỨC ĐỂ HÓA GIẢI, rồi làm CÔNG VIỆC GIẢI KHỔ CHO CHÚNG SINH gọi là Hành HẠNH BỒ TÁT.

Nhưng CHÚNG SINH mà Bồ Tát cần cứu độ không phải là bá tánh bên ngoài, mà là những tư tưởng thiên hướng xấu luôn khởi lên trong Tâm của mình. Bồ Tát trong Tâm của mình phải giáo hóa, điều phục cho nó bỏ đi những ý tưởng xấu để được thanh tịnh. Đó là lý do người tu phải học hỏi, phải QUÁN SÁT, TƯ DUY các Pháp Phật dã dạy cho đến nơi, đến chốn. Lục Tổ Huệ Năng dạy : “TẤT CẢ SỰ LÝ PHẢI HIỂU ĐẾN TẬN CHỖ CHƠN”. Do đó, người tu Phật cần phải dùng THIỀN ĐỊNH, tức là dành những thời gian yên lặng, không bị quấy rầy để Tư Duy. Mục đích của Tư Duy là để sinh TRÍ HUỆ hay gọi là Khai mở CÁI BIẾT.

ĐẠO PHẬT đối với người sơ cơ là cả một phạm trù hoàn toàn xa lạ, buộc người muốn tu hành theo phải tìm hiểu cho kỹ trước khi bước vào hành trì, vì không phải Tu Sĩ nào tu lâu năm, hay pháp Sư nào giảng pháp cũng đắc đạo, cũng có thể đưa người tin theo đạt kết quả. Chỉ có người đã Thấy Tánh, đã Chứng Đắc mới có thể dắt người đến nơi đến chốn như họ mà thôi. Vì thế, người tu học ngoài tìm cho được một vị Chân Thiện Tri Thức còn phải tìm để hiểu cho đúng về mục đích của Đạo Phật, bởi do thương con người chịu bao nhiêu nỗi Khổ vùi dập nên Đức Thích Ca đã bày ra rất nhiều phương tiện. Do vậy mà nhiều đời qua, bá tánh đã bị nhiều người đi trước hiểu sai nên hướng dẫn sai lầm. Thay vì PHẬT là Giải Thoát. Học Phật là học hỏi, làm theo những gì Phật đã hành trì để bản thân mình cũng được Giải Thoát thì lại xem Phật như là Thần Linh để Cầu Xin được hộ trì. Lúc sinh thời thì cầu gia đạo bình an, làm ăn thuận lợi, thăng quan, tiến chức, phát tài, phát lộc. Khi qua đời thì CẦU SIÊU để Phật rước về Tây Phương Cực Lạc. Do hiểu sai về Phật nên khi phát tâm tu hành thì cũng nghĩ là đi phụng sự cho Phật, kêu gọi thêm nhiều người quy y theo Phật.

Những cái hiểu như thế là hoàn toàn sai đối với Đạo Phật chân chính, vì ĐẠO là CON ĐƯỜNG. PHẬT, là NGHĨA CỦA GIẢI THOÁT. Đức Thích Ca mở Đạo Phật là để chỉ cho chúng ta cách thức hành trì để THOÁT KHỔ, vì thế Đạo Phật còn có tên là ĐẠO ĐỘ KHỔ. Nhưng không phải Thoát Khổ bằng cách cầu xin Phật cứu cho, mà mỗi người phải tự học hỏi cách thức rồi tự tu sửa để được Giải Thoát gọi là TỰ ĐỘ. Việc đắc Đạo cũng không đem lại cho Phật quyền năng để Độ cho người khác. Vì thế, người theo Đạo Phật phải Tự Tu, Tự Độ cho mình. Không nương tựa, cầu xin để “Được Độ”, vì Phật không có quyền năng để làm việc đó.

Không cứ phải vô Chùa mới Tu hành để Thoát Khổ được, mà bất cứ ai, nếu thấy đời là bể Khổ, muốn Thoát Khổ thì đều có thể thực hành theo hướng dẫn của Đạo Phật để tự Giải Khổ.

Nhưng bao thời qua, nhiều người bản thân chưa Chứng Đắc, chưa hiểu rõ mục đích của ĐẠO PHẬT , mới nghe loáng thoáng đã vội mở ra giảng dạy, làm hại biết bao nhiêu thế hệ. Điển hình là THIỀN TÔNG. Những người bên TÔNG THIỀN cũng hiểu rằng tu theo Đạo Phật thì phải Chứng Đắc. Nhưng cho rằng NGỒI THIỀN là phương pháp tu ĐỐN NGỘ, vì thấy rằng Đức Thích Ca Đắc Đạo chỉ do 49 ngày đển THIỀN ĐỊNH. Thế là họ không cần trình tự. Không cần biết đến GIỚI, ĐỊNH HUỆ, VĂN TƯ TU. Thiền sinh vừa nhập môn đã giao cho Khai Công Án. Cho rằng chỉ cần giải được Công Án là Chứng Đắc !

Thế rồi Thiền Sinh bỏ ăn, bỏ ngủ, khai cho được CÔNG ÁN, thí dụ như chữ VÔ. Khi thấy được gì đó thì hô hoán lên là Chứng Đắc ! Họ quên rằng trong khi Đạo Phật có rất nhiều Pháp : Nào là CÓ, KHÔNG, KHÔNG PHẢI CÓ, KHÔNG PHẢI KHÔNG mà CŨNG CÓ, CŨNG KHÔNG. Rồi nào là Niết Bàn, Phật Quốc, Chúng sinh, Bồ Tát, Phật, Lục Độ, Lục Đạo, Độ Sinh, Vạn Hạnh, Tứ Nhiếp Pháp, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tam Quy, Ngũ Giới, Văn Tư Tu, Giới Định Huệ… Mới hiểu được chữ VÔ, Thấy các Pháp là KHÔNG, đã thấy mình Chứng Đắc. Nếu chỉ cần chữ VÔ là Chứng Đắc thì Phật còn thuyết những chữ kia để làm gì ?

THIỀN ĐỊNH cũng thế. Dù Kinh VIÊN GIÁC có Kệ :

BIỆN ÂM ! Ông nên biết.

Các Trí Huệ thanh tịnh

Của tất cả Bồ tát

Đều do THIỀN ĐỊNH sanh

THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ QUÁN

VÀ CHỈ QUÁN SONG TU

….

Mười Phương các Như lai

Và hành giả ba đời

Đều y pháp môn này

Mà thành Đạo Bồ Đề”

Nhưng bao thời qua, biết bao nhiêu lớp người đã NGỒI THIỀN mà được mấy người thành Như Lai ? Bởi nhiều môn phái ngoại đạo cũng dùng phương pháp NGỒI THIỀN. Bô môn Yoga cũng Ngồi Thiền, nhưng mục đích là để điều khiển các Luân Xa. Bên Ông Tám Lương Sĩ Hằng cũng dạy NGỒI THIỀN để Xuất Hồn. KHÍ CÔNG cũng NGỒI THIỀN, nhưng mục đích là điều chỉnh hơi thở để trị bệnh. Bên Thiên Chúa Giáo muốn tĩnh tâm cũng Ngồi Thiền…Ta có phân biệt thế nào là NGỒI THIỀN của Đạo Phật để sinh Trí Huệ, NGỒI THIỀN thế nào là của ngoại đạo chưa ? Nếu chưa, thì ta sẽ NGỒI như thế nào ? Kết quả về đâu ?

Nội môn BỐ THÍ thôi, bên Đạo Phật cũng có NỘI TÀI THÍ và NGOẠI TÀI THÍ. Ngoại tài thí là mang tiền bạc, của cải đi tặng cho người khác để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. NỘI TÀI THÍ là XẢ nhưng thứ nơi Tâm mình đang dính mắc, nào là Tham sân Si, thương ghét, kiêu mạn, hận thù, ganh tỵ, đố kỵ.. để được Giải Thoát. Bố Thí như thế gọi là Bố Thí Tam Luân Không : Không có người cho, của cho, người nhận, vì người cho, người nhận, của Bố Thí cũng chỉ ở nơi mình. Tự Thí Xả như thế để được kết quả là Cái Tâm được nhẹ nhàng, thanh tịnh. Thí Xả như thế đó mới là công năng tu tập. Còn Bố Thí cho người ngoài chỉ là tích phúc đức, là gây Nhân Thiện sẽ nhận được Quả lành mà thôi.

PHÓNG SINH cũng thế. Không phải là bỏ tiền ra mua một số chim, cá để thả đi, mà là XẢ những Chúng Sinh Tham Sân Si, kiêu mạn, đố kỵ, ganh tỵ, thù hằn…mà ta đã giam giữ chúng từ đời nọ qua kiếp khác đến nỗi trong Kinh Phật ví như là người giữ Báu Vật. Chính vì vậy mà khi XẢ những thứ đó gọi là “Bố Thí Châu Báu cho Phật”. Nàng Long Nữ nhờ HIẾN VIÊN CHÂU CÓ GIÁ TRỊ LIÊN THÀNH CHO PHẬT. PHẬT NHẬN NÀNG LIỀN THÀNH PHẬT. Đó là nàng ta XẢ ba món THAM SÂN SI, cho CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT, chẳng phải là Phật ham châu báu nên khi được cúng Viên Châu liền cho nàng thành Phật như nhiều người vẫn hiểu lầm rồi cho là rõ ràng Kinh viết Phật còn Tham, đem Quả Vị đổi lấy châu báu ! Tây Phương Cực Lạc được trang hoàng bằng BẢY MÓN BÁU, đó là : BA NGHIỆP của THÂN, là Tham, Sân, Si, và BỐN NGHIỆP của KHẨU là Nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói để khen mình, chê người. Nhưng hàng Nhị Thừa, điển hình là TỊNH ĐỘ TÔNG vẫn tin là có một Tây Phương Cực Lạc ở tít cõi trời nào đâu đó với đầy dẫy Bảy Báu, xui tín đồ niệm danh hiệu Phật A Da Đà ngày đêm để được về ! XẢ BẢY NGHIỆP này cũng là nghĩa của người tu khi đắc đạo thì có thể cứu độ cho BẢY ĐỜI QUYẾN THUỘC, nhưng nhiều người đã hiểu lầm là dòng họ bên nội, bên ngoại trong 7 đời !

Nhiều nguời không biết mục đích của việc tu hành. Không biết mọi thủ phạm gây tội, tạo Nghiệp không phải do cái THÂN, mà do Cái Tâm Mê điều khiển, nên đã đô lỗi cho cái Thân. Vi thế họ bắt cái Thân hành KHỔ HẠNH. Cho là càng hành hạ cái Thân chừng nào thì càng mau chứng đắc chừng đó. Đó là một sự sai lầm lớn, vì Cái Tâm trong khi còn Mê Lầm thì nó xui cái Thân gây tai họa, nhưng khi vào tu thì Cái Thân chính là ân nhân của người tu. Nhờ có nó mà người tu mới Hành được những thiện pháp, mới Tinh Tấn trên bước hành trì. Tư duy, Quán Soi, nghe pháp, đọc KInh, thực hiện được các Hạnh, thậm chí đềnTứ Ân hay 32 TƯỚNG TỐT cũng nhờ nó. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN VIÊT : “Này các Ngài ! Nếu thọ Khổ Hạnh liền đắc đạo đó, thời tất cả loài súc sinh lẽ ra đều đắc đạo. Do đây nên truớc tiên phải điều phục Tâm mình mà chẳng điều phục Thân. Vì thế, trong Kinh ta nói : Chặt đốn rừng chớ chặt đốn cây, vì do nơi rừng sanh kinh sợ, chẳng phải do cây. Muốn điều phục Thân nên phải trước điều phục Tâm. Tâm dụ như rừng. Thân dụ như cây. (Phẩm Kiều Trần Như).

Ngay cả việc Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y, Khất Thực cũng mang một sự nhắc nhở để hành giả thực hiện bên trong. Nếu chỉ Cạo tóc mà Không cạo sạch phiền não, Đắp Y , mà Thân Tâm không bao phủ một màu thanh tịnh, không nhiễm Sắc trần. Chỉ mang Bình Bát đi Khất Vật Thực mà không Khất Pháp Thực thì làm sao gọi là tiến tu ?

TU PHẬT chủ yếu là SỬA CÁI TÂM ĐANG BỊ RÀNG BUỘC ĐỂ ĐƯỢC GIẢI THOÁT hay gọi là TU TÂM. CẤT CHÙA có nghĩa là làm cho cái Đất Tâm được thanh tịnh. TẠC TƯỢNG là bắt chước theo những Hạnh mà Phật đã làm để chạm KHẮC lên cái Tâm của ta, thì ta lại dùng gạch ngói để xây Chùa, dùng thạch cao, đồng, bạc, vàng, gỗ để chạm khắc thành tượng Phật vô tri thì có ý nghĩa gì đối với việc TU TÂM ? Tu Phật là để Sửa cách nghĩ, cách Hành sao cho để sống giữa cảnh Khổ mà Thoát Khổ, thì chúng ta lại mặc vào BỘ Y Ca sa, Cạo đầu, rồi xa lánh thế nhân. Thay vì bỏ Tham, Sân Si thì ta chỉ bỏ đời, rồi né Pháp, xa lánh người đời thì đâu có đúng với tôn chỉ của Đạo Phật là “sống giữa thế gian, nhưng Thoát Thế gian. Thoát Phiền Não ngay chính trong phiền não” , là ý nghĩa của HOA SEN, sống trong bùn mà không nhiễm mùi bùn mà Đạo Phật dùng làm biểu tượng ? Bởi chặn cuối của con đường tu hành là người tu phải góp tay xây dựng cuộc đời để Đền Tứ Ân, và Hành để có 32 Tướng Tốt của Phật, mà ta xa lánh người đời thì việc tu hành mang ý nghĩa gì ? Cho nên, cần phải có CHÁNH TƯ DUY để có CHÁNH KIẾN, tức là CÁI BIẾT hay TRÍ HUỆ. Nếu không có Trí Huệ để chiếu phá Vô Minh, thì hành động trong Vô Minh càng TINH TẤN chừng nào càng xa rời Chánh Pháp chừng đó.

Nêu một số cách hành trì sai lầm khiến người tu dù hành trì miên mật thế nào cũng không thể đi đến đích để chúng ta thấy rằng CÁI BIẾT rất quan trọng trong việc tu hành. Tu Phật là một hành trình đòi hỏi không chỉ hiểu biết mà còn thực hành. Do đó, cần HIỂU ĐÚNG, HÀNH ĐÚNG ĐỂ CHO RA KẾT QUẢ ĐÚNG. Chúng ta cần hiểu rằng từ PHẬT không phải nói về Đức Thích Ca và Chư Phật đã thành, mà nói về TÁNH GIẢI THOÁT nơi Tâm của mỗi chúng ta. Mỗi người đều có, cần phải khơi gợi ra. Chính cái TÁNH này sẽ cứu độ cho những tư tưởng còn thiên hướng xấu, gọi là Chúng Sinh, cũng ở trong Tâm của mỗi chúng ta mà mỗi người phải tự Cứu độ. Không phải là ở bên ngoài. Do vậy, nếu ta không kiểm chứng nơi Kinh sách, không Tư Duy để mở CÁI BIẾT hay Trí Huệ thì sẽ không thể thành tựu công việc Giải Khổ cho bản thân như mục đích của Đức Thích Ca khi lập Đạo. Chính vì thiếu CÁI BIẾT, lại quá mến mộ Phật nên nhiều người đã trở thành những người tôn sùng, ca tụng Phật. Huy động tiền của bá tánh, cất cho nhiều Chùa, dựng cho nhiều tượng ngày càng to để tôn vinh Phật, thay vì tu hành để Thành Phật, để trở thành những người phỉ báng Phật mà không hay. Phật Ngôn có câu : “ Kẻ nào ca tụng ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy. kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta” chúng ta cần suy nghĩ để xem bản thân mình có bị rơi vào lời cảnh báo này hay không vậy. -/.

Tháng 12/2024



VVM.18.12.2024.