H ai từ này từ lâu đã bị ghép chung đến độ nhiều người không thấy có gì khác biệt nữa. Vì thế, nhiều đời qua, Phật tử đã thờ, đã thắp hương, đã cúng lạy Tượng mà cứ nghĩ rằng mình đang thành tâm lễ Phật! Họ quỳ trước tượng van vái, cầu xin điều nọ điều kia, hy vọng rằng Phật sẽ linh ứng để ban cho họ những điều mong mỏi. Chùa nào tượng càng nhiều, càng lớn thì càng thu hút tín đồ. Mọi người đã xem Chùa như Đất Phật, Tượng là Phật, nên làm tượng, đúc tượng, tạc tượng trở thành một nghề nuôi sống biết bao nhiêu gia đình. Chùa không có Tượng Phật thì không thể gọi là Chùa, nên từ lâu, Chùa trở thành nơi Thờ Tượng, các vị sư trở thành là những người trông coi, thờ tự, nhang khói cho Tượng. Có gì khác biệt giữa Tượng và Phật? Tượng có phải là Phật không?
Theo tôi, không phải là những vị tu hành không biết Tượng không phải là Phật, một vị HT. rất có uy tín đã giải thích rằng “Tượng là để Phật Tử nhìn thấy mà phát tâm tu hành”. Nhưng có phát tâm hay không thì không biết, mà thực tế thì Tượng là để Phật Tử đốt hương, vái lạy và cầu xin, trước tượng bao giờ cũng là một hay những bát hương thật to, người muốn cầu xin thường đốt vài nén cắm vào đó, nên bao giờ cũng nghi ngút khói hương. Hình như mọi người không ai quan tâm đến lời nhắc nhở trong Kinh Kim Cang:
“Ai nương sắc để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Kẻ đó hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai”
Mục đích của việc tu Phật không phải là để phụng sự cho Phật, mà là để Thành Phật, thành Như Lai, tức là được Giải Thoát khỏi phiền não, tiếp xúc với các pháp mà vẫn không động tâm theo nó gọi là Như Lai. Như Lai không phải là Phật Tổ Như Lai có thần thông quảng đại, quyền năng vô biên cứu khổ ban vui cho mọi người. Không động tâm không phải là để Vô Tâm, Vô Cảm trước mọi khổ, vui của cuộc đời, mà không chạy theo cái Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si khi đối pháp. Mọi người đều có thể Thành Phật như Đức Thích Ca, chính vì vậy mà Ngài đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. “Thành Phật” chỉ là “thành tựu công việc Giải Thoát khỏi phiền não” cho bản thân của người thành tựu mà thôi, không phải là thành Thần Linh để ban ân, giáng phúc cho ai. Nhưng nhiều đời qua, do không hiểu được điều này mà biết bao nhiêu thế hệ không dám phát tâm tu hành để Thành Phật, sợ rằng Tăng Thượng Mạn, chỉ mong được làm đệ tử của Phật, phụng sự Phật mà thôi.
Không biết từ khi nào, Chùa, Tượng Phật đã được hình thành, nhưng chắc chắn không phải là thời Đức Thích Ca tại thế, bởi vì thuở đó Ngài và các Đệ Tử chỉ ngụ trong rừng hay những cội cây, không có cất chùa, và trong Giáo Pháp của Đạo Phật cũng không có bài giảng nào dạy lạy Phật, lễ Phật. Vậy mà cho đến nay thì Phật trở thành nơi nương tựa của bá tánh. Họ xưng tán, lạy Phật, lễ Phật, sám hối với Phật khi lỡ làm điều gì sai lầm. Cầu xin độ trì khi sống cũng như lúc qua đời đã trở thành những nghi lễ không thể thiếu cho các Phật Tử.
Đọc trong các bộ Chính Kinh chỉ thấy chỉ tập trung giải thích về những lý do vì sao cần tu hành, cách thức tu hành, về Giới, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo. Dạy cách thức Quán, Soi, Tư Duy, Thiền Định. Quan trọng hơn hết là nói về cái Tâm, vì Phật là kết quả Giải Thoát cái tâm ra khỏi phiền não. Kinh là những lời giải thích về cái Tâm và cách thức để cải tạo nó cũng như những gì diễn ra trước và sau khi chuyển hóa nó. Tất cả những gì được mô tả như Niết Bàn, Địa Ngục, Chúng Sinh, Thánh chúng, Chư Bồ Tát, Phật đều là phương tiện của Đức Thích Ca cũng chỉ để nói về cái Tâm, không phải để tả cảnh giới của Phật nào bên ngoài. Vì thế, Tổ Đạt Ma dạy: “Ngàn Kinh muôn luận cốt mở sáng cái Tâm”.
Không phải bỏ nhà vô Chùa, mặc pháp phục, trai giới, hình tướng theo đúng hình ảnh Phật ngày xưa, giữ đúng Tứ oai nghi mà gọi là tu hành. Người muốn tu Phật phải biết “Tu Phật chính là Tu Tâm”. Cái Tâm mới chính là cái cần Tu, cần Sửa, không phải là Sửa Tướng, vì “Giải thoát hay ràng buộc đều do Tâm” (Kinh Lăng Nghiêm). Do vậy, người tu Phật mà không biết đến cái Tâm thì không thể nào tu hành cho thành công. Xin trích dẫn một số:
- “Ông từ hồi nào đến giờ, nhiều kiếp Sanh Tử Luân Hồi cũng vì Tâm và Mắt. Nếu ông không biết nó ở chỗ nào thì không bao giờ hàng phục được phiền não trần lao” (Kinh Lăng Nghiêm).
- “Ông nay muốn đặng Đạo Vô Thượng Bồ Đề thì điều cần thứ nhất là phải hiểu rõ hai món căn bản:
1. Căn bản của Sanh Tử là Vọng Tâm.
2. Căn bản của Bồ Đề Niết Bàn là Chân Tâm”
(Lăng Nghiêm).
- “Trong ba cõi lấy Tâm làm chủ. Người quán được Tâm được giải thoát cứu cánh. Người không quán được Tâm ở mãi trong triền phược”
(Tâm Địa Quán).
- “Nếu không thấy Tâm thì học Pháp vô ích”
(Pháp Bảo Đàn Kinh).
- “Chúng sinh cầu Thấy Tánh.
Kính Phật chớ phụ Tâm” .
- “Tâm là nguồn của mọi pháp lành.
Tâm là chủ của muôn công đức.
Niết Bàn thường vui cũng do Tâm mà ra.
Ba cõi lăn lóc cũng theo Tâm mà dậy”.
- “Tâm là cửa, là ngõ của đạo xuất thế.
Tâm là bến, là ải của đạo Giải Thoát”.
- “Ta vốn cầu Tâm chẳng cầu Phật.
Rõ ra Ba Cõi không một vật.
Ví muốn cầu Phật thà cầu Tâm.
Chỉ Tâm, Tâm, Tâm ấy tức Phật” .
(Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất của Bồ Đề Đạt Ma).
Phật Tử thì có thể viện lẽ rằng mình chỉ là một Phật Tử bình thường, đâu cần biết Tâm là gì? Tu hành như thế nào? Chỉ biết thờ Phật, ăn chay ngày Rằm, mồng Một, thỉnh thoảng đi chùa, cúng kiến để cầu bình an cho gia đạo, như vậy là đủ rồi, cần gì tìm hiểu, thắc mắc gì thêm? Điều đó đúng với những người chấp nhận và tin theo những gì được nghe nhiều người truyền lại, không cần biết đúng sai, kết quả về đâu. Nhưng với người không chấp nhận phó mặc tương lai của mình cho người khác, vì khi đối chiếu với thực tế thì thấy không khớp với những gì được giảng dạy thì lại thấy khác. Bởi chúng ta muốn thờ vị nào thì cũng nên xem đó có phải là điều vị đó yêu cầu hay không? Muốn xin ai thứ gì đó thì phải biết rằng họ có hay không? Có khả năng cho hay không? Nếu ta theo dai dẳng, thế hệ này sang thế hệ khác để xin người không có, không thể cho, thì có phải là làm chuyện vô ích hay không? Hơn nữa, Đạo Phật dạy Tự Độ, dạy Nhân Quả, tức là cần điều gì thì tự mình gây tạo để có kết quả, không ai ban cho ai được, mà chúng ta cứ cầu xin thì liệu có phù hợp với chân đạo hay không? Có giống như những gì vị sáng lập Đạo mong mỏi hay không? Nếu không giống thì chúng ta đang làm gì? Kết quả về đâu? Đó là điều mà tôi tin rằng những ai có chút suy nghĩ sẽ tự xét nếu không muốn tiếp tục hành trì trong mê mờ.
Với người Phật Tử thì cho rằng không cần biết Tâm là gì? Tu Phật thì phải làm gì? Muốn thoát Khổ thì cần làm gì, thì có thể chấp nhận được. Nhưng với người tu, hàng ngày tụng Bát Nhã Tâm Kinh mà không hiểu: “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”, có nghĩa là việc “độ nhất thiết khổ ách” là kết quả của việc “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, đâu có nói rằng do Phật Độ cho? Và rõ ràng Kinh viết HÀNH THÂM BÁT NHÃ, đâu có dạy TỤNG THÂM BÁT NHÃ mà ngày nào chúng ta cũng mang ra tụng, lấy đó làm công phu? Bát Nhã được dịch là Trí Huệ. Người muốn có Trí Huệ để qua bờ Sinh Tử thì phải Soi, Quán về cái Ngũ Uẩn tức là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nhờ xem xét, tìm hiểu nó để thấy cuối cùng nó sẽ trở về KHÔNG. Bản chất nó không bền, không thật, để rồi không tiếp tục chạy theo sự điều động của nó. Các Pháp khác cũng tương tự. Cũng là Không. Không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm v.v... Nói chung, Thân, Tâm của ta và những gì ta có thể Nghe, Nhìn, Va chạm, Cảm xúc, Nghĩ tưởng v.v... đều sẽ theo cái Thân này mà hư hoại, không tồn tại lâu dài được, vì thế không nên bám lấy nó để rồi cuộc sống không yên ổn. Người quán sát như thế sẽ có sự hiểu biết của Đạo gọi là Trí Huệ mà Đạo Phật gọi là chỉ có “con dao Trí Huệ” mới có thể cắt đứt mọi phiền não để người có nó sẽ thoát khỏi sự vây hãm, buộc ràng bởi các pháp, được thanh tịnh, an ổn, gọi là Chứng Niết Bàn.
Mọi người cứ tưởng rằng Phật là Thần Linh, nên nghĩ rằng chỉ có những bậc Xuất Gia, thanh tịnh, tu hành nghiêm chỉnh mới Thành Phật được, không biết rằng Phật chỉ là kết quả Giải Thoát. Người Giải Thoát khỏi phiền não cho bản thân thì được gọi là Phật, không cần biết người đó Xuất Gia hay tại gia, nhiều tuổi hay ít tuổi, nam hay nữ, sang hay hèn. Vì ai, ở đâu mà không gặp phiền não? Vô Chùa cũng chắc gì đã thoát được? Vì vậy mà Đạo Phật mới đưa ra giải pháp để trừ nó.
Nhưng muốn Thành Phật hay Giải Thoát phải tìm ở đâu?
Chỉ cần trừ hết phiền não thì gọi là Thành Phật. Tổ Đạt Ma xác định: “Phật ở trong tâm như hương theo cây. Phiền não hết thì Phật theo tâm ra. Vỏ mục hết thì hương theo cây ra”. “Mới biết ngoài cây không có hương, ngoài Tâm không có Phật. Nếu ngoài cây có hương ắt là hương của cây khác. Ngoài Tâm có Phật, ấy là Phật ngoài của ai khác”.
Tổ dạy:
“Nếu biết Tâm mình là Phật ắt chẳng nên tìm Phật ngoài Tâm như vậy”
“Mà cũng đừng đem Phật ra lạy Phật.
Đừng đem Tâm ra niệm Phật.
Phật chẳng tụng Kinh.
Phật chẳng giữ Giới”
(Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất).
Như vậy, nếu ta cho rằng mình đang Tu Phật mà chỉ biết thờ lạy Phật, kiên trì giữ Giới, ngày ngày tụng Kinh, Niệm Phật, học pháp, giảng pháp... thì liệu có đúng cho một quy trình tu hành?
Vì không hiểu rằng Phật chỉ là nghĩa của Giải Thoát. Giải Thoát hay ràng buộc cũng ở nơi cái Tâm, nên nói Tâm là Phật thì nhiều người không chấp nhận được, bởi từ nhiều đời mọi người đều tin rằng Phật là Thần Linh, tất cả mọi người dù cho có tu hành, cố gắng đến mấy cũng không thể thành Phật được. Vì thế, họ hô hào nhau đúc hình, tạc tượng Phật rồi hương khói để mong phù hộ, độ trì. Nhưng tin Phật kiểu như thế thì đâu có khác gì những tín đồ của Tôn Giáo khác tin vào sự hộ trì của Giáo Chủ? Như vậy là Thần Quyền, đâu có phải là Đạo Phật chân chính? Đạo Phật dạy người tu phải có Trí Huệ, thì nếu thật sự Thờ Phật là mục đích của Đạo Phật thì cần tìm Trí Huệ làm chi? Nếu Phật đã cứu được mọi người thì cần gì Giáo Pháp, cần gì phương tiện, giải thích dông dài làm gì? Đó là một số nghi vấn mà tôi tin rằng ai chịu khó tìm hiểu sẽ thấy ra nhiều điều lợi lạc cho bản thân.
So sánh giữa Tượng và Phật ta thấy hoàn toàn khác nhau. Tượng là vật vô tri do con người chạm khắc, đúc tạc ra. Phật là Giải Thoát, là kết quả của vô số hạnh lành mà người tu thực hiện nơi Thân, Tâm của chính mỗi người. Tượng Phật là vật vô tri do con người tạo ra thì làm sao hộ trì được cho ai? Phật là sự thành tựu công việc Giải Thoát của người hành trì thì cũng đâu có quyền năng để hộ trì cho người khác. Do đó, nếu ta sùng bái Phật Thích Ca hay A Di Đà, thờ lạy Tượng được xem là hình ảnh của Ngài để cầu mong được về quốc độ của Ngài cũng vô ích mà thôi. Tổ Đạt Ma dạy: “Người lạy ắt không biết. Người biết ắt không lạy”. Thay vào đó, chư vị Giác Ngộ luôn dạy chúng ta dùng những Hạnh mà Phật đã làm, đã chỉ dạy, để đúc, tạc nơi Tâm của mình để bản thân mình cũng có Phật, cũng được Giải Thoát như Phật. Chúng ta nên nhớ, ngay cả Đức Thích Ca hay Di Lặc có giáng trần đi nữa thì các Ngài cũng chỉ làm công việc hướng dẫn, rồi mỗi người phải tự thực hành để đạt kết quả. Các Ngài không thể làm thay cho chúng ta được. Vì nếu cứu được mọi người thì Đạo Phật không còn là Đạo Tự Độ, Đạo Nhân Quả nữa, mà trở thành Đạo Độ Tha mất rồi! Do đó, dù cùng tin tưởng Đạo Phật, cùng đọc kinh Phật, nhưng do hiểu khác nhau, nên khi thực hành thì phân ra Chánh Đạo và Tà Đạo do các việc: hoặc hướng nội, hướng vào Tâm của mình mà xây Chùa, tạc Tượng Phật nơi Thân, Tâm mình, bằng cách cải tà, quy chánh, cải ác, hành thiện, là Chánh Đạo; và hướng ngoại: Tin, thờ lạy, tôn sùng Phật, nương hình tướng mà cầu xin, chờ mong được ban cho điều nọ điều kia, gọi là Ngoại Đạo. Mà đã ngoại đạo thì mong gì “Thấy Như Lai”? Vì “Thấy Như Lai” là nói về sự thành tựu của công việc tu hành, không phải là cái Thấy bằng mắt khi Ngài xuất hiện vậy.