LÊ LONG ĐĨNH
ÔNG VUA HIẾU SÁT VÀ HAM MÊ TỬU SẮC
T rong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều, 986 – 1009) là một hôn quân cực kì hung bạo, hiếu sát.
Sau khi vua Lê Đại Hành mất, con thứ ba của ngài là Long Việt lên nối ngôi, niên hiệu là Trung Tông hoàng đế. Nhưng Long Việt ở ngôi mới được ba ngày thì bị em là Lê Long Đĩnh sai bọn trộm cướp trèo tường ban đêm lẻn vào cung giết chết để cướp ngôi vua. Hành động dã man táng tận lương tâm của Long Đĩnh khiến triều thần kinh hãi bỏ chạy tán loạn mỗi người mỗi ngả. Duy có võ quan Lí Công Uẩn – một con người nhân đức và can đảm khác thường – là vẫn cứ ở lại, ôm xác vua bị sát hại mà khóc. Long Đĩnh trong thâm tâm không khỏi kính phục, sau khi cướp ngôi bèn phong Công Uẩn làm tứ sương quân phó chỉ huy sứ, coi việc binh quyền.
Trước kia, Long Đĩnh đã từng làm loạn, bị Long Việt bắt nhưng vì nặng tình anh em ruột thịt mà tha chết cho. Nay Long Đĩnh lấy mạng anh để trả cái ơn “tái tạo” ngày trước!
Lên làm vua, Long Đĩnh ra tay chinh phạt các lực lượng phản loạn. Trong lòng Long Đĩnh vẫn hậm hực vua cha (Lê Đại Hành) vì trước đây Đĩnh xin được làm thái tử lên nối ngôi vua, nhưng bị Đại Hành và quần thần bác, do Đĩnh là con thứ.
Một lần Long Đĩnh đi đánh dẹp dân Man ở động Án. Khi bắt được người, Đĩnh sai đánh bằng gậy, người Man đau quá, kêu gào và réo tên huý của Lê Đại Hành ra mà rủa. Long Đĩnh không những không tức giận mà còn lấy làm thích thú! Khi tự cầm quân đi đánh châu Hoan và Thiên Liễu bắt được người, Đĩnh đều nhốt vào cũi rồi sai lấy lửa đốt!
Long Đĩnh đặc biệt thích xem cảnh đau đớn của người bị hành hình. Nhiều tội nhân bị quấn cỏ tranh quanh người rồi châm lửa đốt đến lúc gần chết. Nhiều người khác bị vua sai tên kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn xẻo từng miếng thịt, không cho chết ngay. Tội nhân đau đớn kêu la thì Thủ Tâm nói đùa:
– Nó không quen chịu chết!
Long Đĩnh đứng bên thích thú cả cười.
Những lần đi dẹp loạn, bắt được tù binh, Long Đĩnh sai người làm lồng dưới lòng sông, dồn họ vào trong. Sau nước thuỷ triều lên tất cả đều bị chết đuối. Có tội nhân bị bắt phải trèo lên cây cao, Long Đĩnh sai chặt cây cho đổ mà chết, rồi thân đến gần xem, lấy làm khoái chí.
Thời ấy ở sông Ninh (có lẽ ở huyện Chương Mĩ, Hà Tây) có nhiều rắn độc. Long Đĩnh sai trói tội nhân bên mạn thuyền, cho thuyền lượn qua lượn lại giữa dòng, dụ cho rắn xông tới cắn chết.
Long Đĩnh rất thích được tự tay cầm dao bầu chọc tiết lợn, xong mới đưa cho nhà bếp làm lông, mổ thịt...
Ngay cả đối với các nhà sư, Long Đĩnh cũng không tha: cái đầu trọc lốc của họ gợi ý cho ông ta một trò chơi quái gở. Ông bắt nhà sư Quách Ngang đưa đầu trọc làm “thớt” để ông róc mía! Thỉnh thoảng ông giả vờ lỡ tay chém dao bập xuống đầu trọc của nhà sư làm toé máu, và ông lấy làm thích chí cả cười.
Lại có lần Long Đĩnh mời Âu Vương ăn tiệc thịt mèo – Sau khi các vương ăn xong, vua vớt đầu lâu mèo giơ lên trước mặt các vương để doạ! Ai nấy sợ hết hồn, còn vua thì cười sằng sặc vì khoái chá.
Nhiều lần, ngay ở buổi chầu, vua sai bọn hề, cứ thấy viên triều quan nào nói câu gì thì chúng lại nhao nhao nói nhại, nói leo, nói đế vào để không còn ai hiểu lời nói của viên quan ấy nữa. Vua thấy lời tâu bị loạn hết ý tứ thì cười ngặt nghẽo. Rồi vua cho làm gỏi thịt... thạch sùng, bắt bọn hề tranh nhau mà ăn!
Người đương thời cũng như người đời sau đều ví Lê Long Đĩnh với vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương bên Trung Hoa ngày trước.
Vua Kiệt từng bắt tội nhân leo lên cây cột đồng có bôi mỡ, ở dưới cho đốt lửa, tội nhân leo nửa chừng rớt xuống đống lửa mà chết cháy.
Vua Trụ thấy có người sáng sớm đi chân trần trên tuyết lạnh, khen là giỏi, sau đó sai chặt ống chân xem bên trong có gì mà lại chịu được lạnh như vậy! Một bậc hiền thần là Tỉ Can nhiều lần can ngăn vua Trụ. Vua Trụ nói:
– Ta nghe nói quả tim của thánh nhân có những bảy lỗ, không biết có phải thế không?
Rồi sai giết Tỉ Can, mổ bụng moi tim ra quan sát xem tim có bao nhiêu lỗ!
Ông vua “quái thai” Lê Long Đĩnh còn được “quỷ sứ” bổ sung thêm tính cách bằng lối sống dâm loạn trong vòng tửu sắc. Vì vậy ông ta mắc bệnh nặng đến nỗi không ngồi được, lúc ngự triều phải nằm mà coi chầu. Do đó mới có biệt danh Lê Ngoạ Triều.
Một con người như vậy ắt không thể thọ. Năm 1009 Long Đĩnh băng ở tẩm điện (nhà ngủ của vua) mới có 24 tuổi đời.-./.