Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


CON TRÂU CỦA NGÀI QUY SƠN

  


N gài Quy Sơn (771-853) từng học với nhiều Thiền Sư nổi tiếng. Năm 15 tuổi, Ngài học Kinh Luận Tiểu Thừa và Đại Thừa. Đầu tiên đến núi Thiên Thai tham học với hai Đại Sư Vô Trước và Thế Thân. Ngài cũng có gặp hai dị nhân trong làng Thiền là Hàn Sơn và Thập Đắc. Ba năm sau lại đến học với Tổ Bách Trượng và ở lại hầu Tổ suốt 20 năm. Một lần, Tổ Bách Trượng cử nguời đi khai sơn. Tổ đưa ra một chiếc bình, bảo “không được gọi chiếc bình là chiếc bình, ai đáp đúng sẽ được phái đi”. Có một vị Tăng nói : “không thể gọi là khúc cây”. Ngài Quy Sơn đá chiếc bình rồi bỏ đi. Vậy mà Ngài lại được phái đi.

Việc Tổ chọn một người đá chiếc bình cho đi khai sơn cũng không có gì quá khó hiểu. Khi đưa ra vấn đề, Tổ đã giăng sẵn một cái bẫy. Người biết rằng “không thể gọi chiếc bình là chiếc bình”, vẫn cố gắng tìm một tên khác để gọi, chứng tỏ cái tâm ham làm thầy đã lộ rõ. Ngược lại, hành động đá chiếc bình của Ngài Quy Sơn chứng tỏ Ngài chẳng cần chức thủ tòa, chính vì vậy mà được phái đi. Vì rõ ràng bao năm người tu vào núi để học gì, chẳng phải là để học bỏ Tham, Sân, Si là những thứ luôn gắn liền với phàm phu từ bao đời hay sao ? Người còn Tham Danh chắc chắn cái Tham Lợi cũng vẫn còn đó. Nếu cho làm Trụ Trì hay làm chủ cả một hòn núi chẳng phải là cái họa tiềm ẩn cho Đạo hay sao ?

Sinh thời Ngài Quy Sơn có một câu nói nổi tiếng mà giới Tu Thiền nào cũng đều biết, đó là : “Sau khi lão Tăng trăm tuổi, đến dưới núi làm con trâu. Hông bên trái viết năm chữ : “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”.

Đa phần người luận bàn đều cho rằng Ngài Quy Sơn biết trước kiếp tới. Riêng tôi thắc mắc : Tại sao một người tu hành cả một đời, làm tới chức Thủ Tòa, đào tạo biết bao nhiêu bậc tu hành, chẳng lẽ không có công đức hay phước đức ? Ít ra kiếp sau cũng phải làm Thánh hay thành Thần Tiên, hưởng phước an nhàn, tại sao lại sinh vào kiếp Trâu là loài khổ sở nhất trong đám thú nuôi mà con người khi mang nợ sâu dày với ai thì hẹn “kiếp sau làm thân trâu, ngựa để báo đền” chứng tỏ ai cũng biết những gian khổ mà hai con vật này phải gánh chịu.

Thật vậy, trong rất nhiều chủng loại gia súc mà con người thuần hóa để giúp việc hay làm thực phẩm như : Chó, mèo, heo, gà, trâu, bò, lừa, ngựa thì Trâu và Ngựa là hai loài thú khổ nhất. Những con kia thì chẳng những không bị hành hạ, lại không phải làm gì mà còn được cho ăn, vỗ béo, khi lớn lên mới giết thịt . Riêng Trâu và Ngựa thì trước khi già, bị giết thịt thì còn phải vắt kiệt sức để phục vụ cho chủ.

Ngựa thì bị đóng móng đau đớn. Bắt mang hai miếng che hai bên mắt để chỉ được nhìn thẳng phía trước, và bị bắt kéo xe để chở người hoặc hàng hóa. Ngày xưa, khi chưa có tàu bay, thiết giáp thì con ngựa ngoài là phương tiện duy nhất để vận tải vũ khí, đạn dược, tiếp tế còn được dùng để chở tướng, quân xông ra chiến trường. Lúc nào cũng bị thúc gót giày vô hông hay bị những lằn roi đau điếng để phải xông lên giữa lằn tên, mũi đạn. Nếu may mắn thoát chết vì tên bay, đạn lạc thì khi chủ tướng qua đời cũng dùng“da ngựa bọc thây” ! Đúng là sống khổ, chết càng khổ !

Con trâu thì bị xỏ dây vô mũi để bị đau mà không dám chống cự khi bị dắt đi. Bị tròng cái ách vô cổ để bắt lội sình cày, bừa nặng nhọc. Tới mùa thu hoạch thì chở lúa về nhà. Thời chưa có máy gặt, máy tuốt lúa thì người nông dân chất những bó lúa lên thành đống, dắt con trâu đi vòng quanh dẫm lên những bó lúa để cho hột lúa rớt ra khỏi bông ! Vậy mà đâu có bao giờ được khen thưởng, trái lại, lúc nào cũng bị quất bằng những cây roi đau điếng khi bùn sình lầy lội quá, kéo cày chậm chạp ! Làm lụng cực nhọc mà chẳng được ăn gì ngoài mớ cỏ tươi hay rơm khô ! Đã vậy chỉ có một hàm có răng, nên việc nhai cũng có ngon lành gì ! Lúc được cho thì ăn vội ăn vàng, khi nào thảnh thơi, không có làm việc thì mới ợ lên, nhai lại ! Chưa hết, khi chết tấm thân còn bị tận dụng không sót thứ nào. Thịt thì nấu, nướng, chiên xào, ăn không hết thì làm khô để ăn dần ! Da thì bịt trống. Sừng thì làm lược, tiện con cờ. Xương cũng bị làm sạch rồi chế đồ thủ công mỹ nghệ ! Quả thật là vô cùng khổ sở khi sống cũng như lúc chết, không có loài thú nào khổ hơn con trâu nữa ! Vậy thì sao người cả đời tu hành, trai giới như Ngài Quy Sơn lại bảo rằng khi trăm tuổi Ngài sẽ trở thành con trâu dưới núi ?

Nhưng thắc mắc đó được giải tỏa khi tôi đọc Quy Sơn Cảnh Sách. Thật vậy, ai có hiểu Lý Nhân Quả thì cũng thấy trong đó toàn những lời cảnh báo cho những bậc Xuất Gia tu hành mà bất cứ ai nhập môn cũng đều phải học. Hẳn là Ngài Quy Sơn cũng đã tận mắt chứng kiến lối sống của những kẻ lợi dụng chùa chiền, vì đâu phải đâu ai Xuất Gia cũng đều ý thức đúng về con đường tu hành? Trước hết phải kể là hầu hết đều vì mến mộ Phật qua những gì được nghe thuyết pháp, nên Xuất Gia đầu Phật là nghĩ rằng hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật. Nhưng Phật thì đã nhập diệt đã mấy ngàn năm thì phụng sự cách nào ? Cuối cùng chỉ là phụng sự cho việc Chùa, kêu gọi bá tánh Quy Y Chùa mình cho đông ! Có nhiều vị bản thân còn chưa đọc kỹ một bộ Kinh cho thấu đáo, vậy mà bá tánh vì mến mộ Phật mà phải cung phụng để các vị tu hành, để rồi có đắc quả đi nữa thì chỉ bản thân người chứng đắc được nhờ !

Ai cũng biết câu : “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc” thì việc hưởng dụng của bá tánh tránh đâu khỏi trả ? Đã vậy, con số thật sự mến mộ Phật chưa hẳn đã nhiều bằng số kẻ thấy vô Chùa chỉ cần hy sinh đầu tóc, khoác lên người chiếc áo Cà sa là được ăn trên ngồi trước, khỏi phải vất vả lao động để kiếm sống. Mọi thứ đã có bá tánh lo ! Họ chỉ nhân danh Phật mà được ở nhà cao, cửa rộng, cơ ngơi hoành tráng mà những người làm ăn chân chính, sở học mênh mông, dốc sức một đời, có khi cũng không tạo nổi ! Khi cái Tâm tu hành đã không có thì những người đó sẽ xem Chùa là nơi để có cuộc sống nhàn hạ, nên tìm mọi cách quảng bá về Phật, về sự cứu độ của Ngài để bá tánh càng ngưỡng mộ, càng đến Chùa thì lộc cũng theo đó mà đến. Chính vì vậy mà càng ngày chúng ta càng thấy những thông tin về cảnh trái tai, gai mắt diễn ra nơi cửa chùa do chính những kẻ mang hình tướng đệ tử của Phật gây ra, mà nhiều người chỉ biết lắc đầu ngao ngán cho rằng “thời Mạt Pháp” !

Tu hành theo Phật đâu chỉ là ăn mặc, đi, đứng, ngồi, nằm giống như Phật, mà chủ yếu là phải biết Phật đã Tu như thế nào để theo đó mà làm. Theo Ngài Quy Sơn, người tu đã bỏ cha mẹ, hàng xóm, láng giếng, bỏ hết mọi nghĩa vụ đối với gia đình, với đất nước thì lẽ ra phải công phu tu niệm, xa hẳn trần tục để cầu mong được giải thoát :

“Đối với cha mẹ thì không cung phụng ngọt ngon. Đối với thân quyến cố nhiên rời bỏ, xa cách. Đối với đất nước không có khả năng bình trị. Đối với gia tộc bỏ hết nghĩa vụ thừa kế. Xa làng, bỏ xóm, bẩm thụ Phật Pháp với bổn sư. Như vậy lẽ đáng trong thì siêng về công phu khắc niệm, ngoài thì bủa ra đức tính hòa bình, xa hẳn trần tục, kỳ vọng giải thoát”.

Thế nhưng một số người đã làm ngược lại :

“Sao lại mới bước lên phẩm bậc của giới pháp mà đã tự thị ta đây là vị Tỳ Kheo. Dùng của thí chủ, ăn của thuờng trụ, không biết xét kỹ vì sao có của ấy, lại bảo rằng lẽ tự nhiên là phải hiến cúng. Ăn rồi xúm đầu huyên náo chỉ nói toàn chuyện tạp của thế gian, thừa dịp vui thích, không biết chính cái vui ấy là nguyên nhân của sự thống khổ. Bao kiếp xa xưa đem thân theo trần cảnh, chưa từng phản tỉnh, thì giờ mất mát, năm tháng lần lửa, hưởng dụng càng nhiều, thí lợi càng lắm, hết năm này qua năm khác mà không nghĩ đến chuyện rời bỏ. Chất chứa càng nhiều chỉ bảo trì xác huyển mà thôi….”

Vừa bước vào cửa Chùa, mặc pháp phục đã thấy mình là Tỳ Kheo, là đệ tử của Phật. Tự cho phép mình hưởng dụng của thí chủ, cho là đương nhiên như thế. Rõ là chưa phân tội, phước. Đã vậy còn không giữ tròn Giới Luật, không chịu học hỏi Giáo Lý Thượng Thừa. Giáo Lý còn chưa hiểu thì Diệu Pháp làm sao mà khế ngộ để có thể truyền đạt cho bá tánh ?

“Đức Phật trước tiên thiết chế Giới Luật là để bắt đầu mở mang cho sự ngu muội. Phép tắc uy nghi sạch như băng tuyết. Đình chỉ là giữ. Hành động là phạm. Nguyên tắc ấy kềm thúc sơ tâm, điều mục đầy đủ, chương tiết minh bạch. Giới Pháp này đổi bỏ tồi tệ. Pháp tịch giảng giải Luật Tạng mà chưa hề học hỏi thân cận thì đối với Thượng Thừa là giáo lý liễu nghĩa làm sao có khả năng khảo cứu rành mạch ? Nên thật đáng đau tiếc là để một đời trôi đi một cách trống rỗng, sau này hối hận cũng khó mà đuổi kịp. Giáo Lý chưng từng để dạ thì diệu pháp không nhân đâu mà khế ngộ”…

Nhưng những người đó tự cho mình là tăng sĩ của núi rừng, giữ y tánh cũ, rồi do không thuộc, không hiểu pháp nên không có gì để hướng dẫn cho người sau, rồi khi bị chỉ trích lại còn trách người, sân si khi bị cật vấn !

“Vậy mà có ai cảnh giác thì liền bảo ngay rằng ta đây là tăng sĩ rừng núi. Quả là kẻ chưa bao giờ nghe nói đến sự hành trì của Phật huấn dụ, nên chỉ có một chiều hướng là tánh vẫn còn y nguyên. Cung cách như vậy là vì sơ tâm biếng nhác, nên ham muốn xấu xa y như thói cũ, dần dà theo đời hóa thành quê kệch. Thế rồi bất giác mà lóng cóng già yếu, nhưng gặp việc thì đối diện như tường vách. Hậu học thưa hỏi thì không có lời tiếng chi để hướng dẫn. Có nói cũng không liên hệ gì với kinh điển, và bị khinh thì bảo hậu sinh vô lễ, sân tâm nổi giận, lấn át tiếng người…”

Với Ngài Quy Sơn, người đã thật tâm tu hành thì lẽ ra :

“Giả từ song thân, quả quyết chí khí, khoác mặc pháp y là ý muốn vượt lên cho ngang đến chỗ nào nữa kia, sớm tối suy nghĩ như vậy thì đâu có thể chơi đùa cho qua mất thì giờ. Trong lòng tự kỳ hẹn cho mình phải làm trụ cột của Phật Pháp, làm gương mẫu cho tương lai, thường xuyên tự nguyện như vậy mà chưa hẳn đã phù hợp phần nào với sự Xuất Gia”.

. Nói thì phải liên hệ với kinh điển, bàn thì phải dựa vào sự kê cứu về xưa. Hình dáng đĩnh đạc, chí khí cao nhã.

. Đi xa thì phải nhờ bạn tốt để luôn luôn lọc sạch tai mắt. Trú ở thì cần chọn bạn hiền để thường thường nghe điều chưa nghe. Nên ngạn ngữ đã nói, sinh ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè. Gần gũi người hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà lúc nào cũng thắm đượm; quen thân kẻ ác thì lớn lên thêm kiến thức độc ác, sớm tối làm ác, ác báo đã bị ngay trước mắt mà chết rồi lại phải chìm đắm, làm cho thân người một khi mất đi vẫn khó mà khôi phục”.

. Nếu muốn tham Thiền học đạo, vượt bỏ ngay của ngõ phương tiện thì phải tâm hợp Thiền Tông, cứu xét tinh yếu, quyết trạch thâm áo, khải ngộ chân nguyên bằng cách tham vấn sâu rộng với liệt tiền giá, gần gũi thân thiết với các bậc Thiện Tri Thức. Thiền Tông như thế này thiệt khó mà nắm được chỗ nhiệm mầu của nó, nên phải khẩn thiết vận dụng cái tâm một cách tinh tế và chin chắn mới ngay trong khả năng này mà đốn ngộ chánh nhân, mới làm thềm bậc tiến dần trong sự siêu thoát phiền não…”

Biết rằng không dễ gì chỉ qua vài lời nói mà đã lay chuyển được người khác, Ngài Quy Sơn đã khẩn thiết đến độ “phủ phục mà cầu”, mong người tu học nên đọc kỹ những lời Ngài nêu ra để bỏ đi những tính nết cũ mà nên nhìn các bậc thượng thặng để học hỏi.

Cảm thương than thở, đau đớn như cắt tim gan, làm sao có thể phong gói lời nói, nên phải cảnh giác để sách tiến cho nhau. Điều đáng tủi hận là chúng ta cùng sinh vào thời gian cuối cùng của thời đại Phật Pháp tương tự cách xa thời đạo của Phật. Phật Pháp lơ thơ, lòng người đa số biếng nhác, nên phải trình bày sơ lược cái thấy chỉ như ống dòm trời để khuyên bảo người hậu học. Nếu không loại bỏ được tính nết kiêu căng thì quả thật khó mà thay đổi cho nhau”…

Xin phủ phục mà cầu mong các vị hãy nổi dậy cái chí khí quyết liệt, mở ra cái hoài bảo cao xa, hết thảy mọi sự động, tĩnh đều nhìn lên các bậc thượng thặng, đừng tự ý sống theo những thói hư hèn”…

“Hãy đọc kỹ bài văn này để luôn cảnh giác sách tiến, cưỡng lại mà tự tìm chủ tế, đừng thuận theo tánh tình con người của mình”.

Người đã ý thức con đường tu hành, đã tu hành nghiêm chỉnh mới có thể nhắc nhở người khác thì đâu thể nào coi thường Nhân Quả để hết kiếp phải làm thân trâu ngựa ? Qua đó, ta thấy CON TRÂU mà Ngài Quy Sơn đề cập không phải nói về kiếp sau của chính Ngài, mà là để nhắc cho những người Xuất Gia mà không chịu tu hành nghiêm chỉnh, không biết rằng đã nhận của ai bát cơm, chén thuốc thì lúc nào đó phải trả lại, vì Nhân quả không mất. Đừng tưởng mang sắc áo tu hành là đương nhiên được quyền hưởng dụng của cúng thí !

Tổ Quy Sơn cũng là truyền nhân của Đại Thừa. Thuộc nhánh của Nam Nhạc Hoài Nhượng, và Nam Nhạc Hoài Nhượng là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng. Đọc Kinh Đại Thừa và những luận giải của những Tổ Đại Thừa, ta thấy đa phần là những lời cảnh báo, hoặc hướng dẫn con đường tu Phật rất là chi tiết để người tu từng bước hiểu rồi hành theo mà thâm nhập vào Đạo, tự mình hành trì để được Giải Thoát, thay vì trước kia vẫn cầu xin Phật “Độ” cho vì hiểu lầm về Phật và quyền năng của Phật. Vậy mà gần đây có khuynh hướng vận động dẹp bỏ Kinh Đại Thừa, cho đó là “Kinh ngụy tạo, không phải do Phật giảng”.

Theo tôi, chính những người đứng ra vận động đã chứng tỏ bản thân cũng chưa đọc hết những lời Phật dạy. Chưa biết là Đức Thích ca đã Thọ Ký : “Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành”, để hiểu rằng Tam Thế Phật tức là “Phật Quá khứ. Phật hiện tại và Phật vị lai”, có nghĩa là ai tu hành đúng theo đường lối mà Đức Thích Ca để lại đều có thể thành Phật, không chi riêng Phật quá khứ độc quyền ! Cũng theo nghĩa đó thì Chư Tổ đã được Ấn Chứng chẳng phải là Phật thời sau Đức Thích Ca hay sao ? “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”, thì những lời Tổ thuyết chẳng phải là lời của Phật, và có giá trị không khác với lời của Phật Thích Ca hay sao ? Sao cứ phải đòi chính kim khẩu của Đức Thích Ca mới chấp nhận ? Như thế, càng quyết liệt chống đối càng chứng tỏ cái hiểu về Giáo Pháp của những người đó rất hạn hẹp !

Thật vậy. Đọc “NHỮNG NGÀY và NHỮNG LỜI DẠY CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT của Phật Giáo Nguyên Thủy, ta thấy có ghi rõ là khi nghe những lời của người khác nói liên quan đến Đạo thì…” Không tán thán, không hủy báng, mà đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận : “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Đức Thế Tôn và các vị Tỳ Kheo ấy đã lãnh giáo chơn chánh. Này các Tỳ Kheo, như vậy là Đại Giáo Pháp thứ Tư, các ngươi hãy thọ trì”.

Tiểu Thừa dạy GIỚI ĐỊNH HUỆ, TỨ DIỆU ĐẾ, BÁT CHÁNH ĐẠO. ĐẠI THỪA cũng bao nhiêu việc đó, còn chi tiết hơn. Như vậy Đại Thừa sai chỗ nào ? Chưa đọc một quyển Kinh của ĐẠI THỪA. Chưa biết Đại Thừa dạy gì trong đó. Chưa hiểu về Con Đường Độ Sinh mà Kinh ĐẠI THỪA giải thích. Chưa hiểu gì về “cảnh giới bất nhị”. Chưa hiểu thật nghĩa của Chúng Sinh, Phật, Bồ Tát mà Đại Thừa nêu ra, lại cho rằng Đại Thừa bịa thêm nhiều Bồ Tát, Phật ! Như vậy, phải chăng chính những người đứng ra vận động dẹp bỏ kinh Đại Thừa cũng không có sự hiểu biết đúng về Truyền Thừa, để biết rằng ĐẠI THỪA mới là Thừa được Đức Thích Ca giao cho nhiệm vụ giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của Ngài, là điều rất quan trọng trong Đạo Phật, mà do kiến chấp nên không thể tiếp thu được những ích lợi do Đại Thừa phổ biến. Cụ thể là Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN và QUY SƠN CẢNH SÁCH nói trên, rất lợi ích và cần thiết cho những bậc Xuất Gia, vì không phải ai cũng hiểu Lý Nhân Quả để sợ. Phải biết rằng Nhân Quả không phải chuyện đùa. Tuy không có người ghi nhận mà mảy may cũng không bỏ sót. Chính vì vậy mà những người không hiểu Lý Nhân Quả cứ bình thản lợi dụng sắc áo của bậc tu hành, khuyến khích Phật Tử làm những điều không hề được dạy trong Đạo Phật chân chính để mình ở giữa lợi dụng danh nghĩa đệ tử nhà Phật mà vô tư hưởng lộc. Đến lúc trả, phải “mang lông đội sừng” có hối thì cũng đã muộn !

Do vậy, theo tôi, người đã quyết tâm theo con đường tu hành thì nên nghiên cứu cho rõ tất cả những diễn tiến của Đạo để củng cố thêm niềm tin mà đi cho trọn vẹn con đường, vì Đạo Phật cho đến nay đã qua biết bao nhiêu đời giảng sư, trong đó biết đâu tam sao thất bản mà chúng ta không dò xét cho kỹ có khi phí uổng công năng tu tập ! Kinh VIÊN GIÁC dạy là Chúng sinh bất định chúng tánh. Tùy theo sự hướng dẫn của Thiện Tri Thức mà có những Quả Vị tương ưng. Nhưng người phản đối Kinh Đại Thừa do không hiểu rằng Đại Thừa mới là Thừa được Đức Thích Ca giao quyền gìn giữ và phổ biến Giáo Pháp của Ngài qua việc Truyền Y Bát chắc chắn trong đó có dụng ý của Đức Thích Ca. Những Thừa khác tự ý mở ra giảng dạy không được sự ủy thác của Ngài hẳn có lý do nào đó, chúng ta không nên xem thường. Vì vậy. Nếu chúng ta cố chấp, chê Kinh ĐẠI THỪA không đọc thì bản thân không được lợi ích đã đành, vì cố ý bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở, giáo hóa của Chư Vị Giác Ngộ. Nhưng việc cố tình tìm cách ngăn trở không cho người khác đọc để hiểu mà khỏi vi phạm, thì rõ ràng không chỉ đang làm trái ý Phật mà còn không thực hành lời Phật dặn dò ở Đại Giáo Pháp Thứ Tư của Pháp Môn mình cần thọ trì. Giáo Pháp còn chưa nắm vững thì liệu như thế có đúng là người tu hành nghiêm túc ? Tôi tin rằng nếu có hiểu lý Nhân Quả thì hẳn các vị sẽ không dám xem thường, bởi kết quả tu hành không dựa vào lòng thành hay thời gian tu lâu hay mau ? cũng như việc hành hạ cái Thân đến mức nào ? mà hành đúng thì có kết quả đúng. Hành sai thì kết quả sai. Vì thế, chúng ta nên cân nhắc trước khi “hạ thủ công phu”. Vì bỏ cả một đời để tu hành mà kiếp sau lại sinh làm trâu, ngựa thì thà làm phàm phu mà sống lương thiện thì còn tốt hơn vậy.




VVM.11.8.2024.