N hà giáo, nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm (1898 – 1946) quê ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên – mảnh đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” của xứ Bắc Hà. Sinh ra trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước (cụ nội là Dương Duy Thanh từng làm Đốc học ở Hà Nội,thân phụ là Dương Trọng Phổ, anh cả là Dương Bá Trạc – là những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, em là Dương Tụ Quán, đều là những danh sĩ có tiếng đương thời, Dương Quảng Hàm là một gương mặt trí thức điển hình của “buổi giao thời” đầu thế kỷ : vừa nắm vững vốn văn hóa dân tộc vừa tiếp thu một cách sáng tạo tri thức mới của văn hóa phương Tây. Năm l920, tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu của Trường cao đẳng sư phạm Đông Dương (với tiểu luận “Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”), Dương Quảng Hàm bước vào nghề dạy học không phải chỉ vì mưu sinh, cũng không phải như một “nghiệp chướng” mà bằng tất cả niềm say mê, khát khao được truyền bá trí thức, văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ đầu thế kỷ - một thế hệ có vị trí đặc biệt của lịch sử nước Việt : có nhiệm vụ lịch sử nặng nề và lớn lao, cứu đất nước thoát khỏi ách nô lệ và đưa dân tộc tiến lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu !...
Được bổ nhiệm làm giáo viên dạy môn Việt văn của trường Bưởi (một trung tâm văn hóa lớn lúc bấy giờ, nơi đã đào tạo nên nhiều nhà cách mạng lớn, nhà khoa học và văn hóa lỗi lạc), nhà giáo Dương Quảng Hàm đã có công lớn trong việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh nô lệ của một nhà trường xứ thuộc địa, môn Việt văn là một môn học bị coi thường, bị xếp vào môn học “phụ”. Nhưng, chính trong môn học duy nhất nói bằng tiếng Việt này, Dương Quảng Hàm đã nâng môn Việt văn lên đúng tầm cao của nó và khiến cho cả những học sinh vốn không am hiểu và không thích thú mấy việc học môn Việt văn thấy được giá trị lớn lao của văn hóa dân tộc. Những học trò của thầy Dương Quảng Hàm ở Trường Bưởi ngày ấy (sau này là trường Chu Văn An), nay đã là những nhà giáo, nhà khoa học có tên tuổi như giáo sư Hoàng Như Mai, giáo sư Nguyễn Chung Tú, Nguyễn Quảng Tuân v.v… đều khẳng định nhờ thầy Dương Quảng Hàm mà họ nên người, mà họ tiếp thu, thấu hiểu được giá trị lớn lao của nền văn hóa dân tộc…
Là một nhà giáo uyên bác, mẫu mực, đức độ và hết lòng tận tụy với nghề, Dương Quảng Hàm trở thành một biểu tượng sáng trong của giới trí thức ở vào giai đoạn đầu thế kỷ - một giai đoạn đầy biến động và rất phức tạp của lịch sử dân tộc. Làm việc dưới chế độ thuộc địa, nhà giáo Dương Quảng Hàm đã giữ được mình trước mọi cám dỗ cũng như áp lực của bọn thực dân, phong kiến. Ông luôn là một nhân cách sáng trong, một nhà sư phạm chuẩn mực trong ý niệm của nhiều thế hệ học trò cũng như đồng nghiệp. Sau cách mạng mùa thu 1945, ông được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An (trường Bưởi cũ). Ông hào hứng, hết mình bắt tay vào sự nghiệp mới của đất nước đã được độc lập. Nhưng, thật đáng tiếc, Dương Quảng Hàm đã mất đi trong ngày toàn quốc kháng chiến đầu tiên 19-12-1946. Sự ra đi đột ngột của ông là một mất mát lớn không thể bù đắp !...
Ngoài sự nghiệp giáo dục, Dương Quảng Hàm còn dành nhiều công sức và tâm huyết cho công việc nghiên cứu văn học Việt Nam – một công việc rất cần thiết trong thời buổi đất nước còn nô lệ lúc đó. Cùng với những nhà nghiên cứu văn học đương thời như Bùi Kỷ, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh v.v…Dương Quảng Hàm đã có công lớn trong việc khai mở ra ngành nghiên cứu văn học với hai tác phẩm còn sống mãi tới hôm nay : Việt Nam văn học sử yếu(1941) và Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942) . Bộ sách Việt Nam văn học sử yếu – bộ sách văn học sử đầu tiên của ngành nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, tính đến nay đã được tái bản trên mười lần.Bộ sách Việt Nam văn học sử yếu được Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa chính thức dùng làm sách giáo khoa chương trình lớp Đệ Tam (tức lớp 10) trong nhiều năm. Năm 1993 , Nhà xuất bản Đồng Tháp đã tái bản với bản in đẹp, công phu đã thể hiện giá trị lâu dài của bộ sách, đã được bạn đọc hoan nghênh nhiệt liệt (Ngoài hai cuốn sách nói trên , Dương Quảng Hàm còn viết nhiều sách về văn học và lịch sử cho cả bậc tiểu học và trung học, bằng cả tiếng Việt và cả tiếng Pháp ; Dương Quảng Hàm còn có nhiều bài báo đặc sắc trên các báo đương thời như Nam Phong, Hữu Thanh, Tri Tân…).
Nhận định về bộ sách Việt Nam văn học sử yếu, trong bài viết nhân kỷ niệm 95 ngày sinh của Dương Quảng Hàm, nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá đã khẳng định giá trị lớn lao của bộ sách là việc xây nền đắp móng cho ngành văn học sử nước nhà, là tính khoa học đến mức hoàn thiện của phương pháp biên soạn mà cho đến nay không mấy người đã vượt qua và những giá trị vượt qua thời gian của bộ sách. Nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận xét thỏa đáng : “Tuy bị gò bó như tên sách và lời nói đầu đã quy định – đây là sách giáo khoa văn học cho học sinh bậc trung học, nhưng Việt Nam văn học sử yếu thực sự có giá trị của một công trình văn học sử. Người viết đã chú ý đúng mức cả hai bộ phận văn chương bình dân và văn chương viết. Ở bộ phận chủ yếu thứ hai này, cụ chú ý cả văn chương viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, đồng thời trân trọng không kém văn chương viết bằng quốc ngữ…Cụ giới thiệu nền văn xuôi mới, nền thơ mới, các văn gia, thi sĩ hiện đại, các thể loại văn học mới…Cụ trân trọng bất cứ thành tựu nào của bất cứ ai dù thuộc thế hệ nào, kể cả thế hệ hậu sinh”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc cũng đánh giá rất cao Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm:”Cấu trúc tác phẩm này rất lôgic và sáng sủa. Việc xử lý tư liệu rất khoa học, bố cục chặt chẽ, lập luận vững chắc. Lời văn trong sáng, khúc chiết và giản dị, khác hẳn lối văn biền ngẫu dài dòng của các thế hệ Nho gia trước đó...Đặc biệt, ông rất chú ý đến đặc sắc của ta (thể loại, thi pháp, nhất là ngôn ngữ, văn thơ, văn Nôm…). Trong từng thời kỳ lịch sử, ông luôn trình bày cả văn chương Hán và văn chương Nôm. Mấy chương về văn học cận-hiện đại, thể hiện tinh thần rất cởi mở” (Lãng du trong văn hóa Việt Nam, NXB Thanh Niên, 2007).
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có sự nghiên cứu khá công phu về Dương Quảng Hàm (cũng như các nhà văn hóa đương thời) và những nhận định của ông về Dương Quảng Hàm khá chính xác, chẳng hạn như đoạn văn sau:”Có một điều nhiều người hết sức ngạc nhiên khi đọc Dương Quảng Hàm: mặc dù là một cuốn văn học sử hoàn chỉnh đầu tiên song Việt Nam văn học sử yếu có được cách giải quyết khá đúng đắn trong nhiều việc, như đặt phần văn chương bình dân vào phần mở đầu, đánh giá đúng mức phần văn chương chữ Hán bên cạnh văn chương chữ Nôm, hoặc có phân kỳ văn học có thể chấp nhận được, ấy là không kể tới những định hướng đúng đắn khác, như chú ý trình bày ảnh hưởng của những nền văn hóa nước ngoài tới văn hóa Việt Nam, hoặc ưu tiên đúng mức tới vai trò của các hình thức văn học. Cuối sách thì có cả niên biểu lẫn sách dẫn (index); chỉ nhìn vào phần sách dẫn này chúng ta cũng đã có một ý niệm chính xác về nền văn học dân tộc. Sau nửa thế kỷ Việt Nam văn học sử yếu ra đời, chuỗi tác giả và tác phẩm được Dương Quảng Hàm nêu ra có thể được chúng ta hôm nay bổ sung nhưng về cơ bản thì vẫn giữ nguyên giá trị. Đây là những định hướng chính xác mà ngày nay chúng ta còn tiếp tục” (Nhà văn Tiền chiến và quá trình hiện đại hóa – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005: Chương 16: Dương Quảng Hàm và bước đầu hình thành của một nền học thuật).
Cho đến nay ,đọc lại sách của Dương Quảng Hàm, ta vẫn thấy rõ sự đúng đắn, tính khoa học và tư duy mới đến khó mà nghĩ rằng cuốn sách đã được viết cách đây hơn nửa thế kỷ ! Chẳng hạn như một đoạn văn sau Dương Quảng Hàm nhận định về bản sắc của văn hóa dân tộc và hướng đi của nền văn hóa nước nhà trong phần tổng kết của cuốn Việt Nam văn học sử yếu :
“Dân tộc ta vốn là một dân tộc có sức sinh tồn rất mạnh, trải mấy thế kỷ nội thuộc nước Tàu mà không hề bị đồng hóa, lại biết nhờ
cái văn hóa của người Tàu để tổ chức thành một xã hội có trật tự, gây dựng nên một nền Vãn học tuy không ðýợc phong phú, rực rỡ nhưng
cũng có chỗ khả quan, có phần đặc sắc, thì chắc rằng sau này dân tộc ta cũng sẽ biết tìm thấy trong nền văn học nước Pháp những điều
sở trường để bổ sung những chỗ thiếu thốn của mình, thứ nhất là biết mượn các phương pháp khoa học của Tây phương mà nghiên cứu lại
các vấn đề có liên lạc đến nền văn hóa của nước mình, đến cuộc sinh hoạt của dân tộc mình, thâu thái lấy cái tinh hoa của nền văn minh
nước Pháp mà làm cho các tinh thần của dân tộc được mạnh lên để gây dựng lấy một nền văn học vừa hợp với hoàn cảnh hiện thời, vừa
giữ được cốt cách cổ truyền . Đó là nhiệm vụ chung của các bạn độc giả và văn gia nước ta ngày nay vậy”.
(*) Bài viết nhân lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh Dương Quảng Hàm tại TP.HCM.
Có bổ sung, sửa chữa.