Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


CÁI CHẾT CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG ?

  


T hường thì khi đến tuổi trưởng thành, mỗi người đều phải mang bao nhiêu trách nhiệm trên vai, mỗi ngày mở mắt ra là phải đối phó với cuộc sống, với cơm, áo, gạo, tiền.. ít ai có thì giờ nghĩ đến cái chết làm gì. Cho đến một ngày nào đó chợt phát hiện ra mình bị một chứng bệnh nan y thì quýnh quáng lên, tìm thầy, chạy thuốc, cầu xin để mong được tiếp tục cuộc sống. Ngay cả những người cuộc sống chẳng phải là sung sướng gì cho cam, nhưng nghĩ đến lúc phải rời bỏ thế giới đang sống, rời bỏ tất cả những người thương mến, và nhất là phải bỏ cái thân quen thuộc để một mình đơn độc, phiêu du vào một thế giới xa lạ chẳng biết ra sao, nên đa phần là hoảng loạn, sợ hãi. Thật ra cái Chết có đáng sợ không, và sau khi rời bỏ thân xác này thì có còn cuộc sống nào khác không ? Có một số nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu, trong số đó, có Bác Sĩ Raymond Moody tổng hợp nhiều trường hợp trở lại thân xác sau vài giờ tách ra khỏi thân xác, họ kể lại na ná như nhau được liệt kê sau đây, có lẽ chúng ta cũng nên biết trước để đỡ hoang mang.

Ngay khi xuất ra khỏi thân xác, họ thấy những cảnh giống nhau :

-1/- Họ nghe người sống quanh đó nói là họ đã chết, nhưng họ nghĩ rằng mình chưa chết, có điều không lên tiếng hay tiếp xúc được.

2/- Cảm giác lúc xuất ra khỏi thân là giống như bị hút mạnh vào một không gian tối tăm. Có người nói giống như một hang động, người thì nói sâu hút giống như cái giếng, người thì mô tả giống như một đường hầm, một ống xoăn, hoặc một khoảng không của một vật thể hình trụ. Có một người bị dị ứng với thuốc mê thì thấy mình đang bay qua một khoảng không tối tăm như một đường hầm với một tốc độ cực nhanh như một con tàu đang lao đầu bay xuống ở một công trường giải trí.

3/- Trước đây, nhiều người dù biết rằng cái “Ta” gồm 2 phần : Thân và Thức, nhưng ít ai hiểu được phần Thức, vì cho rằng có thân xác vật lý thì trí óc mới hoạt động được. Trong quá trình “Chết”, người ra khỏi thân xác được ngắm nghía thân xác bất động của họ nên rất ngạc nhiên. Có người muốn nhập trở vô xác, nhưng không làm được. Có người hoảng sợ.

4/- Họ nghe được nhiều âm thanh lạ. Có người nghe tiếng ù ù rất khó chịu phát ra từ trong đầu của chính họ. Có người nghe tiếng rì rì rất lớn và cảm thấy đang chơi vơi bay lộn vòng trong không gian. Có người ghe âm thanh dễ chịu như những tiếng chuông gió vọng lại từ xa.

5/- Họ gặp lại những người thân hay bạn bè đã qua đời.

6/- Tâm an bình và tịch tịnh, mọi ưu phiền và đau đớn không còn.

7/- Đối diện với “Người ánh sáng”, Vị này toàn thân là một khối ánh sáng rực rỡ nhưng không làm chói mắt. “Người ánh sáng’ ban phát cho họ một tình thương yêu không thể tả.

8/- “Người ánh sáng” nhắc nhở họ tự kiểm thảo đời mình. Họ được cho xem toàn bộ cuộc đời của họ từ nhỏ đến thời điểm hiện tại, tất cả diễn ra rõ ràng như xem phim. “Người ánh sáng” nhắc nhở đến việc giúp đỡ người khác và phải trau dồi sự hiểu biết ngay cả sau khi rời thế gian, sang cõi này cũng phải tiếp tục học hỏi vì đó là quy trình không gián đoạn.

9/- Họ thấy ranh giới giữa hai cõi sống và chết như một bờ ranh, một bờ sông hay cánh cửa, một vùng sương mù màu xám, một hàng rào, hay chỉ là đường vẽ dưới đất. Một người bệnh tim kể : Sau khi lìa khỏi xác, tôi thấy mình đang đi trên một cánh đồng thật đẹp, toàn một màu lục, nhưng khác hẳn màu lục của thế gian, và chung quanh tôi tràn ngập một thứ ánh sáng kỳ diệu.Xa xa đàng trước là một cái hàng rào, tôi vội rảo bước đi về phía hàng rào thì thấy một người bên kia đang tiến về phía hàng rào như để gặp tôi. Nhưng bỗng nhiên tôi có cảm giác bị kéo thụt lùi và người bên kia ngoảnh lưng lại đi về phía xa hàng rào”.

10/- Lúc vừa ra khỏi thân xác họ thấy tiếc nuối cái thân. Nhưng sau khi nhìn thấy thế giới bên kia thì họ không muốn trở về nữa, nhất là sau khi gặp “Người ánh sáng”, được ban cho một thứ tình thương bao la vô điều kiện. Nhưng có người muốn trở về để tiếp tục công việc dang dở hay vì các con còn nhỏ.

11/- Những người đã trải qua kinh nghiệm chết đều nhớ rất rõ, họ ngạc nhiên, sửng sốt khi chứng kiến những sự việc đang xảy ra với họ và biết đó là sự thật chớ không phải do tưởng tượng hay ảo giác.

12/-Tất cả những người từ cõi chết quay về đều thay đổi tâm tư, thay đổi hẳn cách nhìn của họ về cuộc đời. Họ thận trọng hơn và thấy cuộc đời họ có mục đích rõ ràng hơn và tình yêu thương cũng nhiều hơn. Họ khám phá rằng đời sống tâm linh thật sự quý báu hơn đời sống vật chất, và hiểu rằng thân xác vật lý chỉ là nơi tạm trú cho phần tâm linh. Một người tâm sự : Kể từ ngày ấy tôi thường tự hỏi tôi đã làm gì với cuộc đời của tôi và khoảng đời còn lại tôi sẽ phải sống như thế nào ? Trước kia muốn gì là làm liền, nay thì thận trọng, trước khi hành động thường tự hỏi việc đó có đáng làm hay không ? có ích gì cho đời sống tâm linh hay không ? Tôi không còn phê phán, tranh cãi và thấy như mình hiểu rõ mọi việc chung quanh một cách đứng đắn, dễ dàng hơn.

Nói chung, những người từ cõi chết hồi sinh đều thấy có mục đích sống rõ ràng hơn. Họ thấy thoải mái hơn, cởi mở hơn, thương yêu nhiều hơn. Họ sực tỉnh thấy xưa nay mình chỉ “mãi sống” và tâm tư lúc nào cũng lo lắng, mưu cầu, sắp đặt cho ngày mai, nuối tiếc quá khứ mà quên sống với giây phút hiện tại. Họ khám phá ra đời sống tinh thần thực sự quý báu hơn đời sống vật chất rất nhiều. Họ nhớ đến bài học từ “Người ánh sáng” là tiền tài, danh vọng hay bằng cấp cao cũng không đáng gì, chỉ có tình thương, ý tưởng phụng sự người khác mới đáng kể. Thông điệp thứ hai từ “Người ánh sáng” là “Mọi người nên trau dồi trí tuệ và tình thương vì sự sống và chết là một quy trình được tiếp nối không ngừng”.

13/- Quan niệm mới về cái chết : Sau khi được thấy cảnh giới đẹp đẽ bên kia, không ai còn sợ chết nữa. Nhưng không phải họ chán sống và muốn tìm đến cái chết. Trái lại, họ thấy quý đời sống hơn và hiểu rằng đời sống là môi trường tốt cho họ học hỏi.

Phía Việt Nam mình tôi cũng có nghe kể và đọc được thông tin vài trường hợp trở về từ Cõi Chết : Tôi có người bạn trong nhóm cùng tu học trước kia, hiện hay đang là một tu sĩ. Anh kể lại là vợ anh đã 2 lần chết đi, sống lại. Câu chuyện vợ anh kể lại cũng tương tự như những gì do Bs Moody ghi nhận. Lúc đó vợ anh bị băng huyết sau khi sinh và đã ngưng thở. Mọi người xúm lại giật tóc mai và cứu chữa. Đang đau đớn rất nhiều, bổng chị có cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái và không còn đau nữa. Nhìn lại, chị thấy chị thấy mình đang ở bên ngoài, thân thể đang nằm trên giường. Má, và anh trai đang ngồi khóc. Chị đến ôm vai má và nói : “má đừng đừng khóc nữa, con đâu có chết”, nhưng má chị không hề hay biết. Chị tới bên người anh đang ngồi khóc, cũng kêu “anh hai đừng khóc, em đâu có chết”, nhưng người anh cũng không nghe. Lúc đó chị nhìn thấy ông bà và những người thân đã chết, kéo đến rất đông. Tất cả đều vui vẻ, rủ chị đi. Nhưng chị sực nhớ là chưa nấu cơm chiều cho chồng, con, nên từ chối. Sau đó chị nghe đau điếng vì đang bị giật tóc mai thì biết là mình đã nhập trở vô thân xác. Chị có kinh nghiệm 2 lần như vậy nên không còn sợ chết nữa. Đó là trường hợp quay lại thân xác chỉ sau vài phút, chưa kịp đi xa.

Có một trường hợp quay lại cuộc sống sau hơn 2 năm qua đời được viết trên báo. Cách đây chắc cũng đã 70 năm, lúc tôi còn nhỏ, khoảng 9 tuổi, đang ở dưới quê, chưa lên Saigon để đi học. Lúc đó tôi tuy nhỏ tuổi mà rất mê đọc báo, vì ở nhà cha tôi có mua báo hàng ngày. Có lần đọc được một bài báo nói về vụ kiện hy hữu gìành con của gia đình một người chết đã 2 năm, mượn thân xác người vừa chết để trở về cuộc sống. Vụ việc đó có thật, bài báo có ghi rõ địa danh, nêu rõ tên của nhân vật, nhưng vì quá lâu nên tôi quên mất, chỉ nhớ địa danh hình như là ở Sa Đéc. Sở dĩ tôi lưu ý bài báo này vì nội dung câu chuyện có thật, nhưng rất hấp dẫn, ly kỳ, mang tính chất huyền bí như sau :

Có một cô gái, con nhà khá giả ở quê, được cha mẹ cho lên Saigon, học trường Gia Long. Kỳ nghỉ hè đó cô về quê, rồi bệnh nặng nên qua đời.

Hai năm sau, người giúp việc cho gia đình cô chèo ghe mang trái cây thu hoạch được ở vườn nhà cô đi bán. Khi chèo ghe ngang qua một con Kinh thì thấy có một cô gái lạ hoắc, ngồi trên chiếc cầu bắt ra con Kinh, ngoắc rối rít và gọi đúng tên chú là Chú Bảy, nên chú lấy làm lạ, tắp ghe vô để coi cô này gọi có chuyện gì và vì sao lại biết tên chú ?

Cô gái mời Chú Bảy vô nhà, rót nước mời, nói tên quê quán, tên cha mẹ, tên mình, và mô tả lúc chết cô được liệm bằng áo màu gì ? Chôn ở đâu ? Vì chú này là người làm trong nhà nên biết rõ mọi việc, thấy mọi chi tiết cô gái kể đều chính xác.

Cô kể : Lúc hồn vừa xuất ra khỏi xác, vật vờ, bị đám ma cũ ăn hiếp, nên cô phải tìm chổ ẩn nấp, và vì còn thiết tha với cuộc sống nên quyết tâm tìm cơ hội để quay về với cuộc sống. Dịp may thấy cô gái con của chủ nhà này vừa chết, hồn vừa xuất ra khỏi xác là cô nhào vô để chiếm cái xác và tỉnh dậy. Cha mẹ cô gái thấy con tỉnh dậy thì rất mừng, nhưng cô nói cho họ biết cô không phải là con của ông bà, chỉ là người mượn cái xác, và xin cho mình được về quê với cha mẹ ruột. Để chứng minh, cô hát tiếng Pháp và làm thơ, vì con gái của nhà này là người nhà quê, không biết chữ. Nhưng cha mẹ của cô gái cũng không chịu tin, cho là con của ông bà đau mới tỉnh lại, nên nói mê sảng. Thế là ngày ngày cô thơ thẩn ra ngồi ngoài cây cầu bắt ngoài con Kinh, chờ gặp người quen để nhắn tin về gia đình. Gặp chú người làm, cô mừng quá nên hối chú mau về nói với cha mẹ ruột qua rước cô về.

Theo báo viết : Cha mẹ ruột cô gái nghe tin vội vã qua xin rước con gái. Nhưng cha mẹ cái xác không cho. Vụ việc đưa ra chính quyền, nhưng không xử được, vì rõ ràng, mặt mày, thân thể là con của nhà bên này. Thất vọng, cô ăn diện lên, hy vọng có người để ý. Sau đó, có người xin cưới là cô ưng ngay và yêu cầu chồng đưa mình về nhà cha mẹ cũ..

Ở Tây Ninh năm 1972 cũng có bà Trần Thị Sương, sinh năm 1924, ngụ tại Ấp Trường Lưu, Xã Trường Hòa, Quận Phú Khương, Tỉnh Tây Ninh, đã chết được 9 giờ - từ 8 giờ tối đêm trước, đến 5 giờ sáng hôm sau - lúc con cháu chuẩn bị tẩn liệm thì bà sống lại. Trước khi trở về, bị bị cấm không được kể lại những gì đã thấy trong lúc du hành lên cõi trên. Nhưng bà suy nghĩ thà mình chịu tội để nhiều người được biết mà sống tốt đẹp hơn nên bà đã viết lại trong quyển sách có tựa đề : “Hồi ký của Hành Thiện TRẦN THỊ SƯƠNG, viết về chuyện chết đi sống lại”, được viết sau 1 năm quay lại cuộc sống, in năm 1974, mục đích là để khuyến tu. Sách được phổ biến trên website daocaodai.info.

Bà Sương kể : Cuối tháng 6 Âm lịch bà bị cảm nhưng uống thuốc đã thuyên giảm. Đến ngày 10/8/1972 khoảng 8 giờ tối, bà thấy khó chịu nên vào giường nằm. Bỗng thấy tay chân lạnh dần. Bà cố gắng gọi người nhà nhưng không có ai nghe. Bà thấy như máu trong người đặc lại, tim đập loạn, hơi thở nặng nhọc, đầu tê rần, lưỡi cứng lại, không cử động được nữa. Bà thấy có 1 vầng sáng đường kính khoảng 2m trên đầu, giống như cái chong chóng, có 1 sợi dây nhỏ màu xám nối với đỉnh đầu của bà. Vầng sáng càng quay thì bà càng mệt, hơi thở gần như đứt đoạn. Rồi bỗng vầng sáng biến mất, bà thấy mình khỏe lại, người nhẹ nhàng, ngó lại thấy xác mình đang nằm bất động thì biết là mình đã xuất ra khỏi xác.

Bà kể : Khi hồn xuất ra khỏi xác, bà hoàn toàn tỉnh táo trong hình dáng một Chơn Linh. Bà bay xuyên tường ra phòng khách rồi thấy có hai người đến đón, và dắt bay lên trời, xuyên qua nhiều lớp mây. Lúc đó là 8 giờ tối, dưới trần đã tối rồi, nhưng càng lên cao thì bầu trời càng sáng, quang cảnh càng đẹp. Hai vị dẫn dắt giải thích cho bà về những cảnh giới của cõi trên. Những người tu luyện cao thì ở tầng cao hơn và nhà cũng đẹp hơn. Càng thấp về gần trần gian thì càng có mùi hôi thúi không chịu nổi ! Bà thấy có cảnh rất đẹp, được hai vị dắt đi giải thích đây là cảnh Thiên Thai, trên cõi trần 1 bậc. Khắp nơi, con người, cây cối, nhà cửa, y phục cũng giống như cõi trần, nhưng con người ở đây cốt cách phong lưu, đẹp đẻ. Sinh hoạt ở đây có vẻ an nhàn và không có tiếng động. Lên cao nữa thì thấy có tòa nhà rất lớn gọi là Nhà Tịnh, trong đó các Chơn linh rất đông. Có một chỗ sáng rực, mỗi Chơn linh đứng trước đó thì nhìn thấy hết những gì họ đã gây tạo trong thời gian còn sống. Đó là nơi luận tội để chờ ra Tòa Tam Giáo.

Bay lên cảnh giới cao hơn thì thấy nhiều đền đài, dinh thự rất đẹp. Tất cả đều sáng sủa, thanh tịnh. Nhiều cây cối màu sắc xinh đẹp, mỗi trái đều lấp lánh hào quang. Khi bà đến gần thì nhành lá cử động như chào đón. Bà còn thấy được đền đài hào quang sáng chói, nóc màu vàng ánh, vách màu xanh như cẩm thạch. Bên trong trang trí vô cùng sang trọng, mỗi nơi một vẻ đẹp lạ lùng, cung điện vua chúa trần gian không thể so sánh. Có nhiều đấng Thiêng Liêng trang phục phần nhiều màu xanh như có kim tuyến lấp lánh. Vị dẫn đường giải thích : Ở đây không cần ăn mà vẫn no. Y phục không thay đổi mà vẫn sạch sẽ. Trên cao nữa là những bậc Thần mặc toàn trắng, sáng chiếu, họ cỡi hạc bay qua lại rất thong dong. Hai vị giải thích là còn 8 tầng nữa mới đến nơi Thượng Đế ngự..

Nhìn lên thấy một vùng sáng lóa, bà ao ước làm sao để gặp được Thượng Đế thì thấy Ngài hiện ra giữa muôn đạo hào quang. Ngài mặc toàn trắng, sáng chiếu, đội mão Thiên quang ( ?) , râu dài và bạc, gương mặt vô cùng thanh thoát, đầy vẻ từ bi. Bà quỳ xuống lạy Thượng Đế và khóc vì ân hận trọn cả kiếp sống chưa làm được việc gì trọng đại trên đường phụng sự nhân sinh. Đã vậy lúc còn sống bà còn không tin rằng có Thương Đế, nên giờ thấy ân hận vô cùng. Bà nghe Thượng Đế phán : “Đừng khóc, cho con trở lại lập công”. Nhớ đến mùi trược khí ở trần gian và ngó xuống thi hài xác thịt hôi thối bà thấy ghê gớm quá, xin ở lại, nhưng Thượng Đế phán : “công quả của con chưa đủ, chưa ở lại được, phải trở về trần gian, ráng lập công, sẽ có Thần Thánh theo giúp”. Nhìn lại thấy Thượng Đế thay đổi, tay trái cầm gậy sáng chiếu, tay phải đưa lên, có một lằn sáng trắng trong tay Ngài bay thẳng vào đầu của bà, lúc đó đầu của bà sáng rực, bà cảm thấy thông thái, nhẹ nhàng.

Trước kia bà tưởng rằng chỉ những người theo tôn giáo của mình mới được siêu thăng. Không ngờ khi lên cõi đó mới thấy không hề có phân biệt tôn giáo, mà tất cả những ai sống thiện đều được đến đó. Họ di chuyển không cần đi, muốn nhanh hay chậm tùy ý. Cũng không cần ngôn ngữ, và dù ở xa nhau nhưng vẫn hiểu được ý nhau. Bà kể : từ khi bà được gặp Thượng Đế và được nhận luồng ánh sáng từ tay Ngài chiếu vô đầu, thì bà sáng suốt, khác hẳn lúc chưa rời khỏi thân xác.

Vị hướng dẫn lại tiếp tục đưa bà đi. Bà thấy được dĩ vãng và được nghe giải thích về những Chơn Linh đã làm việc ác mà phải đọa, xong thì được đưa trở lại trần gian. Bà thấy trong vô số người bị đọa làm thú có thân nhân của bà. Vị hướng dẫn dặn bà phải tu hành để cứu độ các chơn hồn, xong, nghe có tiếng bảo : “Xuống đi”. Bà sợ quá vì nghĩ đến mùi hôi thúi nơi cõi trần, thì bị xô làm chới với, mở mắt ra thì thấy người nhà đang lăng xăng lo cho bà. Lúc đó là khoảng 5 giờ sáng ngày 3 tháng 7 năm Nhâm Tý, thân nhân đang chuẩn bị khâm liệm cho bà.

Từ lúc sống lại thì bà thay đổi hẳn. Trước kia thì bà ăn mặn, nhưng từ khi chết và quay trở lại trần gian thì bà ăn chay và chuyên làm việc thiện. Trong clip quay cuộc phỏng vấn của phóng viên với bà Sương. Bà chết đi rồi sống lại năm 49 tuổi, nhưng trong cuộc phỏng vấn bà năm bà 89 tuổi thì thấy bà nói năng vẫn trơn tru, trả lời từng câu hỏi một cách rành mạch, rõ ràng. Đặc biệt trước lúc chết, trí nhớ bà kém lại mang những bệnh như Viêm Phế Quản, Viêm gai cột sống, không thể ngồi lâu được, mà sau khi hồi sinh thì những bệnh đó dần biến mất, trí nhớ lại tốt hơn. Trong sách, bà khuyên mọi người nên Giữ Ngũ Giới, Làm lành, lánh dữ, dưỡng tánh, tu tâm, lập công, bồi đức, cứu độ nhơn sanh.

Đa phần người xuất ra khỏi thân xác đều nói rằng họ xuất ra trong thân hình giống như ánh sáng hoặc hơi nước và có thể xuyên qua tường. Qua tổng kết nghiên cứu nơi 150 người từ cõi chết trở về. Bác Sĩ Moody kết luận : Họ hiểu được rằng không phải chết là hết. Chết không phải là điều gì đau khổ, đáng sợ, mà là điều đáng mừng, sung sướng, có cảm tưởng như trở về nhà. Họ mô tả ánh sáng mà họ gặp bên kia kiếp sống là “cái gì đó ấm áp, đầy tình thương”. Tất cả những người trở về từ cõi chết đều thay đổi tính tình, từ xấu sang tốt và cho rằng “Cuộc sống là một món quà quý giá mà Thượng Đế ban tặng”.

Hầu hết những tôn giáo đều có nói đến “Đời sau”, tức là cuộc sống sau cái Chết. Tín đồ Thiên Chúa Giáo được dạy là cuộc sống trên thế gian chỉ là kiếp sống tạm. Sau khi bỏ thân xác này thì sẽ được về với Đức Chúa Trời, với cuộc sống tốt đẹp vĩnh viễn. Vì vậy, lúc sống nên làm theo lời dạy của Chúa để sau khi bỏ kiếp sống này sẽ được về Nước Trời hưởng phúc. Đạo Phật cũng cho rằng “cuộc đời chỉ là tạm bợ, Thân này là Tứ Đại giả hợp, đến lúc hết Duyên, hết Nghiệp thì phải hoàn trả lại cho Tứ Đại, và khuyên con người nên tìm cho được Bổn Thể Tâm của mình, đừng bám lấy cái Thân, vì nó không trường tồn. Danh vọng, vật chất, bạc tiền của trần gian thuộc về cái Thân giả tạm, nếu cứ bám lấy cái Thân giả tạm thì sẽ vì nó mà tạo Nghiệp để rồi sau khi cái Thân tan rả, cái Nghiệp vẫn bám theo người đã làm, để rồi phải thọ cái thân mới để trả. Mục đích là để khuyên con người đừng tạo Ác Nghiệp.

Nhưng nhiều thời qua, bao nhiêu lớp Tu Sĩ đã hiểu sai, tưởng rằng Đạo Phật dạy chê chán cuộc đời, cho cuộc đời là ô trược. Vì thế nên họ bỏ hết, vô Chùa, giao hết mọi việc nuôi sống bản thân, từ thực phẩm, y phục, thuốc men, vật dụng cho đến mọi chi phí sinh hoạt đều để cho người đời lo, mình thì ngày đêm chỉ tụng kinh, Niệm Phật chờ ngày về Niết Bàn ! Thật vậy, đa phần các Tu Sĩ cứ nghĩ rằng Phật là Thần Linh, sẽ phù hộ, độ trì cho tất cả mọi người, nên bỏ đời để “Xuất Gia đầu Phật”, rồi sống bên lề cuộc đời, không làm ăn, không dính tới mọi việc của đời rồi tưởng rằng mình đã “thoát tục” , trong khi cái “tục” mà mọi người cần Thoát chính là Vô Minh, là Tham, Sân, Si đã bao nhiêu kiếp lôi kéo con người vào vòng Sinh Tử Luân hồi. Phật không có hứa sẽ “Độ” cho ai, mà dạy mỗi người phải Tự Tu để Tự Độ. Sau khi làm xong cho mình thì phải đền TỨ ÂN, tức Ân Phụ Mẫu, Ân Thầy, Ân phật, Ân Đất Nước và Ân Chúng Sinh. Đền cách nào nếu không phải là phụng dưỡng cha mẹ. Góp công sức để xây dựng đất nước. Giúp đỡ cho mọi người chung quanh để đền ơn xã hội và mọi người đã góp phần đem lại cho mình cuộc sống bình an, hạnh phúc ? Nếu ta không làm theo lời Phật dạy thì sao xứng là Đệ Tử của Ngài ?

Dù bản chất của cái Thân không trường tồn, và mọi người đến với kiếp sống hiện tại là để trả những gì đã gieo hoặc nhận những gì đã làm ở kiếp trước. Nhưng không phải “Chết là hết”, sống lương thiện hay bất lương cũng như nhau. Mà phải hiểu rằng cái Thân dù có hư hoại, nhưng Nghiệp Quả không mất. Những gì mọi người đã làm trong thời gian tồn tại là Nghiệp mới, lại phải luân lưu để trả. Do đó mà vòng Luân Hồi Sinh, Tử, Tử, Sinh không ngừng quay cho đến khi nào ý thức được để dừng lại. Nhưng Dừng lại không có nghĩa là buông xuôi, bỏ mặc cuộc đời, bỏ cả Thiện, Ác, mà là dừng cái Tâm tham cầu, mê đắm, rồi bỏ Ác, hành Thiện.

Hầu hết Phật Tử đều được dạy rằng khi có người thân qua đời, nếu rước các Sư tới tụng kinh Vãng Sanh thì Phật và Thánh Chúng sẽ đến rước vong linh người chết đưa về Tây Phương Cực Lạc ! Tin như thế là phỉ báng Luật Nhân Quả, vì không lẽ cả đời sống ác, khi chết chỉ cần vài bài tụng mà siêu thăng ? Sư chẳng lẽ có quyền lực cao hơn Phật, có thể điều khiển được Phật và Thánh chúng ? Đó là những người mê tín, không chỉ tốn tiền vô ích, lại còn xúc phạm Thần Thánh. Đạo Phật chân chính chỉ có Nhân Quả, không có chuyện cầu xin, hay nhờ ai can thiệp giùm mà thoát tội hay giảm bớt tội ! Người tin vào những điều như thế là đã lạc vào mê tín, thần Quyền, không còn là Đạo Phật chân chính nữa.

Ai rồi cũng phải Chết. Chắc chắn sau khi chết, bề trên cũng sẽ không hỏi lúc sống ta theo Tôn Giáo nào ? Học được bao nhiêu bằng cấp ? Làm tới chực vụ gì ? mà chỉ hỏi ta đã sống như thế nào ? Vì Tôn giáo nào dù tốt đẹp cách mấy nhưng nếu ta theo rồi không tuân giữ những điều răn, những lời giáo huấn thì cũng như không mà thôi. Bằng cấp hay chức vụ cũng chỉ là những thứ mà ta phấn đấu để nâng giá trị cho cái Thân, không liên quan gì đến đời sống tâm linh. Chính cái Cách sống mới là hành trang đi theo mỗi người không rời, dù có đi đến kiếp nào. Tôn giáo cũng chỉ là những phương tiện mà bề trên dùng những hình thức khác nhau để cho con người chọn lựa, nhưng cũng chỉ để hướng tín đồ đến đích cuối cùng là CHÂN, THIỆN, MỸ mà thôi.

Giữa những người cho rằng cuộc đời là thật, cái Thân là mình, rồi bon chen, đấu đá, tranh giành của cải, vật chất để hưởng thụ, bất chấp hậu quả, và những người cho rằng cuộc đời là Không, trần gian là ô trược, rồi bỏ đời không làm ăn kiếm sống, không tham gia việc đời, chỉ tụng Kinh, niệm Phật chờ về Niết Bàn thì đều là phí phạm kiếp sống, hoặc gây thêm Nghiệp chồng chất để kiếp sau phải đọa. Phật dạy : “Nhân thân nan đắc”. Những người chết đi rồi được trở lại làm người thì hiếm hoi như chút đất dính trên đầu móng tay, so với trái đất, để ta biết quý cái Thân, quý cuộc sống mà sống cho xứng đáng, vì kiếp sống là cơ hội để mọi người tấy rửa, rèn giũa cái Tâm, để nó trở lại tình trạng thanh tịnh buổi đầu mà nhiều kiếp rồi do luân lưu nơi hồng trần ta đã để nó nhuốm bụi trần.

Người không sợ chết là người biết sau khi chết mình sẽ được về nơi tốt đẹp. Nếu trước kia mình tưởng cái Thân là Mình, vì gắn bó với nó từ khi chào đời, mọi ăn, uống, vui, buồn, sướng khổ đều từ nó mà ra. Nhưng từ khi ý thức được nó chỉ là ngôi nhà mà mình tạm trú ngụ trong một thời gian, nhiều lắm là một trăm năm. Mình là chủ nhân tạm ở trong ngôi nhà đó, thì lấy lại địa vị chủ nhân của mình. Không chìu theo cảm xúc của cái Thân nữa, mà kể từ đó, nó trở thành công cụ để cho mình thực hiện những việc tốt đẹp cho mình, cho người. Khi cái Thân làm chủ, thì Lục Căn là Lục Tặc, chuyên mang những ngoại pháp về quấy nhiễu. Từ lúc tìm được Bản thể Tâm, mình điều khiển Lục Căn, để chúng trở thành Lục Hộ Pháp, hỗ trợ cho mình trên con đường sống và tu hành. Muốn được như vậy thì phải qua những giai đoạn tu tập, quán sát, xem xét về Cái Thân, Cái Tâm, song song với việc giữ Ngũ Giới, không rời Bát Chánh Đạo để có Trí Huệ nhận biết cần làm những gì, rồi từng bước thực hành.

Người xả được cái Chấp Thân thì không còn vì nó mà tạo Nghiệp. Khi mọi người làm chủ được cái Thân, ý thức được nó là giả tạm, đến khi hết Duyên, hết Nghiệp sẽ phải trả nó về cho Tứ Đại, thì đâu có nuối tiếc khi nó ra đi, vì những việc cần làm ta đã làm xong trong thời gian có nó hỗ trợ rồi. Khi phụ mẫu còn sinh thời, ta đã phụng dưỡng đầy đủ, thì lúc các vị hết Duyên, hết Nghiệp mà ra đi cũng đâu phải vật vã khóc lóc, hối tiếc vì đã không đối tốt với họ ? Trong thời gian gia đình đoàn tụ mọi người đều yêu thương, quý trọng, nhường nhịn nhau thì lúc phải chia lìa đâu có xót xa, lưu luyến ? Cả kiếp sống mình toàn làm những điều tốt, thì như người đã để dành sẵn tài khoản trong Ngân Hàng ở bên kia thế giới, thì đâu có sợ hãi, hoang mang khi phải rời trần gian ?

Tóm lại. Với người đã ý thức được rằng đã Sinh thì phải Tử. Cuộc đời chỉ là nơi cho cái Thân giả tạm sống qua một kiếp, và Cái Chết chỉ diễn ra với cái Thân, để nó hoàn trả về cho Tứ Đại những gì đã vay mượn. Mình là cái Chân Tánh, (hay nói theo các Tôn Giáo khác là Linh Hồn, hay Tiểu Linh Quang, hay Chân Linh)..mà Chân Tánh không có Chết, chỉ là chuyển kiếp mà thôi. Xấu hay tốt, được hưởng hay bị đọa cũng do những việc mình đã làm trong kiếp sống vừa qua. Do đó, chỉ có những người làm ác là phải lo sợ, vì biết rằng sẽ bị trả giá cho những việc họ đã làm mà dù xã hội, luật pháp đời không biết để bắt tội, nhưng với luật chí công thì không thể thoát được.

Chúng ta nên trân trọng kiếp sống, vì đây là thời gian cho ta chuẩn bị hành trang, vốn liếng cho kiếp lai sinh. Đối với cái Thân, ta đã biết rằng nó vừa là người bạn đồng hành, vừa là ân nhân giúp ta thực hiện những điều mà Cái Tâm dù muốn thực hiện, nhưng nếu không có cái Thân thì không thể thực hiện được. Như vậy nó đâu có đáng bị bắt phải khổ hạnh, hành xác ? Không nuông chiều nó quá đáng, nhưng cũng phải để cho nó nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nó có bệnh cũng phải tìm thầy, chạy thuốc, vì nó là trợ lý đắc lực cho ta.

Sống vừa phải. Không bon chen khổ cực để tranh giành bạc tiền, địa vị, vì có dành được cho nhiều thì lúc chết cũng không mang theo được. Không hơn thua với ai, ngày tháng an nhàn, thanh thản, thì trần gian với bao nhiêu cảnh sắc hữu tình : Hoa bốn mùa khoe sắc. Mùa nào trái nấy. Cây cỏ xanh tươi, Suối nguồn uốn lượn. Đồi núi chập chùng. Biển rộng bao la..Con người cũng góp phần để chế tạo máy bay, tàu thuyền, cần tới đâu thì chỉ vài giờ là đến nơi. Khoảng cách dù xa mấy cũng không còn làm trở ngại cho con người được nữa. Thậm chí muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp bên trời Tây cách xa nửa vòng trái đất, thì mua vé máy bay rồi bay chỉ mất một ngày, một đêm là tới, tha hồ vi vu, thì trần gian có khác gì tiên cảnh ? Sống giữa cảnh trần mà không bị phiền não, lại được hạnh phúc, an vui, Phật gọi đó là “Hữu Dư Y Niết Bàn” mà người tu được hưởng ngay tại trần thế, không cần phải đợi lúc hết kiếp, qua kiếp khác mới đạt được.

Dù theo bất cứ tôn giáo nào, miễn là chúng ta sống đạo đức, giữ công bằng, không làm ác, biết yêu thương giúp đỡ người khác. Với nếp sống đó thì khi rời cái Thân đương nhiên sẽ được về nơi tốt đẹp. Không cần phải cầu Siêu hay cầu xin ai, vì có cầu cũng vô ích. Không thần thánh nào có quyền thay đổi Nhân Quả. Chỉ cần mỗi người biết rằng làm Ác thì sẽ bị đọa, làm Lành sẽ về nơi thánh thiện, để tự ý thức mà chuẩn bị cho mình ngay tại kiếp sống, thì khi bỏ xác thân cũng giống như người rời nơi đang cư ngụ để đi đinh cư ở một nước khác tốt hơn. Trước đó họ đã chuẩn bị hành trang, nghề nghiệp đầy đủ rồi. Tiền bạc cũng đã gởi sẵn ở Ngân Hàng bên nước đó trước rồi, thì không có gì phải lo âu hay sợ hãi vậy ?

7/2022-24




VVM.21.6.2024.