Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




LẼ ÐẠO và TIẾN HÓA


      

Phần Mở Đầu – Chương 1


Sống, Sự Sống : Vấn đề của mọi Vấn Đề Hiện Hữu-Tồn Tại - Cuộc Sống-Cuộc Đời.

« Tôi nghĩ rằng ý nghĩa của Sự Sống là cấp thiết nhất trong mọi vấn đề »
         (Je juge donc que le sens de la vie est la plus pressante des questions –

         Albert Camus : Le Mythe de Sisyphe).


I.- Sống, vấn đề tiên thiên :

‘Sống, Sự Sống’ là gì ? Hầu như chưa có một định nghĩa rõ ràng. Mọi ‘định nghĩa’ nơi các Tự điển, dù về mặt triết học hay khoa học chỉ nói lên những hiện tượng, những sự kiện thể hiện Sự Sống, cho biết ‘có sự sống’ chứ không nói rõ ‘sống, sự sống là gì’. Những sự kiện nói lên ‘sự sống ‘của sinh vật, theo khoa học, gồm có : sự tự nuôi dưỡng (nutrition), sự thâu hóa (assimilation), sự tăng trưởng (croissance), sự thích ứng với môi trường (adaptation) và sự sinh sản (reproduction). Trong ‘Tự Điển Thân Tình về Trời và các Ngôi Sao’ (Dictionnaire amoureux du Ciel et đes Étoiles), nhà Thiên thể Vật lý Trịnh Xuân Thuận nêu ra những đặc điểm của sinh vật hay vật sống đối chiếu với các vật không có sự sống hay vật vô tình, vô tri (1) nhưng cũng chưa nêu ra định nghĩa về ‘Sống, Sự Sống’. Bình thường, chúng ta hiểu hay đúng hơn là ‘nhận biết’ sự sống qua tấm thân xác chúng ta cùng những khả năng chứa đựng nơi nó đang hoạt động : thở hít, ăn uống, cử động, la hét, nói năng, đi đứng, nằm ngồi, chạy nhảy, bài tiết,…rồi đến bao hoạt động cao cấp hơn : yêu thương, suy nghĩ,…Khi tất cả những hoạt động đó không còn nữa thì là ‘hết sống’ tức ‘chết’, xác thân còn đấy nhưng vô tri, trở nên hôi thối đợi giờ tan rã nếu không đem chôn hay hỏa táng. Như thế, có thể hiểu : ‘Sống là hoạt động’ ; ‘chết là không còn hoạt động nữa’. Nhưng hoạt động là gì ? Hiểu thế nào là hoạt động ? Do đâu có hoạt động ? Và để làm gì ? Một viên đá lớn nằm bất động trên đường ta đi, chẳng hoạt động gì hết, như vậy nó ‘sống hay chết ‘? Ta đẩy nó, nó lăn đi một khoảng, như thế là nó ‘hoạt động’ (?) và nó ‘sống’ chăng ? Nước trong chiếc ao tù đọng và nước chảy xuôi trong một khe lạch, thứ nước nào đang chết hay đang sống ? Bình thường ta cử động, đi lại, nói năng, nghĩ suy, yêu thương, giận hơn,… ;như thế là ta dang sống vì ta đang hoạt động. Nhưng lúc ta bị hôn mê, nằm lịm đi hàng giờ, hàng ngày,..như thế là ta ‘không sống vì ta không có hoat động nào, phải thế chăng ? Nếu SỐNG là có hoạt đông, cử đông, hành động thì những thứ bui bặm, đất đá, những thứ được gọi là ‘vô tình, vô tri’ tức những ‘vật thể vô cơ’ (objets inanimés) không ‘sống, không có sự sống của chúng chăng ? (xin không dông dài thêm).

Cũng đối chiếu những khác nhau giữa ‘vật sống ‘ (êtres vivants) và ‘vật không sống’ (êtres non-vivants, êtres inertes), người viết tạm hiểu như sau : ‘’Sống là đem khả năng sẵn có nơi mình để tác động vào bên ngoài và vào chính mình hầu kéo dài hiện hữu và tồn tại của mình được tiếp nối dài lâu và phát triển tốt đẹp hơn qua thời gian’’. Chúng ta biết rằng sinh vật nào cũng có một khả năng tự thân, trước tiên chính nơi thân xác nó, đấy là cái năng lượng của thân xác (énergie musculaire, énergie corporelle), năng lượng vật lý (énergie physique) rồi trên diễn trình phát triển, có thêm những năng lượng tinh thần gồm ‘năng lượng tri thức hay trí tuệ’ (énergie intellectuelle) và ‘năng lượng tâm linh’ (énergìe psychique, énergie spirituelle) vốn có sẵn nơi sinh vật nhưng phải đợi sự tăng trưởng của cấu trúc thân xác mới phát hiện càng lúc càng phong phú.. Chính những năng lượng nầy đã tạo nên sự sống nơi sinh vật, rõ rệt nhất nơi con người. Những sản phẩm do con người làm ra như máy móc vốn không có năng lượng trên nên không có sự sống. Những ‘máy móc tự động’, những ‘người máy tự động’ (robot, automate) dù có hoạt động hữu hiệu hơn con người rất nhiều nhưng vì không có sẵn năng lượng nên cũng không có sự sống. Muốn chúng ‘sống’, ta phải cung cấp năng lượng cho chúng qua những bình điện, những transistors, những thỏi pin hay gì khác (2) để chúng hoạt động, có nghĩa để chúng thể hiện ‘sự sống’ ra bên ngoài. Ngày nay, khoa Robotique’ đang làm công việc đó, càng ngày càng tinh vi, điêu luyện hơn, nhất là về ‘người máy’ phỏng theo bộ não và trí thông minh nhân tạo của con người (cerveua artificiel, intelligence artificielle). Các nhà khoa học đã ‘chương trình hóa’ (reprogrammer) những ‘con nguời máy’ đó biết hoạt động, nói năng, suy tư, cảm giác, cảm xúc như con người nhiều khi còn nhanh chóng hữu hiệu hơn con người rất nhiều như biết nói năng, đối đãi, đánh cờ, nấu ăn, chơi các môn thể thao, nghệ thuật, biết đàn hát, khiên vũ, có thể cả biết ‘làm tình’ (?) với nhau nữa. Khoa học, kỹ thuật đã chế tác ra những ‘nữ nhân người máy’ giống hệt như một cô gái, một phụ nữ duyên dáng, yêu kiều, biết nói năng, chiều chuộng ta như một ‘người tình’ dể ta không cảm thấy cô đơn (như cô người máy Sophia đã được xứ Arabie Saoudite nhận là ‘công dân’ của nước nầy). Tuy nhiên, những ‘con người máy’ đó không có một năng lượng nào mà năng lượng của chúng đều do nhà kỹ sư phổ vào cho nó qua một lập trình (programme) nào đó chứ tự nó không có. Nó có thể thu nạp điện năng của ánh sáng măt trời hoặc tại một ổ điện nào đó trong nhà chứ không có một năng lượng từ tự thân nó như con người. Và dù, những ‘nữ nhân người máy’ có lộng lẫy, đẹp đẽ đến đâu, chúng ta cũng không thể xem là ‘tình nhân’, là ‘người vợ’ của ta vì ‘nàng’ không là con người sinh vật lý như các người nữ bình thường trong xã hội ta đang sống.

Ngày nay, do những tiến bộ của khoa Giải Phẫu, nhiều nơi (như ở Thái Lan), người ta thực hiện được sự ‘chuyển giới tính’, chuyển đổi người nam sang nguời nữ vô cùng xinh dẹp, có thể chẳng thua gì những ‘nguời mẫu’, những «’hoa hậu’ , tuy nhiên không thể sinh đẻ vì không có buồng trứng, không có những noãn sào (người viết đọc trên Net như thế, chứ không biết gì hơn. Không rõ cổ chuyển đổi ngươì nữ sang ngườii nam được chăng ?).- [ Người viết sẽ rất vui sướng được thuê mướn những cô gái chuyển giới đó để đi ‘khoe’ với mọi người rằng ‘ta có người tình xinh đẹp, lộng lẫy’ nhưng chắc không muốn lấy làm vợ, làm ‘bạn dời’ vì thấy có cái gì đó không bình thưởng, không tự nhiên – Thế nhưng ở nhiều quốc gia, như ở Hoa Kỳ, đặc biệt là cái Ðảng Dân Chủ hiện nay, ngoài việc cho phép, ủng hộ và tài trợ chuyện phá thai dù cái thai đã đến ngày sắp phải chào đời, còn khuyến khích, dạy dỗ các em ngay từ các lớp Mẫu Giáo về việc chuyển đổi và chọn lựa chuyển đổi giới tính, cho phép các học sinh tự cho mình là đã chuyển đổi giới tính, được tự do vào các nhà vệ sinh phái nữ,…Sự việc chuyển dổi giới tính cùng những hôn nhân đồng tính đặt ra nhiều vấn đê rắc rối về Pháp lý, Ðức lý : vấn đề hôn thú, vấn đề con nuôi, vấn đề phân chia tài sản, v v…].Như thế, Khoa học càng lúc càng có thể ‘tạo’ nên Sự Sống, chế tạo Sự Sống và giết chết Sự Sống tùy theo ý của những nhà khoa học phi nhân bản nầy.

Sống là gì ? Do đâu có sự sống ? Tại sao sống ? Sống để làm gì ? Sống có ý nghĩa gì ? Sống như thế nào ? Phải sống ra sao ?…Bao nhiêu câu hỏi, rất nhiều trả lời nhưng tất cả hầu như bất túc. Chỉ biết rằng người nào, dân tộc nào, cả chung nhân loại -nói riêng về con người- cũng đã sống, đang sống, phải sống, muốn sống, kéo dài sự sống dù gian nan, khổ cực đến mấy. Cái ham muốn hay ý chí ham sống đó khiến tất cả đều lo sợ cái Chết.

Sống, Sự Sống là vấn đề có trước mọi vấn đề , làm nẩy sinh bao nhiêu vấn đề khác. Sinh ra là để sống, giản dị như thế. Trong vở kịch Hamlet của Shakespeare, chàng Hamlet đã phân vân tự hỏi : ‘’Sống hay không sống, đấy là vấn đề’’ (To be or not to be, that is the question – Être ou ne pas être, telle est la question). Đức Khổng đã bảo : ‘’Đức lớn của Trời Đất là lo cho sự sống’’ (Thiên địa đại đức viết sinh ) nhưng Ngài chưa nói rõ Trời Đất lo cho Sự Sống như thế nào.

Không sống, không có sự sống thì cũng chẳng có tròi đất, vũ trụ, thiên hà, tinh vân, mặt trời, trái đất, biển sông, núi rừng, cây cối, hoa lá, chim chóc, cá tôm, súc vật, con người,..Không Sống, Không có Sự Sống hẳn nhiên không có xã hội, không có vấn đề đạo đức, luân lý, pháp luật, khoa học, chính trị, kinh tế, triết học ; không có ‘tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’ ; không có từ bi, bác ái, công lý, hòa bình, tự do, bình đẵng, nhân phẩm, nhân quyền ; không có tiến bộ, văn minh, văn hóa, tiến hóa gì ráo trọi, không có quân tử, tiểu nhân, anh hùng, thần thánh, phàm phu ; không có thiên đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh,.. Không Sống, không có Sụ Sống, hẳn nhiên cũng chẳng có vấn đề hạnh phúc, đau khổ gì ráo. Lâu nay, người ta thường phân biệt ‘vật sống’ hay ‘sinh vật’ với những ‘vật vô tình, vô tri’ tức nhưng vật ‘không có Sự Sống’ như đất, đá, nước, lửa,..Thực ra, bất cứ thứ gì đã hiện hữu trong vũ trụ nầy đều sống cả, đều có sự Sống của mỗi thứ từ hạt bụi, từ các vi tử sơ khai, các vi trùng, virus cho đến mặt trới, trái đất, tinh tú, cac dảy thiên hà,…

Không Sống thì chẳng có bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, con người lại luôn ưu tư, thắc mắc, luôn luôn tra vấn về Nó. Con người luôn băn khoăn đi tìm Nguồn gốc, ý nghĩa và cứu cánh Sự Sống của con người, của vũ trụ. Tôn giáo, Triết học chú tâm đi tìm cái nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng tức cái Nguồn gốc, cái Chung cục và ý nghĩa của Sự Sống. Khoa học vì không mấy lưu tâm đến ‘ý nghĩa’ nên cho rằng ‘Sống, Sự Sống, Cuộc sống, Cuộc đời’ cùng Lịch sử và Tiến hóa chung quy là những diễn trình theo một thứ ‘phi tất định’ (indétermination) , một ‘ngẫu nhiên’ (hasard) nên không giải đáp được những băn khoăn siêu hình của con người. Trong lúc, Đạo học, Tôn giáo, Triết học luôn đi tìm căn nguyên, ý nghĩa và cứu cánh Sự Sống nên thiên về thuyết ‘Tất Định’ (déterminisme) được xem là ‘hiển nhiên’ hay một ‘giả định tất yếu’ của luận lý, khó lòng chứng minh, thử nghiệm. Nhìn chung, mọi lý luận, biện bác dù thuộc nghành học nào, cũng chỉ là những giải minh, giải trình muôn đời khác nhau về một thứ muôn đời chỉ Một tức Sự Sống. Chúng ta nhận biết được vận hành của Sự Sống nơi ta và nơi xã hội nhân loại cùng nơi những loại sinh vật nhưng không (hay chưa) nhận biết đích thực được Sự Sống là gì. Không Sống, không có Sự Sống thì chẳng có vấn đề nào được đặt ra. Sống, Sự Sống là thứ gì cao quí nhất, quan trọng nhất, cần thiết nhất và phải được tôn trọng. Hai Tôn giáo lớn đã từng nhấn mạnh điều đó. Ki-Tô giáo, một trong mười điều răn của Đức Chúa Trời là ‘ngươi chớ giết người’ (sách Sáng Thế). Phật giáo còn đi xa hơn, không chỉ bảo ‘không được giết người’ mà còn bảo không được giết Sự Sống của những loại sinh vật khác. Sống, Sự Sống là vấn đề tiên thiên, như nhiên có trước mọi vấn đề, vấn đề của mọi vấn đề, vấn đề muôn thưở, một vấn đề hầu như huyền nhiệm.

(Tập sách nầy không làm công việc định nghĩa, giải thích Sống hay Sự Sống mà chỉ sơ lược nói lên diễn trình Sự Sống của loài người từ thuở sơ khai đến nay và hình dung cảnh sống của nhân loại trong thời gian tới.)

II.-Hiện hữu/Tồn tại - Không gian/Thời gian.

Về mặt Đạo Học,Triết Học, Sống, Sự Sống được hiểu trước tiên là Hiện Hữu và Tồn Tại. Để hiểu rõ phần nầy, xin được thông qua một số từ ngữ được dùng trước nay như : hiện thể, vật thể, vũ trụ, thế giới,…

Hiện Hữu tự hiện bày (paraître) , tự trình xuất (se présenter) mình ra để hiện diện, để có mặt với thế giới trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại từ lúc được ‘sinh ra’ đến lúc ‘chết’ tức không còn hiện hữu nữa. Môi trường thiên nhiên gồm tất cả mọi thứ trong vũ trụ hiện tượng nầy. Môi trường đồng loại thường gọi là môi trường xã hội bao gồm tất cả mọi hiện thể cùng loại với mình ; với con người, môi trường đồng loại là môi trường giữa người và người mà Nguyễn Du gọi là ‘cõi người ta’. Kỷ niệm ‘Sinh nhựt’ là kỷ niệm ngày ta hiện tiền cùng thế giới, nói lên niềm vui của đồng loại (trước tiên là mọi người trong gia đình) thấy ta hiện diện cùng mọi người để tiếp nối gia hệ, dòng họ. Kỷ niệm ‘ngày chết’ (tử nhựt) là kỷ niệm ngày ta không còn hiện diện cùng đồng loại, nói lên niềm thương tiếc thấy ta không còn bên cạnh mọi người. Theo Bà Hannah Arendt, ‘Sống đồng nghĩa với hiện hữu giữa mọi người và Chết đồng nghĩa với không còn hiện hữu giữa mọi người’ (3). Hiện Hữu, tiếng Pháp là ‘être’(động từ, không viết hoa), còn có nghĩa là ‘Sống’ (vivre) và ‘sự sống’ là ‘la vie’. ; tiếng Anh, sống là to be (être), to live (vivre), to be alive’ (être en vie), sự sống là ‘the life’ (la vie). (Người viết không rành ngoại ngữ nên không dám đề cập thêm)

Hiện hữu, như đã nói trên, là tự xuất hiện, tự trình xuất mình hay được sinh ra, được hình thành để cùng góp mặt, cùng hiện diện với mọi thứ khác. Như thế, hiện hữu là hiện hữu trong toàn thể, cái toàn thể đó vừa là những thứ cùng loại và khác loại với mình. Mọi thứ hiện hữu được gọi chung là Hiện Thể có nghĩa là hiện diện trong thể thái, cách thức, dạng thức, cấu trúc nào đó của chính nó để hiện bày cùng mọi thứ khác. Hiện thể, tiếng pháp là étant có nghĩa là ‘có đấy’, có hữu-tại-thế (être dans le monde) tức có mặt trong vũ trụ, có mặt trong thế giới, do từ tiếng Đức Dasein mà M. Heidegger thường dùng. Từ Hiện Thể chỉ chung mọi thứ hiện hữu nhưng sau nầy, các Triết gia chỉ dùng để chỉ về con người, còn mọi thứ hiện thể khác được gọi là Vật Thể (choses). Vật Thể, theo nghĩa rộng chỉ tất cả các thứ có cuộc sống riêng của nó, theo nghĩa thông dụng là thực tại khách quan, độc lập với ý thức con người, ở ngoài con người, một thực tại vật chất (réalité matérielle), vô tri (inanimée) đối lập với thực tại của hiện thể người. Những công trình do con nguời tạo nên như nhà cửa, đường sá, máy móc, vật dụng,…kể cả các bộ môn học, kể cả chữ viết, con số cũng được gọi là vật thể.

Từ Vật Thể, theo Triết học, được hiểu theo nhiều nghĩa. Theo nghĩa hẹp, Vật Thể chỉ những gì ta sờ mó, nhìn ngắm, nói chung là trong tầm nhìn, trong tầm tay (à portée de la vue, à portée de la main) của ta như cây bút, viên đá, bông hoa, trái đất, mặt trời, dòng sông, ngọn núi, con kiến, ngôi nhà,…Theo nghĩa rộng, Vật Thể còn chỉ nhũng câu chuyện, những việc làm, những sự kiện, những vấn đề, những thái độ, hành vi,…, chẳng hạn trong câu tiếng Pháp : ‘’Il se passe là des choses étranges’’, ‘’C’est chose commune’’, ‘’Prendre les choses comme elles viennent’’. Trong tiếng Việt, ta không thể dịch từ ‘choses’ trong những câu đó là Vật Thể mà dịch là ‘chuyện, điều, sự, sự vật, sự việc, sự kiện,…’. Theo nghĩa rộng hơn nữa, cũng về mặt triết học, từ Vật Thể không nằm trong hai nghĩa vừa nói mà chỉ một cái gì tự thân nơi mỗi vật thể, nơi mỗi sự việc, sự kiện. Chẳng hạn nhà Triết E. Kant đã gọi ‘chose en soi’, từ chose nơi đây không chỉ một vật thể cụ thể trong tầm nhìn, tầm tay của ta, cũng không chỉ một sự kiện, một vấn đề, một thái độ, một trường hợp nào,..’Chose en soi’ tạm dịch sang tiếng Việt là ‘vật tự thân’ hay ‘tự thân vật’. Cái ‘tự thân vật đó’, ta không sờ mó, nhìn ngắm mà chỉ hình dung trong ý thức ta thôi, một hình dung chưa hẳn đã đúng với nó. Trong nghĩa nầy ‘chose en soi’ (vật tự thân) được hiểu là ‘tính thể, tự thể’ (essence, noumène, eido,…) của vật đó, điều M. Heideigger gọi là ‘vật thể tính của vật thể’ (la choséité de la chose) (4) , tiếng Việt chúng ta thường gọi là ‘bản chất’, từ nhà Phật là ‘Tự Tánh’, Chân tính, ‘Chân diện mục’.

Hiện hữu là để thể hiện Sự Sống. Không hiện hữu thì không có sự sống. Nhưng hiện hữu là hiện hữu trong toàn thể. Cái toàn thể đó là hai môi trường thiên nhiên và đồng loại. Hai môi trường nầy họp chung lại, ta gọi là Vũ trụ, cái vũ trụ hiện tượng mà loài người cùng tất cả mọi thứ đã và đang sống trong nó. Vũ Trụ (Univers), theo cách hiểu thông thường bao gồm tất cả mọi thứ hiện hữu trong không gian, thời gian, kể cả khoảng Không bao trùm mọi thứ, từ những vật to lón, khổng lồ như những dảy thiên hà, những tinh tú đến những gì nhỏ bé, tí hon như hạt bụi, vi tử, vi trùng, vi khuẩn ; từ những sự vật có cấu trúc hình thể như quả đất, mặt trời, mặt trăng, cây cối, thú vật, chim chóc, cá tôm, con người hay chỉ có những đặc điểm riêng biệt nào đó chỉ riêng nó có như ánh sáng, lửa, nước, không khí., kể cả nhưng thứ mà giác quan ta không thể nhận ra và khoa học càng lúc càng cố công khám phá (5). Theo một số nhà khoa học thì có nhiều vũ trụ (univers multiples) và có những vũ trụ song song (univers parallèles), có thật như thế không hay chi có một vũ trụ thôi nhưng lại có nhiều thế giới (monde) trong vũ trụ đó, theo như nhà Phật thường bảo ‘tam thiên đại thiên thế giới’. Mỗi hiện thể, vật thể (hiểu theo nghĩa hẹp nói trên) một khi đã hiện hữu, theo người viết, đã là một không gian lớn nhỏ nào đó và đã mang chở một nguồn năng lượng (énergie) nào đó để vừa duy trì hiện hữu vừa là một năng lực tác động vào bên ngoài (những vật thể, hiện thể khác trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại) để vừa bảo toàn mình vừa phát triển hiện hữu bằng cách thu hút mọi chất liệu bên ngoài. Chính cái năng lượng bản nhiên nầy và do ‘hiện thể trong toàn thể’ nên các không gian đó tức các vật thể, hiện thể luôn luôn tương tác nhau để phát sinh các hiện tượng làm thay đổi dạng thức hiện hữu của từng vật thể, hiện thể. Sự tương tác liên tục đó của các không gian định ra thời gian tức độ dài hiện hữu của mỗi thứ, làm thay đổi dạng thức hiện hũu của mỗi thứ. Cái năng lực đã khiến các không gian của từng vật thể, hiện thể tương tác nhau chính là ‘sự hấp dẫn’ nhau (gravitation). « Lực hấp dẫn nầy (force de gravité) là chất keo của vũ trụ. Nó cuốn hút mọi vật thể vào nhau. Chính nó đã giữ chúng ta trên mặt đất nầy, đã giữ mặt trăng trong quỷ đạo quanh địa cầu, những hành tinh quanh mặt trời, những tinh tú trong các dảy quần tinh và các quần tinh trong những tinh đoàn » (6) . Lực Hấp dẫn đó, nhà khoa học Newton nêu thành qui luật ‘Vạn vật hấp dẫn’ (gravitation universelle) qua biểu thức toán học được thông diễn như sau : ‘’Hiện tượng bỡi đó hai vật thể nào đó thu hút nhau với một lực tỉ lệ thuận với tích số khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách giữa chúng’’. Chính Lực Hấp dẫn bản nhiên nầy nơi mỗi không gian (mỗi thứ hiện hữu) đã khiến các không gian tương tác thuận nghịch vói nhau , khiến các không gian chuyển động (en mouvement) do bị cuốn hút, xô đẩy nhau, khiến không gian có thể thay đổi hình dáng, thể tích, chuyển đổi vị trí, từ đó làm phát sinh thời gian rồi chính thời gian làm biến đổi không gian của từng vật thể để hiện hữu của từng vật thể thay đổi liên tiếp qua từng dạng thức hiện hữu khác nhau. Hiểu như thế, theo người viết, chính không gian tương tác nhau tạo nên thời gian (do lực hấp dẫn nói trên) ; không có không gian thì không có thời gian (Không là nhà khoa học, cũng chẳng mấy kiến thức về khoa học, người viết hiểu bằng cảm nhận thô thiển của mình về Không Gian-Thời Gian như trên. Thời gian có thực sự có không ? Thời gian có trước hay sau hay cùng lúc với không gian ? Thời gian có thể giản nở hay co rút không ? Thời gian có phản phục không? Những thứ ta gọi là Quá khứ, Hiiện tại, Tương lai là do ta tưỡng tượng hay do thời gian trôi chảy tạo nên ? - Những vấn đề nầy đến nay chưa có một giải đáp dứt khóa về Triết học cũng như Khoa học ).. Do cái Lực Hấp dẫn nầy mà mỗi thứ, theo người viết, một khi đã hiện hữu, tự thân đã là một không gian mang chứa một thời gian bên trong mình để hiện diện với không gian, thời gian bên ngoài mình. Sự tương tác thường trực giữa hai thứ không gian,thời gian đó khiến mỗi thứ hiện hữu liên tục thay đổi dạng hiện hữu của mình ‘ở đây và bây giờ’ (ici et maintenant) ; những thay đổi dạng thức hiện hữu liên tục đó được con người nhận biết qua giác quan và ý thức, trở thành đối tượng cho các Khoa học thực nghiệm. (7).

Mỗi một hiện bày của không gian (vật thể, hiện thể) qua thời gian được gọi là Hiện tượng hay, theo người viết là một ‘dạng hiện hữu’ vào mỗi thời điểm hiện hữu của vật thể, hiện thể. Điều ta gọi Hiện tượng Sống (phénomène de vie) chính là những dạng hiện hữu ‘ở đây và bây giờ’ của Không gian Thời gian từng vật thể. Vui buồn, sướng khổ, mạnh khỏe, đau yếu, giận hờn, vũ phu, thô bạo, hiền lành, chất phác, …là nhũng hiện tượng hay những dạng hiện hữu của con người trong từng lúc. Lạc hậu, chậm tiến, chiến tranh, hòa bình, văn minh, tiến bộ,.., độc lập, nô lệ, phong kiến, dân chủ,…là những hiện tượng, những dạng hiện hữu của xã hội nhân loại qua quá trình hiện hữu tức qua dòng lịch sử của chủng loại người.

Hiện tượng (phénomène), theo nghĩa thông thường là những gì phát xuất từ các Vật thể, Hiện thể, những biểu hiện (manifestation) của nó ra bên ngoài do tương tác giữa chúng được con người nhận biết hoặc trực tiếp do các giác quan hoặc do qua ý thức. Như thế, Hiện Tượng là những dữ kiện của kinh nghiệm thông qua giác quan và ý thức con người, làm đối tượng cho các bô môn khoa học thực nghiệm.

Nhà Phật không dùng từ Hiện Tượng mà dùng từ Pháp, có nghĩa rộng hơn từ Hiện Tượng. Pháp, tiếng Phạn là Dharma ‘’chỉ chung hết mọi sự vật, mọi hiện tượng dù là to nhỏ, hữu hình, vô hình, chân thực, hư vọng. Sự vật cũng là vật, đạo lý cũng là vật, tất cả đều là pháp cả’’ (8) . Hiểu như thế, tất cả mọi sự vật cùng những biểu hiện của chúng ra bên ngoài -từ những tinh tú, tinh đoàn, đất đá, cỏ cây, con người, không khí, ánh sáng, lửa, nước, âm thanh, hương vị, màu sắc, xã hội, chế độ chính trị, kinh tế, lý thuyết triết lý, khoa học, ngay cả các con số, các biểu thức toán học, chữ viết, đến cả yêu thương, ghen ghét, giận hờn, áp bức, bóc lột, chiến tranh, hòa bình, đoàn kết, chia rẻ, văn minh, tiến bộ, lạc hậu, chậm tiến,… ; tất cả đều là Pháp, đều là hiện tượng. Kinh nghiệm và nhận thức con người phân biệt nhiều loại pháp, nhiều loại hiện tượng : pháp hữu vi, pháp vô vi, hiện tượng tự nhiên, hiện tượng vật lý, hóa học, hiện tượng kinh tế, chính trị, hiện tượng sinh lý, tâm lý, hiện tượng xã hội, hiện tượng tâm linh.

Theo nhà Phật, tất cả những gì hiện hữu đều được gọi là ‘pháp’, là ‘hiện tượng’. Mà đã là hiện tượng thì vô thường nghĩa là luôn luôn biến đổi vì tất cả không ‘tự nó có’ mà cái ‘có’ đó, cái hiện hữu của vạn pháp đều do qui luật ‘nhân duyên hòa hợp’ mà hình thành rồi qua quá trình ‘sinh, thành, hoại, diệt’ mà biến đổi không ngừng. Vì thế, vạn pháp, cả vũ trụ không là chắc thật, không trường tồn vĩnh cửu. Tất cả đều ‘huyễn cấu’. Cả cảm giác, ý thức, thân thể con người cũng không có thật, cũng là giả huyễn vì không thoát ra khỏi qui luật ‘nhân duyên sanh’ và tiến trình ‘sinh, thành, hoại, diệt’. Tuy nhiên, nhà Phật lại nhìn nhận có một cái chắc thật, vĩnh viễn trường tồn đã làm phát sinh ra mọi hiện tượng, làm phát sinh cái vũ trụ huyễn cấu vô thường nầy. Cái chắc thật, cái ‘thực hữu’ vĩnh viễn trường tồn đó, theo nhà Phật, được gọi là Chân Không (le Vide) , cái Chân Như Thể , cái Tánh Không, cái Bản Lai Vô Ngã hay cái Phật Tính, Phật Tâm (la bouddhéité) nguyên thủy được xem là uyên nguyên sinh thành vũ trụ hiện tượng. Cái Chân Không, cái Thể Chân Như, cái Phật Tánh, Phật Tâm đó không là hiện tượng, không là vật thể, hiện thể nên không thể nhận thức được bằng giác quan, bằng kinh nghiệm, bằng ý thức, không thể dùng tư duy mà biết được vì nó vốn siêu nghiệm, siêu thực. Chính cái Chân Không, cái Thể Chân Như, cái Phật Tính, Phật Tâm nguyên sơ nầy, về mặt vũ trụ học, đã ‘tự sắc tướng hóa, tự vật chất hóa’ do tự thân tác động mình để sinh thành Diệu Hữu tức tất cả mọi thứ hiện hữu nơi vũ trụ hiện tượng. Về mặt Nhân sinh quan và Xã hội quan, cái Chân Không, cái Chân Như Thể đó, sau khi ‘tự sắc tướng hóa’ để sinh thành Diệu Hữu, vẫn cư lưu nơi mỗi Diệu Hữu (mỗi vật thể, hiện thể tức mỗi Không Gian) làm động lực cho mọi biến đổi của Diệu Hữu theo qui luật ‘Nhân Duyên hòa hợp’. Phần cư lưu nầy của Chân Không, của Chân Như Thể’ nơi mỗi Diệu Hữu được gọi là cái Tự Thể, cái Tự Tánh, cái Tánh Không, cái Tâm Như, Tâm Không, cái Pháp Thân Phật, thường được gọi ngắn gọn là cái Tâm, đồng nghĩa với Thánh Linh nơi Ki-Tô giáo, theo người viết nghĩ. Theo người viết, cái Tự Tánh, cái Tâm nơi nhà Phật, cái Thánh Linh nơi Ki-Tô giáo được nhà Triết học Đức E. Kant gọi là ‘chose en soi’ (vật tự thân) , M. Heidegger gọi là ‘la choséité de la chose’ (vật thể tính của vật thể) , với con người, M. Heidegger gọi là ‘l’être de l’étant’ (tính thể của hiện thể)..

Tồn Tại (tiếng Pháp : exister) tức độ dài hiện hữu của một vật thể, hiện thể từ lúc được sinh ra (bắt đầu hiện hữu) đến lúc không còn hiện hữu nữa. Tồn Tại là để thể hiện Sự Hiện Hữu trong lúc Hiện hữu là để thể hiện Sự Sống.

III.- Dạng Hiện Hữu/ Dạng Tồn Tại.

Do tương tác giữa hai thứ Không gian, Thời gian bên trong và bên ngoài mà hiện hữu mỗi vật thể, hiện thể luôn thay đổi cách nầy, cách khác chứ không tồn tại trong một dạng cố định. Mỗi thay đổi đó được gọi là một dạng hiện hữu tức một dạng thức sống, một hiện tượng sống ở đây và bây giờ trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại. Tuy nhiên, dù có thay đổi ‘dạng thức sống ở đây và bây giờ’, mỗi vật thể, hiện thể vẫn luôn luôn được duy trì trong một dạng hiện hữu nhất định nào đó suốt quá trình hiện hữu của mình từ lúc được tựu thành đến lúc bị hoại diệt. Cái dạng hiện hữu không thay đổi đó, người viết gọi là dạng Tồn Tại.

Theo đó, Dạng Hiện Hữu (état d’être) là cách thế hiện bày, biểu hiện ‘ở đây và bây giờ’  của một vật thể, hiện thể hay của cả chủng loại vật thể, hiện thể của từng dạng tồn tại trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại. Mỗi biểu hiện như thế là một hiện tượng được nhận biết qua giác quan và ý thức con người. Chẳng hạn hiện hữu lúc trẻ khác với hiện hữu lúc về già, lúc khỏe mạnh khác với lúc đau yếu, hiện hữu thời bình khác với lúc chiến tranh ; hiện hữu trong nếp sống nông dân khác với hiện hữu trong nếp sống công nhân, thương nhân ; dạng hiện hữu của nước ở thể lỏng khác với dạng hiện hữu ở thể đặc hay thể hơi,…Vui, buồn, sướng khổ, mạnh khỏe, già nua, giận dữ, hiền lành,…thái bình, ly loạn, lạc hậu, tiến bộ,…tất cả đều là những dạng hiện hữu của từng người hay của một tập thể, một dân tộc, của cả chủng loại người qua quá trình thời gian. Xin phân biệt Hiện Hữu với Dạng Hiện Hữu. Hiện Hữu là sự kiện ; Dạng Hiện Hữu là từng cách thế hiện bày của sự kiện Hiện Hữu.

Dạng Tồn Tại (état d’existence) là dòng hiện hữu liên tục qua thời gian trong một dạng thức nhất định nào đó hoặc có cấu trúc hình thể hay chỉ có những đặc điểm riêng biệt nhưng bất di và đồng nhất nơi từng chủng loại từ lúc được sinh ra đến lúc bị hoại diệt. Các vật thể, hiện thể cùng loại có dạng Tồn Tại giống nhau như Cây cối cùng dạng Tồn tại thảo mộc, súc vật cùng dạng Tồn tại súc vật, con người dù khác nhau về màu da, kích thước, giọng nói, ngôn ngữ nhưng cùng thuộc dạng Tồn Tại Người. Nước giếng, nước sông, nước biển dù thể lỏng, thể hơi vẫn là dạng Tồn tại nước…Khoa học thường phân biệt các Dạng Tồn Tại theo từng Giới loại, Chủng loại, dòng họ, gia hệ,…Mỗi vật thể, hiện thể tự nó đã là một dạng Tồn Tại vì mang chở một Không gian, Thời gian để hiện diện trong Không gian, Thời gian bên ngoài nó. Sự Sống của mỗi dạng Tồn Tại do tác động của Không gian, Thời gian bên trong và bên ngoài được thể hiện qua chuổi dài dạng Hiện hữu kế tiếp nhau từ lúc được sinh thành đến lúc bị hoại diệt. Không Hiện Hữu thì không Tồn Tại và Tồn Tại là để thể hiện sự Hiện Hữu qua suốt quá trình Sống của mình.

Hiện hữu, Tồn tại, cái nào có trước ? Theo người viết cả hai cùng có một lúc. Hiện Hữu nhất thiết phải qua một dạng Tồn Tại nào đó và Tồn Tại là để thể hiện Hiện Hữu vào cuộc sống, cuộc đời. Với con người, Sống là cách thể hiện Ta (dạng Tồn tại tức không gian thời gian bên trong ta) vào cuộc Đời (các dạng Tồn Tại trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại tức Không gian, Thời gian bên ngoài ta) và là một thể hiện của cuộc Đời nơi ta. Cặp phạm trù ‘Không gian/Thời gian’ luôn chi phối và là nền tảng cho Hiện hữu và Tồn tại.

Không gian,Thời gian, hầu như chưa có một định nghĩa nào thật chân xác, nhất là về Thời gian. Với hiểu biết nông cạn, người viết nghĩ rằng « Không gian là thứ gì có hình thể, kích thước, trương độ, khối lượng, màu sắc, âm thanh, cử động, kể cả khoảng Không bao trùm tất cả mọi thứ. Với những thứ không có hình thể, kích thước, không gian là những thứ có những đặc điểm riêng biệt chỉ nó có như ánh sàng, lửa, nước, không khí, âm thanh, màu sắc,....Hiểu như thế thì mỗi vật thể là một không gian nhỏ hay lớn. Lời nói, cơn gió, nhịp tim, tiếng ho, lời thốt, bầu khí quyển của trái đất, cái bơi của loài cá, cái bay của loài chim,…cũng là những không gian cùng với bao thứ không gian khác bao quanh nó, tác động vào nó như cái bay của chim phải tùy thuộc vào chính không gian của cơ thể nó, tùy thuộc vào không gian bầu trời mưa nắng ,…Những điều nói trên mà gọi là không gian, nghe ra ngây ngô, nhảm nhí, buồn cười, chẳng chút nào hợp với khoa học. Thực ra Sống bao giờ cũng ‘sống trong một không gian’ nào đó.Thoạt tiên, người ta hiểu Không gian là một mặt bằng, một khoảng rộng (étendue), một diện tích (espace surface), một khối (espace volume). Theo Hình học Euclide, không gian chỉ có ba chiều : dài, rộng, cao (longeur, largeur, hauteur); sau nầy, theo thuyết Tương đối của Einstein, không gian thêm một chiều thứ tư là Thời gian nên thưởng được gọi là ‘không-thởi-gian’ (espace-temps.), có nghĩa là « thời gian không là thứ gì riêng biệt có thật, độc lập với Không gian mà luôn luôn kết hợp với không gian », . . [Một số nhà khoa học còn cho rằng Không gian có 5 chiều, 11 chiều, hay n chiều. -xin không đi sâu hơn vì người viết không đủ sức hiểu, có thể là những ‘chiều’ thuộc về Tâm Linh chăng ?].. Không gian, Thời gian, cái nào có trước, hai bên độc lập với nhau hay tương thuộc nhau ?. Người viết nghĩ rằng cả hai cùng xuất hiện đồng thời lúc vũ trụ hiện tượng được hình thành và cả hai đã khiến vũ trụ cùng mọi thứ trong vũ trụ luôn luôn biến đổi qua từng dạng hiện hữu khác nhau do tương tác của không gian qua thời gian theo qui luật ‘vạn vật hấp dẫn’. Chính do cái Lực hấp dẫn mà các không gian (vật thể,hiện thể) tương tác nhau, từ đó phát sinh thời gian và thời gian làm biến đổi không gian qua diễn trình hiện hữu và tồn tại tức diễn trình Sống của nó. Mỗi vật thể, hiện thể tức mỗi thứ hiện hữu, theo người viết, đều mang chứa một Không gian và một Thời gian nơi nó, bên trong nó để hiện diện với Không gian và Thời gian bên ngoài nó. Không gian bên trong nó là cấu trúc hình thể nó hoặc những đặc điểm riêng biệt nơi nó (đối với những thứ không có cấu trúc hình thể).b> Thời gian bên trong nó là những tương tác giữa các bộ phận hay những thành tố đã cấu tạo nên nó. Sự tương tác giữa Không gian Thời gian bên trong với Không gian, Thời gian bên ngoài khiến vật thể, hiện thể luôn biến đổi chứ không bao giờ nguyên trạng. Đối với những dạng tồn tại không có cấu trúc hình thể, những dạng tồn tại được gọi là vô cơ, Không gian, Thời gian bên trong còn trong trạng thái bất động nên luôn luôn bị tác động bỡi Không gian, Thời gian bên ngoài mà thay đổi dạng hiện hữu, trong lúc, với các dạng Tồn tại sinh vật, đặc biệt nơi con người, Không gian, Thời gian bên trong vừa tác đông chính mình vừa tác động với không gian, thời gian bên ngoài (do năng lượng sẵn có nơi mình) để tương ứng hoặc để cải đổi bên ngoài phù hợp với Không gian, Thời gian bên trong mình hầu cuộc sống được thuận tiện, dễ dãi, phong phú hơn. Xét trên cặp phạm trù ‘Không gian-Thời gian’, có thể nói Cuộc Sống là‘hành trình con người đi tìm từng Không gian mới qua quá trình Thời gian’ để càng lúc càng thuận lợi hơn, hạnh phúc hơn do các Yếu Tính và Yêu Cầu của Hiện hữu và Tồn tại. Một nông dân rời bỏ không gian, thời gian nơi quê mình, để tìm không gian, thời gian nơi phố thị ; một nhà giáo rời bỏ không gìan, thời gian của nghề dạy học, đi tìm không gian, thời gian của một công nhân, thương nhân ; số người VN tỵ nạn Cộng sản đành rời bỏ không gian, thời gian nơi quê hương mình đến tìm không gian, thời gian nơi các xứ Tự do ; tất cả mọi thay đổi đó đều nhằm sao cho cả hai thứ Không gian, Thời gian bên trong và bên ngoài tương ứng, thích nghi, hảo hợp để Cuộc Sống được thoải mái, hạnh phúc hơn,…Sự tương ứng hay nghịch ứng giữa hai thứ Không gian Thời gian bên trong và bên ngoài khiến cuộc sống mỗi người được yên vui, hạnh phúc hay luôn lo lắng, phiền muộn, khổ đau (7).

IV.- Yếu tính của Hiện Hữu và Yêu Cầu của Tồn Tại : Theo người viết, bất cứ Hiện Hữu và Tồn Tại nào -nhất là đối với các dạng Tồn tại sinh vật- cũng đều có bốn Yếu tính và bốn Yêu cầu căn bản.

a/- Bốn Yếu tính của Hiện hữu :

1) Hiện Bày. Yếu tính đầu tiên của Hiện Hữu là Hiện Bày (paraître, se présenter) để có mặt với mọi hiện hữu khác đồng loại và khác loại, để thể hiện sự sống một khi được sinh ra hay được hình thành. Do yếu tính ‘hiện bày’ nầy mà mỗi vật thể, hiện thể đã tự mở phơi, khai mở cái chân tính, cái tính thể của Ðạo Thể chứa đựng nơi mình. Cái chân tính đó nơi mỗi vật thể, hiện thể chính là phần tính thể của Ðạo Thể đã cư lưu nơi mỗi thứ, điều ta thường gọi là cái bản thể, cái Chân diện mục hoặc cái Bản chất của mỗi thứ (thông thường ta gọi là cái Tâm, cái Thánh linh). Mỗi hành động tự mở phơi, tự làm lộ liễu cái chân tính đó nơi mình là một hiện tượng, một dạng hiện hữu ở đây và bây giờ do tác động nơi tự thân mỗi thứ và do tác động thường trực của vạn pháp. Chuổi dài các dạng hiện hữu đó sẽ đưa dẫn mỗi vật thể, hiện thể qua tiến trình sinh hóa hội nhập vào Ðạo Thể. Cái tính khai mở, xuất tính nầy nằm trong ý nghĩa danh từ Phusis của Hy Lạp, được hiểu ‘Chân tính như là một sự không bị che giâu’ (xem Lê Tôn Nghiêm : ‘Hữu Thể và Thời gian’, bản dịch của Trần Công Tiến, Sài-Gòn) hay ‘Phusis là chính tồn thể, tồn lưu, tồn lý lưu hành vậy, và duy chỉ nhờ nó mà hiện thể ngổn ngang ở lại nhiều ngày để được nhận định, đăm chiêu(…).'Phusis là khai mở, bước ra khỏi U-tàng và cũng từ đó đưa cái U-tàng đứng ra bờ hiển hiện’ (Bùi Giáng : ‘M.Heidegger, vấn đề căn bản của Siêu hình học’, nxb Võ Tánh, SaiGon 1969). .

2) Tiếp Nối. Yếu tính thứ hai của Hiện hữu là Tiếp Nối (continuité) để được hiện hữu dài lâu về mặt cá thể đồng thời chuyển sự tiếp nối đó từ cá thể sang chủng loại. Do tính Tiếp Nối nầy mà ta nhận ra Thời Gian tức độ dài hiện hữu của vật thể đó : ngắn/dài, nhanh/chậm, lâu/mau, nhất thời/trường cửu, hữu hạn/vô hạn để từ đó ta phân biệt quá khứ, hiện tại, tương lai.

3) Siêu Việt. Yếu tính thứ ba của Hiện Hữu là Siêu Việt (transcendance) để đưa Hiện hữu của mình sang từng dạng cao hơn, tốt hơn, tinh tế hơn, trổi vượt hơn so với trước để rút ngắn lộ trình dẫn về Ðạo Thể.

4) Thăng Hóa. Yếu tính thứ tư của Hiện Hữu là Thăng Hóa (sublimation) có nghĩa thay đổi dạng Hiện hữu và dạng Tồn tại từ thấp lên cao mãi đến lúc Hiện Hữu và Tồn Tại không còn bị chi phối bỡi hiện tượng, thoát khỏi mọi buộc ràng của qui luật ‘nhân-quả’, qui luật ‘nhân duyên hòa hợp’, tóm lại không bị chi phối bỡi Không gian, Thời gian nơi cõi hiện tượng vì Không gian, Thời gian bên trong và bên ngoài lúc bấy giờ là ‘Không gian vô sở tại’ và ‘Thời gian vô sở trụ’. Cảnh giới Sống trong ‘không gian vô sở tại’ và ‘thời gian vô sở trụ’ đó là cảnh giới ‘phi hiện tượng’ (non phénoménal), cảnh giới không còn một phân biệt nào, không còn ‘chủ thể-đối tượng’, ‘sở y-năng y’, ‘chủ quan-khách quan’,..Sự Sống, sự Hiện Hữu và Tồn Tại lúc bấy giờ hoàn toàn không giống nơi cõi Hiện tượng. Dùng từ ngữ tôn giáo, đấy là cảnh giới ‘Bờ bên kia’, cảnh giới ‘Vô dư Niết Bàn’, ‘cảnh giới Phật’(monde bouddhéiste) theo Phật giáo ; cảnh giới ‘Vườn Ðịa Ðàng, Nước Thiên Đàng, cảnh giới Thượng Đế, cảnh giới ‘Thiên Chúa hóa’ (monde christifié) theo Ki-Tô giáo.

b/- Bốn Yêu Cầu của Tồn Tại :

1) Tự Nuôi Dưỡng. Yêu cầu đầu tiên của Tồn Tại là Tự Nuôi Dưỡng (nuitrition) phục vụ cho Yếu tính Hiện Bày. Tự Nuôi Dưỡng là vận dụng khả năng, năng lượng nơi mình để tự tác động và tác động vào bên ngoài để tạo nên những chất lượng, những của cải hầu duy trì hiện hữu, duy trì sự có mặt của mình trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại. Sự Tự Nuôi Dưỡng nầy thể hiện nơi cuộc Tranh đấu mưu sinh hàng ngày của con người.

2) Tự Sinh Sản. Yêu cầu thứ hai của Tồn Tại là Tự Sinh Sản (reproduction) phục vụ yếu tính Tiếp Nối hầu kéo dài sự Hiện Hữu của mình, chuyển sự Tiếp Nối từ cá thể sang dòng họ để chủng loại được tiếp nối từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

3) Phát Triển. Yêu cầu thứ ba của Tồn Tại là Phát Triển (développement) phục vụ yếu tính Siêu Việt. Phát triển là phát huy năng lượng nơi mình để khắc phục mọi trở ngại ngăn cản hiện hữu mình cùng cải biến, chinh phục mọi tác động bên ngoài giúp Hiện Hữu càng lúc càng thuận tiện, thoải mái, đầy đủ, phong phú hơn trước.

4) Biến Hóa và Tiến Hóa. Yêu cầu thứ tư của Tồn Tại là Biến Hóa (transformation) đưa đến Tiến Bộ (progression) dẫn về Tiến Hóa (évolution) phục vụ Yếu Tính Thăng Hóa. Tiến Hóa là đổi khác dạng Hiện Hữu, nâng Hiện Hữu của mình lên từng trạng thái cao hơn, tốt đẹp hơn, tự làm chủ được mình và làm chủ được mọi tương tác bên ngoài qua mọi chế tác, phát minh đưa Hiện Hữu mình và chủng loại thoát được mọi ràng buộc của vòng hiện tượng. Chính Yêu Cầu Tiến Hóa nầy đã khiến xã hội nhân loại tiến bộ, văn minh, đưa dạng Hiện Hữu và dạng Tồn Tại người lên từng mức độ cao hơn trước. Tiến Hóa là điều kiện và động lực dẫn về Thăng Hóa, giúp đưa dẫn Hiện Hữu từ vòng hiện tượng sang cảnh giới ‘phi hiện tượng’ với Không gian vô sở tại và Thời gian vô sở trụ như đã nói trên.

Hai Yếu Tính ‘Hiện Bày, Tiếp Nối’ cùng hai Yêu Cầu ‘Tự Nuôi Dưỡng, Tự Sinh Sản’ nhằm thỏa mãn Cái Sống Thể Xác (vie corporelle) , trong lúc hai Yếu Tính và hai Yêu Cầu sau nhằm phục vụ cái Sống Tri Thức (vie intellectuelle) và Tâm Linh (vie spirituelle), rõ ràng nhất nơi hiện thể Người.

.IV.- Cuộc Sống – Cuộc Ðời.

Không biết ‘Sống là gì ‘ nhưng mỗi chúng ta cũng như cả chủng loại người chúng ta đang sống, phải sống và lo cho Sự Sống. Sự Sống nơi mỗi cá thể, người viết gọi là Cuộc Sống ; Sự Sống của cả chủng loại, người viết gọi là Cuộc Đời. Xin nói về con người cho dễ hiểu. [Trong Truyện Kiều, câu thơ thứ hai ‘‘Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau’’, người viết không hiễu ‘Mệnh’ là mệnh số, số mệnh, số phận’ mỗi người do Ông Trời định sẵn , không ai có thể cải sửa được’. Người viểt hiểu ‘Mệnh’ là môi trường thiên nhiên ( địa lý khí hậu, đất đai, miền núi, miền đồng bằng, tài nguyên,) và môi trường xã hội (môi trường đồng loại) mà mỗi người hội nhập, sinh sống. Chính hai môi trường thiên nhiên và đồng loại đã trở thành cái Mệnh của cuộc sống mỗi người. Do đó, trong một bài thơ, người viết đã phỏng theo lời thơ của Cụ Nguyễn Du, đổi thành : ‘’Trăm năm trong cõi người ta, Tài là tài một, mệnh là mệnh chung’’ ]

Cuộc Sống là chuổi dài các dạng hiện hữu nối tiếp nhau của từng cá thể nơi chủng loại từ ngày sinh ra đến ngày chết trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại.

Tất cả những sự việc, cảnh ngộ, tính chất, trạng thái, ý nghĩ, hành động, thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ,..(vui, buồn, mừng, giận, đói nghèo, sung túc, đau yếu, khỏe khoắn, yêu thương, ghét bỏ, hoạn nạn, rủi ro, thành công, thất bại,..) dù do ta hay do bên ngoài đến với ta, dù do ta gây nên hay do bị cưỡng bức bỡi bên ngoài, dù đem lại điều hay, cái lợi, vui mừng, hạnh phúc, tiếng tốt, thành công hay gây cho ta bất trắc, hoạn nạn, thất bại, nhục nhã, khổ đau,… ; dù gì là gì, dù ra sao, dù thế nào, mỗi sự việc như thế là một ‘dạng hiện hữu’ của ta, một biểu hiện sự sống của ta trong cuộc đời và là một thể hiện của cuộc đời đến với ta trong từng phút giây hiện hữu. Mỗi sự việc như thế là một ‘trạng thái hiện hữu’ (état d’être) của ta ; tất cả các trạng thái hiện hũu đó kết thành Cuộc Sống của ta qua quá trình thời gian nơi không gian ta sống.

Cuộc Đời là chuổi dài kết tập tất cả các dạng hiện hữu của môi trường đồng loại qua từng giai kỳ hiện hữu của toàn thể chủng loại trên toàn địa cầu hay giới hạn nơi một cộng đồng nào đó (đoàn thể, quốc gia, dân tộc, đảng phái, xí nghiệp, công ty,...) nơi từng địa bàn sinh hoạt của cộng đồng đó. Tất cả các sinh hoạt của môi trường đồng loại (hòa bình, an lạc, chiến tranh, lạc hậu, chậm tiến, tiến bộ, văn minh, áp bức, bóc lột, nghèo nàn, sung mãn, chia rẻ, đoàn kết,…) cùng mọi tương tác của môi trường thiên nhiên (lạnh, nóng, lụt lội, gió, bão, động đất, sóng thần,..) tạo nên Cuộc Đời đón nhận tác động của từng cá thể đồng thời tác động vào cuộc sống cá thể để cả hai hoặc gây trắc trở cho nhau hoặc kết hợp với nhau cùng đưa dẫn Cuộc Sống, Cuộc Đời sang từng dạng hiện hữu mới.

Cuộc Sống thuộc từng cá thể (biệt nghiệp) ; Cuôc Đời là cuộc Sống chung của chủng loại (cộng nghiệp). Hai bên tương tác nhau. Vì thế, Sống là từng cách biểu hiện của cuộc đời nơi ta cùng lúc là cách thể hiện của ta vào cuộc đời.

Cuộc Sống, Cuộc Đời quan hệ nhau khăng khít. Cuộc sống cá thể hay của từng tập thể nhỏ ảnh hưởng vào Cuộc Đời, giúp cuộc đời tốt đẹp, phát triển, thăng tiến (những thành tựu mặt nầy mặt nọ đem lại thuận lợi cho cuộc Đời tức cho cuộc sống cộng đồng), ngược lại cũng gây cho cuộc đời trắc trở, bất an, đổ vỡ (những ý đồ, hành động ‘lợi kỷ hại nhân’). Cuộc đời tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống cá thể (đoàn kết, hợp tác, khuyến khích, giúp đỡ,…) nhưng cũng thường gây trở ngại, cản ngăn cuộc sống cá thể, ngăn cản sự phát huy tài năng của cá thể. Cuộc đời cũng là môi trường loại bỏ, đào thải mọi hành động bất lương của cá thể vì làm phương hại đến cuộc sống cộng đồng. Cuộc đấu tranh giữa người và người tức giữa cuộc sống và cuộc đời nói lên mối quan hệ hữu cơ giữa hai bên. Vấn đề Thiện-Ác từ đó được đặt ra. Do cuộc đấu tranh giữa cuộc sống, cuộc đời mà ‘chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau’ (truyện Kiều, câu hai). Cuộc Sống, Cuộc Đời luôn luôn tranh chấp, chống đối để qua cuộc chống đối triền miên đó, cuối cùng dẫn về thời điểm ‘’chữ tài chữ mệnh dôi dào cả hai’’ (truyện Kiều, câu 3246) có nghĩa Cuộc Sống, Cuộc Đời không còn tranh chấp nhau nữa mà hòa hợp với nhau, cái Nghiệp của mỗi người (biệt nghiệp, cá nghiệp tức cuộc sống từng người) và của Chủng loại (cộng nghiệp tức cuộc đời) cùng lúc được giải tỏa, không còn tranh chấp nhau nữa . Cảnh sống sẽ không còn bị điều kiện hóa bỡi hiện tượng, bỡi không gian, thời gian ; đấy là cảnh sống ‘Hữu Dư Niết Bàn’ (theo nhà Phật) hay cảnh Nước Thiên Đàng (theo Ki-Tô giáo), điều Nguyễn Du đã bảo ‘’Đoạn trường sổ rút tên ra’’ để được sống với‘’Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào’’(Kiều, câu 3236) ‘’Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần’’(Kiều, câu 3236).

Mục đích sống của con người là đi tìm hạnh phúc, nghĩa là tránh đau khổ bằng cách tạo lập mọi điều kiện thuận lợi, dễ dàng để tồn tại, phát triển và tiếp nối hiện hữu được đầy đủ, phong phú và dài lâu tức sao cho Cuộc Sống, Cuộc Đời càng lúc càng dễ dãi, tốt đẹp, siêu việt, thăng hóa. Đấy là qui luật tự nhiên của bất kỳ hiện thể nào , thể hiện nơi cuộc tranh đấu mưu sinh hàng ngày.

Hạnh phúc, hiểu đơn sơ và giản dị nhất là sự ‘an lạc’, có nghĩa được ‘bình an và vui vẻ’ (paix et joie).

Bình an trước tiên là thể xác lành mạnh, sức khỏe, không bịnh tật, không bị tai nạn, không bị áp chế, bóc lột sức lực, không phải lao đao, nhọc nhằn khiến tấm thân xác phải đớn đau.

Vui Vẻ là bình an về mặt tâm hồn, về mặt tinh thần trong môi trường đồng loại : không bị tước đoạt mọi điều kiện sống, không bị ức hiếp, xem thường, xem khinh, không bị đối xử tàn nhẫn để thân xác không bị đau đớn, cũng không phải bị đánh giá, bị làm công cụ, tha dụng cho kẻ khác.

Hiểu một cách tổng quát, điều lâu nay được gọi là ‘mạnh khỏe’, hay ‘sức khỏe tốt’ chính là sự an lạc, có nghĩa được tốt đẹp cả về mặt ‘thân xác’ (le corps) , cả về mặc ‘đầu óc’ (la tête), cả về mặt ‘tình cảm’ (le cœur). Vừa luôn luôn được sức khỏe về mặt thể xác vừa luôn luôn vui vẻ trong cuộc sống chung giữa môi trường đồng loại, đấy là quan niệm hạnh phúc thông thường mà ai cũng mong muốn. Không riêng từng cá nhân mà cả tập thể, cả chủng loại, tất cả đều mong muốn cái ‘sức khỏe tốt’ đó vì có đủ ba mặt trên mới thực sụ là hạnh phúc. Nhưng rồi cuộc sống, cuộc đời không đáp ứng cho ta cái yêu cầu đơn sơ đó. Môi trường thiên nhiên và môi trường đồng loại luôn luôn phá đổ cái hạnh phúc giản dị nầy. Cạnh tranh xã hội cùng những thứ văn minh, tiến bộ do con người tạo ra đã ‘đa diện hóa’ cái hạnh phúc thông thường trên qua nhiều mặt : của cải, tiền nong, địa vị, chức vụ, quyền uy, danh tiếng để chạy theo sở thích và huởng lạc ; từ đó, càng đi tìm hạnh phúc lại càng dìm mình vào đau khổ. ‘Sống là khổ, cuộc đời là bể khổ’, đức Thích Ca đã nói. Diễn trình lịch sử nhân sinh là chuổi dài khổ não từ lúc loài người được sinh ra đến nay và còn kéo dài mãi . Cái hạnh phúc được ‘an lạc’ đơn sơ đó không tìm được. Môi trường đồng loại càng lúc càng đưa dẫn cái hạnh phúc giản dị nầy qua nhiều ngã nghách theo nhiều quan điểm khác nhau, mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Tùy quan niệm hạnh phúc mà mỗi người hướng dẫn cuộc sống mình theo một chủ đích, một ý nghĩa hoặc hạn hẹp, gần gũi hoặc cao xa, lâu dài. Do từ chủ đích và ý nghĩa đó, mỗi người luôn luôn phát triển cái Biết, đề ra phương pháp tổ chức, qui hoạch, sắp xếp, tìm kiếm mọi phương tiện, điều kiện thuận lợi thích hợp với khả năng, nhu cầu và sở thích mình và với mọi điều kiện bao quanh để thực hiện con đường đã nhắm. Nhưng rồi, tuổi già xế bóng, lúc gần kề mồ huyệt lạnh, lại thấy cuộc sống mình vô nghĩa hay chưa tròn vẹn ý nghĩa để mong được sống thêm cho trọn vẹn chủ đích cùng ý nghĩa đã nhắm. Một người già ân hận vì đã không trọn tình, trọn nghĩa, không tròn trách nhiệm với cha mẹ, vợ con,..Một Khổng Tử tiếc không sống lâu hơn để nghiên cứu Kinh Dịch. Một A. Einstein, một J.Robert Oppenheimer đã ân hận công trình khoa học của mình đã gây thảm họa cho nhân sinh (việc chế tạo bom nguyên tử). Không kể bao người đã ăn năn, hối hận, sống trong dày vò về những việc làm sai trái, về những tội lỗi của mình đối với gia đình, với tha nhân, với nước non, dân tộc,…Đấy là tâm trạng chung của lớp tuổi về già hoặc của những ai sau bao thất bại, gảy đổ, buồn đau đâm ra chán chường cuộc sống, thấy cuộc sống, cuộc đời chỉ là vô vị, vô nghĩa, chỉ là ảo hóa, phù du, lẩn quẩn trong một tiết điệu hao mòn, tê tái : sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái, hoạt động mưu sinh, dấn mình cho lý tưởng, buông mình vào khoái lạc, vui phút chốc, buồn triền miên, thành công ngắn ngủi, thất bại não nề,…rồi bệnh hoạn, già nua và chết… ; từ đời ông tằng, ông cố, ông tổ …đến cha mẹ, con cái, chắt chít,…,cuộc sống ai rồi cũng thế, nào có ý vị, sinh thú, ý nghĩa gì cho cam ! Do đó mà đôi triết gia hiện sinh nói đến nỗi ‘kinh hoàng hiện hữu’ (angoisse d’existence) và con người là một ‘đam mê vô ích’ (une passion inutile) . ‘’Lịch sử một cuộc sống, dẫu thế nào, cũng chỉ là lịch sử một thất bại’’ [‘L’histoire d’une vie, quelle qu’elle soit, est l’histoire d’un échec’ – J.P. Sartre : L’Être et le Néant) ] Người viết cũng đã từng khắc khoải : ‘Bây giờ hỏi với trời cao, Cuộc đời nên hiểu thế nào cho cam ?!'’

Thời đại đổi thay, lòng người đổi khác, thời gian trôi qua xóa nhòa tất cả ; cái còn lại nơi tâm tư mỗi người là ‘nỗi buồn tại thế, nỗi buồn hiện hữu’ (tức nỗi buồn cuộc sống mình và cuộc đời chung – ennui de vie) của chúng sinh lãng đãng, xa gần, quanh quẩn không nguôi. Từ đó nẩy sinh cái đạo tu tiên, xuất thế, phóng dật, tiêu dao, nhàn tản, vô vi. Một Tản Đà, mộng lớn, mộng con không thành, ngậm ngùi, than thở :

-Đời đáng chán hay không đáng chán
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm 

Một Nguyễn Văn Ái (đương thời với Chu Mạnh Trinh) bi quan 

-Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Rốt cuộc cùng trong bể thảm thôi 

Thấy cuộc sống mình vô nghĩa nên cũng thấy cuộc đời vô nghĩa. Cuộc đời, như nói trên, là cuộc sống chung của đồng loại hay của cả chủng loại người. Cuộc sống mỗi người không thể biệt lập với cuộc đời. Ta đi trong dòng đời, cuộc đời đưa dẫn ta đi. Ta có dự phần vào cuộc đời vì mỗi tác động của ta vào cuộc đời tạo nên từng dạng sống của ta ‘ở đây và bây giờ’. Nếu không phản ứng dù thuận hay nghịch với cuộc đời, không dự phần tác động vào nó bằng ý chí và năng lực của ta thì ta không tạo được cuộc sống cho ta. Mỗi người là một ‘hữu tại thế’ (être dans le monde) nghĩa là hiện hữu của ta trong hiện hữu của cuộc đời, của thế giới. ‘Hữu tại thế’ trước tiên là ‘hữu’ cho mình vì nếu không thế, ta không thể ‘hữu’ cho kẻ khác. Ta ‘hữu’ cho ta để ‘hữu’ cho kẻ khác và kẻ khác cũng thế, nếu không, xã hội để làm gì và cần thiết gì phải tổ chức nên xã hội. Kẻ chết không còn ’hữu’ cho ta mà ‘hữu’ cho cuộc đời. Ta vừa ‘hữu’ cho kẻ chết vừa hữu cho người bây giờ và người mai sau để từ đó ‘hữu’ cho cuộc đời như bao kẻ đã chết. Nhưng ‘hữu cho kẻ khác’ (sống cho kẻ khác) cũng là cách thế ‘hữu cho mình’. Mối tương quan kỳ lạ đó chỉ định tính cách ‘hữu tại thế’ của con người và nói lên mối liên tục lịch sử giữa các thế hệ.

Nhưng Cuộc Sống cá thể là từng thực tại phù du ngắn ngủi trong lúc Cuộc Đời lại là một thực tại miên viễn dở dang vì chủng loại luôn luôn được tiếp nối qua cái Sống và cái Chết của từng thế hệ hiện thể. Cuộc Sống không có ý nghĩa trong hạn kỳ ‘nhân sinh bách tuế vi kỳ’ nhưng Cuộc Đời tự nó có một ý nghĩa. Đời không là từng cuộc sống cá thể rời rạc mà là tổng hòa mọi cuộc sống cá thể tiếp nối qua quá trình thời gian ; đấy là diễn tiến hiện hữu nơi thế gian. của cả nhân loại nói chung. Do đó, mọi thành tựu, đóng góp do cái Biết, cái Làm của từng cuộc sống cá thể được tích lũy, lưu trử nơi Cuộc Đời (qua từng thế hệ nối tiếp nhau) dần dần dẫn về cái Biết toàn bích, cái Biết ‘viên dung vô ngại’, cái Biết của Cây Sự Sống. Và khi đạt được cái Biết của Cây Sự Sống thì không còn phân biệt, không còn Thiện-Ác, không còn tranh chấp giữa Cuộc Sống-Cuộc Đời, không còn nỗi buồn hiện hữu lãng dãng vây quanh. Và lúc đó, Cuộc Sống,Cuộc Đời mới hoàn toàn được gọi là Hạnh Phúc, cái ‘Hạnh phúc duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’ như lời Nguyễn Du.

Vì thế, cái ‘vô nghĩa’ (!) của cuộc sống mỗi người lại là điều kiện cho ý nghĩa cuộc đời chung được thị hiện. Cái cố gắng làm cho cuộc sống mình có ý nghĩa theo cách thế nào đó chính là phần đóng góp của cá thể để ý nghĩa Cuộc Đời chung hiển lộ. ‘’Cái ý nghĩa của cuộc đời chung hay cái ý nghĩa chung của cuộc đời chính là ý nghĩa tại thế, ý nghĩa hiện hữu tức ý nghĩa Sự Sống thể hiện qua dòng tiến hóa của nhân sinh’’. Điều nầy, Khoa học chưa để ý.

Do đâu có Sự Sống, cái gì làm phát sinh Sự Sống ? Và Sống, Sự Sống có ý nghĩa gì không ? Cả Triết lý, cả Khoa học đều mù tịt. Nhưng Sự Sống lại bắt buộc con người phải đi tìm cho ra cái lý do nguyên khởi đó, đây là phần vụ của cái Sống tri thức nơi con người. Từ đó, Lý trí con người giả định một uyên nguyên sinh thành Sự Sống cùng vũ trụ mang chở sự Sống rồi gán cho cái uyên nguyên đó một cái Tên nầy nọ : Thượng Ðế, Ðức Chúa Trời, ông Trời hay một cái Thể (Chân như Thể, Ðạo Thể) hay một thứ Không (Chân Không, Khoảng Không -le Vide) hoặc một thứ nào khác : Vật chất, Năng lượng, Âm thanh, Ngôi Lời (le Verbe), Lượng tử (quanta), Sợi Trời (Super Corde), …Rồi tất cả nương vào cái Tên giả định đó, nêu ra thuyết nầy thuyết nọ, mượn đấy giải thich Sự Sống tức sự hiện hữu của tất cả mọi thứ cùng nêu ra mục đích, ý nghĩa của Sống, Sự Sống. Ðến nay, hầu hết các nhà Khoa học (thiên văn học, vũ trụ học) đều đồng ý ‘Sự hiện hữu của muôn vật’ tức tức Sự Sống của tất cả mọi thứ trong vũ trụ hiện nay là do vụ Nổ lớn Big-Bang cách đây những trên 13 tỷ năm, từ đó phát sinh các protons, neutrons, électrons, photons,…ở một nhiệt độ vô cùng lớn, rồi các vi tử sơ khai nầy kết hợp vớii nhau thành những nguyên tử nầy nọ để sản sinh ra mọi thứ. (Thuyết Big-Bang do tu sĩ và thiên văn học ngưởi Bỉ Geolrges Lemaitre khởii xướng, , được nhà khoa học Mỹ Gamow khai triển và giới khoa học công nhận đến nay). Các nhà khoa học cũng dự trù rầng vũ trụ hiện nay trương nở mài rồi nguội dần và sẽ có thể xảy ra một vụ Tan Vỡ Lớn (Big-Crunche), không hiểu có tạo nên một vũ trụ mới khác không (Liệu phần nào theo lời Chúa Jésus : ‘Ta sẽ tao nên một trời đất mới’- Ta nơi đây là Thượng Ðế). Tuy nhiên, cho đến nay, cái Nguồn gốc cùng ý nghĩa Sự Sống vẫn chưa được xác định. Câu hỏi của nhà Triết và nhà Toán Học người Ðức G.W.Leibniz (1646-1716) : ‘Tại sao có thứ nầy thứ nọ mà không là không gì cả ? » (Pourquoi y a-t-il quelque chose plutôt que rien ?),vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Có người hỏi : « Có cái gì trước Big-Bang ? » , các người chủ trương thuyết Big-bang bảo rằng câu hỏi đó ngớ ngẩn, buồn cười (ridicule) hoặc thuộc về Siêu hình học).

Tóm lại, Sống, Sự Sống là vấn đề vô cùng, rắc rối, nhiêu khê, không thể hiểu được một cách tận tường. Không hiểu được, ấy thế mà không ai không sống, không lo cho Sự Sống của mình và của chung chủng loại, không ai không băn khoăn, trăn trở về ‘thân phận con người’ trong dòng đời nghiệt ngã, trớ trêu. Nếu tin có một vị ‘Thượng Đế hữu ngã’ sáng tạo nên mọi thứ theo đôi Tôn giáo độc thần thì ‘Cái lỗi lầm đầu tiên và duy nhất của Thượng Đế là đã tạo nên Sự Sống’ !!!

Chú Thích :
1) Trinh Xuân Thuận : ‘Dictionnaire amoureux du Ciel et des Étoiles’ (Plon/Fayard, Paris 2009) , trang 1003-1006.
2) Theo Đạo Học, tất cả mọi thứ một khi đã hiện hữu đều mang chở Sự Sống, dù là những vật vô tình, vô tri như đất đá, khoáng vật, dù có hình thể hay không có hình thể mà chỉ có những đặc điểm của riêng nó như nước, lửa, ánh sáng, không khí,..(xin xem những phần sau)
3) Hannah Arendt : ‘The Human Condition’, bản dịch tiếng Pháp ‘La Condition de l’homme moderne’ của George Fradier, nxb Calman Levy, Paris 1936-1983 : ‘C’est ainsi que la langue romaine…employait comme synonymes les mots ‘vivre’ et ‘être parmi les hommes’ (inter homines esse) ou ‘mourir’ et ‘cesser d’être parmi les hommes’ (inter homines esse desinere)’, trang 42.
4) M. Heidegger : ‘Die Frage Nach Dem Ding’, bản dịch Pháp ngữ ‘Qu’est-ce qu’une chose ?’ của Jean Reboul và Jacques Taminiaux, edt. Gallimard, Paris 1988, trang 15 đến 18. 5) Trong tiếng Pháp, Univers còn gọi là Cosmos nhưng nặng về Thiên Văn hoc (astronomie) là khoa nghiên cứu các Thiên thể và cấu trúc của vũ trụ. [Xin đừng lầm với khoa ‘Chiêm Tinh học’ (astrologie) là cách tiên đoán vận mệnh con người theo vận hành của các vì sao, từ đó có khoa Tử Vi với lá số Tử vi (horoscope)]. Do từ Cosmos (do tiếng Kosmo của Hy Lạp) mà có Khoa Cosmologie tức Vũ Trụ học hay Vũ Trụ luận nhằm nghiên cứu sự ‘cấu tạo và bản chất của vũ trụ’ (formation et nature de l’univerrs) hay ‘lý thuyết tổng quát về vật chất trong không-thời gian’ (‘théorie générale de la matière dans l’espace-temps ‘ – Dict. Le Petit Robert). Một từ gần như đồng nghĩa với Cosmologie là Cosmogonie (vũ trụ nguyên thủy luận) cũng nói về sự hình thành vũ trụ và các tinh tú nhưng mang tính cách thần bí. Từ Vũ Trụ đôi lúc dùng lẫn lộn với từ Thế Giới (monde). Vũ trụ bao gồm tất cả mọi thế giói. Từ Thế giới thường chỉ một Không gian giới hạn nào đó trong vũ trụ như ‘Thế giới địa cầu’ ‘(monde terrestre), ‘Thế giới ngoài địa cầu’ (monde extra-terrestre) hoặc cảnh giới sống của những hiện thể cùng loại như ‘thế giới loài ong, thế giới loài kiến’ (monde des abeilles, monde des fourmis), ‘thế giới thảo mộc’ (monde végétal), ‘thế giới loài người’ (monde des hommes) hoặc chỉ những người cùng một cách thế sinh hoạt như : ‘thế giới khoa học’ (monde des scientifiques), ‘Thế giới văn chương’ (monde littéraire),… 6) Trịnh XuânThuận : ‘Dict. amoureux..’(sđd) : ‘La force de gravité règne dans le monde macroscopique. Elle est la « colle » du cosmos. Elle attire les choses les unes vers les autres. C’est elle qui nous retient sur Terre, qui retient la Lune dans son orbite autour de la Terre, les planètes autour du Soleil, les étoiles dans les galaxies, et les galaxies dans les amas. Supprimez la gravité, et nous flotterons dans l’espace. La Lune, les planètes et les étoiles se disperseront dans l’immensité cosmique’ (trang 399). 7) Hành trình đi tìm Không gian Thời gian mới thích ứng cho Cuộc Sống của mình tạo nên Lịch Sử của mỗi người cùng lịch sử chủng loại.Trước nay, người ta phân biệt nhiều thứ Không gian, Thời gian, nào ‘Không Thời gian, Vật lý, tâm lý, xã hội, hiện sinh, tâm linh, tuyến tính (linéaire), chu kỳ (cyclique)…Người ta cũng bảo Thời gian là mũi tên (la flèche du temps) luôn phóng tới trước, không hề phản phục (irréversible) nhưng có thể chính Không gian đã khiến Thời gian phản phục nên có sự việc được gọi là Vạn Vật Tuần Hoàn. Chẳng hạn mùa Xuân nào trời cũng trong xanh, không khí trong lành, cây lá xanh tươi, chim chóc reo vui,…khiến ta nghĩ rằng Mùa Xuân năm nay cũng là Mùa Xuân năm trước, hay của mọi Mùa Xuân trở về với thiên nhiên, vạn vật, với chúng ta. Thực ra, không hẳn như thế vì tuy mặt ngoài xem như giống nhau nhưng trạng thái hiện hữu không hoàn toàn giống y như trước. Cũng là chiến tranh, loạn ly, chết chóc, tang thương nhưng trạng thái chiến tranh ngày nay có nhiều khác biệt với chiến tranh ngày trước… Tuy nhiên, con người lại có khả năng phục hồi Thời gian, đấy là ký ức , cái ‘sự nhớ lại’ của con người. Nhưng không thể nhớ lại thời gian đã qua mà là nhớ lại những không gian quá khứ vì không gian đă chứa sẵn thời gian nơi nó. Khi ta bảo ‘nhớ nhà, nhớ thời tuổi trẻ’, thực ra là ta nhớ những khônng gian mà ta đã sống qua, nhớ cái bầu không khí ta đã sống thời buổi đó. Thời gian là thứ vô hình, không hình hài sắc tướng, do trí nhớ, do qua những sách báo, văn thơ, nghệ thuật ghi lại mà ta nghĩ rằng ta đả sông lại quá khứ tức thời gian đã qua. Những điều ta gọi ‘quá khứ, hiện tại, tương lai’, thực ra chỉ là những ‘không gian sống mà ta đã trải qua hay nghĩ đến, tưởng tượng ra do ký ức và óc tưởng tượng của ta. Ngày xửa, ngày xưa, người ta dùng Không gian để đo Thời gian bằng cách trồng một cây trụ rồi phân chia bóng cây trụ ra từng phần tùy theo ánh sáng mặt trời lên cao hay xuống thấp để từ đó định ra giờ Tí, giờ Ngọ, giờ Thìn,..Cây trụ, bóng cây trụ, ánh sáng mặt trời là những Không gian. Cách đo Thời gian như trên không chính xác. Tri thức phát triển, người ta căn cứ vào vòng quay của trái đất quanh mặt trời (cũng là không gian) để định ra giờ, phút giây, ngày, đêm, mùa, thế kỷ rồi định ra ‘lịch’, ra tọa độ trên mặt đất cũng như không gian bên ngoài trái đất. Ngày nay, người ta dùng Thời gian để nói về Không gian, chẳng hạn : từ Paris đến Nữu Ước phải mất x giờ với giả định là biết rõ tốc độ của chiếc máy bay, ánh sáng mặt trời đến trái đất mất 8 phút với giả định biết rõ tốc độ ánh sáng là 300.000km/giây. Với tốc độ ánh sáng đó, để nói về khoảng cách giữa càc thiên thể, (không gian) người ta không nói là bao nhiêu cây số mà nói đến năm ánh sáng. Một ngày đường, một giờ bay,…là cách nói thường dùng để chỉ khoảng cách cách giữa các không gian trên mặt đất chúng ta….
Ngày còn dạy học Phổ Thông cấp 2 ở lớp 8, phải giảng bài thơ ‘Chiều hôm nhớ nhà’ của Bà Huyện Thanh Quan, tôi hỏi học sinh : ‘Nhớ nhà là nhớ cái gì, các em ?’. Chúng trả lời lung tung, đủ thứ, nhiều đứa ngẩn tò te, lạ lùng vì cái diều luôn nói, ấy thế mà chẳng hiểu ra sao. Tôi phải giảng khá dài dòng, ít nhiều mặc nhiên liên hệ với cặp phạm trù Không Gian Thời Gian, (xin không nói nơi đây). Cặp phạm trù ‘Không gian - Thời gian’ khá rắc rối ; người viết chỉ nói lên đôi cảm nhận của mình chứ không đủ khả năng nêu thành một tiểu luận hoặc bàn luận thêm (người viết có đọc tác phẩm ‘Lịch sử ngắn gọn về Thời gian’ (A Brief History of Time) của nhà Vũ Trụ học Stephen W Hawking (bản dịch tiếng Pháp : ‘Une brève histoire du Temps’của Isabelle Naddeo-Souriau, Flammarion, Paris 1989) nhưng không thấy tác giả định nghĩa Thời gian ra sao cả, có thể do người viết hiểu biết quá kém nên không thể lãnh hội nổi chăng ! Vì thế, người viết phải tự mình tìm hiểu và cặp phạm trù « không gian-Thời gian » đóng vai trò cần thiết khi nói về Sự Sống và Diễn tiến Tiến hóa của nhân sinh trong sách nầy). 8) ‘Tự Điển Phật Học Hán Việt’, nxb Khoa Học Xã Hội, Giáo Hột Phật giáo VN, Hà Nội 1992, Phật lịch 2536, in tại tp Hồ Chí Minh năm 2004. trang 957. Xin xem thêm ‘Từ Điển Phật Học’ của ‘Ban Biên Dịch Đạo Uyển’ (gồm Chân Như, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu), nxb Thời Đại, Hà Nội 2001. (người viết chưa mấy thỏa mãn về cách hiểu từ ngữ nhà Phật nơi hai Tự Điển nầy).




VVM.15.6.2024-NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .