T ruyền kỳ mạn lục (Sao chép tản mạn những truyện lạ) là sáng tác duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ (*), sống vào khoảng thế kỷ 16. Một trong những bản sớm nhất của Truyền kỳ mạn lục do Hà Thiện Hán viết lời Tựa (năm 1547), Nguyễn Bỉnh Khiêm (**) phủ chính, Nguyễn Thế Nghi (***), dịch ra chữ Nôm, và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (****) (1702-?), đánh giá là một "thiên cổ kỳ bút". Một trong những bản in Truyền kỳ mạn lục có chất lượng cao là bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện (*****), NXB Trẻ và Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM, in lại năm 1988.
Truyền kỳ mạn lục viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối truyện có lời bình của tác giả. Nguyễn Dữ làm ra sách Truyền kỳ mạn lục trong khoảng thời gian ông đến ẩn cư ở rừng núi xứ Thanh. Cách thức xây dựng tác phẩm là tác giả mượn một nhân vật có thật hay chỉ có trong huyền thoại, rồi tổ chức lại kết cấu, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn từ...để tái tạo thành một thiên truyện mới.Vì thế, Truyền kỳ mạn lục, tuy có vẻ là những truyện cũ nhưng lại phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội VN thế kỷ 16...
Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện, cuối mỗi truyện có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm với tác giả. Hầu hết các truyện xảy ra ở đời Lý, Trần, Hồ hoặc Lê sơ. Lấy tên sách là Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất của các truyện thì Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái (1), mà là một sáng tác văn học đích thực, đánh dấu bước phát triển quan trọng của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán.
Thông qua các nhân vật thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ..., Truyền kỳ mạn lục thể hiện rõ ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian thần lũng đoạn triều đình; những kẻ quan cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành, ngang ngược tới mức chiếm đoạt vợ người, bức hại chồng người. Trong một xã hội rối ren như thế, tệ nạn cờ bạc, trộm cướp lan tràn, tật dịch, ma quỷ hoành hành, đến Hộ pháp, Long thần cũng trở thành yêu quái, sư sãi, học trò, thương nhân, nhiều kẻ đắm chìm trong sắc dục. Người dân lương thiện, đặc biệt là phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ, bất hạnh. Nguyễn Dữ dành nhiều ưu ái cho những nhân vật này. Dưới ngòi bút của ông họ đều là những thiếu phụ xinh đẹp, tảo tần, giàu lòng vị tha nhưng luôn luôn phải chịu số phận bi thảm. Đến cả loại nhân vật "phản diện" như nàng Hàn Than (Đào thị nghiệp oan ký), nàng Nhị Khanh (Mộc miên phụ truyện), các hồn hoa (Tây viên kỳ ngộ ký) và "yêu quái ở Xương Giang" cũng đều vì số phận đưa đẩy, vì "nghiệp oan" mà đến nỗi trở thành ma quỷ. Dường như Nguyễn Dữ không tìm được lối thoát trên con đường hành đạo, ông quay về cuộc sống ẩn dật, đôi lúc thả hồn mơ màng cõi tiên, song cơ bản ông vẫn gắn bó với cuộc đời. Ông trân trọng và ca ngợi những nhân cách thanh cao, cứng cỏi, những anh hùng cứu nước, giúp dân không kể họ ở địa vị cao hay thấp.
Trong Truyền kỳ mạn lục, có truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối, hủ bại, mục nát, đả kích hôn quân bạo chúa, tham quan lại nhũng, đồi phong bại tục, có truyện nói đến quyền sống của con người như tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, có truyện thể hiện đời sống và lý tưởng của sĩ phu ẩn dật…
Với một nhà Nho có kiến văn uyên bác như Nguyễn Dữ thì một tác phẩm duy nhất như Truyền kỳ mạn lục chỉ gồm 20 truyện là điều bất thường!? Song, chỉ với 20 truyện trong cuốn Truyền kỳ mạn lục, người đọc như được một sự “đi ngược thời gian” thật kỳ diệu: Câu chuyện ở đền Hạng vương (Hạng vương từ ký); Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Khoái Châu nghĩa phụ truyện); Chuyện cây gạo (Mộc miên thụ truyện); Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Trà đồng giáng đản lục); Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây (Tây viên kỳ ngộ ký); Chuyện đối tụng ở Long cung (Long đình đối tụng lục); Chuyện nghiệp oan của Đào Thị (Đào Thị nghiệp oan ký); Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Tản Viên từ phán sự lục); Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Từ Thức tiên hôn lục); Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào (Phạm Tử Hư du thiên tào lục); Chuyện yêu quái ở Xương Giang (Xương Giang yêu quái lục); Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na (Na sơn tiều đối lục); Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều (Đông Triều phế tự lục); Chuyện nàng Thúy Tiêu (Thúy Tiêu truyện); Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang (Đà Giang dạ ẩm ký); Chuyện người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử lục); Chuyện Lý tướng quân (Lý tướng quân truyện); Chuyện Lệ Nương (Lệ Nương truyện); Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa (Kim Hoa thi thoại ký); Chuyện tướng Dạ Xoa (Dạ Xoa bộ soái lục).
Tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Dữ là tư tưởng Nho gia. Ông phơi bày những cái xấu xa của xã hội là để cổ vũ thuần phong mỹ tục xuất phát từ ý thức bảo vệ chế độ phong kiến, phủ định triều đại mục nát đương thời để khẳng định một vương triều lý tưởng trong tương lai, lên án bọn "bá giả" để đề cao đạo "thuần vương", phê phán bọn vua quan tàn bạo để ca ngợi thánh quân hiền thần, trừng phạt bọn người gian ác, xiểm nịnh, dâm tà, để biểu dương những gương tiết nghĩa, nhân hậu, thủy chung. Tuy nhiên Truyền kỳ mạn lục không chỉ thể hiện tư tưởng nhà Nho, mà còn thể hiện sự dao động của tư tưởng ấy trước sự rạn nứt của ý thức hệ phong kiến…
Đó là những mong muốn của Nguyễn Dữ về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người... Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục chính là ở những nội dung nhân văn đó.
Truyền kỳ mạn lục là tập truyện có nhiều thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện, dựng nhân vật. Nó vượt xa những truyện ký lịch sử vốn ít chú trọng đến tính cách và cuộc sống riêng của nhân vật, và cũng vượt xa truyện cổ dân gian thường ít đi sâu vào nội tâm nhân vật. Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động. Truyền kỳ mạn lục là mẫu mực của thể truyền kỳ, là "thiên cổ kỳ bút" , là "áng văn hay của bậc đại gia", tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian.
Câu chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na (Na Sơn tiều đối lục) viết tắt là Truyện người tiều phu ở núi Na (3), theo bản dịch của Trúc Khê, là truyện thứ 12 trong số 20 truyện trong quyển Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Đây là truyện duy nhất được chọn đăng trong bộ Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam (tập 2) do NXB Giáo Dục ấn hành năm 1979, khi giới thiệu về tác gia này. Truyện này có sự đặc biệt vì đọc nó, ta như thấy gặp lại chính Tác giả!
Truyện người tiều phu ở núi Na, có cốt truyện ngắn gọn. Khởi đầu là một đoạn văn ngắn giới thiệu sơ lược cảnh núi Na cùng một lão tiều đang ẩn cư ở nơi đó. Kế tiếp là bài ca (21 câu dài ngắn khác nhau) mà Hồ Hán Thương nghe được từ miệng lão tiều, khi nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi săn trên núi Na. Ngay sau đó, viên quan hầu Trương Công được lệnh đi theo mời gặp, nhưng đi một hồi thì lạc vào một cái động sâu, phía trong có một cái am cỏ bên những khóm cây xanh tốt. Trong am, là một chiếc giường mây, trên giường để đàn sáo và chiếc gối dựa. Còn hai bên vách có đề hai bài ca, một bài là Thích ngủ (25 câu), một bài là Thích cờ (23 câu). Đến lúc ấy, viên quan mới bắt gặp lão tiều phu đang ngồi ngoài hiên đá, dạy con chim yểng học nói, bên cạnh có mấy đứa nhỏ ngồi đánh cờ... Tiếp theo là cuộc đối đáp của lão tiều với viên quan hầu, đây là câu chuyện thể hiện quan niệm sống "lánh đục về trong" của kẻ sĩ lúc bấy giờ, trong số đó có tác giả. Ba bài ca có trong truyện đều thuộc về loại văn chương lãng mạn của Đạo học, giàu tâm lý và nghệ thuật. Ba bài ca thể hiện “lý tưởng thẩm mỹ” của tác giả: vừa muốn thoát tục lại không thể dứt bỏ “duyên nợ” cõi trần, đó là mâu thuẫn muôn đời của Nho sĩ thời xưa.
Cuộc đối đáp giữa lão Tiều phu với quan hầu Trương Công đã thể hiện rõ tư tưởng và thái độ của Nguyễn Dữ, đối với nhà Hồ...Tuy nhiên, những gì tác giả để cho miệng lão Tiều phát ra cùng lời tiên đoán cảnh diệt vong của triều đình ấy, đã cho thấy Nguyễn Dữ không hẳn là người lánh đời, mà chỉ vì ông không tìm được lối thoát trên con đường hành đạo, đành trốn vào cuộc sống ẩn dật, đôi lúc thả hồn mơ màng cõi tiên, song cơ bản ông vẫn gắn bó với cõi đời...
Cuối cùng là lời bình, tác giả có ý giải thích sự thất bại của nhà Hồ, là nghiệm với lẽ trời, và hợp với lòng người...Sau đây là đoạn trích phần cuối của Truyện người tiều phu ở Núi Na:
“Sau khi nghe Trương Công ngỏ lời tuyên triệu...Tiều phu cười mà rằng: -Ta là kẻ dật dân trốn đời, ông lão già lánh bụi, gửi tính mệnh ở lều tranh quán cỏ, tìm sinh nhai trong búa gió rìu trăng; ngày có lối vào làng say, cửa vắng vết chân khách tục, bạn cùng ta là hươu nai tôm cá, quẩn bên ta là tuyết gió trăng hoa; chỉ biết đông kép mà hè đơn, nằm mây mà ngủ khói; múc khe mà uống, bới núi mà ăn; chứ có biết gì đâu ở ngoài là triều đại nào, vua quan nào?
Bèn mời Trương ở lại làm tiệc thết, cơm thổi bằng hạt điêu hồ, canh nấu bằng rau cẩm đái, lại còn có mấy món rau suối khác nữa. Canh khuya chuyện trò, đều là những nghĩa lý đáng nghe cả, nhưng không một câu nào đả động đến việc đương thời. Hôm sau, Trương lại mời:
-Những bậc quân tử đời xưa, không phải là không muốn giúp đời hành đạo; khi ẩn kín ở một chỗ, chỉ là còn đợi giá mà thôi. Cho nên tất có bức tiếu tượng đi tìm, rồi sau đồng Thương mới thấm nước, tất có cỗ hậu xa đi chở, rồi sau nội Mục mới thành công. Nay phu tử lấy tấm thân vàng ngọc, ôm một bọc kinh luân, ngoài vòng vinh lợi, vùi lấp tiếng tăm trong đám người đánh cá hái củi, giấu tài giúp vua cứu dân, náu mình chốn rừng suối, vang tiếng đến cửu trùng; đốt nón lá, xé áo tơi, nay chính là đến lúc rồi đó. Dám xin bỏ bờ đập Phó Nham, ném cần câu sông Vị (3), đừng để uổng hoài khát vọng của bao kẻ nho sinh.
Tiều phu nói: -Kẻ sĩ ai có chí nấy, hà tất phải vậy! Cho nên Nghiêm Tử Lăng (4) không đem chức Gián nghị ở Đông Đô đánh đổi khỏi sóng sông Đồng Thủy. Khương Bá Hoài (5) không đem bức tranh vẽ của thiên tử làm nhơ bẩn non nước Bành Thành. Tài ta tuy kém, so với người xưa chẳng bằng được, nhưng may lại giàu hơn Kiềm Lâu , thọ hơn Vệ Giới , no hơn Viên Tinh , đạt hơn Phụng Thiến (6), kể thì cũng đã được trời đất ban cho khá nhiều. Nếu lại còn tham cầu những cái ở ngoài phận mình, len lỏi vào đường làm quan, chẳng những xấu hổ với các bậc tiên hiền, lại còn phụ bạc với vượn hạc ở trong núi. Vậy xin ông đi đi, đừng nói lôi thôi gì nữa.
Trương nói: -Ngài cho là thời nay không đủ để cho ngài làm việc hay chăng? Nay có đấng thánh nhân trị vì, bốn bể đều ngóng trông, người Chiêm dâng đất mà xưng thần, quân Minh nộp lễ để xin lui. Lão Qua, Đại Lý các nước cũng tranh nhau quy phục. Hiện chỉ còn thiếu các bậc ẩn dật ở rừng núi ra giúp rập, khiến cho huân đức của chúa thượng được sánh cùng các vua Nghiêu, Thuấn ngày xưa. Ngài nếu định trọn đời ẩn lánh, bắt chước như Vụ Quang, Quyên Tử (7) thì cứ như vậy không sao. Nhưng nếu còn để ý chút nào đến đám dân chúng, mà bỏ lỡ dịp này không ra thì tôi sợ rằng sẽ mục nát cùng cỏ cây, không bao giờ lại có dịp gặp gỡ hay này nữa.
Tiều phu biến sắc nói: “Như lời ông nói, há chẳng phải là khoe khoang quá khiến cho người nghe phải thẹn thùng sao! Vả lại vị vua ngự trị bây giờ có phải họ Hồ không?” – “Chính phải!” - “Có phải là đã bỏ khu Long Đỗ về ở đất An Tôn (8) không?” – “Phải!” – “Ta tuy chân không bước đến thị thành, mình không vào đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người thế nào. Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu (9), dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai ; hao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng; lòng dân động lay, nên đã xảy ra việc quân sông Đáy bờ cõi chếch mếch nên đã mất dải đất Cổ Lâu .Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết. Duy có Nguyễn Bằng Cử (10) có lượng nhưng chậm chạp, Hoàng Hối Khanh có học nhưng lờ mờ, Lê Cảnh Kỳ giỏi mưu tính nhưng không quyết đoán, Lưu Thúc Kiệm quân tử nhưng chưa được là bậc nhân; còn ngoài ra phi là đồ tham tiền thì là đồ nát rượu; phi là đồ chỉ lấy yên vui làm thích thì là tuồng lấy thế vị mà khuynh loát nhau; chứ chưa thấy ai biết những kế lạ mưu sâu để lo tính cho dân chúng cả. Nay ta đương náu vết ở chốn núi rừng, lo lảng tránh đi chẳng được, há lại còn xắn áo mà lội nữa ư?(11). Xin ông vui lòng trở về, làm ơn từ chối hộ kẻ cư sĩ này. Ta không thể đem hòn ngọc Côn Sơn cho nó cùng cháy trong ngọn lửa Côn Sơn (12) được”. Trương nói: “Sự xuất xử của bậc người hiền lại cố chấp đến như thế ư?” - Tiều phu nói: “Không phải là ta cố chấp. Ta chỉ ghét những kẻ miệng lưỡi bẻo lẻo, đã đắm mình vào trong triều đình, vẩn đục, rối loạn lại còn toan kéo người khác để cùng đắm với mình”.
Trương lặng im không trả lời, trở về đem hết những lời của tiều phu tâu lại với chúa. Hán Thương không bằng lòng nhưng còn muốn đem cỗ xe êm để cố đón ra kỳ được, sai Trương lại đi vào lần nữa. Nhưng vào đến nơi thì rêu trùm cửa hang, gai góc đầy núi, dây leo, cành rậm đã lấp mất cả lối đi rồi. Chỉ thấy ở trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây như sau: Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn, / Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu.(Nghĩa là: Kỳ La cửa bể hồn thơ đứt, / Cao Vọng (13) đầu non dạ khách buồn). Ý lời như giọng trào phúng của họ Nguyên họ Bạch (14), thể chữ như lối triện lệ của ông Lưu, ông Tư (15), nhưng rút lại chẳng hiểu định nói gì. Hán Thương cả giận, sai đốt cháy núi; núi cháy hết vẫn không thấy gì, chỉ thấy con hạc đen lượn trên không bay múa. Sau cha con họ Hồ gặp phải tai họa đều đúng như lời thơ.
Người tiều phu ấy có lẽ là kẻ sĩ đắc đạo đó chăng?
Nếu như Truyện người tiều phu ở Núi Na phán xét nhà Hồ thật chính xác thì Câu chuyện ở đền Hạng Vương (******) là sự “luận công, định tội” khá sâu sắc các bậc đế vương nổi danh trong lịch sử Trung Hoa xưa. Những câu đối thoại thật linh hoạt, sâu sắc:
“Ông Hồ nói: - Phàm xoay cái thế thiên hạ, ở trí chứ không phải ở sức; thu tấm lòng thiên hạ, ở nhân chứ không phải ở bạo. Nhà vua thì chỉ lấy quát thét làm oai, lấy cương cường làm đức. Chém Tống Nghĩa(1) là một tướng mạnh, vô quân đến đâu! Giết Tử Anh (2) là người đã hàng, bất võ quá lắm! Hàn Sinh (3) vô tội mà bị luộc, hình pháp trái thường; A Phòng (4) vô cố mà bị thiêu, hung uy quá tệ. Cứ những việc của nhà vua làm thì được lòng người chăng? hay mất lòng người chăng? Hạng vương nói: - Không phải như thế. Này như cái việc Hàm Đan, lấy một nước Triệu mới dựng, chống với nước Tần sói hùm, thành bại chỉ ở trong một hơi thở, còn mất chỉ ở trong chớp mắt. Vậy mà Nghĩa lần khân sợ sệt, chờ khi giặc mỏi lười, dùng dằng trùng trình, cản đường quân tiến tới. Nếu mà kế trong trướng không thi hành được, quân qua sông lại lữa lần thêm, thì dân chúng ở trong thành Triệu, sẽ lại có cái thảm họa hơn là ở Trường Bình (5) thủa trước. Vậy thì ta giết một Tống Nghĩa, mà cứu sống được tính mệnh cho trăm vạn sinh linh, có gì là quá! Vua các nước đều là chư hầu, đều có chúng dân, có xã tắc, tước thì của thiên vương phong cho, đất thì của thiên vương ban cho. Vậy mà Tần lợi dụng đất cát, ngông cuồng giáp binh, mổ Hàn thịt Triệu, hiếp Ngụy hại Yên, nam thì lừa Sở rồi bắt mà giữ lại, đông thì dối Tề để hãm cho chết đói. Nếu không lật đổ ngôi Tần và tru diệt họ Tần thì cái hờn cắn nuốt các nước, không biết ngày nào tiêu tan được. Cho nên ta giết một Tử Anh để trả mối thù diệt vong cho sáu nước, có gì là tệ. Ôm bụng trung lương là tiết lớn của kẻ làm tôi. Hàn Sinh thì không thế, khoe mẽ hợm mình, vong ân bội nghĩa, múa lưỡi để chỉ nghị quân thần, khua môi để buông lời sàm báng. Vì vậy ta đem làm thịt, để những kẻ bất trung biết mà răn sợ. Giữ thói tiết kiệm là đức tốt của người làm vua, Thủy Hoàng thì không thế, xây cung ở bên sông, mở đường ở ven núi, đắp nền cho cao bằng những hờn oán của dân, chứa kho cho đầy bằng những máu mỡ của dân. Vì vậy ta đem đốt đi để những vua đời sau biết nên dè sẻn. Nếu lại buộc tội về những điều ấy thì ta trộm lấy làm không phục.
Ông Hồ nói: - Thế thì sáu kinh trong lửa, đốt sách Thánh nhân, thước kiếm trên sông, giết vua Nghĩa đế (6), những việc ấy chi mà nhẫn tâm như vậy! Sao bằng người Hán: sợ lỗi phận vua tôi thì nghe lời Đổng công làm việc nhân nghĩa, khiến nền nếp đế vương hầu rối mà lại sáng; sợ thất truyền đạo học thì về đất Khúc Phụ, bày lễ thái lao, khiến dòng nguồn thi thư hầu đứt mà lại nối. Cho nên người ta có câu nói rằng: "Hán được thiên hạ, không ở cất dùng Tiêu, Trương, mà ở việc để trở của ba quân, gợi lòng trung phẫn các hào kiệt; Hán giữ thiên hạ không ở quy mô rộng lớn mà ở việc thân đến tế ở Khúc Phụ (7), mở nền nương tựa cho đời sau". Nhà vua thì so ví làm sao được với Hán vương. Hạng vương nghẹn lời không biết nói ra sao, sắc mặt tái như tro nguội. Bên cạnh có một vị lão thần họ Phạm, tiến lên nói rằng:
- Tôi nghe, làm người ta không ngoài trời đất để mà sống, làm chính trị không ngoài cương thường để dựng nước. Bầy tôi của Đại vương đây có người tên là Cữu (8) tiết cứng như tùng, lòng bền tựa đá, sa cơ không chịu sống nhục, liều mình để được thác mà vinh; nếu không phải nhà vua biết cách chống ngự thì sao có sự tử trung ấy! Truyện (9) có nói rằng: "Vua khiến bề tôi lấy lễ, bề tôi thờ vua lấy trung"; ở Đại vương đây, chính là đã đúng hợp với câu ấy. Chứ như kẻ kia, sai Ung Sỉ (10) giữ đất Phong thì Ung Sỉ đầu hàng, sai Trần Hy (11) coi nước Triệu thì Trần Hy làm phản; đạo cương thường hỏi ai là hơn? Hậu cung của Đại vương có bà họ Ngu (12), mệnh nhẹ lá thu, hồn theo bóng kiếm, gửi lòng thơm ở ngọn cỏ tịch mịch, chôn hờn oán ở cánh đồng hoang vu , nếu không phải nhà vua biết lẽ cư xử thì sao có sự tận tiết ấy! Kinh Thi có câu rằng: "Dạy vợ mình trước, sẽ trị nhà nước"; ở Đại vương đây chính là đã xứng đáng với câu ấy. Chứ như kẻ kia, Lã Trĩ (13) ngông ngạo mà làm việc dâm tà , Thích Cơ (14) được yêu, rồi đầy thân con lợn ; lẽ cương thường hỏi bên nào hơn? Huống chi như trái lẽ trời mà bảo sẻ chén canh (15), yêu con bé mà coi thường gốc nước; luân thường cha con hỏi rằng để đâu? Những người nghị luận ở đời sau, chẳng so nặng nhẹ, chẳng xét phải trái, lòng không suy nghĩ, miệng chỉ quàng xiên, đối Hán thì khen ngợi chẳng tiếc lời, đối Sở thì chê bai không tiếc sức, khiến đấng Đại vương của chúng tôi trong cõi u minh cứ phải chịu những lời mỉa mai cay độc. Vậy mong những điều nhơ tiếng xấu, phiền ông gột rửa giùm cho, cũng là một việc thú trong cuộc gặp gỡ của chúng ta.
Ông Hồ thấy lời nói cũng hơi có lý, gật đầu hai ba lần, rồi ngoảnh bảo những người theo:
- Các ngươi ghi nhớ lấy.
Rồi đó canh tàn trà cạn, ông đứng dậy từ giã xin về; Hạng vương đưa chân ra đến cửa thì phương đông đã dần sáng rạng. Ông xốc áo vùng dậy, té ra là một giấc chiêm bao, bèn mua rượu và nem bày một lễ cúng ở đầu thuyền trước khi rời khỏi đấy.
Lời bình:
Than ôi, so Sở với Hán thì Hán hơn, sánh Hán với bậc vương đạo, Hán còn xa lắm. Sao vậy? Hồng Môn nổi giận, Thái công tha về, những việc ấy, Sở không phải là bất nhân; nhưng nhân nông mà ác sâu. Làm cỏ Dĩnh Xuyên (16), giết hại công thần, những việc ấy, Hán không phải là không có lỗi, nhưng lỗi ít, tốt nhiều. Sở đã đành trái với nhân nghĩa, nhưng Hán cũng chỉ là giống với nhân nghĩa. Họ Hạng nước Sở không được là hạng bá giả mà vua Cao nhà Hán cũng là tẹp nhẹp. Kẻ trị thiên hạ nên tiến lên đến đạo thuần vương, còn Hán Sở nhân với bất nhân, hãy gác ra không cần bàn đến.
Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Từ Thức tiên hôn lục) cũng là một truyện đặc sắc, được lưu truyền rộng rãi bởi nó là ước vọng không nguôi của tác giả cũng như kẻ sĩ nói chung: Không có tình trong đời sống thực thì đi tìm trong cõi Tiên – “Tình mộng ảo”! Đây cũng là đề tài khá phổ biến của nhà văn thời phong kiến và được “dụng công”, “lao tâm khổ tứ” nhiều. Có thể nói, đó là những áng văn-thơ đẹp, làm mê đắm lòng người:
”Trong năm Quang Thái đời nhà Trần, người ở Hóa Châu tên là Từ Thức , vì có phụ ấm được bổ làm Tri huyện Tiên Du . Bên cạnh huyện có một tòa chùa danh tiếng, trong chùa trồng một cây mẫu đơn, đến kỳ hoa nở thì người các nơi đến xem đông rộn rịp, thành một đám hội xem hoa tưng bừng lắm. Tháng 2 Bính tý , người ta thấy có cô con gái, tuổi độ 15, 16 phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời, đến hội ấy xem hoa. Cô gái vin một cành hoa, không may cành giòn mà gãy, bị người coi hoa bắt giữ lại, ngày đã sắp tối vẫn không ai đến nhận. Từ Thức cũng có mặt ở đám hội, thấy vậy động lòng thương, nhân cởi tấm áo cừu gấm trắng, đưa vào tăng phòng để chuộc lỗi cho người con gái ấy. Mọi người đều khen quan huyện là một người hiền đức.
Song Từ Thức vốn tính hay rượu, thích đàn, ham thơ, mến cảnh, việc sổ sách bỏ ùn cả lại thường bị quan trên quở trách rằng:
- Thân phụ thầy làm đến Đại thần mà thầy không làm nổi một chức Tri huyện hay sao!
Từ than rằng: - Ta không thể vì số lương năm đấu gạo đỏ mà buộc mình trong áng lợi danh. Âu là một mái chèo về, nước biếc non xanh vốn chẳng phụ gì ta đâu vậy.
Bèn trả ấn tín, bỏ quan mà về. Vốn yêu cảnh hang động ở huyện Tống Sơn , nhân làm nhà tại đấy để ở. Thường dùng một thằng nhỏ đem một bầu rượu, một cây đàn đi theo, mình thì mang mấy quyển thơ của Đào Uyên Minh (16) hễ gặp chỗ nào thích ý thì hý hửng ngả rượu ra uống. Phàm những nơi nước tú non kỳ như núi Chích Trợ, động Lục Vân, sông Lãi, cửa Nga , không đâu không từng có thơ đề vịnh. Một hôm Từ Thức dậy sớm trông ra bể Thần Phù ở phía ngoài xa vài chục dặm, thấy có đám mây ngũ sắc ùn ùn kết lại như một đóa hoa sen mọc lên, vội chèo thuyền ra thì thấy một trái núi rất đẹp. Từ kinh ngạc bảo lái thuyền rằng:
- Ta đã từng lênh đênh trên áng giang hồ, các thắng cảnh miền đông nam, không biết trái núi này từ đâu lại mọc ra trước mắt, ý giả là non tiên rụng xuống, vết thần hiện ra đây chăng? Sao trước không mà nay lại có?
Bèn buộc thuyền lên bờ thì thấy những vách đá cao vút nghìn trượng, sừng sững đứng thẳng, nếu không có cánh thì vị tất đã trèo lên thăm cảnh đó được. Nhân đề một luật thơ rằng:
Thiên chương bích thụ quải triêu đôn, / Hoa thảo nghênh nhân nhập động môn.
Nhiễu giản dĩ vô tăng thái dược, / Duyên lưu thặng hữu khách tầm nguyên.
Lữ du tư vị cầm tam lộng, / Điếu đĩnh sinh nhai tửu nhất tôn.
Nghĩ hướng Vũ Lăng ngư tử vấn, / Tiền lai viễn cận chủng đào thôn.
Dịch:
Triêu dương bóng rải khắp ngày xanh, / Hoa cỏ cười tươi đón rước mình.
Hái thuốc nào đâu sư kẽ suối, / Tìm nguồn duy có khách bên ghềnh.
Lang thang đất lạ đàn ba khúc, / Nênh nổi thuyền câu rượu một bình.
Bến Vũ chàng ngư, tìm thử hỏi, / Thôn Đào (17) chỉ hộ lối loanh quanh.
Đề xong, trông ngắm thẫn thờ, như có ý chờ đợi. Chợt thấy ở trên vách đá bỗng nứt toác ra một cái hang, hình tròn mà rộng độ một trượng. Vén áo đi vào, vừa được mấy bước thì cửa hang đã đóng sập lại tối tăm mù mịt như sa vào cái vực đen tối. Bụng nghĩ không còn thể nào sống được nữa, lấy tay sờ soạng lối rêu, nhận thấy có một cái khe nhỏ, ngoằn ngoèo như cái ruột dê vậy. Đi mò độ hơn một dặm thì thấy có đường đi ngoi lên. Bám bíu trèo lên thì mỗi bước mỗi thấy rộng rãi. Lên đến ngọn núi thì bầu trời rực sáng. Chung quanh toàn là những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, bám ở lan can, cỏ lạ hoa kỳ, nở đầy trước cửa ... Rồi chợt thấy có hai cô gái áo xanh bảo nhau rằng: “Lang quân nhà ta đã đến!”. Đoạn họ vội chạy vào báo tin, một lúc đi ra nói rằng: “Phu nhân chúng tôi sai mời chàng vào chơi”.
Sinh đi theo họ vào, vòng quanh một bức tường gấm, vào trong một khung cửa son, thấy những tòa cung điện bằng bạc đứng sững, có những tấm biển đề: "Điện Quỳnh hư", "Gác Dao Quang". Trên gác có bà tiên áo trắng, ngồi trên một cái giường thất bảo bên cạnh đặt một chiếc giường nhỏ bằng gỗ đàn hương, mời Sinh lên ngồi và bảo rằng:
- Tính hiếu kỳ của chàng đã thành chứng nghiệm. Sự vui sướng trong một chuyến đi chơi này, kể cũng đã thỏa nguyện bình sinh. Nhưng mối duyên gặp gỡ chàng có còn nhớ gì không?
Từ thưa rằng: “Tôi là một kẻ dật sĩ ở Tống Sơn. Một cánh buồm gió, một lá thuyền nan, phóng lãng giang hồ thích đâu đến đấy. Nào có biết chốn này lại có Tử phủ Thanh đô! Lần mò lên được tới đây, chẳng khác như mình đã mọc cánh mà bay lên đến cõi tiên vậy. Song lòng trần mờ tối, chưa biết tiền đồ ra làm sao. Dám xin chỉ bảo rõ ràng cho chúng tôi được hiểu”.
Bà tiên cười bảo: “ Chàng biết sao được. Đây là núi Phù Lai, một động tiên thứ 6 trong 36 động, bồng bềnh ở ngoài bể cả, dưới không có bám bíu, như hai núi La Phù tan hợp theo với sóng rợn, mà tôi tức là địa tiên ở Nam nhạc là Ngụy phu nhân. Vì thấy chàng là người cao nghĩa sẵn lòng cứu giúp sự nguy khốn cho người, nên mới dám làm phiền mời chàng đến đây”.
Bà tiên nhân đưa mắt cho con hầu để bảo gọi một cô tiên ra, Từ liếc nhìn trộm, chính là người làm gãy cành hoa ngày trước. Bà tiên trỏ bảo rằng:
- Đứa con tôi đây tên là Giáng Hương, ngày trước gặp phải cái nạn trong khi đi xem hoa, nhờ chàng cứu gỡ, ơn ấy khôn quên, nay muốn cho nó kết duyên để báo đền ơn trước.
Bèn ngay đêm ấy đốt đèn mỡ phượng, rải đệm vàng rồng, để hai người làm lễ giao bái. Ngày hôm sau quần tiên đến mừng, có người mặc áo gấm cưỡi con ly từ đàng bắc xuống, có người bận xiêm lụa cưỡi rồng từ phía nam lên, có người đi kiệu ngọc, có người cưỡi xe gió, đồng thời lại họp. Tiệc yến đặt ở từng thượng trên gác Dao quang, buông rèm câu ngọc, rủ trướng móc vàng, phía trước đặt một cái ghế bành bằng ngọc lưu ly mà để không. Quần tiên vái chào nhau cùng ngồi ở những ghế bên tả; Từ Thức thì ngồi ở cái giường bên hữu. Ngồi xong, có tiếng truyền hô là Kim tiên (18) đã đến, mọi người đều bước xuống đón cúi lạy chào. Đoạn rồi lên gác tấu nhạc. Tiệc bày mâm bằng mã não, đĩa bằng ngọc thạch, các món ăn đều rất kỳ lạ, lại có những thứ rượu kim tương, ngọc lễ, mùi hương đưa lên thơm nức, dưới trần không bao giờ có được cái của quý như vậy. Người áo gấm trắng nói:
- Chúng tôi chơi ở chốn này mới tám vạn năm, mà bể Nam đã ba lần tung bụi. Nay chàng từ xa tới đây, không vì tiên phàm mà cách trở, ba sinh hương lửa, tưởng cũng không phụ, đừng nên cho chuyện thần tiên là câu chuyện hoang đường.
Rồi có những người trẻ nhỏ, chia ra từng lớp mà múa điệu Lăng Ba. Đoạn, phu nhân mời tiệc. Giáng Hương rót rượu. Người bận xiêm lụa nói đùa rằng: “Nương tử hôm nay mầu da hồng hào, chứ không khô gầy như trước nữa. Người ta bảo ngọc nữ không chồng, câu ấy hỏi có tin được không?”. Quần tiên đều cười, duy người mặc áo xanh buồn rầu không vui mà nói rằng: “Mối duyên của cô em đây, thật cũng là tốt đẹp. Song nghĩ cái giá băng ngọc ở trên mây, mà đi kết mối tóc tơ ở cõi thế, vạn nhất tiếng tăm vỡ lở, thiên hạ chê cười, quần tiên chúng ta e không khỏi mang tiếng lây được”.
Bà Kim tiên nói: “Ta ở trong chốn lâu thành trên trời, chầu hầu cạnh đức Thượng đế, mênh mang trần hải, chưa từng đặt bước xuống bao giờ. Thế mà những kẻ hiếu sự họ còn bịa ra, nào bảo Dao trì hội kiến ở đời Chu , thanh điểu truyền tin ở đời Hán (19), ta còn thế, huống chi là lũ các nàng ư ? Song tân lang ngồi đây, ta không nên bàn phiếm những câu chuyện khác làm rối lòng dạ người ta”. Bà phu nhân nói: “Tôi nghe tiên khá gặp chứ khôn tìm, đạo không tu mà tự đến. Những cuộc gặp gỡ hiếm lạ, đời nào mà không có: như đền Bạc hậu, như quán Cao đường (20), như thần Lạc phố (21) lướt sóng , như nàng Giang Phi cởi ngọc (22), như Lộng Ngọc lấy Tiêu Sử , như Thái Loan gặp Văn Tiêu , như Lan Hương gặp Trương Thạc (23). Bao nhiêu những chuyện cũ còn sờ sờ đó; nếu thế này mà bị chê cười thì đã có những người trước ấy họ chịu đỡ tiếng cười cho mình”. Mọi người cùng phá lên cười rất vui vẻ. Rồi đó mặt trời gác núi, các khách khứa đều giải tán cả. Từ đùa bảo Giáng Hương rằng: “Thì ra tất cả các cõi trời đều có chuyện phối ngẫu cả. Cho nên ả Chức Nữ lấy chàng Ngưu Lang, nàng Thượng Nguyên tìm chàng Phong Trắc, Tăng Nhụ có bài ký Chu Tần , Quần Ngọc có bài thơ Hoàng lăng (24), cảnh khác nhưng tình cũng giống nhau, nghìn xưa vẫn như thế cả. Nay quần tiên ai về chỗ nấy, sống trong cảnh quạnh quẽ cô liêu, đó là vì lòng vật dục không nẩy sinh, hay là cũng có nhưng phải gượng đè nén?”. Nàng đổi sắc mặt nói: “Mấy người ấy là những cái khí huyền nguyên, những cái tính chân nhất, thân hầu cửa tía, tên ghi đền vàng, ở thì ở phủ thanh hư, chơi thì chơi miền sung mạc, không cần gạn mà lòng tự trong, không cần lấp mà đục vẫn lặng. Không như thiếp bảy tình chưa sạch, trăm cảm dễ sinh, hình ở phủ tía nhưng lụy vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục; chàng đừng nên nhân một mình thiếp mà cho tất cả quần tiên đều thế”.
Từ nói: “Nếu thế thì em còn thua các tiên kia xa lắm!”. Vợ chồng cùng vỗ tay cả cười”.
Chỗ Giáng Hương có bức bình phong trắng, Từ Thức thường đề thơ lên đó. Từ Thức thi hứng tràn trề, trong truyện có tới mười bài, bài nào cũng tả cảnh tiên nguy nga, lộng lẫy nhưng lòng người vẫn luôn nhớ quê ở cõi trần, chỉ xin trích dẫn một bài:
Tứ diện ba đào nhất kế sơn, / Dạ lai hà xứ mộng hương quan.
Mang mang trần giới hồi đầu viễn, /Thân tại hồng vân bích thủy gian.
Dịch:
Sóng nước bao quanh núi một vùng, / Mộng về quê cũ lối không thông.
Mây vàng nước biếc thân nương đậu, / Trần giới xa coi ngút mịt mùng.
Rồi nỗi nhớ quê ấy đã đưa Từ Thức trở về trần gian:
“Như Từ, từ khi bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm gió thổi, những sáng sương sa, bóng trăng sáng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc tàu buôn đi về phương Nam. Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng: “Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu?”.
Rồi nhân lúc rỗi, chàng nói với nàng rằng: “Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về, chẳng hay ý nàng nghĩ thế nào?”.
Giáng Hương bùi ngùi không nỡ dứt. Từ lang nói: “Tôi xin hẹn trong một thời kỳ bao nhiêu lâu, để về cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, sẽ lại đến đây để với nàng cùng già ở chốn làng mây bến nước”. Giáng Hương khóc mà nói: “Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản mối lòng quê hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa”.
Nàng nhân thưa với phu nhân, phu nhân nói: “Không ngờ chàng lại mắc mớ vì mối lòng trần như vậy”. Nhân cho một cỗ xe cẩm vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói: “Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình ngày cũ”.
Rồi tràn nước mắt mà chia biệt.
Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc mầu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói: “Nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi, cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh (25), là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi”.
Chàng bấy giờ mới hậm hực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên bể dịp khác còn đâu!", mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.
Lời bình:
Than ôi, nói chuyện quái sợ loạn chuyện thường, cho nên thánh hiền không nói. Nhưng việc Từ Thức lấy vợ tiên, cho là thực không ư ? Chưa hẳn là không; Cho là thực có ư? Chưa hẳn là có. Có không lờ mờ, câu chuyện tựa hồ quái đản. Nhưng có âm đức thì tất có dương báo, cũng là lẽ thường. Những bậc quân tử sau này khi để mắt đến sẽ liệu mà thêm bớt, bỏ chỗ quái mà để chỗ thường thì phỏng có gì là hại.
Chú Thích:
(1) Lĩnh Nam chích quái (Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) là một tập hợp các huyền sử hay truyện cổ dân gian VN được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần.
Trần Thế Pháp là người đã có công sưu tầm, biên soạn đầu tiên. Sau đó Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn lại. Sau Vũ Quỳnh và Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái còn được sửa chữa, thêm bớt nhiều lần khác. Đoàn Vĩnh Phúc đời nhà Mạc thêm quyển thứ 3; Vũ Khâm Lân tiếp tục bổ sung thêm nhiều truyện khác và bên cạnh đó, có sự giúp sức của nhiều nhà nho chưa rõ tên tuổi, trong suốt thế kỷ 18-19 đã tham gia biên soạn, bổ sung thêm thành 34 truyện. Tuy chỉ bao gồm các truyền thuyết, nhưng cùng với Việt đi ện u linh tập (1*), Lĩnh Nam chích quái là một trong các nguồn tài liệu quan trong cho việc nghiên cứu về thời kỳ cổ xưa trong lịch sử Việt Nam.
(1*) Việt điện u linh tập là một tập hợp các huyền sử hay truyện cổ dân gian VN được sưu tập biên soạn bởi tác giả Lý Tế Xuyên (2**), vào năm 1329. Việt điện u linh tập là một trong các nguồn tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về lịch sử VN: Truyện Sĩ Nhiếp; Truyện Hai Bà Trưng; Truyện Bố Cái Đại Vương; Truyện Lý Nam Đế; Truyện Mỵ Ê; Truyện Lý Hoảng; Truyện Cao Lỗ; Truyện Lê Phụng Hiểu; Truyện Lý Ông Trọng; Truyện Lý Thường Kiệt; Truyện Mục Thận; Truyện Phạm Cự Lượng; Truyện Tô Lịch; Truyện Hậu Thổ phu nhân; Truyện Thần Trống Đồng ;Truyện Phù Đổng Thiên Vương; Truyện Tản Viên Sơn Thánh.
(2**) Lý Tế Xuyên là Danh sĩ, tác giả đời Trần Nhân Tông (1258-1308), không rõ năm sinh, năm mất và quê quán. Ông nổi tiếng văn chương đương thời, có tài chính trị, không màng công danh, làm quan chỉ giữ một chức vụ khiêm nhường là Thủ thư. Tương truyền, Lý Tế Xuyên soạn nhiều sách, nay đã thất lạc, chỉ còn lưu lại bộ Việt điện u linh tập.
(2) Núi Na: Núi Na tục gọi là Nưa (hay Nứa), tên chữ là Na Sơn. Xưa, núi Na thuộc làng Cổ Định, nay thuộc xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
(3) Sông Vị: Vua Chu Văn Vương đi săn gặp Khương Tử Nha (Lã Vọng) câu cá ở sông Vị, mời về, phong Tể tướng. Sau Lã Vọng giúp nhà Chu thắng nhà Ân ở Mục Dã.
(4) Nghiêm Tử Lăng: Nghiêm Tử Lăng tức Nghiêm Quang, một cao sĩ đời Hán, hồi nhỏ là bạn học của Hán Quang Vũ; khi Quang Vũ lên ngôi, ông bèn đi ở ẩn, thường đi cày ở trong núi Phú Xuân và câu cá ở bến sông Đồng.
(5)Khương Bá Hoài (tức Khương Quảng) người đời Hán Hoàn Đế, quê ở Bành Thành. Vua nghe tiếng là người hiếu thuận mời ra làm quan, Quảng không chịu ra. Vua lại sai thợ vẽ đến vẽ chân dung, Quảng che mặt không cho vẽ. Ông từng nói: "Quốc chính hiện nay ở trong tay bọn hoạn quan, đó là thời nào mà mình lại ra làm quan?".
(6)Kiềm Lâu: một hiền sĩ nước Tề, đời Xuân Thu, ở ẩn, không chịu làm quan. Nhà rất nghèo, khi chết chỉ có một cái chăn để liệm, hễ che kín đầu thì hở chân, kín chân thì hở đầu.Vệ Giới: danh sĩ đời Tấn, người đẹp, tính ôn hòa nhưng chết trẻ, khi mới 27 tuổi. Viên Tinh: Viên Tinh Mục, một kẻ sĩ ở phương nam, đi giữa đường bị đói, nằm lả đi. Một tên ăn trộm trông thấy, đưa cơm cho ăn. Tinh Mục tỉnh lại, biết người cho ăn là kẻ trộm, liền nói: "Ta không thèm ăn miếng cơm bất nghĩa của người". Rồi gượng dậy cố nôn ọe ra nhưng không được, sau đó gục đầu xuống chết. Phụng Thiến: tức Tuân Xán đời Ngụy, có vợ đẹp, nên rất yêu quý. Mùa đông vợ bị sốt, Tuấn Xán ra sân dầm hơi lạnh để vào ấp cho vợ được mát. Sau vợ chết ông cùng chết theo.
(7)Vụ Quang: người đời nhà Hạ. Vua Thành Thang đánh được vua Kiệt (nhà Hạ), đem thiên hạ nhường cho Vụ Quang. Ông không nhận đeo đá gieo mình xuống sông giả cách tự tử rồi ẩn náu biệt tích. Quyên Tử: người nước Tề, ở ẩn tại Nham Sơn, học được đạo tiên, tương truyền có tài làm mưa làm gió. Đây có ý nói đó là những người ẩn dật vĩnh viễn.
(8) Long Đỗ: tức Thăng Long. An Tôn: tên làng nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Nhà Hồ cho xây Tây Đô ở đây.
(9) Kim Âu: cung Kim Âu tức cung Bảo Thanh ở làng Kim Âu. Hồ Quý Ly xây dựng cung điện này tốn kém nên bị đời sau phê phán.
(10)Nguyễn Bằng Cử: Tháng 8 năm Kiến Tân thứ 2 (1399) đời Trần Thiếu Đế, Nguyễn Nhữ Cái nổi dậy ở vùng sông Đáy chống triều đình, quân đông đến hàng vạn. Sau bị Nguyễn Bằng Cử đánh tan. Nguyễn Bằng Cử người Bắc Ninh, làm đến chức Đông lộ yên phủ sứ đời Trần. Hoàng Hối Khanh: đậu Thái học sinh đời Trần, sau làm quan với nhà Hồ.Lê Cảnh Kỳ: trước làm quan với nhà Trần, sau làm quan cho nhà Hồ đến chức Hành khiển. Lưu Thúc Kiệm: đậu đầu khoa Thái học sinh cuối đời Trần.
(11)Lấy ý trong câu nói của Vi Trung, ẩn sĩ đời Tấn. Trương Hoa mời Vi Trung ra làm quan, ông nói: "Ta còn đương lo con sóng rớt ở cái vực sâu kia tràn đến, há lại còn xắn áo mà lội nữa ư?"
(12) Chữ ở thiên Thuấn điển trong Kinh Thư: "Hỏa viêm Côn sơn, ngọc thạch câu phần", nghĩa là: "Lửa đốt núi Côn, ngọc đá đều cháy" (Núi Côn Sơn có tiếng sản sinh ra ngọc quý. Dẫn ra điển này ý nói theo nhà Hồ rồi sẽ bị khốn đốn cùng nhà Hồ).
(13) Cửa bể Kỳ La ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1407 Hồ Quý Ly bị bắt ở đấy. Núi Cao Vọng ở làng Bình Lễ, cùng huyện, là nơi Hồ Hán Thương bị bắt, cũng vào năm 1407.
(14) Nguyên, Bạch: tức Nguyên Chẩn (tự Vi Chi) và Bạch Cư Dị (tự Lạc Thiên) là hai nhà thơ nổi tiếng đời Đường.
(15)Lưu là quan Thái sử nhà Chu, họ Lưu, người chế ra lối chữ đại triện. Tư là Lý Tư (nhà Tần), chế ra lối chữ tiểu triện.
(16) Đào Uyên Minh (365?, 372?, 376?-427): tên là Tiềm, thi gia đời Đông Tấn. Từng làm Huyện lệnh Bành Trạch, sau vì không chịu luồn cúi nên treo ấn từ quan. Ông có câu nói nổi tiếng: "Lẽ nào vì năm đấu gạo lương mà phải khom lưng!". Thơ văn của ông giản phác mà tinh luyện, có phong cách riêng, phần lớn thể hiện tư tưởng ẩn dật.
(17) Bến Vũ, thôn Đào: xưa Tây vực có núi Thứu Lĩnh, vì núi hình chim Thứu nên thành tên. Nguồn đào: theo Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm thì đời Tấn có một người đánh cá ở Vũ Lăng đi thuyền lạc vào rừng đào. ở đấy người đánh cá gặp một thôn xóm rất yên bình, hỏi thì là những người lánh nạn nhà Tần, họ không biết gì về thời cuộc hiện tại. Người đánh cá ở mấy hôm rồi ra về. Câu chuyện đến tai viên quan quận, ông ta muốn người đánh cá đưa đi, nhưng khi trở lại, người đánh cá không tìm được dấu vết gì nữa. Sau những từ Vũ Lăng, nguồn Đào, thôn đào vừa chỉ nơi ẩn dật cũng vừa chỉ cõi tiên.
(18) Kim tiên: tức Tây Vương mẫu.
(19) Dao Trì, Thanh điểu: vua Chu Mục Vương ham thích thần tiên rồi gặp Tây Vương mẫu ở Dao Trì. Thanh điểu (chim xanh): vua Hán Vũ Đế ngồi ở điện Thừa Hoa, chợt có hai con chim xanh từ phương tây bay lại, đậu ở trước điện. Vua hỏi Đông Phương Sóc. Sóc nói: "Đó là bà Vương mẫu sắp đến chơi đấy". Một lát quả nhiên bà Vương mẫu đến, có hai thị nữ áo xanh tức là hai con chim xanh lúc trước.
(20) Sở vương chơi ở quán Cao Đường, gặp một nàng thần nữ, cùng chung chăn gối.
(21) Lạc Phố: Thần nữ ở Lạc Phố tên là Bật Phi, con gái vua Phục Hy. Sách Quần ngọc có chép chuyện Trần Tư Vương gặp thần nữ ở Lạc Phố.
(22) Giáng Phi: Hai nàng tiên Giáng Phi chơi ở bên sông gặp Trịnh Giao Phủ, cởi ngọc minh châu mà tặng cho. Trịnh nhận được ngọc đi được mấy chục bước thì ngọc không còn nữa mà những nàng kia cũng biến mất.
(23) Tiêu Sử, Văn Tiêu, Trương Thạc: Chàng Tiêu Sử giỏi thổi ống tiêu, vua Tần Mục Công đem con gái là Lộng Ngọc gả cho. Chàng dạy nàng thổi tiêu, chim phượng hoàng nghe tiếng bay đến. Sau vợ chồng cùng cưỡi phượng mà bay lên trời. Chàng Văn Tiêu gặp nàng tiên Thái Loan ở núi Tây tại đất Chung Lăng, hai người lấy nhau. Ngọc nữ Đỗ Lan Hương lấy Trương Thạc. Sau nàng về trời, Trương Thạc rất thương nhớ.
(24) Phong Trắc đọc sách ở trong núi sâu, bà tiên Thượng Nguyên phu nhân đêm đến ve vãn.
Lý Quần Ngọc qua miếu Nhị phi ở Sầm Dương có đề một bài thơ câu đầu là: "Hoàng Lăng miếu tiền xuân dĩ không" chợt có hai người con gái hiện lên tự xưng là hai nàng Nga Hoàng, Nữ Anh hẹn sau hai năm sẽ cùng Lý gặp gỡ.
(25) Diên Ninh: Diên Ninh là niên hiệu của Lê Nhân Tông (1454-1459); năm thứ 5 là: 1458.
(*)Nguyễn Dữ: Nguyễn Dữ, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, tỉnh Hải Dương, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Hồng Đức 27 (1496) đời Lê Thánh Tông; làm quan đến Thừa chánh sứ. Sau khi mất được tặng chức Thượng thư, phong phúc thần.
Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, Nguyễn Dữ thi Hội nhiều lần, đạt trúng trường và từng giữ chức vụ Tri huyện Thanh Tuyền nhưng mới được một năm thì ông xin từ quan về nuôi dưỡng mẹ già. Trải mấy năm dư không đặt chân đến những nơi đô hội, ông miệt mài "ghi chép" để gửi gắm ý tưởng của mình và đã hoàn thành tác phẩm "thiên cổ kỳ bút" Truyền kỳ mạn lục. Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào chưa rõ, nhưng căn cứ vào tác phẩm cùng bài Tựa Truyền kỳ mạn lục của Hà Thiện Hán viết năm Vĩnh Định thứ nhất (1547) và những ghi chép của Lê Quý Đôn trong mục Tài phẩm sách Kiến văn tiểu lục có thể biết ông là người cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, có thể lớn tuổi hơn Trạng Trình chút ít. Giữa Nguyễn Dữ và Nguyễn Bỉnh Khiêm tin chắc có những ảnh hưởng qua lại về tư tưởng, học thuật... nhưng e rằng Nguyễn Dữ không thể là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm nhý Vũ Phương Ðề (*1) đã ghi. Đối với nhà Mạc, thái độ Nguyễn Dữ dứt khoát hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không làm quan với nhà Mạc mà chọn con đường ở ẩn và ông đã sống cuộc sống lâm tuyền suốt quãng đời còn lại. Truyền kỳ mạn lục được hoàn thành ngay từ những năm đầu của thời kỳ này.
(*1) Vũ Phương Đề: (tự là Thuần Phủ; 1679 - ?); Quê ở xã Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Đông các học sĩ. Tác phẩm Công dư tiệp kí ghi chép chuyện những nhân vật đương thời đáng chú ý, mở đầu phong trào viết kí được Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ tiếp tục.
(**) Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585): được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê-Mạc cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.
Ông sinh năm Tân Hợi đời vua Lê Thánh Tông, tức năm Hồng Đức thứ 22 (1491) tại làng Trung Am huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định; thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lân, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã tiếp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Năm Đại Chính thứ sáu (1535) đời vua Mạc Đăng Doanh, lúc 45 tuổi, ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc phong làm chứcTả Thị lang Đông các Học sĩ. Vì ông đỗ Trạng nguyên và được phong tước Trình Tuyền hầu nên dân gian gọi ông là Trạng Trình. Làm quan được bảy năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ hạch tội 18 gian thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan năm 1542. Về quê, ông dựng am Bạch Vân, lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Dữ, tác giả Truyền kỳ mạn lục (Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục thì không cho là như vậy - xem chú thích về Nguyễn Dữ ở trên).
(***)Nguyễn Thế Nghi, người Mộ Trạch (Hải Dương), làm quan dưới triều Mạc, sống cùng thời Nguyễn Dữ.
(****)Vũ Khâm Lân (1702 hoặc 1703 - ?) :là danh sĩ và là đại thần nhà Hậu Lê, người làng Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Năm Đinh Mùi (1727), triều Lê Dụ Tông, ông thi đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân lúc 25 tuổi. Kể từ đó, Vũ Khâm Lân bước vào chốn quan trường, trải đến các chức: Đô ngự sử, Thượng thư, Tham tụng, được ban tước Ôn Đình hầu rồi Ôn Quận công.
Đương thời, Vũ Khâm Lân có tiếng là người hào hiệp, khảng khái, gặp việc dám nói, dám làm. Bên cạnh đó, ông còn có tiếng về tài văn chương. Ông là người đã góp thêm nhiều truyện mới vào quyển Lĩnh Nam chích quái, soạn và cho khắc bia bài Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký nói về cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm (để dựng ở đền thờ vị danh sĩ này), viết bài khen Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một "thiên cổ kỳ bút"...
(*****) Trúc Khê (1901 - 1947) tên là Ngô Văn Triện. Ngoài Truyền kỳ mạn lục, Trúc Khê còn dịch những tác phẩm lớn như: Hán sở tranh hùng, Tôn Ngô binh pháp,Tang thương ngẫu lục, Ức Trai thi văn tập, Bao Công kỳ án, Lý Bạch, Đỗ Phủ, v.v...
(******) Chú thích của Câu chuyện ở đền Hạng vương:
(1) Chém Tống Nghĩa...: Sở Hoài Vương phong Tống Nghĩa làm Thượng tướng, hiệu Khanh tử Quán quân, sai đem quân đánh Tần cứu Triệu. Tống Nghĩa trùng trình không tiến quân, Hạng Vũ liền vào trướng chém chết.
(2) Hạng Vũ đem quân đánh Hàm Dương, Tần vương là Tử Anh đã hàng, vẫn bị giết.
(3) Hàn Sinh bị luộc: Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ nên đóng đô ở Quan Trung vì thế đất hiểm trở, phì nhiêu, có thể là nơi dựng nghiệp bá được. Vũ thấy cung thất nhà Tần đã bị đốt sạch, có ý muốn trở về Đông liền bảo: "Phú quý mà không trở về cố hương thì như mặc áo gấm đi đêm còn ai biết đến nữa". Hàn Sinh tức lui về nói: "Thế gian nói "người Sở là con khỉ đội mũ" quả như vậy". Chuyện đến tai Vũ, biết Hàn Sinh nói mình, Vũ giận sai giết chết bỏ luộc.
(4) A Phòng... bị thiêu: A Phòng là một dãy cung điện rất lớn liên tiếp nhau đến 300 dặm, cứ 5 bộ có một lầu, 10 bộ có một gác, lại dẫn nước hai con sông lớn vào đến chân tường bao cung điện. Sau bị Hạng Vũ đốt, hiện còn di chỉ ở huyện Tân An, tỉnh Thiểm Tây.
(5) Cái họa Trường Bình: Liêm Pha đóng quân ở Trường Bình, cố thủ không ra đánh. Triệu vương cho Triệu Quát đến thay. Quát đổi luật lệnh, dùng người dễ dãi, mở cửa thành đánh Tần, trúng kế kỳ binh của Vũ Anh Quân bị đại bại. Hơn 40 vạn quân Triệu đều hàng Tần, bị Vũ Anh Quân lừa giết chết hết.
(6) Hạng Vũ giết vua Nghĩa đế nước Sở, Hán vương theo mưu kế của Đổng công cho ba quân để tang, gợi lòng trung nghĩa của họ và kích động hào kiệt trong thiên hạ.
(7) Khúc Phụ: quê hương Khổng Tử.
(8) Cữu: Tào Cữu, Đại Tư mã nước Sở. Hạng vương sai Cữu giữ thành Cao, dặn cố thủ không được đánh. Quân Hán khiêu chiến mấy lần không được liền dùng kế nhục mạ Cữu suốt mấy ngày. Cữu nổi giận đem quân vượt sông Tỵ thủy mà đánh. Quân lính mới sang được nửa sông thì bị đánh bại, vật báu của nước Sở đều bị lấy hết; Cữu và Tư Mã Hân đều tự tử chết.
(9) Truyện: chỉ sách Luận ngữ. Câu này trích trong thiên Tử Hãn.
(10) Ung Sỉ: trước theo Hán Cao Tổ được sai giữ đất Phong. Khi Phong bị Ngụy chiếm, Sỉ hàng Ngụy, Hán Cao Tổ không có đường về phải dời sang đất Bái.
(11) Trần Hy: Hán Cao Tổ phong Trần Hy làm Tướng quốc coi quân biên. Sau Trần Hy cùng Vương Hoàng làm phản, tự lập làm vương, cướp phá Triệu, Đại.
(12)Bà họ Ngu: tức Ngu Cơ. Hạng Vũ cùng đường ở Cai Hạ, vợ là Ngu Cơ tự tử để chồng khỏi vướng víu bịn rịn. Tục truyền trên mộ nàng mọc lên một thứ cỏ thơm gọi là cỏ "Ngu mỹ nhân".
(13) Lã Trĩ là hoàng hậu của Hán Cao Tổ (cũng gọi là Lã Hậu), khi còn ở trong quân Hạng vương làm con tin cùng Thẩm Tự Kỳ vốn đã thích nhau, sau Lã Hậu ở góa, nhớ tình xưa nghĩa cũ liền tư thông. Sợ người trong cung biết, Lã Hậu bèn giấu Thẩm sau giá treo áo.
(14) Thích Cơ là vợ lẽ yêu của Hán Cao Tổ. Sau khi vua chết nàng bị Lã Hậu chặt cụt chân tay, khoét mắt chọc tai vứt vào chuồng lợn gọi là lợn người.
(15) Hạng vương bắt cha Lưu Bang là Thái công dọa làm thịt. Lưu bang nói: "Cha ta cũng là cha mày, có làm thịt xin cho bát nước canh".
Triệu Vương Như ý là hoàng tử do người thiếp yêu Thích Cơ sinh, vì vậy Hán Cao Tổ đã định phế truất ngôi Thái tử của con cả để lập Triệu Vương.
(16) Làm cỏ Dĩnh Xuyên: Chỉ việc Hán Cao Tổ tru di ba họ Bành Việt và nhiều bề tôi khác. Bành Việt là người có công giúp Hán diệt Sở, thống nhất thiên hạ.