Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


THỜI HỒNG BÀNG VÀ THỜI HÙNG VƯƠNG
TRONG TÂM THỨC CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM




T rong tâm thức các triều đại phong kiến Việt Nam, thời Hồng Bàng và thời Hùng Vương luôn được xem là Tổ của dân tộc Việt, được các triều đại thờ tự, giữ gìn hương khói. Thái độ của các triều đại đối với thời kỳ Hùng Vương và họ Hồng Bàng, có thể thấy rõ trong những tài liệu lịch sử, khảo cổ, là sự trân trọng, gìn giữ, xem đó là những vị Tổ thực sự của dân tộc Việt.

1. Thời Lý – Trần:

Thời kỳ Lý, Trần, hai giai đoạn cực thịnh của văn hóa Việt trong thời kỳ trung đại, vì nguyên nhân chiến tranh, đốt phá của hai kẻ thù: giặc Minh và giặc Chăm, nên phần lớn các tư liệu lịch sử, văn tự thời kỳ này hiện đã không còn. Vì lẽ đó, nên chỉ có thể tìm hiểu về nguồn gốc thời Hùng Vương, về thái độ của các triều đại này đối với các vị vua Hùng, cần phải thông qua các tài liệu ít ỏi còn sót lại, cũng như khảo thêm một số tư liệu khảo cổ, để tìm những thông tin về nhận thức của các triều đại này với Hùng Vương, với Hồng Bàng.

Tư liệu tiêu biểu và quan trọng nhất chép về thời kỳ Hùng Vương trong thời kỳ nhà Trần, được thể hiện trên văn bia tìm thấy tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, do Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu soạn năm 1312 và được khắc lại vào đợt trùng tu năm 1816 [1]. Nguyên văn văn bia chép về sự tích xây đài Kính Thiên, do Lạc tướng bộ Chu Diên vâng mệnh Hùng Vương thứ 6 xây dựng.

 石碑之立,以錄事跡,以徵功德云耳。 想初 天神王祠下,粵自雄王六世,朱鳶部雒將奉造乾巽向 敬天臺,每歲初春,恭行奉 天大禮。如有水旱災變,民間祈禱,輒靈應焉。逮夫先朝 順天七年春,帝省覽山川,拜封 當境城隍至明大王。厥後,歷代諸帝有修造 ○神祠,有封贈 神敕。蕩蕩乎,巍巍乎,一等威靈矣 仰今 聖帝陛下,位儼九重,躬端萬化。為子孫長久之計,追思夙願,以顯神功 ○ 詔攽錢參百緡,特差修理。仰見工完,鳩集式示規程。此億萬年之功德也,有若是夫。且修文德以恢平治之功;以造神祠,以展敬誠之意。于以衍宗社無疆之福,乃編錄古今事跡詳勒于珉,以垂萬世。

Bia đá được dựng lên là để ghi chép sự tích và phô trương công đức vậy. Nhớ xưa, ngôi đền thờ vị thiên thần giáng xuống nước Việt này [là] đài Kính Thiên do Lạc tướng bộ Chu Diên đời Hùng Vương thứ 6 vâng mệnh dựng lên (hướng Tây bắc – Đông nam), hàng năm vào đầu xuân tiến hành đại lễ tế trời, nếu như có nạn lụt, hạn hán hay hỏa hoạn, nhân dân đến cầu đảo là luôn luôn linh ứng. Vua triều trước năm Thuận Thiên thứ 7 (1017) đi thăm cảnh núi sông [đến đây] phong hiệu cho thần là “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương”. Từ đó về sau, vua các triều đều có tu sửa đền thần và ban tặng sắc phong. Mênh mông thay, cao cả thay, uy linh bậc nhất vậy. Kính nay, thánh đế bệ hạ ngôi ở cửu trùng, chở che muôn vật, vì con cháu mà tính kế lâu dài, nhớ lời nguyền cũ mà làm rạng rỡ công lao của thần. Hạ chiếu ban 300 quan tiền, đặc sai tu sửa ngôi đền, tới khi mọi việc hoàn thành, thực là tụ tập đủ mọi qui thức. Qui mô này chính là công đức của ức vạn năm. Sở dĩ làm vậy chính là tu sửa văn đức để khôi phục cái công bình trị, xây dựng đền thần nhằm thể hiện cái ý kính thành. Nhờ đó mà kéo dài được cái phúc vô hạn của tông xã, cho nên ghi chép sự tích xưa nay khắc rõ ràng vào đá cứng để lưu truyền muôn đời. [1]

Nội dung của văn bia đã thể hiện đầy đủ thái độ trân trọng những giá trị văn hóa, di sản từ thời kỳ Hùng Vương của các triều đại Lý – Trần, các vị vua đã ra lệnh tu tạo ngôi đền, ban sắc phong, để “thể thể hiện cái ý kính thành”, “nhờ đó mà kéo dài được cái phúc vô hạn của tông xã, cho nên ghi chép sự tích xưa nay khắc rõ ràng vào đá cứng để lưu truyền muôn đời”. Những di sản của dân tộc từ thời kỳ Hùng Vương luôn được giữ gìn và bảo vệ qua những người giữ lửa văn hóa dân tộc, chính là những người dân bình thường của đất Việt, sau đó, những triều đại thời kỳ giành lại độc lập, vốn cũng là từ dân mà ra, đã giữ gìn, bảo vệ di sản của dân tộc từ thời Hùng Vương, để “kéo dài được cái phúc vô hạn của tông xã”.

Sách sử thời kỳ Lý – Trần đã mất đi phần lớn, may mắn còn giữ lại được hai tập truyện là Lĩnh Nam chích quái và Việt Điện u linh tập, đây là hai tác phẩm chép lại những truyện được lưu truyền trong dân gian, cả hai tác phẩm đều chép các câu chuyện về thời kỳ Hồng Bàng, Hùng Vương. Sách Lĩnh Nam chích quái chính là bản thành văn sớm nhất, ghi lại trọn vẹn nhất phần lớn các truyện được truyền lại từ thời kỳ Hùng Vương. Ngoài ra thì còn có thêm sách “Việt Nam thế chí” do Hồ Tông Thốc biên soạn, tuy sách không còn, nhưng nội dung sách đã được Phan Huy Chú nhắc tới trong “Lịch triều Hiến chương Loại chí”, là về 18 đời Hồng Bàng. Lời tựa được chép lại trong “Lịch triều Hiến chương Loại chí” đã cho thấy những ghi chép về thời Hùng Vương, vốn là những lưu truyền trong dân gian, không phải là sáng tạo của các triều đại phong kiến Việt Nam.

“Sách chép về thế phả vốn có từ lâu, cốt xét các đời đã qua, để rõ nguồn gốc lưu truyền, kể cứu những điều truyền văn, để rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin chuyện nghi lẫn nhau, có điều chưa hợp hơn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi có những điều quái gở. Nghìn năm về sau, khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu. Bởi vậy ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm. Có người hỏi tôi rằng: “Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?”. Tôi đáp rằng: Thời thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay Trung Quốc cũng còn có nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời và mười mặt trời cùng mọc…), đời sau cứ theo sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời Hồng Bàng thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện cóp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì ngọc và đá đều sẽ rõ ràng, những hình tiếng bóng vàng của những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ.”

“Vả lại, nước Nam ta ở vào dải đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng suốt đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền, và dấu vết hỏi việc về dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện, xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu cúng thờ.

“Tôi quên mình hẹp hòi quê hủ, chép sơ lược những chuyện ngụ ngôn, những điều truyền thuyết, muốn đợi các bậc cao minh học rộng tiến bộ sau này, nhận rõ xét kỹ, mới có thể biết được trước sau mà không tự nhầm lẫn. Nếu có ai sửa lại cho tập này được đáng cho lời chép được hay, đẽo gọt kỹ càng, rồi đem in ra, để mọi người thấy rõ việc xưa nay và hiểu thấu lẽ huyền vi, thì đó cũng là một bộ sử ký trong truyện ký chăng! Vậy làm tựa”. [2]

Sách Đại Việt sử lược, một tác phẩm khuyết danh thời nhà Trần (bằng cách nào đó, tác phẩm này đã lưu lạc sang Trung Quốc, được thu nhận vào Khâm định Tứ khố toàn thư của nhà Thanh, sau đó được Tiền Hy Tộ biên tập, từ đó, nó đã trở lại với người Việt vào khoảng những năm cuối thế kỷ 20 bằng bản dịch chữ quốc ngữ), cũng có chép về thời kỳ Hùng Vương, nhưng đáng tiếc là tác phẩm đã bị sửa đổi ở nhiều điểm bởi học giả nhà Thanh, mục đích không gì khác hơn là làm lệch đi những ghi chép về thời Hùng Vương của người Việt, như việc sửa chữ Hùng 雄 thành chữ 碓 Đối, tức biến Hùng Vương 雄王 có nghĩa là vị vua “hùng dũng, siêu quần, người đứng đầu” trở thành Đối Vương 碓王, có nghĩa là vị vua “cối giã gạo”.

Bản sách mà người Việt tiếp cận tới ngày nay còn ghép sự hình thành thời Hùng Vương vào thời Trang Vương nhà Chu, tức đã đặt sự hình thành thời Hùng Vương vào một mốc thời đại liên quan tới lịch sử Hoa Hạ, ý tứ đây là một triều đại thành lập muộn, là phiên thuộc của Trung Hoa. Sự sửa đổi còn biến Hùng Vương trở thành người ngoại tộc với chi tiết:

“Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút.”. [3]

Từ một vị vua chính thống của người Việt, đã bị biến thành ngoại tộc với một số câu từ đã được thêm vào “có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc”, ảnh hưởng của những chi tiết này như thế nào thì không cần phải bàn thảo, chúng đã bẻ cong hoàn toàn nhận thức về thời Hùng Vương. Những ghi chép này trong Đại Việt sử lược về thời Hùng Vương này đã được một số nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam sử dụng để khẳng định về thời điểm xuất hiện của thời kỳ Hùng Vương, bởi sự tương đồng của ghi chép này với niên đại khởi nguồn của văn hóa Đông Sơn, là vào khoảng thế kỷ 7 TCN. Đây là một sự tiếp nhận thiếu sự kiểm chứng kỹ lưỡng những lưu truyền của người Việt và những tư liệu khảo cổ đã có tại Việt Nam vào thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, gây hiểu nhầm lớn về mặt nguồn gốc, lịch sử và văn hóa của dân tộc trong thời kỳ tiền Bắc thuộc.

Dẫu sao, bỏ qua những chi tiết đã bị thêm thắt, sửa đổi với độc ý của Tiền Hy Tộ, vẫn còn đó những chi tiết đã thể hiện sự công nhận của sử sách nhà Trần đối với thời kỳ Hùng Vương, với quốc gia Văn Lang: “tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất”.

Những tài liệu còn sót lại đã cho thấy được thái độ trân trọng của các triều đại Lý và Trần đối với thời kỳ Hùng Vương. Đó cũng là cơ sở cho thấy sự tồn tại của ký ức về thời kỳ Hùng Vương và Hồng Bàng trước thời nhà Lê, người Việt luôn lưu truyền thông tin về thời kỳ này bằng hình thức truyền miệng, những ghi chép thành văn từ sớm là cơ sở để thấy được sự công nhận của các triều đại với thời kỳ Hùng Vương, xem đó là Tổ của dân tộc Việt.

2. Thời nhà Lê:

Sử sách nhà Lê khởi nguồn từ Đại Việt sử ký toàn thư, được biên soạn bởi Ngô Sĩ Liên, dựa trên tác phẩm Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên đã được thực hiện trước đó vào thời nhà Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư biên soạn bởi Ngô Sĩ Liên, đã ghi chép lại toàn bộ những sự tích về họ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương, đặt vào phần Ngoại kỷ. Đây là một sự công nhận trực tiếp đối với thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ Hồng Bàng, vốn là “sử truyền miệng”, là cách mà lịch sử, nguồn gốc thời tiền Bắc thuộc của người Việt được lưu truyền, tiếp nối truyền thống các triều đại trước là nhà Lý và nhà Trần.

Ngô Sĩ Liên ở lời bình trong sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng xác nhận rằng ông chỉ “thuật lại chuyện cũ” thời Hồng Bàng và Hùng Vương “để truyền lại sự nghi ngờ”, vốn là một phần trong câu thành ngữ “dĩ tín truyền tín dĩ nghi truyền nghi”, tức phải chép trung thực lịch sử trước mà không sửa đổi lại theo ý mình, cả sự tin tưởng lẫn ngờ vực.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm 15 bộ. Ở 15 bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ để cai trị. Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương. Cứ xem như tù trưởng người man ngày nay xưng là nam phụ đạo, nữ phụ đạo. Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi.” [4]

Nguyễn Trãi, một trong những “khai quốc công thần” của nhà Lê, trong tác phẩm Dư Địa Chí, cũng đã chép rõ về thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương, cho thấy thái độ trân trọng của những sĩ phu Việt thời nhà Lê với nguồn gốc này của dân tộc Việt.

“Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Nam, làm tổ Bách Việt. [Tổ tiên nước Việt ta tương truyền vua đầu tiên gọi là Kinh Dương, dòng dõi vua Viêm Đế. Vua cha là Đế Minh đi tuần thú đến miền Hải Nam, gặp con gái bà Vụ Tiên, lấy làm vợ, sinh ra con trai tên là Lộc Tục. Lộc Tục phong tư đoan chính, có thành đức, vua Đế Minh yêu quý lạ thường, muốn lập lên nối ngôi. Lộc Tục cố nhường cho anh. Vua Đế Minh mới phong Lộc Tục sang nước Việt Nam. Ấy là Kinh Dương Vương.]

Hùng Vương tiếp nối ngôi vua, dựng nước gọi là Văn Lang, chia trong nước làm 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức. [Hùng Vương là con Lạc Long, cháu Kinh Dương. Nơi đóng đô gọi là Văn Lang. Truyền 18 đời đều gọi là Hùng Vương.]” [5]

3. Thời nhà Nguyễn:

Vào thời kỳ nhà Nguyễn, những ghi chép cũng đã cho thấy sự công nhận của nhà Nguyễn đối với thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương. Bộ sử quan trọng nhất của nhà Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đã đưa thời Hồng Bàng và Hùng Vương vào Tiền biên.

Sử sách nhà Nguyễn không chỉ công nhận về thời Hùng Vương, Hồng Bàng là Tổ của dân tộc Việt, mà còn đưa các vị Tổ của dân tộc Việt là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương vào thờtại miếu Lịch đại đế vương, vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823).

Đại Nam thực lục, Tập 2 chép: “Xét sách Việt sử ngoại kỷ biên niên thì Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương thực là Thuỷ tổ của nước Việt ta. Sau từ việc nảy nỏ móng rùa thất lợi và việc cột đồng chia cương giới, cho đến những cuộc Nam – Bắc phân tranh, thì đều không phải là chính thống của nước Việt ta. Trong khoảng đó có Mai Hắc Đế và Bố Cái Vương nhất sơ nổi dậy mà công nghiệp chưa thành. Thế thì từ ngoại kỷ về trước phải lấy các vị sáng thuỷ mà thờ. Từ Đinh về sau thì mối giềng mới rõ. Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ, thừa vận lần lượt nổi lên, đều là vua dựng nghiệp một đời. Trong khoảng ấy, anh chúa trung hưng như Trần Nhân Tông ba lần đánh bại quân Nguyên, hai lần khôi phục xã tắc, Lê Thánh Tông lập ra chế độ, mở rộng bờ cõi, công nghiệp rạng rỡ vang ở bên tai, đều nên liệt vào điển thờ. Ngoài ra các vua đều có miếu riêng, tưởng không nên thờ cả vào đấy”.

“Quy chế miếu thờ: năm thất [gian]: chính giữa gian giữa thờ Thái hiệu Phục hy thị, vị thứ nhất phía tả thờ Viêm đế Thần Nông, vị thứ nhất phía hữu thờ Hoàng đế Hiên Viên thị, vị thứ hai phía tả thờ Đế Nghiêu Đào Đường thị, vị thứ hai phía hữu thờ Đế Thuấn Hữu Ngu thị, vị thứ ba phía tả thờ Hạ Vũ, vị thứ ba phía hữu thờ Thương Thang, vị thứ tư phía tả thờ Chu Văn vương, vị thứ tư phía hữu thờ Chu Vũ vương.

Gian tả nhất thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Sĩ Vương và Đinh Tiên Hoàng đế; gian hữu nhất thờ Lê Đại Hành hoàng đế, Lý Thái Tổ hoàng đế, Thánh Tông hoàng đế, Nhân Tông hoàng đế; gian tả nhị thờ Trần Thái Tông hoàng đế, Nhân Tông hoàng đế, Anh Tông hoàng đế; gian hữu nhị thờ Lê Thái Tổ hoàng đế, Thánh Tông Thuần hoàng đế, Trang Tông Dụ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế.

Nhà Đông vu thờ tướng của Hiên Viên thị là Phong Hậu, sĩ sư nhà Ngu là Cao Dao, Nạp ngôn là Long, quan nhà Ngu là Bá ích, tướng nhà Ân là Phó Duyệt, Thượng phụ Thái công Vọng nhà Chu và Thiệu Mục công Hổ, Định quốc công Nguyễn Bặc nhà Đinh, Phá lỗ tướng quân Lê Phụng Hiểu nhà Lý, Thái uý Tô Hiến Thành, Thái uý quốc công Trần Nhật Duật nhà Trần, Thiếu bảo Trương Hán Siêu, Thái phó Cương quốc công Lê Xí nhà Lê, Thiếu phó Tĩnh quốc công Lê Niệm, Hữu tướng Vinh quốc công Hoàng Đình ái; nhà Tây vu thờ tướng Hiên Viên thị là Lực Mục, điển nhạc nhà Ngu là Hậu Quỳ, điển lễ là Bá Di, hành Y Doãn nhà Thương, Trung tể Chu công Đán nhà Chu, Triệu công Thích, nguyên lão Phương Thúc, Thái sư Hồng Hiến nhà Lê, Thái sư Việt quốc công Lý Thường Kiệt nhà Lý, Thái sư Thượng quốc công Trần Quốc Tuấn nhà Trần, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, Thái sư Đinh Liệt nhà Lê, Tư mã công Lê Khôi, tướng quân Trịnh Duy Tuấn, Thái phó Phùng Khắc Khoan.” [6]

Lịch đại đế vương thờ cả các vị Tổ, hoàng đế, các danh tướng của Việt Nam lẫn Trung Hoa. Việc phối thờ cả những vị Tổ, danh tướng Trung Hoa vốn bắt nguồn từ những ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Hoa trong văn hóa triều đình Đại Việt (Nam). Điều đó vốn là bình thường, nếu xét theo những ảnh hưởng rộng lớn mà văn hóa, lịch sử Trung Hoa đã tạo nên trong các nền văn hóa Đông Á thời kỳ trung đại. Nhưng việc nhà Nguyễn thờ cả các vị Tổ của người Việt là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đã tỏ rõ sự trân trọng của triều đình nhà Nguyễn với cội nguồn của dân tộc Việt.

Những ngôi đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh, đền thờ Hùng Vương ở Phú Thọ (Sơn Tây cũ) cũng được nhà Nguyễn chăm lo, cấp miếu phu để giữ việc thờ cúng.

Đại Nam thực lục, tập 6: “Đến đây, bộ Lễ tâu rằng: “Nước ta suy ơn đời trước, đã sửa mồ mả, dựng mộ chí, lại cấp cho miếu phu, để giữ việc thờ cúng; duy số ngạch nhiều hay ít không đều, cũng có chỗ chưa được cấp cho, huống chi miếu đế vương các đời ở Kinh được cấp miếu phu chỉ 20 người, mà ở các địa phương hoặc đến 50 người, cũng chưa thỏa đáng, trong đó Kinh Dương Vương (làng á Lữ, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh thờ), Hùng Vương (làng Nghĩa Cương, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây thờ), Thục An Dương Vương (một đền ở xã Cổ Loa, huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh; một đền ở 3 xã Hương ái, Tập Phước, Hương Quan, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An cùng thờ), Đinh Tiên Hoàng đế (xã Trường An thượng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thờ), Lê Đại Hành hoàng đế (xã Trường An hạ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thờ), tám vua triều nhà Lý (xã Đình Bảng, huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh thờ), 12 vua triều nhà Trần (xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định thờ), các vua triều nhà Lê (xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa thờ), Mai Hắc Đế (4 thôn thuộc xã Hương Lãm, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An thờ), Tiền Ngô Vương (xã Cam Lâm, huyện Phước Thọ, tỉnh Sơn Tây thờ)…” [7]

Cách nhìn nhận từ góc độ lịch sử của nhà Nguyễn đối với thời kỳ Hùng Vương cũng được thể hiện trong những ghi chép của triều đại này.  

Đại Nam thực lục, tập 4 chép: “Đó vì xét theo pháp chế, so sánh với lẽ công bình, thì thực không thể không làm như thế được. Nhưng nghĩ lại: nhà nước làm cho dòng đứt được nối, họ mất được còn, truy tôn các triều đại trước như Hùng Vương, Sĩ Vương, An Dương Vương cho đến Đinh, Lê, Lý, Trần cũng có cấp cho tự điền và phu coi mộ để thờ cúng lâu dài. Huống chi các vua triều Lê so với các triều đại trước lại còn trội hơn.” [8]

Nhà nước có vai trò quan trọng trong duy trì và phát huy văn hóa dân tộc, như những ghi chép đã được dẫn ở trên, thì cách nhìn nhận của nhà Nguyễn với triều Hùng Vương, là “triều đại trước”, với tinh thần: “nhà nước làm cho dòng đứt được nối, họ mất được còn”.

Trong những ghi chép từ Đại Nam thực lục, bộ sử này cũng có nhắc về việc chép sử của nhà Nguyễn, xét thời kỳ chính thống đầu tiên là Hùng Vương, Kinh Dương và Lạc Long, với tinh thần “lấy việc ngờ truyền lại việc ngờ”, đây là một tinh thần quan trọng trong việc ghi chép lịch sử thời xưa (dĩ tín truyền tín dĩ nghi truyền nghi), nghĩa là phải ghi chép trung thực cả vấn đề được tin tưởng lẫn vấn đề còn nghi ngờ đã chép trong sử đời trước, không tự ý sửa những chỗ còn nghi ngờ đó để tô vẽ lại lịch sử.

Đại Nam thực lục, tập 7 chép: “Khi ấy các Sử thần làm bộ Việt sử nghĩ tâu: Thể thức phương phép nên viết, quan ở Nội các phần nhiều xin đổi lại. Vua lại sai đại thần là Trương Đăng Quế xét lại. Đến khi tâu lên, vua chuẩn cho lấy Hùng Vương làm vua đầu tiên chính thống (theo lời Sử thần) Kinh Dương và Lạc Long chia chua ở dưới vua Hùng Vương cho hợp với nghĩa “lấy việc ngờ truyền lại việc ngờ”. Từ Ngô sứ quân về trước làm Tiền biên. Đinh Tiên Hoàng trở về sau làm Chính biên (theo lời Nội các bàn); còn việc của An Dương Vương chép phụ vào để đủ khảo xét. Tiêu lên cương trước, chia ra mục sau, đều theo đúng phép chép của Tử Dương [tức Chu Hy].” [9]

4. Kết luận:

Từ những tư liệu đã được khảo cứu và dẫn chứng, có thể thấy trong tâm thức các triều đại Việt Nam, thời kỳ Hồng Bàng, Hùng Vương luôn là cội nguồn của dân tộc Việt. Cội nguồn đó được các triều đại trân trọng, giữ gìn bằng những hành động thiết thực: sử dụng sử sách để chép lại những thông tin đã được người Việt gìn giữ qua bao đời về các thời kỳ này, chăm sóc những di sản từ thời Hùng Vương. Việc trân trọng, gìn giữ cội nguồn đó của dân tộc đã, đang và sẽ luôn là ngọn đuốc dẫn đường để người Việt có thể hướng tới tương lai.

Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Kim Oanh, Về một tấm bia mang niên hiệu đời Trần. Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.347-356). http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=737&Catid=541
[2] Phan Huy Chú & Viện Sử Học. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục, 2007.
[3] Khuyết danh, Đại Việt Sử Lược. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. 1993.
[4] Ngô Sĩ Liên & Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. 1993.
[5] Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. 1976.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 2). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục 2007.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 4). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục 2007.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 6). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục 2007.




VVM.013.3.2024 - Lược Sử Tộc Việt .

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .