Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        




HỘI MỪNG XUÂN

  


T hường những dịp nghỉ ngơi giải trí của người Việt Nam đến vào mùa Xuân. Đây là dịp các làng quê, nhất là tại miền Bắc, có mở hội mừng Xuân. Có làng mở hội về tháng giêng, tháng hai, có làng mở hội về tháng ba, và có một đôi làng, muộn màng mãi tháng tư mới có hội, như làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Tại sao dân ta lại mở hội vào mùa Xuân. Trước hết là để mừng Xuân, để mừng một năm mới bắt đầu, nhưng chính ra cũng vì giêng hai còn chưa bận bịu về mùa màng lắm.

Giêng hai ngày rộng tháng dài!

Và ca dao có câu:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

Thực ra, lúc này lúa chiêm chưa gặt, công việc về mùa chiêm, cày bừa, cấy bón đã hoàn tất từ trong năm, cho đến những ruộng hoa màu phụ cũng đã làm xong, người dân quê được nhà rỗi phần nào.

Quanh năm vất vả, nay mới được dịp nghỉ ngơi chơi đùa, người dân quê rủ nhau đi hội thưởng Xuân, lễ bái Thần, Phật, cầu phúc, cầu may, nhất là các bà, các cô những người tháng này qua tháng khác bị bó buộc bởi công việc gia đình và đồng áng.
Hầu hết các làng đều mở hội mừng Xuân. Có thể nói được rằng trong suốt tháng giêng, ngày nào cũng có làng mở hội, và đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng trống hội vang lừng và bóng cờ ngũ sắc nhởn nhơ bay.

Từ ngàn xưa, người Việt Nam lấy gia đình làm trọng, lấy quây quần đoàn tụ làm hơn, nên trong những khi tiêu khiển ăn chơi, tuy để tìm cái thú cho bản thân, người ta cũng không tiêu khiển ăn chơi riêng rẽ, và trong lúc vui, người ta cũng muốn được vui chung cùng bạn hữu dân làng, cùng kẻ quen người thuộc ở làng trên xã dưới. Bởi vậy, những hội Xuân được mở ra và những hội Xuân đã đáp ứng được mục tiêu khiển chung chạ vậy.

Đã gọi là hội là có sực tụ họp, tụ họp để ăn uống riêng đối với dân làng, vào hàng được dự chốn đình chung và tụ họp để giải trí tiêu khiển qua những trò bách hí đối với tất vả mọi người, người làng cũng như khách thập phương tới xem hội. Những trò bách hí này chính là những trò vui cổ truyền thông thường cho mọi hội Xuân: đánh đu cờ bỏi, đốt pháo, leo dây, múa rối, đánh vật… Và cũng có những trò vui riêng biệt cho từng địa phương, tùy vị thần linh được dân làng thờ phụng, hoặc tùy vị trí địa dư của mỗi làng, mỗi xã: đánh phết, hát quan họ, kéo co, bơi chải, bắt trạch trong chum, đánh cá, săn rừng…

Trong các trò vui có trò thích hợp với người lớn, với người đứng tuổi: tổ tôm điếm, cờ bỏi, thi thơ… và cũng có những trò giải trí dành riêng cho thanh niên nam nữ, những trò vui này bao giờ cũng nhiều và cũng thú vị với tuổi trẻ hơn: đánh phết, đánh trung bình tiên, đánh vật, thi cơm, thi cỗ, bơi thuyền, hát quan họ, hát đúm… Các cụ bà, ngày Xuân đi hội, có thú nghe kể hạnh, xin thẻ…
Mỗi trò bách hí mỗi khác, mỗi khác mỗi thú vị, rất tiếc trong phạm vi tập sách này, muốn kỹ lưỡng đếm từng trò vui cho đủ cả, thật không sao kể cho xuể, bởi vậy, để giúp bạn đọc hiểu qua hội hè nơi đây chỉ xin đơn cử ra ba trò bách hí đầy dân tộc tính để bạn đọc hiểu sơ qua đôi ý niệm về những trò vui ngày hội.

Hát đối.

Hát đối là hai bên nam nữ đối đáp với nhau, bên nọ một câu, bên kia một câu. Có nhiều lối hát đối: hát quan họ, hát ví, hát trống quân, hát dặm, hát đò đưa…

Hai lối hát đối thịnh hành nhất thường được trai gái dùng để hát với nhau trong các ngày hội Xuân là hát quan họ và hát ví.

Hát quan họ. Đây là một lối chơi Xuân thú vị ở vùng Bắc Ninh.

Tương truyền rằng hát quan họ do một vị hầu tước triều vua Lê Cảnh Hưng, quê ở làng Lim, tức là Lũng Giang, huyện Tiên Du, tính đặt ra để mua vui trong lúc tuổi già.

Trai gái, qua những câu hát, tỏ tình và khen ngợi nhau. Lời hát đôi khi thật văn chương bóng bảy, đôi khi thật thắm thiết nồng nàn. Hát quan họ ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, họ hát giọng đôi, hai người chầu miệng vào nhau cùng hát, hai giọng luyện với nhau, tiếng ngâm vang, vun vút, tiếng trầm êm ái như ru!

Hát quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính, các bạn hát vẫn dùng để cùng nhau đối đáp trong những ngày hội. Ba giọng đó là:

Giọng sổng: dùng để dạo giọng lúc bắt đầu. Giọng sổng tiếng ngân vút cao nghe đầm ấm nồng nàn. Đây là giai đoạn đôi bên trai gái dò xét ướm hỏi lòng nhau:

Hôm nay tứ hải giao tình,
Tuy rằng bốn bể như sinh một nhà.
Số anh phải lấy vợ xa
Số em không lấy chồng nhà được đâu.
Đã trót yêu nhau, lấy nhau cho được,
Bõ lòng này rày ước mai ao.

Trên đây là đoạn hát giọng sổng. Lúc hát lên có những khúc đệm y á, y a, hoặc những tiếng được láy đi láy lại để câu hát ăn với âm thanh, và âm thanh ăn với giọng hát.

Giọng vặt: kế sau giọng sổng. Sau khi đôi bên dạo giọng bằng một vài câu hát sổng, là những câu hát giọng vặt để đôi bên gắn bó với nhau. Nếu giọng sổng chỉ có một giọng thì giọng vặt lại gồm rất nhiều giọng: giọng cao, giọng thấp, giọng dài, giọng ngắn, giọng buồn, giọng vui. Gọi là giọng vặt chính là vì vậy, những giọng hát này như vụn vặt, không đồng nhất như giọng sổng. Có khi giọng hát bắt chước tiếng giun dế nghe buồn rầu ảo não.

Những câu hát giọng vặt thường có hai câu đi đôi để đối nhau, bên nọ hát lên, bên kia xướng lại, dù bên hát trước là nam nữ, câu hát cũng dùng được cho cả hai bên chỉ cần thay đổi một vài chữ.

Hai câu hát vặt trên là hai câu hát thường được các bạn nam nữ quan họ hay hát, có khi thay đổi một vài khúc. Cũng có khi thay vì câu hát tỏ tình trên, trai gái cũng với giọng của câu hát, lại hát với nhau những câu tả cảnh:

Ngồi tựa mạn thuyền,
Trăng in mặt nước càng nhìn non nước càng xinh.
Sơn thủy hữu tình,
Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang.
Tay cung đàn,
Tiếng cao réo rắt, tiếng trầm năn nỉ thiết tha.
Tai nghe văng vẳng đường xa.

Như trên đã nói, hát vặt có nhiều giọng. Có cả giọng ngâm thơ. Những bài thơ thường do các cụ đồ nho đặt sẵn cho. Xin chép ra đây một bài làm thí dụ. Cũng như phần nhiều các câu hát quan họ khác, bài thơ chỉ nói đến tình yêu của trai gái:

Biết chăng, chẳng biết hỡi tri âm,
Vấn vít con tơ vận ruột tầm
Khắc khoải sầu tuôn lòng tựa bể,
Bồi hồi dạ nhớ tháng như năm.
Chăn loan bên đắp, bên chờ đợi,
Chiếu nguyệt nửa nằm, nửa biếng thăm.
Một bức tình thư đưa nhạn gửi,
Thấu tình chăng hỡi bạn tri âm.

Giọng bỉ hát sau giọng vặt, để hát lúc chia tay, còn gọi là giọng vỉ.
Giọng bỉ ngân dài, nói lên được sự chua xót của phân ly, sự luyến tiếc của ngày vui sắp hết.
Cũng như phần lớn các câu hát khác của quan họ, những câu hát bỉ đều là những câu lục bát, hoặc song thất lục bát. Có câu lấy ở Kiều ra, có câu lấy ở ca dao, rất phổ biến:

Bây giờ giáp mặt đinh ninh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Hay là người đã nghe ai,
Thả chông đường nghĩa, rắp gai lối tình?

Nội dung câu hát thường là lời căn dặn nhau, bảo nhau nhớ lấy những lời hẹn ước đừng vì khuất mặt xa lời mà quên nhau.
Tuy ba giọng hát sổng, vặt và bỉ là ba thời kỳ của buổi hát nhưng nhiều khi sắp giã từ nhau, hát sang giọng bỉ, có những đám quan họ lại trở lại hát giọng vặt như cố lấy sự lưu luyến của trai gái đang tuổi yêu đương. Giọng vặt một đôi câu, rồi vì ngày hội đã tàn, đêm đã xuống, họ lại chuyển sang giọng bỉ để từ biệt và hẹn hò nhau đến một đám hội khác trong vùng vào một ngày mai sắp tới.
Trai gái trong những ngày hội, gặp gỡ nhau, họ chỉ hát với nhau ba giọng sổng, vặt và bỉ nhưng chính ra hát quan họ còn năm giọng rất khó hát, gọi là năm giọng trên, chỉ hát trong những buổi hát giải.

Hát quan họ là một loại dân ca rất phổ biến tại vùng Kinh Bắc và trong lối hát này cũng có những tục lệ riêng, rất tiếc nói ra e quá dài dòng.

Ngày nay, ở vùng Bắc Ninh trong những buổi họp bạn vui Xuân, người ta vẫn cùng nhau hát quan họ, và ở miền Nam, lối hát này cũng đã được mang vào và thường được trình bày ở truyền hình.

Hát ví

Hát ví là một lối hát đối trong những ngày hội. Hát ví thường chỉ có một giọng. Và trai gái lúc hát với nhau cũng dùng những câu hát đầy yêu đương tình tự. Hát ví không cần hát giọng đôi như hát quan họ. Hát ví có lối hát vận và lối hát đố.
Hát vận tức là hát theo vần, hoặc đúng những câu ca dao có sẵn, hoặc có thể đặt ra mà hát:

Bây giờ ta gặp mình đây,
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
Mây gặp rồng bắt phong bắt vũ,
Cá gặp nước con ngược con xuôi.

Câu hát của trai gái bao giờ cũng chỉ quanh quẩn ở chỗ yêu đương thương nhớ:

Chiếc thuyền nho nhỏ, ngọn gió hiu hiu,
Nay nước thủy triều, mai lại nước rươi.
Sông sâu sóng cả em ơi!
Chờ cho sóng lặng, buồm xuôi ta xuôi cùng.
Trót đem nhau vào kiếp bềnh bồng,
Xuống ghềnh, lên thác ta quyết một lòng cho ngoan
Giang hồ khoan lại hò khoan.

Trong những câu hát ví, trai gái thường thử tài nhau, họ dùng những câu hát đố để đố lẫn nhau
Hát đố để đố về một địa hát, có khi là văn chương lịch sử, có khi là những điều thông thường. Họ đố nhau để biết tài mẫn tiệp của nhau. Một bên đố, bên kia tất nhiên phải trả lời. Thí dụ câu đố:

Cái gì nó bé nó cay,
Cái gì nó bé nó hay cửa quyền?

Có câu đố tất phải có câu trả lời:

Hạt tiêu nó bé nó cay,
Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền.

Những câu đố thường là những câu có sẵn, nhưng cũng có những cặp trai gái nhanh trí, hát nhiều, quen đặt những câu lục bát, họ tự đặt câu đố mới để bạn hát phải trả lời.

Đi hội, được hát đối với nhau, đó là cái thú của nam nữ thanh niên. Câu hát, lối hát thay đổi tùy từng địa phương với những danh hiệu khác nhau, hát hò, hát dặm, hát phường, hát ví, hát quan họ…. Nhưng tựu trung vẫn chỉ là những lối hát để trai gái trao tình cùng nhau.

Việc trao tình này, tuy đi ngược lại đường lối nam nữ thụ thụ bất thân của đạo đức, nhưng chính ra xã hội Việt Nam không hề bao giờ ngăn cản. Nhiều bà cụ già còn như xúi giục con trẻ để chúng tìm gặp, hát hỏng với nhau. Phải chăng đây cũng là một lối trả thù lại sự quá khắc nghiệt của nền luân lý Đông phương, phát nguyên từ Trung Hoa, khi du nhập vào ta chỉ được hoàn toàn dung nạp bởi một lớp người quyền quí, còn đối với giới bình dân, sự áp dụng đã chịu nhiều kém sút!

Đánh đu

Rún đu là một thứ say mê của trai gái đồng quê cũng hát lối vậy tại hầu hết các hội hè miền Trung du miền Bắc, bao giờ cũng có cây đu cho trai gái vui Xuân dắt nhau tới rún.
     Đu thường trồng trên một thửa đất đã vỡ màu, cạnh đình làng hoặc chùa làng.
Cây đu của ngày hội được trồng từ trong năm, vào khoảng 25, 26 tháng chạp, sau ngày lễ Tất niên, bao giờ các cụ trong làng cũng nghĩ tới cây đu của hội cho đám thanh niên. Các cụ ra lệnh cho tuần tráng đi đẵn tre trồng đu. Họ chọn những cây tre đực thật khỏe, đủ chịu đựng được sức rướn của từng cặp, có khi một trai một gái, có khi là hai gái hoặc hai trai.
     Cây đu trồng bằng tám cột tre, đứng sừng sững trên đám ruộng. Tám cột tre gioãng ra hai phía, mỗi bên bốn cột. Chỗ ngọn đu, tám cột lồng vào nhau bởi một chiếc ngáng đu, có vặn rơm để giữ những cây tre siết chặt vào nhau. Bàn đu lơ lửng, thõng xuống, do hai thân tre khác giữ treo lên ngọn đu. Đỉnh ngọn đu bao giờ cũng có mấy lá cờ đuôi nheo phất phới, biểu hiện cho hội hè, đình đám mùa xuân.
Trai gái trong làng, nhân ngày hội đua nhau thả sức đu, người trước kẻ sau. Họ cùng nhau rướn đu, đu lên bổng, quần áo, nhất là dây lưng của họ lả lướt như đùa gió. Có những đôi trai gái cùng nhau say sưa trên bàn đu, càng rướn, đu càng lên bổng, càng thấy thú vị, trong khi ở dưới đất, hai bên tám cột đu, những bọn trai gái khác nghển cổ lên nhìn như thèm muốn, chờ đợi lượt mình lên cây đu. Khi một cặp đánh đu thôi không rướn, họ cùng nhau ôm chặt lấy gióng tre của cần đu để từ từ hạ thấp và không văng mạnh nữa. Một người chạy ra bắt lấy đu, cặp trên đu bước xuống, một cặp khác lên thay.
     Ca dao có câu:

Rún mình như thể rún đu
Càng rún càng dẻo, càng đu cang mềm.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có bài thơ về cây đu:

Tám cột khen ai khéo khéo trồng
Người thời lên đánh, kẻ nhòm trông.
Trai đu gối hạc, khom khom cật,
Gái uốn lưng cong, ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi Xuân ví biết Xuân chăng tá,
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Đánh vật

Trong các môn du hí của ta, có rất nhiều môn nặng tinh thần thượng võ, trong số đó ta phải kể môn đánh vật. Vật là một môn du hí, nhưng cũng lại là một môn võ tự vệ mà các tay đô vật luyện tập để trong những trường hợp cần dùng đến thì đem ra ứng dụng.
Đây là một môn du hí mà chúng ta dùng để giải trí trong thời bình, nhưng được ứng dụng trong thời loạn. Trước đây hầu hết các thanh niên đồng quê đều có tập sơ qua một vài miếng vật. Có nhiều làng có những đô vật có tiếng như Chung Màu, Yên Xá tỉnh Bắc Ninh, Vị Thanh, Lầm, Dịch Đồng… tỉnh Vĩnh Yên, Mai Động tỉnh Hà Đông…
Đã đành rằng khi vật phải dùng sức, nhưng sức khỏe không đủ, cần biết nhiều miếng để ngáng, để đội và để quật ngã đối phương. Lệ vật muốn thắng phải vật đối phương cho ngả ngửa trắng bụng ra, hoặc đội bổng được đối phương lên.
Các đô vật khi dự vật chỉ đóng một chiếc khố.
Vật là một môn rất được hoan nghênh tại các hội quê.
Trước khi dự vật, hai đối thủ phải làm lễ thần linh. Bãi vật thường ở trước đình hoặc đền. Khi làm lễ, các đô vật đứng nguyên ở bãi vật với chiếc khố, vái vọng vào đình hoặc đền.

Lên đài.

Hai đối thủ sắp giao đấu cũng phải làm lễ, rồi cùng lên đài, múa tay co chân, lượn quanh sàn vật để rình miếng nhau. Trong lúc lên đài họ lừa nhau, và sau một hồi rình nhau, họ xông vào ôm lấy nhau, cố vật cho được nhau ngã xuống hoặc đội được nhau lên.

Lúc vật.

Trong lúc đôi bên vật nhau, các cụ ngồi mé trên đình đánh trống cái, còn tuần đinh cầm trống bưng đánh sát ngay bên tai các đô vật, nửa như thúc giục, nửa như khuyến khích. Lại có một anh tuần đinh cầm ngọn cờ, phất lên phất xuống một khi kết liễu một trận vật.
Người cầm cờ cũng múa cờ để gạt các khán giả khi họ đứng sát quá vào sàn vật.

Vật giải.

Các hội Xuân có tổ chức vật đều có treo giải, thường có ba giải chính, ngoài ra có những giải hàng tặng cho các đô vật trước khi có lệnh phá các giải chính. Khi vật các giải chính, có các cụ trong làng chủ tọa và chứng kiến.
Mỗi khi có một cuộc phá giải chính xong, dân làng thường đốt pháo, một bánh pháo toàn hồng để mừng đấu sĩ chiến thắng.
Lúc vật, nếu lực sĩ nào bị lỡ miếng, liền nằm bò sát mặt đất mặc cho đối phương vần, đối phương không bốc được đấu sĩ vật ngửa ra thì không thắng, và võ sĩ nằm bò này nhỏm dậy khi đối thủ hở cơ.
Người dự xem vật nhiều khi hồi hộp như chính mình là đấu sĩ, và các tay đô vật, trước trăm nghìn con mắt nhất là những con mắt của giai nhân ai cũng cố công cố sức để thắng đối phương.
Các giải vật dân làng treo ra thường có người tới giữ giải. Người giữ giải phải giữ luôn trong thời gian làng ấn định, thường là thời gian của hội làng, ba ngày ở hội làng Mai Đông, nơi có đền thờ bà Lê Chân, nữ tướng của Hai Bà Trưng.
Trong suốt thời gian giữ giải, nếu không bị vật thua, người giữ giải được lĩnh giải. Người nào vật ngã người giữ giải sẽ thay thế người đó để giữ giải cho đến hết hôm tan hội.
Theo tục lệ, muốn được các giải chính, thì:

         - Giải nhất trong sáu ngoài năm.
         - Giải nhì trong năm ngoài bốn.
         - Giải ba trong bốn ngoài ba.

     Nghĩa là ở giải nhất, người giữ giải phải thắng luôn sáu keo, còn người phá giải chỉ cần thắng năm keo; ở giải nhì người giữ giải phải luôn năm keo, còn người phá giải phải thắng luôn bốn keo; và ở giải ba, người giữ giải phải thắng luôn bốn keo và người phá giải phải thắng luôn ba keo.

Những cuộc giật các giải chính bao giờ cũng sôi nổi, gay gắt, các đô vật lừa nhau từng miếng, người xem, ở ngoài, cũng thấy thú vị. Thi sĩ Bàng Bá Lân trong bài thơ Vô địch đã tả về đánh vật rất linh động.

Thú đánh vật ngày nay không thấy ở miền Nam, nhưng ở miền Bắc, cho đến hồi tiền Genève, các làng có nghề vật, dân chúng vẫn cùng nhau luyện tập môn du hí này. Hiện nay, ở miền Nam thay vì đánh vật, có xuất hiện những môn võ mới.

Bơi thuyền.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy dân tộc Việt Nam đã bao phen đụng chạm với ngoại tộc, và trong những cuộc đụng chạm binh đao, chúng ta có trận được trận thua, nhưng cái được sau cùng bao giờ cũng vẫn là của chúng ta. Giao phong với địch, chúng ta có đánh bộ, có đánh thủy, và ở thủy cũng như ở bộ, chúng ta đã ghi được những chiến công oanh liệt, đã khiến cho giặc dù mạnh cũng đã nhiều phen thất đảm.

Không nói tới những trận nhỏ như trận Hàm Tử, trận chương Dương, trận quân chúa Nguyễn đánh chiến thuyền Hòa Lan, chúng ta chỉ nhớ mấy trận thủy chiến oanh liệt nhất của ta là hai trận Bạch Đằng; trận thứ nhất của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, giết thái tử Hoằng Thao, trận thứ hai của Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên, phá tan lực lượng của thái tử Thoát Hoan.
Tổ tiên của chúng ta đã giỏi về thủy chiến, tất nhiên con cháu phải tập tành để biết sử dụng chiến thuyền khi hữu sự. Do đó có tục thi thuyền tại các hội Xuân ở những làng ven sông nước.

Thi thuyền có nhiều lối, có nơi thi thuyền nhỏ, có nơi thuyền lớn; thi thuyền nhỏ dùng một hai bơi chèo; thi thuyền lớn dùng nhiều bơi chèo. Lề lối bơi thuyền cũng tùy nơi, nhưng điểm chính vẫn là bơi làm sao cho đều tay để thuyền đi nhanh và tới đích trước.
Trong những cuộc thi thuyền lớn, mỗi chiếc thuyền thường có một đôi tay bơi, mỗi người một chiếc bơi chèo, có người đứng đầu thuyền đánh trống cầm nhịp và có người đứng đuôi chuyên giữ lái cho thuyền đi.
Có nơi thay vì dùng bơi chèo, mỗi người đều bơi bằng một chiếc đĩa.

Ngày nay hàng năm vào ngày hội đền Ba Vua, ba an hem vua Tây Sơn, ở làng Kiến Mỹ, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, mồng 5 tháng giêng thường có tổ chức thi bơi thuyền.
Và ở nhiều nơi khác, gần sông, gần biển, dân chúng cũng thường tổ chức những cuộc thi bơi ghe, bơi chải.

Thả chim thi.

Chim bồ câu là một loại chim rất khôn và rất nhớ chuồng, dù mang nó đi đâu xa, thả chúng, chúng cũng định được hướng để tìm về chuồng cũ. Người xưa thường dùng chim bồ câu để đưa thư trong những trường hợp đi xa muốn gửi tin về nhà.
Tục chơi chim bồ câu thi của ta xưa căn cứ vào tính nhớ chuồng của loài chim, và ở các hội Xuân vẫn có tục thả chim thi.
Mỗi đàn chim bay thi chỉ được phép có mười con, không hơn, không kém.
Trong những hội có thi chim, các tay chơi chim mang đàn chim của mình tới dự.
Nuôi chim thi rất công phu, không nên để nó ăn béo quá, mà phải cho nó ăn chắc để có sức bay cao. Chim thi phải bay thật cao, và phải bay gọn mới được giải. Thường có ba giải cho ba đàn chim bay cao nhất.
Mỗi hội có thả chim thi, thường có tới năm bảy chục đàn chim tới dự. Ban tổ chức bốc cho mỗi đàn chim một số rồi lần lượt các đàn chim được thả bay lên.

Trong lúc những đàn chim được mở lồng để bay ra, người chủ đàn chim khe khẽ nâng lồng để đàn chim vụt bay lên, thì ban tổ chức cuộc thi cho thúc trống cửu liên để những đàn chim nghe tiếng trống phải vội vã bay tuốt lên cao.
Những người xung trong ban hội đồng định giải cùng là những người nuôi chim, biết chơi chim, biết thả chim và hiểu chim.
Họ ngồi chung quanh một chiếc bàn, thường là bàn tròn, trên có để một mâm thau đựng nước để cùng nhìn bóng những đàn chim đang bay ở trên trời, trong đó. Họ nhớ rất tài tình, và đàn chim nào số nào, không bao giờ họ lầm, do đó không bao giờ có sự khiếu nại của các chủ đàn chim.

Muốn được giải, đàn chim phải bay cao và phải bay tròn đàn. Người ta gọi đó là đàn chim văn thượng. Có những đàn chim liên tam trúng, ba ngày dự giải ăn cả ba.

Có nhiều đàn chim vừa được thả ra là bay vọt lên cao, nhưng lên đến trên cao, một con bật ra đằng sau không theo kịp đàn. Nếu con chim này không cách xa đàn mấy, đàn chim ấy gọi là trung chính, thượng tiểu tùy. Nếu con chim cách xa đàn nhiều, đàn chim gọi là thượng đại tùy.

Có đàn chim lên thật cao, bay tròn trông nhỏ như chiếc đĩa thành trúc mới định hướng bay về chuồng. Đàn chim bay cao đến không nhìn thấy đuôi, gọi là tít đuôi. Chim bay trước gọi là tiên hành.

Khi đàn chim bay còn đang thấp đã tìm hướng về chuồng gọi là trung khứ. Đàn chim bay thưa gọi là sơ, đàn chim bay dài gọi là tràng.
Nuôi chim thi là cả một nghệ thuật. Chủ đàn chim thường có con mắt kén chim rất tinh. Bên ngoài lông cánh là cào, bên trong là bị. Cào nhọn thì chim bay cao, bị to thì đàn đen.
Mình con chim có điểm những lấm tấm đen gọi là rợi, có lông trắng ở phao câu gọi là bạc phao.
     Hội thả chim thi xưa rất vui.

Với tục thả chim, tôi xin chấm dứt những trò bách hí của các hội Xuân, mặc dầu như trên đã nói, những trò vui này rất nhiều, và ở mỗi hội Xuân lại có những trò vui khác nhau dưới hàng trăm hình thức.

* theo nguyên bản do bà Tường Uyển, ái nữ cố tác giả, đã chuyển từ Gò Vấp SàiGon




VVM.15.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com