T háng 10 năm Mậu Thân (1788), vua Càn Long nhà Mãn Thanh (nay là Trung Quốc) nghe lời tâu của Tôn Sĩ Nghị Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây nằm sát biên giới phía Bắc nước ta), căn cứ theo lời cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, đã cho khởi binh bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam chia làm ba đạo thực hiện cuộc xâm lược quy mô với âm mưu chiếm đóng Đại Việt.
Đang ở Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định sau khi ra Bắc phù Lê diệt Trịnh xong, được báo cáo và thông tin đầy đủ về cuộc xâm lược quy mô và đã chiếm đóng kinh đô Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội) của triều đình Mãn Thanh, Nguyễn Huệ lập tức hội bàn với các tướng sĩ việc đem quân ra Bắc Hà đánh đuổi quân Mãn Thanh.
Ngày 25/11/1788 năm Mậu Thân, tướng Nguyễn Huệ sai đắp đàn ở núi Bân để khấn trời và tổ tiên các đời tiên đế rồi đọc Chiếu lên ngôi vua. Chiếu có đoạn: “Trẫm là người áo vải Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm phải tập họp nghĩa binh, mặc áo tơi, đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ Hoàng đại huynh (Nguyễn Nhạc) rong ruổi việc cung, mã, cố ý quét sạch loạn lạc, cứu dân trong lòng nước lửa. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê mà chỉ trong mong vào trẫm”.
Sau đó, vua Quang Trung tức Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tự mình thống lĩnh thủy, bộ đại binh tiến ra Bắc Hà đánh quân nhà Thanh. Khi ra đến Nghệ An, vua Quang Trung cho dừng lại 10 ngày để tuyển quân, tất cả được 10 vạn quân và 100 con voi chiến. Tại Trấn doanh Nghệ An, vua Quang Trung mở cuộc duyệt binh lớn để biểu dương lực lượng và truyền dụ quân sĩ phải ra sức đánh giặc cứu nước. Rồi ông lại truyền dụ quân sĩ: “Quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta, hiện đang ở kinh thành Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ trời này, sao ai nấy đều không phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị?
Từ đời Hán tới nay, bọn chúng mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân chúng, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng đuổi bọn chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ nhìn bọn chúng làm những điều tàn bạo nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc.
Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi yên lặng, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời Minh đến nay, dân ta không đến nỗi khổ như hồi Bắc thuộc xưa kia. Mọi việc lợi hại, được hay mất, ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Việt ta, đặt làm quận huyện không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi bọn chúng”.
Ngày 20/12 năm Mậu Thân (1788) đại quân Tây Sơn đến núi Tam Điệp thì hai tướng Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm kể chuyện quân Thanh thế mạnh sợ đánh không nổi nên phải lui về giữ chỗ hiểm yếu. Vua Quang Trung đánh giá cao về việc rút quân chiến lược của hai tướng và nói: “Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi… Ta ra chuyến này đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn, gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi 10 năm nữa nước ta dưỡng được sức, phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa”.
Như vậy, trong lời dụ tướng sĩ vua Quang Trung đã nói lên quyết tâm sắt đá đánh tan quân Mãn Thanh để giữ yên nước Đại Việt và tính việc ra tay đánh phủ đầu trước, rồi sau sẽ tính thương lượng, chớ không thể ngồi chờ cho ta mạnh mới đánh hay thì không biết bao giờ mới đủ mạnh để đánh chúng. Ta sức yếu, địch sức mạnh nhưng phải đánh để giành thế chủ động và để ngăn chặn bọn cướp nước dừng tay. Nếu ta cứ ngồi yên kêu gọi thì biết bao giờ chúng nghe. Cổ ngữ có câu: “Biết đủ thì là đủ. Chờ đủ thì biết bao giờ đủ”. (Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc). Vua Quang Trung đã có lý và có mưu hay nên thắng quân Mãn Thanh, khiến cho triều đình phong kiến mang đầy tính chất đại hãn cậy thế ỷ quyền mà hiếp đáp kẻ yếu của phương Bắc, phải chấm dứt nuôi mộng xâm lấn nước ta nữa.
Sau khi tập hợp dân quân đầy đủ và đề ra kế hoạch chặt chẽ với chiến thuật đánh quân Mãn Thanh giải phóng kinh đô Thăng Long, ngày 30/12 năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ hùng dũng kéo đại quân ra Bắc, đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ và tiếp quân, tiếp vật phẩm, tiếp cả tâm huyết để nhất quyết thắng được ngoại xâm đang giày xéo quê hương, hãm hiếp đồng bào ta của quân Mãn Thanh. Lúc đó, khắp nơi đều truyền miệng bài thơ đánh giặc như sau:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri nước Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Dịch nghĩa:
Hai câu đầu nói quyết tâm đánh giặc để bảo vệ nền văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc (truyền thống nhuộm răng đen), nếu không thì bị đồng hóa. Hai câu giữa nói quyết chí tiêu diệt địch khiến cho giặc không còn manh giáp, không một chiếc xe nào trở về nước. Câu cuối có nghĩa: đánh cho chúng biết lịch sử nước Nam anh hùng là có chủ. Một ngàn năm trôi qua, dân tộc Việt Nam vẫn vùng lên giành độc lập, tự do, bảo vệ thống nhất đất nước.
Vua Quang Trung đã hạ quyết tâm với tướng sĩ làm lễ xuất quân tại Nghệ An vào ngày 30 tháng chạp: định ngày 7 tháng giêng (lễ hạ nêu) sẽ vào kinh thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng Tết Nguyên Đán. Nhưng chỉ mới sáng ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789, đại quân ta đã tới Ngọc Hồi (nay là phía nam Khương Thượng) sau khi tiêu diệt cứ điểm của giặc ở Hà Hồi (nay là Thường Tín). Đề đốc Hứa Thế Hanh và tiên phong Trương Sĩ Long tử trận. Quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đóng quân ở Đống Đa (nay là quận Đống Đa – Hà Nội) bị quân ta bao vây không lối thoát phải thắt cổ mà chết. Tôn Sĩ Nghị đang ở trong kinh thành nghe tin vội vã đem mấy kỵ binh chạy qua cầu phao sông Nhỉ Hà (Hồng Hà) để trốn thoát và ra lệnh cắt dây cầu phao để cản hậu khiến cho hàng vạn quân Thanh bỏ xác dưới sông Hồng.
Khắp nơi trên con đường chạy trốn, bọn chúng bị quân ta đánh tơi bời, và bị tiêu diệt gần hết. Số sống sót phải luồn rừng, lội suối, phải vứt bỏ các sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân. Có một tên quan chạy theo Tôn Sĩ Nghị thú nhận: “Tôi với Chế Hiến (tức Tôn Sĩ Nghị) đói cơm, khát nước, không kiếm đâu ra được ăn, uống cứ phải đi suốt 7 ngày đêm mới đến trấn Nam Quan (nay là cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn). Đạo quân của Vân Nam và Quý Châu đóng ở địa phận Sơn Tây nghe tin quân, tướng Tôn Sĩ Nghị đã thua cũng rút chạy về Tàu. Vua Quang Trung sai quân tướng của Đô đốc Lộc đem binh đuổi đánh quân Thanh đến cửa Nam Quan. Những dân chúng Tàu ở gần Lạng Sơn khiếp sợ, dìu dắt nhau chạy về Tàu.” (Việt Nam Sử lược – NXB Văn hóa Thông tin – 1999, trang 400).
Tác giả De La Bissachère khi viết về Đông Dương đã nhận xét: “Quân nhà Mãn Thanh bên Tàu do tướng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đem 29 vạn quân sang đánh Việt Nam năm 1788 đã bị quân Tây Sơn tiêu diệt hoàn toàn. Quân nhà Thanh chạy về Trung Quốc còn bốn năm chục người”. (Diễn biến lịch sử 1.000 năm – Nguyễn Thu Cờ, Hội đồng hương Hà Nội, trang 374). Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971 đã nhận xét: “Đó là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc kháng chiến là trong thời gian ngắn nhất, dân tộc ta đã phát huy tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất của mình, đập tan mưu đồ cướp nước của nhà Thanh được bè lũ phong kiến phản động trong nước hiệp sức, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng. Một trong những mưu đồ xâm lược lớn và nguy hiểm nhất của phong kiến phương Bắc đối với đất nước ta bị bẻ gãy bởi một đòn trời giáng”.(trang 357).